Nhiếp Chính Vương

Quyển 4 - Chương 67



Những ngày tháng đó như gió đưa cành lá, mưa rơi trên thềm, trong cái bình yên có chút giao động khẽ khàng.

Cái tên Diêu Thư Vân đã gần như bao phủ trọn thời niên thiếu của Bản Vương.

Cùng đi học, cùng tan trường, cùng đọc sách luyện chữ, cùng trốn học đi chơi, cùng nằm trên sườn núi ngắm mây trôi lững lờ.

Những ngày ấy, đối với một kẻ trải qua bao lần luân hồi thì quả là chóng vánh.

Chóng vánh đến nỗi Bản Vương còn kịp chớp mắt, Thư Vân đã từ một thiếu niên môi hồng răng trắng, ngây ngô mười hai, mười ba tuổi trở thành một thanh niên như ngọc.

Dung mạo ấy, phong độ ấy, học thức ấy, ở Kinh Thành cũng đứng nhất đứng nhì.

Mỗi lần phụ vương nhìn hắn đều thở ngắn than dài, “Nom thế kia mà sao không phải con gái chứ, nếu là con gái đã làm con dâu ta rồi.”

Là mỗi lần Diêu Thư Vân lại nheo cặp mắt hồ ly, cười đến đáng khinh, “Nếu thế bá không chê, Thư Vân nguyện làm con dâu bưng trà rót nước cho ngài.”

Phụ vương lại chỉ cho là một câu bông đùa thì bật cười khà, “Ngoan, ngoan lắm, Bản Vương nào dám chê, mừng còn chả kịp.”

Và thế, Thư Vân lập tức vuốt đuôi, mặt dày gọi ngọt: “Nhạc phụ.”

Bản Vương giơ chân đạp hắn một nhát, bảo: “Sao lại gọi là nhạc phụ.”

“Gọi sai rồi à?” – rồi hắn như bừng tỉnh ngộ, tức thì đổi ngay, mặt dày mày dạn hô: “Bố chồng.”

Bản Vương: …

Khi đó, ta còn chưa thành “Đại gian vương”, chỉ làm một văn sĩ giỏi văn chương, phong thái tiêu diêu, ở Kinh thành cũng rất được chào đón.

Mỗi độ đạp thanh, Diêu Thư Vân sẽ gảy một khúc giữa rừng hoa rực rỡ, và Bản Vương thì ngồi ngay cạnh hắn vẽ cảnh non nước hữu tình.

Nếu không phải vì cả hai đều là nam tử thì quả là có cảm giác như đôi thần tiên quyến lữ.

Hết một khúc “Túy Xuân”, Diêu Thư Vân lại nhận được cả núi đào của các thiếu nữ xuân xanh đưa tới. Núi đào không có hoa đào, các nàng chẳng thể lấy hoa làm đính ước, chỉ đành cầm cành không thay thế.

Mà tài tử anh tuấn ngang ngửa ta đây cũng nhận được không ít, nhân lúc thời tiết chan hòa, tâm trạng sảng khoái, Bản Vương bèn đùa rằng: “Nhận sự ái mộ của các tiểu thư đây, nhưng tiếc là trong lòng Nhạc mỗ đã có người, không thể đáp lại tấm chân tình của các vị, thật là có lỗi.” – đoạn cũng bẻ một cành đào, tặng cho Diêu Thư Vân, “Ba ngàn dòng nước chỉ múc một bầu, vạn đóa hoa tươi chỉ nguyện hái một bông.”

Và kẻ lúc nào cũng mặt dày mày dạn, cà lơ phất phơ chòng ghẹo Bản Vương ấy lại bất ngờ đỏ mặt. Vươn tay nhận cành đào, “Lòng ta cũng thế, biển người mênh mang, chỉ gắn bó một người.”

Bản Vương cười với hắn, hắn thâm tình nhìn ta.

Sau đó cả hai đều quay lưng, đồng thời làm động tác nôn mửa.

Đó vốn chỉ là một câu bông đùa, Bản Vương hiểu, Diêu Thư Vân hiểu, quần chúng đứng xem cũng hiểu.

