Xe đến Chiềng Khoa khi trời đã xế chiều. Những con dốc 12% và khúc cua
gấp liên tiếp trên đường khiến tất cả mọi người đều gần như kiệt sức.
Đám sinh viên nam lúc đi còn hăng hái trêu chọc cười nói, giờ chỉ im
lặng bốc dỡ những đồ đạc cồng kềnh khỏi xe rồi ngồi phịch xuống ngay bên cạnh. Đám sinh viên nữ lả đi như tàu lá héo, nếu không túm tụm vịn vào
nhau chắc đã ngã lăn ra đất. Ngay cả anh chàng cán bộ của huyện đoàn đi
cùng cũng không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Vừa vặn người kêu răng rắc, anh ta
vừa hất mặt về phía trước, nơi có một dãy nhà cấp 4 quét vôi vàng đóng
cửa im ỉm.
– Kia là trụ sở uỷ ban. Giờ này chắc chủ tịch xã đang ở ngoài suối, để tôi đi gọi.
Lát sau, anh ta quay lại với một người đàn ông đứng tuổi, quần xắn tận
bẹn lộ hai cẳng chân khẳng khiu, tay xách cái lưới còn ướt sũng. Trong
lúc chủ tịch xã kiêm ứng cử viên cho vai cao thủ ngư võng trận pháp
trong phim chưởng, cán bộ huyện đoàn và thầy trưởng đoàn vào trong trụ
sở để xem xét giấy tờ kế hoạch cũng như hương vị của loại chè Tô Múa đặc sản địa phương, đám sinh viên tập hợp, chỉnh đốn đội ngũ, dưới sự giám
sát của một người khác. So với thầy trưởng đoàn, người này trẻ hơn, gầy
hơn, dễ gần hơn (với đám con gái thì còn phải đưa thêm một so sánh nữa:
đẹp trai hơn) nhưng không kém phần nghiêm khắc. Câu chuyện rỉ tai rúc
rích suốt mười tiếng dọc đường khiến ai cũng biết đó là Đăng, sinh viên
vừa tốt nghiệp của trường và giảng viên tương lai của khoa.
Đứng trước những ánh mắt còn chưa mấy nể phục của đám đàn em vừa qua năm thứ nhất, anh chỉ nói rất ngắn gọn yêu cầu tất cả thu xếp hành lý và
chỉnh đốn trang phục để chuẩn bị đi bộ xuống bản rồi cúi xuống chằng
buộc lại đống nồi niêu cuốc xẻng và mấy thùng các tông đựng quà cho
người dân. Nhìn những hành động dứt khoát và gọn gàng của anh, mấy sinh
viên nam không ai bảo ai, tự động làm theo, kiểm tra những hành lý còn
lại. Chẳng mấy chốc mà bầu không khí uể oải biến mất, cả đoàn sinh viên
râm ran tiếng phân công ai khiêng cái gì, hỏi han ai xách nặng nhẹ ra
sao…
Rồi cuộc đàm đạo về cá suối, chè búp và chính sách đại đoàn kết dân tộc
của ba người bên trong trụ sở uỷ ban cũng tạm kết thúc. Họ quyết định sẽ tiếp tục nó ở nhà ông chủ tịch xã và để Đăng dẫn sinh viên xuống nơi sẽ là địa bàn hoạt động của cả đoàn trong nửa tháng hè tình nguyện: bản
Tin Tốc. Đó là một bản Thái nằm dưới một thung lũng nhỏ, cách khá xa
trung tâm xã. Đường đi men theo những quả núi trọc chỉ có lơ thơ vài bụi cây nhỏ và những thân cây ngô buồn hiu. Nắng chiều không có chút bóng
râm nào cản trở, đang xiên xiên vào những bàn chân không quen đi bộ làm
chúng bỏng rát lên. Những tiếng than thở bắt đầu xuất hiện nhiều hơn
trong hàng ngũ con gái.
– Thầy ơi, qua chỗ kia thì thầy cho bọn em nghỉ một tí nhé.
– Thầy ơi, sắp đến nơi chưa ạ?
