Sườn hầm khoai tây là một món ăn gia đình phổ biến, nếu xét tới nguồn
gốc xuất xứ của nó thì đại để từ phương Bắc. Trời lạnh mà có một nồi
thịt hầm nóng hôi hổi thì còn gì bằng. Khi mở nắp nồi ra, khoai tây hầm
chín rục trộn lẫn với từng thớ sườn, mùi thơm của thịt hòa quyện với cái nồng đượm của khoai tây làm dậy lên mùi vị đặc trưng của món ăn. Ngoài
ra, thêm các loại nguyên liệu tăng vị như hồi hương, hạt tần bì, và rắc
thêm màu xanh của rau thơm điểm xuyết trên nền vàng của thịt và khoai
tây trông thật đẹp mắt. Giống như tất cả những món ăn gia đình trên đời, đều lấy ký ức thời thơ ấu, lấy cái nồng đậm ấm áp khi ở nhà làm gốc rễ, sau đó chế biến rất đơn giản thôi, thế nhưng đó lại là thứ có ý vị sâu
sắc và trường tồn nhất.
Đây là món ăn trời sinh nhằm giúp tinh
thần người ta thoải mái, khi buông đũa lại thấy nó chẳng chút cầu kỳ.
Chỉ cần lấy đũa gắp cho vào miệng là có thể cắn miếng lớn, sau khi ăn
hết thịt còn có thể múc một muỗng canh chan vào ăn với cơm, những lúc
như vậy chả ai thèm quản dáng điệu bạn háu ăn khi đó như thế nào. Hơn
hết, đây không phải là món ăn được làm ra chỉ để thỏa mãn phần nhìn, nó
chứa đựng mục đích nguyên sơ nhất của thức ăn, đó chính là nguyện vọng
được ăn no một cách thuần túy của con người. Trước đây, ở những gia đình bình thường, vì lợi ích thực tế người ta thường cho thịt và rau vào nấu chung một nồi.
Từ Văn Diệu rất thích ăn món sườn hầm khoai tây. Bao nhiêu năm nay, tuy đã ăn không ít của ngon vật lạ, nhưng chỉ có duy nhất món này là có thể khiến anh thòm thèm chẳng bỏ được, giống như
phản xạ có điều kiện xảy ra trong đầu, cứ mỗi khi nhớ đến mấy món ăn lúc ăn cơm thì thể nào trong đó cũng có món sườn hầm khoai tây này.
Nguồn ebooks: http://www.luv-ebook.com
Trong ký ức của anh, đây là món ăn có một câu chuyện dài. Ngày xưa, cha anh
suốt ngày làm việc cực khổ, phải đến cuối tuần mới được ăn món sườn hầm
khoai tây hương dậy khắp sân. Vừa ngồi vào bàn, anh và Quý Vân Bằng nhất định phải cầm đũa đánh nhau cho tới khi bị mẹ đánh cho mỗi người một
cái vào đầu mới thôi. Thật ra khi đó hai người chẳng háu ăn tới mức phải đánh nhau, nhưng cứ vào cuối tuần được ăn thịt, trò đánh nhau đó lại
được lặp đi lặp lại nhiều lần, và sớm trở thành thông lệ bình thường của nhà họ Từ. Nếu như bữa đấy tâm trạng của cha anh tốt thì ngoài món thịt hầm này ra, có được thêm cả canh súp gà ta nấu nấm. Anh và Quý Vân Bằng được ưu tiên mỗi người một cái đùi gà. Sau bữa ăn, gia đình sẽ tráng
miệng bằng chút hoa quả như táo lê hay chuối tiêu. Khi đó ăn mãi những
loại trái cây đó cũng không thấy ngán, cho đến một ngày lần đầu tiên
thấy được dứa đóng hộp, anh thích thú trầm trồ rất lâu.
Sau này
thi đậu đại học và rời nhà đi học, tiếp đó là xuất ngoại du học, lúc
quay về lại bận rộn với việc gây dựng công danh sự nghiệp, vô hình trung càng khiến món sườn hầm khoai tây dung dị trở thành thức ngon hiếm có.
Từ Văn Diệu còn nhớ có lần bỗng dưng thấy rất thèm ăn món này, liền sai
thư ký đến nhà hàng mua mang tới cho mình. Vừa mới nhìn thì thấy món ăn
đơn giản như vậy lại được cho thêm vào các thứ như nấm hương, sò và cả
cá tôm khô. Chỉ tiếc là khi ăn vào miệng, tuy ngon nhưng lại mất đi cái
vị ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ.
Lúc đấy, anh bất giác hiểu
được, món ăn này chỉ thích hợp để nấu trong căn bếp ngổn ngang đồ đạc ở
nhà mình, được đặt trên chiếc bàn ăn cơm cũ, món ăn nấu xong trong tiếng quở trách của mẹ và tiếng quát mắng của cha. Ngoài ra, nó còn cần một
người bạn thuở nhỏ cùng mình giành ăn và người vú già hiền hòa phúc hậu
đứng ở bên thì thầm rằng, Tiểu Diệu à, món thịt này đừng ăn nhiều quá,
vú có chừa lại cho con một phần trong bếp ấy. Phải là tất cả những điều
đó tập trung lại mới có thể tạo nên một món ăn đậm đà khó quên đến thế.
Đây không phải là việc một mình anh có thể làm, hay chỉ cần có tiền cưới vợ về để người đó nấu cho ăn là xong chuyện. Một vài tình nhân trước đây
của Từ Văn Diệu nấu ăn rất giỏi, nhưng dù họ có cố công thế nào cũng
không đem đến cho anh cảm giác anh muốn.
Đó là loại cảm giác hết sức thanh thản, không phải chú ý tới ngoại cảnh, lo lắng chuyện lễ
nghĩa giáo đường, hay phải đề phòng bất kỳ ai, đơn giản chỉ cần thỏa mãn ý định ban sơ là ăn no căng cả bụng, vui vẻ và thoải mái ăn uống một
bữa theo kiểu mình thích mà chẳng cần cố kỵ gì.
Nhưng tiếc thay
lại rất khó lòng có được bầu không khí đầm ấm đó, càng là người quyền
cao chức trọng càng không dễ mà đạt được. Đôi khi đương lúc bận rộn anh
lại tranh thủ suy nghĩ tới những ưu điểm của bản thân, thì càng thấy
mình gắn với những từ khóa như thế này: một gã đàn ông có tuổi chững
chạc, đồng tính, độc thân vì không cách nào yêu được ai và cũng chẳng
thể vin vào tiền mà ép ai đó bên mình cả đời.
Nên khi anh dọn vào sống cùng Vương Tranh, lần đầu ăn món sườn hầm khoai tây cậu nấu, bất giác anh lại thấy mắt mình cay cay.
