Họa Tiên

Chương 29: 29: Ngõ Ngư Dương Hai



Nhìn lại thì thấy Hi Lam đang phe phẩy quạt lông đứng ở vách đá, trên đầu đội khăn vấn đầu, chân mang giày vểnh đầu, nhìn có vẻ khá đẹp trai, ánh mắt cũng trong sáng đến mức không cho phép nghi ngờ như dòng suối lượn lờ.

Kha Thư Hàn nói: “Sao Bùi nương tử lại nói vậy?”
“Đánh lâu binh sĩ mệt mỏi là chuyện đương nhiên, Nguyên soái băn khoăn cũng dễ hiểu, nhưng theo lý thì An Lộc Sơn mới là người cần phải lo lắng nhiều hơn.”
“Sao có thể khẳng định như vậy?”
“Phản quân xuất phát từ Phạm Dương, đi đường xa đến đây, binh quý thần tốc, lương thảo và nhân tâm cũng không chịu được sự giày vò hao mòn như thế.

Phản quân của An Lộc Sơn có hơn một nửa là quân nhà Đường, hiện nay bọn họ nối giáo cho giặc, thời gian kéo dài càng lâu thì lòng quân lại càng bất ổn, rất dễ bị kích động đến mức xảy ra nội loạn.” Nói đến đây, Hi Lam dùng quạt lông chỉ về phía Thiểm quận, “Nếu Nguyên soái là phản quân, liệu sẽ để quân đội yếu ớt của mình lộ ra ở nơi như thế hay sao?”
“Sẽ không.”
“Hi Lam chắc chắn, đây chính là kế phục kích.”
Ánh mắt Kha Thư Hàn trở nên rõ ràng hơn nhiều, vỗ tay nói: “Bùi nương tử nói có lý, suýt chút nữa thì ta đã hồ đồ mất rồi.

Chúng ta có Đồng Quan là lá chắn thiên nhiên, như có thần tiên trợ giúp, ngàn vạn lần không được ra khỏi quan.

Người đâu, truyền lệnh xuống, gia tăng phòng bị, bế quan tử thủ, tuyệt đối không ra khỏi quan.”
Kể từ ngày đó, Kha Thư Hàn tìm một Phụ tá lâm thời, gọi Hi Lam cùng mưu tính kế hoạch giết giặc với ông ta.

Hi Lam nghĩ ra đủ loại chiến thuật giả thần giả quỷ hù dọa quân địch, Kha Thư Hàn vỗ bàn khen hay, nói nếu có thể đánh bại An Lộc Sơn, vậy thật đúng là xưa có Phì Thủy (1), Xích Bích (2), nay có rừng đào Đồng Quan.

Hi Lam cũng hết sức vui vẻ, hẹn với ông ta sau khi chiến thắng khải hoàn trở về, nhất định sẽ cùng nhau uống ba trăm chén, không say không về.

Kha Thư Hàn cười nói, chỉ sợ ông già như ta phải về trước rồi.
(1) Trận Phì Thủy là trận đánh nổi tiếng năm 383 thời Đông Tấn – Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc giữa quân Tiền Tần và quân Đông Tấn.

Trận chiến Phì Thủy, với đại thắng của quân Đông Tấn, được đánh giá là trận đánh quan trọng nhất thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc, và cũng được xem là một trong những trận “lấy ít thắng nhiều” tiêu biểu nhất trong lịch sử.

Ngoài ra, trận đánh này được xem là một trong những trận chiến lừng danh nhất trong lịch sử Trung Quốc.
(2) Trận Xích Bích là một trận đánh lớn cuối cùng thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện thời Tam Quốc.

Trận đánh diễn ra vào mùa đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo.

Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của phe Tôn-Lưu trước đội quân đông đảo hơn của Tào Tháo.
Kế hoạch thì rất hay rất đẹp nhưng hiện thực thì lại bị thúc giục rất đau thương.

Cho dù binh thư, kế hoạch của Kha Thư Hàn và Hi Lam có toàn diện đến thế nào cũng không chịu nổi một đạo sắc chỉ của Thiên Tử.

