Nghĩa dựa vào gốc cây lặng lẽ ngắm bóng lưng cô gái phía trước, cô không còn dáng vẻ đáng yêu hoạt náo như xưa nữa mà trở nên trầm tư, buồn bã với nhiều ưu phiền.
Kiều Ly ngồi bó gối bên mộ Thế Sơn, đến khi hai chân tê rần cô mới loạng choạng đứng lên.
Mặt trời đã xuống núi, trời cũng nhá nhem bóng tối xuất hiện rất nhanh, chỉ một lát nữa thôi nơi này sẽ bị chúng xâm chiếm.
Nãy giờ cô quên mất sự tồn tại của một người, anh giống như cái bóng im lặng đi theo cô.
Mặt đất gồ ghề nhiều lần khiến Kiều Ly xém bị trượt chân, qua hết khúc quanh phía trước mới tới đoạn đường bằng phẳng.
Cô đột nhiên giẫm phải thứ gì đó rồi đổ nhào, bất thình lình đến nổi Nghĩa không kịp kéo lại.
– Em không sao chứ?
Nghĩa vội chạy tới định đỡ Kiều Ly đứng lên thì thấy cô nhắn nhó nắm mắt cá chân trái trông rất đau, anh giục.
– Anh cõng em.
– Tôi… không sao.
– Trời sắp tối rồi, chúng ta phải đi nhanh thôi.
Chân cô hình như bị trật, tự đi xuống khỏi đây e là rất khó khăn, nhưng vai Nghĩa đang bị thương, sao cõng cô được.
Kiều Ly mím môi vịn tay anh đứng lên.
– Tôi đi được.
Cô đã kiên quyết như vậy Nghĩa cũng không gượng ép, anh đưa tay cho cô tựa vào, hai người chậm rãi về nhà.
– Em còn nhớ có lần chúng ta chơi trốn tìm, em tìm cả buổi không thấy anh nên ngồi trước cổng khóc không?
– Hồi đó cứ nghĩ không tìm được là biến mất, bây giờ lớn lên cũng vậy.
– Em còn thích kẹo chứ?
– Thích nhưng không ăn nhiều.
– Sinh nhật em anh Sơn có tặng quà gì không?
– Anh ấy tặng tôi một sợi dây chuyền.
Nghĩa để ý đến sợi dây chuyền cỏ bốn lá Kiều Ly đang đeo rồi không hỏi nữa.
Ít ra Thế Sơn còn để lại cho cô một thứ có giá trị còn anh thì chẳng có gì.
Bước chân Kiều Ly rất chậm khiến cho đoạn đường về nhà như dài thêm, những câu hỏi bâng quơ của Nghĩa khiến bầu không khí đỡ tẻ nhạt.
Anh đột nhiên im lặng làm Kiều Ly có cảm giác lạnh lẽo.
– Anh được mẹ đón lên thành phố khi nào?
– Sau cái hôm cùng em thả diều, tối đó anh được mẹ đón đi.
Bà ấy nói đợi một thời gian nữa sẽ quay lại đón anh Sơn nhưng lại thất hứa.
– Bà ấy đã biết Thế Sơn mất rồi đúng không?
– Ừ.
– Vậy bà ấy đến đây lần nào chưa?
Cái lắc đầu của Nghĩa như nhát dao cứa vào tim Kiều Ly, tại sao người phụ nữ đó lại đối xử với Thế Sơn như vậy, anh cũng là con trai bà ta kia mà.
Bàn tay đang đặt lên tay Nghĩa thoáng run, anh biết cô đang phẫn nộ, ngay cả anh cũng không hiểu tại sao mẹ có thể nhẫn tâm như vậy, vứt bỏ anh trai không hề quan tâm.
Hai người đang đi gần tới nhà ngoại Kiều Ly thì một chiếc xe ô tô màu đen dừng ngay trước mắt chỉ cách vài mét, đèn xe hắt vào người Kiều Ly, dáng vẻ yếu ớt nép vào Nghĩa khiến bà Dung nổi điên.
