Đường đi Võ Đang sơn xa xôi, trắc trở, nhưng nhờ vậy Nguyên Huân học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm giang hồ. Tiết trời tháng Sáu oi nồng, vì vậy nỗi mệt mỏi của chàng tăng thêm. Trên đường đi, được nghĩa phụ chỉ dạy, và kinh qua những điều gặp gỡ, được nhìn, được nghe, Nguyên Huân dần dà nắm vững tình hình võ lâm Trung Thổ một cách khái quát: những bang phái, những đại gia tiếng tăm, những liên hệ chồng chéo giữa những giao hảo và oán thù trong hai đạo Hắc, Bạch, một thực thể vô ích trong một bối cảnh nghèo đói, bất công và áp bức, một xã hội quá nhiều chênh lệch giữa giai cấp nghèo hèn và giàu có, quan lại và lê dân, những bóc lột trắng trợn, những sưu cao thuế nặng… Võ lâm Trung Nguyên cũng đã góp vào đây không nhỏ những bất hạnh của dân đen đói nghèo. Trộm cướp, chém giết và pháp luật ở trong tay của vua quan, của những người giàu có, thế lực, và cả những bạo lực.
Dân bản xứ đã bị đối xử như thế làm sao dân tộc Đại Việt của chàng lại không chịu đựng những bạo tàn gấp trăm lần hơn. Lòng Nguyên Huân quặn đau khi những buổi chiều, đăm đăm nhìn về phương Nam, nơi quê hương thân yêu của chàng, cùng lúc, chàng cảm thông được Tổ quốc của Thúc phụ chàng đến tận cùng nỗi đau đớn trong trái tim và tâm hồn héo hắt của ông.
Trên suốt dọc đường đi, chàng đã gặp nhiều vụ thanh toán lẫn nhau trong giới võ lâm vì những lý đo rất tầm thường, cái sống chết của một con người phi lý đến mức chàng chẳng thể nào hiểu nổi.
Một hôm, Tiêu Đại Hùng và Nguyên Huân đến địa phận Võ Đang sơn thì trời đã về chiều, do đó, cả hai quyết định ngủ qua đêm trong một thị trấn nhỏ, cách Võ Đang sơn chừng năm dặm. Hai người thuê một căn phòng nhỏ trong một khách điếm, và sau khi đã dùng cơm tối, cả hai quyết định ngủ sớm để lấy lại sức sau bao ngày lặn lội. Nửa đêm, Nguyên Huân giật mình thức dậy vì có tiếng lao xao ở sân khách điếm, cả tiếng vó ngựa gõ trên sân gạch, tiếng thở phì phà của cặp ngựa, dấu tích của một chặng đường dài.
Tiêu Đại Hùng cũng đã thức giấc từ bao giờ, ông đang đứng nhìn ra từ cánh cửa sổ hé mở. Dưới ánh trăng nhạt, hai bóng người và cặp ngựa. Một trong hai người lên tiếng gọi cửa. Một lúc sau, tiểu nhị xách đèn ra, dưới ánh sáng của cây đèn lồng, một người trạc 40 tuổi, râu quai nón, cao lớn, người kia trê hơn, ăm mặc ra dáng công tử, người tầm thước, cả hai khoác sau lưng chiếc nón rộng vành. Khi một trong hai người quay lưng lại, thì mới thấy trên vành nón có một giải khăn trắng trông như khăn tang. Tiêu Đại Hùng nói :
– Họ là người Tứ Xuyên đấy!
– Sao Nghĩa phụ lại biết họ là người Tứ Xuyên?
– Thời Tam Quốc, Lưu Bị vào Tứ Xuyên vạch đất chia ba thiên hạ, Khổng Minh làm Thừa tướng, thi hành luật pháp khắc khe. Pháp Chính thấy vậy cản ngăn, Khổng Minh gạt đi lấy nghiêm minh mà trị dân, lấy tấm lòng mà thương yêu dân, lấy sự khiêm cung và bình dị mà đối đãi với mọi người, khổ trước cái khổ của dân, vui sau cái vui của dân, một lòng tận tụy quên mình. Từ đó đất giàu dân mạnh, khi ông qua đời, dân Tứ Xuyên để tang như cha mẹ, hết hạn không muốn bỏ đi. Tập tục ấy kéo dài đã một ngàn năm trăm năm, nên thấy dấu hiệu ấy, ta biết ngay gốc tích!
Tiểu nhị dắt cặp ngựa vào chuồng, lấy rơm cỏ cho ăn, người trẻ tuổi nói :
– Chúng ta đói bụng lắm! Có cái chi ăn không?
– Có một con gà quay hồi hôm và bánh bao thôi! Nếu quý vị cần dùng, để tiểu nhân hâm nóng lại!
– Khỏi cần, người mang cả lên phòng cho ta, cho rượu nữa!
Nói xong, người trẻ tuổi đi vào, một lúc có tiếng chân bước ngoài cửa và cửa phòng bên mở ra, ánh đèn chiếu qua khe vách ván.
