Tết
năm 386 trước Công nguyên là cái Tết bi thảm nhất trong đời tôi. Thành
Guzang không mảy may chút không khí đón năm mới, chỉ có mấy chiếc đèn lồng treo
trước cổng chính cung điện là bắt mắt. Phố xá vắng lặng, thưa thớt, ai nấy đều
buồn bã, ủ dột khi thấy lớp tuyết trên đường đã lại dày đến đầu gối.
Mấy
ngày trước, Lữ Thiệu sai quân dán cáo thị thông báo cho các hộ dân trong thành
mang theo hộ tịch đến nhận hai đấu gạo, “động thái” này nhằm vỗ về thị dân
Guzang. Phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt, nhưng khi nhận ra chúng tôi,
Lữ Thiệu kiên quyết không cho phát gạo. Lúc ấy, tôi chỉ muốn nguyền rủa hắn
bằng ngôn ngữ hiện đại. Mừng thay Lý Cảo cho người mang biếu mười đấu gạo,
nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể, một hai ngày sau đã hết nhẵn.
Ngày
cuối năm, tôi tần ngần đứng trước cửa hàng cầm đồ. Vào thời đại này, hiệu cầm
đồ đúng nghĩa vẫn chưa ra đời, mà chỉ có một vài cửa hàng kinh doanh hàng hóa
cầm cố. Chần chừ mãi vẫn phải cắn răng bước vào, vì đến hôm nay, trong nhà đã
không còn hạt gạo nào.
Tôi
gói bọc và cất giữ cẩn thận năm nghìn quan tiền. Miếng ngọc bội và cây
trâm ngọc tinh xảo, cầu kỳ là thế, màu sắc thượng hạng là thế cũng chỉ đổi được
năm nghìn quan tiền, đủ mua mười đấu lương thực. Xin lỗi, Pusyseda, tôi đã hứa
sẽ giữ gìn đồ lưu niệm của cậu, vậy mà… Qua mùa đông khó khăn này, tôi nhất định
sẽ đến chuộc lại bằng mọi giá. Ra khỏi hiệu cầm đồ, tôi khẽ chạm tay vào chiếc
nhẫn cưới đeo trên cổ. Dù lâm vào hoàn cảnh nào, tôi cũng quyết không bán chiếc
nhẫn này. Nhưng, liệu rằng tôi có thể cầm cự trong bao lâu? Sống mũi cay
xè, mắt ngấn nước, tôi thở dài não ruột.
–
Thế nào, sắp không cầm cự nổi rồi, phải không?
Một
gương mặt thanh niên vuông vức, đang chăm chú quan sát tôi đầy vẻ giễu cợt. Đó
là Mông Tốn! Tôi kéo tay áo lau mặt, cúi chào khách sáo, định bụng bỏ đi.
–
Năm hết Tết đến, sao lại ra nông nỗi này? Một cô gái tươi tắn, đáng yêu là thế,
sao lại trở nên vàng vọt, xanh xao thế này? Thật khiến người ta đau lòng!
Anh
ta chặn tôi lại, diễn vẻ thương hoa tiếc ngọc. – Theo ta sẽ được ăn no, đồng ý
không?
Tôi
không trả lời, chỉ lẳng lặng ngó nghiêng xung quanh bốn phía không một bóng người.
–
Nhìn gì thế?
–
Nhìn xem có ai ở quanh đây làm khán giả cho màn kịch của ngài không?
Tôi
bực mình đáp.
Anh
ta có vẻ ngạc nhiên, sau đó thì bật cười ha hả:
–
Ngải Tình, cô rất thú vị! Đến lượt tôi ngạc nhiên: – Vì sao ngài biết tên tôi?
Sau
khi chúng tôi rời khỏi Khâu Từ, chỉ có Rajiva mới gọi tôi như vậy.
–
Trước tác lang Đoàn Nghiệp nói với ta. Anh ta tủm tỉm cười: – Ông ta còn kể cho
ta nghe rất nhiều chuyện thú vị của cô ở Khâu Từ.
