Ông Tôi 22 Tuổi

Chương 3



Dịch: Hân Di

***

Sông Trường Sinh cách thôn nhà Hà Đại Tiến rất xa, Đường Tam Bàn vừa nghe phải đi bộ mười cây số đã thấy chân rụng rời. Ông vội vàng chạy tới bên dốc lượm hết số đào còn lại để kịp thời bổ sung năng lượng rồi mới đi tới thôn Hà.

Tống Kim đã nhẩm tính qua, nếu dùng ba trăm đồng để thuê nhà thì chỉ còn lại hai trăm đồng, cũng chẳng làm nên trò trống gì, tốt nhất là vẫn phải tìm được việc làm thật nhanh. Ông hỏi:

– Trong thôn của anh có việc gì kiếm ra tiền không?

Hà Đại Tiến nói:

– Làm gì có việc gì kiếm ra tiền. Thanh niên trai tráng cũng đi làm bên ngoài hết rồi. Tới xưởng hoặc tới công trường. Ở trong thôn chỉ còn lại toàn là ông già bà cả và lũ trẻ chưa đủ tuổi đến trường thôi.

– Vậy chúng ta làm sao sống nổi?

Tống Kim nhíu mày, lúc này mới nhìn thấy Hà Đại Tiến đang khom lưng bước đi, trông vô cùng rầu rĩ, tang thương. Ông bèn vỗ đét vào tấm lưng cong như cái cầu của Hà Đại Tiến. Hà Đại Tiến bị đau, mắng:

– Sao ông lại đánh tôi?

– Bây giờ ông là thanh niên trai tráng 20 tuổi, đừng có đi như một lão già.

Tống Kim vừa nói vừa nhìn Đường Tam Bàn, đang muốn dạy dỗ luôn một thể, lại phát hiện ông béo đang ăn đào kia chẳng có gì để nói.

Bởi vì ông ta béo đến nỗi chẳng thấy cổ và eo ở đâu.

Tròn như một cái thùng phi!

Hà Đại Tiến xoa xoa tấm lưng của mình, từ từ đứng thẳng lên. Ông cảm thấy thật thần kỳ. Tấm lưng còng 20 năm nay lại đứng thẳng.

Ông vốn là một người cao ráo, khi đứng thẳng lưng thì thấy cả thế giới đều bị lùn xuống.

Ông nhẹ nhàng thở dài một hơi, rồi lại sờ lên mái đầu rậm rì của mình.

Tuổi trẻ thật là tốt.

Tống Kim thấy ông đứng thẳng người thì không đánh ông nữa. Hà Đại Tiến nhìn Tống Kim luôn ngẩng đầu ưỡn ngực, dáng vẻ hiên ngang bèn hỏi:

– Lúc ông 70 tuổi cũng vẫn thẳng lưng như thế này à?

– Dĩ nhiên! Lưng gù rất ảnh hưởng đến khí chất của con người đấy.

Hà Đại Tiến thấy một lão già như ông ta còn nói tới khí chất, bèn cười nhạo:

– Đến răng cũng chẳng còn, còn đòi gì khí chất.

Theo bản năng, Tống Kim sờ hàm răng của mình. May mà vẫn đủ cả, không phải răng giả. Cảm giác chân thật đã lâu không được cảm nhận khiến ông cứ chốc chốc lại sờ một lần.

Tuổi trẻ thật là tốt.

Ba người đi bộ dưới tiếng sấm đùng đoàng. Cuối cùng khi trời hửng sáng, họ cũng tới được thôn Hà.

Đúng là tuổi trẻ khỏe mạnh, đi lâu như vậy mà chân cũng không đau mỏi.

Đường Tam Bàn mồ hôi đầm đìa, nhìn thấy ở cửa thôn có một tảng đá lớn, bèn đặt mông ngồi xuống. Mông vẫn chưa chạm vào tảng đá đã bị Hà Đại Tiến lôi lại, luôn miệng trách cứ:

– Đây là tảng đá quý trấn thôn của thôn tôi!

Tống Kim châm chọc:

– Bây giờ là thời đại gì rồi mà còn tin ba cái chuyện mê tín từ thời phong kiến thế.

– Có một số việc không tin không được!

Hà Đại Tiến vô cùng cẩn thận lấy tay áo xoa xoa hòn đá một cách kính cẩn như đứng trước thần linh. Lúc này Tống Kim mới nhớ tới một chuyện:

– Quên mất, tự giới thiệu, tôi tên là Tống Kim. Tống trong triều Tống, Kim nghĩa là vàng.

