Tôi đợi nghe tiếng xì xì của không khí bị nén khi cửa thang máy đóng lại sau lưng mình rồi mới nhắm mắt lại. Cố gắng tĩnh trí, tôi bắt đầu bước đúng mười sáu bước từ chỗ thang máy về phía cửa căn hộ mình. Mắt nhắm nghiền, tôi đếm chính xác mười sáu bước, không hơn, không kém. Đầu óc tôi mụ đi vì rượu, miệng tôi đắng nghét mùi thuốc.
Cho dù có say đến cỡ nào, tôi bao giờ cũng có thể bước đúng mười sáu bước thẳng tắp từ cửa thang máy về phía căn hộ mình. Thành quả của bao năm nhọc công rèn giũa thứ kỷ luật tự giác vô nghĩa. Cứ khi nào say, tôi lại ưỡn vai, cố giữ cho cột sống thật thẳng, ngẩng cao đầu, rồi hít một hơi thật dài làn không khí mát lành của buổi sáng trong hành lang bê tông. Sau đó, tôi nhắm mắt và bước đúng mười sáu bước qua làn sương mờ mờ ảo ảo của rượu whisky.
Trong phạm vi nhỏ nhoi của thế giới mười sáu bước chân ấy, tôi được phong danh hiệu “Kẻ Say Phong Nhã Nhất”. Một thành tích giản đơn thôi. Ta không có cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận sự thật sờ sờ ra đó là ta đang say.
Không có và vủng, nhưng nhị, giả sử giả dụ gì hết. Chỉ một câu “Ta say”, đơn giản và dễ hiểu.
Cái thái độ bất cần đó giúp tôi đạt được danh hiệu Kẻ Say Phong Nhã Nhất, Kẻ Dậy Sớm Nhất, Toa Chở Hàng Cuối Cùng Qua Cầu.
Năm bước, sáu bước, bảy bước….
Đến bước thứ tám thì tôi dừng lại, mở mắt và thở một hơi thật sâu. Có tiếng gì kêu vù vù trong tai tôi. Nghe cứ như một làn gió biển thổi qua tấm màn sắt gỉ. Ngẫm nghĩ lại không biết lần cuối tôi đi biển là bao giờ nhỉ?
Xem nào. Ngày 24 tháng Bảy. 6:30 sáng. Thời khắc lý tưởng trong một năm, thậm chí trong cả một ngày, để đi biển. Bãi biển vẫn còn tinh không không một bóng người. Dấu chân chim nằm rải rác bên mép sóng giống như lá thông rụng đầy sau một cơn gió mạnh.
Bãi biển, hừm…
Tôi lại bước tiếp. Biển đã lùi xa. Mọi thứ đã quá xa rồi.
Đến đúng bước thứ mười sáu, tôi dừng lại, mở mắt, đứng sừng sững ngay trước cửa nhà như mọi khi. Lôi từ trong hộp thư ra mấy tờ báo của hai ngày qua và hai bì thư, tôi cặp chúng dưới nách. Tôi lục lọi tìm chìa khóa trong túi áo rồi ngả người về trước, trán tựa trên tấm cửa sắt sắc lạnh. Từ đâu đó sau tai mình, tôi nghe một tiếng cách nhẹ. Cái thằng tôi, một nùi bông đẫm rượu. Hầu như không còn làm chủ được mọi cảm giác nữa.
Thật chẳng còn gì hay hơn.
Tôi lách người qua cánh cửa hé mở rồi đóng cửa lại phía sau. Hành lang yên ắng như tờ. Yên ắng hơn mức cần thiết.
Tôi bỗng chú ý đến đôi giày đỏ dưới chân mình. Tôi đã từng nhìn thấy đôi giày này. Đôi giày xếp giữa đôi thể thao dính đầy bùn và đôi xăng đan rẻ tiền của tôi trông như một món quà Giáng sinh muộn. Một sự yên lặng thoảng nhẹ như làn khói bao trùm lên đôi giày.
