Cụ nuôi Huống Đồng Thắng, hoặc có lẽ bây giờ, nên gọi ông là Hoàng Đồng Thắng.
Trước giờ, ông chưa từng nói rõ ràng với Giang Luyện rằng mình là một thợ cản thi, nhưng ông từng kể rất nhiều chuyện về cản thi, lời trong lời ngoài đều là ý đó, ông còn biết thủ pháp của những trường phái khác nhau, chẳng hạn như có môn phái lễ độ cung kính với thi thể, tôn là “hỉ thần”; có môn phái thì lại cục cằn thô bỉ, lúc cản thi quát một tiếng “Súc sinh, đi”, coi người chết như súc vật mà xua chạy.
Chuyện muốn kể phải ngược dòng về gần tám mươi năm trước.
Trong lịch sử kháng chiến của Trung Quốc, Hồ Nam là một nơi rất thần kỳ: Sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông Bắc, giặc tiến quân thần tốc, rất có xu thế chiếm lấy toàn bộ Trung Quốc, năm 1939, móng vuốt vươn tới Hồ Nam, vậy nhưng cho đến năm 1945 đầu hàng, người Nhật ở đây cứ đánh lại lui, lui lại đánh như kéo cưa, như rơi vào đầm lầy, không rút ra được, cũng không vào tiếp được.
Chiến tranh rất tàn khốc, Tương Tây có núi lớn ngăn trở nên tạm thời chưa bị lửa lan đến, trong khi đó, thành thị Tương Đông thì đã chịu đủ chà đạp, đến cả một tỉnh lị như Trường Sa cũng gần như bị một cây đuốc đốt thành đất hoang.
Trận đó, rất nhiều người mang cả nhà đi chạy nạn, hi vọng có thể chuyển vào hậu phương lớn Trùng Khánh – bởi trên quốc lộ cứ vài ba ngày lại có máy bay giặc đến oanh tạc, vô cùng nguy hiểm nên đường núi nổi danh là ổ thổ phỉ của Tương Tây lại thành lựa chọn hàng đầu.
Nhà họ Huống là một trong số những nhà chạy nạn như thế, một nhóm gái trai già trẻ gần hai mươi người, mang theo gia sản, lập thành đội thồ, cùng người dẫn đường và hộ tống băng qua Tuyết Phong Sơn, tiến vào Đại Vũ Lăng hung hiểm khó lường.
Hoàng Đồng Thắng có nghe nói một chút về thế cục bên ngoài nhưng không để trong lòng, ông chưa từng gặp giặc Nhật, chỉ nghĩ là chắc cũng không khác quân tóc dài Thái Bình Thiên Quốc (*) là bao – cướp tóc dài tới, người lớn tuổi sẽ vào núi tránh tóc dài, giặc Nhật tới, cùng lắm thì cũng vào núi né một phen.
(*) Thái Bình Thiên Quốc là một nhà nước tôn giáo và thần quyền Thiên chúa giáo được hình thành từ cuộc nổi dậy của nông dân do Hồng Tú Toàn cầm đầu vào giữa thế kỷ XIX, sự phát triển và suy vong của tổ chức này gắn liền với cuộc đấu tranh của người Hán chống lại sự cai trị của nhà Thanh và sự xâm lăng của các thế lực phương Tây, bị giai cấp thống trị nhà Thanh khinh miệt gọi là quân tóc dài (vì thời Thanh theo tục người Mãn Châu, cạo trọc nửa đầu).
Ông vẫn trước sau như một mà rung chuông chiêu hồn, đầu đội trời trăng sao, chân đạp đường đá xanh, đưa dẫn hỉ thần trong vùng núi Ngọ Lăng, đi nhiều rồi cũng đánh bạn được với vài người – ví dụ như lão Mã ở trại Bát Kháng, nhà họ Mã chuyên làm mặt nạ rước thần, lão đại Mã Cổ Vẹo trong nhà thích nhất là tìm Hoàng Đồng Thắng uống rượu tán dóc, đem hết những chuyện vụn vặt anh em ruột chị em dâu ba tầng trong ba tầng ngoài nhà mình ra làm đồ nhắm.