Tiểu nhị! Nhanh lên nhé! Bọn ta đói lắm rồi đấy!
Một lát, rượu thịt được dọn ra, tiếng người trẻ nói :
– Tạ đại ca! Chiều mai hãy lên đường. Tiểu đệ mấy bữa nay mệt lả người!
– Cũng được, cũng chẳng cần kíp lắm. Từ đây đến Võ Đang sơn khoảng năm sáu dặm, nếu không bị cản trở, chúng ta đã đến từ chiều. Từ nay, Trương đệ đừng can dự đến việc của thiên hạ!
– Chuyện ấy Đại ca đừng nhắc đến nữa! Tạ đại ca! Danh của Võ Đang sơn lẫy lừng thiên hạ, võ công của Thất hiệp chắc phải cao siêu lắm. Đại ca có lần nào lãnh giáo họ chưa?
– Ngày họ thành danh ta còn nhỏ, có điều Trương tổ sư của Võ Đang phái võ công đứng vào đệ nhất thiên hạ, Thất hiệp thì không thể sánh bằng. Trong bảy người, tư chất có thể kế truyền y bát là Ngũ hiệp thì đã tự sát, Dư nhị hiệp là người võ công đứng hàng thứ hai, nhưng trên 20 năm nay không đi lại giang hồ, bế quan luyện công, giờ cũng đã già lắm. Danh tiếng của môn phái bị sứt mẻ rất nhiều vì đứa nghịch tử của Tống đại hiệp khiến Tống Viễn Kiều mất chân thừa kế Chưởng môn, và chức Chưởng môn lọt vào tay Dư nhị hiệp. Việc này có liên quan đến phái Nga Mi, nên từ đó hai môn phái này mất đi tình giao hảo.
– Có phải vì người họ Chu?
– Thôi, chuyện cũ đã gần 30 năm, Trương đệ nhắc lại làm gì, với lại không nên kết thù kết oán vì câu chuyện phiếm.
– À! Trương đệ có thấy gì lạ trên đường đi không?
– Tiểu đệ vô tình không để ý!
– Người của Cái bang, từ bọn ba túi trở lên, không thấy một ai. À phải rồi! Sắp đến rằm Trung Thu, Cái bang thường lệ cứ ba năm một lần đại hội, Sử bang chủ mới mất, lần này tuyển chọn Bang chủ chắc là trọng đại lắm!
– Dưới thời Hồng Thất Công, hơn trăm năm trước, Cái bang lừng lẫy, về sau này danh tiếng không còn mấy, tiểu đệ nghe gia phụ nói vậy!
– Phải rồi! Cửu Chỉ Thần Cái, còn được gọi là Bắc Cái, một trong Ngũ bá của võ lâm. Giáng Long thập bát chưởng ngoài Quách đại hiệp ra, không ai được chân truyền cả, các bậc trưởng lão chỉ biết được một hai thế đánh mà thôi, đó là phần thưởng Bắc Cái bang cho những kẻ có công. Mà Quách đại hiệp chỉ có một con trai, lại không ra gì. Riêng Quách Tường nữ hiệp, sau này là tổ sư của phái Nga Mi thì lại không được truyền thụ, vì thế mà thất truyền.
– Ngày trước tiểu đệ nghe nói Cửu Âm chân kinh được Quách đại hiệp giấu trong lòng Ỷ Thiên kiếm, Vũ Mục di thư thì trong Đồ Long đao, chả lẽ 18 thế Giáng Long lại không di dấu lại sao?
Cái đó, hơn trăm năm nay không thấy ai nhắc tới. Chẳng biết thế nào được!
– Dương Khiết Tâm là trung thần nhà Tống, sinh ra Dương Khang lại là kẻ dâm loàn, vô đạo, đến đời cháu lại thành danh, bây giờ còn nối nghiệp. Quách Khiếu Thiên sanh con anh hùng mà đời con cháu lại chẳng ai ra gì. Thế mới biết mệnh trời khó biết!
– Con cháu họ Dương ổn cư ở Chung Sơn, nối nghiệp Thần Điêu đã mấy đời, lần này lại dương danh cùng thiên hạ, lập đại hội Kình Dương, phát thư mời quần hào võ lâm, ý đồ chẳng rõ ra sao.
– Tạ đại ca! Quang Minh Dương vương có phải là hậu duệ của họ Dương kia không?
– Chắc là không phải. Từ lâu không thấy có liên hệ gì cả?
– Sao mà biết được! Biết đâu Kình Dương đại hội chẳng là ý đồ của Dương vương lập vây lập cánh!
– Ta cũng có cảm giác ấy. Ta là đệ tử tục gia của Thiếu Lâm, lần này nhân ghé thăm Phương trượng, Phương trượng nhờ đưa thư lên Võ Đang, thành ra Trương đệ đi cùng ta bị một phen vất vả!
