Đó là mẩu tin chỉ gồm một đoạn ngắn ngủn trên tờ tin tức buổi sáng. Một thằng bạn gọi điện và đọc mẩu tin đó cho tôi. Chẳng có gì đặc biệt cả. Chỉ là một mẩu tin do tay phóng viên non tay mới ra trường tập tọe viết cho quen.
Ngày tháng, tên góc phố, một người lái xe tải, một người đi bộ, một người chết, một cuộc điều tra về khả năng tai nạn xảy ra do bất cẩn.
Nghe giống như một bài thơ in ở tay gấp một cuốn tạp chí.
“Đám tang tổ chức ở đâu?” tôi hỏi.
“Ai biết được,” hắn đáp. “Nó có gia đình không?”
Tất nhiên là nàng có gia đình.
Tôi gọi điện đến đồn cảnh sát để tìm số điện thoại và địa chỉ nhà nàng, rồi tôi gọi điện đến nhà nàng để hỏi thêm chi tiết về đám tang.
Gia đình nàng sống trong một khu phố cổ ở Tokyo. Tôi lấy bản đồ ra đánh dấu dãy phố bằng mực đỏ. Chỗ nào cũng có đường tàu điện ngầm, tàu hỏa, xe buýt, tất cả chồng chéo lên nhau như một tấm mạng nhện méo mó, tạo thành một mê cung chằng chịt những con phố hẹp và rãnh nước thải.
Ngày đưa tang nàng, tôi bắt tàu điện đến Waseda. Gần đến bến cuối, tôi xuống tàu. Tấm bản đồ tôi mang theo chẳng giúp được gì mấy. Rốt cuộc, tôi phải mua hết bao thuốc này đến bao thuốc khác, mỗi lần mua thuốc là một lần hỏi đường.
Nhà nàng là một ngôi nhà gỗ có hàng rào gỗ màu nâu bao quanh. Trước khoảng sân nhỏ là một chum gốm đựng đầy nước mưa tù đọng. Nền đất tối tăm ẩm thấp.
Nàng bỏ nhà đi năm mười sáu tuổi. Đó có lẽ là lý do tại sao đám tang nàng lại thê lương đến thế. Chỉ có mấy người trong gia đình có mặt, đa số là người lớn tuổi. Anh trai nàng, mà cũng có khi là anh rể, trạc ba mươi tuổi, đứng ra làm chủ tang.
Cha nàng, một người đàn ông tầm thước trạc năm tư năm lăm, đeo băng tang đen trên cánh tay. Ông đứng cạnh lối vào, hầu như bất động. Ông khiến tôi nhớ đến hình ảnh một con phố sạch bong sau trận mưa tầm tã.
Lúc về, tôi lặng lẽ cúi đầu chào. Ông cũng cúi chào đáp lễ, không nói một lời.
Tôi gặp nàng vào mùa thu chín năm về trước, khi tôi hai mươi còn nàng mười bảy.
Hồi đó, gần trường đại học có một quán cà phê nhỏ nơi tôi thường tụ tập với bạn bè. Quán cà phê không có gì đặc biệt, nhưng nó phục vụ vài thứ không đổi: nhạc rock nặng và cà phê tồi.
Nàng luôn ngồi tại một chỗ cố định, khuỷu tay chống lên mặt bàn, đọc sách. Cặp kính cận của nàng – trông giống như cái niềng răng – và đôi tay gầy guộc khiến cho nàng có một vẻ gì đó thân thương. Lúc nào cốc cà phê của nàng cũng nguội ngắt, lúc nào gạt tàn của nàng cũng đầy đầu lọc.
Thứ duy nhất không luôn như cũ là mấy cuốn sách. Một lần, tôi thấy nàng đọc Mickey Spillane, lần khác là Kenzaburo Oe, lần khác nữa là Allen Ginsberg. Không quan trọng cuốn nào, miễn sách là được. Tụi sinh viên đến quán uống cà phê cho nàng mượn sách, nàng nghiến ngấu không sót một cuốn nào từ đầu đến cuối, kể cả bìa sách. Đọc ngấu đọc nghiến, như người ta gặm ngô. Ngày đó, người ta cho nhau mượn sách như một lẽ tất nhiên, và nàng chẳng bao giờ phải cố công đi lùng mua sách cả.
Đó là thời của những ban nhạc như The Door, The Stones, The Byrds, Deep Purple và The Moody Blues. Không gian tràn đầy nhựa sống, cho dù mọi thứ dường như đang ở bên bờ vực sụp đổ, chỉ đợi một cú hích mạnh nữa thôi.
