Buổi
sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường. Ông trời chứng giám, tôi muốn được
ở lại khảo sát thành cổ Taqian đã biến mất hoàn toàn vào thế kỷ XXI này đến
nhường nào. Nhưng sau khi suy tính kỹ lưỡng, tôi vẫn quyết định cùng những
người Ba Tư kia lên đường. Có hai lí do, một là đoàn thương nhân ấy đã vì tôi
mà phải quay lại Khâu Từ, tôi không thể kéo dài thời gian của họ thêm nữa. Hai
là, vì an toàn của bản thân, tôi không thể không đi tiếp, ai mà biết có hay
không một toán cướp thứ hai. Thôi, hãy cứ đến Khâu Từ trước đã, rồi quay lại
sau vậy, dù sao khoảng cách từ Khâu Từ đến nơi này cũng không quá xa. Bởi vậy,
sớm tinh mơ tôi đã trở dậy và đi một vòng quanh thành cổ, thực hiện công việc
đo đạc cơ bản nhất, sau đó đánh dấu vị trí lên bản đồ, để tiện cho việc tìm
kiếm sau này.
Lúc lên
đường, tôi vẫn lưu luyến dõi theo bóng thành cổ Taqian ngày một xa dần cho đến
khi chỉ còn là một chấm nhỏ và mất hút trong không gian. Nhưng bù lại, trên
đường đi, tôi được chiêm ngưỡng rất nhiều địa danh khiến tôi phải kinh ngạc.
Tôi phát hiện ra một di tích quan ải đời nhà Hán, nơi đây vẫn còn lưu lại những
vết tích của khói lửa chiến tranh. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi xăm xắn chạy
đến đo đạc, kiểm tra, tôi còn tìm thấy rất nhiều mảnh sành mảnh sứ và cả tiền
đồng thời Hán nữa. Căn cứ vị trí địa lý, thì nơi đây có lẽ là cửa ải Wulei (Ô
Lũy) thời Hán. Về sau, vào thời nhà Đường, ngay cạnh di chỉ này, phong hỏa dài
và thành lũy phòng thủ đã được xây dựng, chung quanh còn có đồn điền và các
trại lính, quy mô rất lớn. Công trình kiến trúc này vẫn tồn tại cho đến thế kỷ
XXI.
Tôi cứ
thế tất bật với công việc khảo sát suốt dọc đường đi. Ba ngày sau chúng tôi đã
đến được Khâu Từ.
Nhận ra
bức tường thành quen thuộc, tim tôi đập dữ dội, dường như cảm giác “về đến nhà”
đang trào dâng mạnh mẽ trong tôi. Không biết Rajiva có đang ở Khâu Từ không?
Cậu ta bao nhiêu tuổi rồi? Có còn nhớ tôi không?
Chúng
tôi vào thành từ cổng phía đông, họ đòi kiểm tra giấy tờ, tôi tròn xoe mắt!
Đang nghĩ xem có nên viện cớ là người quen của quốc sư hay không thì người đàn
ông Ba Tư biết tiếng Tochari đã kịp nhét một túi nhỏ vào tay tên lính giữ
thành, thế là hắn vung tay ra hiệu cho phép cho chúng tôi qua.
Đây là
thành cổ Khâu Từ mà tôi từng thông thuộc ư? Từ phố lớn đến ngõ nhỏ chỗ nào cũng
được quét dọn sạch sẽ, tinh tươm. Dân chúng trong thành mặc những bộ trang phục
đẹp nhất, kéo về cổng thành phía tây, ai nấy đều náo nức như đi trẩy hội. Tôi
nhìn những người Ba Tư, họ nhún vai tỏ vẻ không hiểu. Đành phải chặn một người
đi đường lại để hỏi xem họ đang đi đâu. Người đó thấy tôi mặc trang phục của
người Hán, liền giải thích cho tôi biết hôm nay là ngày lễ rước tượng Phật
(ngôn ngữ Phật giáo gọi là “Hành tượng”), lát nữa sẽ có xe hoa chở tượng Phật
vào trong thành qua cửa phía tây, sau đó diễu hành qua khắp các đường phố để
mọi người được chiêm ngưỡng.
