Con Thuyền Trống

Chương 14: Là Lỗi Của Tôi



Mấy giáo viên chưa tới giờ diễn đang ở chung với học sinh lớp mình, chờ đến lượt mới dẫn tụi nhỏ lên sân khấu.
Tôi đứng chờ bên ngoài lớp Hoa Hướng Dương, trang phục biểu diễn đã được mang đến.
Chu Nhị Đình vừa vỗ tay vừa động viên đám trẻ: “Cười lên nào, các con cười tươi lên nha! Đúng rồi, để cô Tiểu Chu xem ai chưa có cười nè, vui lên nào mấy đứa ơi, nâng cằm lên nè, đúng rồi đó —”
Nghệ Hàm đứng chính giữa hàng đầu tiên như đóa hoa hướng dương rực rỡ, gắng sức toét miệng nhe răng, hai gò má phúng phính không ngừng nâng lên cao, cứ như Chu Nhị Đình vừa đánh cô bé một trân vậy.
Tôi bước qua cửa, nụ cười của cô bé tự nhiên hơn nhiều.

Chu Nhị Đình cúi đầu, lấy tay chống cằm nhìn Nghệ Hàm, vui vẻ nói với cả lớp Nghệ Hàm cười xinh lắm, mấy con bắt chước bạn nha.
“Chú thỏ không thích ăn cà rốt” kể chuyện một chú thỏ dấn thân vào cuộc tìm kiếm Vua Cà Rốt trong chốn rừng rậm để chữa lành đôi mắt của mẹ mình.

Trên đường đi chú kết bạn với Bông Cải Xanh, Cải Bó Xôi, và các loại rau khác không được mấy đứa nhỏ chào đón.

Mọi người cùng nhau đánh bại Vua Cà Rốt, cậu ta phóng ra ánh sáng cà rốt thần kỳ, trị khỏi mắt của mẹ chú thỏ.

Cuối cùng tất cả các bạn rau xanh và thỏ nắm tay nhau ca múa trong vui mừng hoan hỉ.
Câu chuyện này là niềm thiết tha mong mỏi của Chu Nhị Đình, cô ấy hi vọng tụi nhỏ đừng kén ăn nữa, vui vẻ chén hết tất cả các món giàu dinh dưỡng và khoáng chất trong bữa cơm.
Giờ ăn trưa đến, Chu Nhị Đình thò đầu vào giám sát tụi nhỏ, y như chủ nhiệm lớp cấp hai đi canh học sinh vậy, dán mông vào cửa kính trông xem đứa nhỏ nào ăn uống không ngoan.

Nhưng con nít kén ăn là điều khó tránh khỏi, đến cả Nghệ Hàm vốn không thích ăn cà rốt, phần cà ri của cô bé chỉ còn chừa lại mỗi món này.

Tôi nhìn xuống cô bé, cô bé ngước lên nhìn tôi, rồi hiên ngang lẫm liệt nhét miếng cà rốt vào miệng, quá hấp tấp nên bị sặc.
Chúng tôi đã được huấn luyện kỹ thuật sơ cứu Heimlich (1), nên vẫn bình tĩnh xử lý, giúp Nghệ Hàm nhổ miếng cà rốt ra.

Tôi đoán rằng cô bé sẽ càng ghét cà rốt hơn sau tai nạn này, ngó sang mâm đồ ăn chỉ còn dư lại mỗi cà rốt, bắt đầu thu dọn.

Ngờ đâu Nghệ Hàm thật bướng bỉnh, quyết ăn thua đủ với mấy miếng cà rốt, muốn ăn chúng, bị tôi cản lại.
Sau đó tôi nghe mẹ Nghệ Hàm kể khi cô bé về nhà là đòi ăn cà rốt, nói rằng đây là đồ xấu xa làm cô bé bị hóc.