Đoàn
Nghiệp đã theo Đỗ Tấn ra chiến trường, như vậy, ông ta chỉ có thể nói với Mông
Tồn trước khi đi, thời điểm đó là khoảng hai tháng trước. Sau khi chạm mặt tôi
ở Hoàng cung, anh ta đã lập tức tìm hiểu mọi thứ về tôi, lẽ nào chỉ vì câu nói
đó? Con người này mới thật nguy hiểm làm sao! Không biết anh ta tìm hiểu về tôi
để làm gì?
Anh
ta xoa tay, cất giọng nhẹ nhõm:
–
Trời lạnh quá, cùng ta uống chén rượu cho ấm bụng nhé!
Tôi
ngước nhìn, lặng im không nói.
–
Đừng lo, cô là phu nhân của đại pháp sư, đâu phải con gái dân quèn để thích
cướp lúc nào thì cướp. Huống hồ, ta đây không bao giờ ép buộc phụ nữ. Uống với
ta chén rượu, cô sẽ được ăn thịt dê. Chắc lâu lắm rồi không được ăn nhỉ? Đêm
giao thừa được ăn thịt dê, thử hỏi ở thành Guzang này có mấy hộ được sung túc
thế? Thế nào, đi chứ?
Không
nhịn nổi, tôi phì cười. Vì tôi chợt nhớ đến câu thoại kinh điển của Jang Dong
Gun trong phim “Vô cực”: “Đi theo ngài, có thịt ăn”. Càng nghĩ càng buồn cười,
tôi cười nghiêng ngả, cười chảy cả nước mắt. Mùa đông này tôi chưa được cười đã
đời lần nào. Sau trận cười no nê, tôi đưa tay làm một cử chỉ “xin mời” với
người đang hết sức băn khoăn trước thái độ kỳ lạ của tôi này. Dĩ nhiên là tôi
không hề lo lắng về việc anh ta sẽ giở trò với mình, vì như anh ta nói, điều đó
là không cần thiết. Trực giác mách bảo với tôi rằng, anh ta có điều gì đó muốn
nói với tôi. Nếu anh ta cũng tin vào bói toán giống Đoàn Nghiệp, chưa biết
chừng tôi có thể áp dụng vài chiêu để đổi lấy lương thực.
Nghĩ
vậy, tôi tự tin bước thấp bước cao trên lớp tuyết dày đến đầu gối, để đến dinh
thự xa hoa của Mông Tốn. – Thế nào, phủ đệ của ta bắt mắt đấy chứ?
Anh
ta vừa nhìn khắp lượt cơ ngơi của mình vừa cười đắc ý:
– Dinh cơ này do Thế
tử ban tặng. Người trong họ tộc đều đã theo vua Lương xuất chinh, chỉ còn mình
ta ở nhà tha hồ ăn chơi hưởng lạc!
Tôi thấy nóng mắt khi
anh ta cứ diễn kịch hoài với mình, bật cười châm biếm:
– Ông bác của ngài
không muốn ngài lập công vượt mặt người anh họ của ngài, nên mới không cho ngài
đi cùng chứ gì?
Mông Tốn lập tức
ngoảnh đầu lại, thôi cười, nhìn tôi thăm dò. Tự trách mình mau mồm mau miệng,
tôi cười trừ. Đột nhiên, tôi ngửi thấy một mùi thơm mà bấy lâu nay đã bị quên
lãng: thịt dê rang cháy cạnh. Trời đất ơi, đã bao lâu tôi mới lại ngửi thấy
hương vị này? Ánh mắt tôi như bị thôi miên, kể từ lúc người hầu đặt đĩa thịt dê
cùng bát đũa lên bàn. Hương thơm nhức mũi, vị giác bị kích thích mạnh mẽ, nước
bọt tuôn ra ào ạt. Không muốn bị coi khinh, tôi quay mặt sang hướng khác, cố tỏ
vẻ thờ ơ.
Mông Tốn như đọc được
suy nghĩ của tôi, tủm tỉm cười, đẩy đĩa thịt dê ra trước mặt tôi. Tôi kìm hãm
nỗi thèm thuồng, cồn cào trong dạ, nuốt nước bọt ừng ực, nói với anh ta:
– Tướng quân Thư Cừ,
tôi có thể mang đồ ăn về nhà không?
