Người Phiên Dịch

Chương 47



Kiều Phi

Ông Hoàng đã tỉnh lại, ông ta đưa mắt nhìn tôi, dường như đã nhận ra tôi: “Cảm ơn em, cô bé, nếu không có em thật không biết đã ra sao rồi”.

Mặc dù mới phẫu thuật xong nhưng chất giọng phương Bắc đặc trưng của ông ta vẫn oang oang. Có thể thấy được ông ta rất khỏe.

Tôi hỏi: “Chú à, sao không biết tiếng Pháp mà chú vẫn một mình tới Paris vậy?”.

“Ừ”.

Ông ta thở dài một tiếng rồi trả lời.

“Kiếm cho anh một điếu thuốc được không?”

“Đừng đùa nữa, đây là bệnh viện, đến cháu còn không được hút nữa là chú”.

“Vớ vẩn, lại là lũ quỷ Tây thất đức đó”

Tôi nghĩ thầm, mạng của chú chính là do lũ quỷ Tây đó cứu đấy, vậy mà còn nói người ta như thế. Thật là thô lỗ.

“Chú có việc gì không? Cháu phải đi tìm Đại sứ quán hay tới công ty của chú đây? Có ai chăm sóc chú không?”

“Không cần đâu. Tìm ai cũng vô dụng mà thôi. Anh không tin đám người đó. À, em không sống ở đây phải không?”

“Cháu là lưu học sinh, cháu sắp về nước rồi. Cháu cũng vừa mới nằm ở viện này, hôm cháu xuất viện thì chú được đưa vào, nên cháu mới ở lại để giúp thôi. Vé máy bay đã đặt sẵn, cháu phải về nước.” Tôi đáp lại, đã kéo dài lâu như vậy rồi, tôi phải về trường lấy chứng chỉ tốt nghiệp thôi.

“Sao em không có chút đồng cảm nào vậy?”

“Chú còn muốn cháu phải đồng cảm như thế nào nữa?”

Ông ta cười rồi nói: “Đùa chút thôi, anh sợ không có thời gian để cảm ơn em nữa kìa”

“Không cần đâu”. Tôi nghĩ một lát, “Cháu sẽ tới khu người Hoa tìm cho chú một hộ lý đặc biệt, nơi đó có rất nhiều phụ nữ trung niên, biết làm việc lại biết cả tiếng Pháp nữa”.

“Thế thì lại phiền em nữa rồi. Em tìm giúp anh một người nhanh nhẹn, dễ coi một chút, tiền nhiều hay ít không thành vấn đề”.

“Cháu sẽ cố”.

Tôi đi tàu điện ngầm tới khu phố của người Hoa cạnh quảng trường Ý. Ở đó có rất nhiều người Hoa tới đây lao động với thân phận dân tị nạn. Tôi giúp chú Hoàng tìm một chị vốn là y tá khi còn ở TQ, chợt tôi nhớ tới mấy câu dặn dò của ông ta, chỉ có mấy câu thôi mà đã lộ rõ ý đồ. Người tôi tìm hơn bốn mươi tuổi, rất phù hợp với ông ta.

Mặc dù đang cắm ống xông trên mũi nhưng ông Hoàng vẫn trợn mắt nhìn tôi: “Chẳng phải tôi đã nói là tìm một người dễ coi một chút kia mà”.

“Chú cũng lắm chuyện thật đấy. Chú tưởng đây là đâu chứ? Tìm được người thạo việc mà lại còn biết nói tiếng Pháp là tốt lắm rồi. Thôi cháu đi đây, ngày kia cháu về nước rồi, tạm biệt chú”.

“Cô bé, anh còn có chuyện muốn hỏi em”.

“Chú nói đi”

“Em về nước là…”

“Cháu tốt nghiệp rồi, về nước tìm việc”. Tôi đáp.

“Em tìm công việc như thế nào?”

“Cháu học phiên dịch, chuyên ngành dịch”

“Việc này anh giúp được em. Sau khi khỏi bệnh anh cũng về nước. Đây là danh thiếp của anh, em hãy tới Thượng Hải tìm anh, anh sẽ bố trí công việc cho em”.

Tôi nghĩ một lát, nhưng chưa trả lời.

Ông Hoàng lại nói tiếp: “Em không tin phải không? Em không biết anh làm gì đúng không?”