Thành thật mà nói, tay nghề nấu nướng của Vương Tranh chỉ thuộc loại thường,
khả năng nấu nướng của cậu không giỏi lắm, với lại cậu trời sinh đã
thiếu khả năng xử lý thành thục các chi tiết nhỏ rồi. Lúc nấu cơm, cậu
tự mình bằm thịt chứ không bao giờ sử dụng cối xay thịt, nhưng đến lúc
đó thịt được bằm lại không đều nhau. Cậu không bao giờ cắt được những
miếng thịt mỏng mảnh đều tăm tắp như cánh ve, không thể cắt khoai tây
thành từng sợi nhỏ như cây tăm. Lại còn hay lo lắng, luôn cầm vá đảo nồi thịt, cứ sợ nguyên liệu không chín thành ra để lửa lớn rất lâu. Còn khi hầm canh thì ngược lại, cứ sợ nấu lâu canh cạn mất nước mà không biết,
nên chưa tới lúc đã vội vàng tắt bếp.
Phải công nhận thức ăn cậu làm ra khá ngon miệng, nhưng nếu chỉ ở mức độ này thì ai ai cũng làm được.
Cơ mà Từ Văn Diệu lại vô cùng hài lòng và thỏa mãn với điều đó. Mỗi ngày
tan sở về nhà anh lại đi rửa tay, ngồi ở sofa đọc báo, chốc chốc nhìn
người đang tất bật trong bếp tìm thứ này kiếm thứ nọ lọ mọ đụng thứ kia, rồi một lúc sau đó cả nhà dậy lên mùi thức ăn, tiếp đấy cậu sẽ cất
tiếng gọi, ‘Ăn cơm thôi!’, anh liền bỏ tờ báo xuống, vui vẻ ngồi vào
bàn.
Lúc dùng bữa, anh sẽ thuận miệng nói, bữa nay món thịt kho
này hơi bị khét nè, còn canh thì ngon lắm, rồi khi cơm vơi, anh rất tự
nhiên nói, Cho anh thêm bát nữa.
Ăn uống no nê thì ngồi đơ ra đó, liền bị Vương Tranh đá cho một cước, bắt đi thu dọn chén bát.
Đó là một cuộc sống bình thường và đơn giản như bao người nhưng lại vô cùng ấm áp khiến người khác thấy thân thuộc.
Hôm nay nhà nấu món sườn hầm khoai tây.
Từ Văn Diệu vừa bước vào cửa liền ngửi thấy mùi, lòng phơi phới vui sướng, vừa cởi áo vest ngoài vừa nói: “Ai da, thơm quá đi!”.
Anh đổi giày đi vào phòng ăn, nhìn những món nguội đã được dọn sẵn trên
bàn, thấy dì Trâu dọn rất nhiều bát đũa ra, ngạc nhiên hỏi: “Có chuyện
gì vậy? Hôm nay nhà mình có khách à?”.
“Đúng vậy, Tiểu Vương bảo có hai vị khách tới nhà ăn cơm, từ lúc chiều khi tôi mua đồ ăn đến tận
bây giờ, cậu ấy vẫn luôn tay luôn chân đến giờ vẫn chưa nghỉ”.
“Hả?”. Từ Văn Diệu biết thói quen của người yêu, mỗi lúc nhà có khách lại xả
láng một bữa, không quan tâm tới chuyện phải ăn thức ăn thừa suốt mấy
ngày hôm sau, vì vậy đau khổ hỏi: “Nấu hết thảy bao nhiêu món vậy?”.
“Bốn món nguội, bốn món nóng, lại thêm cả canh nữa”. Dì Trâu cau mày bất mãn đáp. “Đâu phải Tết nhất gì mà nấu nhiều vậy? Mấy ngày sau lại phải ăn
đồ thừa”.
“Đúng đó!”. Từ Văn Diệu hết sức đồng tình, hùa theo oán trách: “Rõ ràng biết bữa nay sẽ ăn không hết mà”.
“Hôm nào đẹp trời cậu nhắc Tiểu Vương chuyện này đi”. Dì Trâu lườm anh một
cái. “Dù sao tôi cũng chỉ là người giúp việc làm công lấy tiền, không
tiện nói mấy lời như vậy”.
Từ Văn Diệu lập tức xua tay: “Dì tha
cho cháu, đừng kéo cháu vào chuyện này. Trước đây có ý kiến rồi, sau đó
cậu ấy liền giảng cho cháu nguyên tràng gì đó loạn xà ngầu lên. Rồi ngờ
vực bản thân mình nấu không ngon, cháu không thích ăn, nên nói như thế
nhằm nhắc khéo cậu ấy. Cũng đừng vì chuyện nhỏ như chuyện mời khách mà
phá hỏng sự đoàn kết an định trong gia đình. Lát nữa, chúng ta cố ăn
nhiều một chút, gắng để thức ăn còn thừa ít thôi là được”.
Dì
Trâu theo làm cho hai người đã lâu, dần dà cũng nảy sinh tình cảm, xem
cả hai như con cháu trong nhà, nên nghe anh nói vậy cũng chỉ cười trách
anh một tiếng: “Nhìn bộ dạng cậu lo lắng sợ sệt y như nàng dâu, người
ngoài không biết còn tưởng cậu là vợ của cậu ấy mất”.
“Ấy ấy, dì đừng bao giờ nói vậy, trên đời làm gì có cô vợ nào to lớn thô kệch như
cháu chứ? Nhưng có chuyện này phải nói, đàn ông thì phải sợ vợ, có thế
mới là đàn ông! Trên Tivi chẳng phải cũng đã nhắc rằng, đàn ông ấy à,
những lúc ở vào trạng thái yên tĩnh có thể suy nghĩ được rất nhiều
chuyện, vừa cứng rắn vừa dịu dàng tình cảm…”. Giữa lúc anh ba hoa thì
Vương Tranh từ trong bếp nói vọng ra:
“Anh, mau vào giúp em một tay nào!”.
“Tới liền đây!”. Anh tức tốc đáp lại, đưa áo khoác đang cầm trên tay cho dì
Trâu, dì ấy cầm lấy áo, cười khúc khích, nói: “Đấy, vào mà dịu dàng tình cảm với người ta đi!”.
Từ Văn Diệu khoái chí cười ngất, xắn tay áo xông vào bếp, vừa thấy Vương Tranh mặc áo bông đen khoác thêm tạp dề bên ngoài đang mở nắp nồi hấp liền lo lắng nói: “Ối, ông trời con của
tôi ơi, mau mau bỏ xuống, để anh làm cho, coi chừng phỏng bây giờ!”.
Vương Tranh vội buông nắp nồi xuống, đưa giẻ bắc nồi cho anh rồi nói: “Anh coi chừng, nóng lắm đấy!”.
