Khánh Hi Kỷ Sự

Chương 5: 5: Minh Châu



Đúng ngày mười lăm tháng Tám, ngày thu trong xanh thoáng đãng, trời trong nắng ấm.

Vùng ven sông của Hàn châu dựng một sân khấu rực rỡ sắc màu, chung quanh người người nhốn nháo, chen chúc nhau khiến ngày hội so tài chật như nêm cối.

Bố chính sứ Đổng Lý Châu tự mình đến, hơn hai mươi người từ cục dệt nhuộm của châu, phường hội dệt nhuộm, người thu mua của cục Châm Công, cục Nội Chức Nhiễm trong cung kết hợp lại làm giám khảo cùng lên trên đài cao.

Trên đài bày mấy chục cái xà ngang để treo lụa đẹp tham gia thi thố, bỗng chốc gió khua la gấm, người rợp trong xiêm áo đủ sắc cầu vồng.

Mọi người đi xuyên lụa Hàn như bước chậm trong mây, trôi giạt không biết điểm đến.
Bận rộn cho tới trưa, cuối cùng cũng chọn ra mười cửa hiệu lâu đời có thể đan dệt ra lụa thượng hạng.

Tuy các xưởng không được chọn nhưng vì lụa Hàn tham gia thi thố đều là hàng tinh hoa khó gặp nên đã có người ra giá cao tranh mua ngay trong hội tưng bừng náo nhiệt.

Vì cục Thừa Vận sông Hàn chú ý đến toàn cục, bán tháo tơ mới, cuối cùng lần thi thố này mới kết thúc tốt đẹp nên buổi trưa Đổng Lý Châu đã ở mở tiệc chiêu đãi đám Ngô Thập Lục, Lý Song Thực ở lầu Hàn Vận.

Tất nhiên trong tiệc còn có quan viên Hàn châu, Tịch Tà, Khang Kiện, phương hội dệt nhuộm và các Hàn châu các giới danh sĩ, phú ông.
Rượu qua ba tuần, Thường Trọng Nguyên nói: “Cuộc thi lụa Hàn lần này xem như là một việc trọng đại trong suốt nhiều năm qua ở Hàn châu.

Đổng đại nhân mở tiệc rượu ở đây, tại hạ xin có một tiết mục góp vui.” Nói đoạn vỗ tay liên tiếp, có bốn cô gái áo xanh đương tuổi xuân thì mang một tấm bình phong chín mặt đi ra rồi từ từ mở ra.
Thường Trọng Nguyên nói: “Thưa các vị, thầy thêu tấm bình phong này ra giá sáu ngàn lượng với tôi, các vị xem thử xem thế nào?”
Mọi người mới cười ông ta nói thách nói tướng.

Có người bảo: “Dầu ông dùng sợi vàng chỉ bạc mà thêu nhưng cũng chỉ là một tấm bình phong, nào giá trị những sáu ngàn lượng chứ?” Lời mới vừa ra khỏi miệng lại chợt kinh hãi kêu lên theo mọi người.

Chỉ thấy mỗi một nhân vật trên bình phong đều xuất trần phiêu dật, mang phong thái của tiên, sống động như thất.

Nhất là đôi mắt hẹp dài của Tiêu Tương phi tử[1] ẩn vẻ linh động, ai oán xa xăm làm hồn xiêu phách lạc.

Mọi người chỉ thấy cơn gió mát khẽ phất qua nhân vật trong đó hất tung làn váy dài và mái tóc mây thong thả bước ra, ai nấy đều không kìm được mà hít một hơi, xúm lại nhìn kỹ.
[1] Ý chỉ hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh, vợ của Đế Thuấn.

Khi Ngu Thuấn đến đất Thương Ngô bên bờ sông Tương thì ngã bệnh qua đời.

Hai bà thương khóc chồng ngồi cạnh mộ bên bờ sông Tương khóc ròng rã suốt 7 ngày 7 đêm.

Chỗ nước mắt của 2 bà rơi xuống mọc ra bụi trúc nên người đời gọi luôn đó là Tương phi trúc.

Sau khi khóc than thì Nga Hoàng cùng Nữ Anh đều trầm mình xuống sông để tuẫn tiết theo chồng, hóa thành nữ thần sông Tương hay còn gọi là Tương phi.
Tự có người không nhịn được mà hỏi: “Anh Thường, anh lấy được tác phẩm thần kỳ này ở Hàn châu thật à? Không biết là đồ thêu của thầy ở tiệm nào?”
Thường Trọng Nguyên nói: “Bức tranh Cửu Ca này là do thầy cả Tống Minh Châu của quán thêu Hiệt Châu thêu đấy.” Mọi người nhao nhao gật đầu: “Thảo nào thảo nào…”
Chợt có người lớn tiếng nói: “Hội trưởng Thường, tôi bằng lòng bỏ ra bảy ngàn lượng, anh hãy tặng lại tác phẩm thần kỳ này tặng cho tôi, được chứ?”
Thường Trọng Nguyên cười nói: “Tuyệt đối không được.

Mừa năm qua đồ thêu lưu truyền ra ngoài từ quán thêu Hiệt Châu này có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Đến nay mới được trông thấy hàng thêu bởi bậc thầy như vậy, lại độc chỉ có cái tấm bình phong này thôi.

Tôi có được rồi lấy ra để mọi người đánh giá, anh lại muốn chiếm lấy thì tuyệt đối không được.”
Dẫu ông ta đã nói liền hai câu “tuyệt đối không được” nhưng vẫn có người nói: “Tôi thêm năm trăm lượng nữa.”
Cứ thế giá cả liên tiếp tăng vọt, Thường Trọng Nguyên vội bảo: “Cất đi, cất đi, chỉ sợ lát nữa sẽ có người muốn ra tay cướp đấy.”
Chợt nghe Đổng Lý Châu cười nói: “Hội trưởng gượm đã, tôi bằng lòng dùng một vạn lượng xin hội trưởng bỏ thứ yêu thích ấy.

