Đạo Ma Nhị Đế

Chương 20: Thử vào cảnh hiểm



Tiếng chân người vang lên bên ngoài, Vô Vi Tiên Tử cùng ba nam ba nữ bước vào.

Triệu Sĩ Nguyên vội nghiên mình chào:

– Tại hạ đa tạ quý phái ban cho Đại Thánh Kim Đơn…

Vô Vi Tiên Tử thản nhiên khoát tay chận chàng buông tiếp câu khách sáo:

– Thương thế của công tử đã hoàn toàn lành rồi chứ?

Triệu Sĩ Nguyên gật đầu:

– Giờ đây, tại hạ sẵn sàng hầu tiếp quí phái, như đã cam kết hôm qua!

Vô Vi Tiên Tử lạnh lùng:

– Công tử có thấy hành động chật hẹp chăng?

Tư thế của Chưởng môn chiếm mất phần tiện lợi, bởi nàng đứng sát nơi cửa, như để áng ngữ lối ra, nếu Triệu Sĩ Nguyên muốn thoát chạy thì nàng chận liền, khỏi cần phải đảo bộ xê dịch mất một phút giây nào.

Dù thấy nàng có thâm ý đó, Triệu Sĩ Nguyên vẫn xem thường. Chàng cao ngạo thành tánh, chẳng bao giờ chấp nhận cho ai khinh khi chàng. Bật tràng cười cuồng dại, chàng cao giọng:

– Bất cứ ở nơi nào, tại hạ vẫn có thể thỉnh giáo quý phái được cả!

Vô Vi Tiên Tử đảo mắt nhìn tả, rồi nhìn hữu, ánh mắt dừng trên người Dung Nhi lâu hơn, sau cùng buông gọn:

– Tố Dung hãy vân lệnh bổn tòa, bắt Triệu công tử trói lại!

Tố Dung đáp nhanh:

– Xin vâng lệnh chưởng môn!

Nàng bước tới trước mặt Triệu Sĩ Nguyên nghiêm giọng:

– Xin công tử xuất thủ!

Triệu Sĩ Nguyên cười khổ:

– Quý phái chọn cô nương này để trắc nghiệm võ công của tại hạ? Thế ra, trong con mắt của quý phái, trên thế gian này quả không có người!

Tố Dung đối với chàng, không có ác ý, dù chàng có căm hận đối phương thế nào, cũng không thể hạ độc thủ với người chàng từng thọ ơn được.

Vô Vi Tiên Tử nhìn quanh đám môn hạ, đoạn thốt:

– Công tử muốn chọn người khác? Hoặc giả công tử muốn giao đấu với một người cở Ngũ sư thúc. Bổn tòa xin công tử hãy lượng sức mình, bởi Ngũ sư thúc có võ công hơn Tam sư thúc Ngô Độc Hạc một bậc đó!

Triệu Sĩ Nguyên nhận ra vị chưởng môn này quá xem thường chàng, phẩn hận vô cùng.

Theo khẩu khí của Vô Vi Tiên Tử thì nhất định chàng phải đấu với Tố Dung, và chàng chỉ có tư cách đấu với Tố Dung mà thôi. Làm như chưởng môn đã biết rõ thực lực của chàng, tất cả đều trên bậc chàng cả, chỉ có đấu với Tố Dung là may ra chàng còn có thể tạo ra ưu thế.

Trong khi chàng tức uất thì Tố Dung lại kêu lên:

– Công tử xuất thủ đi cho!

Triệu Sĩ Nguyên quắc mắc nhìn nàng. Trong ánh mắt của nàng, ngời lên sự khẩn cấp.

Chàng bất nhẫn, chỉ dùng năm thành lực, đánh ra một chưởng, đồng thời cảnh cáo.

– Dung cô nương cẩn thận đấy nhé.

Đạo chưởng phong dù chỉ phát xuất với năm thành công lực vẫn cuốn đi ào ào, khí thế khá mãnh liệt.