– Tôi là Hà Đại Tiến, họ Hà, Đại trong từ đại nhân, Tiến nghĩa là tiến bộ.

– Còn tôi là Đường Tam Bàn(*). – Đường Tam Bàn nói: – Lúc tôi sinh ra được chín cân sáu. Ông nội tôi đặt ngay cho cái tên này.

(*) Bàn nghĩa là to, béo.

Ông vừa nói vừa nhớ lại lúc Tống Kim tự giới thiệu, bèn hỏi:

– Ông trùng tên trùng họ với chủ tịch tập đoàn Đại Tống à?

– Ông cũng biết tập đoàn Đại Tống à?

– Ha ha. Trước kia tôi là nhân viên của tập đoàn đó mà.

Tống Kim ậm ừ, còn chưa kịp nói gì thì Hà Đại Tiến đã chen vào:

– Cùng tên nhưng không cùng số mệnh.

– Lão già này, sao lão dám sỉ vả tôi hả?

– Ông cũng sỉ vả tôi, lại còn đạp Đường Tam Bàn nữa. Đồ lão già mất nết!

– Tính tình ông thì tốt lắm chắc!?

Đường Tam Bàn thấy hai người lại ầm ỹ, bèn cúi đầu sờ bụng mình. Dường như bụng ông không còn đau nữa. Có lẽ ông sẽ sống được lâu hơn chút, có phải không? Có lẽ ông không cần tìm cách cách tự sát nữa? Ông có thể tìm một nơi an ổn để sống những ngày yên bình.

– Thôi, đi vào thôn đi. – Hà đại Tiến khoát tay một cái, không cãi nhau với Tống Kim nữa.

– Đồ lão già nhà lẩm cẩm. – Tống Kim hậm hực một tiếng, rồi chỉnh lại chiếc áo sơ mi trắng, thẳng lưng ưỡn ngực, trở thành một thanh niên nhanh nhẹn, đẹp trai, phong độ ngời ngời. Ông nói:

– Nên nhớ không được dùng tên thật. Phải dùng tên giả, nếu không chỉ cần điều tra một cái là lộ tất tần tật.

Ông suy nghĩ một chút rồi nói tiếp:

– Cháu gái tôi đã nói tôi giống một ngôi sao lớn. Tôi phải dùng tên của anh ta mới được.

Đường Tam Bàn hỏi:

– Tên gì?

– Won Bin.

Đường Tam Bàn nhìn ông ta một cái, đúng là hơi hơi giống. Ông gật đầu:

– Ừ, cũng giống phết đấy.

Tống Kim ngạc nhiên:

– Ông Cũng Biết Won Bin à? Cháu trai của ông kể sao?

– Tôi sống một mình, không lấy vợ cũng không có con.

Đường Tam Bàn không nói tiếp nữa, chuyển đề tài:

– Tôi sẽ gọi là Cổ Bàn.

Hà Đại Tiến nói:

– Tôi không biết lấy tên gì. Hai người nghĩ hộ tôi một cái đi.

Tống Kim lập tức đáp:

– Kim Đại Hà đi, Kim Đại Hà dễ nhớ, lại phổ biến.

– Được.

Ba người chọn xong tên mới tiếp tục đi tới nhà Hà Đại Tiến, ở dưới chân núi. Suốt một đường đi vào trong thôn, chó sủa inh ỏi, nhưng chúng nó chỉ dám đứng ở trước cổng sủa về phía họ chứ không dám lao ra cắn. Phần lớn là chỉ cảnh cáo và xua đuổi.

Tống Kim sợ chó, vì thế ông không dám nhìn lung tung, sợ sẽ nhìn vào mắt con chó nào đấy, rồi bị lùa tám ngàn dặm. Ông bám sát Đường Tam Bàn, thấy bên nào có chó nó sẽ tránh về phía bên kia của Đường Tam Bàn.

Hà Đại Tiến quay đầu nhìn ông một cái nói:

– Cái đồ nhát gan như chuột!

Tống Kim giận dữ:

– Lắm điều!

– Haizzz

Hai người nghe Đường Tam Bàn thở dài thườn thượt một hơi, hỏi:

– Sao thế?

Đường Tam Bàn nói:

– Ăn hết đào mất rồi!

