Những Chuyện Trong Thôn

Chương 14



Edit: Sakura Trang

Xuân đi xuân lại đến, thời gian trôi qua thật nhanh, trong hai năm này cũng thay đổi rất lớn, Chử Nghĩa đi Lâm Châu chạy thương kiếm được một khoản tiền, hơn nữa hai năm này trong nhà thu hoạch không tồi, cho nên nhà có chút tiền dư.

Bởi vì cách trung tâm thôn quá xa, Chử gia vẫn là ở một mình một nơi, hàng xóm gần nhất cũng cách một dặm*, vì lý do an toàn, Chử Nghĩa gia cố tường ngoài, đổi hàng rào gỗ ban đầu thành tường đá, đầu tường đắp thêm mảnh ngói vỡ.

*dặm: Đơn vị đo chiều dài, bằng 1/2 km

Lại đào một cái hầm ở sau nhà, cất một ít lương thực, thịt muối, đồ khô, muối, đồ dùng thường ngày còn có chút quần áo. Đào một cái giếng ở trong sân, làm thềm ròng rọc, như vậy múc nước sẽ dễ dàng hơn nhiều. Trừ Hôi Hôi, lại nuôi thêm mấy con chó.

Tháng năm hẳn là lúc thời tiết rất đẹp, đáng tiếc trong nhà trừ Mãn Mãn và An An, ai cũng không có tâm tình hưởng thụ thời tiết tốt đẹp này. Từ tháng mười một năm ngoái đến bây giờ, vùng xung quanh núi Tàng vân không rơi một giọt mưa rồi, mặc dù trong đất vẫn trồng hoa màu, nhưng phần nhiều là khoai lang, khoai tây những loài cây vừa chịu được hạn hán còn có thể lót dạ, người làm nông đều biết, một trận hạn hán lớn đang xảy ra, không tránh được. Bây giờ giá lương thực ở các tiệm trong thành đã tăng gấp mấy lần, nhà nhà trong thôn đều đang tồn trữ lương thực.

Rất nhanh lại đến tháng sáu, nắng gắt như lửa, không có một giọt mưa rơi xuống, tất cả hoa màu trong đất đều khô héo, ngay cả nước chảy từ trên núi Tàng Vân xuống thành sông Tàng Vân cũng sắp khô cạn, chỉ còn lại một đường sông thật nhỏ, tạm có thể cho người dùng nấu cơm, giếng trong thôn, giếng sâu còn ra nước, giếng cạn đã không lấy được nước nữa rồi.

Lý chính trong thôn cũng là tộc trưởng Chử thị, xế trưa hôm nay cũng gọi thôn dân đến từ đường, ở từ đường mọi người thấy được hai bộ khoái mặc y phục đen, bọn họ thông báo cho mọi người Huyện thái gia đã huy động phú hộ góp một ít lương thực, bọn họ phụ trách đưa đến các thôn, để chia số lương thực này cho mỗi người một phần, chia theo đầu người, người lớn một người một cân*, trẻ con một người nửa cân, mặc dù không phải là kế hoạch lâu dài, nhưng cũng có thể giải quyết tạm tình trạng khẩn cấp lúc này. Các thôn cũng khen huyện lệnh không dứt, gọi hắn “Thanh thiên Đại lão gia”!

*cân: ở bên TQ 1 cân = 1/2 kg

Chử Nghĩa cầm lương thực được chia về nhà, thật ra thì bây giờ Chử gia không hề thiếu lương, trong hầm cất giấu không ít, mấy năm này trong nhà đóng thuế đều dùng tiền thay lương, để dành được không ít, nhưng tình huống hiện tại bọn họ căn bản không dám lấy ra, một là sợ người khác đỏ mắt, hai là cũng không biết hạn hán khi nào mới kết thúc, sợ ăn rồi cũng hết.

Đại Huy triều từ thành lập đến nay lần đầu xảy ra tai hoạ lớn như vậy, bên ngoài đã đất cằn ngàn dặm, có nhiều chỗ thậm chí xảy ra bạo loạn, còn có chút người xấu xa lên kế hoạch trong bóng tối, dĩ nhiên bọn họ không biết những thứ này.

Chúng ta hãy đem tầm mắt đặt về Chử gia trang, trong nửa tháng các thôn dân tranh thủ thu hoạch hoa màu có thể thu, dẫu sao trồng ở trong đất nữa, cũng không có tác dụng.

Sau nửa tháng có tin tức lục tục truyền tới, rất nhiều vùng năm nay cũng xảy ra nạn hạn hán, một vài chỗ xảy ra bạo loạn, trong huyện có nhiều nơi đã bắt đầu xuất hiện lưu dân*.

