Đứng trước một địch thủ mà đã có phần ước lượng được tài sức, thế mà vị chủ nhân “Duyệt Tân Lâu” lại trầm tĩnh đến lạnh lùng, chứng tỏ đã nắm chắc được phần thắng trong tay. Nhiều người đã phải vì Hùng Miêu Nhi
mà lo ngại…
Thế nhưng Hùng Miêu Nhi vẫn cười rổn rảng:
– Muốn đánh thì cứ việc nhào vô đánh chứ mời thỉnh cái quái gì? Cái thứ trò khệnh khạng để tỏ ra mình là bậc “đại nhân”, bậc “hào kiệt” đó thì lòe được ai? Rốt cuộc thì cũng dập đầu đổ máu với nhau mà ở đó làm tuồng khách sáo!
Câu nói đốp chát thật là rát mặt, thế mà vị chủ nhân “Duyệt Tân Lâu” vẫn tỉnh khô, hắn vòng tay:
– Xin mời!
Hùng Miêu Nhi rùng vai:
– Sao lại cũng cứ cái mửng ấy hoài vậy? Ta đả bảo rồi kia mà. Ai đụng tới ta, ta sẵn sàng đụng lại, người không đánh ta thì ta đâu phải là quân hiếu chiến!
Vị chủ nhân “Duyệt Tân Lâu” gặn lại:
– Ngươi không chịu ra tay à?
Hùng Miêu Nhi cười:
– Từ xưa đến nay cùng người giao đấu, ta chưa từng ra tay trước bao giờ!
Vị chủ nhân “Duyệt Tân Lâu” cau mặt:
– Thật đấy à?
Hùng Miêu Nhi nói:
– Ta rất ít nói chơi. Đây, bây giờ ta đứng đây, từ trên xuống dưới khắp châu thân ta ngươi cứ xem chổ nào ưng mắt thì cứ việc nhắm ngay chổ đó!
Vị chủ nhân “Duyệt Tân Lâu” đảo mắt từ trên xuống dưới rồi bước trái qua lấy chiếc áo choàng từ trên tay tên bộ hạ, xổ nhẹ ra và chậm rải mặc vào…
Hùng Miêu Nhi hỏi:
– Sao? Sao thế?
Vị chủ nhân “Duyệt Tân Lâu” nói:
– Tại hạ từ xưa đến nay cùng người giao đấu, cũng chưa từng ra tay trước bao giờ. Ngày nay gặp huynh đài cũng thế, kể như cuộc giao đấu bất thành.
Và hắn vòng tay lại quay tròn bốn phía:
– Chư vị anh hùng cứ tự nhiên vui vẻ dùng trọn tiệc, hôm nay cho đệ được xin lãnh phần chi tất cả.
Hắn chào một lần nữa rồi quay bước trở vô…
Thật là một chuyện ra ngoài ý nghĩ mọi người, chẵng nhũng Hùng Miêu
Nhi sửng sốt, mà tất cả thực khách cũng đều trơ mắt nhìn nhau ngơ ngẩn.
Tâm lý của quần hào ai cũng đều muốn cuộc giao đấu diễn ra, vì họ biết cả hai đều là tay kiệt liệt, chẳng những giỏi vỏ công, mà thái độ của họ, lại đều là quân tử, trận đấu nếu diễn ra sẽ rất hào hứng vô cùng. Thế nhưng bây giờ mọi người đều thất vọng. Thất vọng nhưng lại không buồn. Vì riêng đây là cuộc đụng độ không bằng vỏ công mà lại bằng thái độ thật là hi hữu.
Chỉ riêng Chu Thất Thất, nàng thở dài một hơi nhẹ nhỏm. Vì đối với nàng cuộc giao đấu nếu diển ra, bất cứ kẻ nào thắng bại nàng cũng đều không thích.
Bây giờ lòng nàng vừa hân hoan mà cũng vừa tức cười: “Rõ ràng hắn vẩn như xưa, khi chưa nắm chắc phần thắng trong tay thì nhất định hắn không bao giờ chịu đánh”!
Trước đây mấy ngày, toàn tửu lầu rộng lớn lầu lặng im thin thít, một cây kim rơi cũng dễ dàng nghe thấy, bây giờ thì trái lại, như một bầy ông vở tổ, thiên hạ đua nhau nói ôm xồm…
Có nhiều kẻ vui cười thích ý, có nhiều người đua nhau nghị luận thái độ anh hùng, mà cũng có nhiều người còn ấm ức vì chưa được xem mãn nhãn.
Nhưng dù gì, vấn đề ăn uống cũng sôi nổi hơn cả. Nhất là được một bửa tiệc mời trong một tửu lầu danh tiếng, rượu ngon mà món ăn lại vừa miệng vô cùng.
Hùng Miêu Nhi và các anh em của hắn tự nhiên là chọn bàn ngồi xuống, và lẻ tự nhiên là khỏi cần gọi, rượu thịt đã được đưa tới đầy bàn.