Hội trưởng nghĩ thế nào?”
Thường Trọng Nguyên khó xử nói: “Nếu đại nhân đã ra giá cao muốn mua thì sao tiểu nhân dám giấu làm của riêng?” Đoạn nói với thuộc hạ, “Gập vào rồi đưa đến phủ của đại nhân đi.”
Tất cả mọi người đều nói với Đổng Lý Châu: “Chúc mừng đại nhân có được vật báu.”
Đổng Lý Châu rất đắc ý, cạn mấy chén với mọi người, thỏa thuê mà về.
Lúc gần đi Thường Trọng Nguyên kéo Tịch Tà lại, thấp giọng nói: “Thưa công công, hôm qua tiểu nhân kiểm kê lại tơ mới mà cục Thừa Vận dâng lên một lần nữa, hàng thượng hạng thật sự có thể làm đồ cống nạp vẫn không nhiều lắm, chỉ sợ vẫn chưa đủ số lượng.”
Tịch Tà cười nói: “Ông không cần lo lắng, đến lúc thì những tơ mới thượng hạng sẽ tự nhiên xuất hiện thôi, ông chỉ cần mang những mẫu này rồi phân công xuống dưới là được.”
Thường Trọng Nguyên thấy hắn không quan tâm, chỉ đành nói: “Tiểu nhân nghe Đổng đại nhân nói công công muốn mang một nhóm thợ thêu vào kinh, không biết có việc này không?”
“Ban đầu dự tính như thế, song tôi lo cưỡng ép những thợ thêu này phải xa cách cha mẹ anh em thì cũng phải tội.

Vả, thợ cả trong cục Châm Công cũng không thiếu, tôi nghĩ chi bằng dẫn một hai thợ thêu của phường thêu Phúc Địa vào cung chỉ bảo một hai điều là được.”
“Phải phải, triều đình nhân từ, suy nghĩ thật chu đáo.”
“Ngày mai tôi phải về cung báo cáo, chuyện nơi đây còn phải nhờ vào hội trưởng.”
“Nhất định nhất định.”
Truyện chỉ được đăng tại vongnguyetlau10.wordpress.com Ngoài ra đều là nơi ăn cắp.
Tịch Tà đi ra, một mình dạo phố Hàn châu, chỉ chốc lát sau Ngô Thập Lục đã đi theo.

Hai người hiểu ý cười, không nói nhiều mà xem lướt qua trên mấy con phố phồn hoa.

Trông phía trước có một đám đông hăm hở vây quanh nhìn thứ gì đó, Tịch Tà nói: “Chúng ta cũng đi xem trò vui nào.”
Đến gần mới biết có người dán một bức thiếp thật to ở đối diện nha môn phủ châu, Ngô Thập Lục tách mọi người ra để Tịch Tà nhìn kỹ.

Bức chữ này rồng bay phượng múa, hành văn liền mạch lưu loát, nói là nha môn ty bố chính sứ của phủ châu thu sưu cao thuế nặng, cầu Trường Hồng mới xây nhưng vì tham ô trái pháp luật ăn bớt ăn xén nguyên vật liệu khiến cầu hoàn thành chưa được một năm đã sụp, nhiều dân chúng bị thương vong.

Tịch Tà thấy áng văn này không chỉ chữ nào chữ nấy đều là châu ngọc, còn nhằm trúng chỗ then chốt, tầm nhìn sâu xa thì hết sức kích động.
Ngô Thập Lục nói: “Hôm nay là đợt thi hương cuối cùng, học sinh các nơi đều ở Hàn châu.

Đã thế ít ngày trước cầu Trường Hồng sụp khiến hai anh khóa đi thi bị chết đuối.

Đám người đọc sách trăm miệng một lời, chỉ e sẽ lại gây loạn.”
Tịch Tà nói: “Áng văn này cực hay, rất có tầm nhìn.

Anh đi thăm dò xem rốt cuộc là kẻ nào làm.”
Ngô Thập Lục cười nói: “Không cần điều tra! Người có thể viết loại văn này không ít, song kẻ dám can đảm dán ở đối diện nha môn thì chỉ có một thôi.

Đó là lãng tử nổi tiếng cả Hàn châu, tên Hoắc Viêm, tự là Liệu Nguyên.

Mấy đời trước của nhà họ Hoắc đều làm quan trong triều, nói ra thì còn là thế gia vọng tộc giàu có của địa phương, ai nấy đọc sách đi lên, chỉ có anh ta từ khi hiểu chuyện đã lăn lộn ở ngõ liễu tường hoa.

Hai năm trước anh ta si mê một cô chốn lầu xanh, ngày ngày tiêu tiền như nước, suýt làm mẹ anh ta tức chết, mãi đến khi nàng kia lại bị bán đến Ly đô mới thôi đấy.

Giờ cuối cùng cũng yên lòng lại, cũng kịp kỳ thi hương năm nay.”
Tịch Tà cười nói: “Đúng là một người có chí khí hiệp nghĩa và tấm lòng nhân từ, không chừng còn hợp tính anh Thập Lục đấy.”
Ngô Thập Lục vội vàng lắc đầu bảo: “Tôi kính trọng vì anh ta là kẻ không câu nệ tiểu tiết, hào hiệp ngay thẳng, cũng đã gặp được mấy lần.

Chỉ là cả ngày anh ta đảo quanh trong son phấn, khà khà, vậy thì không dám tâng bốc đâu.”
Tịch Tà thấy chữ viết trên áng văn còn mới tinh, chắc là mới vừa viết, bèn nói: “Chẳng lẽ trưa nay Hoắc Viêm này nộp bài thi xong đi ra lại viết áng văn này rồi dán ở đây? Đúng là kẻ tài hoa, tôi rất muốn dùng anh ta.

Chỉ sợ anh ta dẫn đầu gây sự sẽ rước họa vào thân.

Mùa xuân sang năm là thi hội rồi, lúc này tuyệt đối không thể sinh thêm thị phi được.”
“Vâng, tôi sẽ lo liệu.”
Đột nhiên nghe nha dịch trong nha môn quát lên, một đội người xông ra xua đuổi bá tính vây xem.

Tịch Tà và Ngô Thập Lục không muốn gây sự nên lặng lẽ bỏ đi.
Ngày hôm sau, Tịch Tà đã dẫn Khang Kiện và Tiểu Thuận Tử về kinh.

Họ đến nha môn ty bố chính sứ chào tạm biệt Đổng Lý Châu trước.

Đổng Lý Châu vội vã nói với hắn mấy câu rồi lệnh cho đám sư gia tiễn hắn đến bến đò.