*lưu dân: chỉ những người gặp cảnh thiên tai không chỗ nương tựa, đi lưu lạc đất khách quê người

Bây giờ cũng không cần làm ruộng, vì an toàn của mọi người, lý chính bắt đầu tổ chức thanh niên trai tráng trong thôn đi tuần tra mỗi ngày, Chử Nghĩa là sức lao động chính trong nhà, cách một ngày cũng phải đi một lần. Mấy ngày sau liền đụng phải một nhóm lưu dân, lúc này địa hình của Chử gia trang liền lộ ra chỗ tốt.

Chử gia trang dựa lưng vào núi Tàng Vân, núi lớn liên miên gần như không người có thể vượt núi băng đèo tới chỗ này, chỉ có một con đường ở cửa thôn, chỉ cần phòng thủ đường này, trong thôn liền an toàn rất nhiều. Mà Điền gia thôn và Chử gia trang xây gần giống nhau, tình hình cũng khá tốt.

Nhưng những thôn khác không may mắn được như Chử gia trang và Điền gia thôn, cũng may Huyện lệnh hiện tại cũng coi là người có trách nhiệm, huyện thành đã trong tình trạng nửa khép kín, mỗi ngày vào thành cũng sẽ cho người kiểm tra, sợ lưu dân tổn thương người dân trong thành, cũng sẽ để cho nha dịch đi kiểm tra một vòng các thôn.

Ngày vẫn trôi qua, nhưng tình thế lại càng ngày càng gay go, không chỉ có càng ngày càng nhiều lưu dân, trong thôn cũng bắt đầu không yên bình.

Chử gia trang có một Chử viên ngoại, ông nội thi đậu cử nhân từng làm Huyện thừa, nhà phát tài, hắn học hành không được, trong nhà dùng tiền đóng góp để hắn thành viên ngoại, tuy hiện tại có chút sa sút, nhưng vẫn là người có tiền nhất trong Chử gia trang.

Nhưng nhà này, ban đêm bị người đột nhập, trộm đi không ít lương thực, Chử viên ngoại đi đến chỗ tộc lão làm loạn một trận lớn, nhưng cũng không có tác dụng, lương thực mất cũng không tìm về được, trong ngày thường hắn làm giàu bất nhân quen rồi, không chỉ không giúp đỡ hương thân, còn bóc lột nhà có gia cảnh nghèo khó, các tộc lão đối với hắn cũng chất chứa oán hận khá sâu, lười thèm quản.

Có lẽ thái độ như vậy làm cho lá gan những kẻ lười biếng, côn đồ kia lớn hơn, qua mấy ngày, một buổi tối lại có người lại đột nhập vào nhà muốn cướp đoạt tài vật của Chử viên ngoại, bị Chử viên ngoại phát hiện, trong quá trình tranh chấp Chử viên ngoại bị đẩy ngã đụng vào góc bàn, chết tại chỗ.

Lần này thành chuyện lớn rồi, lý chính và các tộc lão thương lượng, đưa người hành hung cho quan phủ, người nhà khai trừ khỏi tộc, đuổi ra thôn.

Dù người nhà kia khóc lóc om sòm không muốn rời thôn ra sao, các tộc lão đều không nể tình, gọi bộ khoái đến, kéo người nhà này ra khỏi thôn. Cũng triệu tập nam đinh toàn thôn lại, cảnh cáo nói nếu lại xảy ra loại chuyện ăn trộm thậm chí thương đến tính mạng người nữa, người vi phạm sẽ đưa cho quan phủ, người trong nhà đuổi ra khỏi tộc, đuổi ra thôn.

Nhưng theo tồn trữ lương thực trong nhà càng ngày càng ít, người chết đói càng ngày càng nhiều, dù trừng phạt nghiêm khắc nữa cũng kém hơn sợ hãi chết đói, chuyện như vậy không giảm, Chử Gia cũng gặp phải một lần.

Đêm hôm đó mới vừa ngủ, liền nghe thấy mấy con chó trong sân sủa không ngừng, nghe tiếng không đúng lắm, Chử Nghĩa và An Dương đi nhanh ra ngoài nhìn, phát hiện Hôi Hôi và mấy con chó cắn bắp chân một người, thấy bọn họ đi ra liền nhả nhưng vẫn vây quanh người nọ không bỏ.

Chử Nghĩa thấy là một kẻ nổi danh lười biếng trong thôn, Chử Tứ, trói người lại, Chử Nghĩa liền dẫn người đi nhà lý chính, để An Dương ở nhà trông nhà, an ủi người lớn trong nhà.