Sau khi triều đình nhận được tin tức của kẻ địch, Lý Long Cơ hạ chiếu ra lệnh cho Kha Thư Hàn lập tức xuất binh, thu phục Lạc Dương.

Nhận được sắc chỉ, mặt mũi Kha Thư Hàn trắng bệnh, vội vàng dâng tấu giải thích nguyên do kỹ càng.

Ngay lúc đó, Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật liên tiếp đánh bại Sử Tư Minh mấy lần ở Hà Bắc cũng giúp Kha Thư Hàn ra sức giữ vững sách lược không ra ngoài.

Lý Long Cơ không ngừng dao động, Dương Quốc Trung lại giận dữ đến mức dựng râu trợn mắt, cảm thấy Kha Thư Hàn vì lợi ích của bản thân mới từ chối không đánh, cứng rắn dùng ba tấc lưỡi không xương khiến Lý Long Cơ tin tưởng rằng Kha Thư Hàn là một kẻ tầm thường, nhát gan, ích kỷ, già yếu không còn dùng được nữa.

Lý Long Cơ liên tiếp phái sứ giả đưa chiếu chỉ đến Đồng Quan, thúc giục Kha Thư Hàn đón đánh phản quân của An Lộc Sơn, Kha Thư Hàn phải giả chết bốn lần.
Đầu tháng Sáu, Nhan thị huynh đệ ở Thường Sơn* cũng nổi binh phản kháng phản quân An – Sử, các châu, quận chung quanh cũng mạnh mẽ ủng hộ, cũng hưởng ứng theo, cho nên đã chặt đứt đường lui của phản quân nếu muốn quay về phương Bắc.

Kha Thư Hàn nghe thấy tin này thì vô cùng kích động, nghĩ tên cẩu tặc An Lộc Sơn này chết chắc rồi, đang định dâng tấu lần thứ hai về phía triều đình, sứ giả lại đến Đồng Quan truyền chiếu chỉ lần thứ năm, nói nếu Nguyên soái tiếp tục kháng chỉ, từ chối không xuất binh sẽ bị tru di tam tộc.

Hi Lam ở ngoài lều nghe thấy, sợ đến mức rơi cả quạt xuống đất, lông bay tán loạn.

Kha Thư Hàn đấm ngực khóc rống lên: “Lang sói vào kinh, số mệnh Đại Đường ta đã tận rồi!”

*Ý để chỉ hai anh em họ: Thái thú Bình Nguyên Nhan Chân Khanh, Thái thú Thường Sơn Nhan Cảo Khanh
Sáng sớm ngày mùng bốn, Hi Lam ở trên vách núi Đồng Quan nhìn xuống, thấy Kha Thư Hàn xuất ra mười tám vạn binh, cờ bay che khuất mặt trời, đao kiếm như rừng, từ từ đi về phía bình nguyên phía Tây Linh Bảo*.

Đến lúc mặt trời lặn, khói cuồn cuộn ở phía xa, lửa cháy hừng hừng, tiếng than khóc tuyệt vọng kêu gào đến mức ngay cả trên đỉnh núi cũng nghe thấy.

A Ni Man nhìn về nơi giao chiến phía xa xa, hơi mong chờ hỏi: “Bên đó đánh giết kịch liệt như vậy, là bên ta đang thắng sao?”
*Linh Bảo: thành phố trực thuộc quận.
Nếu “bên ta” là để chỉ bên phía cha ruột của ngươi, vậy thì ngươi nói đúng rồi.

Hi Lam nghĩ trong lòng như vậy nhưng chỉ quay đầu lại, nhìn về phía phương hướng Trường An ở phía Tây, lặng lẽ thở ra một tiếng thật dài.
Ban đêm Kha Thư Hàn chật vật trốn về, lúc vượt qua sông Hoàng Hà đến phía Tây, phía sau ông ta chỉ có một trăm tàn binh.

Sĩ khí sụp đổ, đường lại tối đến mức duỗi tay không nhìn thấy năm ngón, lương thực của quân Đường đều rơi xuống chiến hào phía ngoài Đồng Quan, chỉ trong thời gian chớp mắt đã san bằng cả chiến hào.

