Thích Khách - Thẩm Nhạn

Chương 10



Bản lĩnh dùng dao của Phùng Thiếu Mị được luyện từ bé, lúc em trai còn nhỏ, nhà buôn bán đắt khách, cha bảo nàng giúp giết cá. Khoảng thời gian từ vào đông đến mùa xuân năm sau, mặt sông đóng băng, không bắt được cá, nhà cũng chuyển sang lấy giết mổ làm kế sinh nhai.

Trong nghề giết mổ có câu lóng thế này: Lợn ăn hại, dê hảo hán, trâu nước mắt lưng tròng.

Cha trói bốn chân của con lợn sữa lại, nhấc lên bàn dài, con lợn sữa bị bỏ đói một ngày, mặt mày phờ phạc. Cha một tay bóp cằm lợn, tay còn lại cầm dao nhọn thọc vào tim lợn, dao xoat một vòng rồi rút ra.

Con lợn sữa tru tréo không ngừng, máu phun ra ngoài theo lưỡi dao.

Cha cởi dây trói lợn, rạch một vết hơn tấc ở vị trí trên vó chân sau một tấc, đưa con dao nhọn cho Phùng Thiếu Mị: “Nào, từng dạy con rồi đấy.”

Con lợn sữa đã chết, giết lợn kiêng kị dùng đến nhát dao thứ hai. Lợn là “thực phẩm”, nên chỉ phải chịu khổ một dao, nếu đến dao thứ hai mới giết được lợn, lợn chịu thêm một phần khổ, người giết lợn cũng xem như tạo nghiệt.

Phùng Thiếu Mị chọc dao từ chỗ đã rạch sẵn vào, sức nàng lớn, ngay nhát dao đầu tiên đã cắt thẳng đến gốc tai lợn. Dao nhọn rút về một nửa, mổ tiếp phần lưng và bụng lợn rồi lật sang mặt bên kia xử lí nửa thân còn lại.

Mắt con lợn sữa hãy còn mở, nhìn trừng trừng.

Cha khen: “Dũng cảm lắm!”

Phùng Thiếu Mị bị tiếng ồn bên ngoài đánh thức. Mở mắt ra, trên đầu là lán buồng bện bằng ban trúc, mành cửa mở rộng, ánh sáng trong vắt phản chiếu từ sóng nước hắt lên trần buồng lán, nước chảy êm ái rung rung.

Có người đi vào, Phùng Thiếu Mị vén chăn ngồi dậy: “Bên ngoài có chuyện gì thế?”

Sắc mặt Thúy Thúy tái nhợt như quả đào gặp sương giá: “Chết người rồi!”

Ra khỏi khoang thuyền, Tiết A Ất vừa đưa một vị khách qua sông, mặc áo tơi đội mũ ngắn, đi tới trước mặt nàng, lắc lắc xâu tiền đồng trong tay: “Đi xem không?”

Phùng Thiếu Mị đồng ý, khoác thêm áo ngoài cùng đi ra.

Lúc tảng sáng, lục tục có ba cái xác nổi trôi tới, ngâm trong sông bảy, tám ngày, thân phù lên to bằng hai người, da dẻ như đậu phụ, người lái thuyền mò xác dùng sào trúc động vào là nát. Ruồi nhặng bu quanh đầu kêu vo ve, mùi hôi thối bốc thẳng lên trời, bộ khoái bịt mũi khám thi thể, chính là ba tay giang hồ mất tích kia.

Đắp vải trắng lên, mang về nha môn.

Hết cái để hóng hớt thì đã là buổi trưa. Cơm ăn được một nửa thì có khách muốn qua sông, Tiết A Ất bảo Cát Sinh: “Cậu đi đi, lát nữa tôi có việc.”

Cát Sinh đặt bát xuống, rời đi.

Cậu thiếu niên trầm lặng như dương liễu trồng bên sông, Phùng Thiếu Mị tới nhà họ Tiết đã ít ngày mà vẫn chưa nói được với cậu một câu nào. Chỉ khi nói chuyện với Thúy Thúy, cậu mới nhoẻn cười, răng nanh chìa ra nhòn nhọn, rất đáng yêu.

Ăn xong, Tiết A Ất bê đá mài đao ra, khoanh chân ngồi xuống sàn thuyền mài đao.

Lúc sắp mài xong, Phùng Thiếu Mị đi từ buồng lán ra, đội mũ mạng che mặt, vội vã đi ra ngoài. Hắn gọi lại: “Đi đâu đấy?”

Phùng Thiếu Mị đáp: “Hết đậu phụ rồi.”

