Đã sang tháng Tám, trời vẫn nóng nhưng nắng không còn chói chang nữa,
những đốm nắng lọt qua lớp lá có răng cưa của cây leo, vẽ trên mặt bàn
những đốm nắng lung linh. Quỳnh mở túi lấy cuốn sách mới mua, từ tốn giở từng trang. Cô đọc không nhiều lắm, chủ yếu chỉ đọc tiểu thuyết tình
cảm nhẹ nhàng. Bên cạnh thần tượng Marc Levy, cô còn thích truyện của
mấy tác giả văn học mạng Trung Quốc như Cố Mạn hay Tình Không Lam Hề. (Hừ hừ, nó toàn hâm mộ ngoại bang thế này có phẫn uất không?!)
Với sách của Marc Levy, cô chọn mua đơn giản vì hâm mộ tác giả. Với
những cuốn của tác giả Trung Quốc, cô lại chú ý hơn đến người dịch. Cuốn cô đang cầm là truyện của một tác giả mới toanh, nói chính xác hơn là
lạ hoắc lạ huơ đối với độc giả không mấy am hiểu như cô. Quỳnh chỉ chọn
vì tín nhiệm dịch giả. Hải Thuỷ dịch không nhiều nhưng cuốn nào cũng mềm mại và trôi chảy. Nghĩ đến đây, cô chợt thấy buồn cười. Cô không học
tiếng Trung, vậy mà nhận xét về dịch giả cứ như thật!
Một cái bóng tiến lại, lấn vào trang sách và đứng yên tại đó. Vì thấy
vẫn đủ sáng, Quỳnh không định ngẩng lên, nhưng một giọng nói quen quen
đã thay đổi quyết định của cô. Điệp, thư ký toà soạn, người có khuôn
miệng nhỏ xinh như búp bê Nhật, đang đứng bên bàn mỉm cười với cô. Nhiệt độ của nụ cười này có lẽ cũng phải đến 33 hoặc 34, nhưng là độ F. Chỉ
vào chiếc ghế trống bên cạnh ghế cô, Điệp nhả chữ nhỏ nhẹ, hơi kiểu
cách:
– Ghế này có ai ngồi chưa em?
– Dạ… chưa. Chị ngồi đi ạ. – Quỳnh định buông quyển sách, lại lúng túng
không biết phải để tay xuống bàn hay cất vào túi, đành cầm nguyên trên
tay – Chị đi xem phim ạ?
Điệp không trả lời cô, nhìn quyển sách một lúc rồi lại mỉm cười, nụ cười không ấm hơn là bao nhiêu:
– Hải Thuỷ dịch được đấy chứ?
– Vâng, em mới đọc hai cuốn, đây là cuốn thứ ba.
Người phục vụ đi tới chìa thực đơn. Điệp phẩy tay:
– Không cần, chị đi bây giờ.
Câu nói rõ ràng dành cho người phục vụ nhưng vì ánh mắt Điệp không rời
khỏi mặt Quỳnh nên cô cảm thấy nó cũng nhằm vào mình. Cô tránh cái nhìn
thẳng tắp của chị, cố tìm một câu để hỏi lại chị cho phải phép:
– Chị đến xem phim ạ?
– Ừ, phim hay, nhân văn mà lại có chất giễu nhại… – Điệp gật gù, chèn
thêm một tràng thuật ngữ liên quan đến phê bình điện ảnh cả bằng tiếng
Anh và tiếng Việt rồi hạ kết luận – Bác Steve này đúng là quái!
– Vâng – Quỳnh trả lời với một chút gượng gạo khó tả, rất giống cảm giác chột dạ. Cô tưởng rằng Điệp vừa mới tới và chuẩn bị xem suất chiếu tiếp theo. Chị nói thế này nghĩa là chị đã đến đây từ lúc hai giờ và hẳn đã
thấy cô đi vào phòng chiếu cùng Đăng? Thậm chí, nếu ngồi ở một vị trí
thuận tiện, Điệp còn có thể quan sát tất cả những biểu hiện ngưỡng mộ
đến mức gần như sùng kính mà cô dành cho anh? Bỗng chốc, lòng bàn tay
Quỳnh bị tráng một lớp mồ hôi dính, lạnh.
Điệp vẫn thản nhiên quan sát cô. Một lát, thấy cô có vẻ như đã đủ hoang mang, chị mấp máy môi, đuôi mắt ẩn ẩn nét cười:
– Trước khi vào báo mình, Đăng làm cho HDA.
– Thế ạ! – Quỳnh trả lời, không giấu được nỗi ngạc nhiên. HDA là một tổ
chức lớn chuyên tài trợ cho các dự án phòng chống thiên tai và xoá đói
giảm nghèo ở các nước đang phát triển. Trong một buổi giao lưu hướng
nghiệp mà trường tổ chức cho sinh viên năm cuối, cô nghe ai đó nói văn
phòng HDA tại Việt Nam trả lương cao bậc nhất trong số các NGO, và nhân
viên của họ dĩ nhiên phải có năng lực tương xứng với mức lương. Nếu Đăng thực đã làm cho họ, vậy thì chức vụ trưởng nhóm ở báo Quan Sát có vẻ là sự thụt lùi trong sự nghiệp của anh… Nhưng Điệp nói với cô chuyện này
để làm gì?
Như đoán được câu hỏi của cô, Điệp mỉm cười, nói tiếp:
– Chị phải thuyết phục mãi, Đăng mới chịu về Quan Sát.
– À, vâng – Quỳnh cũng chẳng thể nói gì thêm. Cô biết Điệp đã từng giữ
vị trí trưởng nhóm tin quốc tế, tức là người tiền nhiệm của Đăng, nhưng
cô không biết chính chị đã kéo anh về báo. Khoan đã! Cô vừa nghĩ ra điều gì đó… Ý của Điệp khi nói ra hai câu vừa rồi chẳng phải là muốn tuyên
bố về quan hệ gắn bó giữa chị và Đăng ư? Anh từ bỏ công việc đáng mơ ước ở HDA về đây là vì chị?