Lần đó cũng rất tình cờ, Hoàng Đồng Thắng và người nhà họ Huống cùng vào một quán trọ.
Bình thường, thợ cản thi hay ở quán trọ người chết, loại quán trọ này được mở rất nhiều ở Tương Tây, địa chỉ đều ở nơi hoang vu, ngưỡng cửa cao, cổng sơn đen, ban đêm không đóng cửa để tiện cho thợ cản thi ra vào, trong quán thường không có người, gần như tự phục vụ – lúc thợ cản thi rời đi chỉ cần đặt tiền thuê trong phòng là được.
Nhưng chỉ cần chủ quán không kiêng kỵ thì thỉnh thoảng cũng có thể ở trong quán trọ lớn, bởi thợ cản thi ở trọ thường ra tay tương đối hào phóng, hơn nữa người Tương Tây quan niệm rằng “hỉ thần” từng trọ lại quán nào sẽ mang lại vận may cho quán ấy, đó gọi là “hỉ thần đả tiệm”, thế nên trong quán trọ thường chừa ra một hai gian phòng khuất nẻo không có cửa sổ, chuyên cung cấp cho những vị khách đặc biệt.
Hôm đó, Hoàng Đồng Thắng dẫn hỉ thần, tờ mờ sáng vào trọ, ngả đầu đi ngủ, đang ngủ say thì nghe thấy có người đùng đùng gõ cửa.
Hoàng Đồng Thắng toát mồ hôi lạnh, còn tưởng là xảy ra chuyện gì, đến khi mở cửa, trước mặt lại không ai.
Cúi đầu xuống thì trông thấy một cô bé hai, ba tuổi đầu đội mũ hổ trắng, đang nằm nhoài trên ngưỡng cửa chảy nước dãi cười khanh khách với ông, lăn bò dính cả một thân bụi bặm mà còn cười vui vẻ vậy, tựa như cảm thấy hưng phấn vì chòng ghẹo ông.
Cách ăn mặc này nhìn không giống dân bản xứ, Hoàng Đồng Thắng biết là con trẻ của khách trọ, cô bé thấy cửa mở, hăm hở muốn bò vào trong phòng, hay lắm, bên trong toàn là những thi thể đứng quay mặt vào tưởng, để cô bé trông thấy thì rất không ổn, Hoàng Đồng Thắng hết hồn, lật đật đóng cửa lại, bế cô bé ra ngoài tìm người nhà, may là vừa đi qua góc hành lang thì chạm mặt mẹ cô bé.
Đó là một người phụ nữ trẻ tuổi, chỉ tầm đôi mươi, mặc xường xám và áo quái tử dài tay, dung mạo vô cùng xinh xắn dịu dàng. Hoàng Đồng Thắng biết mình xấu, sợ dọa sợ nàng, không dám ngẩng đầu lên, lúc hạ mắt xuống, trông thấy giữa tà áo xẻ là bắp chân đi tất lụa trong, luống cuống đỏ rực từ cổ đến tận mang tai, nói cũng run giọng.
Người phụ nữ kia lại rất ôn hòa khách khí, vẫn cảm ơn ông, mỗi chữ phát âm ra đều dịu dàng êm ái, giọng điệu cực kỳ dễ nghe, khiến ông cảm thấy giọng địa phương miền núi của mình thật quá tục tằng.
Lúc tạm biết, ông nửa cúi đầu, vẫn lúng ta lúng túng không nói được một câu trọn vẹn, mãi đến khi người phụ nữ ấy đi xa rồi mới dám ngẩng đầu lên nhìn: Cô bé ôm cổ mẹ, vẫn đang vẫy vẫy bàn tay nhỏ tạm biệt ông, ánh mắt ông lại chỉ nhìn chằm chằm vào vòng eo mềm mại và bắp châm lộ ra dưới tà xường xám của người phụ nữ.
