Muốn bảo vệ oai phong một Long Phụng lệnh chủ để cho Âm Dương lệnh chủ không dám khinh thường, Triệu Sĩ Nguyên bắt bẻ cái lối nghênh đón của Trương Hoành và Hồ Bá, bất ngờ chúng chưa đi khỏi lại có một thiếu nữ áo xanh đen đón chàng, do chủ trương của Thanh Liên Ngọc Nữ, vị tiểu thơ con gái duy nhất của Âm Dương lệnh chủ Lý Thái.
Cuộc nghênh đón do Thanh Liên Ngọc Nữ chủ xướng có thể bảo là cân xứng với thể diện của người hiện chấp chưởng Long Phụng lệnh lắm rồi. Nếu có chổ không hoàn toàn, là Thanh Liên Ngọc Nữ không đến tận khách sạn tiếp chàng, chỉ hẹn gặp chàng tại biệt quán.
Song, Triệu Sĩ Nguyên không chấp cái chi tiết thiếu sót đó, bởi chàng nghĩ rằng, khách sạn là nơi hỗn tạp quy tụ đủ mọi hạng, thiếu nữ khuê các trâm anh không nên đặt chân đến.
Nàng hẹn chàng đến biệt quán là hợp lý lắm không thể cho là nàng thất lễ, nên chàng đi theo thiếu nữ áo xanh liền.
Vừa đi vừa suy nghĩ, Triệu Sĩ Nguyên tự đặt nhiều câu hỏi con người của Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh. Chàng lấy làm lạ tại sao Âm Dương lệnh chủ bảo con gái đến đón chàng, lại sai phái bọn Trương Hoành và Hồ Bá nữa.
Có cái gì bí ẩn trong sự tình đó. Vả lại chính thiếu nữ áo xanh kia cũng phủ nhận tư cách tiếp khách của Trương Hoành và Hồ Bá. Sao lại có việc cha sai đi mà lại còn phủ nhận.
Chàng có biết đâu hiện tại Âm dương lệnh chủ vắng mặt trên Câu Lậu sơn mà Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh cũng không từ trên Câu Lậu sơn xuống đây đón chàng.
Sở dỉ Trương Hoành và Hồ Bá đến đây là dó cái ý của kẻ chủ sự trên núi thay quyền Âm Dương lệnh chủ lúc lão vắng mặt, người đó có ý khinh thường chàng, bất quá người đó chỉ tiếp được chỉ thị bảo phải tiếp đón chàng vậy thôi, chứ chỉ thị không nói rõ thân phận chàng thì còn ai biết chàng là nhân vật như thế nào mà bố trí nghi lễ cho cân xứng với danh vị?
Nên hiểu, Trương Hoành và Hồ Bá, dù sao cũng là những viên quân sư trên Câu Lậu sơn được người như chúng nghênh đón cũng là một vinh dự lắm rồi, vị chủ sự sai phái đến chúng là muốn làm hài lòng Thanh Liên Ngọc Nữ, bởi chỉ thị do nàng xuất phát, chứ chẳng phải do Âm Dương lệnh chủ, lúc đó ở tận phương trời xa.
Nhưng tại sao Thanh Liên Ngọc Nữ quá trọng chàng, đích thân nàng đến đây nghênh đón chàng chứ?
Triệu Sĩ Nguyên theo thiếu nữ áo xanh, rời khỏi khách sạn xuyên qua một rừng cây cối rậm rạp đến một bức tường màu hồng, giữa tường là một vọng cửa hình nguyệt, mỗi bên cửa có tám thiếu nữ áo xanh đứng nghiêm chỉnh.
Trông thấy chàng, mười sáu nàng đều nghiêng mình, cúi đầu.
Triệu Sĩ Nguyên vừa gật đầu đáp lễ vừa bước đi giữa hai hàng tiểu nữ đến nguyệt vọng môn.
Vào đến bên trong ngưỡng cửa, mắt chàng sáng hẳn lên. Trước mặt chàng một thảm cỏ xanh mượt trãi rộng khoảng cách vừa tầm tay, một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần đang đứng đó, nở nụ cười tươi nhìn chàng.
