Đức Phật Và Nàng

Chương 64: Lương Châu khói lửa



Họ Trương được xem là
gia tộc mở màn cho các cuộc chiến tranh cát cứ trong thời Thập lục quốc. Vì vua
đầu tiên (được truy phong) – Trương Quỹ vốn là Thứ sử Lương Châu[1] thời
kỳ Tấn Huệ Đế. Trương Quỹ là người tài giỏi, trọng người tài, coi trọng việc
giữ vững trật tự trị an cho dân, lập nhiều công trạng. Nhưng phải đến đời thứ
tư là Trương Tuấn, họ Trương mới xưng vương. Trên danh nghĩa, họ Trương vẫn là
bề tôi, chịu sự cai quản của nhà Tấn, nhưng thực tế đã cát cứ, thiết lập chính
quyền riêng, sử gọi là nhà Tiền Lương. Họ Trương nhiều đời cai quản Lương Châu,
tuy đôi lúc có xảy ra chiến tranh với nhà Tiền Triệu và Hậu Triệu, nhưng quy mô
các cuộc chiến không lớn. Bởi vậy, Lương Châu được xem là khu vực tương đối ổn
định so với các khu vực khác ở phương Bắc Trung Quốc trong thời kỳ mà chiến
tranh giết chóc xảy ra liên miên.

[1] Tương đương với
chức Chủ tịch tỉnh thời hiện đại

Cung điện của họ
Trương không lớn, thê thiếp cháu con của Lữ Quang lại đông, nên ông ta chỉ dành
cho chúng tôi một gian nhà nhỏ nằm ở một góc khuất. Nhưng tôi và Rajiva
không hề phật ý. Vừa ngắm nhìn cung điện đơn giản của họ Trương, vừa sắp xếp đồ đạc, tôi vừa giảng giải cho Rajiva về lịch sử của nhà Tiền
Lương:

– Có điều, các vị vua
họ Trương không chú trọng bồi dưỡng thế hệ kế cận, đời cha anh hùng lẫm liệt,
nhưng đời con bất tài vô dụng. Người họ Trương lại thường đoản
mệnh. Sau đời vua thứ năm là Trương Trọng Hoa, người trong dòng tộc bắt đầu tàn
sát lẫn nhau. Mười năm mà đổi tới bốn lần vua. Vị vua cuối cùng là Trương Thiên
Tích, tuy có tài ăn nói nhưng đam mê tửu sắc, không màng chính sự. Chín năm
trước, vị vua này đã làm một việc hết sức hồ đồ, đó là giết chết sứ giả của Phù
Kiên, khiến Phù Kiên nổi giận phái ba mươi vạn đại quân tiêu diệt nhà Lương, Trương Thiên Tích phải đầu hàng và bị áp giải về Trường An. Nhưng
ông ta gặp may, khi cuộc chiến Phì Thủy xảy ra, Trương Thiên Tích đã đầu hàng
nước Tấn, ông ta sống những năm tháng cuối đời ở Giang Nam.

Rajiva giúp tôi dọn
dẹp, vừa trầm ngâm:

– Vậy là nhờ vận may
mà Lữ Quang được làm vua Lương Châu. Khi ông ta tới đây, Lương Châu không còn
các thế lực đối địch lớn mạnh nữa. Nếu nhà Lương của họ Trương vẫn còn, chỉ e
Lữ Quang khó lòng chiếm được vùng đất này.

Tôi gật đầu đồng tình:

– Tuy may mắn, nhưng
Lữ Quang cũng không dễ dàng chiếm được miếng thịt béo bở này. Lương Châu vốn là
vùng rộng lớn, gồm tám quận, không thiếu kẻ muốn xâu xé vùng đất này.

Tôi mỉm cười đón lấy
chồng y phục lộn xộn từ tay Rajiva, tự mình gấp lại phẳng phiu. Rõ ràng là
chàng không biết làm việc nhà.

Lương Châu của Lữ
Quang ở thời điểm này còn rộng lớn hơn cả tỉnh Cam Túc vào thế kỷ XXI, vì nó
bao gồm phần diện tích của cả vùng Đông Bắc Thanh Hải, Ninh Hạ, Nội Mông và Tân
Cương. Địa bàn rộng lớn như thế, chả trách khiến cho nhiều kẻ nóng mắt.