Cô ta ngồi gục bên bàn bếp, tay chống trán, mái tóc đen thẳng che khuất khuôn mặt nhìn nghiêng. Khoảng da cổ trăng trắng hiện sau mấy lọn tóc, dây áo lót thấp thoáng nơi ống tay sát nách của chiếc váy đầm in hoa tôi chưa từng nhìn thấy trước đây.
Tôi cởi áo khoác, cà vạt, rồi đồng hồ, trong cả quãng thời gian ấy, cô ta không ngầng đầu liếc tôi lấy một giây. Tấm lưng cô ta gợi cho tôi nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm trước khi tôi quen cô.
“Sao nào?” tôi nói bằng giọng cứ như đi mượn của ai, giọng tôi bỗng lạc đi.
Đúng như tôi đoán, cô ta không đáp lại lấy một câu. Hay là cô ta đang ngủ, đang khóc, hay thậm chí đã ngoẻo rồi cũng nên.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện và dụi mắt. Một tia nắng mong manh chia mặt bàn làm hai, tôi ở phía ánh sáng, cô ta ở phía bóng tối. Một bóng tối không màu. Trên mặt bàn là chậu hoa phong lữ héo khô. Bên ngoài là ai đó đang dội nước rửa đường. Nước bắn tung tóe trên vỉa hè, đâu đó thoảng mùi nhựa đường ẩm ướt.
“Uống cà phê không?”
Không một lời đáp.
Tôi đứng dậy, xay cà phê đủ pha hai cốc. Xay xong rồi tôi mới nhận ra mình thèm trà đá chứ không phải cà phê. Thế đấy, tôi luôn nhận thức được mọi việc khi sự đã rồi.
Đài đang phát một lô những bản nhạc pop chẳng có gì đặc sắc. Nhưng chúng lại quá hợp cho buổi sáng. Thế giới hầu như chẳng thay đổi gì trong mười năm. Chỉ có tên ca sĩ và bài hát là khác. Còn tôi thì già đi.
Nước bắt đầu sôi. Tôi tắt bếp, để nước nguội trong ba mươi giây rồi đổ nước pha cà phê. Nước bắt đầu ngấm vào cà phê, hạt cà phê xay nở dần, hương thơm lấp đầy căn phòng.
Cầm ấm nước trên tay, tôi hỏi cô ta, “Cô đến đây tối qua à?”
Một cái gật đầu khẽ khàng.
“Cô đợi tôi từ đêm qua tới giờ à?”
Không trả lời.
Hơi nước từ ấm cà phê và ánh mặt trời gay gắt làm căn phòng bắt đầu nóng lên. Tôi đóng cửa, bật điều hòa rồi đặt hai cốc cà phê lên bàn.
“Uống đi”, tôi lấy lại giọng.
Yên lặng.
“Cô sẽ cảm thấy đỡ hơn nếu uống chút gì đó”.
Ba mươi giây trôi qua, rồi cô ta từ từ ngẩng đầu, lơ đãng nhìn trân trân vào chậu hoa héo. Mấy sợi tóc mai bết lại trên má, ở cô ta toát ra một mùi ẩm ướt.
“Anh đừng để ý đến tôi”, cô ta nói, “Tôi không định khóc lóc như thế này.”
Tôi đưa cho cô ta hộp khăn giấy. Cô ta lặng lẽ xì mũi rồi vuốt mấy sợi tóc khỏi má.
“Thật ra tôi định đi trước khi anh về nhà. Tôi không muốn gặp anh.”
“Nhưng tôi thấy là sau đó cô đã đổi ý.”
“Không phải. Tôi chẳng biết đi đâu cả. Nhưng anh đừng lo, tôi đi ngay bây giờ đây.”
“Vậy thì uống chút cà phê đã.”