Sau đó những binh tốt giẫm đạp nên thi thể đồng đội trốn về Đồng Quan.

Mười tám vạn đại quân, cuối cùng chỉ còn tám ngàn người, rừng đào bên ngoài Đồng Quan cũng bị máu nhiễm thành một mảnh màu đỏ loang lổ.
Có lẽ là non sông đất nước mất đi khiến người ta không tránh khỏi sầu não, ban ngày Hi Lam cổ vũ tàn binh bại tướng trong quân doanh, điều khiển việc đưa thuốc, chữa thương cho bọn họ, đến đêm khuya khi nằm một mình trên giường thì lại trằn trọc mất ngủ suốt một canh giờ mới ngủ được.

Nàng mơ rất nhiều giấc mơ lộn xộn, cái nào cũng có liên quan đến kiếp trước, trong mộng nàng tìm kiếm Dật Sơ ở khắp nơi, nhưng phần lớn trong đó ngay cả bóng dáng hắn cũng không thể nhìn thấy được.

Trong giấc mơ cuối cùng, rốt cuộc nàng cũng đã thấy Dật Sơ, bọn họ về đến núi Diêu Quang, cùng ngồi trên đỉnh vách núi cao ba nghìn nhận, nhìn vầng mặt trời rực rỡ phía xa xa và vạn dặm biển mây.

Nàng dựa vào vai Dật Sơ, Dật Sơ nắm tay nàng.

Nàng khẽ nói, nếu như có thể tiếp tục như vậy cả đời, thật là tốt biết bao.

Bây giờ nàng hơi hối hận lúc trước đã rời khỏi đây.
Dật Sơ nói, Lam Lam, ta rời khỏi núi Diêu Quang là để bảo vệ thiên hạ, cũng là bảo vệ nàng, cho nên ta chưa từng hối hận.

Nếu ngay từ đầu đã có kết cục như vậy, ta sẽ không suy xét đến chuyện rời khỏi núi Diêu Quang.

Chúng ta sinh cùng nơi nhưng lại chết không cùng huyệt, mặc dù kết cục không được xem là viên mãn, nhưng ta với nàng dù sao cũng đã là phu thê cả đời.

Nếu không phải nguyên thần của ta đã hao hết, không còn cơ hội chuyển thế nữa, ta nhất định tìm thấy nàng trong ngàn vạn luân hồi, cùng nàng ân ái đến đầu bạc đời đời kiếp kiếp một lần nữa.
Nàng túm chặt lấy cánh tay hắn nói, chàng đừng làm ta sợ, ta nói trước là ta chỉ hù dọa chàng thôi.

Năm đó, trong ngọn lửa Hồng Liên, ta không tự thiêu mình hoàn toàn, ta chuyển thế, chàng nhất định phải đến tìm ta.
Dật Sơ cười nói, Lam Lam của chúng ta vẫn luôn thông minh như thế, vẫn luôn chừa đường lui cho mình.

Đáng tiếc ta không được thông minh như nàng, cũng không có mắt nhìn, vĩnh viễn ta không đấu lại nàng.
Nàng sốt ruột đến mức khóc òa lên, nói nàng sai rồi, xin hắn hãy ở lại.

Hắn lau nước mắt nàng nói, vốn người phụ lòng là ta, người nên xin lỗi cũng là ta.

Nàng xin lỗi lại càng khiến ta thêm tự trách.

Đáng tiếc là chuyện đã như vậy rồi, không ai trong chúng ta có thể thay đổi được lịch sử.

Thời gian của ta không còn nhiều lắm.

Nào, để ta ôm nàng thêm một lúc nữa…
Mấy ngàn năm qua, kiếp trước kiếp này, nàng không quên được biết bao nhiêu ngày đêm lẻ loi ngồi dựa trong sương mờ khói nhạt.

Đã chờ lâu như vậy, chỉ là chờ mong mỗi ngày có thể nhìn hắn nhiều thêm một chút.

Đã bao nhiêu lần miễn cưỡng cười vui cũng chỉ mong chờ những ngày còn nhìn thấy hắn có thể kéo dài thêm một chút.