Chừng như Tố Dung đã ước lượng được hình đạo của chàng, thẳng thắn bảo chàng:

– Công tử nên dùng toàn lực giao đấu. Sự việc hôm nay chỉ có thắng và bại mới giải quyết được sự tình, nếu khách sáo e bất lợi.

Nàng thốt xong, khẽ phất ống tay áo, đánh tan chưởng của Triệu Sĩ Nguyên.

Triệu Sĩ Nguyên thầm nghĩ:

“Tại sao ta để mất bình tĩnh thế? Ta nhượng nàng, mà nàng thì muốn ta thắng, có thắng mới giải quyết được vấn đề chứ! Huống chi, cục diện hôm nay do Vô Vi phái an bày, nếu ta có thắng, họ cũng không thể tranh, dù ta vô lễ dám phóng trúng ngay lãnh vực của họ.” Chàng ngưng thần, tự khí toàn công phu nội lực, giao đấu với Tố Dung.

Thoáng mắt, song phương đã trao đổi độ mười lăm chiêu, càng đánh Triệu Sĩ Nguyên càng kinh hãi, nhận thấy mình cùng nổ lực, vẫn không tạo được một lợi thế nào. Chàng dùng hai tuyệt học Hóa Lực thần công và Cửu chuyển huyền công do Quân Sơn Dật Tẩu Ngô Độc Hạc truyền thọ cho chàng, nghênh chiến Tố Dung, nàng cũng thi triển hai môn công đó ứng phó lại. Nhưng, Tố Dung đã luyện tập hai môn công đó ngay từ ngày nhập phái, thời gian tu vi khá dài, phần lãnh hội phải thâm diệu hơn chàng nhiều. Còn chàng, bất quá chỉ được truyền thọ trong nhất thời, có vẽ hấp tấp, vội vã, với giai đoạn ngắn, nên kém phần tinh luyện, linh diệu. Cho nên đem môn công học một cách vội vàng mà giao đấu với người chính tông thì khó mong thủ thắng nổi.

Nghĩ thế, chàng liền dở Long Phụng chưởng pháp ra, tấn công Tố Dung tới tấp. Tố Dung không kém ngang nhiên ứng chiến.

Lần này thì Triệu Sĩ Nguyên thấy vững lắm rồi tuy chưa tạo được uy thế, chàng không còn lúng túng như trước.

Đôi bên lại quần nhau độ tám mươi chiêu nữa.

Triệu Sĩ Nguyên thừa lúc thuận thế, hoành tay hữu quét ngang qua, có ý đợi cho Tố Dung vận tụ công lực vào tay tả đón chận.

Quả nhiên nàng vung tay tả lên, định hóa giải hữu chưởng của chàng như liền rút tay hữu về, cả năm ngón bàn tay tả nhanh như chớp chụp vào huyệt Liệt khuyết nơi mạn sườn hữu của nàng.

Tố Dung không ngờ tay hữu của chàng chỉ xuất phát một hư chiêu, thành thử nàng dốc hết công lực hóa giải, để hở chỗ nhược, phát giác ra được điều đó thì đã hóa muộn rồi, chiêu thế đưa ra mạnh đà, không thể thu về được nữa. Song dù sao thì nàng cũng không thể để bị bại với chiêu Vân Long thảm trảo đó của đối phương. Lập tức nàng xoay nhanh người một vòng, nhân lúc xoay nàng điểm chân xuống, nhún mình vọt bổng lên không.

Bàn tay Triệu Sĩ Nguyên bay tới chụp vào khoảng không, làm chàng hơi chới với một chút.

Ác hơn nữa, Tố Dung xoay người thay vì đạt ra xa, nàng lại xáp vào, bắt buột Triệu Sĩ Nguyên phải đảo bộ tránh, do đó mà chàng mất thăng bằng. Bàn tay chụp hụt, chưa kịp thu về, với nguyên tử thế đó, chàng chụp luôn vào tường, nhờ vậy mà chàng mới đứng vững lại được. Đứng vững được, xong năm ngón tay chạm vào tường, bị chấn dội lại, đau nhói.

Hụt chiêu đó, Triệu Sĩ Nguyên giật mình tâm thần hơi phân tán, không kịp ứng biến đối phó tình hình.

