Vì đi đường mệt, lại thêm uống khá nhiều rượu nên khi tên tiểu nhị vừa ra khỏi phòng một lúc, Hoàng Thiên Vũ liền đóng cửa phòng, cởi bỏ bộ y phục cũ rách, thay luôn đồ lót mà Hầu Nhi mới mua về rồi lên giường ngủ ngay.
Vì thế mà chàng không sao biết được rằng tên tiểu nhị tự xưng là Hầu Nhi sau khi rời khỏi phòng chàng liền hối hả chạy ra khỏi khách điếm, mãi đến hai canh giờ sau mới trở về, dẫn theo một người nữa…
… Không biết qua bao nhiêu lâu, chợt nghe có tiếng kẹt cửa và tiếng nói chuyện ở phòng bên làm Hoàng Thiên Vũ tỉnh giấc.
Phòng bên từ lúc chàng mới vào vẫn yên tĩnh giống như không có người, có lẽ khách nhân ban ngày đóng cửa đi đâu mới về, hoặc khách vừa dọn đến.
Có lẽ đã khuya, vì xung quanh rất yên tĩnh.
Hoàng Thiên Vũ hé cửa sổ nhìn ra, thấy trong khách điếm tối om, có lẽ mọi người đã tắt đèn đi ngủ hết.
Tiếng người nói ở phòng bên tuy rất khẽ nhưng chàng vẫn nghe rõ :
– Tiểu nhị, hôm qua có hai nữ nhân vào trọ lại ở khách điếm này, đúng không?
Hoàng Thiên Vũ chợt nhận ra giọng người đó có vẻ quen quen, nhưng nhất thời chưa nhận ngay ra được đó là ai.
Tiếng trả lời :
– Công tử gia! Tiểu điếm hàng ngày có rất nhiều khách nhân là nữ, đâu phải chỉ có hai người?
Đó là giọng của Hầu Nhi.
Người kia “Suỵt” một tiếng bảo :
– Nói khẽ thôi, xung quanh người ta còn ngủ.
Lại nói tiếp :
– Hai nữ nhân này rất khác thường, chỉ cần ta mô tả sơ qua là ngươi nhất định sẽ nhận ra ngay.
Hầu Nhi nói :
– Công tử gia nói xem!
– Đó là hai thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Một người mới hai mươi hai mốt tuổi, người kia mười tám mười chín. Cô nhỏ tuổi bận hồng y, còn cô lớn hơn bận bạch y.
Nghe tới đó, Hoàng Thiên Vũ chợt thấy trong lòng rúng động.
Không những chàng bị bất ngờ vì nội dung câu nói, mà bây giờ chàng đã nhận ra đó là giọng nói của ai.
Người đó là Giang Tứ Châu, nhi tử của đầu tọa Trưởng lão Giang Thượng Hàn, huynh trưởng của Giang Linh Ngọc.
Nghĩ đến Giang Linh Ngọc, Hoàng Thiên Vũ liền nhớ lại chiều hôm đó, sự xuất hiện bất ngờ và thái độ trơ tráo của nữ nhân này đã làm cho Trương Nhược Huyền hiểu lầm mà tức giận bỏ đi.
Chính hôm đó cũng xảy ra nỗi bất hạnh lớn nhất trong đời chàng.
Giang Tứ Châu tính tình cũng trăng hoa chẳng kém gì em gái hắn. Tuy nhi tử của vị đứng đầu Trưởng Lão đường của Võ minh nhưng ham mê tửu sắc hơn là luyện công, học kiếm.
Nay Giang Tứ Châu hỏi đến hai nữ nhân kia, chẳng lẽ đó chính là thư muội Trương Nhược Huyền và Hồng Cẩm?
Chàng liền lắng tai chăm chú lắng nghe.
