Như Mùa Đông Rơi Xuống

Chương 2: Bản tình ca màu blue



Hôm nay trời mưa rất to và rất lâu. Tôi ngồi trên xe buýt ngắm phố cứ nhòe đi qua ô cửa kính đầy nước, và ngắm cả những giọt nước liên tiếp vỡ trên mặt kính, tai nghe iPod, cuốn sách Mono ở trên gối. Tôi luôn mang theo cuốn sách này, và mở ra bất kỳ trang nào một cách ngẫu hứng, chỉ để đọc vậy thôi. Tôi đã đọc nó nhiều đến mức mạch truyện như được vẽ sơ đồ trong đầu, chỉ cần một tình tiết cũng có thể làm tất cả hiện ra, và các nhân vật nhảy múa trên đấy. Vô tình iPod vang lên những giai điệu tuyệt hay của Wake me up when September end, Green Day hát. Những ký ức theo đó chợt ùa về trong tôi. Vẹn nguyên.

****************************

Giữa năm lớp 11, bố tôi được thuyên chuyển công tác, bố mẹ tôi chuyển nhà, tôi cũng vì thế mà phải chuyển trường theo. Thật sự mà nói, điều này chẳng thích thú chút nào. Chia tay bạn cũ và làm quen với những người bạn mới không phải là việc dễ dàng gì với một đứa khó kết bạn như tôi. Vốn dĩ tôi là đứa ít nói, lại có vẻ lơ đãng, lúc nào cũng như đang lửng lơ ở đâu đó trong thế giới của riêng mình và người khác ngại bước vào. Chưa đi học nhưng lúc sắp xếp lại hành lý trong căn phòng mới, tôi đã hình dung được quãng thời gian cô độc trong những ngày đầu mới đến.

Chỗ ngồi của tôi ở cạnh cửa sổ, có thể trông ra khoảnh sân trồng hoa và tán phượng xanh rì. Ngồi cùng bàn với tôi là một cậu con trai. Ngay ngày đầu tiên tôi đến, cậu đã mỉm cười chào và nói.

– Xem ra bạn sẽ cứu mình khỏi kiếp ngồi một mình rồi. Chào mừng đến với trường mới.

Tôi khẽ mỉm cười chào lại.

– Bạn tên gì?

– Mình là Mai Khanh.

– Chúng ta cùng tên đấy. Tớ là Huy Khanh.

Huy Khanh luôn ngồi một mình từ lúc vào học cấp ba đến giờ. Vì thế cậu ấy gọi tôi là kẻ cứu tinh, cứu rỗi…..bất cứ từ nào. Tôi biết cậu ấy chỉ đang cố gắng để tôi cảm thấy dễ chịu. Mà đúng là tôi cảm thấy những lo lắng về hòa nhập đã không còn nữa. Tôi cảm thấy dễ chịu thật sự.

Học một thời gian, tôi nhận ra Huy Khanh được rất nhiều bạn nữ thích. Họ nhìn trộm cậu ở bất cứ đâu. Trong lớp, trên sân bóng, trong căng tin…. Họ cũng hay giả vờ nhờ cậu chỉ bài hộ hoặc tặng một món quà nhân dịp nào đó. Có lẽ vì Khanh là một cậu bạn điển trai với cặp mắt màu nâu ấm, đôi môi trẻ con lúc nào cũng mỉm cười. Cậu hay trêu đùa mọi người, nhưng cũng rất tốt bụng.

Tôi nhận ra mình cũng thích Khanh. Nhưng không phải vì tất cả những lý do đó. Chúng chỉ là một phần thôi. Khanh không giống bất cứ một cậu bạn nào tôi gặp trước đây. Khanh giúp tôi trực nhật, không ngại phải cầm chổi. Có lần cậu còn mang giúp tôi cái cặp to đùng đầy sách vở lên cầu thang. Cậu chu đáo và đáng tin cậy. Cậu làm tôi bật cười thoải mái. Cậu làm tôi bối rối. Những xúc cảm kỳ lạ đó, lần đầu tiên tôi biết đến. Nhưng tôi không biểu lộ ra ngoài, cũng không giả vờ nhờ cậu chỉ bài giùm. Đơn giản, tôi để cảm xúc yên lặng trong lòng.