Tôi chỉnh đài sang kênh tường thuật lưu lượng xe cộ, nhấm nháp cà phê, mở hai phong bì. Một lá thư thông báo đang có đợt khuyến mãi hai mươi phần trăm tại một cửa hàng nội thất. Lá kia là của một người tôi chẳng hề muốn nghĩ đến, huống hồ là đọc thư. Tôi vò nát, quẳng hai lá thư vào sọt rác rồi nhấm nháp mấy chiếc bánh quy pho mát còn sót lại. Cô ta ủ tay quanh cốc cà phê và nhìn chằm chằm vào tôi, làn môi cô ta lướt nhẹ quanh viền cốc.
“Có xa lát trong tủ lạnh đó”, cô ta nói.
“Xa lát gì?”
“Cà chua với đậu hũ. Ngoài ra không còn gì hết. Tôi quẳng mấy quả dưa chuột hỏng đi rồi.”
“Ừm.”
Tôi lại tủ lạnh, lấy bát thủy tinh Okinawa xanh đựng xa lát ra rồi rắc chút nước trộn còn sót lại lên. Cà chua và đậu đũa nguội ngắt. Không có vị gì. Cả cà phê lẫn bánh quy cũng vô vị nốt. Có phải ánh nắng buổi sớm đã phân hủy mọi thứ. Tôi bỏ dở cốc cà phê, lôi trong túi ra điếu thuốc quăn queo, quẹt mấy que diêm tôi chưa từng nhìn thấy trước đây. Đầu thuốc cháy tanh tách khô khốc, làn khói xanh làm thành một hình thù ngoằn ngoèo trong nắng sớm.
“Tôi đi dự một đám tang. Khi đám tang xong, tôi đến Shinjuku, một mình.”
Con mèo không biết từ đâu hiện ra, ngáp một cái rõ dài, sà vào lòng cô ta. Cô ta lấy tay khẽ gãi tai mèo.
“Anh không phải giải thích gì cho tôi”, cô ta nói. “Tôi biết tôi đã không còn là gì trong anh nữa rồi.”
“Tôi đâu có giải thích gì đâu. Chỉ nói chuyện thôi mà”.
Cô ta nhún vai, kéo dây chiếc áo lót vào trong váy. Khuôn mặt cô ta không chút biểu cảm, như hình ảnh một thành phố đang chìm dần trên mặt đại dương.
“Một người quen cũ cách đây nhiều năm rồi. Cô không biết người ấy”.
“Ồ vậy sao?”
Con mèo duỗi dài chân rồi thở hắt ra.
Tôi liếc nhìn đầu mẩu thuốc cháy dở mình đang hút.
“Vậy người quen anh làm sao lại chết?”
“Bị xe tải cán. Gãy mười ba cái xương”.
“Nữ à?”
“Ừ.”
Bản tin bảy giờ và chương trình tường thuật lưu lượng xe cộ kết thúc, một bản rock nhẹ được phát lại. Cô ta đặt cốc cà phê xuống và nhìn thẳng vào tôi.
“Nói cho tôi biết đi, nếu tôi chết anh có đi uống say khướt như thế không?”
“Việc tôi say chẳng có gì liên quan đến đám tang cả. Mà nếu có cũng chỉ vài cốc đầu thôi.”
Một ngày mới lại bắt đầu. Lại một ngày nắng nóng. Một loạt nhà cao tầng sáng lóa qua khung cửa sổ.
“Cô có muốn uống chút gì lành lạnh không?”
Cô ta lắc đầu.
Tôi lấy một lon Coca trong tủ lạnh ra, làm một hơi hết sạch.
“Cô ấy là loại người sẵn sàng ngủ với bất kỳ thằng đàn ông nào”. Một lời cáo phó mới kỳ làm sao: người chết là loại gái sẵn sàng ngủ với bất cứ thằng đàn ông nào.
“Sao anh lại kể chuyện này cho tôi?”