“Cá Quế[1]! Coi bộ cũng rình rang quá ha! Ai tới vậy em?”. Từ Văn Diệu vừa bưng cá hấp từ trong nồi ra vừa hỏi.
[1] Cá Quế: một loài cá của Trung Quốc, còn có tên là Ngao Hoa Ngư, cá đắt
nhất trong mấy loài “Tam hoa ngũ la”, trước đây người dân bình thường
hiếm khi mua để ăn, được biết tới phổ biến với cái tên Chinese Perchh/
Mandarin Fish.
“À, là J, anh ấy tới thành phố G để bàn chuyện
làm ăn, hôm trước có gọi cho em, vậy nên bữa nay em mời anh ấy tới nhà
ăn cơm”. Vương Tranh xoay người, đổ nước tương vào dầu đang sôi rồi thêm hành lá vào chảo xào lên, sau đó rưới hỗn hợp đó lên món cá đã hấp
chín, tức khắc hương thơm ngào ngạt xông lên mũi.
Từ Văn Diệu sửng sốt hỏi: “Có việc gì mà em lại liên lạc với anh ta, lại còn mời tới nhà ăn cơm?”.
“Anh ấy đâu quen ai ở đây, với lại mời tới nhà ăn một bữa có sao đâu, ra
ngoài vừa đắt lại vừa không sạch sẽ. Hơn hết, mời người ta về nhà không
phải sẽ có thành ý hơn sao?”.
“Anh không có ý kiến gì”. Từ Văn
Diệu mang khay cá hấp ra đặt ở bàn ăn bên ngoài, rồi quay vào nói: “Chỉ
sợ là người ta thấy không thoải mái thôi”.
“Vì vậy em mới mời luôn cả Tiểu Tạ. Anh Vân Bằng đi công tác, một mình cậu ấy ở nhà cũng buồn”.
Từ Văn Diệu nhướn mày hỏi: “Lạ thật nha, sao người anh từng quen bây giờ đều thành bạn của em hết vậy?”.
Vương Tranh cười đáp: “Tại mọi người có duyên với nhau. Những người giống bọn em vốn rất ít, trong thế giới đầy hỗn tạp này, người mình biết rõ ràng
có thể yên tâm kết bạn lại càng ít hơn”.
Anh khẽ gật đầu, bỗng
nhiên nhớ tới điều gì lại quấn lấy eo Vương Tranh, hôn lên vành tai cậu: “Mới nãy dì Trâu có nói đùa với anh vài câu về chúng ta, xem ra suy
nghĩ của dì ấy tiến bộ hơn cha anh nữa”.
“Ngày nào dì ấy cũng
giáp mặt chúng ta, dù có không muốn cũng phải bị ảnh hưởng thôi”. Vương
Tranh nói. “Cha anh không như vậy, dạo này không phản đối bọn mình, lại
còn nói sẽ bảo mẹ anh gọi điện thoại nói chuyện với anh nữa”.
Anh thở dài, nói hết sức bất đắc dĩ: “Anh cũng làm nhiều chuyện cho ông
rồi, mấy thứ tốt đều có cả rồi, ông cụ cuối cùng cũng phải ái ngại vậy
thôi”.
Vương Tranh cười ha ha, vừa mở miệng định nói gì thì chuông cửa vang lên, cậu vội vàng nói: “Em đi mở cửa”.
“Dì Trâu đang ở bên ngoài, dì ấy sẽ ra mở cửa”. Từ Văn Diệu ôm cậu sát vào
lòng, bờ môi nóng bỏng ma sát lên hõm cổ cậu: “Cục cưng à, em mặc tạp dề như vậy, nhìn gợi cảm lắm đó. Lần sau đừng mặc gì bên dưới, chúng ta
thử làm một lần trong bếp nhé?”.
Vương Tranh đỏ mặt, thụi cùi chỏ vào bụng anh: “Biến ngay, suốt ngày chỉ biết mơ tưởng đến chuyện đó”.
Ngoài phòng khách đã vang lên tiếng Tạ Xuân Sinh: “Thầy Vương ơi, em đến rồi, Văn Diệu vẫn chưa về hả anh? Cần em giúp gì anh cứ nói nhé…”.
Cậu ta vừa nói vừa đi vào, đến cửa bếp bất ngờ thấy hai người đang ôm nhau, bèn sững người lại, cười mà rằng: “Thì ra anh Văn Diệu đã về rồi, hai
người tiếp tục đi, em sẽ ra ngoài xem tivi vậy”.
Vương Tranh
ngượng ngùng giãy ra khỏi người Từ Văn Diệu, vội vàng nói với Tạ Xuân
Sinh: “Cậu không cần làm gì đâu, đi rửa tay đi, đợi lát nữa khi nào bạn
tôi tới thì tán gẫu với anh ấy”.
“Vâng ạ”. Tạ Xuân Sinh tới đây
cũng vài lần, sớm quen thuộc từng ngóc ngách trong nhà, chút sau đã nghe thấy tiếng cậu ta từ phòng ăn vọng lại: “Anh nấu nhiều món ngon quá đi, tối nay em nhất định phải ăn nhiều vào mới được”.
Vương Tranh
làm xong món cuối cùng là rau xào liền đưa cho Từ Văn Diệu bưng ra bàn,
sau đó vừa cởi tạp dề vừa đi qua, lúc quay người lại đã thấy Tạ Xuân
Sinh ngoan ngoãn ngồi vào chỗ của mình, nhìn chằm chằm vào những món ăn
không rời mắt, đoạn cậu bật cười mà nói: “Anh Vân Bằng đi vắng chắc cậu
lại ăn đại cái gì đó ngoài đường chứ gì?”.
“Em cũng hết cách, ai bảo em chẳng biết nấu ăn làm chi”. Tạ Xuân Sinh có chút bất mãn, chu
miệng nói: “Suốt tuần toàn ăn ngoài thôi!”.
“Đáng đời!”. Từ Văn
Diệu cũng ngồi vào ghế, thuận miệng xen vào mắng mỏ: “Lớn chừng này rồi
chỉ biết có mỗi chuyện nấu mì, Vân Bằng vừa đi khỏi cậu lại hiện hình
lười biếng trở lại”.
“Tại anh ấy để lại cho em rất nhiều số của
mấy tiệm cơm hộp chứ bộ. Sau khi ăn thử hết những món ở mấy tiệm đó thì
mỗi khi ngửi thấy mùi thức ăn bên ngoài thôi lại muốn nôn”.
“Sao cậu ta không làm cho cậu ổ bánh mì lớn thiệt là lớn sau đó tròng lên cổ cậu nhỉ?”. Từ Văn Diệu trêu. “Như vậy hễ khi nào đói cậu cứ cúi đầu
xuống cạp một miếng là được, hay là bây giờ nhờ Tiểu Tranh làm cho cậu
một ổ giống vậy để cậu khỏi phải chết đói”.