– Đừng khách sáo như
thế, cứ gọi ta là Mông Tốn. Cô có vẻ đói lắm rồi, hãy ăn đi, lát nữa ta sẽ sai
người nấu đĩa khác cho cô mang về.
Một kẻ khó đoán, khó
lường bỗng nhiên trở nên phóng khoáng, đại lượng, điều đó không hề khiến tôi
cảm thấy thoải mái. Của biếu là của lo, của cho là của nợ, tốt nhất cứ nên hỏi
điều kiện trao đổi trước đã.
– Tướng quân Thư Cừ,
ngài tặng thịt dê quý giá như vậy cho tôi, chắc chắn không phải chỉ để trả công
tôi uống rượu cùng ngài phải không? Phiền ngài nói thẳng điều kiện là gì?
Anh ta cười vang, ngửa
đầu uống cạn chén rượu.
– Có cần ta nhắc lại
với cô, hãy gọi ta là Mông Tốn không? Ta thật không ngờ, trò chuyện với cô lại
thú vị đến thế! Hay lắm, ta thích những người khẳng khái. Đúng là ta đang đi
tìm cô, mục đích, rất đơn giản…
Anh ta đặt chén rượu
lên bàn, nhìn tôi chăm chú, ánh mắt lộ ra những vằn sáng háo hức của kẻ đi săn
khi hướng về con mồi:
–
Ta muốn cô trở thành vợ ta!
Lúc
đó tôi vừa nhấp một ngụm trà, với ý đồ dùng nước trà đè nén cơn đói quằn quại,
nhưng nghe anh ta nói vậy, tôi suýt nữa phun trà ra ngoài. Nước lọt vào
khí quản, tôi vừa đưa tay đấm ngực chữa sặc nước, vừa ra sức tìm kiếm giải
pháp. Chắc chắn không có chuyện chỉ sau mấy lần gặp gỡ, anh ta đã mê tôi. Anh
hào trong thời loạn, tham vọng luôn lớn hơn tình cảm nam nữ. Nghĩ vậy, tôi bèn
hỏi thẳng:
–
Vì sao ngài muốn lấy tôi?
Lại
một trận cười sảng khoái nữa, sau đó anh ta lấy vẻ nghiêm túc, nói với tôi:
–
Bởi vì cô khác thường. Lần đầu tiên gặp cô, bị ngựa húc ngã mà cô không hề tỏ
ra sợ hãi. Cử chỉ, lời nói dứt khoát, dõng dạc, không giống bất cứ người con
gái nào ta từng gặp. Lần thứ hai gặp cô ở Hoàng cung, khi ấy ta đã định bắt cóc
cô, nhưng câu nói của cô khiến ta kinh ngạc. Cô chỉ gặp ta có một lần, sao lại
biết ta diễn kịch trên phố? Sau đó, ta mới biết cô là vợ của một nhà sư. Người
con gái như thế nào mà dám kết hôn với một vị cao tăng! Ta băn khoăn, ta nghe
ngóng, ta tìm hiểu, mất rất nhiều công sức mới tìm được Đoàn Nghiệp, ông ta đã
kể cho ta nghe chuyện của hai người ở Khâu Từ. Đoàn Nghiệp vô cùng ngưỡng
mộ cô, điều đó khiến ta tò mò. Nạn đói xảy ra, dân chạy nạn đến Guzang ngày một
đông, cô ra sức cứu trợ. Thân phận người vợ của nhà sư lẽ ra sẽ khiến cô khó
xử, khốn đốn, nhưng nhờ việc quyên góp cứu trợ, cô đã được người dân rất mực
kính trọng. Những người phụ nữ bình thường chắc chắn không thể nghĩ ra
cách mua chuộc lòng người như thế. Đáng nể hơn, cô còn thuyết phục
được Lý Cảo tình nguyện dốc hầu bao ra cứu đói. Lý Cảo đâu phải kẻ ngu muội,
không biết cô đã thuyết phục ông ta bằng cách nào.