– Đằng nào cũng trên đường về, nào có gì vất vả đâu. Vả lại, đến Võ Đang làm lễ bái sơn một phen cho biết, chẳng hóa ra là hay đó sao. Thôi, đại ca, ăn no lại hóa ra buồn ngủ trĩu mắt. Sáng ra đại ca đừng đánh thức tiểu đệ dậy sớm như mọi bữa nữa nhé!
Sáng hôm sau, Tiêu lão và Nguyên Huân lên đường từ sớm, giữa giờ Thìn đã đến chân núi Võ Đang. Võ Đang phái được thiết lập từ hai trăm năm về trước, nằm lưng chừng Võ Đang sơn, trên một triền dốc thoải, một cơ sở khang trang được xây dựng, mỗi ngày tô bồi thêm, nhưng không làm mất đi cái vẻ u nhã.
Tiểu đồng mời Tiêu lão và Nguyên Huân ngồi chờ ở Thanh Hư quán. Sau khi nhận thư bái kiến mang đi, một thanh niên ăn mặc lối đạo sĩ bước ra mời cả hai vào sảnh đường. Giữa sảnh đường rộng, bày trí đơn giản nhưng trang nhã, một người ngoại lục tuần, đôi mắt sáng như sao, mặt hồng hào, râu năm chòm đen nhánh, tóc đã bạc phân nữa, đứng lên đón chào :
– Võ Đang chúng lôi nghe danh lão huynh đã lâu, đến nay mới được gặp. Hân mỗ thật hân hạnh. Chẳng hay quý vị đến bản phái có điều chi dạy bảo?
– Hân lục hiệp! Được Lục hiệp tiếp kiến, tại hạ thật vô cùng cảm kích. Từ xa xôi nếu không có chút việc mọn, ắt chẳng dám đến quấy rầy quí phái thế này!
Nói xong, Tiêu lão lấy phong thư của Đoàn Chính Tâm cung kính đưa lên, nói :
– Tại hạ có công việc phải vào Trung Nguyên, nhân tiện đi ngang đây, Đoàn Chính Tâm nhờ dâng thư vấn an Dư lão tiền bối đồng thời cũng nhờ tại hạ có lời thưa gửi. Xin Lục hiệp nhận cho!
Hân Lợi Hạnh đỡ lấy phong thư, liếc qua, mừng rỡ nói :
– Đã bao nhiêu năm qua không có tin tức gì của Đoàn lục gia, tệ Sư huynh Chưởng môn vẫn nhắc tới. Lúc này tuổi hạc đã cao nên không mấy khi ra ngoài, lần này nhận được tin của Đoàn lục gia chắc tệ Chưởng môn mừng lắm. Để Hân mỗ cho người chuyển dâng, xin Tiêu lão huynh chờ phúc đáp. À còn vị thiếu gia này là ai vậy?
Từ lúc vái chào Hân lục hiệp khi mới bước vào trong sảnh đường đến giờ, Nguyên Huân cung kính đứng vòng tay sau lưng nghĩa phụ, nghe hỏi đến, chàng cúi đầu thi lễ một lần nữa. Tiêu Đại Hùng nói :
– Tại hạ thật là sơ sót. Đây là nghĩa tử của tại hạ, họ Trần tên Nguyên Huân. Gia phụ y cũng người quen biết cũ của quý vị đấy!
Hân Lợi Hanh nhìn Nguyên Huân một lúc rồi nói :
– Thì ra đây là lệnh công tử. Xin lỗi Tiêu huynh, chẳng hay gia phụ của công tử là ai mà quen biết bản phái?
– Ông ta là người trong Bát đại danh gia, kẻ đứng hàng thứ ba, tên là Nguyên Lữ, được thiên hạ tặng cho mỹ hiệu Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm!
– Ái chà! Thì đây là Trần tiểu vương gia, con trai của người bạn già ta đấy ư! Lại đây cho ta nhìn ngươi một chút. Quả thực hiền điệt giống Gia phụ ngươi như đúc, lúc đầu ta có ý ngờ ngợ, nhưng nghĩ rằng người giống người, hai mươi năm trời nay không gặp, bạn cũ ta khỏe mạnh chăng?
Trần Nguyên Huân cúi đầu :
– Bẩm lão bá! Gia phụ đã qua đời mười ba năm trước?
Hân lục hiệp kinh ngạc sửng sốt, nét đau buồn, hỏi :
– Gia phụ con mất vì lẽ gì?
Tiêu Đại Hùng đỡ lời :
– Hân lục hiệp thứ lỗi, câu chuyện còn dài dòng lắm. Tất cả mọi điều người bạn họ Đoàn đã thưa rõ cả trong thư dâng lên Dư lão tiền bối đầy đủ hết!
– Thôi đưọc! Lão huynh và hiền điệt dùng nước, chờ mỗ một chút, mỗ ghé lại thư phòng của tệ Chưởng môn chuyển bức thư này!
