*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Mùa hè năm Lập Nguyên thứ sáu, kinh thành trời nóng như đổ lửa, ngay cả nhà ta vườn cây tỏa bóng cũng không ngăn nổi cái nóng hừng hực đến khó chịu, chậu hoa thanh tú cạnh bậu cửa sổ là loài chịu nóng tốt vậy mà héo úa hơn nửa. Cho nên cha dẫn ta đến thôn Yên Thùy tránh nóng.
Nằm ở phía nam Đại Mạc dưới chân núi Tử Sơn, vào hạ gió thổi từ biển băng qua bình nguyên rộng lớn của Nam Chiếu mang theo hơi ẩm bị Tử Sơn chặn lại tạo thành từng đợt mưa lớn tưới mát cho Yên Thùy, nên đây là nơi mà tầng lớp quý tộc khắp cả nước thường đến tránh nóng.
Tuy nhiên năm ấy tin tức Đại Phù chuẩn bị tấn công lan rộng khắp kinh thành, bọn họ chỉ lo thu dọn tài sản mà chạy giặc chứ làm gì có tâm trạng nghỉ mát như cha ta.
Sau khi giúp Xương Long đế giành lại Đại Mạc từ tay Liễu thái hậu, cha ta được phong làm thừa tướng nhưng tính cách thô lỗ của kẻ đồ tể đã từ lâu ăn sâu vào máu thịt ông, sợ bản thân làm quan thì hỏng cả bộ mặt quốc gia. Rõ ràng là ông lười biếng, suy nghĩ cổ hủ kỳ thị những lão già văn chương đầy mình trên quan trường nên mới kiếm cớ từ chối.
Người ta nói cha nào con nấy quả không sai, ta lớn lên cũng nhiễm thói xấu chây lười của ông. Ngày ngày chỉ biết chạy chơi đầu đường xó chợ, nhưng ông tuyệt đối không thể làm gì ta vì mỗi lần có ý định chửi mắng là ta lại lôi chuyện cũ ra chọc khoáy.
“Nếu ngày xưa cha cũng chăm chỉ cần cù ra làm thừa tướng giúp dân thì ít nhất bây giờ con cũng là thư đồng của thái tử rồi.”
Thế là cha ta im bặt, trợn trừng mắt tức tối nhìn ta không đáp lại được. Ta cũng chỉ học hỏi ông thôi mà.
Ngày trước hành quân qua Yên Thùy cha ta có quen một người họ Dương có kỹ nghệ thêu đứng đầu cả nước về lối thêu chặn truyền thống của thôn. Khi cùng cha đến thăm người đó, ta thật sự kinh ngạc đến không nói nên lời vì “người bạn” trong lời kể của cha ta đã bạc trắng cả đầu rồi, lúc đó chỉ có một suy nghĩ không lẽ cha ta đã già đến mức ấy rồi hay sao? Không đúng, ông suốt ngày ngoài chặt thịt thì là uống rượu với Bàng thúc, đến đứa con là ta mà còn chẳng quan tâm chứ nói gì đến lo nghĩ sinh bạc đầu.
“Lão Dương hơn ta nhiều tuổi nhưng trí tuệ minh mẫn tinh thần sảng khoái, kết làm bằng hữu chủ yếu là dựa vào cái tinh thần đó, tính tuổi tác làm cái khỉ gì?”
Lão Dương đứng đó cười hiền, phong thái thanh tao nhã nhặn, nhấc tay nhấc chân mang đầy khí chất. Nhìn lại cha ta ngửa mặt cười ha hả, giọng nói thì oang oang, ta lòng đầy nghi ngờ là ông hòng quỵt nợ mới nhận làm bạn chứ trước giờ ông ghét nhất là loại người đứng cạnh làm nổi bật cái sự thô tục của ông, mặc dù nó được viết rõ ràng trên mặt rồi.
Nhà lão Dương ở có một mảnh sân nhỏ trồng đủ loại cây thoạt nhìn giống hệt sân nhà ta ở kinh nhưng ở đây trồng nhiều loại hoa hơn nên màu sắc cũng sặc sỡ hơn nhiều, không giống nhà ta chỉ trồng mỗi cây xanh dù có nở hoa thì hoặc là màu cũng xanh nốt chẳng có gì đẹp hoặc là chỉ thấy mỗi quả lủng lẳng sai trĩu. Thật ra cũng có ra hoa nhưng chỉ mỗi Bàng thúc là nhìn thấy vì thúc ấy ngày nào cũng tưới cây đều đặn, còn ta thì chỉ để ý đến mỗi khi nó ra quả thôi, ngắm hoa cũng chẳng được lợi ích thiết thực gì, ăn quả vẫn là tốt nhất. Tuy nhiên không có nghĩa là ta không bao giờ ngắm hoa, trong sân bên cạnh bàn trà có trồng một cây hoa đào mà mẹ ta thích nhất, cả năm ta chỉ đợi mỗi khoảnh khắc nó nở, dù tuyết có rơi dày ba thước ta cũng phải lội ra ngắt một cành đặt trước bàn thờ mẹ.