Anh
ta ngừng lại, đưa mắt dò xét tôi:
–
Ngải Tình, cô có biết đôi mắt của cô như thể thấu suốt tâm can người khác
không? Mỗi lần nhìn vào đôi mắt ấy, ta lại có cảm giác mọi suy nghĩ của mình
đều bị cô thấy hết. Mỗi lời cô nói ra, đều không sai một li. Chắc rằng, Lý Cảo
cũng đã bị cô thuyết phục theo cách ấy. Từ đó, ta khẳng định, cô chính là người
phụ nữ mà ta đang tìm kiếm, là người sẽ trợ giúp ta hoàn thành đại nghiệp.
Anh
ta rót một chén rượu khác, uống cạn, ánh mắt sắc lạnh, long lanh:
–
Mông Tốn ta không phải kẻ phàm phu tục tử, thời thế loạn lạc chính là cơ hội
tốt để bậc đại trượng phu lập nên nghiệp lớn. Với tài năng của mình, ta tin một
ngày kia ta sẽ thành công. Nay ta mới chỉ có vài người thiếp, chưa có ai là vợ
cả. Nếu cô đồng ý sát cánh cùng ta giành lấy thiên hạ, ta sẽ lập cô làm chính
thất. Còn về việc cô từng là vợ pháp sư Rajia, người đời vốn không đồng tình
với cuộc hôn nhân của hai người, cô bỏ đại sư, sẽ giúp ngài được tĩnh tâm tu
hành. Người Hung Nô không giống người Hán, dù trước đây cô có bao nhiêu
người chồng, ta cũng không thấy phiền lòng.
Nói
xong, anh ta chăm chú quan sát phản ứng của tôi. Tôi thở dài, cầm đũa lên, gắp
một miếng thịt. Thịt dê rang kĩ, vừa mềm vừa thơm, tôi nhắm mắt thưởng thức.
Mặc kệ ánh mắt chờ đợi của anh ta, tôi phải no bụng trước đã. Phải ăn no, mới
có thể đối phó với con người này.
Ăn
hết nửa đĩa bụng tôi mới có chút cảm giác. Đã lâu lắm mới lại được có cảm giác
no nê này. Nhìn vào ánh mắt sắc lạnh của anh ta, tôi chậm rãi đáp:
–
Tôi biết ngài cần gì. Vị trí vợ cả ấy, ngài hãy dành cho người xứng đáng hơn.
Còn về phần tôi, ngài không cần phải lấy tôi đâu, tôi có đề nghị này hay hơn,
không biết ngài có muốn nghe không?
Anh
ta có vẻ kinh ngạc, khẽ gật đầu ra hiệu cho tôi tiếp tục:
–
Tướng quân Thư Cừ, ngài là người tài trí, lại nhiều tham vọng, ngày sau chắc
chắn lập nên nghiệp lớn. Nhưng muốn đạt được mục đích, ngài phải làm hai việc:
một là chờ đợi thời cơ, hai là trau dồi tri thức. Tôi biết ngài thông kim bác
cổ, làu thông kinh sử, không biết tướng quân có hứng thú với “thuật trị dân”
hay không?
Anh
ta quả nhiên bị thu hút bởi đề tài này, ánh mắt chợt lóe lên tia khao khát. Tôi
mỉm cười:
–
Nước Đại Tần ở cực Tây có một vĩ nhân, ông ta viết một cuốn sách về thuật trị
dân. Tôi biết một chút tiếng phương Tây, vinh hạnh được đọc cuốn sách đó và cảm
thấy muôn phần thán phục. Tiếc thay, anh hào giữa thời loạn này tuy nhiều nhưng
chưa có ai xứng đáng để tôi truyền giảng cuốn sách kỳ diệu ấy. Không biết tướng
quân đây có cái duyên đó không?
Tôi
ngừng lại, ngước nhìn đôi mắt lanh lợi, cơ trí của Mông Tốn. Anh ta đón ánh
nhìn của tôi, khóe môi khẽ nhếch lên, hỏi:
–
Cô cần gì?
