Trường An Nguyệt

Chương 1



Trong sảnh phụ của cung Thừa Huy, Triệu lão quân đang dạy kỹ thuật châm xương cá cho các công chúa.

Ta nhìn về phía trước, ngũ tỷ Hướng Hoa đang may vá thành thạo, lá xanh cành vàng trên khung thêu sống động như thật; ta không cam lòng nhìn về phía sau, thập muội Tú Hoa đang cầm kim thêu những bông hoa một cách thuần thục.

Trong số các công chúa trong phòng, ta là người duy nhất ngay cả việc xỏ chỉ vào kim cũng không thể làm được, chỉ ngồi trên ghế uốn tới ẹo lui.

Triệu lão quân bước đến trước mặt ta, dáng người bà không cao, mái tóc hoa râm được búi gọn gàng trên đầu, mặc áo khoác dài đội mũ quan màu tím, bà chậm rãi nói: “Các công chúa là cành vàng lá ngọc, y phục đều có bọn hạ nhân tự chuẩn bị, lúc rảnh rỗi muốn giết thời gian có thể may một ít quạt và túi tiền để hun đúc tình cảm.”

Ta cúi đầu nhìn những sợi chỉ đủ màu sắc lộn xộn trên bàn, nhỏ giọng nói: “Cái này không thể hun đúc ta được, chỉ có thể tra tấn ta thôi.”

Trượng phu của Triệu lão quân mất sớm, một mình bà nuôi nhi tử lớn, ở tuổi gần trời này lẽ ra phải ở nhà để nhi tử và tức phụ hiếu thuận, thế nhưng lại bị di mẫu của ta hoàng hậu Tiểu Chương thị kêu vào trong cung, nhận việc của phu nhân Sùng Thủy đời trước làm nữ phó dạy các công chúa thêu thùa.

Các nữ phó trong cung được người kính trọng, được hưởng bổng lộc nhị phẩm, không cần phải hành đại lễ với công chúa. Ta không sợ phu nhân Sùng Thủy chuyên cầm roi dạy dỗ, nhưng ta lại sợ Triệu lão quân mặt mày hiền hậu này.

“Tiểu điện hạ, công chúa là đại biểu cho nữ tử trong thiên hạ. Ta được hoàng hậu giao phó làm nữ phó cho các công chúa. Điều ta dạy không phải là tài nghệ mà là thanh tao nhã nhặn.”

Ta không thể nghe được những lời này, tay ta vẫn còn đau nhức từ lần trước, cái miệng không thể khống chế được nói: “Ngày xưa có Hoài Vương nói một tiếng làm kinh người, Câu Tiễn nằm gai nếm mật, Quan Công róc xương chữa thương. Nếu thêu thùa có thể mài giũa tâm trí, sao bọn họ lại không thêu?”

Khuôn mặt bất động của Triệu lão quân hơi co giật, hai nếp nhăn dưới nhân trung càng sâu hơn, bà nói: “Nếu các tiểu nương tử ngoài cung đều giống như Bát công chúa cầm thương múa đao, cả thiên hạ này sẽ hỗn loạn.”

Ta không phải tiểu nương tử, cũng không phải tiểu nương tử nào cũng nên nhốt vào phòng thêu thùa, “Tạ Đạo Vân dẫn thị nữ đi chống lại dân tị nạn, Bình Dương công chúa thay phụ thân trấn giữ cung thành, bọn họ đều là anh thư. Nếu nữ tử Đại Tấn cũng giống như các nàng, cần gì phải lo chuyện không thể diệt trừ Nhu Nhiên?”

Ta vừa dứt lời, thập muội Tú Hoa lo lắng nhìn ta, bởi vì thân sinh mẫu thân Vân mỹ nhân của muội ấy đã thất sủng từ lâu, nên bình thường muội ấy thường thận trọng trong mọi hành động của mình.

Triệu lão quân run rẩy nói: “Ta nói một câu, trên đầu luôn có mười câu. Sau khi ta bẩm lại với Hoàng hậu nương nương, ta sẽ mời một nữ nhân tài giỏi như Tạ Đạo Vân đến dạy dỗ tiểu điện hạ.”

Quả nhiên bà lão này muốn cáo trạng với di mẫu của ta! Để phòng ngừa các công chúa “dâm loạn cung đình” như nhà Đường trước đây, vị thái tổ sáng lập triều đại này đã đặt ra hai quy định cho các công chúa nhà Tấn, thứ nhất không được phép mở cung phủ, thứ hai không được phép tái giá. Cô tổ mẫu của ta, trưởng công chúa Thục gia cả đời không có con, bà nạp hơn mười thiếp cho phò mã, tự mình gánh nhiệm vụ nuôi dạy nhi tử nhi nữ của các phi tần, bà được đánh giá là tấm gương đạo đức giữa các công chúa của ba thế hệ hoàng đế.

