Bầu trời đầy sao, tôi đứng ngoài ban công ngước nhìn những chấm sáng lấp lánh, giống như những hạt kim tuyến được rải lên trên tấm vải nhung đen huyền bí.
Cơn gió ẩm ướt của mùa thu thoang thoảng chút hương hoa sữa, dù xung quanh đây chẳng có cây hoa sữa nào.
Tôi ngắt một chiếc lá trên nhánh cây gần đó, vò nát và đưa lên mũi để át cái mùi kia đi.
Không phải tôi ghét hoa sữa, nhưng cái mùi ấy trộn lẫn với mùi của bệnh viện tạo thành một thứ gì đó rất kinh khủng.
Không dễ để tưởng tượng ra cái hỗn hợp đó như thế nào nếu không sống trong bệnh viện ít nhất hai tháng, đúng vào mùa hoa sữa nở.
Cổ họng lại đau rát, giống như có con gì đang bò bên trong và dùng cái móng vuốt của nó cào lên bất cứ thứ gì xung quanh.
Một cơn ho sặc sụa kéo đến.
Các cơ trên cổ tôi căng ra, còn da mặt thì tê rần.
Tôi cố há hốc mồm để thở nhưng lại chẳng hút được vào bao nhiêu không khí.
Mọi thứ đã bị tắc nghẽn, giống như những lần kẹt xe vào giờ cao điểm ở Sài Gòn vậy.
Cả người cong lại như con tôm bị luộc chín, tôi cố giữ lan can bằng một tay, và tay còn lại thì ôm lấy lồng ngực, sợ rằng những miếng nội tạng của mình sẽ văng ra ngoài.
Tôi bị như vậy cũng được vài tháng rồi.
Đêm ấy, tôi chợt tỉnh giấc bởi một cơn ho dai dẳng, cùng cơn đau dữ dội từ trong lồng ngực, giống như lúc này đây.
Tôi cố kìm chúng lại thành những tiếng “khục khặc” trong cổ họng, cho đến khi bùng phát như đê vỡ ngay khi vừa ra khỏi phòng ngủ.
Cố gắng bước đi, tôi vào nhà vệ sinh để rửa đống nhớp nháp trên tay thì mới thấy một màu máu đỏ tươi.
Tôi không cho vợ tôi biết chuyện này.
Không phải tôi muốn giấu cô ấy, tôi chỉ phân vân không biết có nên nói ra hay không thôi, bởi vợ tôi là người thích làm quá lên mọi chuyện.
Nhưng chỉ một tuần sau thì cô ấy cũng biết chuyện.
Tôi lọ mọ đi vệ sinh vào nửa đêm như mọi khi, và lúc quay ra thì đã thấy cô ấy đứng ở trước cửa.
Tôi cứ tưởng như cô ấy sẽ lại hét toáng lên như vẫn làm rồi chửi rủa rằng tôi là một thằng vô tâm hay nói những thứ đại loại thế.
Nhưng không, cô ấy cứ im lặng đứng đó, nhìn tôi bằng cái nhìn âu yếm như mọi ngày, không khóc, không cười.
Ánh đèn vụt tắt, tôi cảm thấy một cơn rung dữ dội và đổ gục xuống sàn.
Khi thức dậy, tôi thấy mình đã nằm trong bệnh viện.
Chỉ cần nhìn lên trần nhà và ngửi cái mùi khó chịu trong không khí là biết mình đang ở đâu.
Môi miệng tôi khô khốc cứ như chưa đánh răng cả tháng trời vậy, nhưng thực ra thì chỉ mới có ba ngày.
Tôi ghét bệnh viện và muốn về nhà, nhưng tên bác sĩ đã nói với vợ tôi rằng cần phải ở lại để theo dõi vì tình hình của tôi rất nghiêm trọng, và vợ tôi đã nghe theo.
“Thật là một vụ ngoại tình trắng trợn” – tôi nằm dài trên cái giường cứng ngắc và suy nghĩ.
Tuy nhiên sau đó, tôi có chút xót xa khi nhìn thấy gương mặt thiếu ngủ của vợ mình, nhưng cảm xúc đó chỉ kéo dài cho tới khi tôi nhìn thấy gương mặt của chính mình trong gương.
Tôi bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
“Chết chắc rồi” – tôi nói với vợ – “nếu như phải chọn giữa bệnh viện với ngôi nhà của chúng mình, anh muốn những ngày cuối cùng được ở cùng em, trên chiếc giường êm ái ấy”.
Cô ấy cười khi nghe được điều đó, và khóe mắt cũng chảy xuống một dòng lệ, lăn dài trên má.
Nhưng là người hiểu tôi hơn bất kỳ ai hết, cô ấy làm thủ tục xuất viện cho tôi ngay trong ngày hôm sau.
Tuy nhiên, cái bệnh viện này làm việc hơi lề mề nên tôi được thông báo rằng phải ba ngày nữa mới xuất viện được.
Trong thời gian ở lại bệnh viện, bọn họ sắp xếp cho tôi tham gia vào một nhóm những người sắp chết giống như tôi.
Hoạt động của chúng tôi không liên quan gì đến tôn giáo hay chính trị cả, dù cho chúng tôi chẳng sợ phải tù tội gì và cũng chẳng quan tâm phải lên thiên đường hay xuống địa ngục nữa.
Mọi người cùng ngồi ở đó thành một vòng tròn, không có gì ngăn cách giữa những con người với nhau.
