Các phù điêu trên vách núi cao toàn là những hình totem mặt hồ ly, nhìn một cái là biết phong cách thời kỳ Chiến Quốc, đa phần đều bị gió và nước xâm thực hết cả, chỉ còn lại những đường nét mơ hồ. Để cho nổi bật, dân địa phương còn dùng thuốc màu quét thêm một lượt nữa, nhưng đến bây giờ, màu sắc cũng đã bạc hết cả. Nhưng đến khi lại gần mà nhìn mới nhận ra, số phù điêu này trước khi bị xâm thực vốn tương đối tinh tế, tỉ mỉ, nhiều chi tiết chạm khắc đòi hỏi rất nhiều công sức, đây là cả một tác phẩm điêu khắc thuộc hàng nghệ thuật rồi, chứ không phải là đồ thủ công đơn giản.
Lên đến trên bờ, anh Đại Trương mới kéo “tôi” lên, “tôi” đã từ bỏ ý định tranh cãi thêm nữa, rõ ràng bây giờ là một chọi hai, “tôi” không có phần thắng nào cả. Huống hồ, bám theo Công Tử Bột suốt dọc đường đến đây như thế, quả thực bây giờ mà ưỡn thẳng sống lưng chỉ trích người khác không tuân thủ quy tắc rồi giết chết người ta, nghe có chút nực cười.
Nhưng câu đầu tiên của “tôi” vẫn là: “Các người làm vậy không phù hợp với quy củ, rốt cuộc các người muốn làm gì?”
Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ nghi ngờ đấy, bởi vì rõ ràng đây không phải là Lạt Ma được gắp để đổ đấu nữa. Gắp Lạt Ma, phần thù lao hoàn toàn là do Đũa sắt chi trả, hai người này cho dù làm thế là để tiết kiệm thời gian hoàn thành nhiệm vụ, thì bên Đũa sắt kia cũng sẽ không nhả ra một xu nào. Trừ phi bọn họ có mục đích của riêng mình. Nhưng nếu thế thì, “rốt cuộc mình được tính là đồng bọn của bọn chúng hay là tù binh của bọn chúng đây?”, với tình cảnh bây giờ khó lòng mà trả lời được câu hỏi này lắm. Cứ coi như là một loại quan hệ giữa người với người vô cùng gượng gạo đi vậy. Có điều, nếu Đũa sắt đã bảo “tôi” đi theo bọn họ, như vậy bây giờ cũng coi như là “tôi” đã hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn rồi.
Áo sơ-mi của Công Tử Bột ướt sũng nước, hoàn toàn không thèm đếm xỉa gì đến “tôi”, y oán giận nói: “Nếu không phải ông cứ chít chít meo meo ở sau lưng tôi, thì tôi đây đã thay thủy kháo rồi xuống nước rồi. Đây là áo sơ-mi do chính ông chủ tiệm Hanh Sinh ở Thượng Hải làm cho tôi đấy, không biết gặp nước có bị co lại hay không nữa.”
Vừa nói, bọn họ đã bắt đầu leo trèo rồi, vào trong một ngôi nhà sàn ngay bên hồ ở gần đó. Thói quen của người họ Trương, coi như là tôi đã biết rồi, bất kể bọn họ đang làm chuyện gì đi chăng nữa, bước chân của họ vẫn vĩnh viễn tiến về phía trước. Trừ phi là thời điểm vạn bất đắc dĩ lắm, còn không, bọn họ tuyệt đối không chờ đợi ai cả. Cho nên, trong khi người bình thường còn đang mải nghi ngờ, thận trọng, bàn luận mọi việc, thì bọn họ đã sớm chạy được cả ngàn dặm rồi.
Sàn gỗ của ngôi nhà sàn này, một là được làm bằng chất liệu gỗ thượng hạng nhất, hai là được dày công sắp đặt nghiên cứu rất kỹ lưỡng, chậu than để sưởi ấm cũng là đồ Tây hẳn hoi, vừa nhìn đã biết là công nghệ chế tác của Nepal. Không gian bên trong nhà rộng bằng sáu bảy gian nhà bên ngoài ấy, được đặt các tấm đệm bằng nhung tơ. Phía gần đầm nước còn có một gác lửng nữa, bên dưới các chân chống chính là nước đầm.