Rốt cuộc ba người cũng đi tới nhà Hà Đại Tiến. Bây giờ hẵng còn sớm, nhưng tháng sáu âm lịch có rất nhiều công việc cần làm cùng lúc như gặt lúa, nhổ lạc, cho nên người dân dậy rất sớm. Miêu Đại Thúy dậy từ sớm tinh mơ, cô cho gà cho lợn ăn xong rồi mới đánh thức chồng dậy. Hà Ngũ Lưu vừa tìm giày vừa hỏi:

– Ba đã trở về chưa?

– Chưa. Có lẽ cậu anh đã giữ ông lại uống rượu rồi ngủ luôn tại đó.

Hà Ngũ Lưu ậm ừ, cũng không hỏi nữa. Trước đây cũng từng xảy ra chuyện như thế.

– Có ai không?

– Nhà có ai không?

Miêu Đại Thúy đang dọn dẹp giường chiếu bỗng nghe có người gọi cửa. Cô đi tới cửa sổ nhìn ra bên ngoài, nói:

– Là ba chàng trai trẻ tuổi!

Hà Ngũ Lưu nói:

– Chắc lại tới thuê nhà. Nói với bọn họ là chúng ta không có nhà cho thuê đâu.

Miêu Đại Thúy cười một tiếng:

– Có chứ. Cái nhà đất ở phía sau kia kìa. Cho thuê cũng đỡ được chút tiền dầu muối đấy. Vì ba không cho phép nên phải chúng ta phải tiền trảm hậu tấu. Thừa dịp ba không có nhà, phải nấu chín con vịt đi chứ. Hơn nữa, từ khi căn nhà này xây xong, căn nhà kia cũng đã hơn mười năm không có ai ở. Nếu tiếp tục như vậy, đừng nói con người, đến con chuột nhắt cũng không thể ở nổi.

Miêu Đại Thúy mở cờ trong bụng, vội vàng chạy ra ngoài mở cửa, hỏi:

– Có chuyện gì không?

Ông Hà Đại Tiến thấy con dâu cả, nói ngay:

– Chúng tôi muốn thuê nhà. Là cái nhà đất phía sau nhà cô đấy.

Ông vừa dứt lời, Miêu Đại Thúy đã đáp:

– Được!

Hà Đại Tiến không vui hỏi:

– Cô có quyền cho thuê nhà sao?

– Tất nhiên là có!

Hà Đại Tiến càng sa sầm:

– Cô là chủ gia đình à?

Miêu Đại Thúy thấy ông nói chuyện lạ lùng, cũng không hỏi nói tới chuyện thuê nhà, cô ta hơi khó chịu nói:

– Các cậu tới thuê phòng hay tới điều tra hộ khẩu nhà tôi? Không muốn thuê thì xéo!

Tống Kim vội vàng ngăn cô ta lại, còn không quên lườm Hà Đại Tiến một cái cái, rồi nói:

– Tôi nói này cô em…

– Hả? Cô em?

Nếu là người khác nói vậy, Miêu Đại Thúy đã cầm chổi lùa cho mấy vòng. Nhưng lời này lại do một một cậu thanh niên môi đỏ răng trắng, đẹp trai nói ra, nên cô không thể nào giận được. Ngược lại, khuôn mặt tròn vo đỏ ửng lên:

– Nghe cậu gọi kìa. Tôi đã là mẹ của hai đứa trẻ rồi đấy!

Tống Kim lúng túng, muốn đập đầu vào tường. Ông nói:

– Tôi nói này chị gái, chúng tôi rất tha thiết muốn thuê nhà. Cho chúng tôi thuê theo tháng là được.

Đường Tam Bàn chen vào:

– Giá cả phải hợp lý, các điều khoản phải rõ ràng!

Miêu Đại Thúy suy nghĩ một chút rồi nói:

– Được rồi. Tôi nhìn mấy người cũng là người có học, chắc sẽ không phá hoại nhà cửa. Vậy chừng này đi, thuê trong một năm.

Hà Đại Tiến thấy cô đưa ra ba ngón tay, vỗ đùi đét một cái:

– Được, ba trăm đồng. Đồng ý!

Miêu Đại Thúy sầm mặt nói:

– Cái gì mà ba trăm đồng? Là ba ngàn đồng.

Hà Đại Tiến trợn mắt, làm ầm lên:

– Hôm qua cô còn nói chỉ cần ba trăm đồng là được. Hôm nay đã hét giá ba ngàn đồng. Làm người như thế mà được à, Đại Thúy?

– Ngày hôm qua tôi gặp cậu à! Tôi nói ba trăm lúc nào?