Nàng và tôi thường cho nhau mượn sách, nói mãi không hết chuyện, cùng nhau uống thứ rượu whisky rẻ tiền, rồi làm tình với nhau, thứ tình dục chẳng có gì đáng nói. Bạn biết đấy, chuyện thường nhật ấy mà. Trong lúc đó, tấm màn khép vở đang rệu rã buông xuống những bước chân lê thê của thập kỷ sáu mươi.
Tôi không tài nào nhớ nổi tên nàng.
Tôi có thể lôi mẩu cáo phó ra để xem tên nàng, nhưng giờ thì việc đó có nghĩa gì đâu. Tôi đã quên tên nàng rồi.
Giả sử tôi có gặp mấy thằng bạn cũ và giữa chừng câu chuyện có nhắc đến nàng. Chắc cũng chẳng ai còn nhớ tên nàng. Ví dụ như một đứa nói, mày còn nhớ con nhỏ ngày xưa không, con nhỏ sẵn sàng lên giường với bất cứ thằng nào ấy, tao nhớ mặt nhưng quên béng tên nó rồi, mà tao ngủ với nó ối lần đấy, không biết con nhỏ đó giờ ra sao rồi, bây giờ mà bỗng nhiên gặp lại nó giữa đường thì chắc kỳ lắm.
“Con nhỏ ngày xưa sẵn sàng lên giường với bất cứ thằng nào”. Đó là tên nàng.
Nói cho đúng ra thì không phải ai nàng cũng ngủ cùng. Nàng có tiêu chuẩn riêng.
Nhưng, sự thật là, chỉ cần kiểm tra qua chút ít bằng chứng, người ta cũng thấy ngay là nàng thường sẵn sàng lên giường với hầu như bất cứ gã trai nào.
Có một lần, và chỉ một lần duy nhất, tôi hỏi nàng về mấy thứ tiêu chuẩn đó.
“Thôi được, nếu anh cứ khăng khăng muốn biết…”, nàng bắt đầu. Ba chục giây ngẫm nghĩ trôi qua. “Việc đó không giống như những người khác làm đâu. Đôi khi ý nghĩ lên giường với ai đó khiến em khó chịu. Nhưng anh biết không, có lẽ em muốn hiểu thêm về nhiều người khác nhau. Hoặc cũng có thể đó là cách giúp em nhận thức thế giới của mình”.
“Bằng cách ngủ với một ai đó ư?”
“À há”.
Giờ thì đến lượt tôi phải ngẫm nghĩ về điều nàng nói.
“Vậy cách đó có giúp em hiểu thêm điều gì không?” tôi hỏi nàng.
“Có chút chút”, nàng trả lời.
Đông qua rồi hè tới, tôi hầu như không gặp nàng nữa. Trường đại học bị phong tỏa và đóng cửa mấy lần. Về phần mình, tôi phải lo giải quyết mấy chuyện cá nhân.
Mùa thu năm sau, khi tôi quay trở lại quán cà phê cũ, đám khách quen đã hoàn toàn thay đổi. Nàng là khuôn mặt duy nhất tôi còn nhận ra được. Quán vẫn bật thứ nhạc rock xưa, nhưng không khí phấn khích ngày xưa giờ đã tan biến. Chỉ còn nàng và thứ cà phê dở tệ là vẫn thế. Tôi buông mình xuống chiếc ghế đối diện nàng, và chúng tôi nói chuyện về đám bạn cũ.
Hầu hết bọn họ đã bỏ học, đứa thì tự sát, đứa thì lặn mất tăm. Cứ nói những chuyện đại loại như vậy.
“Anh làm gì suốt cả năm qua?” nàng hỏi tôi.
“Linh tinh đủ thứ”, tôi đáp.
“Có khôn lên chút nào không?”
“Chút xíu thôi”.
Đêm đó, tôi ngủ với nàng lần đầu tiên.
o O o
Tôi hầu như chẳng biết gì về thân thế nàng. Những gì tôi biết có lẽ do ai đó kể cho, hay có lẽ nàng đã kể cho tôi khi chúng tôi bên nhau trên giường. Năm đầu trung học, nàng cãi vã với bố một trận kịch liệt rồi bỏ nhà đi (bỏ cả học nữa). Chuyện này thì tôi khá chắc. Còn chuyện chính xác nàng sống ở đâu, hoặc đã sống sót bằng cách nào thì chẳng ai biết.
Nàng thường ngồi lì cả ngày ở một quán cà phê nhạc rock nào đó, nhâm nhi hết tách cà phê này đến tách cà phê khác, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, lật giở từng trang sách, chờ ai đó đến trả tiền cà phê và thuốc lá ình (một khoản không nhỏ với những đứa như tụi tôi ngày ấy) rồi cuối cùng lên giường với gã ta.