Chúng tôi không phân biệt tuổi tác, giới tính hay đẳng cấp, không giống như cách mà cái xã hội ngoài kia vẫn đang vận hành.
Chúng tôi chỉ là những kẻ sắp chết, ngồi kể lể với nhau những câu chuyện của cuộc đời mình.
Và nếu câu chuyện chưa kết thúc, nó sẽ được tiếp tục vào buổi họp mặt hôm sau.
Họ nói đây là một liệu pháp tâm lý giúp mọi người cảm thấy tốt hơn, trong quá trình chống chọi với những cơn đau của bệnh tật.
Nhưng tôi chẳng thấy cái lồng ngực của tôi bớt đau đi chút nào cả.
Tôi thích những cuộc nói chuyện không đầu không cuối với vợ mình hơn.
Nhưng dù sao thì cô ấy vẫn còn có công việc và cuộc sống của riêng mình, dù cho chúng tôi đã không còn phân rõ điều đó qua nhiều năm.
Tôi không thể đòi hỏi cô ấy phải ở đây cả ngày được.
Tôi biết, dù không nói ra, nhưng cô ấy cảm thấy rất tệ khi phải nhìn thấy tôi mỗi lúc một gầy đi.
Thế là tôi nói vợ mình rằng mình vẫn ổn và đến đây đều đặn mỗi ngày, và cũng rất đúng giờ, giống như được trả lương cho việc này vậy.
Ngồi cạnh tôi là một chàng thanh niên trẻ hơn tôi vài tuổi.
Cậu ta bị ung thư gan, nhưng trông lại chẳng có vẻ gì là bệnh tật cả.
Cậu ta cũng còn quá trẻ để bị căn bệnh đó.
Cậu ta cao hơn tôi cả một cái đầu, thân hình rắn rỏi, hơi thở đều đều và giọng nói rất rõ ràng.
Cậu ấy kể cho chúng tôi nghe rằng bố mẹ cậu ly dị từ nhỏ, khi cậu còn chưa đi học Tiểu Học.
Mặc dù bản thân chẳng có lỗi gì trong chuyện đó, nhưng cậu ta lại luôn cho rằng mình là nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ, và cái suy nghĩ sai lệch ấy cứ bám lấy trái tim non nớt của cậu ta, suốt bao nhiêu năm như vậy.
Sau đó, cậu tự ép mình phải trở thành một đứa con ngoan trong mắt của mẹ, người mà cậu sống cùng.
Nhưng rồi người mẹ đó lấy một người đàn ông khác, có một đứa con khác và quẳng cậu sang một bên.
Kể từ đó, cậu chẳng còn nhận được chút tình thương nào từ mẹ mình nữa.
Cha cậu cũng rất ít đến thăm cậu, dần dần thì cũng mất dạng.
Cậu ta bắt đầu nghiện rượu từ đầu năm cấp ba, và thường xuất hiện trong các quán xá thay vì trường học.
Cậu ta nói rằng nhà cậu không thiếu tiền, chỉ thiếu tình thương.
Rồi cậu quen một cô bồ lớn hơn mình tận năm tuổi, và chỉ mới chia tay trước đó vài tháng.
Gọi là chia tay vậy thôi chứ chẳng có lời chia tay chính thức nào cả.
Ngay khi nghe tin cậu ta bị ung thư, cô ả bốc hơi nhanh hơn cả nước sôi.
Và sau hơn hai tháng liên lạc trong vô vọng, cậu bé đáng thương này mới chịu chấp nhận sự thật.
Nói xong, cậu ta gục đầu vào tôi khóc.
Không có giọt nước mắt nào chảy ra, nhưng tôi lại cảm thấy cậu ta đang khóc một cách chân thật nhất.
Ở đây, chúng tôi không cần phải che giấu cảm xúc của mình nữa.
Nếu tính theo thời gian chào đời thì mọi người cách nhau xa lắm.
Nhưng nếu tính theo còn lại trên cõi đời này, bọn tôi cũng chẳng khác nhau mấy.
Tuổi tác của mọi người ở đây có lẽ được tính theo cách thứ hai, vậy nên chúng tôi có thể dễ dàng trở thành bạn của nhau.
Mất khoảng nửa tiếng sau thì cậu ta ngừng khóc, chẳng cần ai dỗ cả.
Việc an ủi bằng lời nói ở đây là thừa, và ai cũng hiểu điều đó.
– Đến lượt anh rồi.
– Cô gái ngồi phía đối diện nhìn tôi nói.
Cô ta luôn là người bắt đầu câu chuyện của mỗi người bằng câu nói đó.
Cô ta là một chuyên gia tâm lý, nhưng đôi khi tôi thấy cô ta cũng giống một giáo viên, biên tập viên, phóng viên, hướng dẫn viên, phát thanh viên, điều tra viên hay cái gì đó đại loại thế.
Tôi nhìn cô gái ấy, và những ánh mắt xung quanh đang hướng về mình.
Tôi lại nghe thấy cái hương vị chín rục của mùa thu trong không khí, và hình ảnh về những mùa hè chợt lần lượt hiện lên trong đầu tôi, từng cái, từng cái một.
Chúng giống như những bức tranh đã úa màu hoặc bị rách vài chỗ.
Tôi cố gắng hít thở một cách bình thường và lật tới lật lui những bức tranh ấy..