Thiếu nữ cũng vận chiếc áo màu xanh bình thường như các nàng khác, song phong tư và phẩm chất nổi lên, cao quý siêu phàm của nàng, nàng đứng giữa bọn thiếu nữ kia dù phục thanh đạm bạc, dù không phấn sáp nàng rực rở như thường chẳng khác nào viên ngọc sáng đem bỏ lẫn lộn trong đống cỏ.
Sau lưng nàng có mười sáu tiểu nữ cũng vận áo xanh, phân làm hai hàng, nghiên mình đứng lặng.
Triệu Sĩ Nguyên không phải là một tay hiếu sắc, song không giữ con tim khỏi chấn động trước mỹ nhân. Bổng nhiên chàng trở thành lúng túng.
Mỹ nhân không cần có sự giới thiệu, chàng cũng biết ngay là Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh. Nàng vòng tay, nghiên mình chào:
– Công tử không nề lao nhọc, từ viển phương đến viếng Câu Lậu sơn làm cho cây cỏ nơi đây càng thêm tươi, tôi hết sức cảm kích. Xin thay mặt gia phụ cùng công tử đến tệ phủ cho chúng tôi được cái vinh hạnh hầu tiếp một đôi ngày.
Triệu Sĩ Nguyên cố trấn định tâm thần đáp:
– Cô nương có nhã ý hạ sơn tiếp đón xa xôi như thế này, tiểu sanh hết sức là áy náy!
Tiểu sanh bất quá chỉ là một kẻ cùng lưu mạt hạng trên giang hồ có xứng đánh gì cho cô nương phải quá bận tâm.
Thanh Liên Ngọc Nữ cười tươi, giọng cười ngọt dịu trong trẻo làm sao! Nàng dịch bước qua một bên nhường lối cho Triệu Sĩ Nguyên.
– Xin Công tử dùng tạm chung trà, rồi chúng ta cùng lên núi!
Triệu Sĩ Nguyên lấy lại cái vẻ hiên ngang bật cười lên ha hả:
– Đa tạ cô nương!
Chàng bước đi, Thanh Liên Ngọc Nữ kèm bên cạnh, mười sáu thiếu nữ chuyển mình theo sau.
Dọc theo đường có hoa lá cỏ xinh, một mùi thơm dịu thoang thoảng trong không gian.
Triệu Sĩ Nguyên cảm thấy một niềm sảng khoái len nhẹ vào người, tâm hồn lâng lâng tưởng chừng như phiêu phiêu phưởng phưởng trong cỏi mộng.
Nhìn cảnh trí chung quanh, Triệu Sĩ Nguyên có ý hoài nghi tự hỏi:
“Một ngôi khách sạn tầm thường như thế này làm gì có một tòa biện viện trong một khung cảnh thần tiên, thật là một sự kiện ta chưa từng thấy.” Đang suy nghĩ vẩn vơ, bổng nghe tiếng nói của Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh vang bên tai chàng:
– Công tử đã dẩm gót chân kỳ hiệp khắcp bốn phương trời, tai nghe cũng lắm, mắt thấy cũng được nhiều, không rõ cảnh trí này có đáng cho mắt xanh nhìn đến chăng? Đây là một biệt nghiệp của gia phụ đó!
Tự nhiên, Triệu Sĩ Nguyên chưa từng thấy một khu viên nào hoa lệ như ở đây, chàng không tiếc lời tán thưởng…
Chàng lại nghĩ:
“Thì ra đây là một cơ sở biệt nghiệp của Âm Dương lệnh chủ! Thảo nào mà chẳng huy hoàng tráng lệ như thế?” Theo lối hoa đi tới, đến một cầu nhỏ dẫn đến một ngôi thủy tạ dựng lên giữa một hồ nước trong.
Nơi đầu cầu, là cửa thụy tạ, trước cửa có mười sáu thiếu nữ cũng vận áo màu xanh, đứng vào hai bên cúi đầu nghênh tiếp Ngọc Nữ và Triệu Sĩ Nguyên.