Phàm trong cuộc đấu, điều kỵ nhất là phân tâm và chậm biến. Nếu phân tâm và chậm biến là dễ thất cơ.

Triệu Sĩ Nguyên đang bối rối, bỗng nghe Tố Dung cao giọng gọi:

– Tiếp chưởng!

Liền theo đó, một đạo kình lực bay vút sang đầu chàng. Triệu Sĩ Nguyên kinh hãi, vung hai tay lên toan đón chận.

Đột nhiên, một giọng nói nhẹ hơn tiếng cánh ruồi, theo pháp truyền âm nhập mật, vang bên tai chàng:

– Mượn công lực, nhấc bỗng mình lên xung phá vách hậu, thoát đi ngay!

Không cần suy nghĩ, chàng biết ngay có người ám trợ, nên chẳng chậm trễ hai tay vừa vung lên, chàng chỉ phát xuất nửa phần công lực, gượng đón đở chưởng kình của Tố Dung.

Bổn ý của chàng không phải mong hóa giải chưởng kình của nàng mà là mượn cái chạm đó, đẩy mạnh thân hình về phía hậu theo khí thế xung phá vách hậu được mãnh liệt hơn.

Bốp!

Hai chưởng lực chạm nhau, đúng như Triệu Sĩ Nguyên mong muốn, thân hình chàng bị bắn dội trở lại va vào vách kêu một tiếng ầm. Vách chỗ chàng phải thụt sâu vào. Chàng lọt tuốt theo.

Tố Dung hét lên:

– Chạy đi đâu?

Lập tức nàng nhún chân nhảy vọt tới liền. Nhưng, cùng lúc đó một tản đá từ bên trên rơi xuống chận hẳn lỗ hổng.

Tố Dung hoảng quá, không còn lùi lại được nữa. Nếu để mình vọt tới thì tảng đá bít lỗ hổng làm sao trở ra? Trong lúc cấp bách, linh cổ phát động, Tố Dung vận công lực nhầm ngay tảng đá đang từ từ buông xuống như do một cơ quan nào điều khiển đánh mạnh ra hai chưởng.

Chưởng lực đó có hai tác dụng. Tác dụng thứ nhất là nếu tảng đá không vững chắc nó sẽ bị chưởng kình của nàng đánh bật đi, không còn ngăn bít lối đi. Tác dụng thứ hai nếu nó vững chắc, nó sẽ tạo cho nàng một sức phản động đẩy bật nàng trở lại khỏi phải trớn vọt đưa tuốt vào trong.

Kết quả đúng theo tác dụng thứ hai, Tố Dung bị bắn vội trở về mà tảng đá đã rơi xuống sát đất.

Bình tĩnh lại rồi Tố Dung nhìn vách đá, hết sức lấy làm lạ tự hỏi ai đã ngầm đặt cơ quan như thế này? Bởi phải có bàn tay của ai đó, mới có sự phi thường như vậy, chứ vách núi thiên nhiên thì làm sao có sự mầu nhiệm đó?

Vô Vi Tiên Tử cau mày, giương tròn mắt nhìn Thiên Du Tử Huỳnh Ngươn Long một lúc lâu, đoạn cất giọng oai nghiêm hỏi:

– Tại sao thế?

Hỏi như vậy là chưởng môn có ý nghi ngờ vị Ngũ sư thúc ngầm trợ Triệu Sĩ Nguyên thoát đi. Dù sao đi nữa, hiện tại Triệu Sĩ Nguyên vẫn là kẻ địch, là kẻ có tội đối với Vô Vi phái, giúp chàng thoát đi là phải bội phái, phạm quy luật của phái.

Thiên Du Tử Huỳnh Ngươn Long không biết làm sao đối đáp cho trôi. Lão im lặng một lúc lâu. Lão không đáp một lời vì không biết phải đáp như thế nào, còn một lẽ khác tà tâm tu lão đang theo dỏi Triệu Sĩ Nguyên, chàng thoát đi được là cái kỳ vọng của lão được thực hiện, nhanh chóng trên chỗ dự tính của lão.