Thật đúng là tiên nữ, những cô gái trong trại núi, ca hát tuy hay, thêu hoa tuy khéo nhưng cũng chẳng bằng cô, huống hồ, những cô gái đó vẫn hay cười nhạo ông xấu xí, nhìn ông bằng nửa con mắt, nhưng người phụ nữ này thì lại dịu dàng như thế, còn bảo con gọi ông là “chú” nữa.
Hoàng Đồng Thắng ôm trái tim đập loạn về phòng, trong lòng nóng hổi, buổi chiều ông cũng chẳng ngủ yên giấc được, cứ trằn trọc nghĩ về người phụ nữ đó mãi.
Nếu là mấy năm trước thì ông đã chẳng dám nghĩ về phụ nữ, bởi sư phụ nói, thân đồng tử có ba cây đuốc nên mới có thể cản thi, nhưng thân thể đàn bà lại rất độc, có thể phá hỏng ngọn lửa thuần dương này, bắt ông phải tránh xa phụ nữ, nghĩ cũng không được nghĩ.
Nhưng theo số tuổi tăng dần, có một số việc dần cào ngứa lòng, hai năm nay, ông càng lúc càng nghĩ nhiều đến chuyện lên bờ kiếm vợ, ông tính toán số tiền mình dành dụm được: Đời này có thể lấy được người phụ nữ như vậy không?
Sờ sờ mặt mình, ông cảm thấy hẳn là không lấy được, ông không xứng.
Trừ phi, ông nghĩ, trừ phi người phụ nữ đó gặp phải tai nạn, tỷ như bị què chân, bị mù mắt, hoặc là hủy dung, lúc này mới tới lượt ông, mà ông tất nhiên sẽ không ghét bỏ nàng, sẽ coi nàng như bảo bối, nâng lên thật cao mà tôn thờ, mình nhai trấu nhường nàng ăn thịt, mình dù có cởi truồng cũng phải cho nàng được mặc thứ xiêm y may bằng loại vải thượng hạng nhất.
Nếu nàng gặp tai nạn thì thật tốt, cũng chỉ như vậy ông mới có thể xứng đôi, Hoàng Đồng Thắng nghĩ đến chỗ kỳ quái, bất chợt tỉnh táo lại, vả cho mình mấy cái bạt tai thật đau: Thật là vô liêm sỉ, sao có thể mong ngóng người ta gặp tai nạn như thế, đáng chết!
Cứ giày vò như vậy cho đến khi đêm xuống.
Đối với thợ cản thi, đây là giờ bắt đầu làm việc, ông thanh toán tiền trọ, phất lá cờ màu vàng ngả đỏ, dẫn mấy hỉ thần, lại lắc lư lên đường.
Đi được nửa đường thì trời đổ mưa, Hoàng Đồng Thắng quen đường, dẫn hỉ thần vào một cái động trú mưa, mình thì tựa vào cửa động, vung vẩy cây đuốc, chán chường đợi mưa tạnh.
Đang quan sát chung quanh, bỗng liếc ra xa, thấy trên một cây sam lớn ở đầu dốc chếch phía đối diện dường như đang treo một người.
Hoàng Đồng Thắng giật bắn mình, cũng không phải là sợ người chết, đã làm nghề này rồi thì gan cũng rất lớn, mà là ông nhớ, trên cái cây đó đích xác có treo một người đàn ông tóc đuôi sam quấn vòng, đi giày rơm, nhưng tháng trước, mình vừa mới chôn cất cho y.
Không sai, người đó treo trên tán cây đã được một, hai tháng rồi, Hoàng Đồng Thắng đi qua đi lại mấy lần đều thấy, đã nhìn đến quen mặt rồi – người nghèo thương người nghèo, ông nổi lòng trắc ẩn, có lần hứa với người đó rằng, nếu lần này đi chân có thể kiếm được hai mươi đồng bạc trắng thì khi trở về sẽ mua áo liệm chôn cất cho y.