Vào đến bên trong thủy tạ, Thanh Liên Ngọc Nữ mời Triệu Sĩ Nguyên ngồi xuống chiếc ghế đặt bên cạnh bàn kê tại trung tâm, đoạn nàng cũng ngồi xuống chiếc ghê đối diện.
Tám thiếu nữ khác từ phía sau cũng lại bước ra, mỗi nàng cầm một chiếc đỉa, trong đĩa có món điểm tâm, mỗi đĩa đựng một món riêng biệt, không món nào giống món nào.
Mấy món điểm tâm đó phẩm thì hết sức linh mỹ, lượng cũng hết sức ít, chỉ gắp qua một lần là hết.
Món ngon đựng trong đĩa ngọc, trong hấp dẫn vô cùng, song hiềm vì ít quá Triệu Sĩ Nguyên không dám động đủa, bởi con người tao nhã có ai dám vét sạch đĩa bao giờ?
Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh điểm một nụ cười:
– Xin mời công tử.
Rồi nàng cầm đủa.
Nàng ăn xong một món nào, thiếu nữ đứng hầu bên cạnh liền lấy chiếc đĩa không mang đi, thiếu nữ khác mang món khác đến.
Chỉ lối ăn điểm tâm mỗi đĩa mỗi món như thế này, ăn xong một nửa cũng phải đến hàng mấy mươi món, thật là cầu kỳ, thật là hi hữu.
Mặc nàng ăn, Triệu Sĩ Nguyên trước sau không động đến món nào. Chàng liền viện lẽ đã dùng rồi, không thể ăn thêm nữa được.
Qua bữa điểm tâm, nàng thiếu nữ đầu tiên, mà Trương Hoành và Hồ Bá gọi là Xuân cô nương bước đến nhắc:
– Xin tiểu thơ lên đường!
Thanh Liên Ngọc Nữ đứng lên cùng Triệu Sĩ Nguyên rời ngôi thủy tạ qua cầu.
Nơi đầu cầu đã có sẵn hai chiếc kiệu, loại kiệu mà dân địa phương gọi là Bá sơn Hổ hình thức không lớn lắm.
Kiệu phu không là những trang đại hán, mà lại gồm toàn nữ nhân vào lứa tuổi thanh xuân, nàng nào cũng vận áo xanh như những thiếu nữ kia.
Có lẽ màu xanh là một đặc biệt của Lý Linh cho hợp với ngoại hiệu Thanh Liên của nàng chăng, tất cả những kẻ tùy hành đều mặc đồng phục màu xanh như nhau. Chính nàng cũng đang dùng màu xanh đó.
Hai chiếc kiệu Bá Sơn Hổ, cái trước cái sau, đặt bên vệ đường, Thanh Liên Ngọc Nữ bước vào chiếc sau, nhường chiếc trước cho Triệu Sĩ Nguyên.
Khẽ cau đôi mày một thoáng, Triệu Sĩ Nguyên cười lớn:
– Tại hạ còn khỏe chân lắm, không cần phải dùng đến kiệu! Tiểu thơ cứ tự nhiên, tại hạ hành bộ cũng được.
Xuân cô nương bước đến gần chàng rỉ vào tai:
– Đây là quy củ tiếp khách của Lệnh chủ, xin công tử đừng từ khước.
Triệu Sĩ Nguyên do dự:
– Lệnh chủ cũng xê dịch bằng phương tiện này à?
Xuân cô nương gật đầu:
– Đúng vậy! Lệnh chủ không dùng phương tiện nào khác hơn!
Triệu Sĩ Nguyên gằn giọng:
– Còn kiệu phu? Chẳng lẽ cũng dùng toàn nữ nhân? Nam nhân ngồi, nữ nhân khiêng, xem làm sao được chứ?
Xuân cô nương nhướng cao đôi mày:
– Tại sao lại không được? Thế ra nữ nhân không là người sao?
Triệu Sĩ Nguyên đuối lý.