Lão Dương thấy ta nhìn chằm chằm vào chậu mẫu đơn Triệu Phấn đang khoe sắc nói: “Mẫu đơn ấy là tự tay cháu gái lão trồng, nó chăm tốt lắm nên qua mùa rồi mà hoa vẫn nở thắm như vậy.”
Lúc này một cô gái đầu vấn thùy hoàn phân tiếu kế[2], mày liễu cong vút, ánh mắt sáng như sao, váy áo mộc mạc cũng không che lấp đi vẻ đẹp của nàng ta.
Lão Dương kể rằng năm đó sau khi cha ta rời đi, ông nhận nuôi một bé gái bị bỏ rơi đặt tên là Dương Thu Vận, dạy nó thêu thùa, lão còn luôn miệng khen nó có tố chất tốt, lĩnh hội nhanh. Thấm thoắt mà đã mười mấy năm, cô bé ngày đó cũng đã trở thành thiếu nữ dịu dàng xinh đẹp, hỏi ra thì mới biết bằng tuổi ta, cha ta còn tốt bụng mai mối cho ta nữa.
Mùa hè năm đó, cha ta và lão Dương ngồi uống rượu bên hiên nhà còn ta thì ngậm kẹo nhìn đắm đuối Dương Thu Vận thêu đóa mẫu đơn Triệu Phấn. Cánh hoa màu hồng nhạt xếp tầng tầng lớp lớp đan kẽ lên nhau mềm mại uyển chuyển, càng vào trong nhụy càng sẫm màu tươi thắm sinh động như thể đóa hóa ngoài vườn kia có thể chạm vào vuốt ve chứ không phải chỉ là đường chỉ vô tri trên vải thô sơ sài.
Mấy năm qua đi nhanh như chớp mắt, người đã đổi tên, đến phong thái cao cao tại thượng ngày xưa cũng biến thành rực rỡ phấn son nơi lồng chậu, chỉ có tài nghệ năm ấy vẫn không mai một, như thuở ban đầu – hoa khôi phường Xuân Vũ Nguyệt Thanh.
Quế Mai hét lên nhưng không kịp chặn Uy vương gia xông vào nhanh tay giật lấy túi hương trên tay ta, tuy nhiên khi mở ra phía trong chỉ có một nhành hoa chu đằng, sắc mặt hắn thoáng biến sắc rồi lại trở về giận dữ nhìn ta chất vấn.
“Chỉ là một tên thư sinh nghèo không lo học hành mà dám đi trêu ghẹo chốn phong nguyệt.”
Chưa kịp để ta nói gì Nguyệt Thanh đã lên tiếng thanh minh: “Tiểu nữ bất hiếu, xa quê đã lâu mà chưa viết thư thăm hỏi người nhà. Đào công tử là người cùng quê với tiểu nữ, nay nghe tin chàng ấy sắp hồi hương nên mới nhân tiện gửi bức thư về cho tổ phụ ở quê, túi hương chỉ là tiểu nữ ái mộ công tử nhất nhất buộc người nhận lấy, xin vương gia đừng nghi ngờ mà trách oan công tử.”
Lý luận chặt chẽ, lời nói ủy mị thiết tha khiến Uy vương gia lòng dù nghi ngờ cũng không thể làm gì hơn.
Uy vương gia Vu Uy Phong là nhị đệ cùng mẹ của Hoàng đế Đại Phù, dù đã ba mươi mấy tuổi đầu nhưng không có lấy một chút quyền lực trong tay nên không có phú hào nhà nào chịu gả con gái cho. Hắn ta chỉ thích ra oai với dân chúng bằng đống vàng bạc đá quý dát lên người còn đầu óc thì đơn giản, đã thế còn muốn tranh giành lập công với vua.
Ba năm nay ta thay thế Độc Hạc[3] thu thập mật báo từ nhiều nguồn nội gián ở Đại Phù gửi về các chiến thành và kinh đô, người ngoài nhìn vào chỉ thấy ta là một thư sinh nghèo mờ nhạt gặp nhiều lần chưa chắc đã nhớ nổi mặt. Vậy mà đúng lúc ta chuẩn bị về kinh thì Uy vương cả đời chưa gặp mặt lại nghi ngờ, hơn nữa khi bước vào người bình thường sẽ chụp lấy phong thư trước đằng này hắn lại lấy túi hương bình thường mà kỹ nữ nào cũng có hơn nữa còn bị phong thư che khuất.