Vậy đấy. Đó là tất cả những gì tôi biết về nàng.
Kể từ mùa thu năm đó tới mùa xuân năm sau, tối thứ Ba tuần nào nàng cũng ghé qua căn hộ của tôi ở ngoại ô Mitaka. Nàng ăn hết sạch bất cứ món gì tôi nấu, vứt đầy đầu lọc thuốc lá trong gạt tàn của tôi rồi làm tình với tôi trong tiếng nhạc rock của chương trình FEN trên đài phát thanh to hết cỡ. Sáng thứ Tư, sau khi tỉnh dậy, hai đứa tôi đi bộ qua rừng đến khu học xá ICU rồi ăn trưa tại nhà ăn. Buổi chiều, chúng tôi uống một cốc cà phê loãng ở phòng sinh hoạt chung cho sinh viên, và nếu trời đẹp chúng tôi sẽ nằm dài trên bãi cỏ ngắm nhìn bầu trời.
Nàng gọi đó là những buổi picnic chiều thứ Tư của riêng hai đứa
“Mỗi lần mình đến đây, em đều có cảm giác như mình đang đi picnic”
“Vậy sao? Picnic ấy à?”
“Anh thấy đấy, mặt đất thì cứ trải dài tít tắp, mọi người ai trông cũng vui vẻ cả…”
Nàng ngồi dậy, phải quẹt mấy que diêm mới châm được thuốc.
“Mặt trời lên đỉnh bầu trời, rồi bắt đầu lặn xuống. Mọi người đến rồi đi. Thời gian cứ thế lướt qua. Cứ y như một buổi picnic vậy, anh thấy không?”
Ngày đó, tôi đã hai mốt và sắp bước sang tuổi hai mươi hai. Tôi không có cơ may tốt nghiệp sớm, mà cũng chẳng có lý do gì để bỏ học. Tôi bị mắc kẹt trong một tình huống tuyệt vọng kỳ quặc. Hàng tháng trời tôi sa lầy, không tài nào tìm nổi một hướng đi mới ình. Vạn vật đều vận động, riêng mình tôi vẫn đứng yên. Vào mùa thu, mọi thứ đều nhuốm màu tàn úa, trong chốc lát màu sắc bỗng nhạt phai trước mắt tôi. Ánh mặt trời, mùi hương cỏ, những tiếng tí tách dù là nhỏ nhất của làn mưa, mọi thứ đều khiến tôi không sao yên ổn.
Đã bao lần tôi mơ thấy mình đáp một chuyến tàu đêm? Bao giờ cũng là giấc mơ về một chuyến tàu đêm. Chuyến tàu mà trên đó không gian ngột ngạt vì khói thuốc và mùi hôi thối của nhà vệ sinh. Tàu đông nghẹt đến nỗi chẳng còn chỗ đứng. Mấy đống nôn mửa đóng cục trên ghế ngồi. Việc duy nhất tôi có thể làm là đứng lên, xuống tàu ở ga kế tiếp. Nhưng chẳng hề có ga tàu nào. Chỉ là một cánh đồng bất tận, không một ngọn đèn le lói trong màn đêm. Không hề có lấy một người trưởng ga, đồng hồ, hay bảng giờ tàu, không gì hết – giấc mơ của tôi là như vậy đó.
Tôi vẫn còn nhớ rõ buổi chiều kỳ lạ ấy. Buổi chiều ngày 25 tháng Mười một. Cơn mưa tầm tã trước đó đã làm lá bạch quả rụng đầy đường, biến lối đi thành một lòng sông vàng khô cạn. Hai đứa tôi đi dạo, tay đút túi áo. Không gian yên tĩnh đến bất ngờ. Chỉ có tiếng lạo xạo của đám lá dưới chân chúng tôi và tiếng kêu nhức óc của đàn chum.
Nàng đột ngột hỏi tôi. “Anh đang nghĩ gì vậy?”
“Đâu có gì đâu,” tôi đáp.
Nàng đi mấy bước nữa trước khi ngồi lại bên vệ đường và hít một hơi thuốc thật dài.
“Anh lúc nào cũng gặp ác mộng à?”
“Anh thường xuyên gặp ác mộng. Thường là ác mộng về máy tự động bán đồ lặt vặt ăn tươi nuốt sống không trả lại tiền thừa cho anh.”
Nàng cười và đặt tay lên gối tôi, nhưng rồi lại rụt ngay tay lại.
“Anh không muốn nói về chuyện đó hôm nay phải không?”