Vẫn còn chiến tranh ư?

Chàng ngượng ngùng nhìn tôi gấp lại chồng quần áo, vừa rót cho tôi một
tách nước và lấy khăn tay lau mồ hôi lắm tấm trên trán tôi.


Vẫn tiếp tục và không chỉ có một trận. Thời Thập lục quốc, Lương Châu có đến
năm vị vua của năm nhà Lương. Nhà Tiền Lương của Trương Quỹ người Hán bị Phù
Kiên người Đê tiêu diệt. Nhà Hậu Lương của Lữ Quang người Đê bị nhà Hậu
Tần của Diêu Trường, người Khương tiêu diệt. Nhà Nam Lương của Thốc Phát Ô Cô,
người Tiên Tì (Sienpi) bị nhà Tây Tần, cũng là người Tiên Tì tiêu diệt. Nước
Tây Lương của Lý Cảo, người Hán bị nước Bắc Lương của Thư Cừ Mông Tốn, người
Hung Nô tiêu diệt. Nước Bắc Lương của Mông Tốn lại bị người Bắc Ngụy của bộ tộc
Thác Bạt, người Tiên Tì tiêu diệt. Ngũ Hồ trong cụm từ “Ngũ Hồ loạn Hoa” mà hậu
thế thường nhắc vốn chỉ người Hung Nô, người Khương, người Đê, người Tiên Tì và
người Hạt. Không tính người Hạt và người Khương, chỉ riêng đất Lương Châu đã có
đến ba tiểu quốc của ba tộc người Hồ khác nhau, và chỉ vậy thôi cũng đã đủ loạn
lắm rồi. Mười mấy hai mươi năm rối ren loạn lạc, các chính quyền hoặc thay thế
nhau hoặc cùng tồn tại, tựa hồ diễn trò đèn kéo quân trên đất Lương Châu. Nếu
không vì Rajiva, thì dù học chuyên ngành lịch sử, tôi cũng không thể nào ghi
nhớ chi tiết về giai đoạn này. Trước khi vượt thời gian tới đây, tôi đã bỏ ra
rất nhiều công sức để tìm hiểu và tập hợp toàn bộ tài liệu, đến nay, não bộ của
tôi giống như một kho tư liệu toàn vẹn về thời Thập lục quốc.

Tôi
khoan khoái tận hưởng sự chăm sóc của chàng, nhấp từng ngụm nước lấy giọng:


Nhưng trước mắt, Lữ Quang phải đối phó với Trương Đại Dự – con trai cả của vua
Tiền Lương – Trương Thiên Tích. Trương Thiên Tích quy phục nhà Đông Tấn,
nhưng con trai Trương Đại Dự không chịu theo cha, lại sợ Phù Kiên, nên đã chạy
đến chỗ Hiệu úy Trường Thủy là Vương Mục. Vương Mục đưa Trương Đại Dự lên ngôi
vua Lương. Ít ngày nữa, Trương Đại Dự sẽ tiến đánh Guzang.

Mười
ngày sau, vào trung tuần tháng chín, quân đội của Trương Đại Dự và Vương Mục đã
có mặt ngoài thành Guzang. Trước đó, Lữ Quang đã cử Đỗ Tấn đem quân chặn đánh,
nhưng bị quân của Trương Đại Dự áp đảo, buộc phải rút lui. Đỗ Tấn chiến công
hiển hách, anh dũng mưu lược là thế, nhưng lại bị thua bởi Trương Đại Dự. Ngay
lập tức, bầu không khí bất an bao trùm quân đội Lữ Quang. Lữ Quang hạ lệnh rút
quân vào thành Guzang, đóng chặt cổng thành. Người dân trong thành lo sợ không
yên, nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài, trên phố chỉ còn bóng dáng của lính
tuần tra, bóng mây chiến tranh che phủ bầu trời xanh trong của mùa thu Lương
Châu.


Pháp sư, công chúa!

Quay
lại, thấy Đỗ Tấn trong bộ giáp phục đang sải bước về phía chúng tôi, theo sau
là một toán quân, trong số đó có cả người quen – Đoàn Nghiệp.