Vương Tranh và dì
Trâu nghe xong thì cười ngất, Tạ Xuân Sinh xấu hổ cúi gằm mặt. Bọn họ
cũng rành chuyện giữa hai người này, biết Quý Vân Bằng coi Tạ Xuân Sinh
là trời, suốt ngày nghĩ ngợi cân nhắc xem làm món gì ngon bồi bổ cho cậu ta, rồi còn không chịu được cảnh Tiểu Tạ vào bếp nấu nướng nữa. Một
chốc sau, Vương Tranh chen vào cứu giúp: “Tiểu Tạ đã đói chưa, tôi múc
bát canh cho cậu ăn trước nhé?”.
“Thôi, không cần đâu ạ”. Tạ Xuân Sinh vẫn còn ngại ngùng, lắc đầu nói: “Đợi khi nào khách tới đủ thì em ăn luôn”.
“Sao J lại chưa đến nhỉ? Cá hấp rồi không thể để lâu, vì nguội thì tanh
lắm”. Từ Văn Diệu quay sang hỏi người yêu: “Em có hẹn anh ta mấy giờ
không?”.
“Có chứ”. Vương Tranh nhìn đồng hồ, nhíu mày nói: “Cũng tới lúc rồi mà”.
“Không sao, chúng ta cứ chờ lát nữa xem sao, em cũng không đói lắm”, Tạ Xuân Sinh góp lời.
“Phải, cậu không đói mà chỉ thòm thèm tới chảy cả nước dãi ra kìa”. Từ Văn Diệu lại trêu cậu ta.
Dì Trâu cũng hùa theo: “Thằng bé này nhìn gầy quá, chắc là đói lắm đây, dì múc gì cho con ăn đỡ nhé…”.
Vương Tranh và Từ Văn Diệu cười ầm lên, Tiểu Tạ thì đỏ mặt không thôi, liên
tục lắc đầu mà rằng: “Không cần, không cần ạ! Con không có đói, thật sự
không có đói…”.
Lúc mọi người đang nói cười vui vẻ chuông cửa lại vang lên lần nữa. Tạ Xuân Sinh nhanh nhảu đứng bật dậy, nói: “Em đi mở cửa!”.
Cậu ta lướt nhanh như chớp qua bình phong, chạy vội tới cửa lớn. Vương
Tranh vừa nhịn cười vừa nói: “Lần sau Tiểu Tạ không dám ghé nhà mình ăn
cơm, em sẽ tính sổ với anh đấy”.
“Không có chuyện đó đâu!”. Từ
Văn Diệu nắm lấy tay cậu, cười nói: “Tính tình Vân Bằng thế nào sao
chúng ta không rành được? Ghê hơn cả anh nữa, hai tên đó thích ăn ngon,
nhất định thế nào cũng mò tới nhà mình thôi”.
Lúc này, phía
ngoài phòng khách bỗng có tiếng cãi nhau, có tiếng cửa đóng sập lại,
tiếng Tiểu Tạ thét lên vì đau: “Ui, này, anh là ai hả, sao tự dưng đẩy
người ta?”.
Giọng nói mất kiên nhẫn của J cũng vang lên: “Hách Hoành Tôn, cậu làm gì vậy, mau bỏ tay ra!”.
Từ Văn Diệu và Vương Tranh nhìn nhau, sắc mặt biến đổi, vội vàng chạy ra
ngoài, vừa nhìn thấy giám đốc Hách nắm cổ tay J, ra sức lôi lôi kéo kéo. J do bị túm nên lảo đảo ngả về phía anh ta. Hách Hoành Tôn vội vươn tay đỡ lấy eo anh rồi kiên quyết không chịu buông ra. Người đáng thương
nhất chính là Tiểu Tạ, vô tình trở thành vật hy sinh trong màn giằng co
của hai người, bị đẩy đập lưng vào cửa, hiện giờ đang xoa xoa thắt lưng
đứng dậy. Đoạn lại sợ hãi mách với Vương Tranh: “Thầy Vương, anh xem
người này kìa, chúng ta gọi bảo vệ hoặc là báo cảnh sát đi anh?”.
Từ Văn Diệu lạnh lùng nhếch mép cười, hất cằm nói: “Ý kiến hay đó, mau báo cho cảnh sát đi!”.
Mặt mày J lúc xanh lúc đỏ, giãy mãi không thoát được tay của người kia, xấu hổ tới mức chỉ muốn tìm cái lỗ nào mà chui xuống cho xong, cuối cùng
bất đắc dĩ van vỉ: “Hoành Tôn, trước tiên cậu bỏ tôi ra có được không?
Mọi người đang nhìn kìa”.
Giám đốc Hách vô cùng hài lòng khi
thấy vẻ chịu thua của J, thỏa mãn buông tay ra, gật đầu chào Từ Văn Diệu và Vương Tranh, rồi lãnh đạm nói: “Thật là ngại quá, lại gặp mọi người
trong hoàn cảnh như thế này. Như các người thấy, tôi có chuyện muốn nói
với J nhưng anh ấy lại không chịu ngồi xuống nói chuyện, tôi hết cách
đành phải đuổi tới đây. Thất lễ rồi!”.
J ngượng ngùng lên tiếng: “Những gì muốn nói tôi đã nói hết rồi…”.
“Đó chỉ là phía anh thôi!”. Giám đốc Hách quát lên, nói đầy hùng hồn: “Nếu
anh đã bảo đó là vấn đề giữa chúng ta, không phải chỉ mình anh mới có
quyền có ý kiến. Trước đây tôi luôn phớt lờ ý muốn của anh, tôi xin lỗi, nhưng nếu bây giờ anh không cho tôi được quyền nói lên suy nghĩ của
mình thì anh có khác gì tôi ngày trước? Thầy Vương, cậu nói một câu công bằng đi, tôi nói vậy là đúng hay sai?”.
Hách Hoành Tôn vốn giỏi nói lý, đầu óc lại bình tĩnh, hơn nữa đã thông suốt được rất nhiều
chuyện trong khoảng thời gian này, hiểu được mục tiêu mình muốn và không muốn cái gì. Trong khi đó J lại thua kém đối phương rất xa, tính tình
lúc nào cũng yếu đuối, bị người ta bắt nạt cũng không biết cách đáp trả. Bây giờ tình hình chuyển biến thành như vậy, anh không khỏi bị logic
của đối phương cuốn theo, nghĩ rằng bản thân đã không cho người khác cơ
hội được bày tỏ là không đúng. J khó xử đưa mắt nhìn Vương Tranh, trong
mắt có vẻ phức tạp, thậm chí ẩn chứa ý mong chờ đến cả chính anh cũng
không nhận ra.