“Hôm nay thì không. Hôm nay anh không muốn nói chuyện.”
Nàng búng nhẹ điếu thuốc hút dở xuống đất rồi lấy giày di qua di lại. “Anh không thể nói ra những điều anh muốn nói, có đúng vậy không?”
“Cũng chẳng biết nữa”, tôi đáp.
Hai cánh chim vụt liệng qua rồi chợt mất hút trên bầu trời không một gợn mây. Chúng tôi nhìn theo cho đến khi chúng biến mất. Nàng bắt đầu lấy một cành cây vẽ nguệch ngoạc mấy nét không ra hình thù gì trên mặt đất.
“Đôi khi ngủ với anh em cảm thấy thật cô đơn.”
“Xin lỗi đã làm em có cảm giác ấy”, tôi đáp.
“Anh không có lỗi gì cả. Em không nghĩ là anh mơ tưởng đến đứa con gái khác khi mình làm tình với nhau. Mà cho dù anh có mơ tưởng đến ai đó thì cũng có khác gì đâu? Chỉ là…” Nàng ngừng lại giữa chừng và chậm rãi vạch ba đường thẳng trên mặt đất. “Ôi, em cũng chẳng biết nữa.”
“Em biết đấy, anh không có ý xa lánh em”, tôi ngắt lời sau một lát. “Anh không biết cái gì đã vận vào người anh nữa. Anh đang cố hiểu điều gì đang xảy ra với mình. Anh không muốn thổi phồng mọi chuyện nhưng anh cũng không muốn né tránh vấn đề. Mọi chuyện cần có thời gian.”
“Cần bao nhiêu thời gian?”
“Ai biết được. Có thể một năm, có thể mười năm.”
Nàng quẳng nhánh cây đi, đứng lên, phủi phủi mấy sợi cỏ khô vướng trên áo. “Mười năm ấy à? Thôi nào anh, nghe cứ như là mãi mãi vậy?”
“Cũng có thể lắm”, tôi đáp.
o O o
Chúng tôi băng qua rừng đến khu học xá, ngồi trệu trạo nhai bánh mì xúc xích tại phòng sinh hoạt chung. Đã hai giờ chiều, hình Yukio Mishima cứ vụt qua vụt lại trên chiếc ti vi trong phòng. Núm âm thanh của ti vi bị hỏng nên chúng tôi chẳng hiểu họ đang nói cái gì, mà chúng tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Một cậu sinh viên đứng lên tìm cách sửa núm âm thanh nhưng không được, cuối cùng cậu ta bỏ cuộc và đi mất.
“Anh muốn em”, tôi nói.
“Được thôi”, nàng đáp.
Tay thọc trong túi áo khoác, hai đứa tôi chậm rãi đi về căn hộ của tôi.
Tôi thức dậy thấy nàng đang thút thít khóc, tấm thân mảnh dẻ của nàng run rẩy dưới lớp chăn. Tôi bật máy sưởi lên và nhìn đồng hồ. Đã hai giờ sáng. Vầng trăng trắng sáng đến ngỡ ngàng giữa bầu trời.
Tôi đợi cho đến khi nàng thôi khóc rồi mới đặt ấm pha trà. Tôi pha một gói trà cho cả hai đứa. Trà nóng, không đường, không chanh. Tôi châm hai điếu thuốc rồi đưa cho nàng một điếu. Nàng rít vội rồi nhả khói, ba hơi liên tiếp, rồi húng hắng ho.
“Nói em biết đi, anh có bao giờ có ý định giết em không?” nàng hỏi.
“Em ư?”
“Ừ.”
“Tại sao em lại hỏi anh câu đó?”
Điếu thuốc vẫn còn trên môi, nàng lấy đầu ngón tay gãi nhẹ nơi mí mắt.
“Chẳng có lý do gì đặc biệt cả.”
“Không, chưa bao giờ”, tôi đáp.
“Thật không?”
“Thật. Anh muốn giết em để làm gì?”
“Ồ, có lẽ anh nói thật,” nàng đáp. “Trong một giây, em chợt nghĩ có lẽ là cũng chẳng tệ quá nếu em bị giết. Trong lúc em đang ngủ say chẳng hạn.”
“Anh e là mình không phải loại sát nhân.”
“Vậy sao?”
“Ít ra là cho đến giờ.”
Nàng cười. Rồi nàng dập thuốc, uống hết tách trà, châm thuốc.
“Em sẽ sống cho đến năm hai mươi lăm tuổi”, nàng nói, “rồi chết.”
Tháng Bảy, tám năm sau, nàng qua đời lúc hai mươi sáu tuổi.