Cái lẽ sau cùng chiếm trọn sự suy tư của lão, bất giác lão buông gọn:

– Tẩu xảo! Tẩu xảo! Đúng là ý trời! Trời không muốn cho Triệu Sĩ Nguyên phải tồn đời một cách đột ngột!

Ý lão muốn dùng hai tiếng “vô lý” song lão dè dặt sợ quá chạm chưởng môn nên lão phải dùng hai tiếng đột ngột. Dùng hai tiếng đó, lão chấp thuận biện pháp của chưởng môn, có biện pháp được quyển chuyển biện pháp đó bắt buộc Triệu Sĩ Nguyên phải chịu Vô Vi phái quản thúc ngay từ bây giờ, nên lão cho là đột ngột.

Lão muốn lấy lòng chưởng môn, bởi lão nhìn nhận chưởng môn có đủ quyền năng cưỡng chết Triệu Sĩ Nguyên, nhưng không hôm nay thì ngày mai, ngày kia, dù chàng có thoát đi đột ngột, vị tất sẽ thoát khỏi vĩnh viễn?

Chưởng môn có xét đến chỗ đó cho lão không?

Vô Vi Tiên Tiên Tử trầm gương mặt.

– Ngũ sư thúc! Chừng như sư thúc bất mãn về cách xử trí của bổn tòa? Vì bất mãn, sư thúc mới tiếp tay kẻ địch.

Câu hỏi thư hai xác nhận câu hỏi thứ nhất, mà cũng định luôn tội danh, bởi có tội thì Thiên Du Tử Huỳnh Ngươn Long đang nghĩ đến mà thôi, chứ chưởng môn chưa hề nêu ra.

Giờ thì chưởng môn đã rõ rồi, sự hoài nghi đã trở thành tin quyết, lão phải biện bạch như thế nào?

Thiên Du Tử Huỳnh Ngươn Long biến sắc, lão hấp tấp thốt:

– Lão phu muốn nói là Triệu công tử may mắn thoát đi khỏi phải bị cưỡng chế một cách đột ngột trong quy luật của bổn môn. Đột ngột là vi Triệu công tử chưa thấu triệt được chủ trương của bổn môn. Lời nói phát xuất do tâm tư, còn như việc tiếp tay địch thì lão chẳng thấy mình có làm gì đáng tội. Mong chưởng môn xét lại!

Vô Vi Tiên Tử điềm đạm tiếp:

– Sư thúc có tội hay không, sau này sẽ luận lại. Hiện tại sư thúc hãy giải thích hai tếng “tẩu xảo” cho bổn tòa được hiểu!

Huỳnh Ngươn Long trấn định tinh thần:

– Con đường bí mật đó, lão phu tạo nên để phòng mọi bất trắc!

Lão vừa thốt vừa chạy đến bên vách, chỉ chỗ Triệu Sĩ Nguyên đã chạm tay vào rồi tiếp:

– Đây là cơ quan mở đóng lối thông của con đường hầm, chỉ cần chạm nhẹ vào là cơ quan chuyển động, tảng đá xê dịch ngay, bày lối thông liền…

Vô Vi Tiên Tử cười lạnh:

– Tại sao lúc Triệu công tử chạm tay vào nút cơ quan, sư thúc không lên tiếng cho bổn tòa và các đệ tử khác cùng biết?

Huỳnh Ngươn Long thở dài:

– Lão phu không dấu chưởng môn, lão phu hy vọng Triệu công tử sớm thoát khỏi nơi đây, không ngờ Dung Nhi dùng chưởng đánh bay y đúng vào chỗ có nút cơ quan, diễn tiến đó hợp với hy vọng của lão phu, tự nhiên lão phu không cảnh cáo các môn nhân. Nếu vì lẽ đó mà lão phu phạm tội tiếp tay địch, thì chưởng môn cứ chiếu quy luật xử trị, lão phu chẳng hề than oán.

