Từ nhà ga thành phố A lên tàu chở hàng đến huyện Bình Dương, rồi lại ngồi xe khách lên núi, người đồng nghiệp đi cùng Kỷ Dũng Đào lên cơn sốt rét, có lẽ là do nước ở đây không được sạch sẽ lắm.
Ngôi làng trên núi được bao phủ bởi một mảng sương mù xám xịt, không thấy ánh mặt trời.
Đất ở đây có tính kiềm, đi qua những rặng núi là hoa màu rải rác, thưa thớt hai bên đường, những phiến lá vàng vọt thiếu dinh dưỡng.
Rất hiếm thấy dân làng ở bên ngoài, trong những căn nhà gỗ ọp ẹp thỉnh thoảng lại thấy những khuôn mặt già nua u ám.
Người dẫn đường chỉ hướng về phía huyện, phần lớn người dân ở đây đã bị di dời đi nơi khác, nơi đây có độ ẩm cao, chất lượng đất và nước kém, cách trạm y tế gần nhất tận 20 dặm.
Người dẫn đường: Hình như thôn Lệ tổng cộng chỉ có hơn bảy chục người.
Trước đây gọi là thôn Lệ Gia vì nửa số dân ở đây đều mang họ Lệ.
Người dẫn đường: Nhà họ Sở đã rời đi từ rất lâu rồi, hai anh em ở riêng, ông anh mê bài bạc rượu chè, cuối cùng chết vì rượu.
Còn cậu em thì bốn năm trước chuyển vào huyện lỵ, nhà ở đây trống không.
Kỷ Dũng Đào: Căn nhà trống của bọn họ đều vẫn còn?
Người dẫn đường: Vẫn còn, nhưng không có đồ đạc gì nữa, các cậu xong nhanh thì tối nay chúng ta có thể bắt xe họp chợ về nhà khách ở huyện.
Căn nhà của cậu em nhà họ Sở đã nát lắm rồi, chắc là do bỏ hoang quá lâu; nhưng lúc người dẫn đường dừng chân lại trước ngôi nhà của ông anh cả, có hai người không hẹn mà cùng thở dài một hơi.
Chỗ này gần như đã không thể gọi là một căn nhà được nữa.
Nó thậm chí không có cả cửa, do nước mưa nhiều năm ăn mòn nên khối kiến trúc làm từ lán cỏ và gỗ tấm giờ đã sụp đi một nửa.
Một tấm cửa bị dỡ xuống giờ bị ném trong chuồng gà.
Năm đó mẹ Sở Giá Quân bị bọn đòi nợ đánh gãy lưng, có người giúp tháo tấm cửa xuống để bà ấy nằm lên trên đó, ba ngày sau mới ngừng thở.
Bố của người dẫn đường quay lại thu rơm và phân gà kể lại, đứa bé đó cũng không khóc, cứ đứng bên tấm cửa, chắc là đói lắm, lúc đói thì mút lấy ngón tay mẹ.
Người đòi nợ ban đầu vốn định tạm giữ đứa bé ở đây, nhưng được vài ngày thì thấy chỗ này quá xập xệ, một người bảo là phải giữ đứa nhóc đợi ông bố quay về; người còn lại nghĩ ông bố sẽ không trở lại nữa, dứt khoát đưa đứa bé đi theo.
Người dẫn đường: Lấy cái bao tải rồi nhét đứa bé vào, cứ thế là đưa đi.
Đám tang của mẹ nó là người trong thôn giúp xử lý đấy.
Kỷ Dũng Đào: Các anh có biết đám người kia là ai không?
Có người nói là mấy gã đàn ông ở thôn bên cạnh, chủ yếu làm nghề đòi nợ; mấy năm trước có hai người bị bắn chết, một người thì ngồi tù, năm ngoái vừa mới được thả ra.
Kỷ Dũng Đào lần theo manh mối, chuẩn bị đến thôn bên cạnh tra hỏi – cái thôn “bên cạnh” này cách 70 dặm, đổi từ xe ba bánh sang xe bò, cuối cùng phải cuốc bộ vượt núi.
Lúc đến nơi thì được họ hàng của người kia cho biết “cậu ta ra huyện từ lâu rồi”, chẳng khác gì đi một chuyến toi công.