Vậy mà chính lời đối thoại “Tình thâm ý nặng” ấy lại lan truyền khắp nẻo Kinh thành, càng truyền càng tam sao thất bản, cuối cùng lại thành “Thanh mai trúc mã, tư định chung thân”, “Núi đào làm mai, kết đôi ân nghĩa” hay “Đắng khổ bao năm, cũng thành gia quyến”, “Tình ý miên man, tay nắm trọn đời” …

Từ đó về sau, cứ mỗi lần Bản Vương và Diêu Thư Vân ra ngoài cùng nhau là y như rằng bị các cô dì thím thẩm chúc mừng tới tấp: “Nhị vị thiếu gia, cung hỉ cung hỉ.”

Bản Vương thì rối rắm, Diêu Thư Vân thì tươi như hoa, vừa liến thoắng “Cảm ơn”, miệng vừa toét lên tận mang tai.

Bản Vương không hiểu rốt cuộc thì hắn vui vì điều gì, nhưng thấy hắn rạng rỡ tràn ngập nét cười, ta cũng khẽ nhếch môi theo.

Đàn đúm với Diêu Thư Vân lâu dần, một tội tiên “Không nhiễm khói lửa nhân gian” ta đây dường như cũng ngày một tiếp đất.

Những đời trước, vì tàn tật mà không ai đoái hoài sống chết, ta tự ngăn cách mình khỏi thế gian, giam hãm bản thân trong một góc, đần độn sống hết đời.

Đến khi chết cũng trơ lỳ qua cầu Nại Hà, bước vào kiếp luân hồi tiếp theo.

Cho tới giờ, Bản Vương vẫn chưa từng gặp người hay vật nào đáng để trả giả bằng tình cảm.

Dù sao sau mỗi kiếp luân hồi kết thúc, người và vật đều trở thành quá khứ. Nếu đã vậy thì tội gì phải lãng phí tình cảm để nhớ việc chỉ xảy ra trong chớp mắt rồi lại mấy mất đời mới nguôi ngoai.

Bản Vương đã ôm ý định đó bước qua hết kiếp này đến kiếp khác.

Trông thì lạnh lùng và thanh thoát, nhưng nội tâm lại cô đơn và lạnh lẽo vô vàn, chỉ có chính ta tự biết.

Trớ trêu thay, đời nay Bản Vương lại gặp gỡ một người như thế, hắn không ngại bản tính lạnh lùng và vô tình của ta, cứ mặt dày mày dạn kéo ta vào giữa vạn trượng hồng trần.

Để từ ấy, ta không còn là người đứng xem, mà trở thành một người trong cuộc.

Và trong chốn hồng trần ấy, mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi vật, rốt cuộc cũng tạc vào trái tim.

*

Năm hai mươi sáu, lại một ngày xuân xanh, nước chảy đưa hoa.

Nhân lúc rảnh rỗi, Bản Vương cùng Diêu Thư Vân đứng trên cầu đá xem trận đua thuyền rồng tổ trước hàng năm.

Lúc đó, Diêu thư Vân đứng giữa đám đông chật chội vẫn nổi bật dáng người cân xứng như ngọc, phong thái nhởn nhơ mà tự tại. Vì tướng mạo anh tuấn, thần thái phiêu diêu mà dù đang lười biếng cắn hạt dưa cũng khiến người ta thấy thật đẹp mắt.

Trận đua thuyền rồng kéo dài từ buổi trưa cho tới hoàng hôn mới chấm dứt.

Diêu Thư Vân phun phì phèo vỏ hạt dưa, nhìn dòng người qua lại tấp nập, lại vươn vai, nhìn về phía chân trời ráng đỏ.

Đằng xa như một bức tranh sơn thủy phồn hoa, nơi gần lại như một bức họa người vật thanh nhã.

Bản Vương sóng vai cùng ngắm nhìn mấy chiếc thuyền hoa lác đác trên sông, hỏi: “Học vấn của ngươi rất tốt, sao không ứng khảo công danh?”

Hắn chỉ cười khẽ, “Làm quan có gì hay đâu, ngày nào cũng đi sớm về khuya, bổng lộc thì còi cõm, ngày tháng chả yên thân, việc gì phải khổ.”

Mỗi người một chí hướng, Bản Vương cũng không nói gì.

Chẳng qua năm mới vừa sang, phụ vương đã đột ngột về trời, một kẻ chẳng tha thiết Triều chính như ta lại phải cáng đáng chức Vương gia.

Làm một gã Nhiếp chính Vương quyền to chức trọng, một vị quan mà tiểu Hoàng Đế Yến Cửu hết mực tin dùng, tưởng như phất lên cao lắm, thực chất lại chẳng được sống yên.