–
Mười đấu gạo mỗi ngày.
Anh
ta trừng mắt hồi lâu, rồi đột nhiên cười lớn. – Ngải Tình ơi Ngải Tình, mỗi
ngày mười đấu gạo, mười ngày một trăm đấu. Muốn cầm cự qua được mùa đông này,
ít nhất cô phải cần đến hai trăm đấu gạo, việc này còn khó hơn cả việc làm vợ
cả của ta. Cô bảo ta đi đâu kiếm cho được ngần ấy lương thực?
–
Ngài có đấy.
Tôi
gắp tiếp một miếng thịt nữa, chậm rãi nhai, rồi nuốt. Uống một ngụm trà, từ tốn
nói:
–
Một trong những điều kiện mà bộ tộc Thư Cừ đưa ra khi xin hàng Lữ Quang đó là
lương thực. Hiện cả bộ tộc của ngài đều đã ra trận. Ông bác La Cừu của ngài là
người thông minh, cơ trí, không đời nào đem toàn bộ lương thực theo Lữ Quang
chinh chiến. Trong số những người thuộc bộ tộc Thư Cừ ở lại thành Guzang, ngài có vai vế cao nhất, số lương thực kia, chắc chắn do ngài cai quản.
Nụ
cười biến mất, ánh mắt Mông Tốn lộ vẻ tán thưởng:
–
Cô thật lợi hại!
Anh
ta vừa đưa tay vuốt cằm, đăm chiêu suy ngẫm, vừa nhìn tôi chăm chú:
–
Nhưng dù là như vậy, cũng phải xem thứ mà cô có có xứng đáng để ta đem lương
thực ra trao đổi không chứ.
Hồi
học đại học, tôi đặc biệt yêu thích César Borgia, công tước xứ Valentinois của
nước Ý, người đã từng rất nổi tiếng trong thời kỳ Phục Hưng. Vì vậy, tôi đã
nghiên cứu rất kỹ cuốn sách “Quân vương”[1], còn viết
cả luận văn về cuốn sách này, và được Sếp gửi đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Cuốn “Quân vương” rất mỏng, nên tôi có thể nhớ trọn vẹn nội dung cuốn sách.
[1]
Dịch giả Phan Huy Chiêm đã chuyển dịch cuốn sách này sang tiếng Việt với tiêu
đề “Thuật trị dân”, Nxb Quán Văn, 1971.
Tôi
tự tin cười, hỏi:
–
Xin hỏi tướng quân, ngài cho rằng, đấng quân vương nhận được sự yêu mến của
quần chúng thì tốt hơn, hay khiến quần chúng sợ hãi thì tốt hơn?
–
Điều này…
Anh
ta nhìn tôi, do dự:
–
Đương nhiên là được quần chúng yêu mến thì tốt hơn.
Tôi
lắc đầu:
–
Quan điểm của vị vĩ nhân kia là: nếu có được cả hai thì là lý tưởng nhất, nhưng
nếu phải lựa chọn, hãy chọn cách khiến cho quần chúng sợ hãi. Dựa vào vũ lực và
sự trừng phạt để duy trì thể chế hiệu quả hơn dựa vào ban phát ân huệ, bởi vì,
người ta thường dễ dàng đắc tội với người mà họ yêu mến hơn người mà họ sợ hãi.
–
Đúng vậy.
Hai
hàng lông mày rậm, dày rướn cao, Thư Cừ Mông Tốn vừa ngẫm ngợi vừa gật gù:
–
Phù Kiên là người nhân đức, đại lượng, ai nấy đều hay. Ông ta không những không
giết tù binh, ngược lại còn rất mực hậu đãi. Nhưng ngay khi gặp cơn nguy khốn,
ông ta đã bị kẻ khác thừa dịp giậu đổ bìm leo, cuối cùng, chịu chết trong tay
nghịch thần. Nếu ngay lúc đầu ông ta tiêu diệt toàn bộ Hoàng thất của người
Tiên Tì, người Khương, thu nạp các bộ tộc đó, khiến bọn họ kinh sợ, thì đã
không phải chịu kết cục thảm bại như vậy. Điều đó cho thấy, uy nghiêm quan
trọng hơn đức độ.