Chậu than đã được đốt lửa, bên cạnh còn đang đun hai bình trà. Công Tử Bột cởi phăng chiếc áo ra, để trần nửa thân trên gầy gò, bấy giờ “tôi” mới nhìn thấy trên người y có xăm một hình rất quái, trông vừa giống Kỳ Lân lại vừa không phải Kỳ Lân. Cũng may Tiểu Tam gia đây học vấn uyên bác, kinh nghiệm đầy mình, tôi vừa nhìn thấy liền ngẩn người ra. Đó là một con “Cùng Kỳ”.
Cùng Kỳ là một loại thần thú rất quái lạ, nó gần như là mặt tương phản của Kỳ Lân. Kỳ Lân là con vật ghét ác như thù, đại diện cho nguồn sức mạnh hung mãnh nhưng chính nghĩa, không thể kháng cự, người mang hình xăm Kỳ Lân nếu làm việc đứng đắn ắt sẽ khỏe mạnh vô cùng, nhưng nếu làm việc bất chính thì sẽ bị Kỳ Lân thiêu đốt toàn thân. Là một loại thần thú phải ký kết giao ước, nhưng Cùng Kỳ lại hoàn toàn tà ác. Nó ăn thịt người, nếu có hai bên đang tranh đấu, nó sẽ cắn đứt mũi của bên chính nghĩa, nếu nó phát hiện có người là việc xấu, nó sẽ săn bắt rất nhiều dã thú tặng cho người đó như một sự khích lệ cho hành động này.
Đúng là người như thế nào xăm hình như thế đó, cảm giác Công Tử Bột đích thị là cái loại người khốn kiếp như vậy.
Nhưng oách nhất là, dương vật của Cùng Kỳ dài những 5 mét lận, ở một số khu vực, nó tượng trưng cho khả năng sinh sản của nam giới. Người xăm Cùng Kỳ, yêu thích những chuyện dâm lạc.
Y treo áo sơ-mi lên giá hong khô, vừa rót trà nóng, còn vừa tỏ ý “tôi” đừng khách sáo. “Tôi” hoàn toàn ngẩn người. Hai cái tên này, chạy vèo đến đây – nơi mà đám người ngoài kia dù có năng lực mấy thì cũng phải mất một hai ngày mới tới – với tốc độ nhanh nhất, sau đó ngồi thảnh thơi uống trà.
“Trang trí ở đây có thật là nhiều chi tiết của người Hán, nhất định là có người Hán nào đó đã giúp người Di xây dựng nên những ngôi nhà ở nơi này.” Công Tử Bột nói: “Trong trà có trộn thuốc, cần có thời gian mới công hiệu. Không uống trà này, đến tối đừng hòng ai cứu ông được nữa.”
“Tôi” hỏi: “Thuốc gì? Tôi không thể uống thuốc bừa được.”
Công Tử Bột đưa cái chén mà y đã uống phân nửa cho “tôi”, nói: “Uống đi uống đi, nói ra rồi ông lại nuốt không trôi, thuốc này đại bổ. Yên tâm, không xung khắc với thuốc rắn của ông đâu mà lo.”
“Tôi” cẩn thận ngửi thử, mới gượng uống mấy ngụm, nhận ra trong trà này có trộn lẫn thứ gì như máu người.
Uống xong, hai anh Đại – Tiểu Trương bắt đầu bôi nước trà lên tay và cổ, “tôi” cũng làm theo, rồi nghe Muộn Du Bình nói một câu: “Sau khi tìm được ổ, tôi sẽ tiếp tục đuổi theo.”
“Tộc trưởng, tôi là người làm những chuyện tanh tưởi, chuyện này cứ để tôi làm.” Công Tử Bột nói: “Anh phải sống đến lúc thích hợp nữa chứ.”
“Các người rốt cuộc là có mục đích gì?” Lại một lần nữa, “tôi” rốt cuộc không nhịn nổi nữa, phải lên tiếng. Hai người này quả thực cứ coi “tôi” như người vô hình vậy. “Nếu tìm được cửa vào rồi, theo lệ, tôi phải báo với Đũa sắt, không thể càn quấy ở chỗ này với các người được đâu.”
Công Tử Bột quay lại, có vẻ hứng thú, hỏi “tôi”: “Này anh chàng nghịch rắn, ông anh gắp chuyến Lạt Ma này là có mục đích gì?”