Song anh ta qua mặt J thì dễ, còn muốn làm trò
với Từ Văn Diệu và Vương Tranh lại khó. Từ Văn Diệu vốn dĩ chẳng ưa gì
anh ta, bèn cười nhạt nói: “Việc này không liên quan tới Tiểu Tranh nhà
tôi, nên xin miễn cho màn phân xử. Chỉ là tôi có một nghi vấn nhỏ, hình
như chuyện đã không còn đơn giản là hai người chia tay hay sum họp nhỉ?
Lần đó khi J muốn tách ra anh đã đồng ý rồi đấy thôi. Đàn ông cầm lên
được phải buông xuống đặng. Dứt khoát một lần để đừng dây dưa về sau
không phải sẽ tốt hơn cho cả hai? Bây giờ anh lại quay lại làm phiền,
lại còn cái gì mà không cho anh cơ hội nói chuyện, anh bạn à, nếu cho
anh cơ hội, anh định làm trò gì? Bộ anh tưởng chỉ cần dẻo mồm là sẽ được tha thứ ư?”.
Từ Văn Diệu không chút lưu tình chọc thủng lớp mặt nạ của Hách Hoành Tôn. Vương Tranh nghe cũng cảm thấy hơi quá đáng,
đang muốn nói điều gì đó, thì đột nhiên nghe đối phương lạnh lùng nói:
“Người đang ở trạng thái mất tỉnh táo thường dễ lựa chọn những gì trái
ngược với ý muốn của bản thân, lần đó quyết định của tôi quá vội vàng
hấp tấp, sau này bình tĩnh cẩn thận suy nghĩ lại mới nhận ra mình không
hề muốn chia tay với J. Đây không phải là lật lọng mà là ý nguyện chân
thật nhất của tôi, với tôi mà nói điều đó chẳng có gì sai cả, chỉ có kẻ
tự cho mình đang làm việc nghĩa mới là vô duyên. J, hôm nay tôi không
ngại phải mất mặt trước mọi người, một lần nữa lặp lại với anh rằng, tôi thật lòng yêu anh và không muốn chúng ta chia tay. Tôi không đồng ý lời chia tay đơn phương của anh, nên đề nghị ngày trước là vô hiệu”.
Điệu bộ nói về chuyện tình cảm mà chẳng khác gì đang đàm phán trên bàn làm
ăn của Hách Hoành Tôn khiến ai nấy đều kinh ngạc không thôi. J khẽ run
lên, mặt mày lộ ra vẻ khó xử, mấp máy môi tính nói điều gì xong lại đưa
mắt nhìn về phía Vương Tranh. Cậu thở dài một tiếng, nói: “Được rồi,
đừng đứng nói mấy chuyện này ngoài cửa, vào nhà đi. Ai chưa ăn cơm thì
ăn cơm, thức ăn cũng nấu rất nhiều, mọi người phải ăn cho hết đó, khi
nào ăn xong rồi lại tính tiếp”.
Cậu quay lưng đi vào nhà, Từ Văn Diệu mặc nhiên cũng đi theo. Tạ Xuân Sinh cũng ngoan ngoãn nối đuôi.
Hách Hoành Tôn áy náy cất lời: “Xin lỗi, vừa nãy không phải tôi cố ý!”.
Tiểu Tạ giật mình, phản xạ mau lẹ đáp: “Không sao, không sao…”.
Hách Hoành Tôn tạ lỗi với Tạ Xuân Sinh xong lại chìa tay về phía J mà rằng: “Chúng ta vào thôi”.
J bất đắc dĩ nhìn anh ta, thở hắt một hơi rồi không quản anh ta, tự bước
vào trong nhà. Hách Hoành Tôn cười cười, còn cẩn thận đóng cửa lại rồi
mon men theo sát sau lưng anh.
Kết cục sau đó chính là mọi người đều ngồi vào bàn ăn. Vương Tranh liếc nhìn kẻ đang vùi đầu vào bát cơm
là Tiểu Tạ, sau đó tới tên mặt dày họ Hách gắp thức ăn cho J, cuối cùng
là kẻ đang chờ trò vui là Từ Văn Diệu, lại thấy đau đầu kinh khủng. Đến
cả dì Trâu ngồi bên cạnh cậu cũng cảm thấy bầu không khí lúc này có vẻ
quái dị, bèn len lén kéo tay áo Vương Tranh, hỏi: “Họ đều là bạn của cậu hả?”.
“Dạ, có thể xem là vậy”. Vương Tranh dở khóc dở cười nói, lúc nhìn lại trong bát thì thấy có một miếng thịt sườn, ngẩng đầu lên
bắt gặp Từ Văn Diệu đang cười với cậu: “Ăn đi”.
Vương Tranh cười hạnh phúc, cúi đầu ăn cơm, đoạn lại buông đũa hỏi J: “Anh dạo này thế nào? Đều ổn cả chứ?”.
J gật đầu cười, trong mắt đã có thần thái hơn: “Cũng tàm tạm, tôi hợp tác với một người bạn đồng hương mở một tiệm sách nhỏ kế bên trường trung
học, chuyên bán sách tham khảo và sách đề thi, buôn bán cũng rất khá”.
“Thế thì tốt quá, mà có mệt lắm không?”. Vương Tranh quan sát J một lượt,
tuy trang phục không mới nhưng tươm tất sạch sẽ, người không còn trẻ nữa song lại nhu hòa và nho nhã.
“Mệt nhất là lúc khai giảng”, J
cười. “Lần này tôi tới đây ngoài có việc ra thì còn đi lấy hàng, hy vọng có thể tìm được sách tham khảo gì đó ở đây”.
“Để tôi đi với anh”. Giám đốc Hách lên tiếng. “Tôi có quen mấy người bạn làm về nghề này”.
“Không, không cần đâu”. J gục đầu, nghĩ ngợi một lúc lại nói: “Tôi… tôi đã liên hệ được…”.
“Chỗ anh liên hệ chắc chắn là vừa đắt lại vừa không tốt, cứ để tôi giúp anh liên hệ cho chắc chắn một lần nữa…”.
“Tôi nói là không cần mà”. J gắt lên khiến ai cũng phải ngước lên nhìn, đoạn lại đỏ mặt, vòng vo đáp: “Tôi, tôi không muốn làm phiền cậu”.
Hách Hoành Tôn nhìn J một hồi lâu, như thể muốn nhìn xuyên thấu qua gương
mặt ngượng ngùng kia, lúc sau bỗng dưng lại mỉm cười gắp cá vào trong
bát J: “Ăn đi, anh thích cá nhất mà”.