Chu Thất Thất đảo mắt một vòng, rồi vụt đứng dậy nhìn gã thiếu niên mặt trắng ngồi gần bàn bên, nàng vòng tay mỉm cười:
– Xin mời!
Gã thiếu niên mặt trắng hơi lựng khựng, nhưng rồi gã cũng đứng lên đáp lễ: – Không dám, xin mời!
Thấy dáng sắc ngơ ngác của hắn, Chu Thất Thất cố nhịn cười nói tiếp:
– Dám thỉnh huynh đài sang đây cùng với đệ làm quen một chén, phỏng có nên chăng?
Gã thiếu niên ngập ngừng:
– Vâng… vâng… nhưng huynh đài còn có… “bửu quyến” không biết đệ như thế có là quấy nhiễu chăng? Hắn muốn ám chỉ Vương Lân Hoa, nhưng hắn chưa biết “họ” là gì với nhau, nên hắn dùng đại hai tiếng “bửu quyến”, kể ra thì hắn cũng khá lanh. Chu Thất Thất lại càng cố nhịn cười:
– Không can chi, y cũng không phải cô nương chi, cũng không thiếm hay mợ gì, y căn bản cũng không phải là phái yếu.
Lạ chưa, gã thiếu niên nhìn “cô gái” Vương Lân Hoa mà đâm ngơ ngác. Y không phải cô nương… cũng không phải là phái yếu, thế thì hắn là… phái gì? Hắn khẽ liếc Chu Thất Thất, không lẻ người thiếu niên này lại… lên cơn. Nhìn bộ điệu của hắn. Chu Thất Thất muốn gập người xuống cười một trận cho đã, nhưng nàng cố nhịn bằng lối cắn môi gần rướm máu, và rán lắm mới nói được:
– Tiểu đệ muốn nói cô cháu đây tuy là gái, nhưng tính tình của nó thì lại giống y là… đàn ông. Vậy huynh đài cũng đừng ngại chi, xin mời sang đây đối ẩm cho vui mà!
Gã thiếu niên bật cười:
– À… thì ra là thế…
Hắn lại liếc liếc Chu Thất Thất, và cảm thấy gã “thiếu niên” này, cho nên cuối cùng hắn vòng tay mỉm cười:
– Đã thế tiểu đệ xin mạn phép vậy!
Hắn đi vòng qua ngồi xuống bàn Chu Thất Thất, hai người nâng chén đầu tiên… Chu Thất Thất cứ nhìn gã thiếu niên không chớp, nhìn đến nổi gã phải cuối đầu ấp úng:
– Không… không biết huynh đài có… chi không?
Chu Thất Thất cười:
– Tiểu đệ thấy huynh đài như là quen quá, nhưng không nhớ là gặp ở đâu?…
Gã thiếu niên hỏi lại:
– Chẳng hay huynh đài danh tánh là chi?
Chu Thất Thất nói:
– Tại hạ tên Trầm Lãng!
Gã thiếu niên nhướng mắt kêu lên:
– Huynh đài là… là Trầm… Trầm huynh?
Nếu bình thường thì có lẽ Chu Thất Thất đã bật cười vì cái lối nói kỳ cục của gã, nhưng vì gã nói quá lớn làm cho nàng hết hồn sợ bọn Kiều Ngũ nghe, cũng may vì người ta nói chuyện quá ồn ào cho nên không ai để ý….
Nàng thở phào một tiếng và cười:
– Huynh đài đã có biết… biết đệ à?
Lại thêm một câu hỏi ngớ ngẩn không kém câu hỏi của gã thiếu niên vừa rồi, nhưng gã không để ý….
– Đệ thì chưa gặp Trầm công tử, nhưng đại danh của công tử thì đệ đã nghe nhiều…
Chu Thất Thất cười:
– Huynh đài khen cho, chứ thật thì đệ có danh chi đâu!
Gã thiếu niên sửa giọng nghiêm trang:
– Tuy Trầm công tử là người không chuộng thanh danh, nhưng sự thật thì ai ai cũng đều nói công tử là nhân vật đệ nhất giang hồ hiệp nghĩa. Chính đệ có một số bạn thân cũng đều nói thế. Hôm nay gặp được công tử, thật là đệ lấy làm vinh hạnh vô cùng! Tuy đang giận Trầm Lãng thấu xương, nhưng không hiểu tại sao khi nghe khen hắn thì nàng cảm thấy hả dạ hả lòng hết sức. Nàng cười và nói giọng khiêm nhường:
– Ồ… huynh đài quá khen… à, chẳng hay huynh đài quý danh là chi nhỉ?
Gã thiếu niên nói:
– Đệ tên là Thắng Huyền!
Chu Thất Thất hỏi:
– À… có phải đây là công tử của Thắng Gia Bảo chăng? Thắng Huyền nói:
– Vâng, tôi là Thắng Vinh!
Chu Thất Thất vổ tay:
– Thảo nào mà trông mặt quen quá. Huynh đài thật giống lệnh huynh như đúc. Vậy mà đệ tưởng đã gặp huynh đài ở đâu. Thắng Huyền hỏi:
– Như vậy Trầm công tử có biết anh tôi à?