– Con ném tất cả rắc rối cho mẹ giải quyết rồi đưa nó về tận đây hưởng thụ, con có còn tỉnh táo không Nghĩa?
– Là mẹ tự tạo rắc rối cho mình thôi.
– Mẹ nuôi nấng con mấy chục năm nay đổi lại con vì một đứa con gái rẻ tiền mà chống đối mẹ, con không cảm thấy có lỗi với mẹ, có lỗi với dượng hả?
– Này này bà mắng ai là đứa con gái rẻ tiền, bà nói lại lần nữa xem.
Nghe tiếng ồn ào ngoài cổng nên bà Duyên chạy ra, thấy một người phụ nữ đi xe ô tô, ăn mặc sang trọng đang chửi cháu gái mình, bà Duyên liền chặn họng.
– Ơ, tưởng ai xa lạ, hoá ra là vợ cũ ông Luân.
Trước kia là hàng xóm nên cũng quen biết nhưng nhà ngoại Kiều Ly giàu nhất vùng này, trong khi nhà bà Dung kế bên giống như ổ chuột, mỗi ngày nhìn sang nhà bên cạnh bà ta lại ao ước một cuộc sống giàu sang sung túc.
Hiện tại bà Dung không thua kém ai, vì thế khi gặp lại hàng xóm cũ, bà ta bắt đầu thể hiện.
– Tôi mắng nó thì có liên quan gì đến cô?
– Sao lại không liên quan, con bé là cháu gái tôi.
Bà Dung khựng lại, không nghĩ đứa con gái mà bà ta vừa mắng rẻ tiền gia thế cũng không vừa.
Theo bà ta biết thì nhà kế bên có hai chị em gái, một người cưới chồng rất giàu, có công ty riêng trên thành phố, người còn lại thì đang đứng đây cãi nhau với bà ta.
Nói vậy Kiều Ly là con gái của gia đình giàu có trên phố sao.
– Mắng nữa đi, chưa biết ai mới là loại rẻ tiền.
Năm đó bà bỏ chồng bỏ con cặp với một lão goá vợ.
Cả cái vùng này ai cũng biết bà muốn đổi đời, để mặc con mình mới tí tuổi đầu phải đi làm mướn kiếm tiền.
Bản thân thì đi xe sang, mặc quần áo đẹp, bà không cảm thấy có lỗi với bọn nó hả?
Sau khi đổi đời thành công, thứ bà Dung muốn quên đi nhất chính là quá khứ nghèo khổ ở vùng quê này, hôm nay bị dì ruột Kiều Ly mắng thẳng mặt, bà ta muốn thể hiện, ra oai cũng không được.
Thẹn quá hoá giận, bà ta chuyển sang gắt gỏng với con trai.
– Nghĩa, theo mẹ về thành phố.
– Muốn về thì mẹ về một mình đi
– Con…
– Ôi nhìn kìa, bà tưởng con trai mình mới 8 tuổi hả? Nói gì cũng bắt nó phải nghe theo, có người mẹ như bà tôi đây cũng sợ hãi.
Bà Duyên nói xong đi tới đỡ cháu gái vào nhà, để hai mẹ con bà Dung muốn làm gì thì làm, nhưng chửi tới cháu gái mình nhất định không để yên cho bà ta.
– Con biến mất như anh hai mẹ mới hài lòng đúng không?
– Mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi, Tố Như nó thật lòng yêu con, mẹ cũng muốn con tìm được một người môn đăng hộ đối, tương lai sẽ giúp công việc của con phát triển hơn.
– Mẹ chỉ muốn tốt cho bản thân mình, từ trước đến giờ vẫn vậy.
Con cũng sợ hãi mẹ.