Nói xong ông vội vã quay vào hậu đường, một lúc sau, ông trở ra, vẻ mặt buồn bã :
– Tiêu huynh! Tệ Chướng môn mời Tiêu huynh và hiền điệt diện kiến!
Theo chân Hân lục hiệp, ba người đi qua một sân gạch rộng, đến một cánh cửa khép giữa dãy tường cao. Hân lục hiệp đẩy cửa mở ra một hoa viên rộng trồng toàn kỳ hoa và những khóm lão mai, không khí cực kỳ thanh tĩnh, u nhàn. Sau khu lão mai, một căn nhà ba gian lợp ngói xanh. Trên thềm cửa, một lão nhân còn quắc thước, râu tóc bạc phơ, mặc áo đạo sĩ, giống như một tiên ông, đứng chờ. Tiêu thứ gia bước đến vái chào :
– Tiêu Đại Hùng tham kiến Chưởng môn nhân lão gia!
– Ấy chết! Tiêu lão đệ đừng đa lễ như vậy!
Trần Nguyên Huân vừa thấy Dư lão nhị hiệp, trong lòng đã phát sinh lòng kính phục, chàng bước đến trước mặt lão tiên sinh quì phục xuống :
– Hài tử xin tham kiến lão tiền bối. Kính chúc lão tiền bối vạn an!
Bằng giọng trầm ấm, còn dồi dào sinh lực, Dư chưởng môn ân cần ân cần :
– Hãy bình thân, điệt nhi! Ta không ngờ 20 năm xa cách, nhận được tin người xưa lại là tin làm cho ta hết sức đau buồn. Thương thay!
Nói xong, ông nhìn Nguyên Huân chăm chú, gật đầu :
– Nhưng dù sao người thân quen cũ của ta cũng còn kẻ nối dõi. Trời xanh cũng không đến nỗi vô tình. Vào đây các vị!
Dư chưởng môn ngồi trên chiếc bồ đoàn, đưa tay mời mọi người, Nguyên Huân hầu sau lưng nghĩa phụ, hai tiểu đồng dâng trà xong lui ra. Dư chưởng môn nhắp chung trà thơm, trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói :
– Khi xưa Trần lão đệ, Đoàn lão đệ đi lại với bản phái thân thiết như người nhà. Ta vẫn ngạc nhiên suốt gần hai mươi năm nay không ghé thăm ta, có hay đâu thảm họa xẩy đến. Cách đây mười mấy năm, Thiên Hư đạo trưởng có ghé thăm một lần, từ ấy ngao du bốn biển. Bảy năm về trước, Lục đệ ta có gặp một người Phù Tang và mới biết được ông ta ở Nhật, riêng Hoạt Phật đại sư cũng biệt tích. Nhóm Bát đại gia bây giờ cũng tan tác cả. Trên hai mươi năm nay, giang hồ im sóng gió, các cao thủ ngày xưa đã già, hầu hết đều ẩn cư. Cứ như trong thư của Đoàn đệ, Trần tam gia bị hại bởi tay một nhân vật mà ta có thể mơ hồ đoán ra, nhưng chưa quyết đoán được. Vả lại, nếu đúng là y thì việc rửa thù của Huân Nhi thật là khó khăn. Việc này nhất thời chưa thể nói hết được.
Tiêu Đại Hùng nói :
– Mười hai năm về trước, võ công của người thứ ba trong nhóm Bát đại gia chẳng phải tầm thường, nhất là Vân Hà Tỏa Kiếm uy lực kinh người, nếu nó được phối hợp với Sát Na Vô Lượng thần công thì pho kiếm này, Độc Cô cửu kiếm không thể sánh bằng. Trong thiên hạ, những pho kiếm lợi hại không phải là nhiều. Vô Cực kiếm của quý môn phái cũng ảo diệu lạ thường. Điểm tương đồng của các pho kiếm nổi danh trong thiên hạ đều có những nét giống nhau, được gọi là Tâm Kiếm. Điều gì không nhớ được thì vô cùng, điều gì nhớ được thì hữu hạn. Tại hạ được biết Vân Hà Tỏa Kiếm cũng có những nét như thế. Nếu khi xưa Trần tam gia học được Sát Na Vô Lượng thần công phối hợp với Vân Hà Tỏa Kiếm, thì tên sát thủ kia không thể sống sót qua chiêu thứ chín. Vậy mà một mình y với hai tay không, đã sát thủ được hai nhân vật thứ ba và thứ sáu của Bát đại gia bằng một loại chưởng pháp Âm Hàn kịch độc. Từ ba mươi, bốn mươi năm nay, công phu Âm Hàn siêu tuyệt dường như trong võ lâm không còn ai, Huyền Minh thần chưởng của Nhị lão năm xưa không đủ sức đả bại Trần tam gia chứ đừng nói chi đến cộng thêm cả Đoàn lục hiệp nữa.
– Lão tiền bối! Vãn bối xin hỏi một điều, Vi Nhất Tiếu Thanh Dực Bức Vương của Minh giáo, võ công so với Nhị lão thì cao thấp ra sao?