Tiết A Ất hỏi: “Đến ngõ Điềm Thủy mua à?”

Nàng gật đầu.

Tiết A Ất rút cái giẻ màu xanh giặt bạc màu ra, cẩn thận lau sạch đao và đá mài đao trong tay: “Tôi đi cùng cô.”

Phùng Thiếu Mị ngó hắn: “Không phải anh có việc à?” Tự dưng đi mài đao, tất nhiên là định đi giết người.

Tiết A Ất gật đầu, thu đao vào vỏ.

Nàng hiểu ra.

Đi từ bến đò Qua Châu qua ba con phố hướng nam, phố xá sầm uất biển người đen kịt, tiếng kêu la của trai gái già trẻ thi nhau rộ lên Trên tường dán lệnh treo thưởng tróc nã nữ tặc sát hại Hoài Vô Nhai, bức tranh giống Phùng Thiếu Mị sáu, bảy phần chình ình ngay đó. Có câu: “Mũ rách che mặt qua phố chợ, thuyền thủng chở rượu nổi trên sông”.

Đứng trước ngõ Điềm Thủy là một ông cụ bán tò he đường, chung quanh khá đông trẻ con xúm lại. Ông cụ dùng muôi canh múc đường mạch nha lỏng, nhanh tay rót qua lại trên phiến đá đúc thành hình, mùi thơm ngọt ngào tỏa ra, thong thả bay từng sợi vào mũi.

Tranh đường dần thành hình, ánh nắng nhấp nháy trên cục đường vàng óng, hình vẽ ra là hỉ thước chuyền cành.

Ông cụ nhấc dao xúc lên, cẩn thận xúc tranh đường, cục đường óng ánh trong suốt chậm rãi tách khỏi phiến đá, như ve sầu bị bóc khỏi vỏ cây. Dính lên que trúc, đưa cho đứa bé đứng đợi đã lâu, nhận được một tiếng hoan hô.

Phùng Thiếu Mị nhìn mà mê mẩn, dừng chân không đi nữa.

Tiết A Ất cảm thấy thú vị, thích khách liếm máu đầu đao mà chẳng khác gì trẻ con cả. Giơ tay ra trước mặt nàng búng, hắn nói: “Tỉnh lại đi, mua cho cô một con tò he đường cho đỡ thèm nhé?” Mười xu tiền đồng hắn hãy còn trả được.

Ngón cái và ngón trỏ ma sát với nhau, tiếng búng tay lanh lảnh.

Cô ả thưởng cho hắn một cái nguýt mắt.

Mỹ nhân nguýt mắt cũng đến là xinh đẹp, như con mèo xòe móng vuốt vật, móng nhòn nhọn, cào lên chỉ thấy hờn dỗi.

Quẹo vào ngõ Điềm Thủy, tiếng huyên náo rút đi như thủy triều. Ngay bên trái có một sạp đậu phụ, Phùng Thiếu Mị định qua, bị Tiết A Ất ngăn lại, hắn vươn tay chỉ: “Đến nhà kia đi.”

Hướng chỉ tay là căn nhà thứ năm.

Trước cửa bày một chậu gỗ cao cỡ nửa người, bên trong ngâm đầy đậu tương. Một người phụ nữ trung niên đầu quấn khăn màu xanh vỏ cua đi ra, tay xách nửa thùng nước, trông thấy họ thì mỉm cười, khóe miệng hiện nếp nhăn: “Tới mua đậu phụ à?”

Phùng Thiếu Mị gật đầu: “Cho cháu ba bìa.”

Hồi hiệu đao nhà họ Tiết vẫn còn, Vương Cẩm Nương từng đến mua, bà đã chứng kiến Tiết A Ất lớn lên. Dùng túi giấy dầu bọc đậu phụ lại, đưa cho Phùng Thiếu Mị, nhận lấy tiền đồng đưa trả, thị hỏi: “Cha cháu có khỏe không?”

Tiết A Ất đáp: “Đỡ hơn chút rồi ạ.”

Hàn huyên mấy câu, đang định quay vào nhà làm việc thì Tiết A Ất gọi lại: “Thím ơi, có chuyện muốn nhờ thím giúp ạ.”

Vương Cẩm Nương thoáng lấy làm kinh ngạc, gật đầu: “Vào nhà nói.”

Nồi hơi trên bếp đang nấu nước đậu mài, nóng hôi hổi, trên khuôn gỗ trong góc đắp vải thưa, bên trong là xếp chồng ngay ngắn đậu phụ đã làm đông. Trong sân đặt cối đá rộng đủ ba người ôm, trong cối xay hãy còn đậu tương đang mài dở.