Kết quả, lần đó khách hàng hào phóng thật, cho hẳn ba mươi đồng, Hoàng Đồng Thắng cảm thấy làm người phải biết giữ lời, lúc đi chân chuyến tiếp, thật sự mang theo áo liệm thay cho người đó, đào một cái hố gần đó chôn cất.
Lúc này mới qua một tháng, sao lại có người chết ở đó rồi? Lạ thật, nơi hoang vu như vậy, sao những người này lại tìm tới đây?
Hoàng Đồng Thắng lấy làm kỳ quái, dù sao nhất thời nửa khắc chẳng lên đường ngay được, bèn qua đó xem rõ ngọn ngành.
Ông trèo lên đầu dốc, nương ánh lửa chập chờn, nhìn thấy rõ mặt người kia, trong sát na, lông tóc toàn thân dựng hết cả lên.
Đây không…không phải là người ông đã chôn sao? Tại sao lại treo lên rồi? Chẳng lẽ bò từ trong mộ ra? Nhưng dù có bò ra thì cũng phải mặc áo liệm chứ, cái áo trong rách nát mặc trên thân này không phải đã bị ông đốt trước mộ rồi à?
Hoàng Đồng Thắng nuốt nước bọt, nơm nớp vươn tay tóm lấy thân mình người đó, muốn kéo qua xem chính diện cho rõ, vậy nhưng tay lại tóm phải không khí.
Ông ngớ ra hồi lâu, chợt hiểu ra: Trời đất! Đây chính là bức họa đốt đèn mà sư phụ từng nhắc tới, ông thật đúng là được mở mang tầm mắt!
Hoàng Đồng Thắng hưng phấn vô cùng, nhìn trái nhìn phải thi thể giả kia, tặc lưỡi cảm thán: Trông y như thật vậy, còn thật hơn cả thật, nếu không vươn tay chạm vào thì ai mà biết là giả được chứ?
Đang hứng khởi xem thì cách đó không xa phía sau chợt vọng tới tiếng người la hét kinh hãi và tiếng ngựa thồ đạp vó, theo hướng nhìn lại, ánh lửa càng lúc càng gần, còn kèm theo tiếng quát tháo hung bạo và tiếng huýt sáo, Hoàng Đồng Thắng thường xuyên đi đêm nên lập tức hiểu ra: Là thổ phỉ cướp đường!
***
Thợ cản thi đúng là có một thân bản lĩnh huyễn hoặc, nhưng bản lĩnh đó là để ứng đối với người chết, giống như lý luận của tú tài vậy, gặp phải đao thương gậy gộc đều chẳng có tác dụng gì.
Chuyện xảy ra quá tức thì, chạy không kịp nữa rồi, để người ta trông thấy chắc chắn sẽ thành mục tiêu, Hoàng Đồng Thắng cái khó lo cái khôn, chui vào bụi cây rậm rạp dưới dốc nằm sấp xuống, chỉ mong đội thồ bị cướp có thể chạy nhanh hơn chút, dẫn thổ phỉ rời khỏi khu vực này.
Vậy nhưng chẳng được như mong muốn, tiếng kêu thảm và chém giết, còn cả tiếng xe lật ngựa hí nữa, đều như bày trận ngay trên đầu ông, ánh đuốc lắc lư rọi xuống ven dốc, chiếu vào khuôn mặt lấm lem mồ hôi và nước bùn của Hoàng Đồng Thắng.
Ông nương nhờ sự che chắn của bụi cây này, run lập cập ngẩng lên nhìn.
Người của đội thồ này vẫn rất kiên cường, cũng có thể là sống chết đến trước mặt rồi, không liều mạng không được. Mấy người đàn ông đều cầm gậy gộc lên đánh nhau với thổ phỉ, đến đàn bà con gái cũng xông lên cào cắn hỗ trợ, nhưng chênh lệch lực lượng quá lớn, dần dần rơi vào bại thế, trong hỗn loạn, Hoàng Đồng Thắng chợt nhìn thấy có một người phụ nữ ôm con đang chạy về phía này.
