Gặp Em Dưới Mưa Xuân

Chương 35



Thần Quang dắt tay Tiểu Đa bước đi trên đường phố Lệ Giang. Hít một hơi thật sâu bầu không khí mùa đông và ngắm nhìn ánh mặt trời ấm áp, anh cảm thấy ngọt ngào vô cùng. Thần Quang khẽ nói: “Tiểu Đa, anh thấy rất ấm áp, tìm được em chẳng khác nào xuân về hoa nở”.

Lệ Giang vào tháng Một vẫn có hoa tươi nở rộ, trời xanh mây trắng, ánh nắng ấm áp, du khách đi lại như mắc cửi. Phạm Tiểu Đa dẫn hai bố con Vũ Văn Thần Quang đi theo mấy lối rẽ vòng vèo, cuối cùng cũng đến được cửa hiệu nhỏ của bố mẹ cô trong một con ngõ hẻo lánh.

Giống như các cửa hiệu nhỏ khác ở Lệ Giang, khắp trong ngoài cửa hiệu này cũng bày kín hoa tươi, treo rèm vải nhuộm, ngoài ra trên tường còn treo đủ các loại hàng thủ công. Ông Vũ Văn Thiên ngắm nghía cửa hiệu, cảm thấy hai ông bà họ Phạm rất có văn hóa và óc thẩm mĩ. Tiểu Đa vừa cười vừa kéo ông vào trong.

Trong cửa hiệu, bà Phạm đang làm đồ ăn còn ông Phạm đang tán gẫu với khách. Tiểu Đa nhìn ngay thấy họ, gọi to: “Tiểu nhị, đỡ hành lý và dâng trà! Có khách quý đến!”.

Thần Quang buồn cười nhìn Tiểu Đa, cảm giác như tất cả ánh nắng và sức sống của Lệ Giang đều tập trung trên người cô. Rồi lại nghe thấy tiếng gọi, “Tiểu nhị đâu?”. Hóa ra ông bà họ Phạm vừa là chủ lại vừa là nhân viên. Lúc này bà Phạm kêu lên một tiếng, ông Phạm ngoái đầu lại, nhìn thấy Tiểu Đa.

Bà Phạm từ sau quầy chạy ra: “Bảo bối! Mẹ nhớ con đến sắp chết mất!”.

Ông Phạm tươi cười rạng rỡ cũng ôm lấy cô: “Con gái ngoan, lại đây cho bố hôn một cái nào!”.

Hai bố con ông Vũ Văn Thần Quang nhìn nhau, ông Vũ Văn Thiên nghĩ, bảo bối như vậy, nếu bị một chàng trai xa lạ dắt đi, e rằng họ sẽ không dễ dàng đồng ý.

Thần Quang nghĩ, cha mẹ ơi, tuổi cao như thế rồi mà vẫn còn nựng con gái như vậy cũng không ngượng!

Tiểu Đa ôm mẹ xong rồi lại ôm bố, kéo họ đến trước hai bố con ông Vũ Văn, giới thiệu: “Thưa bác Vũ Văn, đây là bố mẹ cháu. Bố mẹ, đây là bố của anh Vũ Văn Thần Quang!”.

Hai ông bà Phạm vốn đã nghe nói Tiểu Đa tìm được bạn trai tên là Vũ Văn Thần Quang, vượt qua được các thử thách của mấy anh chị trong nhà, bây giờ tận mắt thấy anh như cây tùng trước gió, tướng mạo tuấn tú, phong thái lịch sự, họ hết sức vui mừng. Hôm nay cậu ta cùng bố tới đây, khỏi cần phải nói, là thông gia đến nhà thăm nhau rồi. Ông Phạm cười tít mắt, bà Phạm cười tươi như hoa. Hai ông bà vội vàng kéo Vũ Văn Thiên ngồi xuống, rồi ông Phạm cũng gọi: “Tiểu nhị, mau đỡ hành lý rồi rót trà!”.

Thần Quang đứng đó chờ tiểu nhị đến giúp tháo hành lý nhưng nghe ông Phạm gọi hồi lâu mà vẫn chưa có ai ra nên cảm thấy bối rối. Ông Phạm liếc nhìn anh, thầm nghĩ, làm sao chàng trai này đến một chút dí dõm hài hước cũng không có vậy?

Tiểu Đa thấy Thần Quang vẫn đứng ngây ra ở đấy liền lấy ngón tay chọc vào người anh: “Anh chính là tiểu nhị ở đây đấy! Bố em bảo anh để hành lý xuống rồi đi rót trà!”.