Kỷ Dũng Đào nhìn vào trong nhà, gật đầu chuẩn bị rời đi, mới bước được vài bước bỗng nhiên vòng qua cửa chính của căn nhà, đi về phía cửa sau.
Đuổi theo tầm năm sáu trăm mét, anh quật ngã một người đàn ông đang vội vàng bỏ chạy ở lối vào rừng.
Nhiệt độ không khí ở đây thấp hơn ở thành phố sáu độ, ban đêm có gió thổi mạnh, nhưng cửa sổ của căn nhà này lại mở toang.
Hiển nhiên là người nhà nghe được có người đến hỏi chuyện nên ngay lập tức để người kia nhảy ra cửa sổ trốn đi.
Kéo hắn về đồn địa phương xét hỏi, người này quả nhiên có tội trạng – tháng trước, sau khi buổi họp chợ đã vãn, người này nhân lúc đêm tối đã giở trò đồi bại và cướp của từ một người phụ nữ đang trên đường về nhà, hắn vẫn luôn canh cánh đối phương sẽ báo cảnh sát.
–
Khi được hỏi về chuyện của năm đó, Vưu Cát Sanh lấp lửng không nói.
Đám người Kỷ Dũng Đào vượt đường dài đến đây, thức cùng hắn đến hai giờ sáng, thực lòng đã không còn thời gian nhiều lời, bèn để nhân viên địa phương làm “công tác tư tưởng” cho hắn.
Nửa tiếng sau, Vưu Cát Sanh cũng bằng lòng cho lời khai.
Trong phòng thẩm vấn, ghế ngồi bị ném văng ra góc phòng, người đàn ông ngồi một bên tiu nghỉu nói: Năm ấy tôi không có can dự vào nhiều thật mà, hai người anh họ đã bị bắn chết của tôi bảo đi theo, bọn họ đe dọa người ta tôi làm theo thôi, lúc đánh người cũng thế.
Vưu Cát Sanh: Có người trả không nổi nên bán con đi, cụ thể tên là gì… tôi cũng chẳng nhớ, nhưng mà người mua cũng chỉ quanh quẩn mấy người.
Vưu Cát Sanh: Ở chợ có một bà đồng là một trong số đó, bà ta nhận trẻ con từ chỗ chúng tôi rồi lại bán lại.
Có điều bà ta cũng chết rồi…
Kỷ Dũng Đào: Bà ta nhận cả nam lẫn nữ?
Vưu Cát Sanh: Đúng thế, nhận hết, trai thì đứa nhỏ đắt hơn, gái thì lớn lại được tiền hơn.
Kỷ Dũng Đào: Đứa nhỏ thôn Lệ năm ấy anh còn nhớ không? Đánh chết mẹ nó rồi nhét vào bao tải đưa đi ấy.
Vưu Cát Sanh không hé răng nữa.
Kỷ Dũng Đào: Không phải đến hỏi chuyện các anh đánh chết người, hai người kia của nhóm các anh mấy năm trước đều chết cả rồi.
Chúng tôi muốn hỏi về đứa trẻ đó, năm nay chắc tầm khoảng hai mươi tuổi.
Vưu Cát Sanh không dám tin Kỷ Dũng Đào, nhỡ đâu anh lại báo tội đánh chết người lên trên thì hắn sẽ bị xử tử.
Kỷ Dũng Đào: Anh có biết đứa trẻ đó bây giờ là ai không? – Tiểu Trương, lấy tờ báo có bài đăng liên quan đến “Mặt Nạ” qua đây.
Số báo liên quan đến những vụ án lớn của Mặt Nạ chồng thành xấp dày.
Kỷ Dũng Đào: Chúng tôi đây là đang bảo vệ anh.
Nếu như bên ngoài có tin đồn năm đó ai nhúng tay đánh chết mẹ của Sở Giá Quân, không chừng là hắn ta đích thân đến tìm anh đấy.
Nửa tiếng sau, Vưu Cát Sanh cuối cùng cũng mở lời.
Vưu Cát Sanh: Đứa nhóc đó lúc ấy gầy quá, bà đồng bảo không nhận thế là để nó ở sòng bạc trước.
Vưu Cát Sanh: Có một vị khách lớn đến chơi nhìn thấy nó, bảo là mua về làm “con nuôi” nên mua nó rồi.