– Họ Vi võ công cao. Công lực, thân pháp đều hơn hẳn hai gã Lộc, Hạt!
– Vậy thì họ Vi không thể bị đả thương bởi Nhị lão được. Vậy ai đã đả thương y đến nỗi y phải hút máu mà giải âm độc nhất thời. Hà, việc này có liên can đến việc kia đấy.
– Việc đó Trương đệ của ta có thể đoán biết được!
– Khốn nỗi Trương giáo chủ tuyệt tích giang hồ đã trên hai mươi năm nay!
Dư tiên sinh mỉm cười :
– Tuyệt tích có nghĩa là không để lại hình tích…
– Nhưng tìm được một người cố ý lánh mặt không phải là dễ!
– Quả vậy! Có chỗ dễ, chỗ khó!
Từ lúc đầu Hân lục hiệp ngồi im, dáng vẻ suy nghĩ, một lúc sau cất tiếng hỏi :
– Lúc nãy Tiên sinh có nhắc đến Tâm pháp Sát Na, cứ như danh gọi, đó là Phật gia tâm pháp, chắc là kỳ ảo lắm, nhưng sao không thấy ai nhắc đến?
– Trước đây khoảng hai trăm năm, có một người luyện được, nhưng đến nay, không ai luyện thành cả!
– Người ấy là ai vậy?
– Người đó là Tiết chế Thượng Quốc công Đại nguyên soái Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn của Đại Việt. Khi quân Mông Thát tung hoành thiên hạ, từ Đông sang Tây không một dân tộc nào địch nỗi, vậy mà ba lần điều động binh lực cực kỳ hùng hậu, bọn Nguyên Mông đều bị đại bại nhục nhã tại Đại Việt. Danh tiếng người này như sấm vang trong thiên hạ. Dĩ nhiên người này dụng binh khiển tướng, mưu lược như thần, mà bọn Mông Nguyên thì thường dùng cách ám sát các nhân vật quan trọng trong hàng ngũ địch như cách làm của Triệu Quận chúa khi xưa chẳng hạn, mà cao thủ trong hàng ngũ Nguyên Mông thì nhiều vô kể…
– Thế nhưng Sát Na Vô Lượng thần công vì sao mà thất truyền? Và việc luyện tập tại sao khó khăn đến nỗi gần cả hai trăm năm không có ai luyện thành?
Dư lão tiền bối nghe sư đệ hỏi bèn chen vào :
– Trước đây Trần hiền đệ có nói cho ta biết về môn công phu này, chỉ có người kinh mạch và vị thế nội tạng nghịch đảo mới luyện được mà thôi!
Hân lục hiệp hỏi :
– Làm sao có người nội tạng và kinh mạch nghịch đảo được?
Tiêu thứ gia mỉm cười :
– Huân Nhi đây là cháu đời thứ năm của Hưng Đạo đại vương có nội tạng và kinh mạch nghịch đảo như thế đó!
Dư lão tiền bối và Hân lục hiệp cùng kêu lên một lúc :
– Ái chà! Kỳ thật! Huân nhi! Lại gần đây!
Nguyên Huân kính cẩn bước tới. Hân Lợi Hanh ân cần :
– Huân hiền điệt! Cởi áo ra, ta xét nghiệm xem thế nào!
Một lúc sau, Hân Lợi Hanh kinh ngạc :
– Kỳ quái thật! Quả tim của Huân nhi nằm bên phải thay vì bên trái, các huyệt đạo, kinh mạch cũng hoán chuyển theo. Nhị sư ca! Nhị sư ca! Xem này!
Dư chưởng môn bước tới cùng sư đệ xét nghiệm kỹ lưỡng kinh kỳ bát mạch, bộ vị, nội tạng Nguyên Huân và nói :
– Lục phủ, ngũ tạng, kinh kỳ, bát mạch đều thay đổi hết. Tuy nhiên nội lực cũng rất sung mãn. Hiền điệt! Hiền điệt luyện nội công binh thường có gì trắc trở không?
– Thưa lão tiền bối, cũng bình thường thôi, nhưng thảng hoặc huyệt Ngọc Chẩm hơi tê nhứt, tuy nhiên chỉ thoáng qua!
– Hiền điệt luyện võ công từ bao giờ?
– Dạ đã hơn mười hai năm!
– Căn cốt của hiền điệt thật ít có. Ta khuyên hiền điệt một điều. Người quân tử trả thù mười năm không gọi là muộn. Cứ như công lực này, hiền điệt có muốn lấy lại báu vật của tổ tiên, muốn trả mối phụ thù, nếu không trì chí, khổ luyện, thì thật là việc mò kim đáy bể. Vì mối giao tình của ta với cha, chú của con, ta không thể làm ngơ cho được. Hiền điệt từ nay ở lại đây, ta cố gắng giúp con thành người hữu dụng, và cho người dò la tung tích của Đại ca, Nhị ca của Gia gia con!