– Thầy ơi…
Đăng im lặng rảo bước, cố kìm nụ cười mỉm để giữ cho gương mặt vẫn còn
vẻ nghiêm nghị trước mấy lời đề nghị nhõng nhẽo ấy. Anh chưa chính thức
làm giảng viên mà cái lũ nịnh bợ này đã thầy ơi thầy à thế này, thật là
khó xử. Thấy anh đi nhanh hơn, mấy cô nàng lại càng được thể, kêu ca
thảm thiết hơn:
– Thầy ơi, em bị huyết áp thấp nhỡ ngất ra giữa đường thì sao.
– Thầy ơi, nghỉ năm phút thôi được không ạ?
– Thầy ơi, chân em cọ vào dép rộp hết lên đau lắm…
Không xong rồi, có lẽ mấy con bé ranh ma này biết anh đang bối rối nên
cố gây thêm sức ép. Nếu ngay ngày đầu mà đã nhượng bộ, chắc mấy hôm nữa
anh sẽ bị chúng nó trèo lên đầu lên cổ mất! Nghĩ đến đấy, anh dừng hẳn
lại, nhìn lướt qua những gương mặt nhăn nhó nhễ nhại mồ hôi, hỏi bằng vẻ lo lắng đến hớt hải:
– Mà này, mình đang đi đến bản gì ấy nhỉ?
Đám sinh viên ngơ ngác rồi quay sang nhau hỏi lao xao:
– Vừa nãy ông ở xã bảo là bản Tin Tốc, phải không mày?
– Hình như thế…
– Sao lại hình như, chắc chắn chứ…
Một anh chàng trông có vẻ chững chạc nhất nhìn Đăng nói quả quyết:
– Em nghe chính xác là bản Tin Tốc ạ.
Đăng mỉm cười gật đầu rồi khoát tay ra hiệu cho cả đám trật tự. Những
tiếng lao xao tắt dần, đám sinh viên tự nhiên đổ dồn sự chú ý vào anh
với vẻ hồi hộp của một khán giả đang theo dõi đoạn kết bộ phim kinh dị.
– Thế các bạn có biết Tin Tốc nghĩa là gì không?
Vài tiếng “không” nho nhỏ ngập ngừng phát ra từ đám sinh viên. Đăng hỏi tiếp, mặt vẫn hết sức hình sự:
– Vừa nãy bạn nào kêu chân bị rộp?
Im lặng một lát, rồi ở phía cuối hàng, một cánh tay con gái từ từ giơ lên.
– Bạn đi lên đây!
Cô gái mặc quần túi hộp và áo phông thể thao như con trai rẽ đám sinh
viên đi lên. Đăng liếc xuống đôi dép tổ ong dưới chân cô rồi nheo mắt
nhìn khổ chủ. Bắt gặp ánh mắt anh, cô ta vội cúi gằm mặt, tạo ra một
dáng vẻ ăn năn rất tội nghiệp. Đăng suýt phì cười. Cái miệng hơi bĩu ra
thế kia không phải là của một sinh viên đang hối lỗi mà giống cách các
cô gái ngúng nguẩy làm duyên với bạn trai hơn. Rất tiếc, anh không có
hứng tán thưởng.
– Bạn tên gì nhỉ?
– Thưa thầy, em là Quỳnh.
– Họ tên đầy đủ?
– Dạ, Phạm Thuỷ Quỳnh.
– Chân bạn đau như thế nào?
– …
– Bạn bỏ dép ra xem vết thương có cần phải sát trùng hay băng lại không?
– Không cần đâu ạ.
Đăng nghe được một chút hốt hoảng lẫn trong giọng nói lễ phép. Anh tung thêm một câu để “đàn áp” đến cùng.
– Bạn trả lời hộ mọi người xem Tin Tốc nghĩa là gì đi!
Tất nhiên, Quỳnh là người Kinh, lại mới lên đây lần đầu, cô không có
khái niệm gì về những danh từ lạ lẫm của vùng dân tộc thiểu số. Nhìn cô
cúi đầu im lặng sau khi nói lí nhí câu “em không biết”, Đăng tự thấy như vậy là tạm đủ. Anh rời mắt khỏi gương mặt đỏ nhừ và vầng trán lấm tấm
mồ hôi của Quỳnh, lướt mắt qua tập hợp người trông rất giống đoàn quân
thất trận, dõng dạc thực hành công việc mà anh sẽ làm trong tương lai
trên giảng đường: dạy họ về ngoại ngữ.