Lý chính xử lý người nọ, Chử Nghĩa suy nghĩ có phải nhà mình hơi gây chú ý không, trở về, sau khi thương lượng với người nhà liền quyết định trừ hai đứa nhỏ, người lớn cũng nên ăn ít một chút, nếu không người khác đi ra ngoài mặt vàng người gầy, người nhà bọn họ lại mặt mũi hồng hào, không thích hợp.

Nghe tin tức bên ngoài truyền đến, không chỉ người Hồ xuôi nam, còn có phiên vương mưu phản. Triều đình loạn trong giặc ngoài, cuối cùng gợi lên chiến tranh. Rối loạn hơn nửa năm, tình thế rốt cuộc yên ổn lại. Tháng chín rơi trận mưa đầu tiên, tuy nói năm nay không kịp làm ruộng nhưng tối thiểu năm sau không đến nổi phải chịu nạn hạn hán tiếp.

Chiến hỏa các nơi cũng lắng xuống, dẫu sao trong tay phiên vương không có thực quyền, nhìn thanh thế thật lớn, chẳng qua chỉ là con cọp giấy, không dễ đánh là Bắc Hồ, Bắc Hồ muốn xâm chiếm Đại Huy, đáng tiếc, ngay cả ông trời cũng không giúp bọn họ, tháng mười liền xuất hiện bão tuyết, liên tục bảy ngày, trâu dê có khoẻ cũng chết cóng, Bắc Hồ không còn cách nào, không thể làm gì khác hơn là rút lui.

Triều đình cảm thấy tà tâm của Bắc Hồ không diệt, chờ họ hồi phục lại nhất định sẽ lại kéo đến, mà phương bắc trải qua chinh chiến nhiều năm liên tục đất đai hoang vu, dân số ít, vì để chống cự Bắc Hồ, khôi phục sản xuất, quyết định dời đô Dương châu, đồng thời đem một phần người miền nam và gần phương bắc di chuyển đến Dương châu.

Tin tức này vừa ra, toàn bộ phương nam đều nổ tung, dẫu sao phần lớn mấy đời người dân nơi đây đã sống trên đất này, gốc ở chỗ này ai cũng không muốn rời đi. Cuối cùng triều đình quyết định do các châu chỉ thị các huyện, huyện bọn họ quyết định để cho Chử gia trang và Điền gia thôn dưới chân núi Tàng Vân hợp thôn, gọi Chử Điền trang, cũng tách một nửa dân số chuyển đến kinh đô mới.

Một là bởi vì nơi này vừa qua khỏi nạn hạn hán lớn, còn lại đều là thanh tráng niên và người lớn tuổi thân thể khỏe mạnh, có thể thích ứng đường xá xa xôi; hai là bởi vì hai thôn là thôn gần nhau, thân thích chiếm đa số, đều gần núi Tàng Vân, thôn không lớn, như vậy cũng là vì quan tâm đến cảm xúc của dân chúng.

Triều đình yêu cầu di chuyển thì nhất định phải di chuyển, nhưng để cuộc di chuyển này diễn ra yên ổn thì phải xem các tộc lão. Tộc lão hai tộc Điền Chử thương nghị, tụ tập thôn dân hai thôn lại.

“Nếu triều đình quyết định, đó chính là điều bắt buộc phải làm, không di chuyển không được. Đã như vậy, chúng ta liền bình tâm tiếp nhận, thương lượng một chút, muốn di chuyển thì đến chỗ này ghi tên, Huyện lệnh đại nhân nói, triều đình sẽ phụ trách an toàn trên đường, ngày mai sẽ đi huyện nha nhận lộ phí, sau đó sắp xếp hành lý, chuẩn bị lên đường, đi về phía bắc theo chỉ dẫn của quan phủ. Đợi đến nơi, triều đình sẽ cho chúng ta bạc, giúp đặt mua nông cụ, hạt giống, trong năm năm miễn thu thuế, đất đai chia theo đầu người, không cần sợ không có đất trồng.”

Lại có thôn dân hỏi: “Tộc lão, vậy đất của chúng ta ở đây thì làm sao?”

“Đất ở đây cũng không cần chúng ta quan tâm, gia cụ trong nhà nếu không mang đi được, trong huyện sẽ quy thành tiền cho chúng ta. Điều kiện là phải chủ động di chuyển, nếu như một mực không có người ghi danh, vậy chúng ta chỉ có thể nói với quan phủ là không ai nguyện ý đi, đến lúc đó liền không được hưởng quyền lợi như vậy đâu.” Tộc lão đáp lại.

Sau khi mọi người giải tán, ai cũng tâm sự nặng nề trở về nhà, chuẩn bị thương lượng với người nhà.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.