Thần Quang không biết có phải mình nghe nhầm không, vẫn đứng ngây ra ở chỗ cũ. Ông Phạm lắc đầu: “Chàng trai, chính là bảo cháu đấy, đặt hành lý xuống rồi ra sau quầy rót trà để ta tiếp đón thông gia!”.

Vũ Văn Thiên muốn phì cười, ngồi ở đó nhìn con trai đang ngẩn mặt ra. Ông nghĩ thầm, hai ông bà họ Phạm này thật đáng ghét, con rể còn chưa ra mắt đã sai bảo rồi. Ông quát Thần Quang: “Không nghe thấy bố vợ gọi con hả?”.

Tiểu Đa nhếch miệng cười, kéo Thần Quang vào trong quầy, lật cốc, lấy nước pha trà. Anh ngốc nghếch hỏi cô: “Vì sao mới lần đầu gặp bố mẹ em anh đã thành tiểu nhị trong quán của họ vậy?”.

Tiểu Đa lườm anh vẻ lạnh lùng: “Không lẽ để bố em phải làm tiểu nhị pha trà mời anh à? Anh sướng quá đấy!”.

Thần Quang cười ngượng mãi, bố mẹ người ta thật lợi hại! Mới gặp mặt chưa đến vài phút mà đã giáng mình xuống thành kẻ làm thuê. Tiếp theo, nếu không làm tốt công việc của tiểu nhị e rằng chẳng thể mang vợ về được rồi.

Thế là chiều hôm đó, Vũ Văn Thần Quang trở thành tiểu nhị trong cửa hàng của hai ông bà họ Phạm.

Ba người già ngồi ở bàn trò chuyện vui vẻ. Tiểu Đa muốn đi giúp Thần Qunag nhưng khốn nỗi bố mẹ lâu ngày không gặp con gái, túm lấy cô chẳng chịu buông. Bốn người ngồi uống trà tán gẫu, chỉ khổ một mình Thần Quang luống ca luống cuống tiếp đón khách mua hàng.

Thông gia đến chơi, con gái về thăm, vì thế ông Phạm quyết định nghỉ bán tối hôm đó. Ông quay vào bảo Thần Quang đang bận rộn ở trong quầy: “Cháu viết bảng thông báo tối nay nghỉ hàng, nhớ viết rõ cả lý do”.

Thần Quang thở phào nhẹ nhõm, anh biết ở Lệ Giang vào buổi tối những cửa hàng như thế này đông khách hơn ban ngày nhiều. Nếu buổi tối vẫn bán hàng thì anh phải tiếp tục đóng vai tiểu nhị.

Thần Quang lấy giấy viết ngay, nhưng viết nguyên nhân là gì nhỉ? Anh suy nghĩ một lát rồi vừa cười vừa ngoáy bút: “Con gái yêu của cụ ông cụ bà họ Phạm đưa con rể chính thức và thông gia chính thức về thăm. Con gái là Thất tiên nữ, con rể không muốn làm Đổng Vĩnh[1], kính mời các vị quan khách ngày mai lại đến, tối nay đóng cửa!”. Sau đó anh dán tờ giấy lên cửa chính.

[1] Thất tiên nữ và Đổng Vĩnh: Hai nhân vật trong bộ phim truyền hình do Trung Quốc sản xuất. Bộ Phim lấy bối cảnh thời phong kiến, bảy nàng công chúa con của Ngọc Hoàng và Vương Mẫu Nương Nương xuống phàm dạo chơi.

Ông Phạm chạy ra xem, lúc quay vào nói với Thần Quang: “Ý tứ rất hay, có điều viết chữ hơi kém, người ta có câu nét chữ như người, chữ của cháu tuy có khí phách nhưng cứng nhắc, không mượt mà uyển chuyển, chả trách gọi tiểu nhị đến nửa ngày vẫn chẳng phản ứng gì”.

Thần Quang dở khóc dở cười, bản thông báo anh viết là thuộc thể văn quảng cáo.

Buổi tối, bà Phạm đích thân vào bếp nấu món sở trường nhất của mình. Ông Phạm kéo Vũ Văn Thiên đánh cờ vây. Tiểu Đa là trọng tài, ai thua sẽ dán giấy lên mặt người đó. Hai cụ là kỳ phùng địch thủ, càng đánh càng vui. Thần Quang bỗng nhiên thành ra chẳng có việc gì làm, định kéo Tiểu Đa đi dạo phố nhưng thấy bố trừng mắt nhìn mình nên đành hậm hực đứng xem bên cạnh.

