Trong rừng sương giăng mù mịt không thấy phương hướng, con suối hôm qua còn róc rách nước chảy nay đã đóng một lớp tuyết trắng toát, khí lạnh bao trùm. Tiếng chuông từ đỉnh núi Lũng Bạch vọng xuống, âm thanh thanh thúy vang vọng cả núi rừng chim muôn khiến không gian dâng lên thập phần thiêng liêng khó tả. Chặng đường dài đi lên núi cũng may có Vu Tịch chiếu cố, biết mắt Tranh Tử vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, hắn không những đi trước dẫn đường còn hái cả quả tươi ném cho y lót dạ, kẻ này khí tức lúc lạnh lúc nóng, niệm lực khó dò nhưng ngữ điệu khi nói chuyện vô cùng điềm đạm vừa có phần lười nhác, giống như từ một bậc hiền nhân đã thoát khỏi phàm tục, lâu lâu lại nghe giống như một lão già bất cần thế sự, chỉ chờ chết, kiểu vừa bị động vừa lạnh nhạt với mọi thứ, hắn rất ít nói chuyện nhưng lại không gây ra cảm giác xa cách mà ngược lại nhiều lúc Tranh Tử có cảm giác đã từng gặp qua kẻ này rồi.
Lúc hai người đang nghỉ chân, Tranh Tử nhiều lần muốn dùng khoảng cách gần để nhìn mặt Vu Tịch nhưng lại thất vọng vì trước mắt y vẫn nguyên vẹn là một mảng mơ hồ, chỉ thấy người ở bên cạnh đang ngồi thiền đạo, tấm lưng vừa thẳng vừa rộng sừng sững đầy cảm giác tiên nhân thanh tịnh. A Nha trước giờ ngoại trừ Tranh Tử thì chưa từng gần gũi với ai khác vậy mà bây giờ đã rối rít đậu trên đầu vai kẻ kia, Tranh Tử cũng mặc kệ cái thói thấy sang bỏ chủ của nó, vừa lấy túi nước bằng da dê ra nhấp một ngụm nửa chừng thì sững sờ.
– Nước này…
Âm thanh bên cạnh chậm đáp:
– Buổi sáng ta có nấu dư nước quỳ thảo nên chia cho người một ít.
Tranh Tử không biết phải ứng phó ra sao với sự tốt bụng hết mực của vị huynh đài vừa mới gặp mặt tối hôm qua này, lát lâu sau mới cẩn thận nói:
– Đa tạ Vu huynh, thật ra cổ họng ta đã đỡ rồi, mắt cũng tốt hơn một chút tầm nửa ngày nữa chắc sẽ thấy rõ được.
Kẻ kia vẫn nhắm mắt yên tĩnh thiền đạo, khóe miệng như có như không nhoẻn lên một chút. Sau đó lại hỏi:
– Tiểu tử, ngươi không lạnh sao?
Nhìn sơ qua dáng vẻ điệu bộ, có thể hai người không cách nhau mấy tuổi nhưng nghe một tiếng “tiểu tử” này của Vu Tịch khiến Tranh Tử liền hoài nghi nhân sinh.
“Hắn nghĩ mình là trưởng bối hay sao? Hay là chê mặt ta còn quá non nớt?”
Dù lẩm bẩm trong lòng là vậy nhưng ngoài mặt Tranh Tử vẫn tỏ ra không để ý, liền thản nhiên đáp:
– Lúc trước ta từng ở một nơi còn lạnh hơn lúc này, quần áo cũng không có một mảnh nguyên vẹn mà mặc, từ từ chịu lạnh cũng quen…
Quá khứ nghe có vẻ xót xa bi kịch nhưng qua ngữ điệu kể của Tranh Tử liền chẳng thấy có việc gì to tát cả. Vu Tịch nhìn qua người thanh niên cao gầy bên cạnh âm thầm đánh giá, quần áo đơn bạc vừa cũ vừa rách, có chỗ còn rách lộ cả da, làn da trắng đến độ có thể hòa vào tuyết, đôi môi mỏng khô bong tróc, có thể nhìn ra là một thiếu niên tuấn tú nhưng vì gầy trơ xương nên trông hơi thiếu sinh khí. Đặc biệt ở đối phương là đôi mắt tròn, đôi mắt đen nhánh không phản chiếu ánh sáng, khiến người nhìn vào không rõ nên miêu tả là đơn thuần ngây thơ như con nai nhỏ ngơ ngác hay là lạnh lẽo tận xương tủy. Đây dường như là kiểu người được sinh ra trước thềm cửa địa ngục, còn tồn tại hẳn không phải chuyện dễ dàng gì.