Kỷ Dũng Đào: Vị khách kia là ai?
Vưu Cát Sanh: Lúc ấy ông ta cũng nhiều tội trạng lắm, tên là Lý Đại Bằng.
Anh cảnh sát địa phương giúp bọn họ ghi chép ngẩng đầu lên: Lý Đại Bằng là một tên chuyên cướp đường rất có tiếng quanh đây hồi mười mấy năm trước, gây án vô số lần, nào là cướp xe hàng qua đường, hợp tác xã, giết thuê, cướp địa bàn buôn m4 túy rồi cướp xe lửa – nổi nhất là vụ này, vụ cướp xe lửa ấy.
Kỷ Dũng Đào: Có phải là chữ Bằng có bộ chim không? “Vụ án xe lửa năm 84” ấy hả?
Cảnh sát: Đúng thế, năm 84, băng đảng của ông ta tổng cộng có bảy người, cướp cả một chuyến tàu, làm hơn một trăm chín mươi hành khách trên chuyến tàu đó đều bị giết hết, có vài người quả quyết nhảy tàu nên còn sống.
Kỷ Dũng Đào: Ông ta chết trên chuyến tàu đó, tôi có nhớ thế.
Vụ án này thật sự quá thảm khốc.
Cảnh sát: Là do đấu đá nội bộ, kẻ giết người cũng trong băng nhóm đó – cả ông ta lẫn năm tên đồng bọn đều bị người còn lại bắn chết trước khi xuống tàu.
Một tên cướp, giết chết sáu tên kia rồi treo xác chúng ở đuôi tàu kéo lê trên đường sắt cả quãng đường, xác của sáu tên đó nát bét, mấy người điều tra vụ đó nhìn thấy còn phải trợn tròn mắt.
Kỷ Dũng Đào tự nhủ: Mặt Nạ gây án lần đầu tiên là lúc nào?
Trong đống báo đem đi dọa Vưu Cát Sanh, tờ đầu tiên là báo của tháng Một năm 1986.
–
Sở Giá Quân mơ một giấc mơ rất dài.
Có lẽ là do sự xuất hiện của Trần Vị Dân, làm cho những sự việc trong quá khứ dần dần hiện ra.
Gã mơ thấy bản thân mình những ngày cuối của năm 84, vượt qua đợt tuyết rất lớn về thôn Lệ, gõ cửa nhà chú mình.
Nhà gã không còn ai nữa, vậy nên đến tìm chú.
Chú gã nói, ông bô mày uống rượu chết rồi.
Nhiều năm như vậy mày không quay về là đi đâu?
Sở Giá Quân không trả lời.
Chú lại bảo, mày không nói rõ ra thì tao cũng không giữ mày ở lại được.
Mày mà bị nhà người ta mua về làm con trai nhưng lại quay về đây, người ta tìm đến tận cửa thì sao?
Sở Giá Quân: Cháu sẽ không tìm đến đây nữa.
Chú: Mày nói không đến là không đến chắc? Mày trốn khỏi nhà người ta à?
Chú: Tao không giữ mày ở đây được, năm chục tệ này mày cầm lấy rồi đi đi, mộ ba má mày gần cái ao cách thôn ba dặm về phía đông ấy, đến đó lạy một cái.
Sở Giá Quân cầm lấy năm mươi tệ, tìm được hai phần mộ ở ngoài thôn, bia mộ bằng gỗ đã mục nát từ lâu.
Gã móc từ trong túi ra hai chiếc vòng cổ bằng vàng dính đầy máu ném lên phần mộ, trên người đầy những vết thương, đầu không ngoảnh lại cất bước rời đi.
Giấc mơ này, không biết tại sao, làm cho gã rất đau lòng, cuộn người lại trong mơ rồi khóc, dường như tất cả chỗ tuyết của tối hôm đó đều là nước mắt của gã hóa thành.
Sở Giá Quân không rõ tại sao mình lại đau lòng, nhưng chỉ cần nhớ lại hình ảnh cánh cửa bị đóng lại đó, trong lòng gã như bị một hòn đá đè nặng lên trên.
Bỗng nhiên, có người bên cạnh đẩy gã.