Ta đứng ngồi không yên gục xuống bàn, nghĩ thầm kiểu gì cũng sẽ bị đòn, nhưng thêm một tấm bớt đi một tấm, ta đơn giản chỉ việc nối những sợi chỉ đủ màu sắc trên bàn thành hình rồng lớn và kỳ lân.

Vừa mới tan học, còn chưa đợi bị di mẫu đến đòi mạng, trước tiên ta đã nhìn thấy thái giám Tiểu Lộ Tử của thất ca đi đến.

“Tiểu điện hạ, Thái tử mời ngài đi qua một chuyến.”

Ta ôm trán thở dài, dẫn theo thị nữ đi đến cung Thừa Can.

Thất ca Lý Mộ Toàn chỉ lớn hơn ta một canh giờ. Mười lăm năm trước, chúng ta cùng nhau ở trong bụng của tiên hoàng hậu Đại Chương thị.

Khi đó tiên hoàng hậu vừa mất đi trưởng tử và tam tử, cứ tưởng rằng long phượng thai trong bụng là điềm lành, nhưng sau khi sinh ra mới phát hiện là hai nam hài, đây là một điều cấm kỵ trong những điều cấm kỵ ở Đại Tấn.

Đại Chương thị không nỡ bỏ rơi ta, hối lộ các nha hoàn và bà mụ để phong ta làm công chúa, vốn dĩ người muốn nuôi ta đến khi ta tám chín tuổi rồi nghĩ cách tìm ra giải pháp, ai biết được ông trời tính thế nào, thời điểm ta lên năm tuổi cũng là lúc người đi về cõi tiên. Một thân xiêm y công chúa này ta đã mặc được mười bốn năm.

Những người trong cung biết được thân phận của ta chỉ có Vu thái y, Quế ma ma, cung nữ Trân Châu và thái tử thất ca, thậm chí ngay cả dưỡng mẫu của ta, bào muội của Đại Chương thị, và sau này là Tiểu Chương thị cũng dạy dỗ ta như một tiểu nương tử.

Năm ta mười ba tuổi, hàng tháng Quế ma ma và Trân Châu sẽ dùng kinh nguyệt giả để đánh lừa các nữ quan, đồng thời dùng dải lụa quấn quanh chỗ hầu kết hơi phát triển của ta lấy lý do là che đi vết sẹo. Bình thường ta quen làm việc tùy hứng, thậm chí còn làm những việc kỳ quái hơn, nên trong mắt người trong cung việc ta che đậy trên cổ cũng xem như không có gì lạ.

Khác với thềm son điện ngọc trong hậu cung, cung Thừa Can nơi thái tử ở rất đơn giản và trang nhã, với những chiếc bình màu xanh lam được đặt ở nơi bắt mắt nhất.

Thất ca cho Tiểu Lộ Tử lui ra, chắp tay sau lưng, lắc đầu nói: “Tiểu Nghiên, đệ thật sự không làm cho cô bớt lo.”

Quỳnh Hoa là phong hào, Lý Nghiên mới là tên thật của ta. Triều đại này trọng nam khinh nữ, cũng không chú trọng việc đặt tên cho công chúa, thời điểm ta sinh ra hoa đào ngoài cửa sổ nở rộ nên Đại Chương thị đặt tên ta là Tiểu Nghiên.

Ta giống như lão tăng nhập định nhìn chằm chằm vào bức hoạ “Những lời dạy của Khổng Tử” của Ngô Đạo tử, đột nhiên ta vỗ tay nói: “Thất ca nhìn xem, họa gia này vẽ rất mạnh mẽ, đẹp lắm!”

Thất ca liếc nhìn ta nói: “Bức hoạ này đã treo mấy năm rồi, chưa từng thấy đệ chú ý tới nó.”

“Không phải là do Thất ca sắp giảng bài sao?” Ta chê cười nói.

Thất ca giống như lão hủ nói: “Cô cũng không nói gì nghiêm trọng, Tiểu Nghiên cần phải kiên nhẫn thêm một chút nữa, đừng suốt ngày chỉ lo nhảy nhót.”

Ta chỉ có thể gật đầu đồng ý, thất ca bằng tuổi ta, đã có bốn cung nữ thông phòng hầu hạ bên người cùng với hai thái tử nhụ nhân (*).

(*) Tiếng gọi chung tỏ vẻ tôn quý vợ của người khác.