Nàng thật sự, thật sự chờ lâu lắm rồi, lâu đến mức đã quên ban đầu nàng định chờ để làm gì.
Nàng dựa vào trong ngực hắn, ngay cả khóc cũng không dám tạo ra chút tiếng động nào, sợ cơ thể run rẩy cũng có thể khiến hắn tan thành mây khói.

Trong mơ nàng cũng biết đó chỉ là giấc mơ.

Nàng hi vọng đêm có thể dài hơn một chút.

Chỉ mong có thể tiếp tục mê man trong giấc mộng, mãi mãi không cần phải tỉnh dậy nữa.

Chỉ là, cho dù nàng cẩn thận đến thế nào, cuối cùng hắn vẫn biến thành một làn khói nhẹ, lặng lẽ tan đi, không để lại chút gì.
Trong mơ, dường như ba ngàn năm đã trôi qua, nhưng Hi Lam xoay người mở mắt một cái, phát hiện trời bên ngoài còn chưa sáng, gối nàng đã ướt đẫm hơn một nửa.

Nàng châm nến, mài mực chuẩn bị viết một bức thư cho Dật Sơ, chỉ là trong mực lẫn thêm những giọt nước mắt còn sót lại, loãng đến mức không thể viết chữ được.

Nàng định lại mài thêm chút mực nhưng lại nghĩ lại một chút, tin tức chẳng thông, núi rộng sông dài, cho dù viết thư xong thì biết phải gửi đến đâu bây giờ?
Trong mơ, dường như nàng đã quay về thời thiếu nữ, cho nên hơi yếu ớt, thích khóc nhè.

Lúc này nàng đã tỉnh táo lại, cảm thấy cảm xúc rất bình tĩnh, muốn khóc cũng khóc không được.

Nàng buông bút nhìn núi Nam đồi Bắc hoa tươi, trăng cao chiếu rọi rưới đầy quân doanh*, nàng bỗng phát hiện, thì ra giang sơn Đại Đường vẫn không hề thay đổi, vẫn là dáng vẻ khi Khai Nguyên thịnh thế ấy, nhan sắc đỏ thắm trong gương cũng không thay đổi, vẫn là dáng vẻ như tám năm trước.

Chỉ là, cho dù là giang sơn hay là người, cũng bỗng già sau một đêm.
*Trích trong Chuyển ứng khúc của Đái Thúc Luân, kể về nỗi mong nhớ quê hương của những binh lính xa quê.
Năm ngày sau, Đồng Quan thất thủ.

Nghe nói Kha Thư Hàn lui về Quan Tây, vẫn dán bố cáo mời chào những binh sĩ thất lạc ở trạm dịch, muốn cướp lại Đồng Quan một lần nữa, nhưng lại bị một đội quân khác ép phải cởi giáp đầu hàng An Lộc Sơn.

Kha Thư Hàn thà chết không theo, bị đối phương cột vào chân ngựa kéo về Lạc Dương, sau đó sống chết không rõ.
Trường An vô cùng rối loạn, bá tánh nghe thấy tên của An – Sử thì sợ đến mức chạy trối chết.

Ngày xưa cung Đại Minh “ngàn quan như nhạn vào chầu đầu hôm” nay lại vắng vẻ tiêu điều, Lý Long Cơ được đám người Cao công công hộ tống hạ triều.

Dọc đoạn đường này, ông ta nhớ tới khi còn nhỏ tổ mẫu (1) từng tán gẫu về Đại Đường thời Thái Tông Hoàng đế thống trị, nhớ tới vẻ tang thương trên mặt tổ mẫu khi hoàng thúc ép tổ mẫu thoái vị trong chính biến Thần Long, nhớ tới bản thân mình liên thủ với cô mẫu tru sát Vi Hậu…!Vào năm ông ta hai mươi bảy tuổi đó, phụ thân nhường ngôi, ông ta đăng cơ xưng đế ở cung Thái Cực, trong lòng mang nhiệt huyết hừng hực không kiềm chế được.

Trên đoạn đường này, ông ta đã bước qua không biết bao nhiêu máu tươi, xương cốt của cố nhân, chứng kiến biết bao nhiêu sinh ly tử biệt của những người thân.