Toàn thân gã căng ra theo bản năng được hình thành trong nhiều năm qua, bàn tay mò xuống dưới gối tìm súng – thế nhưng, gã lại sờ trúng một thứ gì đó ấm áp.
Sở Giá Quân mở mắt, Kỷ Dũng Đào đang ngồi xổm bên cạnh giường, nhìn gã với vẻ mặt lo lắng.
Một tay của người đàn ông với xuống dưới gối, hình như muốn kéo gối lại để gã quay mặt ra ngoài.
Cánh tay của Kỷ Dũng Đào bị gã túm chặt, lực nắm lớn đến kinh người.
Kỷ Dũng Đào: Tiểu Phi, anh về rồi đây, cậu gặp ác mộng rồi, đang kêu lung tung cái gì thế?.
ngôn tình hoàn
Sở Giá Quân: … Em… kêu gì rồi…
Kỷ Dũng Đào: Gì mà “đừng giết tôi” ấy? Có phải là xem phim gì không nên xem rồi không?
Sở Giá Quân ngơ ngẩn nhìn anh, bỗng nhiên nhận ra Kỷ Dũng Đào ở trước mặt là người thật.
Người này đi công tác về rồi, bây giờ là sáu giờ kém mười lăm.
Kỷ Dũng Đào bảo gã ngủ tiếp.
Hành lý của anh để hết cạnh sofa, tỏa ra một bầu không khí mệt nhọc.
Anh xối nước, rửa sạch thứ mùi quái lạ trên cơ thể.
Lúc anh quấn khăn tắm bước ra, Hứa Phi đã tỉnh rồi, đang ngồi ngơ ngác trên sofa.
Kỷ Dũng Đào: Nghe được vài tin mới nên thu xếp về sớm.
Làm cậu giật mình rồi hả?
Sở Giá Quân ừ một tiếng.
Gã có thể đoán được cái gọi là “tin mới” đó chắc là sự biến mất của Trần Vị Dân.
Kỷ Dũng Đào kéo hành lý qua: Có đem về ít đặc sản địa phương này, vừa hay làm bữa sáng luôn.
Sở Giá Quân: Đồ ăn à?
Kỷ Dũng Đào: Ừ, bánh làm từ vỏ trấu hay gì ấy….
Chắc được coi là đặc sản, cũng không phải ngon lắm nhưng chắc chắn cậu chưa được ăn bao giờ.
Một chiếc túi vải bị ném vào lòng Sở Giá Quân, gã mở ra, bên trong là mấy cái bánh sẫm màu.
Cảm giác buồn nôn trào lên ngay tức khắc – thứ này là đặc sản huyện Bình Dương, gọi là bánh tro.
Bởi vì họ không đủ giàu dùng cây lương thực để làm bánh, nó được làm từ đồ thừa như ngô vụn, cám lúa mạch, vỏ đậu và vỏ trấu mà ra.
Tiếng của Kỷ Dũng Đào vọng từ trong bếp: Có hơi thô nhưng mà nhai lâu thì cũng thơm phết.
Ăn mấy cái nào để anh mở lửa.
Sở Giá Quân: Anh ăn đi, cho em một miếng ăn thử là được rồi…
Kỷ Dũng Đào chưng lên ăn, bây giờ chắc dân địa phương cũng chưng lên rồi mới ăn.
Sở Giá Quân có nhớ, thứ này thực ra cũng có thể ăn sống – chính là vì nó có thể ăn sống nên không cần lãng phí củi lửa.
Kỷ Dũng Đào bưng một đĩa bánh hấp ra, Sở Giá Quân thực lòng không muốn ăn, xuống lầu mua bánh bao nhân thịt.
Trong phòng khách, Kỷ Dũng Đào nhìn thấy có thêm một con chó.
–
Chuyện nuôi chó vốn dĩ phải thương lượng đàng hoàng với nhau trước rồi mới quyết định.
Nhưng một phần là do sự biến mất của Trần Vị Dân, một phần là còn việc phải kéo Trần Tiểu Hổ đi thị chúng, Kỷ Dũng Đào không có thời gian dây dưa chuyện đó.
Kỷ Dũng Đào nói, là cậu nhặt nó về, cậu tên Tiểu Phi, nó tên Đại Phi.