Hoàng Đồng Thắng thầm than hỏng rồi, rất sợ người phụ nữ ấy dẫn thổ phỉ qua, làm liên lụy đến mình bị bại lộ, đến khi thấy rõ khuôn mặt người phụ nữ kia thì giật mình suýt kêu thành tiếng.
Vậy mà lại là người phụ nữ gặp được trong quán trọ ban ngày, mà đứa trẻ nàng ôm trong lòng thì chính là cô bé đa gõ cửa ông.
Hoàng Đồng Thắng không rõ vì sao người nhà này phải lên đường trong đêm thế này, về sau hỏi thăm khắp nơi mới biết hẳn là bị người khác làm “bánh nướng kẹp”: người dẫn đường bị thổ phỉ mua chuộc, làm nội ứng, dẫn họ đi đường vòng, đi sai đường, bỏ lỡ quán trọ, vào đúng nơi hoang vu vắng vẻ “mở lò mổ”.
Lúc đó, Hoàng Đồng Thắng nhận ra nàng, trong lòng vô cùng trông mong nàng có thể trốn thoát, nhưng, một tên thổ phỉ cầm đao lập tức phát hiện ra người phụ nữ lén chạy đi này, thét lớn một tiếng xông tới.
Người phụ nữ đó nghe thấy tiếng thét, vừa hãi vừa sợ, chân nhũn ra, vấp chân ngã nhào, cũng không biết có phải là may mắn hay không mà sau khi ngã xuống, ngẩng đầu lên, trông thấy mặt Hoàng Đồng Thắng ẩn trong bụi cây.
Hoàng Đồng Thắng vẫn luôn muốn biết lúc đó trên mặt mình rốt cuộc là biểu cảm gì, hẳn quá nửa là kinh hãi, cự tuyệt, không thể cho nàng hi vọng, ngược lại khiến nàng cảm thấy tuyệt vọng – bởi người phụ nữ ấy nở nụ cười thê lương, nói với ông: “Anh đừng sợ.”
Nói xong, nàng nhanh chóng đẩy con tới, sau đó quả quyết xoay người lại, nhào về phía tên thổ phỉ kia, vật lộn với hắn trong tư thế một lòng muốn chết.
Trong đầu Hoàng Đồng Thắng ong ong, ông ôm đứa bé, lùi từng chút xuống dốc núi, trên đầu tung bay đủ loại âm thanh, quá tạp nham quá hỗn loạn, ông không phân biệt ra nổi rốt cuộc người phụ nữ ấy có còn hay không.
Nước mưa chảy vào cổ ông, ông cúi đầu nhìn bé gái trong lòng, cô bé mấp máy cái miệng nhỏ như muốn khóc, song không bật ra tiếng nào, tựa hồ chưa trải sự đời đã hiểu chuyện, trên cổ đeo một sợi dây chuyền mảnh bằng bạc lóe lên ánh sáng nhàn nhạt.
Hoàng Đồng Thắng kéo sợi dây chuyền ra xem, thì ra trên sợi dây treo một chiếc khóa trường mệnh, bên trên khắc ngày sinh tháng đẻ và tên cô bé.
Huống Vân Ương.
Sau nữa, âm thanh đầu bên kia dần tản đi, tiếng người tắt lịm, ngựa thồ bị kéo đi, bọn thổ phỉ tụ tập cách đó không xa, lần lượt mở rương ra kiểm tra chiến lợi phẩm, thỉnh thoảng reo lên tiếng trầm trồ hưng phấn, đầu này chỉ còn lại tiếng lách tách của khung xe bị ngọn lửa tàn thiêu đốt.
Mưa cũng nhỏ đi, từng tia từng tia chẳng nhỏ được vào ngọn lửa, xèo một tiếng hóa thành làn khói nhẹ.