Ông Phạm đảo mắt, nói với Vũ Văn Thiên: “Ông thông gia, ông xem thế này có được không, trò chơi phải có nhiều người tham gia mới vui, tôi thua thì dán giấy vào má trái Thần Quang, ông thua thì dán giấy vào má phải Thần Quang. Chúng ta đều đã lớn, dán giấy lên mặt không được phù hợp cho lắm”.

Vũ Văn Thiên nghe xong liền vỗ tay khen hay, rồi ông quay lại nói với con trai: “Ngồi xuống đi, nếu má phải của con nhiều giấy hơn thì bố xấu hổ lắm đấy!”.

Ông Phạm nghe thấy thế cũng rất vui: “Thần Quang à, nếu má trái của cháu nhiều giấy hơn tức là ta mất mặt đấy!”.

Thần Quang trừng mắt nhìn bố, thấy trong mắt ông lộ vẻ đầy tinh quái. Nhìn sang ông Phạm, thấy trong mắt cũng toát ra ánh nhìn giảo hoạt. Anh nghĩ, không phải mình chơi cờ, thắng thua liên quan gì đến mình? Sao lại cứ nhằm vào mình mà đánh vậy?

Tiểu Đa cười ha hả khen hay.

Thần Quang lườm cô một cái, cô đắc ý hất hàm về phía anh, vẻ mặt hào hứng. Thần Quang thấy thế thất thần, thầm nghĩ, nếu có thể khiến Tiểu Đa lúc nào cũng vui vẻ như vậy thì dán giấy lên mặt cũng chẳng sao.

Sau mấy ván, má trái Thần Quang đã dán ba mảnh giấy, còn má phải bị dán hai mảnh, ông Phạm tỏ ra có chút không vui.

Thần Quang nghĩ, phải nhanh chóng đứng về phía nhạc phụ mới gọi là chính đáng, thế là liền quan sát tỉ mỉ bàn cờ giúp ông Phạm, nhờ vào kinh nghiệm đánh cờ với bố nhiều năm nay, cuối cùng đã lấy được một mảnh giấy dán lên má phải.

Lòng hiếu thắng nổi lên, Vũ Văn Thiên cười khà khà, nói: “Tiểu Đa à, ván này cháu chỉ giúp bác xem nên đi thế nào”.

Ông Phạm thấy thế chột dạ, trình độ cờ của Tiểu Đa ông biết, ông không đánh lại được, hơn nữa cũng không dám thắng Tiểu Đa, vì nếu ông thắng con bé sẽ không vui: “Tôi nói ông thông gia nghe này, truyền thống ở đây là người đứng ngoài xem đánh cờ phải yên lặng!”.

Ông Vũ Văn Thiên nói: “Nhưng vừa nãy Thần Quang đã chỉ nước đi cho ông thông gia rồi còn gì”.

Ông Phạm cười ha hả: “Thần Quang, vừa nãy cháu chỉ cờ cho ta à?”.

Không lẽ bảo đúng như vậy? Thần Quang đương nhiên trả lời là không phải, thế là anh bán rẻ bố mình một cách dứt khoát. Vũ Văn Thiên mắng con trai rồi nói với Tiểu Đa: “Cháu ở bên cạnh cũng nghe thấy, vậy cháu nói đi!”.

Tiểu Đa cảm thấy Thần Quang nói dối như vậy thật không phải, tốt xấu gì cũng là bố của mình. Cô quyết định phải lên tiếng, nên đáp: “Cháu nghe thấy Thần Quang chỉ cho bố cháu”.

Con gái yêu lại đi giúp đỡ người ngoài, ông Phạm quẳng quân cờ xuống: “Không chơi nữa, ăn cơm thôi!”. Rồi thân mật kéo Thần Quang đi ăn cơm.

Tiểu Đa thấy bố bỏ đánh cờ, cũng vui vẻ kéo ông Vũ Văn Thiên đi ăn cơm.

Thần Quang nhớ lời các anh chị của Tiểu Đa, cố gắng nói toàn những lời ngọt ngào, khiến ông Phạm vui đến nỗi tươi cười hớn hở suốt buổi tối. Bà Phạm bưng cơm lên. Thần Quang nghĩ, mình ra sức ăn là được, ăn xong lại ra sức tâng bốc, chắc chắn thành công. Quả nhiên bà Phạm cũng cực kỳ vui vẻ. Chỉ trong chốc lát, hai ông bà đã đối với Thần Quang vô cùng thân thiết.

