Trên quan đạo gập ghềnh sỏi đá, dưới ánh nắng vàng rực rỡ, hai bóng người đang bước nhanh về phía trấn nhỏ xa xa.
Mộc Uyên trấn là một trấn nhỏ nằm ở chân của dãy Liên Sơn, tuy là trấn nhỏ nhưng lại là nơi duy nhất cung cấp những đồ thiết yếu cho các giáp ở vùng này.
Cũng vì vậy người ra vào nơi trấn nhỏ cũng khá đông đúc.
Trên quan đạo, thỉnh thoảng hai huynh đệ họ Lý lại gặp một đoàn xe ngựa đi nhanh về phía trấn nhỏ.
-Sao thương nhân lại đến cái vùng sơn quê nghèo đói này nhỉ?
Nhìn những đoàn xe đi ngang qua, Khánh Điệp thắc mắc hỏi.
-Đó không phải xe của thương nhân đâu, đấy là xe chở linh thực của những giáp lân cận, chúng mang đến Mộc Uyên trấn để tập kết rồi mang đi đâu thì ta cũng chẳng biết.
Vấn Thiên dõi mắt nhìn những đoàn xe đang nối đuôi nhau đi nhanh trên sơn đạo.
Những cái xe ấy đang chở bao mồ hôi nước mắt và cả những tủi hờn bất công của những người dân nghèo khổ để phục vụ lợi ích cho cái đám “bề trên” kia.
Hắn vẫn luôn tự hỏi làm cách nào để những người dân ấy không phải chịu những áp bức bóc lột như vậy nữa.
Một cái trật tự đã được hình thành qua hàng trăm năm thậm chí là hàng ngàn năm, nói xoá bỏ nó trong một sớm một chiều gần như là một điều viển vông, huống chi hắn cũng chỉ còn sống được thêm được vài năm nữa.
Rồi hắn nhận ra rằng muốn thay đổi được nó thì trước hết hắn phải trở thành một phần tử trong cái đám bề trên ấy.
Vì vậy hắn phải đến được Quốc tử giám.
Mộc Uyên trấn dần hiện ra trước tầm mắt của Vấn Thiên cùng Khánh Điệp.
Cổng trấn tiêu điều, tường trấn thì xác xơ, cũng phải thôi ở cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này có nổi một cái trấn nhỏ đã là quý hoá lắm rồi.
Thỉnh thoảng lại có đôi ba người vào ra trấn nhỏ, như vậy cũng là đông đúc nếu so với cái vẻ hiu quạnh của nó.
Hai huynh đệ đi qua cổng trấn, trước mắt là con phố nhộn nhịp nhất ở cái trấn nhỏ này, nó không có tên vì ở cái nơi khỉ ho cò gáy này cũng chỉ mình nó miễn cưỡng được gọi là “con phố”.
Vấn Thiên cùng Khánh Điệp nhẹ bước trên con phố, hàng quán hai bên cũng có chút sinh ý nhưng trên mặt cũng chẳng có gì vui vẻ cho lắm.
-Sinh ý cũng không tệ sao mặt mấy chủ hàng ở đây cứ tối sầm vậy nhỉ?
-Sắp đến hạn nộp thuế rồi, ai chả lo lắng, hôm nay chợ trong trấn có phiên nên trông có vẻ nhộn nhịp chứ thường ngày vật vờ lắm, toàn dân nghèo ai dám tiêu pha lung tung, mua được cái bánh đúc đã là quý hoá lắm rồi.
Cái nhịp sống ở cái nơi sơn quê này vẫn vậy, ăn bữa nay lo bữa mai, mà có khi hôm nay chưa ăn thì đã lo bữa mai rồi.
Làm nông thì lúc nào cũng lo ngay ngáy linh thực có đủ sản lượng hay không, đi buôn bán thì thấp thỏm kiếm từng đồng để nộp thuế.
Ở nơi đây có cái ăn đã là một điều may mắn thật sự.
Nắng vàng rọi chiếu trên con phố nhỏ, mới đầu hè mà nó đã gắt gỏng rồi.
Thời tiết mấy năm nay có vẻ lại thêm khắc nghiệt, chẳng biết năm nay lại nóng đến mức nào.