Chu Thất Thất gật đầu:
– Vâng, có biết…
Thắng Huyền lộ vẻ mừng:
– Tiểu đệ vì đi tìm gia huynh cho nên mới đến đây… Trầm công tử đi nhiều chắc có lẽ có nghe nhiều tin tức anh tôi?
Chu Thất Thất giật mình… Nàng chợt nhớ vụ đâm Triển Anh Tông bị chết ở Nhân Nghĩa Trang… mà Thắng huynh rất có thể cùng chung trong số đó…
Cũng may nàng giữ được bình tĩnh:
– Vâng, tháng trước đệ có gặp lệnh huynh, nhưng sau đó lệnh huynh đi về hướng nào thì đệ không rõ!
Thắng Huyền thở dài:
– Anh tôi đi khỏi Bảo nay đã nửa năm rồi, không có tin gì về cả. Cha mẹ tôi trông ngóng hết sức, vì thế mà tiểu đệ phải đi tìm.
Chu Thất Thất lật đật nói lãng ra:
– Hôm nay quần hào tụ tập tại đây chắc có chuyện chi lớn, thế huynh đài có biết chuyện chi không? Thắng Huyền nói:
– Đây cũng đáng là gọi một chuyện lớn… vì ngôi Bang Chủ Cái Bang bỏ trống quá lâu rồi, cho nên môn đệ Cái Bang gởi thiệp mời bằng hửu giang hồ đến đây dự lể tuyển chọn người lãnh đạo của họ.
Chu Thất Thất gật gù:
– À… té ra là chuyện ấy!
Nàng liếc khẽ Vương Lân Hoa, vì chuyện Cái Bang này có liên hệ đến hắn, bất chợt nàng thấy tia mắt của Thắng Huyền cũng đang lén liếc Vương Lân Hoa…
Thật sự thì không phải mỗi một lần này, mà gần như mỗi câu nói dù vui dù buồn, hắn đều khẽ liếc về “cô gái” đồng bàn này.
Bộ mặt thật của Vương Lân Hoa vốn đã đẹp trai, bây giờ lại cải trang thành gái lại càng có nhiều nét khá hấp dẫn hơn nữa. Nhất là đôi mắt của hắn, thật là đôi mắt có hồn… thêm vào đó là giữa lúc hắn đang dở khóc dở cười, đôi mắt của hắn u u oán oán, lại càng thu hút mấy chàng trai đa cảm…
Cũng là “giống đa tình” cho nên Thắng Huyền bắt gặp đôi mắt đó làm cho tâm thần lơ láo… Giá mà hoàn cảnh cho phép, có lẽ Chu Thất Thất đã gặp mình xuống cười vở quán, bởi vì chưa có chuyện nào dễ cười như thế…
Và nàng vụt hỏi:
– Thắng huynh, anh trông cô cháu gái tôi đây như thế nào?
Bị hỏi thình lình, như bị bắt cắp, Thắng Huyền đỏ mặt:
– A… a… tôi… tôi…
Thấy hắn bị lúng túng nói không ra tiếng, Chu Thất Thất cố nhịn cười:
– Cô cháu gái tôi tuổi cũng đã khá lớn lắm rồi, nhưng còn dòm cao lắm, cho nên đến bây giờ vẫn ở không đấy… Nếu có dịp nhờ huynh đài lưu ý dùm cho nhé!
Thắng Huyền lại đỏ mặt, một hồi lâu hắn tập trung can đảm hỏi đại:
– Dạ… chẳng hay lệnh… lệnh muội đây có ý chọn người như thế nào ạ?
Chu Thất Thất mỉm cười:
– Thứ nhất là thiếu niên anh tuấn, thứ hai là xuất thân từ một thế gia phiệt duyệt, thứ ba à…à… thứ ba thì người đó phải có một vóc dáng như… phải rồi phải có một vóc dáng cở… cở Thắng huynh là được!
Y như bị quăng ra ngoài tầng không khí. Thắng Huyền chới với thót cả ruột gan, không làm sao kiềm nổi, hắn khẽ liếc Vương Lân Hoa rồi lại cuối đầu đỏ mặt.
Vương Lân Hoa thì tức muốn nổ tròng con mắt, giá mà được có lẽ hắn bứt luôn cái lưỡi của con gái quỷ ma này, và hắn đâm bực lây tới Thắng Huyền, hắn muốn móc luôn hai tròng của thằng con nít búng ra sữa mà đã sớm mê gái này!…
Chu Thất Thất cứ sùng sục trong bụng mà lại không dám cười, nín riết nước mắt muốn chảy ra…
Chợt nghe có tiếng người kêu lớn:
– Trầm Lãng… Trầm công tử!
Chu Thất Thất giật mình đánh thót, nàng ngẩng đầu va vào cây cột tá hỏa tam tinh… Nàng ngẩng đầu theo hướng tiếng kêu, thấy Kiều Ngũ đang vén màng cửa sổ vừa ngoắc vừa gọi tên Trầm Lãng…
Lập tức Hùng Miêu Nhi đứng dậy lao ra cửa sổ…
Thắng Huyền trố mắt:
– Ủa, Trầm công tử ở đây… còn Trầm công tử nào mà họ kêu ngoài ấy?