Người đi đường mang vẻ mặt hoang mang, chạy vội ra chung quanh, nhà buôn nhát gan thì vội vàng đóng mặt tiền cửa hàng.

Thấp thoáng nghe tiếng người huyên náo ở trường thi, bầu không khí bất an đang lan tràn từ nơi đó ra cả Hàn châu.
Khang Kiện kéo góc áo Tịch Tà, đưa mắt ra hiệu.

Tịch Tà khẽ xua tay, lệnh cho cậu ta không được lên tiếng rồi chắp tay nói với sư gia của ty bố chính sứ: “Đã sắp đến bến đò rồi, xin sư gia về đi thôi.

Các vị mang công vụ quan trọng trong người, bọn tôi cũng đau đáu nhớ nhà, không phiền các vị đưa tiễn nữa.”
Người của ty bố chính sứ đều biết hôm nay có kẻ kết bè kết đảng gây rối nên không tiện ở lâu, bèn nói rằng: “Thuận buồm xuôi gió.” Rồi lập tức vội vã trở về.
Khang Kiện nói: “Sư ca, chuyện này có cần tấu rõ để vạn tuế gia biết không?”
“Không được.” Tịch Tà nói, “Chúng ta chỉ tới thu mua tơ lụa, lĩnh công việc bên trong, nếu nói nhiều một câu thì sau này sẽ nhiều thêm một tội.

Quay về cứ bẩm rõ lại với hoàng thượng về chuyện của mình là được.”
Tiểu Thuận Tử xách hành lý, ngắm đúng lúc ngồi xuống con thuyền buồm trắng, mới vừa ló đầu vào trong khoang thuyền, đá cất tiếng hoan hô: “Chị Minh Châu.”
Chỉ thấy lông mày nàng thiếu nữ trong khoang thuyền đã mềm mại, sóng mắt lại trong, chính là Tống Minh Châu của quán thêu Hiệt Châu.
Tịch Tà cười hỏi: “Cô nương cũng tới đưa tiễn à?”
Minh Châu cười bảo: “Không phải.

Công công muốn dẫn thợ thêu lên kinh nhưng tay nghề của người trong phường thêu Phúc Địa đó tầm thường cỡ nào chứ? Vào cung thể nào cũng khiến người ta chê cười Hàn châu không có ai.

Tôi đã nói với Thường Trọng Nguyên rồi, muốn đi thì để tôi đi, nào đến phiên bọn họ?”
Mấy ngày nay Khang Kiện và Tiểu Thuận Tử đã đến quán thêu Hiệt Châu nhiều lần nên đã thân thuộc với Minh Châu, biết tài thêu của nàng có một không hai trong thiên hạ lại thích sự dịu dàng sảng khoái của nàng, thấy nàng muốn lên kinh thì tất nhiên là mở cờ trong bụng, luôn miệng khen phải.
Tịch Tà biết trong đó tất có nguyên nhân bèn gọi nàng ra đầu thuyền, thấp giọng hỏi: “Cô nương muốn làm gì đấy?”
Minh Châu cười nói: “Cha tôi thấy Cửu gia một mình ở chốn hiểm nguy, Khương Phóng lại có nhiều chỗ không tiện.

Mặc dầu võ công tôi không bằng Cửu gia và Khương Phóng, nhưng lại là con gái, lúc Cửu gia hết cách phân thân ở trong cung thì chắc chắn có thể giúp Cửu gia làm việc.”
“Việc này không thể để cho ông ta tự quyết định được.

Trong cung hết sức hung hiểm, nếu cô mà có bất trắc gì thì tôi biết ăn nói thế nào với cha cô? Cô lập tức rời thuyền, nói với cha cô là tôi xin nhận tấm lòng, không dám để cho cô nương mạo hiểm.”
“Cha tôi đã biết Cửu gia sẽ không cho phép nên mới bảo tôi chờ trên thuyền.

Cửu gia không cần nói với cha tôi đâu, lần này ra ngoài là do tôi tự nguyện.

Ngô Thập Lục có bản lĩnh cao cường, biết ngài không dẫn tôi đi, chắc chắn sẽ nghĩ cách để con gái của ông ta là Ngô Thái Lân trà trộn vào cung để bảo vệ Cửu gia.

Bây giờ cùng lắm Cửu gia chỉ phải hai người chọn một, chi bằng lúc này thuận tiện dẫn tôi đi đi.”
Tịch Tà bảo: “Sao tính cha cô lại giống anh Thập Lục thế? Sợ sinh lắm con gái à? Không biết ngoan ngoãn ở nhà chọn rể chờ kết thông gia mà ai nấy đều muốn đưa đi mạo hiểm giết người.”
Minh Châu nghe trong lời hắn có ý khinh mình là một cô gái, không khỏi tức giận nói: “Là con gái thì đã làm sao? Tôi thấy so với đám Ngô Thập Lục, Lý Song Thực chẳng kém cạnh gì, đàn ông bọn họ cả ngày tỏ vẻ hung thần ác sát mà vẫn chẳng phải là đối thủ của tôi.

Chính ngài cũng đâu phải là đàn ông chính hiệu gì, sao cứ lấy ánh mắt tệ hại của họ mà nhìn người!”
“Cái gì?” Tịch Tà nghe vậy tức giận đến mức run lên, giận quá hóa cười nói, “Miệng lưỡi cô đúng là sắc bén.”
Minh Châu thấy hắn đã phát cáu thì cười nói: “Cửu gia đừng nóng giận, tôi thấy Cửu gia là một nhân vật lớn nên mới đi theo Cửu gia lên kinh.

Nếu Cửu gia thấy tôi vô dụng thì hẵng khiến tôi về, không phải là xong rồi sao?”
Khang Kiện và Tiểu Thuận Tử thấy bọn họ nói ở đầu thuyền một hồi lâu, đều đã mất kiên nhẫn.

Nhất là Tiểu Thuận Tử, cậu chỉ mong Minh Châu đi cùng nên không nhịn được mà thúc giục: “Thầy ơi, người chèo thuyền lại hối kia kìa! Rốt cuộc chúng ta còn đi không ạ?”
Tịch Tà đành cười nói: “Được, được, đi mau, đi mau! Còn không lái thuyền thì e cả con gái Ngô Thập Lục cũng muốn đi theo đấy.”
Minh Châu hé miệng cười, thấp giọng nói: “Cảm ơn Cửu gia tác thành cho.”
Tịch Tà nói: “Sau này tuyết đối không được lọt ra hai chữ ‘Cửu gia’ nữa.