Xuân cô nương tiếp lời:
– Công tử nên hiểu cho, nếu công tử đi bộ, kèm theo bên cạnh kiệu tiểu thơ thì còn thể thống gì chứ? Thân phận của công tử như thế nào, sao công tử không xé đến điều đó?
Nàng nó có lý quá, Triệu Sĩ Nguyên cảm thấy khó xử vô cùng, vì khó xử chàng không còn biết chủ trượng như thế nào. Cái lối đón khách bằng kiệu này đã làm cho chàng mất phần nào hảo cảm đối với Âm dương lệnh chủ, bởi kiệu là phương tiện xê dịch của phụ nữ, còn bậc anh hùng nào dùng kiệu như nữ nhân? Thế Lệnh chủ muốn xem chàng như một nữ nhân chăng?
May thay, Thanh Liên Ngọc Nữ đã kịp lúc giải nạn cho chàng. Nghe chàng và Xuân cô nương đối đáp, nàng bước xuống điểm một nụ cười hướng sang chàng dịu giọng thốt:
– Chắc công tử muốn vừa đi vừa ngoạn cảnh dọc hai bên đường? Vậy có cần gì dùng kiệu! Tôi xin đi bộ với công tử cho vui.
Xuân cô nương hấp tấp ngăn chận:
– Tiểu thơ! Không nên, Lệnh chủ hay biết được người sẽ buồn lòng!
Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh mỉm cười:
– Liểu đầu! Ngươi có thấy Lệnh chủ nói nặng gì ta bao giờ chăng?
Xuân cô nương gãi đầu, gãi tai:
– Nhưng Lệnh chủ sẽ quở trách bọn tiểu nữ hầu hạ tiểu thơ không chu đáo!
Thanh Liên Ngọc Nữ gắt:
– Việc gì đã có ta, ngươi cứ yên trí!
Xuân cô nương không còn biết nói gì hơn, đành gật đầu:
– Tùy tiểu thơ vậy!
Thanh Liên Ngọc Nữ dặn:
– Bảo chúng lùi lại sau cách ta độ nửa dặm đường nhé! Đừng bén mãng lại gần quấy nhiễu công tử mất cái hứng du sơn đó!
Xuân cô nương lộ vẻ khó khăn nhưng làm sao dám cải lệnh chủ nhân?
Triệu Sĩ Nguyên nghĩ thầm:
“Thanh Liên Ngọc Nữ cũng là một tay biết thú vị lắm đấy. Rất tiếc phụ thân nàng lại là Âm Dương lệnh chủ, do đó những thanh niên hào hiệp chẳng mấy ai muốn chiếm cái vị đồng sàng. Chung quy rồi nàng cũng phải kết duyên với người trong Hắc đạo.” Thanh Liên Ngọc Nữ day qua chàng:
– Mình đi thôi công tử ạ!
Nàng nhường cho chàng đi trước.
Rời khỏi khuông viên khách sạn, dọc theo đường cái, đi một lúc ra bên ngoài, hành huyệt thẳng tới trước mặt, đi một lúc nữa đến núi Câu Lậu.
Một tấm bia đá lớn, được dựng lên giữa con đường lát đá tảng chắn lối lên núi.
Bia đá rất cao, nhưng hẹp chiều rộng, trên bia đá có mấy chữ: “Câu Lậu Thiên Phủ” Nơi góc phía dưới có dòng chữ: “Thiên hùng lão nhân Lý Thái” Dựng bia khắc chữ, tự khoe khoang, đúng là một con người hiếu thắng cực độ.
Muốn lên núi, phải vượt qua tấm bia đó, rồi theo con đường lát đá tảng, đường càng đi sâu vào càng quanh co uốn khúc, có sương mờ bao phủ khắp nơi, tiến lên như tiên vào mây.
Triệu Sĩ Nguyên thầm nghĩ hẳn Âm Dương lệnh chủ có cái tánh cầu kỳ vô tưởng mới kiến tạo một con đường vào Câu Lậu thiên phủ đại quy mô như thế này, công trình đòi hỏi biết bao nhân lực và tài lực.