Chúng
tôi cúi chào và không khỏi ngạc nhiên về sự có mặt của Đỗ Tấn tại lán trại dành
cho thương binh này. Lán trại này do Rajiva khởi xướng, dĩ nhiên đó là ý kiến
của tôi. Tôi còn tuyển lựa một số các cô các chị ở các gia đình nghèo khó đến
đây làm y tá, hướng dẫn cho họ những kiến thức cơ bản về vệ sinh dịch tễ. Chỗ
này tuy điều kiện còn nhiều thiếu thốn, nhưng đã tiến bộ hơn rất nhiều so với
chế độ chăm sóc thương binh tại doanh trại quân đội của các tiểu quốc khác cùng
thời.

Tôi
đã suy nghĩ thấu đáo về sự xuất hiện của tôi trong lịch sử và tôi tin điều đó
là có thật. Những sự việc xảy ra trước đó đã chứng minh, sự tồn tại và can
thiệp của tôi không hề ảnh hưởng đến vòng quay của lịch sử. Và biết đâu chính
nhờ sự xuất hiện của tôi, lịch sử mới có diện mạo như tôi biết ở thời hiện đại.
Tôi sẽ hành động theo suy nghĩ của mình và không cần e ngại. Dù sự đóng góp của
tôi là vô cùng nhỏ bé, tôi cũng mong giúp chồng mình hoàn thành sứ mệnh.


Đỗ Tấn xuất quân đánh giặc, sau khi trở về nghe nói pháp sư đã lập ra doanh
trại này. Pháp sư và công chúa như thánh thần hạ thế cứu giúp chúng sinh, xin
hai vị nhận của Đỗ Tấn một lạy. Đỗ Tấn chắp tay lại, gập người vái lạy, Rajiva
vội đỡ ông ta dậy.

Gương
mặt Đỗ Tấn có những vết sưng tấy, có lẽ do Trương Đại Dự gây nên. Tôi đưa cho
ông ta một chai rượu thuốc, ông ta cảm ơn, đón lấy, hạ giọng:


Thưa pháp sư, thưa công chúa, Đỗ Tấn có việc muốn bàn bạc với hai vị.

Cả
tôi ư? Tôi bước vào một phòng trống cùng họ mà lòng không khỏi băn khoăn.
Đoàn Nghiệp cũng theo vào, trong phòng có tất cả bốn người.

Nhìn
quanh không còn ai khác, Đỗ Tấn buông tiếng thở dài nặng nề, cất tiếng:


Thốc Phát Tư Phục Kiện người Tiên Tì muốn trợ lực cho Trương Đại Dự, đã cử con
trai là Thốc Phát Hề Vu dẫn theo hai vạn quân tới Guzang. Ba vạn quân của
Vương Mục dựng trại ở ngoại thành phía Nam. Ba vạn quân của Trương Đại Dự ở
cổng phía Tây. Thái Thú Kiến Khang là Lý Tập, Đô úy Kỳ Liên – Nghiêm Thuần,
Diêm Tập đều điều quân tiếp ứng, hiện đang trên đường tiến về Guzang.
Tổng binh lực khoảng hơn 10 vạn quân, Lữ tướng quân khó lòng đối phó.

Vào
thời đại binh đao lạnh lùng, số lượng binh sĩ là nhân tố chính quyết định thắng
bại của một cuộc chiến. Giết được một nghìn quân địch thì cũng phải tổn hao tám
trăm binh sĩ. Bởi vậy, trong lịch sử, có rất ít những chiến thắng “lấy ít địch
nhiều”. Điều lo lắng của Đỗ Tấn không phải không có lý. Những đội quân kia đều
từng là thuộc cấp của họ Trương, họ giúp đỡ Trương Đại Dự cũng là dễ hiểu. Họ
Trương đã cai quản Lương Châu suốt sáu mươi năm, dòng tộc của họ đã bắt rễ và
phát triển rộng khắp trên đất này. Nhưng vì sao Đỗ Tấn lại nói với chúng tôi
những thông tin cơ mật này?