Ngày lễ
rước tượng Phật? Pháp Hiền và Huyền Trang từng viết rằng đây là lễ hội Phật
giáo náo nhiệt nhất được tổ chức tại Ấn Độ và các quốc gia Tây vực.
Thấy
tôi đang ngẩn ngơ suy nghĩ, người đó tưởng rằng người Hán không biết về ngày
hội này, nên đã giải thích rất nhiệt tình cho tôi. Sau khi Phật tổ nhập Niết
Bàn, Phật tử buồn vì không có duyên được thấy Phật, cho nên tổ chức ra ngày hội
rước tượng Phật vào ngày Phật Đản để mọi người được chiêm bái và cầu nguyện,
vào ngày này, những lời khẩn nguyện đặc biệt linh nghiệm. Nhưng ngày hội lớn
như thế này lại không được lưu truyền ở Trung Nguyên. Tôi thật may mắn vì tới
đây đúng lúc, không thể bỏ qua cơ hội được tận mắt chứng kiến ngày lễ Phật giáo
trọng đại này được. Tôi nói lời từ biệt với đoàn thương nhân Ba Tư, họ mang
theo bên mình bao nhiêu là hàng hóa, chắc chắn không thể đi cùng tôi. Người dẫn
đầu đoàn thương nhân ấy muốn biếu tôi một khoản tiền, nhưng tôi một mực từ
chối. Người đó bèn lấy ra một chuỗi hạt đeo tay bằng mã não trong suốt, lấp
lánh rất đẹp, đặt vào tay tôi, tôi đành nhận lấy.
Sau khi
chia tay đoàn người Ba Tư ấy, tôi hòa vào dòng người, đổ về cổng thành phía
tây. Một khán đài được dựng tạm trên cổng thành, những tấm vải bạt to rộng màu
vàng màu đỏ, được trang trí bằng vô số hoa tươi phủ lên trên. Khán giả trên khán
đài là những người ăn mặc cầu kỳ, sang trọng và nổi bật, tuy không nhìn rõ,
nhưng chắc chắn là hoàng tộc và quý tộc Khâu Từ. Tôi bị chen lấn, xô đẩy và dạt
ra tận ngoài cổng thành đến vài chục bước. Nhưng sau cùng cũng tìm được một
khoảng trống để đặt đủ hai chân, nhưng tôi chỉ có thể kiễng lên mà nhìn vào
phía trong. Thảm đỏ được trải dài trăm mét, chạy thẳng đến cổng chính phía tây.
Lúc này, biển người đột nhiên di động, tôi đưa mắt nhìn theo ra ngoài cổng
thành, vẫn trong tư thế kiễng chân, tôi thấy hai chiếc xe bốn bánh khổ lớn,
giống hệt nhau, cao khoảng bốn, năm mét, trang trí lộng lẫy, nguy nga như một
cung điện nhỏ, phủ lên trên một tấm phông màu vàng. Tôi từng nhìn thấy những cỗ
xe rước tượng Phật như vậy ở quảng trường lớn trước đây, cạnh tượng Phật tổ còn
có hai bức tượng Bồ Tát khổ nhỏ nữa. Tượng Phật được đúc bằng vàng, trên mình
khoác áo cà sa màu vàng với những họa tiết phức tạp và đeo đủ loại trang sức
vàng bạc, châu báu.
Những
cỗ xe chầm chậm tiến vào cổng thành phía tây, rồi dừng lại trước thảm đỏ. Đức
vua Khâu Từ từ khán đài bước xuống, tháo vương miện, cởi giày, chân trần bước
trên thảm đỏ, hai tay nâng cao quá đầu một nén nhang dài, cung kính hướng về
phía tượng Phật. Đức vua nom đã luống tuổi, thân thể nặng nề hơn xưa. Bỗng, tôi
như bị thôi miên, người đang đứng trang nghiêm phía sau Bạch Thuần ấy, người
khoác áo cà sa dát kim tuyến, khí khái bất phàm ấy chính là Rajiva, đúng rồi,
là cậu ấy!
Giống
như trong phim, mọi thứ xung quanh trở nên mờ ảo, âm thành ồn ào huyên náo biến
mất, trước mắt tôi chỉ có hình ảnh Rajiva là sống động và duy nhất.