Chính vào lúc ta bị tứ phía gây thù chuốc oán, lao lực cả sức người sức của, thì Diêu Thư Vân, người vẫn nói chẳng thiết làm quan lại đột nhiên báo danh khoa cử, sau khi thi Hương, thi Hội, lại trúng giải Nguyên, hắn tiếp tục tham gia kỳ thi Đình.

Chỉ tiếc đêm trước cuộc thi, vì ăn vớ ăn vẩn mà đau bụng, đang thi mới chỉ làm được có nửa bài văn đã vứt bút chạy thẳng vào nhà xí.

Đến khi Yết Bảng, hắn chỉ đỗ Thám Hoa, nhận chức Hộ bộ Lang trung.

Nhưng rõ ràng với hắn vậy không đủ, hắn dùng tất cả bản lĩnh và đủ mọi thủ đoạn, cuối cùng từ Hộ bộ chuyển vào Hình bộ, từ Lang trung thăng lên Thị lang.

Vì thủ đoạn quá tàn nhẫn lại chuyên bới móc chuyện gièm pha của người khác mà ngay cả quan trên của hắn là Hình bộ Thượng thư cũng không thể không nể mặt, chẳng mấy chốc toàn bộ Hình bộ đã gần như bị Diêu Thư Vân soán quyền.

Nhưng hắn vẫn chưa dừng ở đấy, lúc nào cũng thèm thuồng vị trí của Triệu thừa tướng mà nghiến răng ken két: “Cái lão sống dai đó già lắm rồi sao không cáo lão hồi hương nhường vị trí đó cho ta đi chứ.”

Bản Vương không hiểu, một người sinh ra đã phóng khoáng tự do như hắn sao tự dưng lại thay đổi tâm tính, cố chấp tuy danh trực lợi, thăng quan tiến chức như thế.

Nhưng có một điều mà Bản Vương rõ hơn ai hết, từ khi hắn làm Hình bộ Thị lang thì cuộc sống của ta thoải mái hơn rất nhiều.

Đám quan lại phản đối ta kịch liệt nhất đều bị bỏ tù, số hay tát nước theo mương dường như cũng bị Diêu Thư Vân uy hiếp mà đột nhiên lên tiếng nói đỡ cho Bản Vương.

Cục diện đổi dời quá đột ngột làm nhất thời Bản Vương cũng không kịp thích ứng.

Còn hắn, sau từng ấy hành động gió giật mưa rền chẳng khác nào bứt lông trên mình cọp. Muốn đối phó với tiểu quan lại còn được, nhưng muốn đối đầu với đám đại thần thì chẳng khác nào trứng chọi đá.

Và khi đám quyền thần cáo già kia muốn hất cẳng Diêu Thư Vân, đến lượt Bản Vương đứng ra bảo vệ hắn. Có câu ‘Diêm Vương dễ gặp, tiểu quỷ khó chơi’, nếu hắn đã dùng mọi thủ đoạn loại trừ tiểu quỷ giúp ta, vậy đám Diêm Vương tai to mặt lớn này cứ để Bản Vương đứng ra đối phó.

Nhất thời, các thế lực trong Triều đạt đến sự cân bằng vi diệu.

Sự cân bằng này tưởng như không thể phá vỡ, nhưng ai biết được một ngày nào đó ta bị thất sủng, sự cân bằng này có sụp đổ, đẩy ta vào họa sát thân hay không.

Bản Vương từng đi tìm Thư Vân nhắc nhở hắn hành xử khéo léo hơn, việc gì cũng phải chừa cho mình một lối thoát, đừng vì ta mà dấn thân vào nguy hiểm.

Hắn lại chỉ cười đáp rằng: “Ngay khi đặt một bước vào chốn quan trường, ta đã chuẩn bị sẵn tư tưởng có thể chết bất cứ lúc nào.” – rồi bỗng hắn toét cười, lại bắt đầu ngả ngớn, “À mà Vương gia này, nếu một ngày nào đó ta chết thật, ngươi sẽ khắc gì trên bia mộ của ta? Vong phu, hay là vong thê?”

Bản Vương rùng mình, “Hồng nhan, tri kỷ…”

Hồng nhan tri kỷ.

Như thân tình, như hữu tình, như ái tình.

Lại không phải thân tình, không phải hữu tình, không phải ái tình.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.