Tại sao ư? Tôi cũng không biết nữa.
“Vậy đấy”, cô ta gợi lại câu chuyện giữa chừng bỏ dở, “cô ta là loại người có thể ngủ với bất kỳ ai, đúng không?”
“Đúng thế.”
“Nhưng không phải với anh chứ?”
Có chút gì đó gờn gợn trọng giọng nói cô ta. Tôi ngẩng lên từ bát xa lát, liếc nhìn cô ta.
“Cô nghĩ là không à?”
“Có lẽ là không”, cô ta nói khẽ. “Anh ư, anh không phải loại người đó.”
“Loại nào?”
“Không biết nữa. Ở anh có một cái gì đó đặc biệt. Giá thử như có một cái đồng hồ cát: cát chảy sắp hết. Anh là người sẽ quay ngược lại cái đồng hồ đó để cát chảy lại.”
“Vậy sao?”
Cô ta khẽ mím môi, rồi chùng người lại.
“Tôi đến lấy mấy thứ đồ của tôi. Áo khoác, mũ mãng, mấy thứ còn sót lại. Tôi xếp chúng vào thùng rồi. Khi rảnh, anh mang ra bưu điện gửi cho tôi được không?”
“Tôi có thể mang chúng đến chỗ cô mà.”
Cô ta khẽ lắc đầu. “Khỏi cần đi. Tôi không muốn anh đến chỗ tôi. Anh hiểu chứ?”
Tất nhiên là tôi hiểu. Tôi đã không thèm nghĩ trước khi mở miệng nói.
“Anh có địa chỉ chưa?”
“Có rồi.”
“Thôi, có vậy đó thôi. Xin lỗi anh là tôi đã ngồi đây hơi lâu.”
“Còn giấy tờ thủ tục thì sao, có vậy thôi phải không?”
“À há. Mọi thứ đều thu xếp xong rồi.”
“Tôi không ngờ là thủ tục lại đơn giản đến vậy. Tôi cứ nghĩ là nó phải rắc rối hơn nhiều.”
“Mấy người ngoài không biết gì thì nghĩ vậy nhưng thật ra thì cũng đơn giản thôi. Một khi đã quyết định ly dị thì thủ tục quá đơn giản”. Cô ta vừa nói vừa gãi đầu con mèo. “Sau hai lần ly dị là ai cũng kinh nghiệm đầy mình.”
Con mèo lại duỗi lưng, nhắm mắt rồi nhanh chóng rúc đầu vào khuỷu tay cô ta. Tôi quẳng hai cốc cà phê và bát xa lát vào chậu rửa bát, rồi lấy một tờ hóa đơn cũ phủi phủi mấy vụn bánh trên bàn. Ánh mặt trời chói chang khiến tôi như muốn nảy đom đóm mắt.
“Tôi đã soạn ra một danh sách chi tiết. Đại loại như chỗ cất mấy tờ giấy quan trọng là chỗ nào, ngày đổ rác là ngày nào. Có thắc mắc gì anh cứ gọi tôi.”
“Cảm ơn nhé.”
“Anh đã bao giờ muốn có con chưa?” cô ta bất ngờ hỏi tôi.
“Không, tôi không nghĩ là tôi từng muốn có con.”
“Tôi cũng đã nghĩ khá lâu về chuyện đó. Nhưng mà khi nhìn sự thể thế này, có lẽ không có con lại là điều tốt. Mà cũng có thể nếu mình có một đứa con thì sự thể có lẽ không đến nỗi này, anh nghĩ sao?”
“Nhiều cặp vợ chồng có con rồi vẫn ly dị đó thôi”.
“Có lẽ anh nói đúng”, cô ta nói, tay nghịch nghịch chiếc bật lửa của tôi. “Tôi vẫn còn yêu anh. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng gì nữa rồi, phải không? Bản thân tôi đã hiểu điều đó quá rõ”.