Nếu cô có lòng thì cứ gọi Lục gia.”
“Vâng thưa Lục gia.”
Chỉ nghe Tiểu Thuận Tử nhảy cẫng lên hoan hô, kéo tay Minh Châu hỏi han hết sức thân mật.

Khang Kiện thấy Tịch Tà lắc đầu cười khổ thì hỏi: “Sư ca than thở gì thế? Cô nương Minh Châu hiền lành lanh lẹ, dọc đường có thêm bạn đồng hành, đâu đến mức khiến sư ca khó xử như vậy.”
Tịch Tà cười nói: “Có một mình Tiểu Thuận Tử đã không được yên tĩnh rồi, có thêm Minh Châu một hỏi một đáp thì e chưa tới Ly đô đã ép anh nhảy thuyền rồi.”
Đoạn đường này lên sông Tố, dọc đường dùng người kéo thuyền nên tốn thêm ba ngày so với lúc tới.

Ở cửa khẩu Song Long vòng vào sông Ly, Ly đô đã lọt vào tầm mắt.

Sắc trời đã tối, mọi người e cửa cung khóa rồi nên không đi vội mà cửa Vọng Long để lên bờ, ở dịch quán trước.

Sớm hôm sau, sau khi lệnh cho Tiểu Thuận Tử với Minh Châu ở bên ngoài cửa cung chờ chỉ, Tịch Tà mang kiếm Tĩnh Nhân giao cho Khương Phóng cất giữ rồi mới cùng Khang Kiện tới bên ngoài cung Càn Thanh xin gặp để báo cáo.

Sau khi nghe ngóng mới biết được hôm nay hoàng đế không có buổi chầu sớm, đã qua cung Từ Ninh thăm hỏi.

Hai người đều nói vừa hay rồi lại vội tới cung Từ Ninh.
Thái hậu và hoàng đế nghe thấy họ tấu lại thì đều rất đỗi hài lòng, xem lụa Tiểu Hàn thắng trong cuộc thi lần này do Tịch Tà mang về xong, thái hậu bèn nói: “Trong vài chục năm nay, thủ công mỹ nghệ của Hàn châu đã có tiến bộ rất lớn đấy, các ngươi làm rất khá.”
Tịch Tà thưa: “Lần này đến Hàn châu, chúng nô tỳ có một thu hoạch bất ngờ.

Thì ra đồ thêu ở Hàn châu không hề tầm thường.

Lần này nô tỳ tự quyết định mang về một thợ thêu.

Đồ thêu của cô gái này quả thật có thể coi là ‘người có một không hai trong nước’ đấy ạ.”
Thái hậu cười bảo: “Trong cục Châm Công các ngươi cũng có thợ thủ công già dặn hơn ba mươi năm rồi, ngươi thấy cũng không bằng cô ta à?”
Khang Kiện nói: “Nô tỳ từng thấy hàng thêu của cô ấy, quả thật xứng với hai chữ ‘thợ trời’.

Mười lăm tháng Tám lần trước bố chính sứ Đổng Lý Châu của Hàn châu mở tiệc rượu, trong bữa tiệc có người mang một tấm bình phong chín cánh của cô ấy ra, ra giá đã sáu ngàn lượng rồi.”
Hoàng đế cười hỏi: “Cái gì? Sáu ngàn lượng?”
“Vâng, mọi người trong tiệc đua nhau yết giá tranh mua, nếu không có Đổng Lý Châu ra giá một vạn lượng mua trước thì chỉ sợ cuối cùng không biết phải lấy giá nào để mua.”
Hoàng đế đột nhiên biến sắc bảo: “Đổng Lý Châu lấy đâu ra số bạc này mà dễ dàng tiêu một vạn lượng mua một tấm bình phong như thế?”
Khang Kiện biết mình đã lắm lời, vội thưa: “Nô tỳ không biết việc ấy.”
Thái hậu nói: “Đã vậy thì ta phải gặp cô nương này.”
Tức thì có người truyền chỉ ra ngoài cửa cung gọi Minh Châu.

Minh Châu tới điện cung Từ Ninh, miệng xưng dân nữ rồi dập đầu hành lễ.

Thái hậu thấy nàng thanh tú thì nói với Hồng Tư Ngôn: “Cô nhìn cô nương này xem có giống phong cách của Đoàn Thời phi ngày trước không.”
Hồng Tư Ngôn nói: “Đúng ạ, nô tỳ cũng thấy không giống người Trung Nguyên.”
Minh Châu bẩm: “Thái hậu quả là nhìn rõ mọi việc.

Dân nữ có cha là người Đại Lý, hai mươi năm trước chuyển nhà đến Hàn châu.

Minh Châu hơn một tuổi đã đến Trung Nguyên định cư, không còn nhớ chuyện của Đại Lý nữa rồi.”
Thái hậu nói: “Thảo nào, công chúa Đại Lý đến cung trong Trung Nguyên trước kia cũng khéo tay, giỏi việc nữ công như thế.

Nghe nói một món hàng thêu của ngươi đáng giá ngàn vàng, có việc này chăng?”
“Dân nữ chẳng qua chỉ tốn thêm chút công sức, may được bà con Hàn châu cổ vũ, sao dám xưng là một món ngàn vàng?”
Thái hậu quay đầu lại hỏi Tịch Tà: “Không biết cô nương Minh Châu này có mang đồ thêu vào cung không? Ta muốn xem thử.”
Tịch Tà cười nói: “Chỗ nô tỳ thì không có nhưng có lẽ bản thân Minh Châu có mang theo vài thứ.”
“Đúng ạ.” Minh Châu nói, “Dân nữ vội thêu một món, vốn muốn dâng lên cho thái hậu, chỉ sợ không hợp quy củ trong cung nên không dám lấy ra.

Nếu thái hậu đã hỏi đến thì mời thái hậu đánh giá.” Nói đoạn nhận lấy bọc đồ của mình từ trong tay Tiểu Thuận Tử, mở một bộ xiêm la trăm chin chầu phượng ra.
Trên điện bỗng như trong cảnh xuân nhẹ nhàng, hương hoa tỏa ra khắp nơi, như có trăm con chim líu lo bên tai, phượng vàng sáng trong lượn quanh xà nhà.