Nguyên Huân cả mừng, quỳ sụp xuống dập đầu lạy tạ :
– Công đức, tấm lòng của lão tiền bối và Hân bá phụ như trời biển, con nguyện khắc cốt ghi tâm!
Cả hai không cản mà đứng im nhận lễ. Tiêu Đại Hùng cũng hết sức mừng rỡ, đứng lên cung kính tạ ơn. Dư chưởng môn nói :
– Công lực của ta có hơn xưa do công phu rèn luyện, nhưng nếu chỉ mình ta thôi cũng chẳng thành toàn cho hiền điệt phục thù được. Điều quan trọng là giúp cho hiền điệt đủ bản lãnh để truy tầm bảo vật trước rồi mới tìm cách rửa mối huyết hận sau. Thời gian chẳng thể một sớm một chiều, phai kiên trì mới có cơ hội tốt được!
Tiêu Đại Hùng nhìn Nguyên Huân một lúc rồi nói :
– Huân nhi! Phúc quả của con thật lớn, ngày nay đã được Dư lão tiền bối nhận điểm hóa cho, ta thật là yên dạ, mà Lục thúc ngươi cũng mừng vui không ít. Ta có rất nhiều công việc phải chu tất, không thể cận kề bên con được, nhưng ta tin con là người kiên trì, có chí lớn. Trong khoảng ba năm, nếu con chưa hoàn thành nhiệm vụ, ta sẽ tìm con sau. Trong chuyến đi này, nhân tiện ta sẽ tìm kiếm Đại bá bá và Nhị bá bá của con. Ta hy vọng, với thành tâm và thiện ý, trời chẳng phụ lòng con!
Nói xong, ông quay lại Dư lão chưởng môn và Hân lục hiệp nói :
– Tiểu đệ xin cúi đầu cảm tạ nhị vị đã thương xót mà toàn thành cho Nguyên Huân. Đệ chỉ còn biết cầu xin Trời Phật độ trì Đêm hôm qua, tiểu đệ có gặp hai người mang thư của Phương trượng chùa Thiếu Lâm gửi đến lão tiên sinh, trong chiều nay thế nào họ cũng bái yết!
Tiếp theo đó, Tiêu lão bèn kể chuyện gặp gỡ hai người họ Tạ và họ Trương. Hân lục hiệp thở dài :
– Tuy không đi lại trên chốn giang hồ, nhưng mọi biến động của thế sự, tại hạ đều quan tâm đến. Đã trên hai mươi năm, võ lâm im sóng lặng gió, bây giờ lại bắt đầu quấy động, chắc chắn có việc hệ trọng nên Viên Nhẫn đại sư Phương trượng mới gửi thư đến.
– Tại hạ nghe bọn họ nhắc đến Kình Dương đại hội của người họ Dương. Điều này như thế nào, nhị vị có rõ chăng?
Dư nhị hiệp cau đôi lông mày bạc, suy nghĩ một lúc rồi ông nói :
– Trong võ lâm không ai biết gì hơn về người họ Dương, ngay cả đến tên tuổi cũng không. Ngày trước, người họ Dương ở núi Chung Nam, xuất hiện là một cô gái áo vàng xinh đẹp, võ công cực kỳ ảo diệu. Võ công thuộc loại âm nhu nhưng không tà độc, ra tay hết sức quái dị, chiêu thức nhan nhác như Cửu Âm chân kinh, rồi từ đấy không thấy xuất hiện nữa!
– Việc này… Việc này, trước khi lên đường, Đoàn Chính Tâm có nhắc đến. Y nói rằng trước đây gia gia của Huân nhi, thuở còn sinh tiền, thường hay nhắc đến người họ Dương này. Cứ như lời Đoàn Chính Tâm nói thì Trần tam gia có quen biết họ, và họ là những hậu duệ của Thần Điêu Hiệp Lữ khi xưa!
Dư lão Chương môn nói :
– Trước đây sao không thấy Trần đệ nói với ta điều này?
– Y chẳng giấu diếm ta điều gì cả!
– Lão huynh! Theo ý của lão huynh thì người họ Dương này có liên hệ tông tộc với Quang Minh Dương vương chăng?
Hân lục hiệp nói :
– Việc này chắc là không! Vì tiện nội của tại hạ cũng không hay biết gì!
– Phu nhân không biết cũng phải. Vì phu nhân là một người ôn nhu thuần hậu, chẳng bận tâm gì đến công việc của võ lâm thì làm sao rõ được!
Dư chưởng môn nói tiếp :
– Ta biết núi Chung Nam có một cái hồ gọi là Đàm hồ, và theo lời Tổ sư ta, không ai có thể đến gần Đàm hồ được, vì những bầy ong cực độc, hàng muôn triệu con chiếm ngự. Tổ sư có nhắc đến, năm xưa Châu lão tiền bối có nghề nuôi ông, sau kết giao với Dương hiệp lữ, ông bắt họ Dương phải học nghề của ông, đó chỉ là cái thú vui của ông mà thôi. Nhưng sau này nó lại trở thành đạo quân phòng ngụ bất khả xâm phạm. Nay nếu họ Dương kia mà dương danh trên chốn giang hồ chắc không phải là không có chủ ý!