Cô bé muốn dũng cảm ăn chúng nó cho đến khi chúng không làm cô bé đau nữa mới thôi.
(1) Kỹ thuật cấp cứu Heimlich (đẩy bụng) là một quy trình sơ cứu nhanh chóng để điều trị nghẹt thở do tắc nghẽn đường hô hấp trên bởi dị vật, điển hình là thức ăn hoặc đồ chơi.
Thái độ này làm tôi phục Nghệ Hàm sát đất, đứng cạnh cửa trông thấy mỗi đứa nhỏ chạy vào đều giống như vị anh hùng nhỏ đầy gan dạ.
Xông lên đi hỡi các anh hùng nhỏ can trường! Chúng ta hãy chiến đấu với cà rốt đi!
Buổi tối khi sắp xếp quà viếng Trịnh Ninh Ninh, tôi cố ý kẹp thêm vào một tấm thiệp chúc mừng có hình cà rốt.

Ngày giỗ Trịnh Ninh Ninh đang đến gần.
Mỗi năm tôi đều chuẩn bị thật nhiều món quà, tính ra năm nay cô bé nên là mười bốn tuổi, là thời kỳ nổi loạn của lứa mới dậy thì, cũng là giai đoạn dần trở thành thiếu nữ.

Tôi muốn viết phong thư, nhưng chỉ mới viết câu mở đầu thì bỏ cuộc.
Ngày hai mươi hai đã gần kề trước mắt, phong tục ở huyện Năng cho rằng, vong hồn sẽ về nhà lần cuối cùng vào năm thứ bảy sau khi mất đi.

Bảy ngày trước ngày giỗ thì người thân bắt đầu chuẩn bị đón tiếp, vong hồn sẽ về ăn cơm canh trong nhà, vậy nên bảy ngày này cần có vài món thức ăn, hoặc là làm sủi cảo.

Tối đến thì cần đốt vàng mã thật nhiều, biến nỗi nhung nhớ trong lòng thành một nhúm tiền giấy nhăn nhúm, đốt cho đến khi khuôn mặt nhuộm lửa vàng và lỗ mũi đầy tro.

Tôi không có thói quen đốt vàng mã, Trịnh Ninh Ninh cũng không biết nhà tôi, nên tôi không phí công làm mấy chuyện này, chỉ chuẩn bị đến thăm mộ cô bé vào đúng ngày giỗ.
Tôi còn mang thêm quà biếu đến nhà bà nội Trịnh Ninh Ninh, bà cụ khổ cực làm nghề nhặt rác kiếm sống qua ngày.

Mỗi lần tôi mang đồ đạc tới đều bị bà ấy khinh thường ghét bỏ, bà ấy không đời nào cảm kích tôi, sau khi tôi làm việc giúp bà ấy xong thì bị tống cổ ra khỏi cửa.
Mỗi ngày hai mươi hai tháng năm của tôi đều trôi qua như vậy.
Hiện tại trong hộp giày đã có tấm thiệp cà rốt, hình dán Elsa, các món quà khác sẽ từ từ bổ sung sau.
Tôi đóng cái hộp lại, cất các món quà, ruy băng, giấy màu vào ngăn tủ, và rồi bên ngoài có tiếng đập cửa.

Tôi đã luyện được thói quen không nhìn vào mắt mèo nữa, tựa người vào cửa hỏi: “Ai vậy?”
“Giao hàng đây —” giọng nói phía đối diện kéo dài ra, lúc này tôi mới trông ra mắt mèo xác nhận người đối diện đang cầm cái hộp, chăm chú nhìn vào đây.

Tôi mở cửa nhận hàng, anh ta quay đi, lộ ra người đứng phía sau, tựa như đôi bánh xuân (2) xé mở một cái, vẫn còn dư lại một cái bánh khác.

Khuôn mặt ấy vẫn vô cảm như cũ, vẫn xách cái bao ni lông của siêu thị Gia Hưng, và trên người vẫn độc cái áo hoodie muôn thưở.
(2) bánh xuân: còn gọi là bánh kếp mỏng, là loại bánh màu trắng, thường ăn trong tiết Lập Xuân bên Trung Quốc
Nhưng hẳn là đã tắm giặt rồi, trên người không có mùi gì cả.
Cam Linh nhìn tôi, không hề mào đầu gì mà tỉnh bơ lấy cái điện thoại từ bao ni lông ra, cứ như thể tôi ngầm thừa nhận điều cô ta muốn làm vậy.
Lần này điện thoại khởi động lên rất nhanh, tôi thoáng nhìn, thì ra cô ta chịu đổi cái mới à.
Cái điện thoại cũ nát bươm cuối cùng đã nghỉ ngơi trong vinh quang, mà cái mới được bọc trong ốp lưng.