Trong khi các công chúa đang học xâu kim thêu túi thì buổi sáng ở Đông Cung tám vị học giả Nho giáo do ngoại tổ phụ ta dẫn đầu đến dạy huynh ấy Tứ Thư Kinh Sử, buổi chiều thì được quân giáo ở trong cung đến dạy võ công, cưỡi ngựa bắn cung.

“Dưới gối di mẫu trống vắng, người xem đệ như nhi nữ của mình nuôi dạy. Hôm qua cãi nhau với Tam tỷ, hôm nay cãi nhau với Triệu tiên sinh, ngày mai…”

Mắt thấy thất ca còn muốn nói đâu đâu, ta kiếm cớ rồi vội vàng bỏ chạy ra ngoài.

Hoa sen ở ao Thiên Lý trong cung nở rộ rất đẹp, nhìn thoáng qua giống như những chiếc lá sen xanh vô tận vươn tới tận trời xanh. Giữa hè các phi tần, công chúa đều sợ nắng không dám ra ngoài đi dạo, việc này càng thuận lợi cho ta.

Ở mép ao có một vòng tròn đá sỏi có kích thước và màu sắc tương tự, giống như màu son thật sự rất đẹp, ta bảo Quế ma ma và Trân Châu về cung trước, tự ta bước đi cẩn thận dọc theo mép ao một mình.

Đối với ta đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất mỗi ngày, không có nữ phó nhàm chán, không có thất ca dài dòng, trong đầm nước to lớn chỉ có một mình Lý Nghiên.

Bên tai ta đột nhiên vang lên một giọng nói quen thuộc: “Tiểu điện hạ mới bị Thái tử mắng à?”

Người này thân hình cao ráo, khuôn mặt tuấn tú, đầu đội một chiếc mũ tròn, đi ủng đen, vai đeo miếng vá chính nhất phẩm màu đỏ thẫm, thắt lưng mang một thanh kiếm dài một thước, chính là thái giám của Đông Hán đồng thời là chưởng ấn Tư lễ giám, Từ Quân Dật.

Phụ hoàng của ta là Tấn Húc đế Lý Càn Huy, trong mười năm qua hiếm khi lâm triều, người giam mình trong cung Đại Minh, mê muội sắc đẹp và luyện đan.

Thái tổ của triều đại chúng ta bãi bỏ thừa tướng, thành lập nội các, trong nội viện có mười hai thái giám, đứng đầu là thái giám Tư lễ, thái giám có dấu ấn có thể biểu quyết tán thành hay không, chức vị còn cao hơn thủ phụ (1).

Từ Quân Dật là chưởng ấn Đông Hán có nhiệm vụ tra xét các quan lại, ngay cả thái tử thất ca của ta thấy hắn cũng phải tôn xưng một tiếng “Từ tướng”.

Một khi đã làm thái giám nhất định sẽ có học giả đâm sau lưng, mắng tổ tiên mười tám đời nhà ngươi, hắn ở trong cung của ta đến một năm sau mới tịnh thân, các nho sĩ không dám mắng ta nên họ chuyển qua mắng thất ca của ta, đường đường là thái tử của Đông cung lại để mặc Yêm đảng làm to.

(Tịnh thân: Cắt bỏ bộ phận sinh dục.)

Các quan nhi trong nội các lần lượt thay đổi hết đợt này tới đợt khác, nhưng Từ Quân Dật vẫn là người số một trong hoàng cung và cả trong nước.

Ta rụt đầu, ngừng dẫm lên đá cuội, hỏi: “Sao Từ tướng lại rảnh rỗi đến tìm ta nói chuyện vậy?”

Từ Quân Dật không trả lời mà hỏi ngược lại ta: “Hôm nay có tranh luận với Triệu tiên sinh không?”

Ta để tay lên ngực tự nói, thì ra Từ chưởng ấn chưa từng quên chủ cũ, sau khi phát đạt rồi vẫn rất quan tâm đ ến ta, ta cũng không sợ hắn như những người khác, lẫm liệt nói: “Dùng thêu thùa để mài giũa tâm trí, Quỳnh Hoa không làm được.”

Từ Quân Dật cười nói: “Thì ra tay tiểu điện hạ quá vụng về không cầm kim chỉ được.”

Dù hắn có quyền có thế đến đâu thì hắn vẫn là thái giám từng hầu hạ ta khi ta còn nhỏ, bị một người như vậy cười nhạo khiến ta tức giận đến mức đá bay những viên sỏi rời rạc bên hồ.

Đêm qua trời mưa khiến mặt đất bên cạnh ao trơn trượt, ta suýt chút đã rơi xuống nước, may là Từ Quân Dật đã nắm lấy cánh tay của ta kéo lại: “Tiểu điện hạ cẩn thận dưới chân.”