Trên có bầu trời xanh, cửu phượng hồi dương (2), phía dưới có lãnh thổ ngọa hổ tàng long, có hàng ngàn hàng vạn lê dân bá tánh tận mắt chứng kiến ông ta trở thành Hoàng đế Đại Đường.

Từ đó về sau, ông ta cần phải chăm lo việc nước, mở ra một trang sách tráng lệ nhất trong sử sách.
(1) Tổ mẫu của Lý Long Cơ chính là Võ Thái hậu, Võ Tắc Thiên.
(2) Ý chỉ chín mặt trời trong thần thoại Trung Quốc
Cho đến trước khi Đồng Quan thất thủ, ông ta vẫn cảm thấy những năm Khai Nguyên thịnh thế vẫn rõ ràng trước mắt như trước; thoáng kinh hồng khi lần đầu gặp mặt Ngọc Hoàng chẳng qua cũng mới là chuyện hôm qua.

Cho đến khi ngồi trên long ỷ, thấy quan viên vào triều chỉ có ba người, bọn họ vẫn cúi đầu bái lạy hô “Ngô hoàng vạn tuế” rất quy củ, giọng yếu ớt không nghe thấy rõ.

Bây giờ mặc dù lấy thân hi sinh vì giang sơn, khi xuống đất gặp lại Trần Hậu Chúa*, sợ cũng không còn mặt mũi nào nhắc đến “Ngọc thụ Hậu Đình hoa”*.
*Trần Thúc Bảo( 553-604, trị vì 582-589), thường được biết đến trong sử sách là Trần Hậu Chúa, thụy hiệu Trường Thành Dương công, tên tự Nguyên Tú, tiểu tự Hoàng Nô, là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Trần thời Nam-Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc.

Tại thời điểm ông đăng cơ, Trần đã phải chịu áp lực quân sự từ triều Tùy trên nhiều phương diện.

Theo các sử gia truyền thống, Trần Thúc Bảo là một quân chủ bất tài, ham mê văn chương và tửu sắc hơn là việc chính sự.
Bài thơ “Ngọc thụ Hậu Đình hoa.” do Trần Thúc Bảo sáng tác, hoa Hậu Đình vốn là một loài hoa xuất xứ từ Giang Nam, người ta thường trồng nó sau vườn để thưởng thức nên còn có tên là hoa Hậu Đình.

Trong bài thơ đó có một câu nói ngày hoa Hậu Đình nở hay tàn cũng chẳng còn bao lâu nữa.

Ngày lành của Trần Hậu Chúa cũng ngắn ngủi như hoa Hậu Đình này vậy.
Cuộc đời chẳng qua cũng chỉ là một giấc mộng dài.

Lý Long Cơ giống như người vừa tỉnh mộng.
Một ngày nào đó trời còn chưa sáng, dưới sự hộ tống của tướng sĩ lục quân dưới sự đứng đầu của Trần Huyền Lễ, Thiên Tử đưa tỷ muội Dương Quý phi, Hoàng tử, Công chúa, Dương Quốc Trung, Cao Lực Sĩ và những người lân cận trốn chạy đến cổng Diên Thu, đi về phía Xuyên Thục – nguyên quán của Dương Ngọc Hoàn.

Xa giá vừa mới ra khỏi cổng Tây được hơn trăm dặm, đến sườn núi Mã Ngôi, tướng sĩ lục quân bỗng đứng lại không đi nữa.

Trong lòng tất cả mọi người đều hiểu rất rõ ràng, loạn An – Sử cũng không phải là lỗi của một mình An Lộc Sơn, Dương Quốc Trung làm loạn trong đó không tránh được quan hệ.

Đồng Quan thất thủ cũng không phải là lỗi của Kha Thư Hàn mà lỗi là do những lời dèm pha tầm bậy của Dương Quốc Trung.

Vốn trong lòng mọi người đã mang oán hận với ông ta, dọc đường đi lần này gần như bọn họ đã không chịu đựng nổi, Dương Quốc Trung lại vẫn còn giữ dáng vẻ vênh váo tự đắc, khoa tay múa chân như trước, khiến thuốc nổ trong lòng các tướng sĩ đồng loạt nổ tung.