Thái hậu hít vào một hơi và nói: “Thật tuyệt diệu!” Rồi vội vàng rời chỗ tới gần quan sát, lập tức có bốn cung nữ tới giơ xiêm la ra hộ.
Tịch Tà nói: “Nô tỳ chưa từng thấy chiếc xiêm la này, nay cũng phải nghẹn họng nhìn trân trân.”
Hồng Tư Ngôn cười bảo: “Nếu thái hậu thích thì cứ mặc thử vào trước đã.”
Minh Châu hầu thái hậu khoác lên, mặc lên người bộc lộ hết mỗi một bông hoa một nhánh cỏ, mỗi một sợi lông một cái cánh, phượng vàng quấn thân, trăm chim lượn quanh lưng, hoa lệ xán lạn, ung dung khôn kể.
Thái hậu đưa tay nhấc ống tay áo lên nhìn kỹ hoa văn trên tay áo, chỉ thấy lông nhụy hoa đều được làm cẩn thận đến từng phân từng hào, hai mắt của lũ chim đều đen nhánh sáng ngời tựa như thấm đẫm vẻ xuân.

Bà bước chậm tới trước gương, giơ cánh tay ra chậm rãi xoay người, chim bay hoa nở này dường như vờn bay theo gió, múa lượn khắp phòng theo thân mình, càng bật lên dung mạo đẹp đẽ, dáng người tuyệt vời của bà, mặc dù tuổi đã quá tứ tuần vẫn có thể khen ngoại hình nghiêng nước nghiêng thành.
Thái hậu nhìn người trong gương, chợt thở dài, nói: “Nếu ngày ấy mà mặc quần áo như vậy rồi cùng anh Mai múa một khúc chia tay thì thế nào đây?” Bà xoay người lại cười bảo, “Ắt hẳn hoàng đế sẽ cảm thấy mẫu hậu người lớn tuổi rồi mà vẫn như trẻ con thấy quần áo mới thì càng không có triển vọng.”
Hoàng đế cũng làn lần đầu trông thấy thợ trời, kinh ngạc đến mức hoa mắt mê man, chỉ nói: “Không dám ạ.” Khiến thái hậu và Hồng Tư Ngôn đều cười rộ lên.
Thái hậu bảo Minh Châu: “Ngươi tới để làm đồ cưới cho công chúa, trong nhà còn có cha mẹ anh em nên không ai dám giữ ngươi cả đời, chỉ mong ngươi dạy bảo đám vụng về ở cục Châm Công kia để mắt ta đỡ phải trông thấy mấy thứ dung tục là đã tốt lắm rồi.”
Hoàng đế cười nói: “Lời ấy của thái hậu cũng mắng rốt cả Tịch Tà rồi, sớm biết tự rước lấy nhục thì cần gì mang Minh Châu vào cung?”
Thái hậu nói: “Nó là đứa trẻ ngoan, trong lòng còn nhớ tới chủ, biết dốc lòng làm việc, hoàng đế phải thưởng cho nó đấy.”
Tịch Tà bèn vội vàng tạ ơn.

Minh Châu thì dịu dàng dập đầu tâu: “Thái hậu hoà nhã từ bi, dân nữ nguyện ở trong cung hầu hạ thái hậu cả đời.”
Tất nhiên là thái hậu và hoàng đế đều khen ngợi không ngớt, chỉ có Tịch Tà biết lời ấy của nàng ám chỉ điều gì, chỉ đành cười khổ theo mọi người.
Thái hậu lại hỏi sắp xếp cho Minh Châu thế nào, Tịch Tà trả lời: “Suy cho cùng thì Minh Châu không thể về cục Châm Công của nội giám, nô tỳ thấy nên ở cục Thượng Công[2], đợi sau khi công chúa lấy chồng còn có thể dạy dỗ việc học nữ công trong cung.

Sở Bắc Ngũ vẫn còn phòng trống, gần ngay viện Cư Dưỡng nô tỳ đang ở.

Bởi vì nàng tới từ dân gian, nô tỳ sợ nàng không biết lễ nghi, thất lễ trước mặt các vị chủ nhân nên xin để nô tỳ giám sát trước đã.

Vả, nơi đó cũng gần cục Châm Công, mọi việc thuận tiện.”
[2] Một trong sáu cục của nữ quan, cai quản việc may vá, quản lý vàng bạc châu báu, lụa là gấm vóc…
“Rất tốt!” Thái hậu nói, “Cục Thượng Công còn có ghế trống, nay phong Minh Châu làm nữ quan chưởng chế của cục Thượng Công.”
Minh Châu lĩnh chỉ tạ ơn đi ra.

Tịch Tà cười nói: “Thế cũng tốt, cô vừa bào đã là nữ quan chính bát phẩm, tôi còn phải gọi cô là đại nhân rồi.”
Minh Châu hừ một tiếng nói: “Tôi hiếm lạ hay sao?”
Cát Tường trước cửa đưa mắt ra hiệu với Tịch Tà, thấp giọng nói: “Em mau mau về viện Cư Dưỡng đi.”
“Chuyện gì thế ạ?”
Cát Tường không tiện nói nhiều, chỉ lắc đầu.
Tịch Tà không kịp sắp xếp cho Minh Châu, dẫn nàng và Tiểu Thuận Tử vội về viện Cư Dưỡng, vừa lúc đụng phải Như Ý đang đi ra, trông thấy Tịch Tà thì kéo hắn lại và nói: “Em trở về thật đúng lúc, trễ nữa là không gặp được đâu.”
“Khu Ác?” Tịch Tà giật nảy mình, chạy vội tới buồng đông, thấy Khu Ác hấp hối, sắc mặt tái xanh, hai mắt hãy còn mở to, nhìn thấy Tịch Tà vẫn miễn cưỡng cười nói: “Em về rồi, không ngờ anh em ta còn có thể gặp mặt lần nữa.”
Tịch Tà vội nói: “Lúc em đi vẫn còn yên lành, sao giờ lại thế?”
“Chân anh mưng mủ không chữa được, vận lộn hơn một tháng, nay không chịu nổi nữa rồi.”
“Thái y đâu? Họ không đến xem à?”
“Tới rồi.” Khu Ác cười bảo, “Họ còn nói nội thương của anh chưa lành.