– Các bạn muốn biết bao lâu nữa ta đến nơi thì hãy chú ý dưới chân…
Đám sinh viên vô tình đều liếc mắt nhìn xuống. Đăng vẫn nói tỉnh bơ:
– Các bạn mà thấy mỏi rã rời, thấy chân như chân của ai chứ không phải
của mình, tức là bản ở ngay trước mặt. Vì Tin Tốc trong tiếng Thái nghĩa là “rụng chân”.
Bài học “ngoại ngữ” bất ngờ này có tác dụng nâng cao tinh thần rõ rệt.
Sau chừng mươi giây khoe đủ kiểu cười từ khúc khích đến hi hí, cả đoàn
quân thất trận lúc nãy trông tươi tỉnh hẳn lên, sẵn sàng đi tiếp. Ngay
cả kẻ bị bẽ mặt nhất cũng không có phản ứng gì thái quá, chỉ hơi ngúng
nguẩy trong động tác kéo sụp mũ xuống trước khi xốc ba lô rảo bước theo
đoàn.
Nhưng dù có khí thế đến đâu thì mấy chục đôi chân thanh niên thành phố
cũng không qua khỏi cái chân lý mà người đi trước đã đúc rút. Mãi đến
khi trời tối mịt, đến khi những ngón chân đã cọ vào giày dép và phồng
rộp, cả đoàn mới biết thế nào là (bản) Tin Tốc.
Thung lũng này nhỏ, những ngọn núi bao quanh cũng có vẻ không cao lắm.
Dưới ánh trăng mờ mờ, mấy chục nóc nhà nhấp nhô xen giữa những lùm cây.
Vẫn còn lác đác vài điểm có đèn sáng nhưng không gian im ắng, chỉ có
tiếng gió núi xào xạc thổi qua tai. Đăng nhìn đồng hồ. Mới gần tám giờ,
vậy mà cả con người lẫn cảnh vật dường như đã chìm sâu trong giấc ngủ.
Anh ra hiệu cho cả đám dừng lại trước lối rẽ xuống bản rồi lia đèn pin.
Một con đường đất rất dốc và hẹp hiện ra, chỉ có một vệt nhỏ ở giữa
đường là ít gồ ghề và không có cỏ mọc. Đám sinh viên đờ đẫn nhìn Đăng,
hầu như không còn đủ sức để bình luận hay yêu sách gì nữa. Đăng cũng
thấm mệt, anh thấy giọng mình lạc vào cùng tiếng gió:
– Các bạn xếp thành một hàng ngang, nắm chắc tay nhau rồi bước dần xuống, người xuống trước đỡ cho người xuống sau, nhớ tránh những chỗ cỏ rậm.
Đăng đi đầu tiên, anh chọn một chỗ đứng tương đối vững ngay gần đỉnh dốc rồi quay lại soi đèn cho từng người một bước xuống. Nhóm nam xuống
trước, hai ba người hơi loạng choạng nhưng nhìn chung tất cả đều có thể
tự xuống mà không cần vịn. Đám sinh viên nữ thì đuối sức hơn, dù hầu hết được đi người không vì nhóm nam đã mang phần lớn hành lý xuống trước,
họ vẫn không thể giữ thăng bằng. Người thì đi xuống quá nhanh mất đà,
lao sầm vào bạn, người thì phải ngồi thụp xuống bám cả tay vào cỏ để đỡ
ngã. Đăng chăm chú soi đèn, thỉnh thoảng nhắc một câu “cẩn thận đấy” lấy lệ, không hề nhìn vào ai, không hề chạm vào ai. Chỉ đến khi người cuối
cùng đang xuống dốc thì bị trượt chân, buột ra một tiếng “ối” hoảng hốt, anh mới vội ngẩng lên và đưa tay ra đỡ. Nhưng tay anh đưa ra giữa chừng đột nhiên rụt lại. Lại là cô nàng Thuỷ Quỳnh vờ vịt lúc chiều!
Nhưng lần này Quỳnh không vờ vịt. Trong tích tắc, trạng thái chuyển động của cô biến đổi từ mức chới với sang mất thăng bằng hoàn toàn và
ngã nhào. Một bên hông cô đập xuống mặt đất và trượt đi thêm một quãng.