Tôi ít nghiên cứu về điện thoại nên không nhìn ra được thương hiệu, nhưng ít ra màn hình nó cũng bóng loáng và tinh tươm.

Sự khác biệt giữa cái mới này và cái cũ trước đó tựa như giữa tôi và Cam Linh vậy, đặt cạnh nhau là ai cũng có thể nhìn ra tôi ăn sung mặc sướng, trái ngược hẳn với Cam Linh đầu đường xó chợ, thiếu thốn trăm bề.
Cam Linh sắp sửa bắt tôi xem đống hình chụp mà cô ta đã sục sạoo hết mọi ngóc ngách để bắt lấy.
Tôi chống cự, tựa vào cửa nhắm chặt đôi mắt lại.
Tôi nhắm mắt mà đối mặt với Cam Linh, cố thể hiện hiện rõ sự không hợp tác của tôi, nhưng tôi dư biết cỡ gì cô ta chịu để tôi yên.

Quả nhiên mắt tôi vừa đóng lại, trên đầu bỗng nhiên bị cái bao ni lông trùm lên.
Bản năng tự vệ khiến tôi mở mắt muốn túm lại cái bao, nhưng ngay lúc đó Cam Linh đã rút bao ra, lập tức giơ điện thoại trước mắt tôi, trưng bức ảnh cô ta chụp lén nhân viên ở siêu thị: một người đàn ông mặc đồng phụ siêu thị Gia Hưng đang đẩy cái xe trái cây.

Cô ta thấy tôi không có phản ứng gì, nhanh chóng lướt qua tấm kế tiếp, lại là một người khách nam trong siêu thị này, mặt mày sốt ruột nhìn vợ chọn quần áo.
Xem ra cô ta đang điều tra khu siêu thị Gia Hưng.
Tôi cũng không tiện nhắm mắt lại nữa, dựa vào cánh cửa như vừa bị rút hết xương sống ra ngoài, mặc kệ cái bản lề lắc qua lắc lại, yếu ớt nâng mí mắt: “Cô chụp bao nhiêu tấm vậy? Lần trước tôi chưa xem xong nữa.”
Cam Linh vẫn giữ khuôn mặt đơ ngàn năm: “Một ngàn hai trăm bảy mươi mốt tấm.”
Nếu cô ta chỉ nói ước lượng qua quýt thì tôi còn có thể giải thích là người phụ nữ này vì mò kim đáy biển mà hóa tuyệt vọng rồi, nhưng lúc này Cam Linh lại nhả ra con số chính xác đến như vậy, khiến cho người ta cảm thấy được sự nghiêm túc của mình.

Cô ta thật sự đã chuẩn bị tinh thần muốn lôi ra bằng được một con người cụ thể trong ba trăm ngàn người sinh sống ở đất này.
Nếu tên giết người đã được thả thì có nhất định là sẽ ở lại đây không? Nếu hắn qua huyện Bồng thì sao? Hoặc là đi đến mấy chỗ lân cận như Huyện Minh, Huyện Hiệp, Huyện Chinh, hoặc là trốn tiệt vào cái thôn nào đó mười năm không ra khỏi cửa —
Tôi hít sâu, thật sự là không có cách nào mà.
“Được rồi.”
Tôi đã mường tượng được cái ngày vào mười năm sau cô ta tìm kiếm hung thủ mãi mà không được, nổi cơn điên rồi giận chó đánh mèo đâm chết tôi.
Tôi nghiêng người tránh ra: “Vào đi, đứng mãi ở cửa không hay đâu.”
Nhà cửa bừa bộn, tôi cầm cái hộp quà cho Trịnh Ninh Ninh lên, nó không vừa với ngăn tủ, tôi mang nó để tạm ở phòng ngủ.