Tên tiểu nhị vội đáp :
– Có có! Quả là hôm qua có hai vị cô nương giống như lời công tử gia miêu tả đến trú ở tiểu điếm, nhưng sáng nay đã đi sớm rồi. Tiểu nhân nhớ mang máng tên của một vị là Cẩm gì gì đó…
Giang Tứ Châu hỏi :
– Có phải có một người tên là Trương Nhược Huyền, còn người kia là Hồng Cẩm không?
Hầu Nhi buột miệng kêu lên :
– Đúng đúng!
Giang Tứ Châu khẽ giọng mắng :
– Câm miệng! Sao cứ làm toáng lên thế? Xung quanh người ta đang ngủ. Hơn nữa đây là chuyện cơ mật, chỉ cần ngươi tiết lộ là mất mạng ngay, hiểu chưa?
Hoàng Thiên Vũ kích động đến nỗi ngồi bật lên, càng căng tai chú ý nghe, bụng nghĩ thầm: “Chuyện gì mà cơ mật? À phải! Sư đồ Thần Đao Vô Ảnh Bà là đối tượng nghi vấn số một của Võ minh trong việc sư phụ mất tích. Nhưng Quách đại ca nói rằng mấy năm nay ba sư đồ bặt tích giang hồ, vì sao bây giờ lại xuất hiện ở đây?”
Giọng Hầu Nhi nhỏ hẳn lại, phải chú ý mới nghe được :
– Tiểu nhân nghe Hồng y thiếu nữ gọi cô nương lớn hơn là Huyền thư thư, còn Bạch y thiếu nữ gọi cô kia là Cẩm muội.
Hoàng Thiên Vũ chợt thấy tim mình nhảy dựng lên.
Như vậy là không sai rồi.
Vấn đề là hai thư muội đi đâu?
Chừng như đọc được suy nghĩ của chàng, Giang Tứ Châu hỏi :
– Ngươi có biết họ đi đâu không?
Hầu Nhi đáp :
– Sáng nay chính tiểu nhân đã dắt ngựa ra cho họ, nghe hai thư muội bàn nhau sẽ đến Lạc Dương.
Giang Tứ Châu hỏi lại :
– Đến Lạc Dương ư?
– Dạ! Tiểu nhân nghe không nhầm đâu!
Giang Tứ Châu lẩm bẩm :
– Lạc Dương không gần Thái Sơn, hai cô nương tới đó làm gì chứ?
Rồi cao giọng nói :
– Được rồi, ngươi về nghỉ đi.
Tiếng bước chân ra khỏi phòng, sau đó nghe “Két” một tiếng, hẳn là Giang Tứ Châu đã đóng cửa.
Hoàng Thiên Vũ nằm trở xuống giường, thao thức không ngủ được.
Mới đó đã biền biệt ba năm.
Ngày ấy vì hiểu lầm mà bỏ đi, bây giờ nàng có hiểu ra không?
Mà cho dù có hiểu ra thì ba năm ròng biệt tích, ai biết chàng còn sống hay đã chết, đâu thể kiên trì nuôi ảo mộng ngày xưa?
Đời thiếu nữ ví như một bông hoa, chỉ rực rỡ một thời, biết chàng thế nào mà để lỡ một thời xuân sắc?
Tuổi mười bảy mười tám qua đi, nay đã hai mươi hai mốt, chắc nàng bây giờ đã dày dạn, từng trải và biết đâu đã tay bế tay bồng?
Nghĩ tới đó, chàng lại thấy tim mình đau nhói, trong lòng sục sôi căm hận, chàng càng nuôi quyết tâm truy tìm bằng được địch nhân, bắt hắn trả sòng phẳng món nợ này…
Nằm chong mắt thao thức mãi, đến gần sáng chàng mới thiếp đi.
* * * * *
Lúc tỉnh dậy thì trời vừa sáng.
Hoàng Thiên Vũ quyết định đến Lạc Dương, một phần vì muốn gặp Trương Nhược Huyền, mặt khác đó là nơi xảy ra vụ án giết Ngoại đường Đường chủ Triệu Ứng Hòa và hai tên thủ hạ với thủ đoạn giống hệt như chúng đã giết Tần Bình vào đêm sư phụ bị mất tích, hy vọng điều tra được manh mối nào đó của địch nhân.
