Sự thật chứng minh Hồ Tường Thanh không cho Giang Chấp quá nhiều thời gian để suy nghĩ. Ngay bữa tối hôm đó, ông đã có động thái ép Giang Chấp phải gật đầu hợp tác chuyện nhân lực.
Gói gia vị lẩu của Thịnh Đường được mang ra sử dụng, dùng ớt cay tạo màu, dùng đậu cà rượu gạo tạo vị tươi, thêm bơ, vừa mở nồi ra mùi vị còn đậm đà, cay nồng hơn cả lẩu Tứ Xuyên.
Cô khéo tay, pha chế được nước chấm truyền thống nhất của Trùng Khánh, kết hợp với loại bia Quốc Binh mang từ Trùng Khánh xa xôi tới, món nào món nấy đều đâm trúng vào nơi sâu nhất trong trái tim giáo sư Hồ chuẩn xác như găm phi tiêu lên bia.
Giáo sư đã ngồi sẵn xuống bàn chờ đợi từ lâu, thèm muốn chết.
Lá lách, hoàng hầu*, lòng vịt là ba thứ không thể thiếu được. Ở Đôn Hoàng thiếu hương vị biển, nhưng nhiều bò dê, kết hợp với đủ các loại viên bò, viên cá tự làm và rau theo mùa. Mùi lẩu bốc lên, mùi vị cuộc sống ở thành phố Trùng Khánh đã bay đi khắp Đôn Hoàng hoang vu.
***Hoàng hầu là một loại đồ nhúng lẩu, là đại huyết quản của các loài gia súc như bò, lợn, thường lấy ở phần động mạch chủ, hay bị hiểu nhầm là thực quản hay khí quản.
Một ngày oi nóng, tới tầm hoàng hôn, bê lên một nồi lẩu mà vị cay thấu tận tâm can rồi nhấp cùng chút bia lạnh, có thể nói là đã đời sung sướng. Tuyệt hơn nữa phải kể đến băng phấn*. Thịnh Đường đã bỏ thêm vào nguyên liệu loại nho khô to được phơi ngô ngay trên sa mạc Gobi, ăn vào vừa bớt cay vừa hạ nhiệt.
***Băng phấn là đồ ăn vặt truyền thống nổi tiếng ở khu Quý Châu – Tứ Xuyên, thường được ăn vào mùa hè, hương vị ngọt mát, dùng để giải khát.
Trên bàn đã đông đủ hầu hết mọi người, chỉ thiếu mình Giang Chấp.
Kỳ Dư đã kịp trở về, trước đó anh ấy hỗ trợ việc khôi phục phủ màu cho cung điện Potala*. Trong số các nhà khôi phục lứa này, sở trường của Kỳ Dư chính là phục hồi nguyên trạng và kiểm soát màu sắc.
***Cung điện Potala là một cung điện nằm ở Lhasa, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Đây từng là nơi ở của các đời Đạt-lai Lạt-ma cho đến khi Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 lưu vong sang Dharamsala, Ấn Độ sau khi Quân Giải phóng Nhân dân xâm nhập Tây Tạng vào năm 1959.
Khác với kiểu “hủy dung” mang phong cách tự sát của Tiêu Dã tại Tân Cương, gương mặt “tiểu thụ” đó của Kỳ Dư vẫn rất trắng trẻo sáng sủa. Chỉ có điều mái tóc anh ấy đã bù xù. Anh ấy có chất tóc sa mạc, chỉ cần hơi dài ra một chút là không khác gì ổ gà.
Vì chuyện này, La Chiếm đứng bên cạnh cười suốt, nói: “Không trắng trẻo sáng sủa được sao? Ngày ngày được cung cấp trà bơ*, đa phần toàn ngồi trong phòng làm việc, cho dù ra khỏi cửa cũng có tôi che ô cho cậu ấy, đón trước đón sau khác gì hầu hạ vương gia không.”
***Trà bơ là một thức uống của người dân ở vùng Hy Mã Lạp Sơn của Nepal, Bhutan, Ấn Độ và Tây Tạng và các khu vực phương Tây khác của hiện đại – ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
La Chiếm làm công việc gia cố bảo vệ bích họa, thuộc nhánh công trình. Nơi nào có Kỳ Dư là sẽ có La Chiếm. Hai người họ như hình với bóng. Ngoài việc hợp tác trong công việc với Kỳ Dư ra, một người vóc dáng cao to vạm vỡ như La Chiếm còn có thói quen làm vệ sỹ cho Kỳ Dư.
Kỳ Dư là một người bên ngoài thanh tú bên trong thật thà chất phác, với một đôi mắt vô tội tiêu chuẩn, khi nói chuyện luôn nghiêm túc đứng đắn, nhưng… vẫn có những lúc ngoại lệ.