Dáng vẻ chết lặng của bà Dung không làm bước chân Nghĩa dừng lại, anh đã nói hết những gì mình chịu đựng trong suốt thời gian qua, chẳng thiết tha gì những điều tốt đẹp mà bà Dung vẽ vời nữa.
Nghĩa dùng chiếc ổ khoá lỏng lẻo khoá cổng rồi vào nhà, ánh sáng màu vàng ấm áp từ ngọn nến hắt bóng anh lên tường.
– Anh hai, sau này lớn lên anh muốn làm gì?
– Anh muốn kiếm thật nhiều tiền.
– Em nghỉ học theo anh đến đi làm nhé.
– Không được, em phải đi học, phải học thay anh nữa biết chưa?
– Dạ.
Nghĩa thẩn thờ nhìn vào bức tường dán đầy giấy khen của mình, anh cứ ngồi bất động một chỗ nhìn thật lâu, cơn mưa vội vã ngoài kia cũng chẳng tác động gì đến anh.
Kiều Ly đứng cạnh cửa sổ tầng hai nhìn sang căn nhà nhỏ đang bị mưa phủ trắng xoá, ánh sáng lay lắt yếu ớt như nhấn chìm căn nhà trong màn mưa.
– Ăn cơm thôi chị.
– Ừ.
Kiều Ly đóng cửa sổ lại rồi theo em họ xuống cầu thang, sau khi ông bà ngoại mất, căn nhà này giao lại cho dì cô ở.
Nhà chỉ có ba người có thêm Kiều Ly về không khí liền khác hẳn.
– Dượng nấu nhiều thế ạ?
– Có bao nhiêu đâu, con ăn cho nhiều vào, nhìn con gầy quá.
Bà Duyên nhìn ra cửa chép miệng.
– Tự dưng mưa to thế nhỉ?
– Nhà anh Nghĩa có ngập không mẹ, nhà mình cao nên nước chảy qua bên đó hết rồi.
– Con lo xa quá.
– Lúc sáng mẹ nhiệt tình giúp người ta lắm mà.
– Con không nghe lúc nãy mẹ cậu ta chửi chị họ con hả.
Tưởng giàu có rồi thì giỏi chắc, trước kia bà ta hay mượn tiền của bà ngoại con để mua gạo.
Ly hôn xong bỏ đi biệt tích, biết thế mẹ đòi cho xấu mặt.
– Thôi thôi ăn cơm đi, tức giận làm gì với loại người đó.
Con trai cầm chén cơm lên rồi đặt xuống, thấy vậy bà Duyên liền hỏi.
– Con sao thế?
– Mời anh Nghĩa qua ăn chung không mẹ?
– Cái thằng này, lo chuyện bao đồng giống hệt bố mày.
– Dù sao anh ấy cũng là bạn chị Ly mà.
Em họ nhiệt tình như vậy Kiều Ly cũng đành lên tiếng.
– Dượng nấu nhiều đồ ăn ngon như vậy con gọi anh ấy qua ăn một bữa được chứ dì?
– Ừ, để thằng Vương nó che ô chạy qua gọi, con khỏi mắc công lên lầu lấy điện thoại đi.
Bên nhà Nghĩa nước đang chảy xối xả từ ngoài đường tràn vào, vì nhà thấp hơn mặt đường nên chẳng mấy chốc nước đã trên mắt cá chân.
– Anh Nghĩa.
Nghe văng vẳng như có tiếng ai gọi mình, Nghĩa cầm cây nến sắp chảy hết ra cửa xem thử thì thấy em họ Kiều Ly cầm ô chạy vọt vào.
– Sao nhà anh ngập nhanh thế?
– Tại mưa lớn quá, em sang đây có chuyện gì không?
– Chị Ly mời anh sang ăn tối, mọi người đang chờ anh thôi đó.
– Đợi anh tí.
Nghĩa đem tấm ảnh duy nhất chụp cả gia đình bỏ vào balo quần áo để lên trên kệ cao nhất rồi theo em họ Kiều Ly sang nhà ngoại cô.