Con chó già lông vàng xích trước nhà sủa ầm ĩ, giương nanh múa buốt, xích sắt buộc trên cổ bị kéo vang “rào rào”.

Tiết A Ất xách đao đi ra, rút khăn lau vết máu, ném vào lò lửa đang cháy mạnh bên cạnh.

Ánh lửa bập bùng, chớp mắt đã thiêu ra tro.

Bước qua ngưỡng cổng, Phùng Thiếu Mị đứng chờ trước cổng, tay xách túi giấy dầu buộc thừng cỏ. Tiết A Ất từng ăn đậu phụ Vương Cẩm Nương làm, biết bìa đậu trong túi vuông vắn thích mắt, trắng nõn mọng nước, bên trên dính hành lá cắt nhỏ.

Phùng Thiếu Mị nhìn hắn: “Đi thôi.”

Tiết A Ất ừ, thu đao vào vỏ.

Đi ra khỏi ngõ Điềm Thủy, trước sau chỉ mất một nén nhang, phố chợ ồn ã đập vào mặt, tiếng thét, tiếng trẻ con cười, tiếng đàn bà kêu, sống động như một con cá béo mập bỗng bị câu ra khỏi mặt nước.

Ông cụ bán tò he đường đầu ngõ vẫn còn ở đó, cao giọng rao: “Tò he đường đây… Tò he đường ngọt ngào không ngấy đây!”

Đi ra chường mười bước, sau lưng vọng lại tiếng hô: “Có người chết!”

Đám đông nghe tiếng đổ xô tới, vai sượt vai đi ngang qua họ, chạy về phía ngõ hẻm.

***

Trở lại bến đò, Thúy Thúy đang treo túi thơm cho buồng lán, lại gần ngửi thấy một mùi hương nồng đậm.

Phùng Thiếu Mị gỡ một túi xuống, mở ra: “Cây ngải à?”

Trong không khí hãy còn sót mùi hôi thối, mặt Thúy Thúy hãy còn trắng bệch: “Ngày này mà lại xảy ra chuyện xúi quẩy vậy, phải trừ tà.” Ý chỉ chuyện bến đò có thây trôi.

Đã qua Thanh minh, còn mấy ngày nữa mới tới tiết Dục Phật.

Phùng Thiếu Mị: “Ngày gì cơ?”

Tiết A Ất không nghe tiếp, xách sào trúc lên bờ rao gọi khách. Thúy Thúy nhìn theo hắn một lúc mới đáp: “Hôm nay là ngày giỗ mẹ em.”

Họ vén mành đi vào buồng lán, Thúy Thúy kéo đòn gánh đặt trong góc tường ra giữa nhà, hai đầu đòn gánh treo gàu nan tre, bên trong đựng đầy giấy thiếc gấp thành hình nguyên bảo. Giấy thiếc đã được mua từ mấy ngày trước, còn thừa lại một xấp nhỏ chưa gấp xong.

Nghe nói đốt vàng mã trước mộ người đã khuất, thân nhân dưới âm phủ sẽ nhận được tiền u minh, có tiền là có thể sống khỏe sống tốt dưới suối vàng.

Thúy Thúy nhón một tờ giấy thiếc màu bạc lên, gập đôi lại, ngón tay miết nếp gấp: “Ca ca chưa từng đi thăm mộ mẹ.”

Phùng Thiếu Mị ngồi xuống, giúp cô gấp một tờ.

“Mẹ mất hồi em còn nhỏ, chẳng nhớ được bà trông thế nào, cha em không nói nguyên do, chỉ biết mất là mất thôi.” Thúy Thúy nói, “Hằng năm chỉ có em và cha đi tảo mộ, em từng hỏi ca ca, anh ấy không nói.”

Giấy thiếc lõm xuống, lật lại gấp, một đĩnh bạc thành hình.

Bỏ vào gàu đựng, Thúy Thúy đứng dậy khiêng đòn gánh: “Đêm qua cha phát bệnh, không đi được, Phùng tỷ đi xem với em không?”

Đĩnh bạc chất quá đầy, hai chiếc rơi ra lăn trên mặt đất.

Phùng Thiếu Mị nhặt lên cầm trong lòng bàn tay: “Được.”

Mộ nằm không xa, ngay bên hồ Thiệu Bá cách bến đò ba, bốn dặm. Lau sậy còn chưa nở hoa, thân cỏ non nớt nhô ra cái đầu nhọn, cao đến đầu gối. Trên hồ còn sót cánh buồm, không thể nhộn nhịp bằng bến đò, nơi đây không có người ở.