Hoàng Đồng Thắng làm chuyện dũng cảm nhất đêm đó: Ông ôm Tiểu Vân Ương len lén leo lên dốc núi.
Ông trông thấy thi thể ngổn ngang dưới đất, có thể đoán được rằng chẳng bao lâu sau, dã thú sẽ theo mùi máu tươi tìm tới, tha họ đi. Ông tìm được người phụ nữ kia, nàng nằm sấp mặt trên đất bùn, cổ nứt ra một vết thương nhìn mà kinh hãi, chiếc áo quái tử màu trắng đã bị máu nhuộm thành màu đỏ sẫm.
Nàng chắc chắn phải chết, Hoàng Đồng Thắng rét căm căm, người run lên lẩy bẩy, mà Tiểu Vân Ương trong lòng thì òa một tiếng bật khóc.
Hoàng Đồng Thắng sợ bị thổ phỉ nghe thấy, vội che miệng Vân Ương lại, nhưng không ngờ tiếng khóc lại kinh động tới người phụ nữ kia.
Nàng vẫn chưa chết, dùng hết sức lực cuối cùng ngửa mặt lên, đôi môi dính đầy bùn cát và máu chậm rãi mấp máy như muốn nói gì.
Hoàng Đồng Thắng vội quỳ xuống, ghé lại nghe.
Nàng như đang nói: “Rương, tòa.”
Tiếng nói này như mấy sợi tơ nhẹ bẫng, nói một lần, đứt thành hai ba đoạn, nói lại lần nữa, lại đứt thành hai, ba đoạn, sau cùng đứt hết, không còn âm thanh nào nữa.
***
Hoàng Đồng Thắng nhận nuôi Huống Vân Ương, những gì xảy ra sau đó không khác suy đoán trước đó của Mạnh Thiên Tư là bao: Lúc một lần nữa nhận việc, ông đụng phải giặc Nhật ở gần Trường Sa, lúc này mới biết giặc Nhật hung ác tàn bạo gấp bội giặc tóc dài.
Sau khi trúng đạn bị thương, ông mượn cơ hội này lên bờ, đổi tên thành Huống Đồng Thắng.
Ông không quên lời người phụ nữ kia nói lúc sắp chết, phỏng đoán có phải nhà họ Huống chôn cái rương gì quan trọng ở tòa nhà cũ không, cũng may nhà họ Huống chạy nạn một đường, người đông thanh thế lớn, cũng không khó men theo dọc đường hỏi thăm ra – nhà họ Huống ở tại Lâu Để, là cố hương của Xi Vưu trong truyền thuyết.
Nhưng lúc họ chạy nạn đã bán nhà cho một hộ lớn cùng quê xây lại thành nhà kiểu Tây, xem ra hẳn sẽ không trở lại trong khoảng thời gian ngắn, vậy vì sao lại chôn một chiếc rương quan trọng như thế dưới nhà?
Hơn nữa, người đã chết hết rồi, để lại cái rương, bất kể là đựng vàng hay đựng bạc thì cũng có ý nghĩa gì đâu chứ?
Huống Đồng Thắng thở dài một tiếng, không xoắn xuýt chuyện rương nhà gì nữa, dẫn Tiểu Vân Ương rời khỏi Tương Tây, ra ngoài mưu sinh, lăn lộn một đường, cuối cùng xuống tới Nam Dương (*).
(*) Nam Dương là cách gọi của người Trung dành cho những vùng địa lý ở phía Nam Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Chắc là số ông may, ở nơi đất khách quê người, bắt đầu từ bán đồ da, tiếp đó làm giày, làm bán lẻ, vậy mà cũng tính góp được gia sản bạc triệu, được người Hoa địa phương coi là vua bán lẻ đất ấy.
Nhưng Huống Đồng Thắng sống cũng chẳng lấy gì làm sung sướng, băng đạn đó của giặc Nhật đã làm tổn thương gốc con cháu của ông, cả đời này chẳng thể nào được hưởng nam nữ hoan ái, cũng đã không thể nối dõi tông đường.