Tôi
cảm thấy lạnh người.
–
Chỉ mấy câu này thôi sao?
Anh
ta mân mê chén rượu, đẩy ánh mắt sắc lẻm về phía tôi:
–
Nếu chỉ vậy thì không đủ để ta đem lương thực ra trao đổi.
Tôi
sững người, anh ta thật xảo quyệt, muốn ép tôi “dốc” thêm ra đây mà. Nhớ lại
những câu nói của Machiavelli trong cuốn “Quân vương”, tôi ngước nhìn Mông Tốn,
nói:
–
Ông ấy còn nói rằng bậc quân vương phải dũng mãnh như sư tử, xảo quyệt như loài
sói, đối với kẻ phản bội mình phải tàn độc như rắn rết, bọ cạp. Bậc quân chủ
phải tỏ ra là người từ bi, rộng lượng, biết giữ lời hứa, chân thành, đáng tin,
sùng bái thần linh. Nhưng khi cần thiết, phải biết vứt bỏ tất cả những phẩm
chất đạo đức cao quý đó và thay đổi hoàn toàn thái độ. Tức là, bất chấp mọi thủ
đoạn để đạt được mục đích, mục đích luôn là cái cớ để biện hộ cho thủ đoạn.
Nhưng tuyệt đối không được để mất lòng dân. Bởi vậy, bậc quân vương phải vừa là
một kẻ ngụy quân tử và là một tên lừa đảo chuyên nghiệp.
Anh
ta yên lặng hồi lâu, đồng tử chim ưng đảo liên tục. Một lúc sau, ngẩng đầu nhìn
tôi, một nét cười treo trên khóe môi:
–
Ta đồng ý, nhưng ta chỉ có thể trao cho cô năm đấu gạo mỗi ngày, vì ta còn phải
ứng phó với ông bác của ta nữa.
Tôi
vác năm đấu gạo về nhà, giao cho Hồ Diên Bình. Số lương thực này chia cho hơn
hai trăm ba mươi người, cũng chỉ được mỗi ngày một bữa. Nhưng tôi đã cố gắng
hết sức. Ngoài cách này ra, tôi không nghĩ ra cách gì hay hơn để có được lương
thực.
Tôi
kéo Rajiva ra khỏi nhà khi chàng đang bắt mạch cho nạn dân. Đến góc phố, ngó
xung quanh không thấy bóng người, tôi lôi ra một gói đồ bọc rất cẩn thận. Từng
lớp giấy rơi ra, miếng thịt dê xuất hiện.
–
Cái này… ở đâu mà có?
Rajiva
trợn tròn mắt nhìn miếng thịt đẫm mỡ, tuy đã nguội ngắt, nhưng mùi thơm vẫn
ngào ngạt. Dù cố kìm chế, nhưng chàng vẫn phải nuốt nước bọt ừng ực.
–
Em mua đấy, em đã đem ngọc bội sư tử và cây trâm mà Pusyseda tặng đi cầm cố.
Không
dám nhìn thẳng vào mắt chàng, tôi ấp úng trả lời. Suốt trên đường về, tôi đã
nghĩ nát óc, phải giải thích với Rajiva thế nào về nguồn gốc số lương thực này.
Bao nhiêu lí do đều bị tôi loại hết, lừa được Rajiva đâu có dễ. Nhưng lẽ nào
nói với chàng, rằng tôi dùng cuốn “Quân vương” để đổi lấy lương thực? Học
thuyết của Machiavelli vẫn còn gây tranh cãi hết sức gay gắt ở thế kỷ
XXI, một người thuần khiết, thanh cao như Rajiva, sao có thể chấp nhận nó?
–
Ngải Tình…
Chàng
nhìn tôi với ánh mắt áy náy và xót xa.
–
Chờ khi qua được giai đoạn khó khăn này, ta nhất định sẽ chuộc về cho nàng.
