– Thiên ơi! Làm gì mà lâu vậy con? Thu xếp hành lí xong chưa mình đi không muộn rồi! – Tiếng mẹ tôi gọi với lên từ phía dưới lầu.
– Dạ sắp xong rồi. Bố mẹ chờ con một chút!
Thở dài, tôi mở tủ, uể oải vơ mấy bộ quần áo ưng ý nhất rồi chả cần gấp cho ngăn nắp, tôi kéo khóa ba lô đánh cái xoẹt rồi vo viên nhét tất cả vào.
Bước xuống cầu thang, nhìn vẻ mặt đưa đám của tôi, bố tôi phì cười:
– Vui vẻ lên đi con trai, về quê nội có nhiều điều thú vị đang chờ con lắm.
” Thú mới chả vị! ” – Tôi thở dài trong bụng – ” Lại là mấy cái chuyện thả diều, bắn bi rồi tắm sông, mò trai, mò ốc chứ gì?” Một năm tôi nghe bố tôi nhắc đi nhắc lại cái “thú vui tao nhã” ấy không biết bao nhiêu là lần. Nghe mà nhầm hết cả tai.
Ném chiếc ba lô lên bộ ghế sofa tạo thành tiếng “rầm”, tôi ngồi phịch xuống với tất cả sự buồn bã và chán nản.
– Phi Thiên, bố mẹ biết con ngàn lần không muốn rời khỏi nơi đây nhưng làm gì còn cách nào khác đâu con? – Mẹ tôi nhìn tôi nhẹ nhàng lên tiếng – Tiền đền bù giải phóng mặt bằng chúng ta đã nhận rồi, chỉ vài ba bữa nữa là thành phố cũng sẽ đuổi chúng ta đi thôi. Vì vậy nên…
– Thì con cũng có nói gì đâu – Tôi cắt ngang lời mẹ – Sao mẹ lắm lời thế không biết?
– Ơ hay, cái thằng này! – Mẹ tôi mắng.
– Chết tiệt! – Tôi cau mày đấm tay xuống đùi. Tại sao lại như thế cơ chứ? Mọi chuyện đang yên đang lành thì đùng một cái UBND thành phố lên kế hoạch di dời dân để xây dựng bệnh viện, làm cho tôi dù ngàn lần không muốn cũng phải cắn răng rời khỏi mảnh đất này, mảnh đất tôi sinh ra và lớn lên suốt 16 năm trời, mảnh đất gắn chặt với tôi không biết bao nhiêu là kỉ niệm.
– Về quê sống rồi con sẽ vào trường mới mà, sẽ có thầy mới, bạn mới, mọi chuyện sẽ không vô vị như con nghĩ đâu – Biết tôi đang buồn, bố tôi tiếp tục động viên.
– Dạ! – Lại một cái thở dài hắt ra khỏi lồng ngực. Từ sáng tới giờ tôi đã thở dài không biết bao nhiêu là tiếng. Buồn quá! Buồn quá đi!
“Pip! Pip!” – Tiếng còi taxi phát ra từ phía cổng. Nhìn ra, mẹ tôi giục:
– Taxi đến rồi! Mình đi thôi anh!
Uể oải, tôi vớ lấy chiếc ba lô rồi đi ra mở cửa xe chui vào ngồi yên vị, mặc kệ bố mẹ tôi lỉnh kỉnh với bao nhiêu là đồ đạc và hành lí
Chiếc taxi nổ máy rồi chuyển bánh. Căn nhà hai tầng yêu dấu của tôi lùi dần, lùi dần về phía sau. Một cảm giác đau nhói trong tim, nước mắt tôi trào ra mờ ướt.
Vậy là từ ấy tôi từ giã cuộc sống phồn hoa nơi đô thị trở về quê nội ở. Từ giã ánh đèn đường xanh đỏ choáng ngợp để hòa mình trong ánh trăng thanh. Từ giã những tiếng còi xe inh ỏi để làm bạn với tiếng cóc nhái côn trùng rả rích. Từ giã những dãy nhà cao tầng, những con đường bê tông bóng lộn để trở về với những mái nhà đơn sơ, những con đường đất ngoằn ngoèo với những khúc sông, những rặng tre xanh mướt. Tôi – một lãng tử hào hoa chốn thị thành… thật không ngờ… Haizz!
Hôm qua mẹ tôi đã đến trường và nộp đơn cho tôi xin học ở đây. Được sự chấp nhận của thầy hiệu trưởng, hôm nay tôi đến lớp.
– Thầy xin giới thiệu với cả lớp, hôm nay lớp ta có một bạn mới từ trường khác chuyển về. Bạn Nguyễn Phi Thiên!