Con đường dài quá, chàng đi mãi vẫn chưa lên đến tận đầu. Dọc theo đường, cứ cách mỗi chặn vài dặm lại có một tòa nhà mát, nghỉ chân. Tuy là nhà mát nhỏ, lối kiến trúc cũng hoa mỹ lắm. Có rất nhiều tòa nhá mát, mỗi toà có lối kiến trúc riêng biệt, không tòa nào giống tòa nào.
Triệu Sĩ Nguyên thở dài, không tưởng nổi là Âm dương lệnh chủ xa xỉ một cách quá đáng. Tuy nhiên chàng cũng thán phục về óc thẩm mỹ của lão ta.
Lão đúng là người biết tận hưởng thú nhân sinh. Hưởng thú không chưa đủ, phải có óc sáng tạo những khung cảnh thích hợp, lồng bên ngoài cái thú đó mới có tư vị.
Thần sắc của Triệu Sĩ Nguyên luôn luôn biến đổi trước những khung cảnh hiện ra trong tầm mắt.
Thần sắc Thanh Liên Ngọc Nữ cũng biến đổi luôn theo chàng.
Chàng vui, nàng mừng hơn, chàng cau mày, nàng lo lắng, chàng sáng mắt, nàng thở phào.
Nhưng theo nhận xét tổng quát thì nàng thấy Triệu Sĩ Nguyên không tán đồng cái quy mô của phụ thân nàng.
Họ đi như thế, phải mất hai khắc thời gian mới đến Câu Lậu thiên phủ.
Câu Lậu thiên phủ nằm trong một khu rừng rậm bên trên cao, mây che, khỏi nói cũng biết là một khuông viên đúng mức huy hoàng.
Trước cổng Thiên phủ có một vọng lầu, chính là vọng lầu canh. Từ trên lầu, có thể quan sát ra bốn phía. Trước vọng lầu, có một khoảng đất trống, nơi đó có một số đông cao thủ vận y phục chẻn màu đen, màu vàng, xanh, đỏ hàng dàn thành đội ngủ, chực cờ nghênh tiếp.
Giữa năm đội người đó có tám lão nhân, tuổi trên sáu mươi, vận áo gấm.
Bên tả có ba mươi đồng nam vận áo hồng, bên hữu có ba mươi đồng nữ vận áo xanh.
Các đồng nam, đồng nữ đều cầm nhạc khí.
Thanh Liên Ngọc Nữ vừa xuất hiện, một người cao giọng báo hiệu nhạc trổi lên liền.
Tám vị lão nhân nhất tề bước tới.
Triệu Sĩ Nguyên nằm mộng cũng không tưởng nổi cuộc nghênh tiếp chàng được cử hành một cách long trọng như vậy. Bình sanh chàng chưa hề mục kích cảnh tượng đó, tự nhiên chàng phải hồi hộp bối rối.
Tám vị lão nhân từ từ bước tới.
Bổng, Triệu Sĩ Nguyên thức ngộ, dù sao chàng cũng là Long Phụng lệnh chủ, một lệnh chủ phải có oai nghi, dù chúng có bày vẻ cung cách gì, chàng không dể để mất bình tĩnh.
Chàng cởi bỏ chiếc áo lam choàng bên ngoài, để lộ chiếc áo bào có hình Long Phụng dệt bằng tơ mịn. Chiếc áo của Long Phụng lệnh chủ.
Chàng biểu hiện tư cách Long Phụng lệnh chủ tiếp xúc với bọn người trên Câu Lậu sơn.
Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh nhìn chàng điểm một nụ cười, rồi bước nhanh đến trước mặt tám lão nhân.
Tám vị lão nhân chừng như không được tự nhiên lắm. Nghi thức cuộc nghênh đón hôm nay chẳng phải dành cho Triệu Sĩ Nguyên, dù chàng là một lệnh chủ.
Nghi thức này chính tám lão nhân dàn thành để tiếp rước con gái của chủ nhân xuất ngoại trở về.