Đúng ra, Huỳnh Ngươn Long có nhiều lý lẽ biện minh chạy tội, song lão không nói gì cả, lão thừa nhận một cách thản nhiên, dù cái tội do chưởng môn nêu ra không có một chứng cớ nào. Như vậy đủ biết tâm tính lão rất quang minh, mà độ lượng của lão rất quảng đại. Lão lo lắng cho người dám quên mình.

Vô Vi Tiên Tử khẽ thở dài mấy tiếng:

– Nếu bổn tòa không chọn nơi này làm sân đấu, vị tất sự tình đã xảy ra như vậy, cũng bởi mình quá muốn tròn mà thành khuyết, dù sao đi nữa bổn tòa cũng có tội phần nào…

Nàng nhận mình có tội là muốn chia bớt phần trách nhiệm với Thiên Du Tử Huỳnh Ngươn Long, hay nàng có ý gì khác?

Tố Dung thừa dịp ai ai cũng suy tư về trường hợp đã xảy ra, vội đưa mắt liếc sang Vô Vi Tiên Tử miệng điểm một nụ cười đầy ngụ ý.

Vô Vi Tiên Tử lườm nàng, rồi quay sang một lão nhân đứng cạnh nàng. Lão nhân ấy đã theo nàng đến đây từ lúc đầu.

Nàng từ từ hỏi:

– Hình Đường trưởng lão có ý kiến gì về việc này?

Hình Đường trưởng lão nghiêm giọng:

– Chưởng môn cầu tròn mà thành khuyết, phàm những ai hiện diện nơi đây đều thấy rỏ điều đó, nếu sự đáng tiếc xảy ra thì cũng là ngoài ý muốn chứ có phải cố tình làm hỏng việc đâu mà tự gán tội cho mình? Trong kỳ đại hội trưởng lão sắp tới đây bổn tòa và các vị này sẽ chứng nhận cho. Chưởng môn không nên thắc mắc!

Những người có mặt đồng thành thốt:

– Chúng tôi sẽ chứng nhận là chưởng môn không kém lương tâm chức vụ, chưởng môn hãy yên lòng.

Vô Vi Tiên Tử điểm một nụ cười.

Trong phái Vô Vi cũng như trong tất cả các môn phái trên giang hồ, vị chưởng môn nhân là người có quyền oai tối thượng, định đoạt mọi việc. Nhưng phái Vô Vi có khác ở điểm là vị chưởng môn gần như có nhiệm kỳ, hạn định trong vòng một năm. Cứ mỗi năm vào một ngày nào đó, các vị trưởng lão mở đại hội cộng đồng nghị công và tội của vị chưởng môn, có công thì để cho tiếp tục chức vụ, có tội thì truất phế chọn người khác thay thế. Cho nên suốt nhiệm kỳ một năm, chưởng môn chọn quyền hành sự có khi lấn áp cả các vị trưởng lão.

Nhưng đến ngày đại hội thì chính các vị trưởng lão lại nắm quyền cao cả định đoạt mọi việc.

Muốn làm cuộc truất phế, chọn người thay thế, đại hội phải nghị bàn cẩn thận, vô tư và phải có đa số trưởng lão chấp nhận.

Cũng may từ ngày lập phái đến nay, trong Vô Vi phái chưa hề xảy ra một lần truất phế nào, bởi nếu có cuộc truất phế là có cuộc bất đồng ý kiến, có lủng củng nội bộ, không ít thì nhiều có bị vị phạm nên sanh công phẫn trong đồng môn.

Vô Vi phái tự ái, tự giới gần như ích kỷ không hề can dự vào việc giang hồ, tuy thuộc thành phần võ lâm từ bao lâu nay, không ai làm một điều gì xứng đáng với thiên chức của con nhà võ. Dó đó trên giang hồ ít có người biết đến.

Trấn an xong Vô Vi Tiên Tử, Hình Đường trưởng lão lại nhìn sang Thiên Du Tử Huỳnh Ngươn Long nhưng không nói gì.

Lâu lắm Hình Đường trưởng lão cất giọng lạnh lùng thốt:

– Tâm địa của Huỳnh sư đệ không được bình tĩnh lắm, vì kém bình tĩnh mà có hành động thương tổn cho uy danh của bổn môn. Lão phu yêu cầu chưởng môn đưa Huỳnh sư đệ về Linh sơn để cùng nhị xử một lượt với Ngô sư đệ.