Con người này thô tới mức không thể thô hơn được nữa, sao lại có thể làm cố vấn kĩ thuật của công ty Michellin được chứ? Tôi không biết chú làm gì ư? Tôi biết chú chỉ còn nửa lá gan, bị tiểu đường, nhóm máu AB.

“Em còn phân vân điều gì nữa? Tiền lương thì em chỉ cần cho anh một con số, em đã từng cứu mạng anh, điều này có là gì đâu? Em cũng nên biết có rất nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp muốn tới các công ty lớn ở Thượng Hải làm việc”.

Xem ra cũng hấp dẫn thật, dù sao đây cũng là một sự lựa chọn, tôi nói: “Được thôi, chú cho cháu cách thức liên lạc đi. Cháu cũng để lại số điện thoại cũng như cách liên lạc ở TQ cho chú”.

Ông Hoàng đưa danh thiếp cho tôi, dưới danh thiếp là một tập tiền. Tôi nhận lấy, đúng là rất nhiều tiền.

Ông ta nhìn tôi rồi nói: “Số tiền này em hãy cất đi, nếu không gặp em, không có em liên lạc với bác sĩ Trình thì giờ này anh đã chết ở đây rồi”.

Người này thật chẳng ra sao, hơn năm mươi tuổi rồi, còn xưng anh với tôi nữa chứ.

Tôi cầm xấp tiền trong tay, nghĩ mình cũng đã bỏ công bỏ sức rất nhiều, nên cũng có thể yên tâm cầm tiền.

“Học viện Ngoại ngữ Quốc gia? Chả trách nào…”

Tôi tạm biệt ông ta, rồi rời bệnh viện, hai ngày nữa tôi phải về nước rồi. Thế là sắp kết thúc cuộc sống lưu học sinh ở Pháp. Tôi nghĩ mình cũng nên cám ơn ông Hoàng. Bởi trước khi rời khỏi đâội làm được một việc tốt. Những tháng ngày vui vẻ trước kia của tôi đã kết thúc theo cái chết của ZuZu rồi.

Tôi đi về hướng Versailles, tạm biệt hàng phong đỏ với những giọt sương trắng long lanh. Trước khi về nước, tôi mua rất nhiều hoa tới thăm mộ của ZuZu, rồi thì thầm với anh rằng sau này em sẽ chơi ván trượt, em sẽ lại tới thăm anh, và mãi mãi nhớ anh.

Đặt chân lên đất TQ, nhẩm tính chênh lệch thời gian bất ngờ nhận thấy trong cuộc đời đã thiếu mất một ngày.

Xuất cảnh, nhập cảnh, một chân trời mới.

Hành khách trên sân bay Thủ Đô rất đông, nhìn thấy khuôn mặt của đồng bào, họ nói thứ ngôn ngữ thân thuộc nhất, có người đoàn viên, có người chia xa, những tiếng cười xen lẫn nước mắt, và cả những khuôn mặt vô cảm, tôi như gặp lại cảnh tượng năm xưa khi tôi ra đi. Sân bay giống như một xã hội thu nhỏ.

Trước tiên tôi gọi điện cho cô hàng xóm ở quê, tôi nhờ cô ấy báo cho bố mẹ biết tôi đã bình an trở về. Sau đó về trường báo cáo.

Ngẫu nhiên lại vào Chủ nhật, trong khu giảng đường không có ai. Tôi kéo hành lí về phía kí túc xá. Đi ngang qua sân tập, ở đó đang rất náo nhiệt, một số bạn đang chơi bóng rổ, còn các cổ động viên thì cổ vũ ầm ĩ.

Tới lúc này tôi mới thấm mệt, đặt hành lý xuống định nghỉ một chút. Vừa nghỉ vừa xem trận đấu, tôi chưa kịp ngồi xuống đã nghe thấy đằng sau có tiếng: “Cấm phóng uế bừa bãi!”.

Tôi tức giận, liềm quay lại kẹp chặt cổ của người đó: “Nói ai đấy? Cậu nói ai đấy hả Ba Ba? Một năm nay mình không xử lý cậu, cậu lại to gan rồi đấy nhỉ?”

Cô nàng đẩy mạnh tôi ra, một năm không gặp công phu của cô nàng đã tới mức này rồi. Cô nàng nhắc khéo: “Vẫn còn mặt mũi mà nói kia đấy. Cậu về lúc nào mà không báo cho mình một tiếng, cả thế giới này cứ tưởng cậu đang mất tích kia đấy”.

