Tháng Mười Một, những cơn mưa rơi ồ ạt không ngừng nghỉ.
Năm nào cũng vậy, bầu trời hút nước lên trong suốt một năm, rồi để dành đến cuối năm trút xuống một lượt.
Mưa đã bắt đầu từ giữa tháng Mười, đến nay đã gần ba tuần mà vẫn còn nặng hạt.
Nước tràn ngập khắp nơi khi mưa chỉ vừa rơi được vài ngày, và cứ thế mỗi lúc một dâng lên.
Từ những góc tường tận trong cùng của con xóm, nước mưa chảy thành dòng đổ ra ngoài đường lớn.
Những nhà có bậc thềm cao thì còn tốt, chỉ có những tia nước bắn lên cánh cửa, đọng thành giọt rồi lại rơi xuống dòng chảy bên dưới.
Còn những nhà có bậc thềm thấp ngang mặt đường như nhà tôi thì nước mưa tràn ngập vào tận bên trong.
Dù đã chặn vài bao cát ngoài cửa, mặt nước trong nhà tôi vẫn không ngừng dâng lên, ngập đến cổ chân.
May mắn là tôi đã kịp vớt đôi dép của mình trước khi nó chuẩn bị trôi theo dòng nước.
Sau khi tát được một ít nước ra ngoài, tôi lại phải chạy lên gác xem thế nào.
Qua những lỗ thủng trên mái nhà, nước mưa cứ rơi xuống không ngừng.
Từng giọt, từng giọt rơi vào những cái thau được lót giẻ bên trong, những tiếng lộp độp hòa vào tiếng mưa rào rào bên ngoài, và tiếng lầm rầm trên mái.
Bốn bức tường, chỗ nào cũng bị mưa thấm qua, làm màu của lớp vôi đậm lên trông thấy.
Cánh cửa sổ bị gió thổi kêu lạch cạch không ngừng, nhưng nó vẫn kiên cường ngăn không cho những hạt mưa bay qua song cửa.
Tôi lấy tấm giẻ đã ướt nhẹp trên khe hở chỗ cửa sổ và nhét một tấm giẻ khác vào.
Tôi đổ hết nước trong những cái thau vào một cái duy nhất, nước mà ngập cao hơn mấy cái giẻ thì lại bắn ra khắp nơi.
Đem cái thau xuống dưới và đổ ra dòng nước bên ngoài cửa, tôi thả nó xuống giữa nhà.
Nhìn cái thau trôi bập bềnh trên mặt nước, tôi chợt nhớ lại ánh mắt của anh Tư đã từng nhìn tôi, khi tôi gấp thuyền thả đầy nhà cũng trong một ngày mưa lớn như thế này.
– Thôi kệ đi con, – Mẹ tôi nói, bưng tô cơm từ dưới bếp lên đưa cho tôi – Có tát bao nhiêu thì cũng không hết được, chờ hết mưa là nó tự rút thôi.
Ăn cơm đi rồi còn học bài.
– Dạ.
– Tôi đón lấy tô cơm rồi ngồi ăn trên bậc thang.
Mẹ tôi cũng ôm một tô cơm như vậy, ngồi trên chiếc ghế dài bằng gỗ đặt kế bên cửa ra vào.
Trời mưa nên chẳng dọn dẹp gì hết, mỗi người một cái tô như vậy cho khỏe.
Sau khi ăn hết phần cơm của mình, tôi rửa chén rồi lên gác học bài.
Chỗ cái bàn học của tôi cũng bị dột, năm ngoái ba tôi đã trám lại cái lỗ đó, nhưng giờ thì lại xuất hiện một cái lỗ khác cách chỗ cũ chỉ năm cen-ti-mét.
Mặt bàn đã bị một cái thau lớn chiếm giữ, tôi lấy sách vở ra một góc nhỏ để học, cả căn gác cũng bị mấy cái thau chiếm gần hết chỗ.
Đến giờ đi ngủ, tôi giăng mùng bên ngoài một cái thau, đặt một tấm giẻ lớn lên trên rồi lấy cái thau ra, sau đó mới trải chiếu bên trong.
Nằm nghe mưa rơi, tôi lẩm nhẩm lại bài học trong miệng rồi chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, tiếng quét nước bằng chổi xương làm tôi tỉnh giấc.
Tôi dụi mắt và nhìn về phía cửa sổ, những tia nắng dịu nhẹ đã trở lại sau bao ngày mất tích.
Bên ngoài, tiếng mưa rơi đã không còn, tôi kéo tấm giẻ ở khe cửa sổ xuống, vắt khô rồi giắt lên song cửa, sau đó mở cánh cửa ra một cách từ từ.
Những giọt nước mưa còn sót lại trên cửa sổ rơi xuống theo quán tính, làm ướt bàn tay tôi, sáng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai.
Nhìn bầu trời trong xanh không một gợn mây, tôi thích thú hít thở mùi hương của sự ấm áp ngắn ngủi.
“Rồi trời sẽ lại mưa sớm thôi” – Tôi nghĩ.
Thỉnh thoảng sẽ có vài ngày nắng hiếm hoi như thế này, nhưng sau đó trời sẽ lại mưa lần nữa, cho đến tận tháng Mười Hai, hoặc thậm chí đến tháng Một năm sau.
“Tíc tíc tíc tíc” – Tiếng kêu của cái đồng hồ báo thức vang lên, tôi tắt đi rồi tranh thủ lấy quần áo ra phơi.
Tôi đi xuống dưới và thấy sàn nhà đã được lau sạch sẽ và khô ráo.
“Chắc mưa tạnh lúc nửa đêm, trước khi mẹ tôi đi chợ” – Tôi đoán.