Vô Vi Tiên Tử đưa mắt sang Thiên Du Tử Huỳnh Ngươn Long:

– Ngũ sư thúc có điều gì muốn nói chăng?

Huỳnh Ngươn Long bổng bật cười cuồng dại:

– Sư huynh trở lại Linh sơn, tự nhiên lão phu về theo, còn phải nói gì nữa.

* * * Bị bắn vọt qua lỗ hổng, đang rơi xuống tuyệt địa, Triệu Sĩ Nguyên còn nghe một giọng nói vang khẽ bên tai:

– Triệu công tử thoát nạn rồi, xin đừng quên tôi vì công tử về Linh sơn chờ định tội nhé!

Triệu Sĩ Nguyên rất lấy làm lạ. Giọng nói đó đúng là của một nữ nhân phát ra. Nhưng nữ nhân nào! Hiện diện tại cục trường chỉ có Vô Vi Tiên Tử và Tố Dung. Trong hai nàng, ai truyền câu nói đó đến chàng? Thế ra họ có hảo ý với chàng sao? Song, lúc này chàng không thể suy nghĩ về những việc gì khác hơn là thoát khỏi chốn này càng sớm càng tốt, chàng chú hết tâm thần vào hiện cảnh.

Địa huyệt tối mò mò, chàng không trông thấy gì cả. Đang lo ngại không rõ lòng huyệt sâu hay cạn, bên dưới đáy có gì chăng, bổng chàng giật mình, một màng lưới chấn ngang lòng huyệt, hứng trọn thân hình chàng.

Màng lưới rung rinh, chạm đến một cơ quan nào đó, một cửa động vụt mở trước mặt chàng, ánh sáng bên ngoài hắc vào làm chói mắt chàng một phút.

Định thần nhìn vào cửa động, chàng không do dự đứng lên trên mảnh lưới, nhún chân nhảy vọt đến nơi, lách mình ra bên ngoài.

Chàng vừa ra khỏi, cửa động đóng lại liền.

Thì ra, cửa động được tạo ngay nơi sườn núi, cách kiến tạo hết sức xảo diệu, không khác nào liền lạc với vách đá, chẳng có một dấu vết của môt khẻ hở.

Triệu Sĩ Nguyên thầm thán phục kẻ nào đó quả có bộ óc thần kỳ, và chàng cũng tự hỏi kẻ đó thiết tạo nên lối thoát này với mục đích gì.

Bên ngoài cửa động, chỗ Triệu Sĩ Nguyên vừa thoát ra là khung trời quang đảng, ánh dương quang chiếu diệu khắp nơi, thời gian lúc đó vừa vượt quá bình minh, nắng không nóng lắm.

Chỗ chàng đứng là một tảng đá nhô ra, cạnh triền núi đứng bên dưới chân là một rừng cây, đầu cây cách chàng chỉ có mấy trượng. Với võ công hiện tại, chàng buông mình rời chỗ đứng, đáp xuống rừng cây, không phải là việc khó khăn gì.

Chàng nhún chân, tung mình ra khỏi tảng đá, dang hai tay, sà sà đáp xuống, lọt qua cành thưa, hụp luôn xuống đất.

Từ bên dưới nhìn lên, chàng không còn nhận ra cửa động ở chỗ nào. Chàng đứng lặng tại chỗ một lúc lâu, ôn lại sự tình từ lúc lên Câu Lâu Sơn tìm Âm Dương lệnh chủ, cầu truyền thọ tuyệt học.

Những điểm trên vừa qua còn dư hưởng gây khủng khiếp cho chàng, thắc mắc hơn hết là thái độ và chủ trương của Vô Vi phái.

Chàng nghĩ Vô Vi phái quả thật là một môn phái kỳ lạ nhất trên đời, chỉ chấp thuận cho đệ tử hạ sơn hành hiệp từ hạn tuổi sáu mươi trở lên.