Trên nấm mồ cỏ dại tươi tốt, Thúy Thúy cúi người nhổ đi, làm kinh động con chim trắng mổ mồi trên nước. Nó vỗ mạnh cánh bay lên, sải mũi cái nhọn lướt qua mặt hồ, trong nước vụt lướt qua bóng ngược rồi biến mất.

Thúy Thúy nói với Phùng Thiếu Mị: “Mẹ em mất tích, báo quan, không tìm được thi thể, nha dịch nói mất dấu ở đây, cha bèn lập một ngôi mộ chôn di vật. Sáng nay trông thấy thây trôi, em nghĩ có lẽ mẹ cũng trôi đi đâu đó, khiến người ta ghê tởm một phen.”

Gió bờ hồ lớn, giấy thiếc bạc mỏng manh, Phùng Thiếu Mị giúp cô trông nom đống đĩnh bạc, chụm tay che bên trên tránh bị gió thổi đi: “Có khi còn sống không chừng.”

Nhổ sạch cỏ dại, đất nâu lộ ra.

Thúy Thúy xoa tay, phủi vụn cỏ đi rồi giơ lên trước mũi ngửi, mùi thơm mát nồng nàn: “Còn sống mà không về, trong lòng bọn em cũng chẳng khác đã chết mấy.”

Cô chuyển một cái ang tráng men ra, ôm cái gàu to bằng một người lên đổ đĩnh bạc vào, chất thành một ngọn núi nhỏ. Lấy ống thổi lửa ra, ghé lại thổi vào đốm lửa còn sót lại, cuộn giấy bốc lửa “phừng”.

Ném vào ang tráng men, giấy thiếc bạc gặp lửa nhanh chóng cuộn lại, tro tàn màu vàng kim, núi nguyên bảo tan từ trong ra ngoài.

Mùi tiền giấy bốc lên.

Phùng Thiếu Mị nhìn ngọn lửa liếm rìa ang sành, chợt hỏi: “Anh em tuổi đã không nhỏ, hai mươi tư rồi, sao còn chưa lấy vợ?”

Gió bờ hồ tụ lại, tro bụi như vàng bay đầy trời, thổi vào mắt hai người, nhịn không đặng đỏ hoe hốc mắt, lệ ứa ra.

Thúy Thúy chớp mắt, nước mắt mang dị vật ra: “Hồi bé từng đính hôn, bà thông gia mong ca ca thi đỗ tú tài, gả con gái sang có thể hưởng phúc. Sau đó thấy ca ca si mê học võ thì từ hôn.”

Thiên hạ thái bình, thà làm một thư sinh chứ chẳng làm bách phu trưởng.

Phùng Thiếu Mị hỏi: “Chuyện bao lâu rồi?”

Thúy Thúy nghĩ ngợi: “Hồi đó ca ca mười sáu, mười bảy. Ầm ĩ phiền, nói lấy vợ sinh con chẳng thú vị gì hết, chỉ thích đi hoa lâu chơi thôi, bị cha mắng cho một trận.”

Cô xoa xoa hai mắt đỏ bừng, được Phùng Thiếu Mị giữ tay ngăn lại, đưa cho một chiếc khăn màu đỏ tươi, Thúy Thúy cảm ơn. Phùng Thiếu Mị giúp cô bỏ số đĩnh bạc còn lại vào đống lửa, sờ cái gàu trống mới phát hiện ra còn một tờ giấy thiếc chưa gấp.

Thúy Thúy mím môi cười, ánh mắt như hạt châu đen nhúng nước: “Phùng tỷ, em không chỉ biết gấp mỗi nguyên bảo thôi đâu.”

Ngón tay thoăn thoắt, gấp thành một con bướm bạc.

Gió lay cánh bướm, uyển chuyển muốn bay.

Thúy Thúy quay sang hỏi: “Đẹp không ạ? Cha dạy em đó.”

Được ông tổ ban cho bát cơm, Tiết Côn Ngọc bẩm sinh đã có hoa tay, sau khi gia cảnh sa sút, để nuôi gia đình, ông từng bện  châu chấu cỏ, chuồn chuồn cỏ để bán. Ông mà biết làm ăn hơn chút thì nhà họ Tiết đã chẳng suy bại đến mức này.

Phùng Thiếu Mị nảy lòng hâm mộ, chưa từng có ai dạy nàng những trò vui tinh tinh xảo này: “Đẹp lắm.”

Đang định cầm lại xem, Thúy Thúy đã ném con bướm bạc vào ang tráng men, nhanh chóng cháy trụi cùng núi nguyên bảo, bên trong tích một lớp vàng trắng mỏng tang.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.