Băn
khoăn của tôi đã được Rajiva chuyển thành câu hỏi:


Đỗ tướng quân, ta là nhà sư, không hiểu việc quân cơ binh pháp, vì sao ngài lại
nói những chuyện này với hai vợ chồng ta?

Đỗ
Tấn liếc sang Đoàn Nghiệp và cười:


Pháp sư thần cơ diệu toán, điều này ta đã được lĩnh giáo từ lâu. Nay tình thế
nguy cấp, không biết phải tính sao, nên mới đến đây xin pháp sư vạch đường chỉ
lối.

Nhìn
Đoàn Nghiệp gật đầu với mình, tôi chợt hiểu ra. Chắc chắn Đoàn Nghiệp đã nói
với Đỗ Tấn, rằng Rajiva tinh thông pháp tướng, giỏi bói toán và biết tiên đoán,
nên Đỗ Tấn mới hi vọng được chàng đưa đường chỉ lối.

Rajiva
trầm tư một lúc mới nói:


Xin Đỗ tướng quân chớ lo lắng. Lữ tướng quân có lương thực dồi dào, thành
quách vững chắc, quân đội tinh nhuệ, không dễ bị đánh bại.


Ta không lo việc cố thủ trong thành, vì thành Guzang này cố thủ nửa năm một năm
cũng không vấn đề gì. Mùi hạ năm nay, gặp phải hạn hán, lúa mạch hoa màu chết
nhiều, tháng mười tới thu hoạch, có thể sẽ thất thu một nửa. Không có lương
thực cầm cự, đồ rằng Trương Đại Dự chẳng thể vây thành được lâu.

Đỗ
Tấn đi đi lại lại trong lán, chuyên tâm phân tích tình hình, sau đó nhíu mày,
giọng nói đầy lo lắng:


Chỉ e Trương Đại Dự làm mưa làm gió ở vùng Lĩnh Tây, mài binh khí, trữ lương
thực, sẵn sàng tiến về Đông. Lữ tướng quân vừa chân ướt chân ráo tới đây, căn
cốt chưa vững, nếu đánh trận trường kỳ với Trương Đại Dự, e sẽ nguy khốn.

Thầm
thán phục Đỗ Tấn phân tích và phán đoán tình hình rất chuẩn. Đây chính là chiến
lược do quân sư Vương Mục của Trương Đại Dự đề xuất, chỉ tiếc, Trương Đại
Dự không phải bậc anh hùng làm nên nghiệp lớn. Tôi sốt sắng:


Đỗ tướng quân, Trương Đại Dự chỉ là một công tử không thạo binh pháp. Lần đầu chiến
thắng ắt sinh kiêu ngạo. Thốc Phát Hề Vu cũng vừa tới đây, lại không hòa
thuận với Vương Mục, đây chính là thời cơ để Lữ tướng quân phá vây.

Ông
ta đột nhiên dừng bước, quay lại quan sát tôi, ánh mắt sáng rực. Rajiva
lạnh lùng bước đến, chắn trước mặt tôi, khẽ cúi đầu:


Đỗ tướng quân, phu nhân của ta nói năng tùy hứng, xin chớ cho là thật. Tướng
quân không nên quá lo lắng, trời cao phù hộ, tin tức tốt lành sẽ đến mau thôi.

Đỗ
Tấn ra về, mặt mày rạng rỡ, trước lúc cáo từ, Đoàn Nghiệp nhìn tôi với ánh mắt
thành kính của một tín đồ, khiến tôi gai người. Nhưng người khiến tôi sợ hãi
nhất, không phải ông ta, mà là người đang đứng cạnh tôi đây.


Ngải Tình…

Chàng
cố ý kéo dài giọng: – Nàng lại bỏ ngoài tai những lời ta nói! Tôi lè lưỡi, làm
mặt quỷ trêu chọc chàng, rồi ba chân bốn cẳng tót ra khỏi phòng. Sở dĩ tôi nói
những điều đó với Đỗ Tấn, thứ nhất là vì tôi tin tưởng con người này, nhưng
điều quan trọng hơn, tôi luôn cảm thấy, việc ông ta tìm đến chúng tôi lúc này
chính là ý trời. Lịch sử vẫn tiếp tục vòng quay không biến đổi, tôi chỉ là một
nhân tố thúc đẩy mà thôi.