Chu Thất Thất đáp liều:
– A… a… tôi đâu có biết! Thắng Huyền nói:
– Coi chừng… coi chừng… hay là có kẻ trùng tên trùng họ?
Chu Thất Thất được trớn vổ tay:
– Phải rồi, trong thiên hạ thiếu gì người trùng tên trùng họ!
Nàng biết thế nào Hùng Miêu Nhi ra là sẽ kéo Trầm Lãng lên, nên đôi mắt cứ đăm đăm nhìn ra chổ cầu thang, tim thì cứ nhảy đùm đụp, cơ hồ muốn nhảy ra ngoài… Lòng nàng bây giờ thật khó nói, kinh sợ, vui mừng hay oán hận…?
Chính nàng cũng không biết được lòng nàng?
Quả thật chỉ một phút sau, từ dưới thang lầu đã nghe tiếng Trầm Lãng vừa đi lên vừa nói:
– Sao Hùng huynh thấy hay thế? Quả thật đúng là mắt mèo đó nghe!
Hùng Miêu Nhi cười:
– Đâu có, người khác thấy trước rồi đệ mới chạy ra đấy!
Chu Thất Thất bậm môi nắm cứng hai tay ngó đăm đăm ra phía cầu thang…
Thật là oan gia, không biết nợ nần mấy kiếp mà lẩn quẩn rồi cũng gặp.
Đôi mắt chợt nàng như mù mù…
Nàng thấy ló lên cái đầu, cũng mái tóc bồng bềnh… nàng thấy đôi mắt, cũng vẫn đôi mắt sáng quắc soi thủng lòng người… nàng thấy cái miệng, cũng vẫn với nụ cười xiêu hồn lạc phách… cái cười ác hại, cái cười làm cho nàng điêu đứng, chơi vơi…
Nàng nắm cứng bàn tay, nhưng vẫn như sốt rét… Nàng muốn xông lại đấm vào miệng Trầm Lãng để cho nụ cười… dễ ghét ấy tắt mất đi rồi!
Trầm Lãng và Hùng Miêu Nhi cặp kè đi lên. Vắng mặt Kim Vô Vọng.
Chu Thất Thất chỉ ngó một mình Trầm Lãng, còn những người khác có mặt kể như không có…
Mà không phải chỉ riêng gì nàng, thực khách nơi đây y như cũng nhìn một mình Trầm Lãng mà thôi…
Luôn cả lão mắt hí, một người mà vạn vật y như không có dưới đôi mắt ấy, bây giờ cũng theo chiều biến đổi…
“Hùng Sư” Kiều Ngũ bước ra cười lớn:
– Sao? Trầm công tử còn nhận ra Kiều mỗ không?
Trầm Lãng kêu lên:
– A… Kiều đại hiệp, thật là hạnh ngộ hạnh ngộ!
Hùng Miêu Nhi cười:
– Đó, vị này thấy Trầm huynh trước nhất đó!
Kiều Ngũ cười:
– Phải rồi, và vì thế mà Trầm công tử phải ngồi bàn tôi đấy nhé Hùng Miêu Nhi.
– Tính bắt cóc hay sao đây?
Không riêng gì Trầm công tử đâu, mà luôn cả huynh đài nữa đấy. Hồi nãy giờ không biết làm sao mà quen được. Bây giờ đã là bạn Trầm công tử thì may quá!
Hùng Miêu Nhi cười lớn:
– Được rồi, xin sang bàn Kiều đại hiệp vậy. Bữa nay là “rượu mời” mà, ngồi đâu cũng được. Chỉ có điều mấy anh em của đệ đây ngưỡng mộ Trầm huynh lâu rồi, xin cho kính trước một chung đã!
Kiều Ngũ cũng cười:
– Một chung thôi à? Rượu mời mà hà tiện thế!
Hùng Miêu Nhi vổ tay:
– Đúng rồi, đúng rồi… “thiên bôi thiểu” mà!
Không khí tiểu lầu vụt sôi động lạ thường, cả đám người đứng lên tranh nhau mời rượu, tiếng cười tiếng nói vang dậy gần muốn sập lầu.
Chu Thất Thất vụt đứng lên vổ bàn đánh rầm một tiếng:
– Đưa nữ điệt của ta xuống!
Hai người khiêng kiệu lật đật chạy lại…
Thắng Huyền trố mắt:
– Huynh đài đi sao?
Chu Thất Thất vùng vằn:
– Điệu hạnh bọn này thật xốn mắt quá!
Thắng Huyền hơi sửng sốt, vội hỏi:
– Chẳng hay Trầm công tử ngụ nơi đâu?
Chu Thất Thất trả lời cho qua chuyện:
– À… ngụ ở khách điếm lớn nhất đằng kia!