Cậu ấy
đã trưởng thành, tuổi chừng hơn hai mươi, đẹp như một bức tượng điêu khắc Hy
Lạp với sống mũi cao vời vợi, đôi mắt sáng mênh mông, hàng lông mày dài mượt và
dày đậm, đôi đồng tử màu xám nhạt khi nhìn lên, tưởng chừng có thể thấu suốt
mọi thứ trên thế gian này. Làn môi mỏng khép chặt, đường môi sống động như vẽ
ấy, thật dễ làm say lòng người. Cậu ta trông rất cao, chắc chắn hơn một mét tám
mươi. Cơ thể đã săn chắc hơn nhiều so với độ tuổi mười ba, mặc dù vẫn gầy guộc,
nhưng vóc dáng rất cân đối. Khuôn mặt dài thanh tú, chiếc cằm nhọn và chiếc cổ
thiên nga quyến rũ, đường nét nào cũng hấp dẫn, cũng hút hồn. Và còn khí chất
thoát tục toát lên từ vẻ đạo mạo, nghiêm cẩn ấy nữa, giữa đám đông thế tục ô
hợp, càng trở nên nổi bật, khiến người khác không khỏi ngưỡng vọng.
Rajiva
ơi Rajiva, sao cậu lại trở nên khôi ngô, tuấn tú, sáng láng đến vậy? Cứ ngắm
cậu thế này, trở về thế kỷ XXI, làm sao tôi để ý đến những người đàn ông khác
được nữa?
Bạch
Thuần quỳ xuống trước tượng Phật tổ, thị nữ bưng đến một chậu hoa rực rỡ sắc
màu, nhà vua cắm nén nhang lên hương án phía trước tượng Phật, rồi rắc hoa tươi
lên mình tượng. Đám đông reo hò vang dội. Lúc này, hoàng hậu cùng đám phụ nữ
quý tộc cũng đứng trên thành lầu rắc hoa tươi xuống dưới cổng thành. Tiếng
trống, tiếng nhạc bắt đầu được tấu lên, đoàn xe chầm chậm lăn bánh men theo
thảm đỏ, tiến vào nội thành. Bạch Thuần và một vài người khác dẫn đầu đoàn
rước. Rajiva cũng đi cùng. Tôi hốt hoảng hét to:
– Rajiva,
Rajiva, tôi đây, tôi ở đây. Tôi về rồi!
Đám
đông xô nhau về phía cổng thành, tôi bị ép sát không thở nổi, cảm giác như toàn
thân mình đang bị đẩy đi, chân không hề chạm đất. Rajiva đột ngột quay đầu lại,
dường như đang dõi về phía tôi. Tôi muốn gọi cậu ấy, nhưng những người phía sau
chen lên, đẩy tôi ngã sóng soài. Khi tôi luống cuống đứng dậy thì cậu ta đã đi
xa mất rồi. Nhìn theo bóng dáng mảnh khảnh ấy đang khuất dần về phía nội thành,
tôi cười buồn. Có lẽ cậu ta không nghe thấy tiếng tôi gọi, giữa biết bao thanh
âm hỗn tạp như vậy, làm sao mà nghe thấy được. Lúc này tôi mới cảm thấy vết
trầy xước bỏng rát trong lòng bàn tay và trên khuỷu tay. Quần áo mùa hè mỏng
manh, chẳng có tác dụng gì!
Tôi thơ
thẩn đi theo đoàn xe vào thành phố, mỗi khi đến trước cổng đền chùa hay cung
điện, đoàn xe đều dừng lại. Sau đó sẽ có những chàng trai và cô gái mặc đồ lụa
rất đẹp, tay xoay tròn khay gỗ và nhảy múa. Vạt áo, thắt lưng trên người họ
theo gió tung bay, trong tiếng nhạc rộn ràng và với những động tác thuần thục
khéo léo họ vừa nhảy múa vừa rắc hoa tươi đựng trong khay gỗ lên tượng Phật.