Cam Linh cũng không nhìn nhà tôi trang trí thế nào, chỉ từ tốn tiến thêm một bước, đạp lên tấm thảm lót sàn rồi không động đậy nữa.

Tôi nhìn những ô gạch hình vuông trên sàn nhà, cảm thấy có lẽ phải cắm sạc thật lâu mới làm cô ta chịu bước lên tấm thảm trước sa lông được.
Cửa đóng lại, rốt cuộc Cam Linh cũng chịu bước lên, hai mắt rũ xuống, hoàn toàn không có vẻ hứng thú xem nhà tôi bày biện ra sao.
Mà chỗ tôi cũng không có đồ đạc gì nhiều, tôi ở một mình, mở cửa vào sẽ thấy giá đựng giầy, rồi cái sa lông đối diện với quầy tivi và thảm lông, và còn có thêm một cái bàn trà bằng gỗ.

Thường ngày tôi hay ngồi xếp bằng trên sa lông làm đồ thủ công, những thứ lặt vặt sẽ đặt trên bàn trà và quầy tivi.
Tôi bước ra từ phòng ngủ, Cam Linh đứng sau lưng sa lông, cách xa khoảng một cánh tay, cầm điện thoại gõ lộc cộc một hồi mới đưa nó cho tôi.

Cái điện thoại mới trở thành trợ tá đắc lực của Cam Linh, giúp cho công cuộc mò kim biển rộng tăng thêm một tí xíu xiu hiệu quả.
Trong điện thoại chỉ có bộ sưu tập ảnh, WeChat, Alipay (3), bản đồ và la bàn, ngoài ra không còn bất kỳ phần mềm thứ ba nào cả.

Mở bộ sưu tập ra là mấy thư mục phân loại ảnh, Cam Linh nhấn mở “Siêu thị Gia Hưng,” khuôn mặt của một người nhân viên nhảy ra, tôi đoán hẳn là cô ta núp đằng sau quầy bắp cải chụp lén người ta: có đến một nửa tấm ảnh toàn là màu xanh lá, kiểu này thì sớm muộn gì cô ta cũng sẽ bị cảnh sát gô cổ đi cho xem.
(3) Alipay: phần mềm chuyển tiền qua app như Zalopay
Mặt tôi không có chút cảm xúc gì, nhìn Cam Linh lật ảnh nhanh như gió.

Tôi cầm điện thoại, Cam Linh đứng đối diện tôi, ánh mắt lia qua lia lại giữa tôi và màn hình, y như đang tập trung vào một trò chơi điện tử cực kỳ hấp dẫn vậy, không muốn bỏ lỡ chi tiết nhỏ nào.
Có cỡ hai trăm tấm ảnh ở mục “Siêu thị Gia Hưng,” tôi cố tình kiểm tra thời gian chụp của mấy bức, ít nhất cô ta cũng phải tốn cả một tiếng đồng hồ.
Tôi không khỏi thở dài.
Cam Linh không bị tiếng thở dài của tôi làm lung lay ý định, bình tĩnh chọn tất cả rồi tải lên mạng, sau đó thẳng tay xóa bỏ chúng.
“Đã xác nhận rồi cũng không muốn lưu lại à?” Tôi dụi cặp mắt mỏi nhừ, cảm thấy chúng tôi cứ nhìn vào màn hình điện thoại mãi thế thì không tốt lắm.
Cam Linh không trả lời, cúi đầu chọc mấy phím bấm, tiếp tục mở ra địa điểm thứ hai.
Cào nát ba cái thư mục, tôi thấy mình như chú cảnh khuyển dò mìn, cẩn thận giúp Cam Linh loại đi những người đàn ông khả nghi.