Nhưng làm thế, tám lão nhân cũng biết là vi phạm quy luật của Câu lậu sơn, song muốn lấy lòng vị nữ tiểu chủ, họ không ngần ngại tổ chức. Ngờ đâu, Thanh Liên Ngọc Nữ trở về lại có mang theo một thanh niên.
Thành ra, cuộc dàn chào này do thanh niên lạ mà ra. Dù sao sự việc đã như thế, thì phải chấp nhận như thế.
Lão nhân thủ lãnh bước tới gần nàng thốt:
– Tất cả thuộc hạ trong Câu Lậu thiên phủ tề tựu đủ mặt cung nghênh tiểu thơ!
Thanh Liên Ngọc nữ mỉm cười chào lời:
– Đa tạ nhị thúc bố trí long trọng như vầy để nghênh tiếp Long Phụng lệnh chủ!
Lão nhân hừ một tiếng:
– Cung cách dàn chào tiểu thơ đã là quá đáng rồi, sao tiểu thơ lại chuyển nhượng cho người khác? Nếu lệnh chủ quở trách thì sao?
Thanh Liên Ngọc Nữ trấn an lão:
– Nhị thúc đừng lo, tiểu điệt nữ xin đảm nhận trách nhiệm?
Cả hai dùng phép truyền âm nhập mật đối đáp với nhau, Triệu Sĩ Nguyên không nghe lọt, chỉ thấy lão nhân đó gật đầu rồi cao giọng thốt:
– Câu Lậu thiên phủ cung nghênh Long Phụng lệnh chủ giá lâm. Đây là lần thứ nhất trong mấy năm này, bổn phủ mới có dịp bố trí nghi thức long trọng tiếp đón khách quý!
Đoạn lão bước tới nghiên mình trước Triệu Sĩ Nguyên tiếp:
– Thỉnh thiếu hiệp đến lễ đài, cho toàn thể thuộc hạ bái chào ra mắt!
Tám vị lão nhân tản ra hai bên, nhường lối cho Triệu Sĩ Nguyên bước qua, rồi theo sau chàng.
Thanh Liên Ngọc Nữ bám sát bên cạnh Triệu Sĩ Nguyên thẳng đến lễ đài.
Phải mất một thời gian, song phương hành lễ, rồi chủ và khách tiến vào Câu Lậu thiên phủ.
Thiên phủ có lối kiến trúc đại quy mô, vào đó rồi Triệu Sĩ Nguyên bàng hoàng, cảm thấy mình lạc lỏng quá chừng. Lâu lắm, chàng mới lấy lại tự nhiên, lúc đó chàng nhận ra mình ở trong tòa lầu rất đẹp.
Trong gian phòng của chàng có mặt tỳ nữ Xuân cô nương.
Chàng thở ra mấy lượt thốt:
– Xuân cô nương nên lui ra, về phòng nghỉ đi!
Xuân cô nương trầm nghiêm nét mặt:
– Tiện nữ tên Xuân Yến, vâng lệnh tiểu thơ hầu hạ công tử, nếu Công tử có cần gì cứ gọi ngay tên tộc của tiện nữ là Xuân Yến, đừng dùng hai tiếng cô nương nghe như lạm phận vậy.
Triệu Sĩ Nguyên ngẩng cao mặt:
– Có lẽ quy cũ tại Câu Lậu thiên phủ này trọng đại lắm phải không?
Xuân Yến gật đầu, không đáp.
Triệu Sĩ Nguyên nói tiếp:
– Nhân giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, tại hạ mong cô nương chỉ giáo những tập quán tại đây, để tại hạ bớt ngượng ngùng thành trơ trẻn!
Xuân Yến nghiên mình:
– Công tử dùng hai tiếng chỉ giáo, tiện nữ thấy quá lời, đâu dám nhận? nếu có điều gì sai khiến, công tử bảo cho, tiện nữ sẽ làm ngay theo ý muốn, còn hai tiếng cô nương, xin công tử đừng dùng đến, cho tiện nữ khỏi áy náy trong tâm!