Mẹ nó, chẳng có câu nào hay cả.” Lời lẽ của Khu Ác vẫn mang vẻ phố chợ, hễ nóng nảy là lại bật ra lời lẽ bẩn thỉu.

Y đảo mắt nhìn lên nhìn về phía cửa rồi nói, “Úi, xin lỗi, ở đây còn có khách nữ cơ đấy.”
Tịch Tà nói: “Đây là thợ thêu em mang tới từ Hàn châu, tên Minh Châu.”
Khu Ác bảo: “Trước nay em làm việc đều có ý sâu xa, cô nương này cũng chẳng phải nhân vật đơn giản.” Nói đoạn vẫy tay với Minh Châu, xem xét cẩn thận rồi bảo Minh Châu, “Cô nương, tôi được thầy gửi gắm, vẫn luôn che chở cho người sư đệ này.

Tôi không được nữa rồi, từ rày cô chăm sóc thay tôi có được không?”
Minh Châu thấy y sắp chết mà suy nghĩ vẫn nhanh nhạy, tự nhiên như thường thì vô cùng kính phục, cười nói: “Ngũ gia yên tâm, cứ giao cho tôi.”
Khu Ác cười “ha ha” rồi mơ màng thiếp đi.
Bỗng chốc đã sắp vào đêm, vẻ mặt Tịch Tà càng thêm nghiêm trọng, siết chặt hai tay, canh giữ ở trước giường Khu Ác.

Chợt nghe Khu Ác hừ một tiếng, chậm rãi tỉnh lại thì vội vàng dâng nước lên, cảm thấy da thịt chạm vào tay nóng hầm hập, biết Khu Ác sốt cao không ngừng thì trong lòng không khỏi nóng như lửa đốt.
Khu Ác vịn tay hắn uống mấy ngụm nước xong thì đã tỉnh táo hơn một chút, nhìn Tịch Tà nói: “Em sáu, đêm nay hai ta vĩnh biệt, anh có mấy chuyện nhất định phải nói.”
Tịch Tà biết lúc này có an ủi nhiều hơn nữa cũng vô dụng, bèn bảo: “Sư ca cứ việc nói, em đang nghe đây.”
Khu Ác gắng gượng phục hồi tinh thần, nói: “Ta làm anh em đã chín năm, anh đối đãi với em như anh em ruột của mình.

Trong bảy anh em cùng thầy, tình cảm giữa hai ta là tốt nhất, anh cũng hiểu rõ con người em nhất.

Tuy mấy năm nay thầy toàn dạy em mánh khóe nham hiểm độc ác, nhưng anh biết em là người thiện nhân.

Mặc dầu trước đây anh không biết em đã kết mối thù gì với thái hậu, song vẫn muốn khuyên em, thù hận không làm người khác tổn thương được đâu, mà lại làm tổn thương chính mình đấy.”
“Sư ca…”
“Em hãy nghe anh nói hết đã.

Thói đời luân hồi, có tiền căn mới có hậu quả, thù hằn không báo xong được đâu.

Sư ca sắp chết rồi, em từng nói muốn thái hậu đền gấp bội, nhưng mạng người chỉ có một, em có thế để bà ta chết hai lần ư? Em báo thù trên người con trai ruột của bà ta, bọn họ lại thù oán em thế nào? Phải nói tình cảnh bây giờ của sư ca không thể oán hận thái hậu, muốn hận thì người sư ca hận chắc chỉ có thầy thôi.

Thầy khiến anh tàn phế, lại lấy em trai em gái anh ra uy hiếp, muốn anh làm thế thân cho em.

Nhưng thầy lại dốc túi truyền dạy cho anh, lúc nào cũng che chở, từ nhỏ anh đã không cha không mẹ, thầy đãi chúng ta như cha mẹ ruột, còn khiến anh em ta làm lại từ đầu, trong lòng anh vẫn cảm kích thầy muôn phần.

Nay chắc thầy đã ở dưới suối vàng chờ anh rồi.” Khu Ác nói rồi không nhịn được mà cười một tiếng, “Năm đó thầy nói nhận bảy trò mới là thái giám Thất Bảo danh xứng với thực, nếu thấy đêm nay anh đi, nhất định sẽ trách anh chết sớm, hại sau khi thầy qua đời đã nhanh chóng biến thành thái giám Lục Bảo như vậy, ha ha.”
Tịch Tà nhớ lại tình cảnh vào cung năm đó, vẫn buồn đau như bị dùi đâm đến mức mình trăm lỗ ngàn khe, trong chốc lát nói không nên lời.
“Lúc phải dừng tay thì dừng tay.

Em sáu à, chỉ nghe một câu của sư ca thôi, đừng làm việc quá tuyệt tình, đến lúc đó sẽ hối hận đấy.”
Tịch Tà nói: “Sư ca, lời anh nói đều đúng, nhưng nay em chỉ cảm thấy lòng đầy thù hận không chỗ phát tiết, như thể có một lưỡi dao sắc sắp tuốt khỏi vỏ từ trong thân thể thì dừng tay thế nào được?”
Khu Ác thản nhiên cười nói: “Anh không trông mong em đồng ý với anh ngay bây giờ, em cứ nhớ kỹ là được.”
Minh Châu bưng chén cháo vào thăm bệnh, bưng đến trước mặt Khu Ác, đút cho y ăn.

Khu Ác cười ăn hai miếng, đột nhiên sặc ra một ngụm máu lớn, phun vào làm cháo trắng như tuyết trở nên đỏ thẫm, không cầm được cố hết sức dựa vào gối, nhìn Minh Châu mỉm cười nói: “Cô nương, cô thật giống em gái tôi.” Dứt lời ánh mắt dần dần tan rã, mỉm cười tắt thở dưới ánh nến.
Tuy Minh Châu chỉ ở chung một ngày với y nhưng biết lòng dạ y lương thiện, rất hào hiệp nên trong bụng cũng vô cùng thương xót, đang muốn an ủi Tịch Tà, đã thấy khuôn mặt trong suốt của hắn lạnh lùng không một giọt nước mắt, lẩm bẩm nói: “Sao anh không hận em, vì sao không hận em? Em gái, em trai anh đã bị thầy giết diệt khẩu lâu rồi, anh còn đãi em như anh em ruột làm cái gì!” Sau đó đẩy Minh Châu, tông cửa xông ra.