Chàng mặc áo ngoài vào, rửa mặt xong thì đã nghe tiếng Hầu Nhi trước cửa :
– Công tử gia dậy rồi ư?
– Dậy rồi!
Hoàng Thiên Vũ trả lời xong ra mở cửa.
Vừa bước vào phòng, thấy Hoàng Thiên Vũ trong bộ y phục mới tinh, Hầu Nhi tấm tắc khen :
– Công tử gia mặc bộ y phục này trông hợp quá, chỉ e các bậc vương tôn công tử cũng không bằng!
Hoàng Thiên Vũ nói :
– Ngươi chỉ khéo dẻo miệng… Hầu Nhi! Hãy xem có gì mang lên đây điểm tâm, sau đó còn phiền ngươi một việc.
– Công tử gia! Có việc gì thế?
– Ta sẽ nói sau. Bây giờ cứ mang đồ điểm tâm đã, nhưng nhớ mang ít thôi!
Hầu Nhi “Dạ” một tiếng, chạy đi.
Lát sau hắn bưng mâm tới bày ra bàn xong liền hỏi ngay :
– Công tử gia sai bảo tiểu nhân làm việc gì?
Hoàng Thiên Vũ nói :
– Ngươi chạy đến một mã gia nào đó mua cho ta một con ngựa kha khá một chút mang ngay về đây.
Hầu Nhi ngạc nhiên hỏi :
– Công tử gia đi ngay ư?
Hoàng Thiên Vũ trầm giọng :
– Không hỏi nhiều! Đi đi!
Nói xong đưa cho hắn hai thỏi vàng.
Tên tiểu nhị khom mình nhận lấy rồi đi nhanh ra khỏi phòng.
Việc mua ngựa, lẽ ra Hoàng Thiên Vũ muốn tự làm lấy, nhưng vì đây còn khá gần Tổng đàn Võ minh nên sợ gặp người quen, sinh chuyện lôi thôi nên chàng nhờ Hầu Nhi làm luôn cho tiện.
Chàng điểm tâm xong ngồi chờ một lúc thì thấy Hầu Nhi bước vào, mặt mày tươi tỉnh nói :
– Công tử gia! Ngựa mua được rồi! Rất tuyệt! Công tử có muốn xem qua không?
Hoàng Thiên Vũ xua tay :
– Khỏi cần. Lát nữa thanh toán xong tiền trọ rồi sẽ đi luôn.
Hầu Nhi mở to mắt hỏi :
– Công tử gia đi ngay bây giờ thật sao?
– Đương nhiên rồi. Tiền trọ và hai bữa ăn bao nhiêu?
Hầu Nhi lẩm nhẩm một lát mới trả lời :
– Tiền trọ tám quan, tiều bữa ăn tối qua ba quan, sáng nay một quan năm tiền, vị chi là mười hai quan rưỡi…
Hoàng Thiên Vũ định lấy tiền trả thì hắn ngăn lại, lấy ra hai đĩnh bạc nói :
– Tiểu nhân mua ngựa còn thừa hai mươi quan, xin công tử thu lại.
Hoàng Thiên Vũ cười nói :
– Vậy thì phiền ngươi thanh toán tiền trọ, còn bao nhiêu thưởng riêng cho ngươi.
Hầu Nhi cúi rạp mình nói :
– Xin đa tạ công tử! Xưa nay tiểu nhân chưa từng gặp một vị khách nhân nào phóng túng như thế!
Hoàng Thiên Vũ sửa sang y phục, đeo kiếm vào nói :
– Tiểu nhị ca! Chúng ta đi thôi!
Rồi đi trước ra khỏi phòng.
Chàng dừng lại trước cổng một lát thì Hầu Nhi dắt ngựa ra.