Triệu Sĩ Nguyên mỉm cười:
– Xuân Yến nói chuyện nghe hay quá! Chẳng rỏ trước mặt tiểu thơ, các người có được tự do cười nói hay phải thủ lễ trang nghiêm.
Xuân Yến cười nhẹ:
– Đối với mọi người trong phủ, tiểu thơ luôn luôn ôn hòa, hiền dịu, không bao giờ nghiêm khắc với ai. Riêng tại tòa thanh liên thủy tạ, bọn tiện nữ không hề bị câu thúc.
Triệu Sĩ Nguyên gật đầu:
– Vậy thì Xuân Yến nên xem đây cũng như Thanh liên thủy tạ nhé!
Xuân Yến lắc đầu:
– Tiện nữ đâu dám vô lễ trước mặt khách quý!
Triệu Sĩ Nguyên bổng trầm gương mặt:
– Bổn lệnh chủ không thích có người giám thị bên cạnh!
Vốn là một thiếu nữ, Xuân Yến làm gì có sự già dặn như chàng mà hiểu được ngụ ý của chàng? Nàng chỉ nghĩ là chàng đã phát hiện ra điều gì, hấp tấp thốt:
– Xin công tử đừng nghĩ lầm, tiểu thơ tiện nữ không phải là hạng người có tư tưởng như vậy!
Triệu Sĩ Nguyên chụp cơ hội hỏi:
– Vậy tiểu thơ là hạn người làm sao?
Ngay từ phút đầu, Triệu Sĩ Nguyên đã chú ý đến Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh, nhìn dáng vóc của nàng, chàng thấy mường tượng người tứ đệ Vô Danh công tử của chàng vô cùng. Do đó chàng quan sát từng nét mặt của Lý Linh, hy vọng tìm được một vài điểm tương tợ với Vô Danh công tử, song chàng thất vọng nhận ra hai gương mặt khác xa.
Nghe Triệu Sĩ Nguyên hỏi đến nhân cách Thanh Liên Ngọc Nữ, Xuân Yến nghe phơi phới trong lòng, đôi mày nở rộng thốt gấp:
– Tiểu thơ của tiểu nữ ngoại hiệu làm sao thì con người làm vậy, cao khiết như Thanh Liên Ngọc Nữ không cần phải khoa trương lắm!
Dù Triệu Sĩ Nguyên không có một cảm nghĩ xấu nào đối với Thanh Liên Ngọc Nữ, chàng cũng phải cho rằng lấy hai tiếng Thanh Liên làm ngoại hiệu là nàng cao ngạo khoe khoang thái quá, chứ con người còn buôn tẩu giang hồ, chen mình trong vòng thị phi, hơn nữa là giọt máu của Âm Dương lệnh chủ làm thế nào dám tự hào là thanh khiết như một đóa hoa san, sanh trong bùn mà chẳng nhuốm bùn? Nàng là bậc thánh triết sao? Hay nàng có cái ngụ ý không đồng tâm tưởng với phụ thân nàng?
Chàng cười lại:
– Ngoại hiệu Thanh Liên của tiểu thơ, do tiểu thơ tự đặt hay là do đồng đạo võ lâm tặng?
Xuân Yến nghiêm sắc mặt:
– Chừng như công tử không mấy tín cái phong cách của tiểu thơ, vậy tiểu nữ xin mạn phép hỏi công tử một câu, đóa hoa sen sanh và hưởng như thế nào giữa ao bùn?
Triệu Sĩ Nguyên phải nhìn nhận là Xuân Yến hết sức bênh vực chủ nhân nàng, biện hộ cho tiểu thơ một cách thành thật cương quyết quá, bất giác chàng xóa tan ngạo ý, ngưng trọng thần sắc thở dài:
– Trong vòng mười bước, tất có cỏ thơm, trong số mười nhà tất có người hữu dụng! Tại hạ vô tình phớt nhẹ thịnh danh của tiểu thơ, Xuân Yến đừng chấp nhé!