Hôm nay mọi chuyện đều không thuận lợi, ta mất mặt trước mặt Từ Quân Dật, xấu hổ quay đầu lại.

Cách gần như vậy ta mới nhận ra Từ Quân Dật không giống như những thái giám khác, không có mùi hương lộn xộn cũng không có mùi khai khó chịu, chỉ có mùi hương hoa rất nhẹ, giống như cây hoa đào trước cửa cung của ta.

Từ Quân Dật cao hơn ta nửa cái đầu, dưới ánh mặt trời ta vừa vặn đứng dưới bóng của hắn, ta càng tức giận hơn hai tay kéo tua rua trên túi rồi nói: “Ta không muốn nói chuyện với ngươi.”

“Tiểu điện hạ, nhìn này.”

Từ Quân Dật mở một chiếc hộp gấm cỡ lòng bàn tay, trong đó có tám quả vải to bằng đồng xu.

Đây là một loại quả hiếm có, những quả vải được gửi đến cống nạp từ Lĩnh Nam được vận chuyển cả cây trên thuyền, đầu tiên họ di chuyển bằng đường thủy, sau đó bằng đường bộ rồi đến thành Trường An trong vòng mười tám ngày. Dù vậy cũng chỉ có thể ăn được một phần mười số lượng.

Trong cung, hoàng hậu Tiểu Chương thị và Lưu quý phi được thưởng sáu quả, thất ca được thưởng bốn quả, các hoàng tử khác được thưởng hai quả còn lại các công chúa được thưởng một. Quả vải của ta còn chưa nếm được mùi vị đã bị ta nuốt xuống hết.

Từ Quân Dật đưa chiếc hộp cho ta, nói: “Tiểu điện hạ còn nguyện ý nói chuyện với thần không?”

Nghĩ đến thịt vải trong suốt và ngọt ngào, miệng ta bắt đầu ch ảy nước miếng, trên mặt vẫn duy trì dáng vẻ rụt rè của công chúa, cầm lấy quả vải nói: “Không phải bản công chúa tham ăn tham uống, chỉ là để giải tỏa cái nóng mùa hè mà thôi.”

Từ Quân Dật xua đuổi đám côn trùng bay tới gần ta, nói: “Ở Tư lễ giám vẫn còn, nếu tiểu điện hạ thích thì có thể đến tìm ta. Nhưng loại quả này nóng, một lần không thể ăn quá nhiều.”

Ta sợ hắn sẽ hối hận nên nhanh chóng bỏ quả vải vào tay áo, tiếp tục làm động tác thưởng thức bông sen. Dương liễu bao quanh, uyên ương dẫn lối. Lục bình che khuất bóng nàng hái sen (2). Một bài thơ cổ kể rằng hoa sen nở ở Giang Nam, hoa hồng bao phủ khắp mặt nước trong vắt. Ao Thiên Lý dù có đẹp đến đâu cũng chỉ là một cái ao dưới bốn bức tường ngói đỏ.

“Tiểu điện hạ có muốn đi Tây Sơn cưỡi ngựa không?” Từ Quân Dật nghiêng đầu hỏi, người khác khi nói chuyện với hắn đều phải ngửa đầu lên, nhưng khi nói chuyện với ta, hắn luôn hơi cúi người xuống.

Nếu sự cám dỗ của vải thiều giống như một đoá hoa sen thì việc cưỡi ngựa ở Tây Sơn giống như cả một ao sen, ta động lòng nhưng không muốn mất thể diện thân phận công chúa trước mặt Từ Quân Dật nên chỉ đứng đó lo lắng xiết chặt góc váy.

– —————

Chú thích:

(1) Thủ phụ: Năm Hồng Vũ thứ 13 (1380), Chu Nguyên Chương bãi bỏ Trung thư tình, đồng thời vĩnh viễn không lập Thừa tướng. Do bởi Chu Nguyên Chương có quy định không lập Thừa tướng nên mọi người gọi các Đại học sĩ là Phụ thần, Các lão, riêng người đứng đầu Phụ thần thì gọi là Thủ phụ, Nguyên phụ.

(Nguồn: https://www.chuonghung.com/2012/12/dich-thuat-noi-cac-va-cuu-khanh-trieu.html?m=1)

(2)

Dương liễu bao quanh

Uyên ương dẫn lối

Lục bình che khuất bóng nàng hái sen.

Một bài thơ từ thời nhà Tống. Giải thích: cây liễu bao quanh ao, có một cặp đôi đang chơi đùa trên nước, mặt ao phủ đầy bèo xanh che khuất cô gái đang hái sen.

(Cảm ơn bạn Wish You Always Happy đã dịch giúp tui bài thơ)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.