Miêu Đại Thúy tưởng là mình đãng trí, không thể nhớ nổi cô nói chuyện này này với cậu ta vào lúc nào. Cô ta nhíu mày nói:

– Sao cậu biết tôi tên là Đại Thúy?

Tống Kim nghiêm túc giải thích:

– Vừa rồi chúng tôi hỏi thăm nhà các vị, người trong thôn nói như thế.

– Thế à?

Miêu Đại Thúy làm khó một hồi lâu, rồi nói:

– Vậy thì hai ngàn đi.

Hà Đại Tiến vẫn khăng khăng:

– Ba trăm đồng.

Sao trước kia ông không phát hiện ra con dâu cả rất có tố chất của gian thương chứ.

Một lúc sau, Hà Ngũ Lưu đi xuống, anh ta không muốn phí nước bọt nên quyết luôn:

– Năm trăm, năm trăm. Không thể thấp hơn được nữa.

Miêu Đại Thúy tức hộc máu, gắt:

– Anh im đi!

Hà Ngũ Lưu nói:

– Cô còn lề mề nữa, đợi tới khi ba về thì một xu một cắc cũng chẳng có.

Lời này đúng là một dao đoạt mạng. Miêu Đại Thúy không cãi được:

– Vậy năm trăm. Có được hay không?

Hà Đại Tiến tức xì khói. Ông rất không vui khi con trai cả và con dâu cả dám làm phản sau lưng ông.

Đường Tam Bàn thấy giá này cũng được. Dù sao họ cũng thuê một năm cơ mà. Năm trăm đồng không hề đắt chút nào.

Ông nhìn Tống Kim rồi gật đầu nói:

– Đồng ý.

Trước kia, Miêu Đại Thúy cũng chưa từng cho thuê nhà bao giờ, nên không biết bình thường khi cho thuê phòng phải đặt cọc một phần.

Cô ta nhận lấy năm trăm đồng rồi vui vẻ dẫn bọn họ ra căn nhà đất ở phía sau.

Căn nhà đất này rất thường gặp ở phía nam. Nó là một căn nhà có tường đất, lợp ngói tối màu.

Ở giữa có một cánh cửa. Cách khoảng nửa mét có hai cái cửa sổ hai bên. Đi vào trong còn có một cái sân và bốn gian phòng.

Căn nhà đất này có bố cục các phòng trái phải rất cân đối, kiến trúc đơn giản dễ chịu, ánh sáng cũng đầy đủ. Nhưng có điều nó quá cũ nát rồi.

Ba người vừa đẩy cửa vào đã thấy bụi bặm ập tới, giống như người phụ nữ trát hàng tấn phấn lên mặt. Bước chân vào nhà, bụi bay cao ba thước, còn có một đội quân sâu bọ bò lổm ngổm. Ngẩng đầu nhìn lên thấy trên mái ngói có vô số kẽ hở nhỏ, lại còn giăng đầy tơ nhện và có cả ấu trùng. Cảnh tượng này giống hệt một căn nhà hoang bỏ lâu ngày.

Hà Đại Tiến trở lại nơi đây, ký ức về những ngày tay trắng cùng với vợ gom góp từng viên gạch, từng tấm ngói xây nhà bỗng chốc ùa về. Ông cảm động nói:

– Thật là nhớ nhung.

Đường Tam Bàn là người có kinh nghiệm thuê phòng, đánh giá phương hướng một chút. Lưng hướng Bắc, quay mặt hướng Nam. Mái ngói và tường đất nữa. Ông nói:

– Cái phòng này chắc chắn là đông ấm hạ mát.

Còn Tống Kim nhăn nhó mặt mày, phủi phủi bụi trên người, xoay người đi ra ngoài. Đường Tam Bàn hỏi:

– Ông Kim đi đâu đấy?

– Tôi muốn đi tìm cô béo đó để lấy lại tiền. Nhà này có thể cho người ở à?

Đúng là đồ lừa đảo. Tất cả đều là đồ lừa đảo. Căn nhà này bán cho ông năm mươi đồng ông cũng chẳng thèm mua. Người phụ nữ kia còn dám mặt dày mày dạn lấy của ông năm trăm đồng.

Đường Tam Bàn nói:

– Trời mưa rồi!

Rào….

Tống Kim đứng khựng lại. Đi về phía trước thì ướt như chuột lột, lùi về phía sau lại có mái ngói che đầu. Ông hậm hực vùng vằng một cái, cuối cùng vẫn phải lê đôi giày da bóng loáng quay về.

Thật là đáng ghét!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.