Cuối
tháng chín, Lữ Quang đột ngột xuất quân công phá vòng vây của Thốc Phát Hề Vu ở
cổng thành phía Nam. Thốc Phát Hề Vu không kịp trở tay, mất mạng trên đường
tháo thân. Quân đội của Vương Mục cũng chịu ảnh hưởng và tan rã. Trương Đại Dữ
mới nghe phong thanh đồng minh bại trận đã vội vã kéo theo một nghìn người chạy
trốn. Tàn quân mà ông ta bỏ lại, tan rã như núi lở, hầu hết đều cởi giáp xin
hàng. Vòng vây tại Guzang đã bị phá bỏ như vậy đó.

Tin
chiến thắng đến doanh trại thương binh cùng lúc với một tin tức kinh hoàng
khác.


Pháp sư, nguy rồi! Lữ tướng quân nổi trận lôi đình, ra lệnh trói Trình Hùng,
chém đầu theo quân pháp.


Vì sao? Rajiva quá đỗi kinh ngạc, nắm tay viên lính báo tin, gạn hỏi.


Trong trận đánh vừa qua, Trình Hùng không chém được một tên địch nào. Anh ta
thường ngày dũng mãnh, vậy mà trận này lại mềm lòng, không chịu lấy đầu kẻ
địch, nên Lữ tướng quân muốn trị tội để làm gương cho binh sĩ.

Rajiva
hỏi Trình Hùng đang ở nơi nào, sau đó vội vã chạy ra khỏi lán trại. Tôi theo
sát bên chàng, cùng lao ra thao trường. Trình Hùng bị trói vào một cây gỗ
giữa bãi đất rộng, miệng bị nhét giẻ. Anh ta nhìn Rajiva bằng ánh mắt tràn đầy
hi vọng và khẩn cầu. Rajiva gật đầu động viên anh ta, rồi xông thẳng vào lán
trại đầu tiên.


Lữ tướng quân, Trình Hùng không chịu giết người vì anh ta đã thọ ngũ giới. Lữ
tướng quân đã giành chiến thắng sao vẫn trừng phạt binh sĩ?

Lữ
Quang lạnh lùng liếc xéo Rajiva một cái, hậm hực, bực tức, mặt mày sa sầm:


Pháp sư, đi lính để giết giặc hoặc sẽ bị giặc giết. Những kẻ không biết giết
giặc, ta cần để làm gì?

Rajiva
vẫn đang thở dốc, giọng nói không kìm nổi, vút lên cao:


Trình Hùng nghe ta thuyết giảng mới chịu quy y cửa Phật. Lỗi là lỗi ở ta,
Lữ tướng quân muốn giết thì hãy giết ta. Trình Hùng không có tội!


Pháp sư, giết ngài để gây phẫn nộ trong quân ư?

Lữ
Quang cười nham hiểm, phần thịt thừa bên mép khẽ nhếch lên:


Pháp sư, nơi đây không phải Tây vực, quân sỹ không cần tín Phật. Pháp sư nên
thận trọng, đừng làm những việc khiến binh sĩ dao động.

Ánh
mắt của Rajiva bỗng nhiên u tối:


Được, ta sẽ không tiếp tục truyền đạo trong quân nữa, xin Lữ tướng quân hãy tha
cho Trình Hùng.


Lữ tướng quân, đại thắng lần này là nhờ diệu kế của pháp sư, xin tướng quân xét
đến công lao của ngài mà tha cho Trình Hùng.

Đỗ
Tấn bước tới, cúi gập người trước Lữ Quang:


Hơn nữa, giết binh sĩ trong ngày đại thắng sẽ gây bất mãn trong quân, xin tướng
quân suy xét.

Những
người có mặt trong lán trại đều bước đến khuyên can. Vẻ mặt Lữ Quang hỉ nộ khó
đoán, ông ta suy nghĩ một hồi, hạ lệnh:


Tôi chết có thể tha, nhưng phải trừng phạt. Lôi ra ngoài đánh một trăm trượng.

