“Tôi giống như một con ốc sên, từ dưới chân tường cứ nhích từng tí một để bò lên, tuy chậm nhưng cũng sẽ có ngày leo được lên đỉnh tường.
Nhưng giờ thì hết cách rồi, tôi không còn hơi sức để leo nữa, tôi có đối xử với ông ấy tốt đến đâu nữa cũng vô dụng thôi.”(Trích câu nói của Chu An)
Lệ Ngọc trước kia hay dùng câu nói này ví von cho cuộc đời của mình.
Nhưng hôm nay, cô không khỏi dùng câu nói này cho một nhân vật nữ phụ trùng tên với cô trong cuốn tiểu thuyết cô vừa đọc xong “Dù tình yêu có đến trong muộn màng”.
Câu chuyện kể về một người đàn ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ hủ về hôn nhân, cha mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đó.
Dù rằng, anh ta luôn luôn phản đối cái truyền thống đó nhưng vẫn không thể thoát được cái tập tục của gia đình phải lấy một người vợ mình không thương.
Đã thế, không những không xinh đẹp mà còn chậm chạp, không lanh lợi, một chữ bẻ đôi cũng không biết, thậm chí còn lớn hơn mình hai tuổi.
Anh ta buồn chán bỏ đi ra nước ngoài du học và ở đó anh ta đã tìm được tình yêu của đời mình.
Nữ chính là một cô gái mạnh mẽ, xinh đẹp, lại rất tài năng.
Hai người gặp nhau, quen nhau, yêu nhau rồi đến với nhau mặc cho gia đình phản đối vì nam chính là người đã có vợ và nữ chính thì gia đình đã chọn cho cô một người xứng đáng.
Nhưng vì nam chính tuy có đám cưới nhưng chưa có đăng ký kết hôn nên trên pháp luật không tính là đã có gia đình.
Còn nữ chính cũng không thích gia đình sắp đặt hôn nhân cho mình.
Vậy là hai người đường đường chính chính tự ý đi đăng ký kết hôn, trở thành vợ chồng chính thức trên luật pháp, dọn ra sinh sống ở nước ngoài.
Mười năm sau hai người trở về thì đã có hai đứa con.
Hai gia đình cũng phải đành chấp thuận, đồng thời cũng hủy bỏ cái tập tục truyền thống cổ hủ ấy.
Còn người vợ được gia đình nam chính đem trầu cau cưới hỏi kia thì lại trở thành nạn nhân của một tập tục bất công, một kẻ thứ ba khiến cho cả nam nữ chính và gia đình nam chính khó xử.
Từ lúc cưới về, mặc dù bị chồng hắt hủi, vừa cưới xong đã bỏ đi, khi trở về lại mang người phụ nữ khác trở về.
Nhưng vẫn cố gắng làm tốt trách nhiệm một người con dâu, chăm lo cho gia đình chồng, chăm sóc cho mẹ chồng chu đáo, dù bị mẹ chồng trách cứ là không biết cách giữ chồng, cũng cam chịu không hó hé nửa lời.
Mòn mỏi chờ đợi chồng 10 năm, chỉ mong sẽ nhận được tình yêu của chồng nhưng kết quả thì lại quá phũ phàng.
Và kết cuộc của nữ phụ thì vẫn luôn luôn là vật hi sinh cho hạnh phúc của nam chính và nữ chính.
Đây là lần đầu tiên Lệ Ngọc đọc tiểu thuyết mà lại chú ý đến một nhân vật nữ phụ đấy.
Bởi vì thứ nhất, là trùng tên cô; thứ nhì, nhân vật này có cuộc đời cũng khá là giống cô.
Như là, sinh ra và lớn lên ở nông thôn, rồi có chồng là người giàu có, đẹp trai, có học thức khiến mọi người đều ngưỡng mộ, ganh tỵ.
Thế nhưng, người chồng đó lại không yêu mình.
Tuy vậy, vẫn luôn cố gắng hết sức thể hiện trước mặt chồng mình là người vợ tốt, chăm lo cho chồng, gia đình chồng, cho cha mẹ chồng vô cùng chu đáo, chỉ mong có một ngày người chồng ấy sẽ yêu mình.
Nhưng cái kết quả chỉ là con số không.
Tuy nhiên, cô đã sớm nhận ra được điều đó khi biết chồng cô yêu một người con gái khác, hơn cô về mọi mặt.
Cô đã sẵn sàng ký đơn ly hôn để cho cả hai được tự do, mặc cho cha mẹ cô phản đối mắng chửi như thế nào đi nữa, thậm chí là từ cô.
Từ thì từ, hôn nhân không hạnh phúc hà tất chỉ vì chữ hiếu mà hủy hoại cả đời mình sao.
Xin lỗi! Cô không làm được! Thà cô lấy một người chồng nghèo, xấu xí, thậm chí không biết chữ nào nhưng yêu thương cô, đúng nghĩa là một người chồng, còn hơn phải mang tiếng có chồng mà chăn đơn gối lẻ, gặp nhau hằng ngày nhưng như kẻ lạ người xa.