Với hạn tuổi đó, phỏng bao kẻ còn tâm huyết gánh vác việc giang hồ mà hòng hạ sơn?

Và thời gian hành hiệp phỏng kéo dài được bao lâu chứ?

Khi tất cả cao thủ võ lâm chán ngán phong trần, lui về ẩn dật, thì họ lại xuất hiện! Mỉa mai thay!

Nhưng mặc cho họ có chủ trương như thế nào, chàng cần gì phải lo nghĩ xa hơn? Hiện tại chàng mang nặng bao nhiêu trách vụ bên mình, những trách vụ đó đều quan trọng như nhau, chàng cần phải thi hành trong khoảng thời gian ngắn.

Hiện tại chàng phải rời khu rừng này ngay, để bắt tay vào việc trở lại. Lập tức chàng dở thuật khinh công, phóng mình đi. Song chàng hết sức kinh ngạc, vừa nâng hỏng chân vọt đi, bổng bị kéo lùi lại suýt ngã xuống đất.

Có vật gì vướng víu nơi chân chàng.

Chàng nhìn xuống, nhận ra có một sợi giây quấn quanh chân chàng. Sợi giây đó trong suốt như thủy tinh, có lẽ do đà vướng vào chân chàng ngay từ lúc chàng vừa từ tảng đá buông mình xuống, vì nó trong quá, không để ý thì chẳng bao giờ trông thấy. Chàng không hay biết gì cả.

Chàng nhìn ra chung quanh, nhận thấy có vô số đường giăng như vậy, trông có lọng che, thòng là là khỏi mặt đất độ vài tất, nơi nào cũng có, bất cứ chàng đáp xuống chỗ nào, cũng vẫn dính vào một thòng lòng lọng như thường.

Lạ một điều là tất cả những đường dây đó đều dẫn đến một chỗ duy nhất, không hề qua hướng khác.

Động tính hiếu kỳ, chàng bước theo đường dây, xem nó dẫn đến đâu.

Quanh quẫn theo các cội cây một lúc, chàng đến một tảng đá khá to, chính nơi đó là nơi các đầu dây tập hợp, tảng đá đè bên trên.

Chàng đưa tay xô vẹt tản đá qua một bên.

Dưới tảng đá có một lỗ trống, trong lỗ trống có một chiếc hộp mở nấp ra. Trong chiếc hộp có một quyển sổ nhỏ bằng lụa gồm mấy trang mỏng. Trên quyển sổ có một mảnh giấy dán vào bìa, có ghi mấy chữ:

“Vô vi chỉ pháp kính tặng Triệu huynh” Mảnh giấy không có lạc khoản ghi rõ ai đã có nhã ý tặng chàng quyển bí lục Vô vi chỉ pháp thần công.

Sự phát hiện này trên chỗ tưởng tượng của chàng. Nếu chàng thoát nạn hôm nay, đúng ra cũng không phải là một cái may, mà chính là do một người nào đó ngầm tiếp trở chàng.

Đã được tiếp trợ thoát nạn là trên chỗ ước vọng rồi, giờ đây lại được tặng bí quyết luyện tập thần công nữa!

Vô vi chỉ pháp là môn khắc tinh lợi hại của Hóa lực thần công, mà hóa lực thần công là một tuyệt học trấn sơn của Vô vi phái, ai đó có cái dụng ý gì tặng cho chàng.

Chỉ pháp Vô vi phát ra không âm hưởng, khiến cho địch không hay biết gì mà đề phòng nên khi chỉ lực chạm vào huyệt đạo rồi, địch bị chế ngự ngay, không còn kịp thời vận công hòa giải.

Người tặng chàng pho bí quyết này, hẳn nhiên là người trong Vô vi phái rồi, nhưng đã là người trong phái tại sao lại tặng chàng một môn học có phương hại đến sự sinh tồn của phái?

Phàm những bí pháp khắc chế lại tuyệt học của một môn phái nào, chỉ có bậc chưởng môn mới được truyền thọ, để phòng ngừa đệ tử phản bội chứ dùng tuyệt học sở trường vị tất chế ngự được những tên phản bội?