Khu Ác vừa chết, lập tức có người cấp báo cho cung Từ Ninh biết.

Hồng Tư Ngôn thấy thái hậu đã đi ngủ nên thấp giọng cho người đó lui, hơi do dự một lát nhưng vẫn nhẹ nhàng đánh thức thái hậu.
“Có chuyện lớn gì à?”
Hồng Tư Ngôn nói: “Không phải là chuyện lớn ạ.

Nửa canh giờ trước, Khu Ác đã chết rồi.”
Thái hậu ngẩn ra, miễn cưỡng nói: “Một tên nô tài chết mà cũng phải báo cho ta biết lúc nửa đêm à?”
“Dạ.” Hồng Tư Ngôn nói, “Nô tỳ lỗ mãng, mời thái hậu tiếp tục nghỉ ngơi.” Bà ta thấy thái hậu trầm mặc không nói gì thì, cắn môi tùm chặt chăn gấm rồi ngồi xuống bên giường của thái hậu mà thở than, “Nay lời thề độc năm đó của cô nương đã ứng nghiệm rồi, người nhà họ Nhan đều đã chết hết, không còn nỗi lo về sau, con trai ruột của mình lại là ngồi ở ngôi cửu ngũ, còn có điều gì không như ý nữa?”
Thái hậu nhìn Hồng Tư Ngôn, cười bảo: “Từ khi ta theo tiên đế đã không sống được một ngày như ý rồi, dẫu tất cả người nhà họ Nhan đều bị ta trù chết thì làm sao ta có thể vui vẻ được? Năm đó hạ chiếu giết cả nhà hắn, ta lại đau đớn tột cùng, thà rằng mình chết đi còn hơn.

Khu Ác còn ở trên đời, ta cảm thấy có người đời sau của hắn ở trong cung, đợi đứa bé kia đến báo thù thì lại còn có chút hi vọng.

Nay dưới trời xanh trong cõi dương gian đã không còn dây mơ rễ má gì đến hắn nữa, ngay cả giọt máu cuối cùng của hắn cũng tan thành tro bụi thì cung điện giá băng này còn có thứ gì đáng để ta vướng bận nữa?”
Hồng Tư Ngôn thấy bà nói đau khổ thì vội nói: “Thái hậu còn có hoàng đế mà.”
“Tĩnh Nhân đụng phải chuyện của ta ở Thượng Giang, bây giờ trong lòng tất đang hận ta, vội vã muốn trừ Đỗ Mẫn.” Thái hậu thu lại sự xót xa trong mắt, ánh mắt bỗng trở nên sắc bén, nói, “Vốn tưởng Tịch Tà rời cung là để làm chuyện này cho hoàng đế, mới đặc biệt phái Khang Kiện theo dõi, không ngờ lại là Khang Kiện lắm miệng bẩm báo, đúng là đứa nô tài vô dụng.”
Hồng Tư Ngôn khuyên nhủ: “Khang Kiện còn nhỏ, dầu gì cũng là học trò của Thất Bảo, nô tỳ thấy học trò Thất Bảo đều cũng không tệ, thái hậu đừng vì tức giận trong chốc lát mà làm lỡ mất nhân tài này.”
“Cô nói không phải không có lý, chỉ sợ anh em chúng trăm miệng một lời, đều đi tâng bốc hoàng đế.

Đợi hoàng đế hoàn thành mọi việc, chúng sẽ làm mưa làm gió thì sẽ biến thành mối họa.”
Hồng Tư Ngôn cười nói: “Một nội thần nho nhỏ mà thôi, sao phải sợ hắn lật tung trời chứ?”
Thái hậu đột nhiên hỏi: “Cô cảm thấy Tịch Tà thế nào?”
Hồng Tư Ngôn suy nghĩ một lát rồi đáp: “Nô tỳ thấy điệu bộ của hắn từa tựa Thất Bảo, đều cẩn thận từng li từng tí, không chịu nói hơn một câu.”
Thái hậu gật đầu nói: “Ta đoán Thất Bảo đã truyền hết y bát[3] cho hắn đấy.

Đó cũng là một nhân vật, cũng may lúc này tuổi tác còn nhỏ, chưa ra thể thống gì.”
[3] vốn chỉ áo cà sa và cái bát mà những nhà sư đạo Phật truyền lại cho môn đồ, sau này chỉ chung tư tưởng, học thuật, kỹ năng… truyền lại cho đời sau.
Hồng Tư Ngôn than thở: “Chỉ sợ tuổi tác quá nhỏ, không hiểu chuyện thôi ạ.

Bao năm nay trong cung, thái giám nhỏ có mặt mày thanh tú đều sẽ kề cận hoàng đế, chưa có ngoại lệ.

Hoạn quan mê hoặc chủ nhân luôn không phải số ít.

Nô tỳ chỉ sợ hắn quá gần gũi hoàng đế thôi.”
Thái hậu cười nói: “Nay lòng dạ Tĩnh Nhân đều đặt ở việc chính trị, cô cứ việc yên tâm đi! Tối nay ta còn thấy nó canh cánh chuyện Đổng Lý Châu trong lòng kia kìa, chỉ sợ ngày mai sẽ có hành động đấy.”
Ai ơi nhớ lấy câu này, reup không khéo có ngày rụng răng.
Ngay từ đầu hoàng đế chỉ nghi Đổng Lý Châu có hành vi tham ô vơ vét của cải, đang muốn sai người điều tra, không ngờ hôm sau lại truyền đến tin tức tú tài Hàn châu kết thành bầy để gây chuyện, kích động dân biến.

Cùng ngày đã có Thành Thân vương Cảnh Nghi, thái phó Lưu Viễn cùng dâng sớ hạch tội bố chính sứ hàn châu là Đổng Lý Châu và tri phủ Hàn châu mao Trăn.

Điều càng làm hoàng đế nổi trận lôi đình là Đổng Lý Châu không đàn áp được cục diện lại xin trợ binh từ Đông vương Đỗ Hằng.

Cũng may học sinh gây rối, không nên trò trống gì, lại có các giới nhân sĩ đức cao vọng trọng, có thế lực đi ra hòa giải nên sau khi náo loạn hai ngày thì gió êm sóng lặng, cuối cùng không để cho Đổng Lý Châu làm ra việc dẫn sói vào nhà.
Còn về việc cầu Trường Hồng sụp khiến nhiều người chết và bị thương, nếu không có học sinh náo loạn một hồi để lọt ra thì e Đổng Lý Châu sẽ giấu giếm không báo, hoàng đế sẽ không biết đầu đuôi.