Hai huynh đệ dừng lại trước một tiệm rèn nhỏ ở góc phố, trông nó cũng xập xệ như cái trấn nhỏ này vậy.
Có vài người đang đợi trước cửa tiệm, trông dáng vẻ chắc là mấy người nông dân tới sửa nông cụ.
— QUẢNG CÁO —
-Huynh vào đi đệ đợi ở ngoài.
Vấn Thiên “Ừ” một tiếng rồi đi vào trong tiệm.
-Cháu mài lại cho bá cái cuốc rồi đấy, nhưng mà nó cùn lắm rồi, chắc lần sau lão bá phải mua cái mới thôi.
Vừa vào tiệm Vấn Thiên đã thấy Lan thúc đưa đồ cho khách, Lan thúc cũng thấy hắn, ra hiệu cho hắn đứng đợi rồi tiễn lão bá vừa rồi ra cửa.
Vấn Thiên cũng cúi đầu chào rồi đợi Lan thúc.
-Đi luôn hôm nay à?
Vừa quay lại tiệm Lan thúc đã hỏi.
-Vâng, cháu không biết đường nên đi sớm cho kịp.
-Mà mày cũng gan lắm, cái Quốc tử giám mà mày nói không biết xa tít chỗ nào mà cũng dám đi.
Thời thế bây giờ trông thì có vẻ yên bình nhưng thực tế thì bất ổn lắm.
Nào là dân chạy nạn, nào là “thảo khấu”, mày có tí võ mèo thật đấy nhưng trước cái đám ấy thì cũng khó mà phòng thân nên là đi đường phải thật cẩn thận.
Lan thúc là chủ tiệm rèn này, dáng người to lớn, bắp thịt rắn chắc, nước da thì đen bóng, hình như làm cái nghề này cho nên nói năng hơi thô lỗ nhưng lại cực kì hoà đồng với mọi người.
Ngày hắn mới xin vào làm thợ phụ ai cũng nghi hoặc một thằng nhóc mười hai tuổi thì làm được cái gì, riêng Lan thúc lại không nghĩ vậy, thúc ấy cho hắn làm tại đây và rồi hắn làm tới tận bây giờ.
Thực tế ra thì hắn được nhận vào bởi vì hắn là “người nhà”.
Lan thúc chỉ cho hắn rất nhiều kỹ năng cùng kinh nghiệm rèn của mình cho hắn khiến tay nghề của hắn tiến bộ lên rất nhiều.
Nhiều lúc nhìn Lan Thúc làm việc hắn lại nhớ về cha mình, Lan thúc cũng đối đãi với hắn như con vậy nên tình cảm của hắn với nơi đây thật sự là rất nhiều.
-Thúc cứ yên tâm, cháu chạy nhanh lắm á! Với lại có cả tam đệ đi cùng cháu nữa.
Mà Lan lão có nhà không ạ, để cháu chào ông ấy một tiếng.
-Hai thằng nhóc miệng còn hôi sữa thì làm được cái gì! Mà thôi, có khuyên nữa thì chắc thằng ranh con mày cũng chẳng thay đổi đâu.
Lão đầu tử ở trong nhà, hình như đang lau cho mày hai cái rìu mà mày nhờ thúc rèn hộ ấy.
-Vậy để con vào trong xem.
Vấn Thiên cười nói rồi chạy nhanh vào gian nhà sát vách tiệm rèn.
Vừa vào hắn đã thấy Lan lão đang cẩn thận từng chút một lau hai chiếc rìu.
-Để vậy cũng được mà ông Lan, người lau làm gì cho mất công.
— QUẢNG CÁO —
Vấn Thiên vội nói.
-Vũ khí không đơn giản chỉ là một thứ đồ vật vô tri, nó còn là một người bạn, đôi khi còn là ân nhân cứu mạng nữa, huống chi chính bản thân cháu góp phần tạo ra nó.
Cho nên phải chân trọng và chăm chút cho thật tỉ mỉ, quý nó như quý chính tính mạng cháu vậy.
-Có cần nghiêm trọng vậy không ông Lan? Nó cũng chỉ từ khối kim loại ghè ra thôi mà.
-Haha! Rồi sau này cháu sẽ hiểu.