Xưa nay trong võ lâm, có biết bao nhiêu đồ đệ phản sư, tài cao hơn sư tôn, sư tôn không làm sao chế ngự nỗi chỉ bằng vào bí pháp khắc tinh mới hạ được những tên phản đồ.

Ai có nhã ý tặng chàng Vô vi chỉ pháp? Có nhã ý đối với chàng, người đó có dụng ý gì đối với bỗn phái?

Biết bí quyết chỉ pháp chỉ có mỗi một chưởng môn chưa chắc gì các bậc trưởng lão lãnh hội được bởi chỉ pháp chỉ đi đôi với y bát, người thừa kế y bát mới có đủ tư cách thọ truyền chỉ pháp.

Trong hiện cảnh chỉ có hai người đáng nghi ngờ nhất là Tô Dung và Vô Vi tiên tử.

Mà Tô Dung thì nhất định là không biết Vô vi chỉ pháp rồi.

Còn chưởng môn là Vô Vi tiên tử?

Nếu chính nàng tặng cho chàng, thì chàng còn hiểu làm sao được sự tình?

Bởi dù muốn dù không sau này chàng cũng phải đối lập với Vô Vi phái, và nếu Vô Vi Tiên tử tặng cho chàng bí quyết đó, có khác nào nàng giáng tiếp hủy diệt môn phái do nàng chấp chưởng quyền uy tối thượng?

Chàng càng nghỉ càng hoang mang không thấy một điểm sáng nào. Sau cùng chàng thở dài, lắng động mọi tạp niệm lo liệu cho việc mình.

Chàng cứ theo phía trước mặt mà đi tới.

Khu rừng vô cùng rộng lớn khi chàng ra khỏi thì hoàng hồn đã xuống, đêm sắp trở về.

Ra khỏi khu rừng, Triệu Sĩ Nguyên trông thấy một ngọn núi có hình thể vô cùng quái dị chặn ngang phía trước, thoáng trông qua cũng biết ngay là một chốn hoang vắng lạnh lùng suốt tháng quanh năm không có bóng người lai vãng.

Triệu Sĩ Nguyên thầm kêu khổ, trước mắt không lối đi, trên đầu thì màn đêm sắp buông xuống chàng còn tìm đâu được chỗ tạm trú đêm nay?

Xuyên núi tiếp hành trình là liều lĩnh là mạo hiểm chưa chắc gì tìm được chỗ trú an toàn, tốt hơn dừng chân tại đây tìm một hố đá nào đó tạm ẩn mình qua đêm và nhân tiện vận công điều tức phục hồi khí lực. Dù sao thì chàng cũng là một con bệnh mới được chữa lành, chàng cần phải tĩnh dưỡng một vài khắc thời gian.

Viên “Đại thành kim đơn” có hiệu dụng chữa lành thương thế, nó cũng giúp chàng chống lại cái đói phần nào, song hiệu dụng sau cũng không kéo dài lâu, và hiện tại thì qua một ngày tròn lao lực, sức thuốc tiêu tan, chàng nghe bụng cào lên làm chàng khó chịu lạ lùng.

Biết làm sao giải quyết vấn đề dạ dày giữa chốn núi rừng âm u hoang vắng, lúc đêm về?

Chàng phải lờ đi, tìm nơi trú ẩn trước.

Núi có muôn ngăn hang động nhỏ có, lớn có, ẩn có, lộ có, chàng chỉ có việc chọn mà thôi. Chàng đã xem qua độ ba mươi nơi, chưa có nơi nào vừa ý.

Bổng một cơn gió nhẹ quét qua, mang đến tai chàng lời than oán đứt đoạn:

– Tam ca! Tam ca ở đâu! Hiện giờ…

Triệu Sĩ Nguyên giật mình, theo hướng thoát ra lời than oán vọt mình tới.

Đây rồi! Trước mặt chàng, hiện ra một bóng hình rất quen thuộc. Bóng đó đứng trên một gò đá cao nhìn ra bốn phía, chốc chốc cất tiếng than!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.