Và không thèm chào hỏi một ai, nàng vẩy tay cho người khiêng kiệu đỡ lấy Vương Liên Hoa.
Nàng bước những bước gần như muốn dậm cho sập cả cho rồi, chứng tỏ trong lòng đang bực tức lắm. Nhưng bực tức cái gì thì chính nàng cũng không giải thích được! Thắng Huyền đứng trông theo lẩm bẩm:
– Trầm công tử tình tình thật là lạ…
Sực nhớ Trầm công tử này đã đi rồi, nhưng hãy còn một “Trầm công tử” đang có mặt. Thắng Huyền vội quay mặt lại… Lúc này thì vị “Trầm công tử” này đã uống ngót hai chục chén rồi. Quả đúng là tay tửu lượng có hạng. Ngót hai chục chén mà sắc mặt Trầm Lãng vẫn như không!
Bao nhiêu con mắt trong tiểu lầu đều dồn hẵn vào chàng, có kẻ vì hiếu kỳ, có kẻ ngưỡng mộ, lẽ tự nhiên cũng có người ganh tị… Phần Trầm Lãng thì vẫn lạnh băng băng…
Bất cứ ai nhìn bằng cách nào, chàng cũng không để ý. Đối với những tia mát nhìn ác cảm, chàng vẫn không thấy chán ghét. Đối với những ánh mắt cảm tình, chàng cũng không đắc ý…
Vô luận trong hoàn cảnh nào, vô luận đã uống bao nhiêu rượu, mặt chàng vẫn tỉnh bơ.
Có thể làm cho thần trí mình luôn thanh tỉnh, đó là một chuyện làm cho nhiều người khâm phục. Nhưng thật ra thì đó lại là điều bất hạnh cho người giữ được thần trí đó, bởi vì sự đau khổ dày vò không có ngõ thoát ra, tự nhiên nó sẽ lắng đọng trong lòng một sự lắng đọng có thể làm cho một người có thể từ từ héo hắt.
Nhìn sự sảng khoái cởi mở của Hùng Miêu Nhi, Trầm Lãng chợt nghe thèm muốn. Bởi vì một con người như thế mới có thể gạt bỏ tất cả ra ngoài để hưởng trọn niềm vui…
Dưới mắt chàng bây giờ tất cả đều vui, nhưng trong lòng chàng vẫn cứ chập chờn của những gì đau khổ…
Những Chu Thất Thất… Bạch Phi Phi… Kim Vô Vọng…
Chu Thất Thất đi rồi. Chàng không biết nàng sẽ đi về đâu?
Chàng đã đuổi nàng đi nhưng trong lòng chàng cứ mãi vì nàng mà lo lắng…
” Tình đến mặn nồng, tình trở lạt “. Chàng không đối với nàng như thế, trong cái vô tình ham súc nặng tình…
Còn Bạch Phi Phi?
Một cô gái đơn côi đau khổ. Cuộc đời nàng y như là sinh ra để chịu thiệt thòi đau khổ, chứ không phải để hưởng niềm vui!
Tuy đối với chàng, nàng không có mối dây liên hệ buổi đầu, nhưng vận mệnh của nàng, trong cái vô tình, đối với chàng có nhiều ràng buộc. Y như là một chuyện đã có sẵn an bài. Ngay bây giờ, nếu nàng có mệnh hệ nào, thì chính chàng là kẻ nặng mang trách nhiệm.
Và cuối cùng là Kim Vô Vọng.
Người bạn tri kỷ cuối cùng cũng đã đi rồi.
Hắn ra đi bằng một quyết tâm. Và con người đó một khi đã quyết tâm thì không có gì ngăn cản được.
Trầm Lãng đã biết sự quyết tâm ấy. Chàng không cản mà chỉ hỏi:
– Kim huynh đi đâu? Và sẽ làm gì?
Kim Vô Vọng không trả lời. Nhưng câu trả lời ấy Trầm Lãng đã tự biết trong tiềm
thức.
Hắn không bằng lòng đem chiếc thân tàn phế để làm bận bịu một người bạn đang có nhiều trách nhiệm.
Hận thù của hắn, phải do chính tay hắn rửa. Cho dù thân có tàn phế, nhưng nhiệt huyết vẫn còn. Thân tuy tàn phế, nhưng tinh thần chưa phế.
Hắn phải hành động, trước khi hành động hắn có một sự chuẩn bị kinh người.
Trầm Lãng không ngăn cản. Chàng chỉ đứng lặng nhìn theo mớ tóc phất phơ xập xòa trong gió của người bạn thâm giao, mỗi phút một xa dần…
Tất cả những hình ảnh đó, tất cả tâm tư đó, cô đọng bằng một cái mỉm cười. Không một ai thấy được, chỉ riêng Trầm Lãng “Một mình biết cho mình mà thôi!”
Tiếng cười, tiếng nói, lại cứ ồn ào vang dội cả “Duyệt Tân Lầu”!