Lúc ta cáo từ Nguyệt Thanh ra về hắn còn cho người theo dõi ta, rõ ràng thân phận của ta đã bị nghi ngờ. Ta rút bức thư từ trong áo ra đọc rồi lập tức phái Nam Điền điều tra về hành động gần đây của Uy vương gia, kết quả quả nhiên là ba ngày trước hắn có đến gặp Nguyệt Thanh hơn nữa còn được tặng một túi hương giống đúc cái đã tặng cho ta.
Lúc đó ta đứng dưới hiên nhà ngước nhìn cây đào già mới hôm trước nhú nụ vậy mà giờ đã tỏa bông to bông nhỏ chi chít đầy cành, Tú Ly bước tới mang cho ta bức thư báo từ thôn Yên Thùy, không cần đọc cũng biết là tin lão Dương mất tích.
Tuyết đã ngừng rơi từ sáng sớm hôm nay, chỉ còn một ngày này nữa là mai Miên thành lại phải khói lửa liên miên tấc đất tấc cỏ bị giày xéo, binh sĩ nơi ấy vẫn tin tưởng vào mật báo của ta vậy mà chỉ vì một túi hương nhỏ vô tri đã phá hủy toàn bộ kế hoạch ta lập ra suốt nửa năm nay.
Chỉ cần nhắm mắt lại thì trong đầu lại hiện ra cảnh từng người từng người một bị hạ gục trong vòng vây binh đao của quân giặc, lồng ngực ta nhói lên từng cơn, hai tay buông thỏng bất lực.
Trong giây phút cơn gió nhẹ thổi qua làm cánh hoa đào rơi rụng đậu lên tà áo, ta đột nhiên bừng tỉnh quay bước vào thư phòng hạ bút viết một phong thư ra lệnh Nam Điền phi ngựa ngày đêm không nghỉ nhất định phải đưa đến Miên thành nhanh nhất có thể.
Mắt nhìn tấm lưng vững chãi của Nam Điền trên lưng ngựa băng gió chạy đi, lòng ta mới bình tĩnh lại ngước nhìn trời.
Trận chiến này chỉ mới bắt đầu mà ta thì đã đứng trên chiến tuyến này chờ đợi bao nhiêu năm rồi, há chẳng lẽ lại cứ thế mà từ bỏ, câu trả lời là tuyệt đối không thể.
Là ta ngay từ đầu ngu muội nên bây giờ phải trả cho hết mối nợ này…
Gần một tuần sau đó Nam Điền mới trở về, trên người đầy nét mệt mỏi, lúc ấy ta đang ở trong thư phòng chẳng bận tâm đến mang giày cứ thế chân trần mà chạy ngay ra cổng. Nhưng khi nhìn thấy nét mặt không có lấy một tia cảm xúc buồn vui của hắn ta lại cảm thấy sợ hãi trước đáp án mình sắp nghe.
“Sao… rồi…” Ta nghe giọng mình run rẩy âm có âm không.
“Miên thành nhờ tiểu nhân báo tin thắng lợi về cho công tử.”
Ta đã yên tâm hơn phân nửa nhưng chỉ nghĩ đến tổn thất thôi cũng thấy đau đầu: “Còn gì nữa?”
“Thư đến chậm nửa ngày, đội quân tiên phong đã ra trận, mất… hơn năm ngàn người, Tô tướng quân chỉ huy tử trận tại chỗ. Xin công tử bớt đau lòng.”
Ta chỉ thấy đầu nhức như búa bổ, gió như ngừng thổi bên tai. Miên thành khó khăn lắm mới tập hợp được hai vạn quân vậy mà chỉ vì sự bất cẩn ngu xuẩn của ta mà mất hơn phần tư, cả Tô Mộc cũng chết oan, dù thắng thì đã sao, đáng lí ra năm ngàn mạng người ấy đã không phơi thây ngoài chiến trường.
Năm ngàn, con số ấy cứ xoay vòng trong tâm trí ta, lồng ngực đau nhói cả đầu óc cũng tê dại đi, trước khi cảnh vật xung quanh tối sầm đi ta chỉ kịp nghe thấy tiếng Tú Ly hét lên tên ta.
Chú thích:
[1] Mẫu đơn Triệu Phấn: một trong những loại mẫu đơn nổi tiếng bao gồm Diêu Hoàng, Ngụy Tử, Triệu Phấn, Đậu Lục, Nhị Kiều, Lam Điền Ngọc, Nghê Thường Hoán Thái…
[2] Thùy hoàn phân tiếu kế: một kiểu vấn tóc của nữ nhân ngày xưa
[3] Độc Hạc: chim hạc cô độc