Ngay lập tức sau lời giới thiệu của thầy chủ nhiệm, cả lớp đồng thanh nổ một tràng pháo tay nhiệt liệt chào đón tôi. Mỉm cười gật đầu chào các bạn, tôi bước về phía bàn ba, ngồi cạnh một cậu học sinh có ngoại hình sang sủa.
Đưa mắt nhìn bao quanh lớp, tôi chợt nhận ra lớp học này cũng chẳng khác gì so với lớp học cũ của tôi là mấy. Cũng chiếc bảng chống lóa, cũng chiếc máy chiếu khá hiện đại, cũng ba dãy bàn ghế mới tinh còn thơm mùi dầu gỗ, cũng hai dãy quạt trần vầ gạch nát nền hạng sang… Xem ra đây là một ngôi trường điểm ở quê mà mẹ tôi từ rất lâu đã nhắm nó cho tôi rồi.
Đôi mắt tôi bất chợt mở to, cơ miệng há ra không sao khép lại được khi phát hiện ra giữa một tập thể lớp áo đồng phục trắng tinh thì có một thằng con trai nổi bật lên với chiếc áo trắng loang lổ màu cháo lòng. Cậu ta… người gầy đét như que củi khô, da mặt đen thui như cột nhà cháy và đầu tóc thì lởm chởm bù xù y như là tổ quạ. Thấy tôi nhìn, cậu ta mỉm cười và gật đầu chào tôi với vẻ đầy thân thiện. Không them đáp lại ánh mắt và nụ cười đó, tôi hích tay hỏi nhỏ thằng bên cạnh:
– Này, thằng kia sao mà ăn mặc trông khiếp thế?
Chẳng thèm nhìn theo hướng tôi ra hiệu, thằng bên cạnh vừa trả lời vừa cắm cúi chép bài như đã biết tỏng con người mà tôi đang nhắc đến:
– Cậu ta là Khoa, Nguyễn Đăng Khoa, là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất trong lớp mình đấy.
– Nguyễn Đăng Khoa? Tên hay như vậy mà người thì… – Tôi chậc lưỡi.
– Cậu đừng nói thế mà – Thằng bạn bên cạnh nhắc với vẻ không vui – Thôi chép bài đi, thầy giáo đang để ý đấy.
Đưa mắt nhìn lên bục giảng tôi kịp nhận ra ánh mắt thầy giáo đang chiếu thẳng vào tôi với cái nhíu mày nhắc nhở. Hiểu ý, tôi vớ lấy chiếc bút bi và cắm cúi chép bài.
Giờ ra chơi vốn lạ nước lạ cái nên tôi chẳng biết vui đùa cùng với ai. Ngồi buồn, tôi moi chiếc điện thoại cảm ứng trong ba lô ra và lên facebook. Tôi ham facebook lắm, coi nó như một món ăn tinh thần khoái khẩu. Cũng chẳng có gì là lạ đâu, tất cả cũng chỉ vì facebook là nơi tập trung đăng ảnh của những anh chàng đẹp trai trên khắp mọi miền đất nước nói riêng và trên khắp hành tinh xanh này nói chung, mà khi tôi tham gia vào đó thì tôi thỏa sức được ngắm, được like, được cmt và được inbox tán tỉnh biết bao nhiêu là anh cơ bắp cuồn cuộn, bo đỳ sáu múi.
Đang hí hửng like và cmt những tấm ảnh của mấy anh hotboy mới quen thì tôi bất chợt ngửi thấy mùi gì đó hôi hôi, nồng nồng lại tanh tanh như bùn đất. Ngẩng mặt nhìn lên, tôi nhíu mày ngạc nhiên khi phát hiện ra bạn Nguyễn Đăng Khoa đang đứng ngay trước mặt. Rất thân thiện và tự nhiên, cậu ta mỉm cười nhìn tôi rồi cất giọng trìu mến:
– Chào Thiên! Mình là Khoa, Nguyễn Đăng Khoa! Rất vui khi được làm quen với bạn!
Kèm theo câu nói đó cậu ta giơ bàn tay gầy còm đen nhẻm ra trước mặt tôi như có ý chờ tôi bắt tay lại. Dĩ nhiên với điệu bộ khó nhìn đó của cậu ta có cho tôi đến 100 hay 1000 lần lòng dũng cảm tôi cũng không đủ dũng khí để làm chuyện ấy. Tôi nhìn cậu ta rồi như có một điều gì đó mách bảo, tôi vội vã ấn hết sách vở với chiếc điện thoại vào ba lô, kéo khóa thật chặt như đề phòng một kẻ gian đang đứng trước mặt với bao ý đồ không tốt. Xong tôi rời khỏi bàn đi ra hành lang đứng. Khẽ quay lại phía chỗ ngồi tôi thấy cậu ta vẫn đang đứng đó, nhìn tôi và mỉm cười. Nụ cười thân thiện không có vẻ gì cho thấy là giận dữ hay buồn bã trước thái độ hờ hững của tôi.