“La Chiếm, cậu tổng cộng che ô giúp tôi bốn lần, có ba lần là vì trời mưa, còn một lần là vì cậu sợ nóng…”
Trong lúc nói, bàn tay rắc gia vị lẩu quá đà, làm những gia vị khô rơi hết ra bàn. Ngay sau đó, anh ấy liền run lên sợ hãi: “Aaa! Làm sao đây làm sao đây? Bẩn chết đi được… Ấy? Sao tay của tôi lại run? Tôi toi rồi, tôi toi rồi! Tôi là nhà khôi phục bích họa, tay không thể bị phế được, một dây thần kinh cũng không thể bị hỏng…”
“Ồn chết đi được!” La Chiếm nhíu mày quát to, với một chiếc giẻ ướt từ bên cạnh qua lau lên bàn, bực dọc nói: “Lau sạch là xong rồi còn gì? Nói lời thừa thãi lắm thế!”
“Cậu phải giặt sạch cái giẻ đó đó! Vứt lung tung sinh ra vi khuẩn, lỡ như kéo cả gián tới, gián lại đẻ vài viên cứt gián lên người tôi, sau đó tôi mặc quần áo dính cứt gián đi vào trong hang đá…”
“Giáo sư Hồ, em có thể xin được điều đi không ạ? Theo ai cũng được.” La Chiếm chỉ thiếu nước khóc lóc giàn giụa. Anh ấy không biết bao nhiêu năm nay mình đã sống kiểu gì. Kỳ Dư không phải bị tâm thần phân liệt, mà là mỗi khi thần kinh lên lại nói nhiều tới mức muốn lấy mạng người ta.
Hồ Tường Thanh đã có lẩu rồi, còn quan tâm gì tới “mưa máu gió tanh” trên bàn ăn. Ông cắm cúi xếp cá viên, nói một câu: “Vậy tôi sẽ ghép Đường Đường cho em.”
Thịnh Đường nghe xong, lập tức buông đũa, chống hai tay lên má tạo điệu bộ hoa nở, cười tít mắt tươi rói nhìn La Chiếm.
Nhìn đôi mắt yêu khí ngút trời đó của cô, cho dù có cười như hoa như ngọc vẫn khiến sống lưng anh ấy lạnh toát từng cơn.
Kỳ Dư nằm rạp xuống bàn, nhìn chằm chằm cánh tay rắn chắc của La Chiếm, rồi nghiêm túc trở lại: “Nổi hết cả da gà rồi…”
La Chiếm là mẫu đàn ông rắn rỏi, kiên cường điển hình, tính cách dứt khoát nhanh gọn, tính khí nóng nảy, bình thường nói chuyện luôn lớn tiếng hào sảng, cực kỳ phù hợp với hình tượng mày rậm mắt to của anh ấy.
Nhưng có một người duy nhất mà anh ấy sợ hãi, Thịnh Đường.
Thế nên anh ấy lập tức thu cánh tay về, hằn học trừng mắt với Kỳ Dư, rồi khi quay lại nhìn Thịnh Đường đã cười cứ gọi là hèn mọn: “À thì, em ăn nói thô lỗ cọc cằn thiếu suy nghĩ, chẳng biết một ngày nào đó lại làm tổn thương Đường Đường mà không biết. Thế nên cứ tạm thời như vậy đi ạ. Ha ha, cũng ổn, ổn mà.”
Kỳ Dư ở đầu này nói: “Tôi thấy cậu và Thịnh Đường chẳng thể nào hợp tác được đâu, chỉ trong vài phút là cậu bị em ấy cho nát vụn luôn.”
Nói rồi, Kỳ Dư đổ hết chỗ viên bò maru trong đĩa vào nồi lẩu, làm nước canh đỏ lòm bắn vào quần La Chiếm.
La Chiếm nhảy dựng lên như sập miếu: “Kỳ Dư! Cậu ngứa da rồi phải không!”
“Để tôi lau giúp cậu…”
“Cậu sờ chỗ nào đó!”
…
Bàn ăn có Kỳ Dư và La Chiếm là sẽ náo nhiệt.
Tiêu Dã cũng ngồi cạnh Thịnh Đường, đặt cánh tay lên vai cô, khuôn mặt đắp mặt nạ đang cố nhịn cười: “Đường muội muội, cậu ta không cần em cũng không sao, Tiêu ca ca dẫn em bay.”
Kỳ Dư đang lau quần cho La Chiếm dừng tay lại, quay đầu bàng hoàng nhìn chằm chằm Tiêu Dã. Lát sau, biểu cảm trên mặt Kỳ Dư chuyển sang sùng bái vô vàn: Có thể ngồi trước một nồi lẩu sôi sùng sục mà đắp mặt nạ, quả nhiên không tầm thường!