J thấy như vừa rồi mình đã thị uy sai chỗ, khó xử nhìn đối phương cả buổi, sau cùng lại cúi đầu ăn món cá vừa được gắp cho. Hách Hoành Tôn khóe miệng có hơi nhếch lên gắp thêm đồ ăn cho J, anh sửng sốt nhưng rồi vẫn ăn.
Vương Tranh thở dài, gắp món rau xào cho Tiểu Tạ: “Đừng chỉ có ăn thịt, phải kèm cả rau nữa chứ”.
Tiểu Tạ ngước đầu len lén nhìn về phía hai người bên kia, vừa nhai món rau
xào vừa nói: “Chuyện của họ để họ tự giải quyết đi anh, anh không giúp
được gì đâu, kẻo lại rước họa vào thân đó”.
Vương Tranh buồn cười đáp: “Tới cậu cũng hiểu nữa à!”.
“Em xem như cũng làm cho nhà nước được vài năm, trong đó ai cũng chỉ biết
lo cho lợi ích của mình, chuyện này cũng chẳng khác gì hết”.
Vương Tranh gật gù. Cậu tính nói gì đó thì bên kia J không thể nhịn được,
nói: “Hoành Tôn, cậu ăn đi, không cần gắp cho tôi nữa!”.
Mọi
người ngước đầu nhìn sang chỉ thấy thức ăn trong bát của J đã chất đầy, J đang bưng chén, mặt mày khổ sở, giám đốc Hách lại mặt dày vui vẻ nói:
“Vậy anh cứ từ từ ăn, không sao cả, từ từ thôi!”.
“Nhưng tôi căn bản không thể ăn như vậy được!”. J bỏ bát xuống, nhìn cả nhà lại thở
dài nói: “Tôi bị loét dạ dày, không thể ăn những thứ như cần tây hay ớt. Cậu ở bên tôi lâu như vậy nhưng lại không phát hiện việc này, thật lòng khiến tôi rất thất vọng”.
Hách Hoành Tôn ngây ra, vội vàng buông đũa xuống, áy náy nói: “Nhưng, nhưng mà anh thích ăn cá, tôi vẫn còn nhớ kỹ lắm…”.
“Không phải tôi thích mà là cậu, nhưng thường ngày cậu chỉ ăn có vài ba miếng
lại bỏ, tôi vì sợ phí nên mới cố ăn cho hết. Tới đêm đau dạ dày, đau vô
cùng phải lén đi uống thuốc… Chắc cậu chưa bao giờ để ý đến những điều
đó”.
J thở dài, nhìn mọi người, cúi đầu nói: “Xin lỗi, vì việc
riêng của tôi khiến các bạn không vui. Tôi thật lòng xin lỗi! Thầy
Vương, cậu nấu ăn rất ngon, ăn không được là tại tôi, quả thật các món
đều rất ngon”.
“Không sao”. Vương Tranh cũng buông đũa: “Anh
đừng ngại, Tiểu Tạ là bạn của bọn tôi, vừa hiền lành vừa dễ tính. Còn dì Trâu xem như là trưởng bối, luôn tận tâm chiếu cố tôi và Văn Diệu. Việc của chúng tôi bình thường cũng không có gì phải giấu giếm dì ấy. Anh
không cần lo lắng, nếu muốn nói gì cứ nhân đây mà nói hết ra đi”.
J cười khổ, nhìn chén cơm trước mặt mà trầm ngâm một lúc. Hách Hoành Tôn
vươn tay ra định chạm vào J, anh liền nghiêng người tránh đi.
“Được rồi, hôm nay tôi sẽ kể cho mọi người nghe chuyện của tôi”. Sau một lúc
trầm tư thì J ngẩng đầu lên, nói: “Tôi… tôi vốn không phải người biết
nói chuyện, tuy có phần khó nghe nhưng tôi đảm bảo đó đều là những lời
thật lòng”.
“Tôi không giống các bạn, mỗi người các bạn có thể
đều trải qua những gì tươi đẹp và phong phú hơn tôi trong cuộc sống, nên hẳn đều đã từng trải qua đau khổ. Tôi biết vì ai cũng gặp khó khăn
trong cuộc sống nên tôi sẽ không đổ lỗi cho việc mọi người có xuất thân
tốt, hay thông minh lại có học thức. Tôi cũng không nói mọi người không
tự mình nỗ lực vươn lên, chỉ dựa vào số phận hay may mắn, tôi không nói
như vậy. Tôi biết ngược lại, có rất nhiều người dù gia cảnh khó khăn
nhưng vẫn luôn nỗ lực vươn lên, vì họ có ước mơ và hoài bão. Sống thì
nhất định phải hy vọng”.
J ngây ngô cười lên, không cười nổi nữa đành thôi, rồi nói: “Tôi thì khác các bạn, tôi không thông minh bằng
các bạn và lại lớn tuổi, tính tình hèn nhát, lăn lộn nhiều năm như vậy
mà chẳng làm nên trò trống gì, chẳng có hoài bão gì lớn lao, cũng không
bao giờ mơ tưởng chuyện gì xa vời. Tôi chỉ biết ăn bữa nay, lo bữa mai.
Những việc xa hơn thì tôi chịu”.
“Nhưng có một việc nhất định là tôi có kinh nghiệm nhiều hơn mọi người, như trốn nợ chẳng hạn. Hồi còn
bé, cha tôi thiếu tiền người ta, sau đó thì tới lượt em trai tôi thiếu
tiền, cuối cùng đến phiên tôi nợ tiền bạn trai. Nói tới nói lui, tất cả
những món nợ đó đều đổ hết lên đầu tôi, chính vì vậy việc khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhất chính là phải làm sao để trốn được bọn đòi nợ, rồi
làm thế nào để khiến họ tin rằng tôi sẽ trả tiền trong nay mai thôi, hay như lúc bị đánh phải chống đỡ như nào để mình ít bị thương nhất. Dần
dà, món nợ tăng tới mức tôi chẳng sức nào cáng đáng nổi, tôi hoàn toàn
tê liệt, đành phải trốn chui trốn nhủi, bao nhiêu tiền vất vả kiếm được
đều bỏ vào cái hố nợ không đáy, nhưng may là không bị dồn tới đường cùng phải đi bán thân hay bán nội tạng, đều là do tôi may mắn”.
“Tôi thiếu nợ, Hoành Tôn thay tôi trả, vì vậy mà tôi rất cảm kích. Thật sự,
tôi đã tự hứa với lòng, sẽ không cự tuyệt bất cứ yêu cầu gì của cậu ấy.