Lữ
Quang đứng lên, ném cuốn kinh “Phật nói phụ mẫu ơn trọng, khó báo đáp” xuống
chân: – Còn một việc nữa, pháp sư truyền giảng kinh Phật trong quân đội, khiến
binh sĩ phân tâm, không được phép tiếp tục. Hôm nay phải đem ra đốt bỏ
tất cả, sau này xin pháp sư đừng làm việc đó nữa, nếu không, chớ trách ta vô
tình!

Từng
cuốn kinh mỏng bị quăng vào lửa, lửa bén vào từng trang giấy, cháy bùng lên,
rất nhanh, thiêu rụi thành tàn tro. Gió thu cuốn bay những tàn lửa, thờ ơ quét
qua gương mặt của các binh lính từng được nghe thuyết pháp, lơ lửng trong không
gian mênh mông trên thao trường. chứng kiến công sức bao đêm vất vả tan
thành tro bụi, tôi chợt hiểu ra: Lữ Quang đang diễn trò “đánh chó để dằn mặt
chủ” đây mà.

Ông
ta không biết cách lợi dụng tôn giáo, chỉ biết đàn áp thô bạo. Ông ta sợ hãi
sức mạnh tinh thần của Rajiva, nên mới dùng cách dọa giết người để cảnh cáo
Rajiva không được phép truyền pháp.

Đưa
mắt sang bên cạnh, thấy Rajiva đang thẫn thờ nhìn theo tàn tro trong đống lửa,
vẻ u buồn thấm đẫm quầng mắt sâu hun hút. Gió cuốn theo một mảnh tro, thả trên
người chàng, chàng đưa tay đón lấy. Mảnh tro tan ra thành bụi khi chạm vào tay
chàng. Trình Hùng được cởi trói, đứng cạnh các binh sĩ khác, không dám
khóc thành tiếng, chỉ cúi đầu chùi nước mắt.

Từ
hôm đó, Rajiva không tiếp tục truyền pháp nữa, chàng trở nên thâm trầm hơn
trước rất nhiều.

Guzang
bước vào tháng mười, trời không còn oi bức nữa, sau vài trận mưa, thời tiết trở
nên mát mẻ hơn nhiều. Trương Đại Dự bị bắt ở Quảng Võ và bị giải về Guzang. Lữ
Quang xử tội và chém đầu ông ta trong thành Guzang. Cái chết của Trương Đại Dự
là lời cáo chung cho Vương triều Tiền Lương của Trương Quỹ.

Sự
kiện lớn nhất trong tháng mười là việc Lữ Quang nhận được tin từ Trường An,
rằng Phù Kiên đã bị Diêu Trường sát hại hồi tháng năm. Ông ta kêu khóc thảm
thiết, hạ lệnh cho tất cả quan lại và tướng sĩ phải mặc tang phục trong ba
tháng, dân thường khóc tiễn ba ngày. Ông ta còn dựng đàn tế Phù Kiên ở ngoại
thành phía Nam, lập tên thụy là Hoàng đế Văn Chiêu, cúng tế suốt ba ngày liền.

Sau
đó, trước sự khẩn cầu tha thiết của toàn bộ văn võ bá quan, ông ta quyết định
ban lệnh ân xá khắp vùng. Lập nước, lấy niên hiệu Thái An, tự phong mình là Thứ
sử Lương Châu, Hộ Khương hiệu úy, không lâu sau, tự xưng là Lương Châu
Mục, chính thức trở thành Vua một phương. Luận công luận thưởng, Đỗ Tấn giữ
công đầu, được phong làm Phò quốc tướng quân, Thái thú Vũ Uy, Võ thủy hầu.
Những người khác cũng đều được sắc phong, Đoàn Nghiệp được phong
làm Trước tác lang, chuyên phụ trách giấy tờ văn bản.

Rajiva
vẫn được Lữ Quang giữ bên mình, đóng vai một mưu sĩ. Ông ta chỉ coi chàng như
một thầy bói, lúc hứng lên thì hỏi vài ba quẻ, không có hứng thì lạnh nhạt, thờ
ơ. Rajiva vốn là người ngay thẳng, không chịu cúi luồn bợ đỡ, thấy việc chướng
tai gai mắt chàng không ngần ngại lên tiếng. Chàng và Lữ Quang đã nhiều phen xô
xát vì bất đồng quan điểm. Chàng đề nghị được tới bất cứ chùa nào ở Guzang tụ
tập, nhưng Lữ Quang vẫn một mực từ chối.