Nếu cô không túm được vào vệ cỏ ria đường để hãm lại đà trượt, có lẽ cô
sẽ tiếp cận chân dốc theo lối lăn lông lốc như các vai nạn nhân nữ trong phim hành động luôn! Trong khi người đóng vai nữ nạn nhân lồm cồm quờ
quạng đứng dậy với sự nâng đỡ cùng những tiếng xuýt xoa hỏi thăm của đám diễn viên quần chúng, thì nhân vật nam phản diện bất đắc dĩ cố gắng
giấu sự bối rối của mình bên dưới lớp da mặt cứng đơ. Anh ta quét đèn
pin một lượt từ đầu đến chân Quỳnh, nói trống không:
– Không sao chứ?
Quỳnh định đáp trả bằng câu gì đó thật cáu kỉnh hoặc mỉa mai cho hợp với tâm trạng cô hiện giờ, nhưng một bên hông đau ê ẩm và bàn tay phải xước rớm máu khiến cô chẳng thể mở miệng, chỉ lắc lắc đầu. Ngay lập tức,
lệnh hành quân lại dõng dạc vang lên, nghe khô khan như một đoạn băng
ghi âm đã được lập trình sẵn, chỉ chờ nhận được cái lắc đầu của Quỳnh là tự động phát ra:
– Rồi, mọi người đi tiếp!
Hết câu, anh ta quay lưng bỏ đi. Đám sinh viên nam vô tâm cũng nhởn nhơ
đi theo, để lại sau lưng ánh mắt phẫn nộ của mấy sinh viên nữ. Một cô
tên Phương vừa phủi lại quần áo cho Quỳnh vừa lầu bầu:
– Lão ý đứng gần xịt, rõ ràng là đỡ được, tự nhiên rụt tay lại…
– Đúng là máu lạnh, chưa để người ta hoàn hồn đã bắt đi tiếp – một cô khác xen vào.
– Lão ý thù cái Quỳnh vụ lúc chiều rồi – một cô khác nữa nói chắc như đinh đóng cột.
Quỳnh lấy giấy ướt chấm chấm lên những vết xước lấm lem đất trên tay.
Những lời bàn tán đoán già đoán non của đám bạn chẳng làm cho công việc
lau vết thương dễ chịu hơn chút nào. Cô nhăn mặt, nói lảng sang chuyện
khác:
– Tớ có mấy cái băng urgo trong túi quần, nhưng chắc phải rửa sạch đã.
– Ừ, tiếc là tớ mới uống hết chai nước rồi.
– Ba lô cái Hằng có oxy già đấy, để tớ lên bảo nó… – Phương nhiệt tình định chạy.
– Thôi, để tí nữa đến trường có đèn sáng sủa rồi làm – Quỳnh phẩy tay ngăn lại – Đi nhanh kẻo lại lắm chuyện.
– Ừ, đi!
Dù điểm trường Tin Tốc ở ngay trung tâm của bản nhưng cũng phải gần một
tiếng sau, khi cả đoàn đã quét dọn mấy gian phòng học cáu bẩn rồi sắp
xếp hành lý và kê dọn chỗ ngủ xong xuôi, Quỳnh mới có thời gian để ý đến thương tích của bản thân. Những vết sây sát trên tay hoá ra còn tệ hơn
cô tưởng. Dưới ánh đèn vàng vọt, mấy vệt máu đã khô xỉn màu chẳng ra
hình thù gì trên cườm tay giống như một dấu hiệu kỳ quái đáng sợ. Quỳnh
lẩm bẩm:
– Thể nào cũng có sẹo cho mà xem!
Phương, cô bạn cùng lớp nãy giờ quan tâm tới Quỳnh nhất, thò đầu ra hỏi
Hằng – cô gái có mái tóc nâu ép thẳng đang giơ máy ảnh “tự sướng” ở
ngoài hiên:
– Hằng ơi, ấy có oxy già đúng không?
– Ừ. Sao?
– Cho tớ một ít rửa chỗ tay đau nhé. Băng luôn sợ nhiễm trùng mất – Quỳnh nói với ra, giọng có chút e
dè. Hằng không học cùng lớp cô, lại thuộc nhóm hot girl của trường.