Khán giả xung quanh vỗ tay rầm rầm tán thưởng. Tiếp đến là một thiếu nữ dáng vẻ
yêu kiều, mặc một chiếc váy voan mỏng mềm mại, hai tay nâng cao một chiếc bát
bằng vàng, chân trần nhảy múa, động tác uyển chuyển điêu luyện, miệng tươi như
hoa, chốc chốc lại nhấc cao chân trái lên, hai tay nâng chiếc bát vàng qua đầu.
Điệu múa này đã được phác họa sinh động trên những bức bích họa ở Đôn Hoàng và
Kizil.
Tôi hỏi
chuyện một cụ già đứng bên cạnh. Cụ cho tôi biết, hai vũ điệu này gọi là múa
đĩa (Bàn vũ) và múa bát (Uyển vũ). Múa đĩa, là điệu múa rắc hoa lên tượng Phật
và người đi đường, tượng trưng cho sự ca ngợi và tôn kính đối với Phật tổ. Múa
bát là điệu múa bắt nguồn từ câu chuyện Phật tổ trong sáu năm tu khổ hạnh, ngài
muốn khắc chế bản thân, nên đã áp dụng phương thức hành xác trong mọi sinh hoạt
ăn ở và đi lại. Thế nhưng, đến lúc lả đi vì kiệt sức, ngài vẫn không thể đắc
đạo. Sau cùng, ngài đến ngồi thiền dưới gốc bồ đề và đã giác ngộ, rồi ngài sáng
lập ra Phật giáo. Sau khi ngộ đạo, Phật tổ ra sông tắm gội, ngài được một cô
gái trẻ cúng dường một bát cháo. Điệu múa này chính là điệu múa mô phỏng câu
chuyện cô gái trẻ kia cúng cháo cho Đức Phật.
Vũ điệu
và âm nhạc đều rất cuốn hút, nhất là với một người đến từ thế kỷ XXI như tôi,
nhưng không làm nguôi ngoai những ngổn ngang trong lòng tôi. Đôi mắt tôi cứ bất
giác len qua những vũ điệu, len qua tượng Phật, len qua đám đông ồn ào, để kiếm
tìm bóng dáng khổ hạnh, thoát tục ấy…
Mỗi lần
tưởng như nhìn thấy người đó rồi, tôi chạy vượt lên tìm kiếm, chợt sững lại,
hóa ra chỉ là ảo giác. Chỉ là ảo giác thôi ư? Chợt nhớ đến câu thơ:
Giật
mình tôi ngoảnh lại
Bỗng
thấy Người đứng đó,
Bên
tàn lửa lung linh.
Tôi hít
một hơi thật sâu, thử quay đầu lại, không có ai. Dụi mắt, nhìn quanh, vẫn không
ai cả.
Trời
tối dần, trên phố vẫn rộn ràng lời ca tiếng hát, đã đến lúc phải lo tìm chỗ ở.
Tôi tách ra khỏi đám đông, hỏi thăm vài nhà trọ, đều được thông báo là đã hết
phòng. Hay là đến phủ quốc sư? Nhưng bộ dạng của tôi thế này, chắc sẽ khiến họ
sợ hãi. Không phải trông tôi dữ dằn hung ác đâu bạn ạ, thực ra dung mạo của tôi
cũng không đến nỗi nào, đảm bảo không làm khán giả phải thất vọng. Tôi từng
được phong danh hiệu hoa khôi của lớp nghiên cứu sinh khoa lịch sử, tất nhiên,
lớp học của tôi nam nhiều hơn nữ. Nhưng nếu bạn nhìn thấy một người mà sau gần
mười năm hoặc hơn mười năm (tôi vẫn chưa biết thời gian ở đây đã trôi qua bao
nhiêu năm rồi) dung mạo không hề thay đổi, phản ứng của bạn sẽ thế nào?
Đang do
dự không biết phải làm sao thì tôi gặp được cứu tinh, chính là những thương
nhân người Ba Tư ấy. Họ đưa tôi đến giáo đường Hỏa giáo của họ, phía sau khu
giáo đừng có các căn phòng dành riêng cho những người Ba Tư khi đi qua nơi này
trọ lại, có nét gì đó giống với các hội quán ở Thiểm Tây, Ôn Châu. Tôi đã ở lại
đây trong đêm đầu tiên trở lại Khâu Từ.