Ông Vũ Văn Thiên thấy vậy trong lòng rất vui. May mà Tiểu Đa ngồi bên cạnh, vừa khéo léo vừa hiểu biết gắp đồ ăn cho mọi người, hơn nữa món nào cũng gắp mời ông trước tiên, xem chừng khiến hai ông bà Phạm phải xót xa trong lòng.

Thần Quang thấy thế không ổn nên cũng tranh gắp thức ăn cho ông bà Phạm. Hai ông bà cảm động khen con rể vẫn là tốt nhất.

Ăn xong, Thần Quang chủ động đi rửa bát. Ông Phạm ngăn anh lại, rồi bảo Tiểu Đa: “Bây giờ con là tiểu nhị, đi rửa bát đi! Đàn ông không làm những việc này”.

Tiểu Đa sững người, hai mươi hai năm nay chuyện này chưa từng xảy ra.

Thần Quang cũng sững người, cuối cùng tìm được đồng minh rồi. Anh có cả một bồ oan ức và khổ sở cần phải dốc hết ra với đồng minh!

Ông Vũ Văn Thiên thấy rất vui, thế là đại cục đã định! Xét về công lao, tất cả đều do mình, nếu không phải là mình đánh cờ với ông Phạm thì làm gì có cơ hội cho Thần Quang lấy lòng bố vợ? Nếu không phải là mình kéo Tiểu Đa ra, làm sao có thể khiến hai ông bà Phạm thấy được chàng rể quý? Ông thực sự khâm phục bản thân mình.

Tối hôm đó, hai ông bà Phạm nhất trí tiếp nhận Thần Quang là thành viên trong gia đình.

Thần Quang tranh thủ thời cơ mời hai ông bà trở về ít hôm ăn tết, tiện thể thu xếp việc cưới hỏi. Cả hai người đều vui vẻ đồng ý. Thần Quang cảm thấy trong số bao nhiêu hiệp đấu với nhà họ Phạm, chuyến đi Lệ Giang này là thuận lợi nhất, thuận lợi đến mức chính anh cũng không dám tin. Đặc biệt, hai ông bà Phạm còn nói với anh: “Thần Quang à, sau này chúng ta giao Tiểu Đa cho cháu dạy bảo đấy!”.

Anh thấy người bỗng chốc nhẹ nhõm hẳn, từ “dạy bảo” này nghe càng thấy dễ chịu.

Buổi tối Tiểu Đa nói chuyện riêng với bố mẹ. Cô tỏ ra rất ấm ức: “Con cứ nghĩ bố mẹ sẽ làm khó anh ấy một chút, vậy mà lại dễ dàng quá, còn cho phép anh ấy quản con, bố mẹ không yêu con nữa à?”.

Bà Phạm ôm cô vỗ về: “Bảo bối của mẹ, chính vì yêu con nên mới đối tốt với Thần Quang như vậy, đối tốt với cậu ta thì cậu ta sẽ càng tốt với Tiểu Đa của mẹ hơn”.

Ông Phạm cười ha hả, rồi cũng ôm cô: “Con gái ngoan, các anh của con đã đóng vai phản diện rồi thì bố mẹ đành phải làm anh hùng thôi. Như vậy lần nào cũng có thể chấn chỉnh nhà họ được chứ. À, không phải, phải nói là sử dụng cả ân lẫn uy chứ!”.

Rồi ba người cùng bật cười.

Thần Quang hào hứng nói với bố: “Không ngờ bố mẹ Tiểu Đa tốt bụng đến vậy, vừa nhìn đã nhận ngay ra con là người tốt!”.

Ông Vũ Văn Thiên thương hại nhìn con trai: “Ngày trước bố cũng bị mẹ con làm khó như vậy đấy. Con trai, đàn ông nhà Vũ Văn dù có mất mặt ở nhà vợ cũng không có gì là xấu hổ, nhớ chưa!”.

Thần Quang dắt tay Tiểu Đa bước đi trên đường phố Lệ Giang. Hít một hơi thật sâu bầu không khí mùa đông và ngắm nhìn ánh mặt trời ấm áp, anh cảm thấy ngọt ngào vô cùng. Thần Quang khẽ nói: “Mùa xuân năm sau chúng mình kết hôn đi”.

“Sao lại là mùa xuân hả anh?”

“Tiểu Đa, bởi vì anh cảm thấy ấm áp, tìm được em chẳng khác nào xuân về hoa nở.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.