Bọn họ bao vây Dương Quốc Trung tứ phía, nói không có đồ ăn, muốn Thừa tướng tự nhìn mà làm.

Dương Quốc Trung sợ đến mức vỡ cả tim mật, chạy trốn té cứt té đái.

Không biết trong quân ai đó đúng lúc hô to một câu: “Thừa tướng muốn làm phản cùng đám người Hồ!” Các tướng sĩ đồng loạt tiến lên, loạn đao chém chết Dương Quốc Trung, dùng thương đâm vào đầu ông ta cắm ở cửa trạm dịch, những bộ phận còn lại thì băm thành thịt vụn.
Các tướng sĩ giết sạch sẽ cả trai lẫn gái của nhà họ Dương, nhưng những điều đó cũng chưa đủ để họ giải hận, họ động chạm vào xa giá muốn giải hận, bọn họ dùng ánh mắt hận thù nhìn về phía Quý phi nương nương.

Cao Lực Sĩ khuyên Thiên Tử, để ông ta ban chết cho Quý phi hòng ổn định quân tâm.

Lý Long Cơ cảm thấy tất cả đều là sai lầm của ông ta, Dương Ngọc Hoàn cũng không làm sai gì cả, dù thế nào cũng không đồng ý, nói các ngươi muốn giết cứ giết trẫm.

Chúng tướng sĩ trầm mặc, Trần Huyền lễ bước lên nói nếu vậy xin bệ hạ cam đoan vĩnh viễn không gặp mặt Dương Quý phi nữa, cũng chiêu cáo thiên hạ đã ban chết cho Quý phi, chúng thần có thể không giết nàng ta nữa.

Lý Long Cơ thở phào nhẹ nhõm một hơi, sau đó lưu luyến chia tay Dương Ngọc Hoàn rồi phái đoàn người đưa nàng ấy đi Đông Doanh.
Sau binh biến ở sườn núi Mã Ngôi, Thiên Tử tiếp tục chạy đến đất Thục, Thái tử lên Linh Vũ phía Bắc.

Vương thất chân trước rời khỏi Trường An chưa lâu, chân sau phản quân của An Lộc Sơn đã đuổi tới sau lưng.

Ngày mười lăm tháng Sáu năm Thiên Bảo, Trường An rơi vào tay giặc.

Cả nhà Bùi Kiều Khanh thu thập hành lý, cũng chuẩn bị chạy đến Linh Vũ đầu quân cho Thái Tử.

Trước khi đi, một nhà bọn họ đến rừng đào, chuẩn bị đón tổ mẫu thoát khỏi cuộc chiến loạn, nhưng tổ mẫu đã đau ốm nằm trên giường, không có sức theo bọn họ lăn lộn nữa, chỉ cười vuốt đầu Hi Lam: “Con yên tâm được rồi, nơi này của tổ mẫu rất bí mật, ngay cả hơi người cũng không có, lang sói không đánh hơi được đâu.

Lại nói tiếp, cho dù bọn có có tìm được ta, giết một lão thái bà bệnh tật vô dụng, sợ là bọn họ còn ngại động đao đó chứ.”
Hi Lam cầm tay bà, mặt ủ mày chau nói: “Nhưng mà, tổ mẫu, sức khỏe của bà…”
Bên ngoài cửa sổ không có hoa đào, một cơn gió thổi tới chỉ có một mùi hương thơm mát thoang thoảng.

Nơi này cách biệt với thế gian, giống như tiên cảnh, không khác gì chốn đào nguyên dưới ngòi bút của Đào công*.

Mặc dù sức khỏe của tổ mẫu rất yếu, nhưng nét mặt lại rất bình tĩnh, an yên: “Yên tâm đi mà, mạng tổ mẫu rất dài, không có chuyện gì đâu.”
*Chỉ Đào Tiềm (Đào Uyên Minh) đã chú thích trước đó.
Bà nói bình tĩnh như vậy khiến Hi Lam trong chốc lát không phân biệt được là thật hay giả.

Thấy Hi Lam vẫn còn do dự, tổ mẫu nói: “Lam nhi, sinh mạng con người, thời kỳ của cỏ cây, đều có số mệnh, không cần phải tính toán như vậy.