Cả ba người ngồi im lặng rất lâu, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Nguyên Huân cũng đứng im như một pho tượng. Bỗng Tiêu Đại Hùng mở lời trước :
– Dư, Hân nhị vị lão huynh, tại hạ thật có lỗi. Dám xin được thăm hỏi sức khỏe của Đại hiệp, Tam và Tứ hiệp, Hân phu nhân cùng các tiểu thư và công tử!
Hân lục hiệp thở dài :
– Chúng ta có bảy anh em, thế mà bây giờ còn lại có hai. Đại ca, Tam ca và Tứ ca ta đã qua đời từ chín mười năm trước. Riêng tiện nội thì vẫn an khang. Hai cháu bây giờ đã lớn. Bảo Thư là gái đã hai mươi tuổi: Vân Hạc 23 tuổi, bọn chúng không có ở nhà, nếu không thì đã cho ra mắt Tiêu huynh rồi chứ có đâu để Tiêu huynh phải hỏi thăm tới!
Từ đấy, Nguyên Huân ở lại Võ Đang sơn và được Dư chưởng môn dạy dỗ tài bồi. Tiêu lão đã lên đường, còn lại một mình trên đất khách, chàng chỉ còn biết lao vào công việc luyện tập, không một giây xao lãng, võ công, nội khí vì thế tăng tiến rất nhanh. Ngoài giờ luyện tập, Nguyên Huân trau dồi thêm văn học, đọc binh thư, trận pháp. Song sự chuyên cần vẫn không làm nỗi buồn khôn khuây trong lòng. Chàng dành được sự yêu mến của tất cả mọi người, được đối xử như ruột thịt. Hân phu nhân xem chàng như con. Vân Hạc, Bảo Thư thương mến chàng như em ruột. Nguyên Huân cố gắng không để cho thời gian rảnh rỗi và sự suy nghĩ, thương nhớ làm cho việc luyện tập sút giảm. Các môn đệ, kể cả Thanh Phong, Minh Nguyệt cũng yêu mến chàng, thường chỉ dẫn chàng từng chút, cùng chàng đàm đạo thân tình.
Ngày tháng trôi qua, thoáng chốc đã gần một năm khổ luyện, từ thân pháp đến nội lực chàng đều tăng tiến hơn nhiều so với ngày trước. Trước đây chàng chỉ luyện tập một mình nên kinh nghiệm giao tranh không có, từ bấy đến nay, thường được giao đấu thân hữu với các huynh đệ, đã giúp cho chàng thêm những sáng kiến bổ túc cho căn bản đôi lầnđã khiến cho Dư lão chưởng môn ngạc nhiên và vui thích.
Thời gian mới chỉ một năm mà sở học chàng đã tinh tiến gấp bao lần so với người khác.
Càng luyện tập, càng đi vào cái ảo diệu của tinh hoa võ lọc, chàng càng thấy mình chỉ là kẻ mới bước vào ngưỡng cửa của một nền võ đạo, và càng thấy mình kém cỏi. Chàng khao khát học hỏi, đồng thời cũng trau dồi thêm về đạo đức và lòng nhân.
Trong chàng, nỗi hận thù cũng không còn là một ý niệm cuồng sát nữa, thế nhưng trách nhiệm lại càng lúc càng đè nặng trên vai. Chàng không lúc nào không nhớ đến quê hương. Tổ quốc chàng đang quằn quại trong tăm tối, thống khổ, dưới gót giầy xâm lược cùng những bạo tàn của giặc trên quê hương đã làm chàng ray rức, chàng phải cố gắng gạt bỏ tất cả ra khỏi tâm trí để cho lòng lặng yên như mặt hồ trong những đêm chàng tọa công. Chàng nhớ đến Uyển Thanh, và nàng như một động lực thôi thúc chàng vươn lên. Trong lòng chàng, Uyển Thanh như một người em gái, chàng thấy mình nhớ thương nàng một cách êm đềm, nhưng sự nhớ thương ấy không chỉ tập trung vào một mình Uyển Thanh mà còn nhớ thương đến cả những người thân thích nữa: Đoàn lục thúc, Dưới… ngay cả từ chòm cây, lối cỏ, những ký ức của một thời thơ ấu. Ôi mảnh trời quê hương kỳ diệu ấy! Ôi mảnh đất giờ đây đầy thống khổ!
Mỗi lần thấy chàng tư lự, Bảo Thư thường hỏi han, trò chuyện giúp chàng khuây lãng, khuyến khích, an ủi chàng. Đối với anh em của Vân Hạc, chàng cũng yêu quý như Uyển Thanh. Trái tim chàng nồng nàn một tình cảm thanh khiết. Vân Hạc, Bảo Thư cố không nhắc gì đến quê hương thống khổ của chàng. Bảo Thư, đúng như tên của nàng, là một cô gái xinh đẹp, tính tình đôn hậu, sâu sắc, yêu thích thi phú, ngoài võ học được cha, bác tinh luyện cho, nàng vẫn giữ nguyên được cái cốt cách văn nhân trong đời sống, cái dịu dàng ôn nhu của nàng dễ làm cho mọi người quý mến.