Thực
ra, Lữ Quang giam lỏng Rajiva chỉ vì lo ngại chàng truyền pháp trong quân sẽ
gây dựng được uy tín, hoàn toàn không phải vì ông ta muốn lắng nghe ý kiến của
chàng. Bởi vì bản thân ông ta là một kẻ cố chấp, không chịu nghe ai và luôn
nghi ngờ quần thần, ưa dùng bạo lực. Tuy không muốn can thiệp đến việc triều
chính của Lữ Quang, nhưng mỗi khi ông ta đưa ra quyết sách sai lầm, Rajiva vẫn
ra sức ngăn cản. Kết quả của những lời can gián này thế nào, không cần đoán
cũng có thể biết được. Lâu dần, Rajiva nguội lòng, không màng đến nữa. Có điều,
những tháng ngày vô vị đi theo Lữ Quang khiến Rajiva chán chường cực độ.

Lúc
rảnh rỗi, Rajiva thường tha thẩn đi hết ngôi miếu này đến ngôi chùa khác trong
thành phố, và cảnh tượng chàng được chứng kiến khiến chàng ngao ngán lắc đầu.
Nơi đây không có sự phân chia rõ ràng các giáo phái. Trong chùa, người ta thờ
chung cả Phật Thích Ca Mâu Ni và Thái Thượng Lão Quân, hòa thượng, đại sĩ không
phân biệt. Còn nhớ một mẩu chuyện cười thời Thập lục quốc kể rằng. Vua nước Nam
Yên là Mộ Dung Đức đang lúc băn khoăn không biết nên tấn công thành nào, đã mời
một hòa thượng gieo một quẻ bói bằng Chu dịch.

Rajiva
chỉ hỏi sơ vài câu đã biết những người này chẳng phải hòa thượng cũng
không phải đạo sĩ, đều là những kẻ giả danh, bọn họ không hiểu gì về Phật pháp.
Ngay cả đại danh của Rajiva cũng lờ mờ không rõ. Lại nhớ, trên đường đến
Guzang, mỗi khi tiến vào một tiểu quốc ở Tây vực, dân chúng lại chen nhau ra
đường đón chào nhiều giờ liền, chỉ vì muốn được chiêm ngưỡng dung mạo của
chàng. Quốc vương các nước đó cung kính tiếp đón vì muốn mời chàng thuyết giảng Phật pháp. Nhưng khi bước vào hành lang Hà Tây, cảnh tượng đó
không còn nữa. Danh tiếng của chàng không bằng cả tiếng tăm của một vài thầy
bói chuyên đi đuổi ma dọa quỷ, dối gạt người khác để kiếm cơm. Lương Châu giống
như một hoang mạc của tín ngưỡng Phật giáo.

Tôi
rất mực dịu dàng, mô tả viễn cảnh tươi đẹp để động viên chàng. Tuy không nói
ra, nhưng tôi biết chàng đang rất hoang mang khi đứng trước “hoang mạc”
này, chàng đã phải gắng gượng để kiềm chế nỗi thất vọng mãnh liệt. Rajiva bị ép
phải sống đời sống thế tục, hàng ngày theo hầu Lữ Quang đúng giờ. Nhưng chàng
kiên quyết không để tóc, chàng vẫn mặc y phục của tăng lữ, vẫn thức giấc rất
sớm tụng kinh buổi sáng, buổi tối vẫn chăm chỉ đọc sách để trau dồi trình độ
tiếng Hán. Phần lớn văn võ bá quan của Lương Châu đều từng theo Lữ Quang Tây
chinh, nên hiểu rõ nguyên nhân cuộc hôn nhân của chàng. Bởi vậy không ai
tò mò hay thắc mắc về cuộc sống của chúng tôi. Khác với những ngày ở Subash, ở đây, chúng tôi không còn bị người ta săm soi, dò xét nữa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.