Nhưng mà, dù sao thì con người cũng khác với cỏ cây, vì con người có niềm tin.

Niềm tin càng mạnh thì sống càng có ý nghĩa.”
Hi Lam nửa hiểu nửa không gật đầu.
Tổ mẫu nói: “Từ khi tổ phụ con tạ thế, mỗi ngày ta đều nhớ ông ấy, nhưng lại vô cùng hiếm khi mơ thấy ông ấy.

Những ngày gần đây, ông ấy gọi ta liên tiếp.

Có lẽ là bởi vì ta nhớ nhung nhiều quá, tưởng niệm nhiều quá, chịu đựng nhiều lần như vậy, ông ấy thật sự đến rồi.”
Hốc mắt Hi Lam đỏ bừng: “Tổ mẫu…”
“Nhớ rõ những lời tổ mẫu nói, nghĩ nhiều đến những chuyện vui, hạn chế nghĩ đến những chuyện không may.

Sống trọn hôm nay, hi vọng ngày mai, cả cuộc đời này của con sẽ rất hạnh phúc…”
Cuối cùng tổ mẫu cũng không sống qua khỏi tối hôm đó.

Nghe Bùi phu nhân nói, tổ mẫu đã đau ốm nhiều năm, nhưng trong lòng vẫn mong nhớ Hi Lam đang hôn mê mới tiếp tục chịu đựng sự giày vò của bệnh tật.

Bây giờ nhìn thấy cháu gái đã khôi phục khỏe mạnh, cũng coi như bà ấy đã giải quyết xong một mối băn khoăn.

Hi Lam biết, đối với tổ mẫu mà nói, cuối cùng cũng có thể buông tay cũng là một loại giải thoát, nhưng nàng vẫn không kiềm chế được mà khóc suốt một đêm bên thi thể lão nhân gia.
Bởi vì lo liệu lễ tang của tổ mẫu, tâm trạng Hi Lam rất sa sút, không ngờ lại nhận được một tin dữ khác: A Ni Man nhân lúc cả nhà Hi Lam bận rộn, lén chạy đến trận doanh của phản quân, muốn tìm An Lộc Sơn đàm phán, bị phản quân hoài nghi là mật thám do quân nhà Đường phái đến, đánh nàng ấy một trận rồi đuổi ra.

Nàng ấy mình đầy thương tích nằm ở đầu đường Trường An, thậm chí còn chưa tìm được đường ra đã bị một người bịt mặt ám sát.

Hi Lam nhận được tin vội vàng đưa Hà Thái đi tìm nàng ấy, phát hiện nàng ấy đang nằm hấp hối giữa một vũng máu, chỉ còn một hơi thở cuối cùng.

Hi Lam ngồi xổm xuống muốn đỡ nàng ấy dậy, nhưng một thanh niên khác đã dành trước chắn trước mặt nàng.

Thanh niên đó khoảng hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, có một đôi mắt sắc bén đuôi nhọn, giữa trán có một tiên ấn màu xanh đậm, trên đầu đội mũ Vũ thần cao cao, cả người mặc chiến giáp màu xanh nước biển tỏa ra ánh sáng bạc bức người.
Có trí nhớ kiếp trước, Hi Lam nhận ra tướng mạo của hắn, lo lắng cất lời: “Hà Thái, kỳ phạt của ngươi còn chưa kết thúc, bây giờ mà hóa thành hình người sẽ giảm thọ.”
Hà Thái không thèm để ý, chỉ lo lắng đến mức trắng bệch cả mặt: “A Ni Man, A Ni Man, nàng có ổn không? Náng đừng nói gì cả, bây giờ ta sẽ trị liệu cho nàng.” Nhưng hắn vừa ngưng tụ ánh sáng bằng nước ở tay, A Ni Man lại đẩy tay hắn ra, một bàn tay giữ chặt trong ngực, bịt lấy miệng vết thương đang chảy máu tươi đầm đìa: “Tạ ơn Vũ thần lang quân cứu giúp, nhưng mà tình trạng của ta, ta biết…!không cứu được, ngược lại sẽ làm hại lang quân bị trời phạt, đừng mà…”
Hạ Thái kinh ngạc nói: “Nàng…!biết ta là ai sao?”
“Mặc dù ta ngu dốt, nhưng nhiều năm như vậy, nhiều ít gì ta cũng đoán ra được một chút…” Khuôn mặt A Ni Man rất bẩn nhưng đôi mắt nàng ấy sáng ngời, vẫn xinh đẹp giống như lần đầu hắn nhìn thấy nàng ấy bên bờ Khúc Giang năm xưa.
“Vậy nàng cũng nên biết cái tính cách tệ hại này của ta, nếu như ta bỏ mặc nàng không quan tâm, ngay cả ta cũng ghét bỏ bản thân mình.”
Hà Thái mặc kệ A Ni Man giãy giụa, chỉ muốn cứu nàng ấy.