Hoàng đế bèn bàn bạc với Thành Thân vương và Lưu Viễn ngay, xem phái người đến Hàn châu điều tra thế nào.
Hoàng đế nói: “Lần này người đi mang trách nhiệm trọng đại, nếu cũng là một tên tham ô trái pháp luật thì bảo triều đình ăn nói thế nào với dân chúng Hàn châu?”
“Tiến cử người hiền không tránh kẻ thân thiết.” Lưu Viễn nói, “Thần có học sinh Miêu Hạ Linh, là thiêm đô ngự sử[4] của viện Đô Sát[5], là người thanh liêm tự trọng, cương trực không a dua nịnh bợ, có thể đảm đương trách nhiệm nặng nề này.”
[4] Trong viện Đô sát, quan viên phục trách chính là hai người tả, hữu đô ngự sử (nhị phẩm, ngang hàng thượng thư), hai người tả, hữu phó đô ngự sử (chính tam phẩm), sau đó là bốn người thiêm đô ngự sử (chính tứ phẩm)
[5] Triều Minh đổi đài Ngự sử thành viện Đô sát, cấp bậc ngang sáu bộ, lo việc giám sát, hạch tội và kiến nghị, cùng với bộ Hình, Đại Lý tự kết hợp thành tam pháp ti, nếu có vụ án trọng đại thì ba cơ quan tư pháp này sẽ cùng thẩm tra.
Hoàng đế nói: “Người mà thái phó tiến cử ắt không tệ, chỉ mong có một phần mười lòng trung và sự thanh liêm của thái phó là trẫm đã yên lòng rồi.” Đoạn lập tức sai người ta viết chỉ thăng Miêu Hạ Linh làm phó đô ngự sử của viện Đô sát, đi tuần Hàn châu, lập tức khởi hành điều tra bố chính sứ Hàn châu Đổng Lý Châu và tri phủ Hàn châu Mao Trăn, truy bắt học sinh gây rối ở địa phương.
Đợi hai người xin cáo lui rồi, hoàng đế lập tức cho đòi Tịch Tà hỏi chuyện.
“Khanh ở Hàn châu mà sao lại không biết chuyện lớn như vậy? Cớ sao trở về không tâu rõ cho trẫm biết?”
Tịch Tà cười nói: “Chính vì là chuyện lớn nên không cần nô tỳ tâu lại hoàng thượng cũng sẽ biết, cần gì vội vã nói ra làm người ta chú ý?”
“Lời này của khanh lại đang ám chỉ kẻ nào đấy?”
Tịch Tà nói: “Lần này đến Hàn châu, một mình nô tỳ là đủ rồi, cớ sao thái hậu còn phái Khang Kiện đi cùng ạ? Hoàng thượng nghĩ cẩn thận là sẽ biết thái hậu nương nương không yên lòng khi để một mình nô tỳ đi, cho nên khi về nô tỳ thực sự không dám nhiều lời.”
Hoàng đế gật đầu nói: “Nơi đây chỉ có hai ta, khanh cứ nói hết những gì trẫm không biết đi.”
Tịch Tà thưa: “Trong đó còn có một ẩn tình.

Lúc nô tỳ ở Hàn châu đang kiểm kê lại tơ mới thượng hạng trên thị trường năm nay thì phát hiện thiếu mất sáu phần so với năm trước, phần lớn đều để người ta tranh mua hết vào ba bốn ngày sau khi ý chỉ của triều đình được ban xuống.

Nô tỳ nghĩ kẻ mua tơ này thạo tin, sức của hùng hậu, hơn nữa vừa chẳng ngại đến lúc đó số tơ mới này không có cách nào bán ra, vừa không sợ quan phủ hỏi tội đầu cơ tích trữ tội của mình.

Vậy nhất định là Đổng Lý Châu lén mua chỗ tơ mới ấy, muốn đợi lúc dệt lụa Hàn cống nạp mới đem nó bán với giá cao cho quan phủ.

Ông ta là quan lớn ở Hàn châu, ai dám không theo? Chỉ tiếc bạc trong quốc khố cứ chảy vào trong túi bên hông của ông ta một cách uổng phí như vậy.”
Hoàng đế không khỏi giận dữ, nói: “Tên tham quan táng tận lương tâm này, bây giờ trẫm sẽ bảo Miêu Hạ Linh tra xét chuyện này luôn cả thể.”
Tịch Tà cười nói: “Vạn tuế gia bớt giận! Nô tỳ lại có một biện pháp khác.

Nay người trung thành tận tụy bên hoàng thượng không ít, nhưng nếu tương lai muốn đấu đá chính diện với đám phiên vương thì kẻ được dùng đều phải có bản lĩnh cơ trí hơn người.

Chi bằng mượn cơ hội này thăm dò xem Miêu Hạ Linh này có thể làm được việc lớn hay không, xem tự hắn ta có thể điều tra ra chuyện này hay không.”
Hoàng đế cười nói: “Trước kia khanh nói mình là một nhà âm lược, trẫm còn không tin, nay lại nhìn ra một chút rồi đấy.”
Tịch Tà khom người cười nói: “Mắt vạn tuế gia sáng như đuốc.”
Hoàng đế nhấp một ngụm trà, đột nhiên bảo: “Nghe nói Khu Ác chết rồi, ban đầu trẫm muốn khích lệ để khanh vui vẻ hơn, hôm nay trông thấy mới biết khanh đã nghĩ thông rồi.

Như vậy cũng tốt.”
“Làm nô tài, ai mà không bị đánh chửi đâu ạ? Số Khu Ác khổ, đi sớm cũng là chuyện tốt.”
“Ồ.” Hoàng đế chậm rãi dời ánh nhìn đến đôi mắt của Tịch Tà.

Vẻ ấm áp nhỏ nhoi trong mắt Tịch Tà đã mất tăm cùng Khu Ác rồi, một cơn băng giá thuần túy lạnh thấu xương đâm vào làm đau mắt hoàng đế.

Thật giống một lưỡi dao sắc bén, khi nghĩ tới chỗ này, trái tim hoàng đế khó chịu như thể đập hẫng mất một nhịp vậy..


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.