Chúng tôi vừa hét lên vừa ôm chồm lấy nhau, Tiểu Đơn đột nhiên xuất hiện. Cô nàng bắt chước giọng của Crayon- Shin Chan: “Sao khắp nơi lại thả cho động vật phóng uế bừa bãi ra thế này? Lại còn trêu đùa nhau trong phòng vệ sinh nữa chứ?”

Tiểu Đơn nói: “Ba bông hoa chúng ta lại được ở cùng nhau rồi”.

Tôi nhắc: “Ba bông hoa, quê quá, phải nói là ba kiếm khách”.

Ba Ba chêm vào: “Cậu mới quê thì có. Rõ ràng là ba quả núi chứ”.

Sắp tốt nghiệp rồi, chuyện công việc về cơ bản đã được sắp xếp ổn thỏa. Tiểu Đơn làm tại Tổng công ty Du lịch Thanh Niên, Ba Ba trúng tuyển làm phiên dịch cho hãng hàng không Pháp, lương cao chót vót khiến mọi người đều ngưỡng mộ. Các bạn trong lớp tôi đều đã tìm được công việc tốt. Họ hỏi về công việc của tôi- con người lúc nào cũng đến muộn về sớm. Tôi vẫn nói chưa có nơi chốn nào, họ đều an ủi rằng Kiều Phi học giỏi nhất lại mới đi du học về, chắc chắn sẽ tìm được một công việc tốt mà chẳng có bất kỳ trở ngại nào. Có điều bây giờ sinh viên và du học sinh mới tốt nghiệp quá nhiều, việc ít người nhiều nên cũng phải nhanh chân lên mới được. Qua tháng Bảy, một khi đã hoàn tất mọi thủ tục ở trường, hồ sơ được gửi về quê, tới lúc đó có muốn được điều về thành phố cũng rất khó khăn.

Chúng tôi nói về chuyện này trong bữa tiệc chào đón tôi trở về. Nghe các bạn nói chuyện tôi bỗng cảm thấy vô cùng sốt ruột. Cứ tới đâu hay tới đó như thế này, rồi lại sắp tốt nghiệp rồi, cuộc sống sau này không biết phải làm sao đây?”

“Cậu muốn tìm công việc như thế nào?” Một bạn nam hỏi tôi, “Nói đi, bọn mình sẽ lưu ý tìm giúp cho”.

“Mình cũng không rõ nữa, có lẽ mình sẽ đi Thượng Hải xem tình hình thế nào, cũng có thể sẽ có cơ hội tìm được một công việc tốt ở đó. Có điều mình vẫn muốn làm phiên dịch chuyên nghiệp”.

“Được làm phiên dịch chuyên nghiệp cũng đáng nể đó, có điều…” Một bạn nam khác nói xen vào, “Bây giờ chúng mình tìm việc, đa số đều gắn với một nghiệp vụ cụ thể, tiếng Pháp chỉ là phương tiện để hỗ trợ hoặc là yêu cầu căn bản mà thôi”.

“Có bạn còn tìm được việc mà chẳng dùng gì tới tiếng Pháp nữa”. Một bạn khác nói thêm. “Bạn ấy làm đại lý cho một hãng dược phẩm cho Quảng Châu, có thể nói là vĩnh biệt tiếng Pháp luôn”.

“Bốn năm ngồi trên ghế nhà trường, kỳ thực cũng chỉ là nền tảng cơ bản mà thôi. Quan trọng là phải quen biết rộng, biết ăn nói và làm được việc. Sau này làm trái ngành có khi lại kiếm được nhiều tiền hơn ấy chứ”.

“Đúng, chúng mình uống rượu đi”.

Mọi người đều nâng cốc.

Tôi đã uống rất nhiều, tâm trạng vừa vui lại vừa buồn. Có thể nói mọi người trong lớp tôi sống với nhau rất tình cảm, bây giờ khi tôi trở về, chúng tôi lại sắp phân tán mỗi đứa một phương.

Thời đại học, bầu trời xanh quá, thời gian hãy trôi đi thật chậm.

Có điều không bao giờ có thể trở lại được nữa.

Đêm đó, tôi nằm mơ, dường như mọi tình tiết tôi đều quên hết. Tôi chỉ nhớ mình cứ liên tục nói tạm biệt, tạm biệt, tạm biệt…nói mãi tới tận sáng hôm sau.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.