Sau khi đánh răng, rửa mặt và ăn sáng xong, con Vy cũng vừa đến.
Mặc lại bộ đồng phục đã ba ngày chưa giặt, tôi ngửi thấy có chút mùi mồ hôi đang lên men, nhưng cũng đành chịu.
Tôi chỉ có hai bộ đồng phục, và một bộ thì đang lắc lư trên cây phơi đồ.
Nhìn đồng hồ, tôi chỉ mới đem đống quần áo ra phơi được có ba mươi phút, nhưng vẫn phải lấy hết tất cả vào.
Tôi không dám chơi trò đỏ đen với thời tiết, bởi trước giờ tôi chỉ toàn đen chứ chưa lần nào thấy đỏ.
Cái nắng dìu dịu của ban mai chẳng giúp đống quần áo khô được bao nhiêu, nhưng có còn hơn không.
Cho tới khi tôi đi học về, trời vẫn còn nắng chang chang.
“Thôi kệ, biết đâu mình không đem quần áo vào thì trời lại mưa” – Tôi tự an ủi.
Mùi tóc thơm của con Vy thoang thoảng qua mũi khiến tôi vui hơn một chút.
– Ê, nếu tối nay không mưa thì đi chơi nha.
– Con Vy nói.
– Ừm, mấy giờ?
– Tầm sáu rưỡi, bảy giờ tao qua.
– Ờ.
– Tôi gật đầu.
“Sáu rưỡi, bảy giờ” của con Vy thường là “bảy giờ”, nhưng lúc tôi chắc rằng đó là “bảy giờ” thì đáp án của nó lại là “sáu rưỡi”.
Hầu như lúc nào một trong hai người chúng tôi cũng phải đợi người còn lại, và thường thì người đó là tôi.
Những lúc phải đợi tôi, nó lại cằn nhằn, và chúng tôi cũng cãi nhau vài lần về chuyện giờ giấc.
Nhưng sau khi nghe mẹ tôi kể chuyện về ba, tôi không bao giờ chọn “bảy giờ” hay cãi nhau với nó nữa.
Mẹ tôi kể hồi hai người mới quen nhau, bà thường thử lòng ba tôi bằng cách hẹn ông từ rất sớm và bắt ông phải đợi, còn hai chị em bà thì đứng sau ô cửa sổ nhìn ra ngoài xem thế nào.
“Bà ngoại con vẫn thường dặn chị em mẹ rằng chỉ nên chọn người đàn ông biết kiên nhẫn với mình” – Mẹ tôi nói – “Tiền bạc hay vẻ bề ngoài cũng chỉ như những món đồ trang sức, mà trang sức đeo trên một khúc gỗ thì chẳng có ý nghĩa gì”.
Tôi có cảm giác hình như mẹ đã hiểu hơi sai về lời căn dặn của bà ngoại, nhưng không muốn nói ra.
Thế là trong suốt nửa năm, mẹ bắt ba tôi phải đợi như vậy, nhưng chưa bao giờ ông kêu ca hay bực dọc.
Ông vẫn yêu thương mẹ tôi bằng tất cả những gì ông có, dù khi đó ông cũng chẳng có gì.
Một lần, mẹ tôi lại hẹn ông như vậy, nhưng bà ngoại tôi đột nhiên bị bệnh nên cả nhà đều đi hết ra trạm xá.
Mẹ tôi phải ở lại chăm sóc bà ngoại và quên luôn cuộc hẹn của mình.
Sáng hôm sau khi về nhà, bà mới thấy ba tôi ngồi dựa lưng vào bức tường rào bên ngoài và ngủ gục ở đó, dưới gốc cây táo.
Ba tôi cũng sợ ma lắm, nhưng vì mẹ tôi mà ông chẳng còn sợ gì nữa.
Thế là hai tháng sau, khi bà ngoại tôi đã khỏe lại, ba tôi mang trầu cau qua hỏi cưới mẹ tôi và được mọi người đồng ý.
Nhưng trước ngày đám cưới diễn ra, chiến tranh ập đến, mọi người lạc mất nhau.
Mẹ tôi từ con gái của một gia đình khá giả trở thành một người lang thang không nơi nương tựa, và phải may mắn lắm mới có thể sống sót trong thời loạn lạc.
Bà được một gia đình nông dân cưu mang và giúp họ làm đồng để kiếm cái ăn qua ngày.
Khi ấy, mẹ tôi vẫn là một cô gái xinh đẹp nên có nhiều thanh niên gần đó muốn được kết duyên cùng, nhưng bà từ chối tất cả.
Nhiều mùa xuân qua đi, tuổi trẻ và nhan sắc của bà cũng dần phai đi, mấy bà mai mối cũng chẳng buồn nhắc đến bà nữa.
Mẹ tôi tưởng rằng sẽ ở vậy cả đời, nhưng cuối cùng thì ba tôi cũng tìm thấy bà, và hai người bên nhau cho đến tận bây giờ.
Còn rất nhiều chuyện về ba tôi nữa, và mỗi câu chuyện đều cho thấy ba thương mẹ tôi đến mức nào.
Mẹ tôi vẫn thường hay “khoe” mấy chuyện đó với chị Nhã và dặn dò mấy anh em tôi phải giống như ba, không được bỏ rơi người con gái của mình.
Nhìn vẻ bề ngoài lúc nào cũng nghiêm khắc và lạnh lùng của ba, tôi chưa bao giờ nghĩ ông lại dịu dàng đến thế.
Nhưng chắc chỉ có mỗi mẹ tôi là được thưởng thức sự dịu dàng đó của ông.
Đối với chúng tôi, ông toàn nghiêm khắc thôi.