Mây đen mỗi lúc một thêm dày đặc, cảnh trời lại càng thêm ảm đạm trong khi cơn mưa cũng quái ác mỗi lúc một nặng hạt, cảnh trời u ám, hoà lẫn với tiếng rên la, than khóc thê lương lại càng thêm mùi mịt. Năm vó ngựa chiến vẫn hết sức tốc hành lap vào đám loạn dân, Triệu Tử Long đưa mắt âu lo nhìn quanh quất một hồi rồi nóng ruột lại thúc mạnh ngựa phi nhanh hơn, dù rằng con Bạch Mã yêu quý cũng đã đạt đến tốc độ tối đa. Bốn người kia cũng không dám chậm trễ, vó ngựa cũng vội tốc hành vọt đi, thẳng hướng về phía Tây Bắc.
Ðang cắm đầu chạy tìm chợt từ phía xa, một đạo binh Tào hơn nghìn tên kéo đến, tướng đi đầu áo giáp hồng tía, mặt mũi khôi ngô, thân hình phương phi cao lớn, sau lưng thấp thoáng bóng hiệu kỳ kiêu hãnh, căng phồng dòng chữ: “Tả Kiếm Vệ Hạ Hầu Ân”.
Lại nói dưới trướng của Tào Tháo, đại cao thủ nhiều như lá rừng, toàn cao thủ các môn phái nườm nượp kéo về đầu binh, một phần vì họ Tào lợi dụng danh nghĩa phù Hán và nắm được thiên tử trong tay, một phần khác cũng vì tính gian hùng muốn nắm thời cuộc, khéo léo mua chuộc lòng người của Tào Tháo.
Với người tham tiền, vàng bạc Tháo cướp được không thiếu, với người lỗ mãng chi biết ăn uống, rượu thịt đáng là bao, gái đẹp thì lại càng nhiều. Ngược lại, những người say máu chém giết, những người thích làm trùm thiên hạ, Tháo cho xung phong hãm trận, cho phong tước phong quan, ai ai cũng một lòng thờ Tháo.
Trong đám hảo thủ dưới trướng, nổi bật nhất là các đại tướng, đồng thời cũng là các đại cao thủ võ lâm :
– Cuồng Sư Hứa Chử, môn chủ Đao Môn, cùng đội ngũ bốn mươi chín tay đao thủ Địa Sát Linh Quan vô cùng lợi hại, võ nghệ cao cường.
– Mãnh Long Điển Vi, một con rồng thực sự trong đám chiến tướng. Không ai biết nguồn gốc xuất xứ võ công của Điển Vi ra sao, học từ nguồn nào, nhưng hai cây Tiểu Thiên Kích của Điển Vi đã đánh ngang tay với Cuồng Sư Hứa Chử hơn ba ngày trời, cuối cùng hai người cùng giảng hoà, trở thành Tả Hữu Võ Vương dưới trướng Tào Tháo. Tiếc là trong trận Trương Tú tấn công Tào Tháo, Điển Vi đã bỏ mạng, sau khi làm cho quân Trương Tú hồn phách lên mây trước sự kiên dũng và võ nghệ khủng khiếp của mình.
– Tào Thị Song Hùng Tào Nhân, Tào Hồng, hai anh em họ Tào vốn có họ với Tào Tháo, từ nhỏ đã được dị nhân truyền thụ đao thuật, võ nghệ cao cường, nếu đánh đơn chỉ kém Hứa Chử một chút, còn hợp công thì e Cuồng Sư cũng khó bề cầm cự lâu dài.
– Hạ Hầu Song Tướng Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên. Hạ Hầu Đôn trong trận gặp Tang Bá, cận tướng của Lã Bố đã bị bắn mù một mắt, từ đó có biệt danh Độc Nhãn Vương Thương Hạ Hầu Đôn. Hạ Hầu Uyên là anh họ Hạ Hầu Đôn, thiện nghề sử dụng trường đao, với cây Thương Tâm Đao tung hoành bốn bể trước khi về với Tào Tháo, Hạ Hầu Uyên có danh hiệu là Bách Chiến Đao Tướng Quân.