Không thể thì thôi, ông chấp nhận, cảm thấy đời này, mạng sống và tình yêu đời này đã dâng hiến cho hai người con gái rồi.
Một người là người mẹ chết dưới đao thổ phỉ của Huống Vân Ương, một người phụ nữ mà đến cả tên ông cũng chẳng biết, có đôi lúc, ông lại khiên cưỡng mà cảm thấy là mình hại nàng: Chiều hôm đó, ông cứ nghĩ mãi mong nàng “gặp tai nạn” để mình có thể xứng đôi với nàng đó thôi, sau đó, nàng gặp chuyện thật, có phải là vì bị mình khắc hay không?
Người phụ nữ đó chỉ nói với ông lác đác vài câu, câu “Anh đừng sợ” và bóng hình gầy nhỏ, chạy về phía thổ phỉ liều mạng kia đã đủ để ông nhớ mãi một đời, cũng đủ để ông quang minh chính đại tìm nơi an nghỉ cho lòng mến mộ của mình.
Người còn lại chính là Huống Vân Ương, dung mạo cô rất giống mẹ mình, có đôi lúc, Huống Đồng Thắng nhìn cô mà không phân biệt nổi người đứng trước mặt là Huống Vân Ương hay là người phụ nữ mặc áo quái tử trắng đi tất lụa trong nữa. Ông nhìn cô lớn lên, ông gánh hết khổ sở, không muốn để cô chịu một chút khó khăn nào. Hai người vừa xứng làm một cặp cha và con gái nhưng bản thân ông biết rằng, tình cảm của mình dành cho Vân Ương rất phức tạp, khó mà nói rõ được.
Nhưng như vậy cũng có thể làm gì được đâu, ông là gã nhà quê Tương Tây, cổ hủ và truyền thống, có một vài ý nghĩ trong đầu, dù mới chỉ manh nha nhưng ông cũng cảm thấy dơ bẩn xấu xa, nên đày xuống mười tám tầng địa ngục, nung đốt trong chảo nồi.
Coi như con gái là được rồi, ông rất vui vẻ chấp nhận người yêu của cô, nở mày nở mặt tiễn cô đi lấy chồng.
Khi ấy, ông đã định cư ở Nam Dương được hai mươi năm, trăng gió Tương Tây, trời trăng sao cản thi, bức họa đốt đèn đêm tàn sát và tiếng huýt sáo của thổ phỉ đều cách ông quá xa.
Tâm nguyện duy nhất của ông là Huống Vân Ương được sống trọn đời bình an hạnh phúc.
***
Năm Hướng Vân Ương ba mươi hai tuổi, đột nhiên mắc phải bệnh lạ.
Da cô tự nứt ra, từ móng tay rách toạc một vết dài, máu ở mép vết thương không ngừng bắn tung như miệng núi lửa mãi mãi không ngừng sôi trào nham thạch nóng chảy, bọc bao nhiêu băng gạc lên cũng đều có thể nhìn thấy máu dưới băng gạc không ngừng đâm húc.
Huống Đồng Thắng mời hết các loại danh y tới, đều nói mình bó tay.
Không lâu sau khi cô bị bệnh, người chồng đã tuyên thệ trong hôn lễ rằng bất kể khỏe mạnh hay bệnh tất cũng sẽ không rời không bỏ của cô lập tức đến mặt cô cũng không muốn thấy, luôn miệng nói mình cũng không còn cách nào khác, cô như vậy thật đáng sợ, hắn gặp rồi sẽ gặp phải ác mộng.
Huông Vân Ương không chịu được nỗi đau khổ và sự đả kích kèm theo này, nhảy lầu tự sát, trước khi chết để lại di thư, nhờ Huống Đồng Thắng chăm sóc cho con gái mình Phượng Cảnh.