Hùng Miêu Nhi vổ tay cười lớn:
– Hay lắm, Trầm Lãng, anh đã cùng thiên hạ cạn chén cả rồi, bây giờ tới phiên đệ. Ba chén lớn nghe… Hôm nay may được anh đây, hãy cho một bửa trời nghiêng đất sụp đi!
Trầm Lãng mỉm cười:
– Thật tôi cũng không ngờ hôm nay tại đây gặp được Hùng huynh!
Hùng Miêu Nhi vụt hỏi:
– Còn Chu cô nương đâu? À, còn Kim đại ca đâu?
Trầm Lãng lặng lẽ nâng chén:
– Hãy để sau. Chuyện còn dài!
Hùng Miêu Nhi không hỏi nữa. Hắn biết đã có chuyện không vui, và hắn không muốn động đến những chuyện không vui ấy…
“Hùng Sư” Kiều Ngũ hỏi:
– Trầm công tử đến đây có phải cũng đã nhận được thiếp mời của Cái Bang?
Trầm Lãng mỉm cười:
– Không, tình cờ thôi… cho đến đêm qua đệ mới nghe chuyện này, và nghĩ đây là cơ hội tốt, cho nên dù không được mời nhưng đệ cũng cứ đến. Đến để làm khách không có… giấy mà!
Kiều Ngũ cười:
– Sao lại có chuyện khách có giấy và khách không có giấy? Kỳ hội của Cái Bang mà được sự có mặt của Trầm công tử là rạng mặt nở mày cho họ lắm chứ. Tứ Cô có phải thế không?
Hoa Tứ Cô cười duyên:
– Trầm công tử đến đây, người hân hoan nhất có lẽ là Kiều ca đấy… Từ lúc ở Nhân Nghĩa trang đền giờ, Kiều ca luôn luôn hoài niệm Trầm công tử đấy.
Liếc thấy Kiều Ngũ và Hoa Tứ Cô rất thân thiết với nhau, Trầm Lãng vội vàng nâng chén:
– Tiểu đệ xin kính nhị vị ba chung!
Hoa Tứ Cô bất giác ửng hồng đôi má…
Kiều Ngũ cất giọng hết sức tự nhiên:
– Hay lắm, Tứ muội, chúng mình hãy cạn ba chung.
Trầm Lãng nói:
– Đúng là một người đàn ông đầy đủ hạnh phúc, đầy đủ thông minh…
Kiều Ngũ nhướng mắt:
– Đâu có chi mà Trầm công tử gọi là thông minh?
Hoa Tứ Cô cười:
– Trầm công tử nói thông minh là nói anh không chọn người đẹp mà lại chọn một người quá xấu như tôi… Sự thật thông minh như thế còn quá hơn… ngu nữa!
Kiều Ngũ ngó Hoa Tứ Cô dịu giọng:
– Một chuyện làm có thể gọi là thông minh nhất trong đời tôi là tôi đã chọn tứ muội. Chỉ có kẻ thông minh mới thấy cái đẹp của tứ muội… và kẻ thông minh nhất ấy lại là Trầm công tử. Lời nói vừa rồi của công tử là một lời nói xuất phát từ sự chân thành, chứ không phải lời tâng bốc xã giao đâu.
Hoa Tứ Cô nở một nụ cười thật hiền hòa:
– Đa tạ lòng tốt của cả hai người!
Vốn rất lấy làm lạ về việc chọn bạn trăm năm của người anh hùng Kiều Ngũ, nhưng bây giờ thì Hùng Miêu Nhi đã vở lẽ, hắn đã biết rõ nguyên nhân qua thái độ của mọi người…
Hắn đã nhìn rõ Hoa Tứ Cô, rõ ràng là người con gái này không giống người con gái nào cả. Tuy có vóc người cục mịch, nhưng nhất cử nhất động, từ giọng nói đến nụ cười, từ cái nhìn đến cái chớp mắt, mỗi mỗi đều phát lộ cả một đặc tính nhu hòa khoan
hậu… Một thứ nhu hòa khoan hậu, tận từ trong bẩm chất, chứ không phải bởi từ sự giáo dục uốn nắn, hay bởi cách làm dáng bên ngoài…
Bất cứ một ai đã qua một lần tiếp xúc với nàng đều cảm thấy dễ chịu, cởi mở, đều thấy dễ dàng đi đến chổ thân thiện, thật tình…
Nếu nói Hoa Tứ Cô là một dòng sông êm ả, thì Chu Thất Thất đúng là một mặt bể mênh mông đầy sóng gió… Bất cứ một ai đang đắm chìm trong bể yêu đương đó, rất dễ dàng bị nát nhừ thân xác bởi cơn thịnh nộ ba đào, không biết lúc nào!
Hoa Tứ Cô nhìn sâu vào mắt Trầm Lãng và mỉm cười:
– Trầm công tử hôm nay đột nhiên phát biểu ý nghĩ lạ thường hơn người khác, phải chăng người đẹp của công tử đã làm cho công tử nặng mang tâm sự?
Trầm Lãng mĩm cười:
– Tôi làm gì mà có tâm sự?