Mà cái rìu này do cháu nghĩ ra à? Tinh xảo, độc đáo và…!cực kì âm hiểm.
-Hì! Cháu sao nghĩ ra được, là đại ca đưa bản vẽ cho cháu.
-Của Vệ à! Chẳng trách thứ vũ khí ấy lại kì lạ đến vậy.
Nói xong, ông Lan lại trầm mặc một lúc nhìn Vấn Thiên, ánh mắt ấy giống hệt ánh mắt ông Lưu nhìn hắn vậy trìu mến nhưng đầy bi ai.
Rồi ông Lan chợt nói:
-Cuộc sống này nó không vận hành theo cái cách mà chúng ta muốn, vì vậy mới sinh ra cái gọi là đấu tranh, nhưng mà chỉ nói thôi thì ai chả làm được, cái quan trọng là thực lực để thực hiện sự đấu tranh ấy.
Ta biết cháu muốn làm cái gì, nhưng thực hiện được nó lại là một quá trình rất dài và khó khăn, nếu không muốn nói là viển vông.
Con đường mà cháu chọn sẽ gặp rất nhiều chông gai, rất nhiều những lối mòn đã phủ đầy bùn rác hàng trăm năm, nếu cảm thấy mỏi chân quá thì cũng đừng cố làm gì, cứ về đây sống nốt quãng đời còn lại cho thanh thản.
Vấn Thiên cúi nhẹ đầu, vậy là ông Lan cũng biết chuyện của hắn, hắn cũng chẳng bất ngờ lắm vì điều ấy, chỉ có điều ông Lan vẫn là không mấy tin tưởng hắn có thể thay đổi cái thực tại thối nát này.
Cũng phải thôi, một kẻ phàm chẳng thể tu hành thì trông mong được gì chứ.
-Nhưng mà Vấn Thiên à! Cháu có thứ mà tất cả chúng ta chẳng có, đấy là niềm tin vào chính bản thân mình.
Những lão già như chúng ta đã trải qua quá nhiều thứ, nó khiến chúng ta dần mất đi cái gọi là niềm tin tuyệt đối vào bản thân và cả những người xung quanh nữa.
Cho nên dù có thế nào thì cứ làm hết sức mình là được.
Vấn Thiên ngẩng đầu lên nhìn ông Lan, hắn cười thật tươi, đúng vậy, hắn có niềm tin và cả sự yêu thương của những người xung quanh hắn.
Họ không tin hắn làm được chỉ vì họ muốn chở che cho hắn mà thôi.
-Cảm ơn ông!
Vấn Thiên cười nói.
-Cho cháu cái này.
— QUẢNG CÁO —
Ông Lan nói xong thì lấy trong áo ra bốn chiếc dây chuyền bằng bạc, mỗi cái dây chuyền lại đính lên một cái kiếm nhỏ có hình dạng khác nhau, nhìn trông chúng chẳng có gì đặc biệt nhưng lại toát lên một thứ cảm giác thần thánh lạ kì.
-Cháu chọn một cái còn mấy cái còn lại đưa cho các đệ đệ của cháu.
-Đại ca cháu không có ạ?
-Yên tâm.
Nó có rồi.
Vấn Thiên vội cất dây chuyền vào trong tay nải, ông Lan cũng cho hai chiếc rìu của hắn vào một hộp gỗ (hình chữ X) rồi ông định nhấc nó lên đưa cho Vấn Thiên, hắn vội đỡ lấy cái bao gỗ vì nó rất nặng nhưng ông Lan đã nhấc lên đưa cho hắn.
Vấn Thiên cảm ơn ông Lan rồi dặn ông giữ gìn sức khoẻ, thỉnh thoảng tới nhà hắn thăm ông Lưu.
-Để ta đưa cháu ra cửa.
Hai ông cháu bước dần ra cửa, Lan thúc cũng đã đứng đợi ở ngoài, Khánh Điệp vội chào ông Lan, Vấn Thiên liền đi tới chỗ Khánh Điệp rồi chào hai cha con ông Lan.
-Bọn cháu đi đây!
Hai bóng người dần hoà vào dòng người trên phố.
-Đi đứng cho cẩn thận đấy!
Tiếng nói của Lan thúc vọng lại từ phía cửa tiệm.
-Vâng ạ!.