Cảm giác có người đang nhìn đánh giá mình, Tranh Tử liền nói:
– Vu Tịch huynh, có phải huynh đang nghĩ ta rất lạ không?
– Vậy ngươi nghĩ một ngươi bình thường có thể sống đến giờ này, ở nơi này và ở giữa cơn tuyết như vậy chỉ mặc một lớp áo rách và một cái mũ trùm bằng vải đai?
– Haha…thật ra ta cũng nghĩ huynh là người rất lạ, tốt…đến lạ.
– Không lạ bằng ngươi…
Cả hai bất chợt mỉm cười. Dưới trời tuyết ngày càng dày đặc, trong lòng lại len lỏi ấm lên một chút đồng điệu và niềm hân hoan đồng hành nhỏ.
Hôm qua dường như do quá tham ăn, A Nha lúc sáng đã nôn ra mấy bãi xanh xanh vàng vàng phát sáng, lúc này nó lại nôn thêm một bãi nữa, lảo đảo bay về đậu trên đầu đào côn, thu cánh lim dim mắt ngủ, tuyết đã sớm đóng phủ trên đầu nó một mảng lớn trông như một cái mũ tròn dễ thương. Tranh Tử không thể quan sát rõ nhưng dường như cảm nhận được sự khó chịu của con vật, liền nói với nó:
– Thế nào rồi? Tội tham ăn của ngươi không biết khi nào mới trị được…
A Nha “oác” một tiếng trả lời lấy lệ trong khi ba mắt vẫn nhắm mắt nghiền.
Tranh Tử lấy túi da dê đựng nước quỳ thảo ra, đút cho A Nha một ít và truyền niệm lực qua cho nó. Đột nhiên, con mắt đỏ giữa trán của A Nha bừng mở, nó tung cánh bay lên không trung suýt làm đổ chiếc túi nước, Tranh Tử còn chưa kịp mắng mỏ thì đã cảm nhận thấy có gì đó đang đến gần, vì con mắt thứ ba kia của A Nha sẽ không tự tiện mở ra trừ phi có thứ gì đó nó nghĩ thật sự có tính uy hϊếp.
Ở bên kia Vu Tịch vẫn không có động thái nhưng bạc trượng đã nằm chắc trong lòng bàn tay.
Một con quái điểu khổng lồ đỏ rực thình lình xuất hiện trên bầu trời đầy tuyết, hai cánh dang rộng của nó hẳn dài mấy trượng liền, cả thân người đang phát ra ánh lửa cam đỏ, đôi mắt đen hung ác, chiếc mỏ vừa sắc vừa khoằm, đây là loài hung điểu nổi tiếng ở Vực Gian gọi là hỏa ưng. Ban đầu nó vốn chỉ bay ngang chỗ của Tranh Tử nhưng vì A Nha, con quạ bạch biến này thật sự đang muốn gây chiến, mặc dù thân xác chỉ nhỏ bằng đầu móng vuốt kẻ thù nhưng nó lại dám đương đầu thẳng mặt, oan oác kình chiến. Con hung điểu kia kêu lên một tiếng, âm thanh vang vọng sắc nhọn như đâm vào tai người, gió cùng với hơi nóng bùng lên dữ dội giữa trời tuyết.
Tranh Tử cầm đào côn trong tay, trước mắt vẫn là một mảng mơ hồ nhưng ngữ điệu đã chắc chắn mười phần nói:
– Là hỏa ưng, chính nó đã tới diệt làng của ta, đứng sau là một tên “mặt cừu” điều khiển!
– Tên “mặt cừu”? – Vu Tịch nheo mắt nhìn thẳng lên con hỏa ưng khổng lồ trên bầu trời, chậm rãi hỏi lại.
– Hắn ta đeo một cái mặt nạ cừu, sai khiến được rất nhiều hỏa ưng, cả làng ta đều bị chúng…chúng rất nhiều, nhiều và mạnh…
– Vì sao hắn phải truy sát làng của ngươi?
– Ta cũng muốn biết!
Nhớ lại kí ức đêm hôm đó, đôi mắt Tranh Tử ngày càng sắc lạnh, tay cầm đào côn siết chặt đến mức những khớp ngón xương xẩu đều lộ ra.