Nhưng mà thật sự mệnh số của nàng ấy đã tận, hắn lại mang tội bị trời phạt trong người, cho dù thi pháp thế nào cũng chỉ như muối bỏ biển.

Cuối cùng, hắn ôm lấy đầu nàng ấy, đôi mắt đỏ bừng, giận dữ: “Ta còn là Vũ thần chó má gì chứ, ngay cả nữ tử mình âu yếm cũng không cứu được!”
Trong miệng A Ni Man trào ra máu tươi, giọng nói cũng càng lúc càng yếu: “Không sao đâu…!Cho dù ta sống, kiếp này chúng ta đã định trước là không có duyên rồi.

Chỉ là, ngươi là tiên nhân, ngươi nói cho ta biết, có phải là…!con người sẽ có kiếp sau…”
“Có, có! Nàng có thể đứng trên cầu Nại Hà chờ ta, chờ đến khi thời hạn bị phạt của ta kết thúc, ta sẽ xuống đó tìm nàng, đến lúc đó chúng ta…”
Lúc này Hi Lam cảm giác phía sau có động tĩnh, khi quay đầu nhìn lại, nàng phát hiện một binh sĩ phản quân giơ cao trường thương đâm về phía nàng! Nàng lộn một vòng trên mặt đất, cái thương đó đâm thành một lỗ thủng xuống đất.

Binh sĩ đâm liên tiếp, nàng lăn mấy vòng, sợ đến mức mất hồn mất vía.

Binh sĩ kia hô lên: “Nhanh đến đây! Người kia là Bùi Hi Lam, ta nhận ra nàng ta, nàng ta là thân thích của cẩu Hoàng đế và Dương quý phi!”
Có người phía sau hô lớn: “Giết!!”
Hi Lam quay đầu lại, thấy một đám binh sĩ phản quân lao đến, mà Hà Thái cách nàng quá xa, không kịp đến cứu nàng.

Nhìn thấy hơn mười trường thương đồng loạt đâm tới, ánh sáng sáng ngời đâm đau mắt nàng, nàng cảm thấy mình sắp đi đời nhà ma rồi, nàng ôm đầu ngồi xổm xuống, lại nghe thấy có tiếng giống như vật nhọn từ dưới đất trồi lên, sau đó là một trận la hét thảm khốc.

Nàng ngơ ngác ngẩng đầu lên, phát hiện bản thân mình đang được một vòng dây leo xanh ngọc bích vây quanh, xung quanh những dây leo có ba mươi tám bụi gai bằng băng màu xanh lao ra, đâm xuyên qua cổ họng và lồng ngực của những binh sĩ này.

Phần lớn bọn họ đều chết thảm ngay tại chỗ, chỉ có hai người la lên “yêu quái”, “yêu thuật” rồi chạy trối chết.
“Dật…!Dật Sơ?” Hi Lam run rẩy đứng lên, nhưng không thể tìm được bóng dáng quen thuộc ở xung quanh.
“Không phải Dật Sơ.

Chỉ là pháp thuật bảo vệ được phong ấn trên người ngươi được hóa giải thôi.” Hà Thái cõng A Ni Man đứng lên, bước đến quan sát những dây leo và bụi gai, “…!Dật Sơ vẫn còn ở biên giới Đại Đường.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.