Chàng quay sang miếng thịt dê, ngẫm ngợi một lúc, không chịu ăn, mà hỏi tôi:
–
Vì sao không mua lương thực? Thịt đắt hơn lương thực rất nhiều…
–
Chàng đừng lo, hai món đồ quý giá đó cầm được rất nhiều tiền. Em đã mua gạo,
Sính Đình và bà Công Tôn đang nấu cháo. Miếng thịt này, em mua cho riêng chàng…
Tôi
xót xa khi ngắm nhìn gương mặt gầy guộc, xanh xao, chiếc cằm lún phún râu của
chàng, cả con người héo hon, gầy mòn của chàng.
–
Hôm nay là Giao thừa, em muốn chàng được ăn ngon hơn một chút.
Chàng
mỉm cười hồn hậu, cầm tay tôi: – Chúng ta đem về, bỏ vào nồi cháo cho mọi người
cùng ăn nhé!
–
Rajiva!
Tôi
bực mình:
–
Miếng thịt bé xíu này chỉ đủ một người ăn, nhà có hơn hai trăm người, nếu có
thái nhỏ ra, bỏ vào nồi, mỗi người cũng chẳng được một hạt.
–
Ngải Tình, ta biết nàng thương chồng, nhưng ta không thể ích kỷ như vậy!
Tôi
ngoảnh đầu đi hướng khác, sống mũi cay cay vì tủi thân:
–
Vâng, em là người ích kỷ, hẹp hòi. Em đem cầm cố quà tặng của Pusyseda, chỉ vì
muốn chồng em được một bữa ăn trong đêm Giao thừa!
Tôi
bật khóc tấm tức. Tuy thịt và lương thực đều của Mông Tốn, nhưng tôi vẫn
chưa đi chuộc hai món đồ kia về, vì tôi sợ nếu có chuyện xảy ra mà trong người
không còn đồng nào thì nguy. Có điều, tôi tiếc lắm chứ. Nếu đồ vật thời hiện
đại của tôi có thể bán được, tôi chẳng đời nào chịu bán hai món quà ấy. Đối với
tôi, chúng giống như sợi dây kết nối với Pusyseda. Trong những đêm dài trằn
trọc, tôi vẫn thường mân mê miếng ngọc bội sư tử ấy, và thầm nhủ: Pusyseda,
chúng tôi rất hạnh phúc…
–
Ngải Tình…
Chàng
cuống cuồng lau nước mắt cho tôi, sau đó cầm một miếng thịt lên, bỏ vào miệng,
vừa chậm rãi thưởng thức, vừa tươi cười:
–
Ngon quá! Nàng cũng ăn đi…
Tôi
lắc đầu, không dám nói với chàng, rằng tôi đã ăn khá nhiều lúc ở nhà Mông Tốn.
Bị
tôi o ép bằng lời lẽ và nước mắt, chàng cũng chỉ ăn ba miếng thịt nhỏ, phần còn
lại, chàng kiên quyết đem về nấu cháo. Tôi buồn bã nghĩ rằng, tôi chính là con
người điển hình của thế kỷ XXI, trong cảnh đói khát, khổ sở, tôi ích kỷ hơn
chàng rất nhiều.
Đó
là bữa ăn đặc biệt của chúng tôi trong đêm Giao thừa. Hôm đó, ai nấy đều
hít hà mùi hương của thịt dê lẫn trong cháo, mặc dù miếng thịt dê nhỏ đó hầu
như không tạo ra vị ngon gì. Nhân lúc Rajiva không để ý, tôi đã trút cháo trong
bát mình sang bát chàng.
Không
pháo hoa, không tiếng cười đùa, chúng tôi đi nghỉ từ rất sớm. Trong vòng tay
chàng, tiếng kêu khóc ai oán vẫn vẳng đến bên tai tôi. Điều khác biệt duy nhất
trong đêm Giao thừa so với những ngày trước đó là, sau gần mười mấy ngày, dạ
dày của tôi, lần đầu tiên không còn trống rỗng nữa. Tôi thở dài, được no bụng
thật tốt biết bao!