Xuân Yến vội cười, phá tan sự căng thẳng ngưng động:
– Trong Câu Lậu thiên phủ, đành rằng cũng có kẻ xấu người tốt. Cũng có kẻ phạm vào những tội ác bất xá nhưng không một ai từ hạng xấu đến hạng tốt, có lời bình phẩm nặng nhẹ tiểu thơ cả, công tử mới đến không biết đó thôi, chứ ở đây lâu công tử sẽ thấy tiện nữ không bịa chuyện nói ngoa đâu!
Triệu Sĩ Nguyên không nói gì thêm về nhân cách phong độ của Thanh Liên Ngọc Nữ, chàng chuyển hướng vào hành động của nàng trong mấy hôm gần đây, lại hỏi:
– Chừng như tiểu thơ vắng mặt tại Thiên phủ từ trước.
Xuân Yến tự nhiên có được Thanh Liên Ngọc Nữ dặn dò phải đối đáp như thế nào với chàng nên thốt nhanh:
– Tiểu thơ của tiện nữ mới trở về đây hôm nay thôi!
Triệu Sĩ Nguyên mừng thầm, nói tiếp:
– Tại hạ đến đây định bái kiến Lệnh chủ may mắn thay lại đúng lúc tiểu thơ hồi sơn, thật là một cuộc tẩu xảo thích thú.
Xuân Yến mỉm cười:
– Nghe tin Công tử đến viếng, gặp lúc Lệnh chủ vắng mặt, chúng tôi không biết làm sao, phải cho người tức tốc thỉnh tiểu thơ trở về…
Do nàng có bịa chuyện đó, song cái lý rất vững, Triệu Sĩ Nguyên không còn bắt bẻ nữa.
Chàng buông dò:
– Tiểu thơ xuất ngoại độ bao lâu rồi!
Xuân Yến điểm nụ cười:
– Cũng không lâu lắm, độ mười hôm trở lại thôi!
Triệu Sĩ Nguyên thầm tính số ngày, chàng cùng Vô Danh công tử gặp nhau tại Nhạc Dương cách đã hơn hai mươi ngày. Thanh Liên Ngọc Nữ thì chỉ rời núi mới mười hôm, như cả hai không liên quan gì nhau, chàng nghĩ là tại mình quá nghi ngờ chứ Vô Danh công Tử và Thanh Liên Ngọc Nữ là hai người riêng biệt, không thể là một được.
Chàng cùng Xuân Yến đàm đạo một lúc nữa, rồi chàng bảo Xuân Yến ra ngoài.
Liên tiếp bốn năm hôm sau, Thanh Liên Ngọc Nữ không hề đến thăm chàng, mà cũng chẳng có một ma nào đến quấy nhiễu, trừ Xuân Yến lai vãng lo phục dịch cho chàng.
Đã không ai đến, thì có ai hỏi nguyên nhân thúc đẩy chàng lên Câu Lậu sơn?
Riêng phần chàng, chờ đợi Âm Dương lệnh chủ trở về đã đành, mà dường như những người trong Câu Lậu thiên phủ cũng trông đợi lệnh chủ trở về. Họ không muốn tìm hiểu cái lý do sự có mặt của chàng tại đây, để phần việc đó cho người chủ nhân có quyền uy tối thượng.
Từ nơi miệng Xuân yến, chàng biết được ít nhiều người và việc tại Thiên phủ, nhưng trong một phạm vi nào đó thôi.
Những lúc rảnh rỗi, chàng lấy những quyển sách nơi giá thơ ra đọc.
Có một hôm, chàng lấy quyển sở từ lật vài trang, bổng mảnh giấy rơi từ quyển sách xuống đất.
Chàng cúi mình nhặt mảnh giấy, định đặt vào chỗ củ, bất giác chàng trông thấy trên mảnh giấy đó có những hàng chữ, nét bút tuyệt vời. Động tính hiếu kỳ, chàng đọc giòng đầu!
Âm Dương Hòa Hiệp thần công. Bên cạnh, có một hàng chữ nhỏ “Bát Quả Lý Linh cung lục”.
Chàng giật mình…