Hoa Tứ Cô nói:
– Tôi biết một người đàn ông như công tử, dù có tâm sự cũng không bao giờ để lộ ra ngoài. Nhưng giữa mặt những người bằng hửu tâm giao, đã cảm thông với nhau hơn hết, thì tôi thiết nghĩ công tử cũng nên cho anh em san sẻ…
Đây quả là người thứ nhất trong đời soi thấu ruột gan Trầm Lãng, cho nên tuy không thừa nhận ra mặt, nhưng trong lòng Trầm Lãng vô cùng bội phục.
Chàng nghĩ: Quả đúng đây mới là người con gái bất phàm!
Chàng nâng chén cười vui vẻ:
– Có lẽ tiểu đệ phải kính mời ba chung nữa!
Ngay lúc đó bổng có một giọng cười là lạ:
– Vị công tử ấy có một tửu lượng thật đáng nể, không biết có thể cùng lão phu cụng nhau ít chén nữa chăng?
Giọng nói, tuy không hùng hồn, nhưng thật trong và nhọn hoắc, như vật nhọn chọc thủng tai người… Giọng nói ấy chính là giọng nói của lão già mắt hí, lão già một mình uống bảy tám bầu rượu, lão già mà Chu Thất Thất đã để ý khi mới vào “Duyệt Tân Lâu”…
Khi mới bước lên đây, Trầm Lãng đã thấy lão rồi, chính cảm giác của chàng cũng giống cảm giác của Chu Thất Thất, nếu có chổ khác hơn là chàng chỉ hơi lạ, chứ không sợ sệt như nàng.
Chỉ vì dáng cách bình thường bên ngoài của lão có hàm ẩn một cái gì kì bí, bằng vào kinh nghiệm và trực giác, Trầm Lãng biết ngay một con người như thế tất phải có một lai lịch kì bí lắm.
Chàng làm lơ chờ cơ hội…
Bây giờ cơ hội đã đến. Lão đã tạo cơ hội cho chàng.
Trầm Lãng đứng dậy vòng tay:
– Tôn giá đã rủ lòng tưởng đến, tiểu nhân xin tuân mạng!
Lão già mắt hí vẫn ngồi yên một chổ mỉm cười:
– Vậy xin mời sang đây phỏng có được chăng?
Trầm Lãng đáp:
– Xin tuân mạng!
Hùng Miêu Nhi đâm bực, cúi đầu nói nhỏ:
– Hắn muốn kiếm chuyện đấy, Trầm huynh tôi đi với!
Hai người bước qua, nhưng lão già chỉ ngó một mình Trầm Lãng:
– Lão phu xin thất lể, vì không thể đứng lên…
Giọng cười của lão vụt trở nên kỳ lạ… Và lão chậm rãi nói luôn:
– Vì lão phu có một lý do đặc biệt, xin công tử thứ cho…
Hùng Miêu Nhi không dằn được:
– Lý do gì?
Lão già không nói, chỉ nhè nhẹ vén vạt áo lên…
Mọi người đều giật nãy mình…
Hai chân của lão đều cụt cả, hai ống quần không phất phơ theo làn gió nhẹ trông đến hãi hùng…
Lão già ngó Hùng Miêu Nhi bằng tia mắt lạnh lùng:
– Lý do gì thì có lẽ lão phu khỏi phải trả lời, vì túc hạ đã biết nó bằng đôi mắt!
Hùng Miêu Nhi hơi khó chịu:
– À… à…
Lão già lại hỏi:
– Túc hạ đã thỏa mãn chưa?
Hùng Miêu Nhi nói:
– Xin thứ lổi…
Lão già lạnh lùng cắt ngang:
– Nếu túc hạ đã thỏa mãn rồi thì xin mời tránh xa ra một chút. Bởi vì lão phu không có mời túc hạ. Nếu túc hạ vẫn muốn ngồi đây thì sợ e rằng sẽ chẳng có chút thú vị gì?
Hùng Miêu Nhi bị khựng đi một chút, rồi lại bật cười ha hả: – Không dè tôi bị người ta đuổi, mà lại còn phát giận nữa chứ… Thật là một chuyện mà bình sinh tôi chưa hề thấy! Nhưng nếu tại hạ không ngồi mà đứng một bên đây thì sao?
Lão già nói:
– Nếu túc hạ muốn thế thì xin cứ tự tiện!
Và lão không thèm ngó Hùng Miêu Nhi nữa mà lại quay qua ngó Trầm Lãng, mỉm cười:
– Xin mời ngồi!
Trầm Lãng vòng tay:
– Vâng xin phép!
Hùng Miêu Nhi tiến thoái lưỡng nan, đành phải đứng một bên.
Lão già gọi tiểu nhị mang lại bẩy cái chén, lão sắp trước mặt Trầm Lãng, và lão cười thật tươi:
– Đây là bậc tửu hào, chắc có lẽ công tử biết rượu?
Trầm Lãng mỉm cười:
– Trên đời tri kỷ khó tìm, nên phải nhờ qua chén rượu!
Lão già vổ tay:
– Hay, thật là hay!