Chúng tôi rất hay nói chuyện với nhau. Và một lần, chúng tôi phát hiện ra cả hai cùng thích món bánh mì trong căng tin: nhồi nhiều trứng cút và chả, nước mắm nêm mặn một chút. Tôi thích nhất hình ảnh Khanh ôm cây đàn ghi ta mượn được trong phòng chơi nhạc của trường và gảy lên những giai điệu tuyệt diệu vào mỗi giờ chơi. Cậu chỉ chơi đàn, không hát. Chỉ duy nhất một lần cậu hát Wake me up when Steptember end với giọng trầm ấm. Thỉnh thoảng, cậu chơi đàn, còn tôi hát. Những lúc như thế, tôi có cảm giác chúng tôi là một đôi. Và chỉ cần như thế là đủ.

********************

Hôm sinh nhật tôi, mưa rơi. Mưa từ tiết ba và đến tận lúc tan học vẫn không có dấu hiệu tạnh. Tôi đứng ở cuối cầu thang, nhìn ra màn mưa trước mắt đầy âu lo, vừa có chút gì đó lơ đãng. Khanh đến bên cạnh tôi tự lúc nào, nói bằng giọng châm chọc như mọi hôm.

– Hình như có một kẻ sợ mưa ướt ở đây này.

– Cậu cũng thế thôi.

– Đâu. Tớ có áo mưa mà.

Khanh lấy trong cặp ra hai cái áo mưa còn mới nguyên, đưa cho tôi một cái.

– Mới mua trong căng tin đấy. Mặc vào đi. Khanh về cùng không, tớ cho đi nhờ xe? Nói trước, xe đạp thôi đấy nhé.

– Tớ đi xe buýt được rồi.

– Mặc nguyên áo mưa à? Ý kiến tệ quá đấy. Quyết định vậy đi, tớ sẽ cho cậu đi nhờ xe và không lấy tiền công.

Tôi lúng túng mặc áo mưa. Chợt Khanh à lên như thể nhớ ra điều gì đó. Cậu lấy từ trong cặp ra một gói quà.

– Chúc mừng sinh nhật!

Tôi lúng túng lần nữa, đến nỗi nhận gói quà mà ngay lời cảm ơn cũng không nói ra được. Không biết tại sao cậu ấy biết sinh nhật mình nhưng cũng chẳng dám hỏi. Những cô bạn khác đang đứng trú mưa ở cuối cầu thang nhìn tôi đầy ghen tị. Tự dưng tôi thấy vui vui.

Món quà là một cuốn sách có tựa Mono, tác giả là một nhà văn Đức. Nói chung, tôi thấy cuốn sách rất dễ thương. Nó gần giống như một câu chuyện cổ tích mang hơi thở hiện đại vậy. Khanh nói rằng tôi giống cô bé Mono đó lắm, lúc nào cũng có vẻ lơ đãng, nhưng lại rất dịu dàng.

*********************

Có một điều ạ lùng về Khanh mà mãi sau này tôi mới để ý. Khanh thỉnh thoảng lại xin nghỉ ốm. Có lần chỉ một, hai ngày, có lần lâu hơn. Mới đầu tôi không chú ý nhưng thấy Khanh cứ nghỉ mãi, tôi tò mò. Một lần tôi hỏi.

– Khanh bị ốm gì đấy?

– Không có gì, chỉ ố vặt thôi.

Nhìn gương mặt không tin nổi của tôi, Khanh nhún vai theo kiểu ôi-tớ -thua-rồi và thì thầm.

– Thật ra, tớ vờ ốm thôi. Để hoàn thành nốt chiếc máy bay tớ đang làm dở.