Một lần Bảo Thư và Vân Hạc đến thăm Nguyên Huân lúc chàng đang đọc sách ở thư phòng, nhìn thấy bài thơ và bản dịch của chàng treo trên vách, Bảo Thư thích thú nói với Vân Hạc :
– Huynh trưởng, huynh trưởng xem này, bài thơ đẹp quá, nét chữ của Huân đệ như phượng múa vậy. Tiểu muội không ngờ Huân đệ viết đẹp không thua gì chữ trong Lan Đình thiếp đấy! Úi cha, chữ nghĩa gì mà ta không hiểu chi cả. Huân đệ! Đúng là chữ Hán, nhưng xem ra cũng không phải!
Nguyên Huân mỉm cười bảo :
– Tỷ tỷ! Chữ của Đại Việt đấy! Ở quê hương đệ, gọi nó là chữ Nôm. Vì chữ riêng này gần 2.000 năm trước đã bị kẻ thù xóa sạch, đốt sạch, cấm đoán, lâu ngày không ai còn nhớ, nên lấy chữ Hán mà tạo thành để ghi những ngôn ngữ của người Đại Việt.
Bảo Thư hồn nhiên nói :
– Ái chà! Huân đệ đọc cho ta nghe đi!
Nguyên Huân bước lại gần đọc :
– “Thuở bé ra đi, già trở về…”
– Tiếng Đại Việt nghe hay quá! Cứ như là chim hót vậy. Hiền đệ dạy tỷ tỷ nhé! Này Huân đệ, đây là chữ “sương”, sao Huân đệ phát âm làm vậy? Bộ trong ngôn ngữ của Đại Việt cũng có chữ “sương” à? Nghĩa của nó cũng vậy à?
– Đúng vậy đó tỷ tỷ!
– Nhưng giọng đọc, âm hướng như tiếng chim ấy. Các cô gái Đại Việt chắc là những con chim Họa mi cả, chả trách Huân đệ nhớ ngày thương đêm đến vậy. Huân đệ dạy ta với nhé, bằng lòng không?
– Chỉ sợ tỷ tỷ không thích thôi!
– Không thích lâm sao được? Biến thành một cô nàng Họa mi có hay hơn không? À này hiền đệ có… có bạn gái không? Có em gái chẳng hạn.
– Tiểu đệ mồ côi cha mẹ từ bé, không chị em, anh em. Thuở nhỏ sống với Đoàn lục thúc. Lục thúc có cô con gái tiểu đệ xem như em và cũng như… bạn vậy!
– Cô bạn, cô em ấy tên là gì vậy?
– Đoàn Uyển Thanh!
– Hiền đệ phát âm theo tiếng Đại Việt nghe hay quá, viết ra chữ xem!
Nhìn theo từng nét dưới đầu ngọn bút, Bảo Thư reo lên :
– Chữ Hán đây mà! Tên đẹp quá! Này cô Uyển Thanh có đẹp không?
– Không đẹp bằng tỷ tỷ đâu!
– Hiền đệ nói dối rồi! Ta đẹp đâu mà đẹp. Hỏi anh Vân Hạc xem. Thuở nhỏ huynh trưởng cứ gọi ta là con cú!
Vân Hạc chen vào, trêu em gái:
– Ừ, ngày xưa thì như con cú, bây giờ như tiên rồi!
– Ái chà! Ai dạy huynh trưởng ăn nói nịnh bợ thế? Thục Hà hiền tỷ phải không?
Vân Hạc đánh trống lảng nói sang chuyện khác :
– Nguyên Huân! Gia gia ta vừa nói chuyện với Bá phụ là đã tìm thấy tông tích Thiên Hư đạo trưởng rồi đấy! Ta đến đây báo tin mừng cho Huân đệ!
Nguyên Huân sung sướng đến ngây người, một lúc sau mới nói được :
– Vân ca! Bao giờ Nhị bá phụ của tiểu đệ đến đây? Ông có đến đây không? Bây giờ ông ở đâu? ông có khỏe không?
– Thế nào mà chẳng đến đây! Còn những việc Huân đệ hỏi dồn dập vừa rồi, ta cũng như Huân đệ, làm sao biết được!
Nguyên Huân ngồi lặng đi trong cơn xúc động. Với nội lực ngày nay, theo như lời Dư lão chưởng môn nói thì chàng đã đủ khả năng luyện tập kiếm pháp của cha chàng một cách không khó khăn mấy. Chàng cố hình dung ra gương mặt và dáng dấp của ông, tính tình và cung cách, dựa theo những lời Lục thúc chàng kể lại…