Huồng Đồng Thắng tan nát cõi lòng, lệ tuôn ròng ròng, nhưng mạng già vẫn phải giữ lại cho đứa con gái đời thứ ba của nhà họ Huống.
Ông cảm thấy họ của tên đàn ông không thể tha thứ kia không xứng với Phượng Cảnh, bèn cho cháu gái quay lại họ Huống, Huống Phượng Cảnh.
Khi đó, ông còn tưởng rằng, bệnh của Huống Vân Ương chỉ là ngoài ý muốn, là căn bệnh hiếm thấy có xác suất cực nhỏ, là kiếp nạn của đời người.
***
Lại qua mấy lượt đông hạ, mấy vòng xuân thu, lúc Huống Phượng Cảnh kết hôn, Huống Đồng Thắng đã gần tám mươi, thời gian xóa nhòa ký ức bi thảm, ông thường cười mình rằng có lẽ kiếp trước thiếu nợ con gái nhà họ Huống rất nhiều tiền nên đời này bị phạt, vĩnh viễn phục vụ cho họ, hết đời này sang đời khác.
Cũng may đã sắp sống hết rồi, đừng hòng sai khiến ông phục vụ tiếp nữa, dù ông có muốn, Diêm vương cũng chẳng cho.
Nói đùa vậy mà lại thành lời sấm.
Huống Phượng Cảnh hai mươi chín tuổi phát bệnh, cũng là đột phát, bệnh trạng y hệt Huống Vân Ương, thậm chí còn kinh khủng hơn: Da đầu cô rụng xuống theo tóc, những vết thương nứt rách bò lên mặt, vượt qua mí mắt, trèo lên đầu.
Chồng cô chịu đựng hai tháng, cuối cùng suy sụp, chuồn mất, Huống Đồng Thắng tức giận mắng: “Đàn ông đều đ** phải thứ tốt lành gì hết”, hồn nhiên quên mất lời này đã mắng cả mình vào.
Ông sợ Phượng Cảnh cũng học Vân Ương tự sát, ngậm nước mắt hạ quyết tâm bảo người khóa chân tay cô vào giường bệnh. Tiểu Mỹ Doanh khi đó mới bốn năm tuổi đã lâu không tìm được mẹ, nhớ muốn chết, canh sơ hở lén chạy vào căn nhà nhỏ đã bị liệt thành khu vực cấm của gia đình, trông thấy một con quái vật giãy giụa lăn lộn trên giường, da dẻ cả người nứt rách ứa máu, xương hàm lộ hết cả ra.
Huống Mỹ Doanh sợ đến ngất xỉu tại chỗ, từ đó thành bệnh căn của chứng “Chịu không nổi kinh hãi”.
Phượng Cảnh không tự sát, nhưng cuối cùng chết vì bệnh lạ giày vò, cô dường như hiểu ra cái gì, câu trăng trối cuối cùng trước khi chết là xin Huống Đồng Thắng “mau cứu Mỹ Doanh”.
…
Nhân viên thu xác khiêng thi thể của Phượng Cảnh đi, y tá chăm sóc cho Mỹ Doanh như chim sợ cành cong, Huống Đồng Thắng ngồi dưới đất, dựa vào chân giường bệnh loang lổ vết máu, im lặng lau nước mắt, rồi lại lau nước mắt.
Sau đó, ông ngủ thiếp đi trong dòng lệ già nua.
Trong mơ, ông trở lại cái đêm thổ phỉ hành hung chém giết, trông thấy người phụ nữ đã bị chém gần đứt nửa cổ nhưng vẫn liều mạng bò về phía chỗ ông ẩn náu kia.
Miệng nàng không ngừng thì thào, vẫn là lặp đi lặp lại hai chữ “Rương, tòa” như cũ.
Hôm ấy, cách cái đêm nọ đã gần nửa thế kỷ, rốt cuộc Huống Đồng Thắng cũng nghe hiểu được câu nói kia.
Chữ nàng nói không phải là tòa, mà là toa.
Toa thuốc.