Tuy không được như lời hắn tán tụng nhưng con ngựa xem ra cũng khá tốt, đã được thắng yên cương đầy đủ.
Hoàng Thiên Vũ cầm lấy cương ngựa, nhảy lên yên nói :
– Hầu Nhi! Ta phải đi đây, hy vọng chúng ta còn gặp lại!
Tên tiểu nhị chắp tay vái dài một vái, nói :
– Xin công tử bảo trọng!
Hoàng Thiên Vũ gật đầu, giật cương. Con ngựa hí vang, tung vó lao đi.
Hầu Nhi nhìn theo Hoàng Thiên Vũ phóng ngựa ra hướng nam thành Tân Dã, mắt ánh lên tia giảo hoạt, lẩm bẩm :
– Nhất định hắn đến Lạc Dương! Trông tên họ Hoàng đó vậy mà đần. Chỉ riêng hai vụ mua bán, mình đã lời gần một thỏi vàng. Lại còn tiền thưởng của bên kia nữa, sẽ không ít đâu! Hôm nay đúng là ngày đại cát đại lợi! Chỉ một ngày đã hơn tiền công của một tên tiểu nhị làm quần quật suốt mười năm…
Không biết hắn mất trí hay sao mà lại lảm nhảm như vậy?
Và điều đáng ngạc nhiên là do đâu mà hắn biết vị công tử đó họ Hoàng và chàng đi Lạc Dương?
Còn tiền thưởng của bên kia là bên nào? Có đúng là còn hậu hĩnh hơn như hắn vừa nói không?
Hắn cho rằng hôm nay là ngày đại cát đại lợi, nhưng biết đâu phía trước một nỗi đại bất hạnh đang chờ hắn?
* * * * *
Chiều hôm đó, Hoàng Thiên Vũ tới Trịnh Tây.
Nơi đó chỉ cách Lạc Dương chừng hai trăm dặm, với con tuấn mã do Hầu Nhi mua được, chàng có thể đến Lạc Dương vào lúc hoàng hôn. Nhưng vì Lạc Dương là thành phố lớn, chàng từng phục vụ trong Võ minh nên nhiều người quen, lúc này lại không muốn gặp ai cả, vì thế quyết định trú lại đây dò xét tình hình.
Chàng còn nhớ Quách Trung từng kể lại rằng Trịnh Tây chính là nơi ba năm trước xảy ra vụ cướp thây bí ẩn.
Hồi đó, Quách Trung suy đoán rằng người cướp thây nhằm mục đích điều tra nguyên nhân cái chết của nạn nhân, tức đối đầu với hung thủ. Không biết đó là kiệt tác của vị cao nhân nào?
Vào thành, Hoàng Thiên Vũ tìm một nhà khách điếm trung bình nghỉ lại.
Vì đêm qua thao thức nên đêm nay chàng ngủ rất say.
Chợt có tiếng động làm chàng bừng tỉnh. Hình như có người từ trên mái nhà nhảy xuống cửa sổ phía sau phòng chàng.
Với những người có võ công thượng thặng, bất luận ngủ say thế nào, thính giác vẫn rất tỉnh táo.
Hoàng Thiên Vũ hé cửa nhìn ra, quả nhiên thấy một bóng đen từ cửa sổ phòng mình lao nhanh về phía tường viện.
Không kịp mặc áo ngoài, Hoàng Thiên Vũ chụp vội thanh bảo kiếm để ở đầu giường, băng mình qua cửa sổ đuổi theo.
Nhưng thân pháp người đó rất nhanh, khi chàng vừa tới tường viện thì người kia đã lao ra phố mất hút.
Hoàng Thiên Vũ ngập ngừng một lúc, muốn đuổi theo nhưng vì chỉ mặc đồ lót ra phố không tiện nên đành phải quay về.
Mới vào phòng, chàng chợt nhận thấy ngay trong phòng vừa xảy ra điều gì khác thường, dường như vừa có người đột nhập.