Phần mắt của mặt nạ giấy không lớn, phần lớn tầm nhìn của Tiêu Dã bị che mất, thế nên anh ấy không thấy được biểu cảm ngấm ngầm vừa dễ thương vừa gian manh của Kỳ Dư.
Thịnh Đường quay đầu sang, chuyển sang chống tay phải lên má, giơ tay trái lột lớp mặt nạ của Tiêu Dã xuống tận mũi, rồi lại men theo đường sống mũi của anh ấy bóp chặt hai bên trái phải, chỉ để lộ độc đôi mắt.
Cô cười: “Được thôi, em nóng lòng muốn được học hỏi từ Tiêu ca ca lắm.”
Tiêu Dã cười đắc ý khỏi nói: “Dễ thôi dễ thôi. Anh thích nhất là dẫn dắt những đàn em thông minh, lanh lợi, ngoan ngoãn nghe lời. Yên tâm, sau này có Tiêu ca ca bảo vệ em, đừng ai hòng bắt nạt em. Chỉ cần một điều kiện thôi, sau này làm thêm cho anh mấy món ngon ngon nhé.”
La Chiếm ở chếch đối diện căng thẳng nuốt nước bọt. Cả bàn ăn, người duy nhất tiếp cận, tạo quan hệ thân thiết với Thịnh Đường chỉ có mình Tiêu Dã. Hai người này hai năm trước vừa hay một người đi thì một người đến, thế nên mới… Xem ra con người vẫn nên dỏng tai lắng nghe chuyện thiên hạ mới được, ở lâu trong hang đá Tân Cương bị ngốc rồi sao? Không phải cứ cô gái nào xinh xắn là đều sẽ ngoan ngoãn nghe lời đâu…
Nghĩ tới đây, La Chiếm lại cảm thấy đôi chân nhức nhối, anh ấy giơ tay xoa xoa.
Người ngồi sát bên tay trái của Tiêu Dã, Thẩm Dao nãy giờ không nói gì. Sau khi lẩu sôi, cô ấy cầm một thìa canh, chậm rãi liếc lớp mỡ lềnh phềnh trong chiếc nồi trắng. Cô ấy không ăn cay, bảo là không tốt cho dạ dày.
Thẩm Dao là một trong số các nhà khôi phục nữ hiếm hoi, giống với Thịnh Đường cũng học từ trường lớp tử tế ra. Có điều mục đích của cô ấy rõ ràng hơn, ngay từ ban đầu đã tập trung chủ yếu vào khôi phục bích họa, tinh thông các thời kỳ lịch sử của bích họa, hơn nữa còn từng khôi phục tại Italia.
Quan trọng hơn, với một mái tóc dài, nét xinh đẹp trong sáng, thoát tục, nhất là đôi mắt khi nhìn bạn sẽ rưng rưng xúc động ấy khiến không ít các “đồng bào nam” trong ngành có chút suy nghĩ với cô ấy.
Nhưng Thịnh Đường không ưa gì cô ấy.
Đã từng có một dạo, Trình Tần cố tình chê cười cô bằng chất giọng Đông Bắc ồn ào của mình: “Cái người bắn ba bảy tầm đại bác cũng chẳng liên quan gì tới cậu, cậu quan tâm làm cái gì? Cậu cảm thấy người ta là “lục trà biểu”, giả vờ yếu đuối đi quyến rũ người khác nhưng trong mắt đàn ông, người ta lại là báu vật vô giá, cản cậu hay hại cậu?”
Cũng đúng, có giả vờ hay không giả vờ thì liên quan gì tới cô? Có “lục” ai cũng đâu có “lục” tới đầu cô*.
***Ý nói khiến người khác bị cắm sừng.
Nhưng Thịnh Đường lại nghe có người nói chuyện La Chiếm từng có thiện cảm với Thẩm Dao, vừa âm thầm vừa công khai hơn một năm trời. Thẩm Dao không đồng ý cũng không nói là cho cơ hội.
Vì chuyện này, Thịnh Đường phản kích Trình Tần: “Mọi người ai có mắt cũng biết La Chiếm thích cô ta, mình cô ta mù chắc? Thích thì đến với nhau, không thích thì buông một câu nhanh gọn, cứ câu La Chiếm như vậy ra cái thá gì?”
Trình Tần uể oải đáp lại cô một câu: “Rảnh rỗi thích vác tù và hàng tổng. La Chiếm đã cất cờ dẹp trống rồi, cậu đứng đó giận dữ để làm gì?”
Hết chương 10
***Đặc điểm nhận dạng của truyện ngọt từ bà Tầm: Thiện ác phải phân biệt rõ ràng, yêu ghét nói luôn từ chương đầu =))