Lão nâng chén trước mặt lão, chầm chậm rót phân nữa qua chén trước mặt Trầm Lãng, và mỉm cười:
– Công tử đã biết rượu, vậy xin mời cạn trước chén này!
Không một chút do dự, Trầm Lãng ngữa cổ cạn thẳng một hơi…
Chàng đặt chén xuống, và nói bằng một giọng tự nhiên:
– Ngon, rượu ngon!
Lão già hỏi:
– Công tử có biết đó là rượu chi không?
Trầm Lãng mỉm cười:
– Rượu này vừa nhu mà lại có cương, tuy đầm mà nóng, như gió bất buổi đầu xuân, như ánh nắng chiều giữa ngày đông giá, có phải rượu này cất bằng chất men của lúa mì tốt nhất cùng tẩm vào lá trúc đương xanh chăng?
Lão già vổ tay:
– Đúng… đúng… quả thật công tử là người biết rượu. Lá trúc xanh và men rượu cất cao, hai chất tuy khác nhau nhưng nếu hòa vào thì nó có một mùi vị rất là đặc biệt!
Trầm Lãng nói:
– Nhưng nếu không phải khéo tay điều chế, thì tửu vị cũng không được kỳ diệu như vậy!
Lão già gật gù:
– Không dấu chi công tử, trong đời lão phu, chỉ trong một chữ “rượu” thôi, cũng đã bỏ lắm công phu, và có thể nói rằng cho đến bây giờ mới gặp được công tử là kẻ tri âm vậy!
Hùng Miêu Nhi không dằn nổi nữa, lớn tiếng:
– Có gì mà khó hiểu, đem hai thứ rượu hòa làm một, thì đứa trẻ lên ba cũng biết… Thật là một chuyện khoe khoang!
Lão già vẫn không đổi sắc, cũng không nhìn Hùng Miêu Nhi, mà chỉ nói chậm rãi:
– Có bọn tiểu tử không hiểu thế nào là mùi vị, cứ tưởng đem hai hòa làm một là dễ dàng… Bọn ấy không rằng trong thiên hạ nhiều thứ rượu lắm, nhiều như những vì sao trên trời, phải biết chọn cho thứ nào hòa hợp, độ lượng bao nhiêu, thì nó mới trở thành một chất rượu ngon, vừa ngon vừa nhiều mùi vị… Muốn được thế là cả một sự học hỏi chứ đâu phải đơn giản như đám tiểu tử chưa từng biết!
Bị một vố quá đau, Hùng Miêu Nhi tức lắm nhưng không nói, chỉ đứng yên.
Trầm Lãng khẽ liếc Hùng Miêu Nhi và mỉm cười ý nhị:
– Người ta thường nói: “Văn chương vốn của trời, sắp xếp do tay thợ khéo”, việc hòa rượu này có lẽ lão trượng cũng dựa vào nguyên lý đó!
Lão già vổ tay:
– Nếu hốt đại một mớ chữ sắp loạn vào thì làm sao có thể gọi là văn chương? Và văn chương của người cao kẻ tục làm gì có chuyện khác nhau? Rượu cũng thế. Văn, cần phải giỏi tay điểm xuyết.
Rượu, cần phải già tay điều hòa. Chỉ có thế mới thành diệu phẩm.
Trầm Lãng cười:
– Đã thế, tại hạ xin thử thêm một chén!
Lão già nâng chén thứ hai rót sang chén thứ hai của Trầm Lãng, khác hơn chén rượu trắng xanh lần trước, chén này có màu bích lục như màu hổ phách… Sắc rượu lần đầu trắng xanh như da mặt lão già, sắc rượu lần này biên biếc như ánh mắt hai người đối ẩm…
Trầm Lãng uống cạn một hơi và khẽ gật đầu:
– Ngon! Hình như đây là lấy “Nử Nhi Tửu” ở Giang Nam làm gốc, Mao Đài và Trúc Diệp Thanh làm bồ trợ, thêm vào đó mấy giọt bạc hà…
Lão già cười lớn:
– Đúng thế, điều chế rượu này lão phu cũng phải bỏ ra khá nhiều tâm tư… Do đó, lão phu đã cho nó một cái tên là “Tán Thủ Điêu” của Đường Lão Thái!
Trầm Lãng cười và cắt ngang:
– Phẩm đã đẹp mà tên lại càng hay, rượu này uống vô làm cho mát lòng tĩnh não, nhưng sau khi uống xong rồi lại nghe lửa xong theo ruột, vị đạo của nó y như trúng phải độc dược ám khí của Đường môn!
Lão già cười ha hả:
– Chế rượu khó lắm, nặng hay nhẹ tay một chút thì chẳng những không ngon mà có khi còn nguy hiểm… Chẳng hạn như rượu này đây, nếu lượng “Nữ Nhi Hồng” hơi quá một ly thì có thể biến thành “Lý Cước Bố” của Đường Lão Thái… và lẽ tự nhiên là không uống được!
Hai người cùng ngó nhau cười, càng nói y như càng tâm đầu ý hợp…