Hoàng Thiên Vũ lập tức cảnh giác, vận công đề phòng, tay lăm lăm trường kiếm, mắt nhìn các góc tìm kiếm.
Nhưng căn phòng vắng ngắt, không một âm thanh. Mắt đã quen với bóng đêm, định thần nhìn một lúc nhưng vẫn không nhận ra điều gì khác lạ, ngạc nhiên nghĩ thầm: “Rõ ràng mình có cảm giác đã có người hiện diện trong phòng này. Nhưng hắn lẻn vào phòng làm gì chứ? Chẳng lẽ là thích khách?”
Chàng chợt nghĩ tất hắn phải đồng mưu với tên vừa chạy bên ngoài. Đúng là trúng kế điệu hổ ly sơn rồi.
Nhưng nói rằng điệu hổ ly sơn cũng không phải. Vì trong phòng ngoài bản thân chàng ra còn có ai khác nữa đâu? Ngay cả đồ đạc cũng không, vì ngoài thanh kiếm ra không còn vật gì khác…
Trong lòng đầy hoài nghi, chàng định mặc quần áo ngoài vào rồi đi quanh các nơi tra xét.
Đến lúc đó chàng mới phát hiện ra bộ y phục mới được tên tiểu nhị mua hôm qua ở tiểu trấn Tân Dã đã không còn nữa!
Tìm khắp nơi vẫn không thấy, Hoàng Thiên Vũ kinh ngạc nghĩ thầm: “Đối phương đột nhập vào đây chỉ để lấy bộ y phục thật sao? Thật vô lý hết sức! Nói rằng một kẻ tiểu trộm nào đó do túng thiếu mà làm càn chướng không đúng. Vì bộ y phục thì đáng gì mà phải có tới hai người, lại dùng kế điệu hổ ly sơn nhử mồi ra ngoài mới đắc thủ”.
Nhưng chung quy lại, chàng thấy yên tâm rằng đây chỉ là một vụ trộm bình thường không đáng bận tâm. Có lẽ đối phương thấy chàng ăn mặc đàng hoàng, lại còn đi ngựa nên tưởng giàu có gì lắm nên mới bị lầm, tìm trong phòng không có gì nên lấy đi bộ y phục cho đỡ tức.
Lập luận như vậy, chàng lại lên giường cuộn chăn nằm ngủ như trước.
Hôm sau, Hoàng Thiên Vũ lấy ba đĩnh bạc nhờ tên tiểu nhị mua giúp một bộ y phục.
Gần trưa, hắn đem về một bộ lam y.
Tuy đã dặn trước, nhưng vì ít tiền nên mặc dù màu áo không hợp sở thích, chàng vẫn không phàn nàn gì.
Do sự cố tối qua vì con ngựa mà sinh hiểu lầm, lại hết tiền tiêu, nhưng chủ yếu là đã tới gần Lạc Dương, không cần đến ngựa nữa, chiều hôm đó Hoàng Thiên Vũ dắt ngựa đến một mã gia trong trấn bán đi.
Thấy chàng là người phong độ đàng hoàng, giá lại rẻ nên mã gia mua ngay mà không mặc cả.
Chiều hôm sau, chàng tới một trấn nhỏ cách Lạc Dương chừng ba bốn chục dặm thì dừng lại nghỉ.
Trong khách điếm, tình cờ Hoàng Thiên Vũ nghe tin Trương Nhược Huyền và Hồng Cẩm hiện đang ở đó, trong lòng mừng run liền quyết định ở lại tìm.
Không ngờ việc đó lại khiến chàng gặp phải một biến cố rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ dự định trước đây của chàng.
Ngẫm đến chuyện Tái Ông thất mã, mới biết chẳng những trên giang hồ mà ngay cả đối với người thường, cuộc sống thiên biến vạn hóa, chẳng biết đâu mà lường. Ai biết trước mắt mình là phúc hay họa?