Tôi cố gắng không để tâm tới chuyện mỗi ngày cậu ấy hết mắng lại chửi
tôi như đang răn dạy một con chó. Cái gì tôi cũng chiều theo cậu ấy. Tôi nghĩ mình lớn tuổi hơn cậu ấy nhưng lại chỉ là một kẻ vô dụng, và bất
lực nên trước mặt cậu ấy tôi không thể ngẩng đầu lên được, vì vậy dù bị
cậu ấy coi thường, sỉ nhục cũng là chuyện bình thường. Thậm chí có bị
xem là đối tượng để cậu ấy đùa bỡn cũng chẳng sao. Tất cả là do tôi tự
chuốc lấy, ai bảo tôi nợ cậu ấy làm gì?”.
©STENT: http://www.luv-ebook.com
“Tôi không hề đùa bỡn anh!”. Hách Hoành Tôn nghiến răng nói.
“Anh đừng có ngắt lời, để cho J nói”. Từ Văn Diệu trừng mắt lườm đối phương.
J thở dài, ánh mắt dịu dàng nhìn Hách Hoành Tôn, giọng nói trở nên ấm áp: “Hoành Tôn, tôi đã suy nghĩ rất lâu, thật ra vấn đề không phải vì cậu
không tốt, là tại tôi, tôi mệt rồi! Tôi đã sống cả đời dưới ánh nhìn và
áp lực của người khác, lúc nào cũng cố để làm hài lòng tất cả. Tôi vĩnh
viễn cũng không có tư cách để bảo rằng mình không thích cái này hay cái
kia. Nhưng chính vì điều đó mới càng khiến người khác coi khinh tôi. Đau đớn hơn nữa là người mà tôi coi trọng lại chẳng xem tôi ra gì. Một kẻ
sắp tới ngưỡng bốn mươi như tôi thật sự là đã quá mệt mỏi rồi”.
Anh cười khẽ một tiếng, nhìn Vương Tranh và Từ Văn Diệu: “Thật ra tôi rất
ngưỡng mộ hai người. Tiểu Vương, cậu nhất định là người rất phân minh
rạch ròi. Thích hay ghét cái gì cũng sẽ thẳng thắn nói cho Văn Diệu
biết, đúng không? Còn Văn Diệu, cậu cũng luôn luôn để tâm chuyện yêu
ghét của Tiểu Vương, lúc nào cũng cố gắng khiến cho cậu ấy vui vẻ, phải
không?”.
“Tôi không biết hạnh phúc thật sự là gì, nhưng khi nhìn hai người, bất giác tôi lại thấy hạnh phúc. Tôi đã suy nghĩ, phải chăng vì tôi có vấn đề nên mới khiến mình gặp toàn những chuyện không vui. Ai cũng bảo, tứ thập bất hoặc, nhưng sao tôi đã tới tuổi này rồi lại vẫn
cứ sống mơ màng không rõ trắng đen, những việc tôi nghi ngờ vẫn còn quá
nhiều. Mỗi khi nghĩ tới chuyện mấy mươi năm nay mình sống đều là uổng
phí lại thấy xấu hổ không thôi”.
“Vì vậy Hoành Tôn à, không phải cậu đối xử với tôi tồi tệ, thật ra cũng không tính là tốt, nhưng tôi đã chừng này tuổi đầu rồi, cũng hiểu mọi chuyện chẳng phải lỗi ở cậu.
Nguyên nhân chính là do tôi, tôi không cảm nhận được sẽ có ai đó có thể
đối tốt với tôi. Với một kẻ vô dụng như tôi, tôi không thể nào nghĩ một
ngày nào đó có một người đối với tôi như Văn Diệu với thầy Vương. Nói rõ ra một chút, đến cả tôi còn phải xem thường chính mình thì còn ai có
thể coi trọng tôi đây? Huống chi tới cái chuyện bên nhau mãi mãi không
chán không rời?”.
J bật cười chua chát, nụ cười nhẹ như khói
mỏng chực tan. Một lúc sau anh đứng dậy, đưa túi vải mang theo bên người cho Vương Tranh: “Đây là chút đặc sản ở chỗ tôi, cậu ăn thử xem thế
nào”.
Vương Tranh nhận lấy. J lại cười nói: “Lần này lại gây phiền phức cho mọi người nữa rồi, nếu có dịp thì khi khác gặp lại”.
Anh nhìn cả bàn, gật đầu, nhẹ nhàng nói: “Ngại quá, tôi đi trước đây, bây
giờ ra trạm xe lửa thì chắc là vẫn bắt được chuyến cuối”.
Hách
Hoành Tôn cũng ngỡ ngàng đứng bật dậy khiến cái ghế phát ra âm thanh
thật lớn. Ánh mắt anh ta nhìn theo bóng lưng đã xoay đi của J, đột nhiên gào lên: “Đợi một lát!”.
J khựng người, quay đầu lại nhìn anh ta, thở dài: “Hoành Tôn, đừng như vậy nữa! Nói nhiều cũng không có ý nghĩa gì!”.
“Không, xin anh chờ một chút!”. Hách Hoành Tôn tiến lên mấy bước, nắm chặt lấy
cánh tay J, chăm chăm nhìn vào đôi mắt ấy, khẩn thiết nói: “Anh đợi một
lát có được không?”.
J kinh ngạc mắt mở to nhìn, rồi nhẹ lắc đầu: “Thôi bỏ đi…”.
“Không, không bỏ đi được, anh nói nhiều như vậy rồi cũng nên để tôi được nói
hai ba lời chứ”. Hách Hoành Tôn trở tay vội vàng nắm chặt lấy bả vai J
như thể sợ anh sẽ biến mất vậy: “Cho tới tận bây giờ tôi chưa khi nào
xem thường anh cả! Tôi thừa nhận là mình đã không đối đãi tử tế với anh, nhưng tôi chưa bao giờ coi khinh anh!”.
J mệt mỏi nói: “Được rồi!”.
“Xin anh hãy nghe tôi nói, tôi là thằng khốn, tôi xin lỗi anh! Quãng thời
gian anh bỏ đi tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tự hỏi lòng tại sao mỗi khi
muốn dịu dàng với anh lại chỉ mở miệng nói toàn những lời khó nghe. Thật lòng tôi không muốn vậy! Tôi vốn dĩ không có kinh nghiệm cho những
chuyện thế này! Tôi nhớ có lần anh đã nói, vì anh lớn tuổi hơn nên sẽ
luôn nhường nhịn và tha lỗi cho tôi!”.
Những lời đó như thể anh
ta đang chơi trò đổ thừa vậy, ánh mắt J nhìn anh ta vừa dịu dàng vừa
hiền hậu, rồi lại bất lực nhìn đối phương với vẻ vị tha quá đỗi nuông
chiều, miệng có hơi run run mà rằng: “Được, tôi nhận lời xin lỗi của
cậu. Như tôi đã nói, tôi chẳng trách cứ gì cậu, vấn đề là tại tôi…”.