Kỷ Dũng Đào: Cậu phụ trách dắt chó đi dạo, có trách nhiệm nuôi nó đến khi về chầu trời, nếu mà trong nhà luộm thuộm dính bẩn thì người với chó chỉ có thể giữ lại một trong hai.
Anh phải ra ngoài rồi.
Hôm nay, chiếc xe chở Trần Tiểu Hổ và mấy tên tội phạm mang trọng tội khác sẽ khởi hành từ phía Bắc thành phố, đi qua quảng trường Xuân Phong ở chính giữa rồi đổi xe ra khỏi thành phố đến pháp trường.
Nếu muốn cướp người, thường là sẽ ra tay ở giai đoạn đổi xe.
Sở Giá Quân nghĩ, nếu thế thì chắc chắn sẽ trúng mai phục.
Những người bị bắt sớm hay muộn hơn hắn đều đã đưa ra thị chúng từ mấy ngày trước, nhưng đến hôm nay hắn mới bị xử tử, chắc chắn là vì hôm nay phía cảnh sát mới bố trí xong.
Mấu chốt của đợt bố trí này nhất định là mắt xích đổi xe, tập trung vào việc phòng ngự, hẳn sẽ bày thiên la địa võng.
Kỷ Dũng Đào nghĩ, tên đó không thể không nhận ra Trần Tiểu Hổ chỉ là một con mồi.
Nếu hắn đã nhận ra, vậy thì chắc hẳn hắn sẽ không nhắm vào thời điểm đổi xe để ra tay.
Nếu như không ra tay chỗ đó, với phong cách của tên điên đó sẽ chọn những chỗ đông người như quảng trường Xuân Phong nhằm tạo hỗn loạn để cứu đồng bọn của mình.
Trong đám đông, cảnh sát sẽ đắn đo và lo lắng cho người dân nhưng bọn chúng thì không.
Vậy nên phía cảnh sát sẽ nói với bên ngoài là xuất phát từ quảng trường Xuân Phong, nhưng tuyến đường sẽ tạm thời có thay đổi.
Hôm nay là thứ Tư, người đến quảng trường không đông lắm, chủ yếu là người già đưa bọn trẻ con đến xem phạm nhân là nhiều hơn cả.
Một khi tuyến đường thay đổi, bọn họ cũng sẽ không cố tình đuổi theo xe; trong khi đó những người chủ động tìm đường mới sẽ là đối tượng đáng theo dõi.
–
Mười giờ lẻ năm phút, chiếc xe tải màu xanh xám kéo năm tên tội phạm chầm chậm hướng về phía quảng trường Xuân Phong.
Sau mấy năm cải chính, người dân đã quen với cảnh tượng như vậy, những người già bồng bế con trẻ, dạy bọn chúng đọc tên tội danh treo trước ngực đám phạm nhân.
Xe tải chạy theo rìa ngoài quảng trường, số người ở bên trong tầm khoảng một trăm, ít hơn cả dự kiến.
Bởi vì là buổi trưa ngày làm việc trong tuần nên có ít người trẻ tuổi, chủ yếu là người già và trẻ em.
Đúng vào lúc này, tiếng loa trên xe hướng vào đám đông vang lên: Tuyến đường thay đổi, tuyến đường thay đổi, quảng trường Xuân Phong đổi sang đường Vân Nam, tuyến đường thay đổi…
Có dấu hiệu cho thấy đám đông đang giải tán.
Trong đó, có sáu bảy người vẫn đứng nguyên không động đậy, bọn họ lo lắng nhìn xung quanh.
Gần như ngay lập tức, những người này bị cảnh sát bố trí rải rác xung quanh khống chế.
Ván này thuận lợi thành công.
Tất cả mọi người không hẹn mà cùng thở phào nhẹ nhõm.
Kỷ Dũng Đào xác nhận với đồng đội qua bộ đàm vô tuyến: Có phát hiện người nào có đặc điểm giống Sở Giá Quân không?
Tiếng trả lời lần lượt truyền đến, tất cả đều “không có”.
Lẽ nào, Sở Giá Quân không tham gia hành động? Hắn thuê tạm mấy tấm bia đỡ đạn? Bọn họ vẫn đang suy đoán vị trí hiện giờ của hắn, bỗng nhiên có tiếng hét kinh ngạc truyền đến từ ngoài quảng trường: Lại có xe đến rồi!