Tôi tròn mắt nhìn Khanh. Biết rằng đó chỉ là một lý do vớ vẩn, một lời nói đùa của cậu. Nhưng trong ánh mắt lại lấp lánh một niềm yêu thích khó tả. Có lẽ Khanh thích máy bay.

– Vậy khi nào cậu hoàn thành nó rồi thì cho tớ đi nhờ nhà về nhé. Đi xe đạp chậm lắm.

Tôi kết thúc vấn đề ở đó vì biết cậu sẽ không nói lý do nghỉ học. Đến lượt Khanh trong mắt nhìn tôi. Rồi cậu chống cằm nhìn tôi và nói.

– Nói chuyện với Khanh thích thật!

Tôi thấy mặt mình nóng bừng lên. Và tôi vờ như đang cặm cụi ghi chép.

Một hôm, Khanh lại ngỉ ốm, hẳn một tuần. Mãi không thấy cậu ấy đi học. Tôi lo lắng đến nhà tìm. Lúc đó tôi mới biết cậu ấy đang ở bệnh viện.

Khanh bị ốm nặng. Thể chất vốn yếu hơn người bình thường. Tôi chẳng rõ đó là bệnh gì, nhưng cậu ấy không đến trường nữa mà ở bệnh viện để theo dõi. Tôi hay đến thăm. Có những hôm, cậu vui vẻ nghe tôi kể chuyện, hoặc cậu kể chuyện. Cũng có những hôm cậu không nói gì, chỉ trầm tư. Những lúc như thế, tôi lặng lẽ ngồi cạnh, xếp những chiếc máy bay giấy đủ màu và để vào một cái hũ thủy tinh cho cậu.

Có hôm Khanh khỏe, trở lại trường học. Chiều hôm đó tan học, tôi và cậu ấy ở lại trên tầng ba, phóng những chiếc máy bay giấy mà tôi đã gấp bay khắp trường. Những chiếc máy bay chao liệng, nương theo gió đi thật xa. Khanh cười tươi. Cậu bảo rằng khung cảnh này thật đẹp, và cậu muốn nhớ mãi.

Mấy hôm sau, Khanh nghỉ học. Cậu ấy lại phải nhập viện. lần này, bệnh cậu trở nặng đến mức giáo viên phải thông báo có lẽ cậu ấy sẽ nghỉ học khá lâu.

*******************

Một hôm, như mọi hôm, tôi đến bệnh viện. Khi tôi đến, Khanh nằm đó, trên giường bệnh trải drap trắng, gần khung cửa sổ nắng chiếu vào mơ màng. Tôi ngồi cạnh, đọc sách, và gấp máy bay giấy. Trong nắng, hình ảnh của Khanh như nhạt dần rồi sẽ biến mất. Tôi cảm thấy một sự sợ hãi mơ hồ. Trong vô thức, tôi nắm chặt tay Khanh. Cậu bạn ra hiệu bảo tôi lại gần. Tưởng cậu định nói gì, tôi cúi gần xuống. Bất ngờ, một bụ hôn lướt nhẹ qua môi. Tôi sững sờ nhìn Khanh. Cậu chỉ mỉm cười dịu dàng. Tự dưng tôi muốn bật khóc như một đứa trẻ.

****************************

Sau này, tôi không còn gặp lại Khanh nữa, dù muốn hay không. Cuộc sống trở về với nhịp điệu thường ngày. Tôi cũng bận rộn với những dự định riêng. Nhưng tôi không bao giờ quên Khanh. Hình ảnh cậu in sâu trong tâm và nụ hôn đầu vẫn vẹn nguyên sự dịu ngọt của nó. Thỉnh thoảng, mỗi lần đọc lại cuốn Mono, hay nhìn mưa rơi, tôi lại như thấy khung cảnh quen thuộc năm xưa. Và như thấy cậu, vẫn hình ảnh không bao giờ đổi. Bên cạnh cửa sổ lớp học trông ra tán phượng xanh rì, cậu đang ôm đàn và hát Wake me up when Steptember end với giọng rất ấm.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.