“Tôi không biết là thái độ xấu xa của mình lại khiến anh suy nghĩ quá nhiều
như vậy!”. Hách Hoành Tôn mặt mày đỏ au, thê thiết giãi bày: “Anh đâu
cần phải ngưỡng mộ hai người Vương Tranh. Tôi có thể chăm sóc cho anh
còn tốt hơn Từ Văn Diệu đối với Vương Tranh gấp trăm lần. Thật đó!”.
“Bỏ đi, cậu chẳng qua chỉ là một đứa trẻ đang quay cuồng trong trò chơi của chính mình”. J cắt lời anh ta, lắc đầu nói: “Hoành Tôn, tôi lớn hơn cậu cũng phải chín tuổi, cậu không nên quên điều đó. Tôi đã qua cái thời có thể say đắm vì ai đó rồi, nên không thích hợp dành cho cậu đâu!”.
J vỗ vỗ vai Hách Hoành Tôn, xoay người định bước đi. Nhưng Hách Hoành Tôn lại giằng lấy cánh tay J, cắn răng gầm lên: “Anh viện cớ nhiều như vậy
chẳng qua là vì không thích tôi phải không? Trong lòng anh đã có người
khác chứ gì? Là tên họ Từ kia sao?”.
J nhíu mày nhìn đối phương
thật lâu, sau đó dùng sức giằng tay mình khỏi tay anh ta, chỉnh lại cổ
áo cho ngay ngắn, không nói thêm lời nào, mở cửa đi thẳng ra ngoài.
Hách Hoành Tôn mắt đỏ lên, vẻ mặt của người vừa thất bại vừa tức giận. Vương Tranh không thể nhịn được nữa, ngẫm nghĩ một lúc lại nói: “Anh Hách,
bây giờ anh muốn ra về hay tiếp tục ở lại uống trà nói chuyện phiếm với
bọn tôi?”.
Hách Hoành Tôn trợn mắt lườm cậu, hừ một tiếng, quay đầu đi, gân xanh hai bên thái dương nảy lên liên hồi.
“Nhìn mặt mày anh thông minh sáng sủa vậy sao lại ngốc như thế chứ?”. Tạ Xuân Sinh từ sau lưng Vương Tranh ló đầu ra, thất vọng mắng nhiếc anh ta:
“Nếu anh J không thích anh cần gì quan tâm anh đối xử với mình thế nào?
Lại còn suy nghĩ xem như vậy có công bằng không, hơn nữa lại đi ước ao
mình được hạnh phúc như người khác. Không phải anh J khen ngợi gì thầy
Vương và anh Văn Diệu đâu, mà anh ấy muốn anh cũng đối xử với anh ấy
giống như vậy đó!”.
Tiểu Tạ còn chưa nói hết. Hách Hoành Tôn mắt đã sáng rực lên, guồng chân lao ngay ra ngoài.
Vương Tranh bước tới đóng cửa lại, mỉm cười nhìn Tiểu Tạ: “Chẳng phải mới nãy cậu dặn tôi cứ lo cho mình là được?”.
Tạ Xuân Sinh ngượng ngùng cười, sờ đầu mình, nói: “Em nghe chuyện của họ cả buổi, nhất thời tức quá nhịn không nổi!”.
Vương Tranh phì cười vỗ vai Tiểu Tạ.
Từ Văn Diệu ở trong nhà la lớn: “Ồn ào xong chưa hả? Mau vào nhà cho anh.
Tiểu Tạ, Vân Bằng nhà cậu vừa gọi điện thoại cho tôi bảo chín giờ tối
nay sẽ gọi điện về kiểm tra, nếu cậu không ở nhà, lúc về cậu ta sẽ xử lý cậu đó!”.
Tạ Xuân Sinh nhìn đồng hồ, hoảng hồn nói: “Chết cha, em phải mau mau về nhà thôi, chẳng may lại kẹt xe nữa…”.
Cậu ta quay người cầm áo khoác và túi xách đi ra phía cửa, vừa mặc áo vừa
quay lại nói với Vương Tranh: “Anh Tranh này, canh hôm nay anh nấu mặn
quá, lần sau bỏ ít muối thôi nhé, à, khi nào nhà có gì ngon nhớ gọi em
đến nhé!”.
“Được rồi được rồi, mau về nhanh đi!”. Vương Tranh mở cửa giúp cậu ta: “Đi đường cẩn thận!”.
“Dạ, tạm biệt anh!”.
Cậu ta ba chân bốn cẳng chạy xuống lầu. Vương Tranh nhìn theo bóng dáng nho nhỏ đó mà bật cười, quay người lại đóng cửa, khi thấy Từ Văn Diệu đang
sắp đồ chuẩn bị pha trà trong phòng khách thì lắc đầu thở dài: “Anh lại
gạt Tiểu Tạ nữa rồi!”.
“Đáng đời! Nhà mình có gì ngon thì tên ranh đó cũng có phần hết. Thôi, vào đây, bọn mình cùng uống trà nào”.
Vương Tranh đi đến ngồi cạnh Từ Văn Diệu, anh ôm lấy cậu, vừa hít hà mùi
hương trên người cậu vừa nói: “Ai cũng ào ào cả lên khiến anh đau đầu
quá, em mau an ủi anh đi!”.
“Dì Trâu đang ở đây! Đừng có làm bậy!”. Vương Tranh đẩy anh ra.
“Không sao, dì ấy đang rửa chén, một lát nữa mới xong”. Từ Văn Diệu ôm chặt
cậu vào lòng, say đắm hôn lên đôi môi cậu, hôn một lúc lâu liền thì
thầm: “Cục cưng à, lời đề nghị làm trong nhà bếp của anh lúc nãy, em suy nghĩ chút đi”.
“Đề nghị gì?”.
“Thì mặc tạp dề đó…”. Mắt Từ Văn Diệu sáng rực, hạ lưu nói: “Nếu em đồng ý, anh liền nói dì Trâu về, chúng ta vào làm thử…”.
“Cũng được”. Vương Tranh gật đầu: “Cơ mà anh phải hứa là sẽ mặc giống vậy để em ôm thì em mới đồng ý”.
Từ Văn Diệu suy nghĩ tới tình cảnh mình không mặc gì chui vào trong cái
tạp dề liền rùng mình nổi da gà, đành phải cười xấu hổ nói: “Quên chuyện đó đi. Vậy cùng nhau tắm thì thế nào? Chuyện này khả thi hơn đó!”.
Vương Tranh mắt chứa đầy tình ý, cười đáp: “Cũng được, vậy anh bảo dì Trâu về sớm đi, còn anh đi rửa hết đống bát đó. Nếu vẫn còn sức, em sẽ tắm uyên ương với anh!”.