Hàng trăm người hướng mắt về phía rìa quảng trường, họ nhìn thấy một cảnh tượng khó có thể tin được – năm chiếc xe tải màu xanh xám giống nhau như đúc, bên trên chở vài tên phạm nhân đeo còng tay, đang tiến vào quảng trường theo tuyến đường của chiếc xe vừa nãy.
Chiếc xe thật đang chuẩn bị chuyển hướng liền bị mấy chiếc còn lại chặn đứng ở giữa.
Từ xa nhìn lại không thể nào nhìn rõ xe nào mới là thật; xe cảnh sát ở gần đều lái hết qua đó, yêu cầu tài xế dừng xe.
Tài xế: Mấy người không phải là người của đài truyền hình à?
Kỷ Dũng Đào nghe được đoạn nói chuyện của họ qua bộ đàm.
Tài xế nhắc đi nhắc lại cái gì mà “đài truyền hình”, “chương trình pháp luật”, có vẻ như có người trả tiền thuê bọn họ lái xe đến đây để quay chương trình nào đó.
Xe chở phạm nhân thật bị mấy chiếc xe đóng giả bao vây, chưa rõ tình hình.
Kỷ Dũng Đào ngắt bộ đàm, dẫn theo người đến chỗ chiếc xe ngoài nhất, vừa đúng lúc nhìn thấy vài “phạm nhân” trên mấy chiếc xe kia bị đẩy lên xe thật, rồi lại có người được đưa ra ngoài.
Tên nào cũng mặc áo tù, kiểu tóc đầu đinh, mặt mũi lờ mờ nháo loạn vào nhau, giống như phiến lá lẫn vào rừng xanh.
Anh hướng nòng súng bắn lên trời, lúc đó hai nhóm người đang lên xuống xe bị dọa đến mức ngã ra đất, chỉ có duy nhất một nhóm là tăng tốc độ di chuyển hòng chạy trốn.
Kỷ Dũng Đào nhắm thẳng vào nhóm người đang tháo chạy bóp cò, một người bị bắn chết ngay tại chỗ, còn có một người khác bị bắn trúng vai, bị đồng bọn kéo lên chiếc xe taxi đã đậu sẵn ở ngoài.
Người bị bắn trúng vai là Trần Tiểu Hổ; đồng bọn của hắn là một người đàn ông trung tuổi mặt mũi bình thường.
Kỷ Dũng Đào lật xác tên bị bắn chết lên, cũng là đàn ông khoảng trên dưới ba mươi, không phải Sở Giá Quân.
Tài xế và các “phạm nhân” khác đều bị khống chế, bọn họ nhận tiền làm việc, tưởng là đến quay phim, giờ tên nào tên ấy mặt mũi sợ chết khiếp.
Trong đám người đó cũng không có người nào phù hợp với ngoại hình của Sở Giá Quân.
–
Sở Giá Quân đang ở nhà hàng xóm sống tầng trên khu chung cư sông Ái Nha, giúp đứa cháu của người kia phụ đạo tiếng Anh.
Năm chữ cái ABCDE đã đọc đi đọc lại vô số lần đến nỗi đứa nhỏ ngủ thiếp đi; còn người bà lớn tuổi của nó đang ngồi đan len trên ghế ngoài ban công.
Bà cụ tuổi đã cao, tai đã lãng, ban ngày một mình ở nhà chăm cháu.
Nghe nói có cậu sinh viên đại học sẵn sàng dạy đứa cháu đọc sách nên cũng vui mừng đồng ý hôm nay đến tận nhà phụ đạo.
Sở Giá Quân cầm lấy quả táo từ trong đĩa cắn một miếng, miệng ngâm nga hát, mắt nhìn vào thứ đồ trong ba lô…
Trong ba lô là một chiếc điện thoại di động, có tiếng nhạc nhẹ nhàng vang lên.
“Câu chuyện thành phố nhỏ”.
Trong kế hoạch của gã và Phòng Bình đã nói rõ, nếu thành công cứu được Trần Tiểu Hổ ra ngoài thì sẽ mở bài hát này qua điện thoại di động thông báo cho đối phương..