– Ngoài ra, dưới trướng Tào Tháo còn có một loạt các đại kiện tướng khác như Trương Liêu, Từ Hoảng, Trương Cáp, Vu Cấm, Lý Điển .v.v…, còn hạng tướng bậc trung hoặc cao thủ bậc hai, ba trong giang hồ theo hầu thì nhiều vô kể.
Phần Hạ Hầu Ân, tuy mang danh tùy tướng nhưng thân làm hộ vệ, võ nghệ của Hạ Hầu Ân vô cùng cao cường. Là em họ Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Ân cũng học được tám thành võ nghệ của anh, thiện nghệ sử dụng cây Hổ Đầu Thương, lại được Tào Tháo tin yêu, phong làm Tả Kiếm Vệ, lưng đeo cây gươm quí của Tào Tháo là Thanh Hồng Kiếm.
Tháo nguyên có hai cây kiếm quý, một là Thanh Hồng Kiếm do Hạ Hầu Ân giữ, thanh còn lại là Ỷ Thiên Kiếm, do Tháo đeo bên mình. Hai thanh kiếm quý này chém sắt như chém bùn, vô cùng sắc bén. Hôm nay được hôm Tháo đại thắng, Hạ Hầu Ân cậy sức khoẻ liền tách ra, xông pha cướp bóc trong đám bách tính, đến đây thì gặp đoàn của Triệu Vân.
Thấy đám quân Tào xông đến, Triệu Vân liền khoát tay ra hiệu, cả năm người kìm cương đứng đợi. Năm con ngựa bấy giờ phi nhanh, nay được xả hơi vội tranh thủ lúc nghỉ ngơi hiếm hoi này tha hồ hít thở. Bạch Mã của Triệu Vân còn cúi xuống lè lưỡi liếm những giọt mưa đang đọng trong một hốc đá bên cạnh, cũng không hề chú ý đến đại địch đang đến gần.
Hạ Hầu Ân kéo binh tiến đến, thấy bên đối phương chỉ có năm người, cờ hiệu gấm trắng tung bay năm chữ “Thường Sơn Triệu Tử Long” thì trong lòng khinh thường, tế ngựa lên phía trước quát lớn:
– Tướng kia, thấy binh ta mà dám đứng chặn đường, mau mau xếp giáo quy hàng may ra bảo toàn tính mạng.
Hứa Hùng đang cầm cờ, nghe Hạ Hầu Ân kiêu ngạo nói năng, trong lòng không kìm được nóng giận, cây Bạch Kỳ trong tay phất ngược lên trời, cờ gấm xé không khí kêu “roạt” một tiếng, oai hùng, Hứa Hùng quát:
– Thằng cẩu trệ kia, nhìn xem chủ tướng ta là ai mà ngươi nói đầu hàng để giữ tính mạng. Kẻ phải giữ tính mạng chính là ngươi đó.
Cùng với lời nói của Hứa Hùng, Lôi Đao Lê Trung cũng nóng mắt, quát lớn múa cây Lôi Hoả Đao to bản ngay lập tức xông vào, vừa phi ngựa, Lôi Đao vừa khua tít thanh đao, tiếng gió nghe vù vù, Lôi Hoả Đao cộng với luồng chân lực của Lê Trung phổ vào hoá thành một đạo hồng quang ảnh hừng hực lửa cuốn theo vó ngựa xông thẳng tới quân Tào.
Thực ra, Hạ Hầu Ân không phải không biết đến tiếng tăm của Triệu Vân, nhưng một là cho rằng người thiên hạ cứ thổi phồng, nói quá lên, hai là cho rằng dù Vân có lợi hại thì với năm người vỏn vẹn, chống làm sao được với đội binh nghìn người của Ân, vì thế Ân tha hồ nói phách. Nay, Triệu Vân thì chưa xuất thủ nhưng qua cái phất cờ chứa đầy chân lực của viên Chấp Kỳ Lang, cộng với quả cầu lửa do viên cận tướng Triệu Vân đang lao tới, Hạ Hầu Ân không khỏi đem lòng cẩn trọng. Vó ngựa Lê Trung đã đến gần, Hạ Hầu Ân vội khoát tay ra hiệu, hơn mười tên tiểu tướng xung quanh vội phi ngựa tiến lên chặn đánh Lê Trung.