Còn nhân vật nữ phụ này, ngược lại, dù biết nam chính yêu nữ chính hơn mình về mọi mặt nhưng lại không hề từ bỏ.
Còn đến trước mặt nữ chính thể hiện bản thân mới là vợ, càng làm cho nam chính chán ghét thêm.
Còn ngu ngốc ở lại đó hầu hạ mẹ chồng, chờ đợi người chồng vốn không thể gọi là chồng mà phí bỏ tuổi thanh xuân của mình.
Tuy rằng, cuối cùng vì sự áy náy mà được mẹ chồng nhận làm con nuôi, trở thành chị gái bất đắc dĩ của người từng gọi là chồng, nhưng, ai trả lại cho cô tuổi xuân đã lãng phí? Ai trả cho cô cái danh là gái chưa chồng đây? Cuối cùng, bản thân không chịu nỗi đau khổ cũng phải tự kết liễu đời mình, thành toàn cho tất cả.
Lệ Ngọc lại một lần nữa tiếc nuối cho nhân vật nữ phụ này.
Có lẽ, vì nhân vật này được sinh ra trong một thời buổi cách cô đến mấy chục năm về trước, khoảng thập niên 80, thế kỷ 20.
Cái thời mà quyền áp đặt của cha mẹ vẫn còn hiệu lực, đè nặng lên lớp trẻ khá nhiều.
Lại không biết chữ nên không thể tự thoát ra khỏi cái vòng luân lý truyền thống đó.
Còn cô, ít ra cũng được đi học, lại sống trong thời buổi hiện đại nên chắc có lẽ mới dễ dàng thoát ly được sự áp chế từ phía gia đình.
Hướng đến cuộc sống mà mình mong ước.
Lệ Ngọc xếp lại quyển tiểu thuyết cất nó vào kệ sách, đi đến góc phòng lấy chiếc đàn ghi-ta vừa mới mua hôm qua.
Lệ Ngọc rất thích trở thành nhạc sĩ nhưng đáng tiếc, vừa học xong cấp ba đã phải gả cho người ta.
Khi xưa Lệ Ngọc cũng là một đứa con ngoan, không bao giờ dám cãi lại cha mẹ.
Nhưng cái kết quả cho sự vâng lời của cô là ba năm mang tiếng có chồng mà như sống độc thân.
Tuy được cha mẹ chồng thương yêu nhưng như vậy có khác gì Lệ Ngọc về làm dâu họ, chứ đâu phải về làm vợ của con trai họ đâu.
Đã thế, Lệ Ngọc hơi đâu mà phí tuổi xuân của mình, suốt ngày vùi đầu vào một nhà tù hôn nhân như thế chứ.
Lệ Ngọc còn trẻ còn có cơ hội tìm con đường tương lai cho chính mình.
Và bây giờ, Lệ Ngọc gần như đã được ước mơ, những bài hát do chính cô sáng tác và trình bày, đăng lên mạng xã hội, cũng đã được nhiều người biết đến.
Nhiều ca sĩ chuyên nghiệp cũng đã tìm đến Lệ Ngọc để mua bài hát.
Thậm chí Lệ Ngọc còn đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác bài hát và giọng hát triển vọng.
Tuy không là quán quân nhưng cũng lọt vào top 10.
Mà đối với một người không có học qua trường lớp chuyên ngành như Lệ Ngọc, đó chính là một thành công vượt trội.
Lệ Ngọc tin, chỉ cần cô học hỏi thêm một thời gian nữa, khoảng cách đến đỉnh cao sẽ trong tầm tay.
Lệ Ngọc khẽ vuốt lên dây đàn, rồi bắt đầu hát.
“Tôi đã không còn là con ốc sên
Chậm chạp từng bước bò lên đỉnh tường
Cứ ngỡ có một ngày mình sẽ đến
Nhưng than ôi sức kiệt, tàn hơi
Rơi trở lại chẳng thể leo lên.
Tôi đã không còn gì nữa với anh
Một cuộc hôn nhân không có nghĩa gì
Dứt khoát ra đi tìm tương lai mới
Anh ơi anh có nhớ một người
Một người vợ anh chưa từng yêu.
Đk:
Bây giờ tôi ngồi đây
Tay nâng lên mấy cung đàn
Lời ngâm nga hát về dĩ vãng
Ôi! Dĩ vãng xa rồi
Mà sao vẫn cứ hoài
Chạnh lòng không thể vơi.
Tôi đã không còn là con ốc sên
Chậm chạp từng bước bò lên đỉnh tường
Dứt khoát ra đi tìm tương lai mới
Tương lai kia ánh sáng rạng ngời
Không nỗi sầu đau khổ ngày đêm.”
“Tôi đã không còn là con ốc sên.
Sáng tác: Huỳnh Mai”
Tuy nhiên, tiếng đàn vừa dứt, Lệ Ngọc bỗng nhiên cảm thấy trước mắt tối sầm và rồi ngã xuống..