Đây là lần đầu tiên anh được vào bên trong, lúc trước chỉ toàn đứng ngoài cổng.
Vài giọt nước mưa rơi trên vai áo anh, thấm vào đai vải thun, bả vai đang có dấu hiệu đau nhức nhưng Nghĩa vẫn chịu được.
Anh chạy nhanh nên mái tóc hơi lộn xộn làm mất đi dáng vẻ nghiêm túc gọn gàng.
Nhìn anh lúc này thực sự rất giống Thế Sơn, giống đến mức kinh ngạc.
Kiều Ly nhìn Nghĩa quên luôn cả chớp mắt.
Chị Nga nói đúng, nếu cô còn gặp người đàn ông này thì sẽ không bao giờ quên được Thế Sơn, ngực cô lại dấy lên sự căng tức khó chịu nên vội cúi mặt để che giấu.
– Mẹ cậu về rồi à?
– Vâng.
Cháu thay mặt mẹ xin lỗi cô.
– Ai làm sai người đó xin lỗi, cậu không cần thay mặt.
Mà bố dượng cậu còn sống không?
– Ông ấy mất cách đây 4 năm.
– Thế giờ mẹ con cậu làm gì?
Chồng bà Duyên ngắt lời vợ.
– Kìa bà, để bọn nhỏ ăn cơm đi, hỏi gì lắm thế không biết.
Trong bữa cơm tốt chỉ nghe Kiều Ly nói mấy câu, còn lại đều là dì cô hỏi Nghĩa.
Chưa đầy một giờ đồng hồ, cô cũng biết kha khá về cuộc sống của anh.
Nếu như Thế Sơn rời bỏ gia đình để đi theo con đường phạm pháp thì Nghĩa lại có một cuộc sống suông sẻ hơn nhưng theo cảm nhận của cô thì anh đang chịu một sự kiểm soát vô hình của mẹ.
Bên ngoài mưa đã tạnh dần, vài giọt rơi lộp bộp xuống mái hiên nhà Nghĩa.
Anh đang cùng Kiều Ly, gió mang theo hơi nước lạnh lẽo phả vào mặt cô.
– Khi nào em về?
– Chiều mai, còn anh.
– Chắc anh về trước.
Nghĩa cười cười như lấy can đảm hỏi.
– Khi về lại thành phố anh có thể liên lạc với em không?
– Sắp tới tôi muốn tập trung vào việc học nên sẽ bận.
– Anh sẽ đợi đến khi nào em hết bận.
– Chỉ phí thời gian của anh thôi.
– Không phí, anh thấy xứng đáng.
Trong thời gian chờ đợi cô anh phải giải quyết cho xong những mối quan hệ rắc rối xung quanh mình, không để mẹ lại tiếp tục tìm cô nói những lời khó nghe nữa.
Nghĩa chờ tạnh mưa rồi về, Kiều Ly cũng không tiễn anh, hai người đều mang trong tim một nỗi mất mác không sao lấp đầy.
Những kẻ lang thang trong nỗi buồn của chính mình thường bắt nhịp được sự đồng điệu, một ngày nào đó Nghĩa hy vọng mình sẽ có cơ hội bước vào trái tim Kiều Ly, không giống như cách mà anh trai đã từng làm vì anh sẽ không bỏ rơi cô.
Trước khi đi ngủ Nga có gọi điện cho em gái, cô nghe dì nói Nghĩa cũng về, chắc chắn không phải là trùng hợp.
– Chiều mai chị về đón em.
– Chị bận thì em đi taxi cũng được.
– Chị có việc xuống thị trấn, tiện đường đón em luôn.
– Dạ.
– Em và cậu ta vẫn gặp nhau sao?
– Anh ấy đưa em đi thăm mộ Thế Sơn.
– Ừ, thôi em ngủ sớm đi, đừng nghĩ ngợi gì nữa nhé.
– Dạ..