Có điều tôi không được huấn luyện bài bản như chúng nó, con mắt hoa cả lên, cổ họng khô ran, tôi nhắm mắt lại, ngã vào sa lông.
“Tôi không xem nổi nữa đâu.” Đây là lời nói thật lòng.
Cam Linh không chịu tin tôi, vẫn chứng nào tật nấy rút con dao gấp kề vào cổ uy hiếp tôi.
“Thật đó,” tôi phều phào.

Cam Linh cất dao đi, nựccười như một trò đùa vậy.
Toàn thân tôi chìm xuống sa lông, mây đen bủa vây tứ phía.

Cặp mắt đã từ chối làm việc vì lao lực quá độ, cả trăm khuôn mặt đàn ông thoắt ẩn thoắt hiện, tôi đành gắng gượng mở mắt ra, bỗng chốc hoảng hốt: “Cô có nghĩ tới trường hợp tôi gặp người quen thì ánh mắt cũng sẽ thay đổi không vậy? Không phải họ là tên kia, chỉ là do tôi biết họ thôi, ví dụ như cô chụp được bạn trai cũ của tôi, hay là phụ huynh học sinh nào đó, hoặc là mấy chú bảo vệ…!Tôi còn biết nhiều người đàn ông khác ngoài hung thủ nữa đó.”
“Tôi có thể tự phân biệt.” Cam Linh vẫn thản nhiên như không.
“Tối qua cô không ngủ trên sa lông, cô có chốn về.

Cô hết sốt rồi, lại còn giặt quần áo nữa.

Vậy tại sao hôm đó cô lại ngủ ngoài khu phố chúng tôi thế?” Không có chuyện tôi làm không công cho cô ta, nhất định tôi phải lấy được thông tin gì đó chứ.

Cam Linh làm một hành động làm tôi cực kỳ bất ngờ.
Cô ta nâng tay áo lên ngửi, ánh mắt đọng lên trên mặt tôi, chậm rãi chớp chớp mắt, không nói câu nào.
“Tại sao vậy?” Tôi bám riết không tha.
Cam Linh vẫn giữ nguyên tư thế dò xét tôi, đôi mắt hơi nhấp nháy như tự hỏi điều gì, nhưng cuối cùng khẽ giương nụ cười trào phúng quen thuộc: “Mắc mớ gì đến cô.”
“Tôi không nhìn đống ảnh đó nữa! Cô ra ngoài cho tôi, tôi bận lắm!”
Tôi hùng hổ đứng lên, không biết lấy đâu ra lá gan mà nắm chặt cái mũ trên áo Cam Linh, đẩy cô ta đến cửa.

Lúc tôi định ném cô ta ra ngoài như vứt túi rác, bỗng Cam Linh lên tiếng: “Lương tâm.”
“Cái gì?” Tôi nắm cổ áo cô ta.
“Ninh Ninh trước chết mặt cô, lương tâm cô lâu nay vẫn luôn bị cắn rứt.”
Đó là câu hỏi dạo trước Cam Linh đặt ra cho tôi, giờ đây cô ta đã có đáp án cho mình.

Tôi khó chịu, giận dữ tựa như bị đọc to nhật ký trước chỗ công cộng, dốc toàn lực đẩy Cam Linh ra một cách thô bạo.
“Ra ngoài! Lần sau tôi sẽ không mở cửa nữa!”
Khoảnh khắc Cam Linh bị tôi xô ra ngoài đó, cặp mắt lúc nào cũng tối tăm như sương phủ kia lộ ra hàng lệ lóng lánh.
Tôi dừng tay, Cam Linh bật cười khúc khích một cách khó hiểu, giơ hai tay bịt kín đôi mắt.
Rồi cô ta quay lưng về phía tôi.
Tôi hơi ngây ra, không biết phải làm gì, sau đó vẫn đóng sầm cửa lại.
Bên ngoài truyền đến lời nói: “Cô hành động như thể việc Ninh Ninh chết đi là lỗi của cô vậy.”
“Không nghe được!”
“Thật ra là lỗi của tôi.”
Tôi nghe thấy rồi.
Rầm — Cam Linh lại bắt đầu điên cuồng đập cửa, tôi cũng chẳng để cô ta gõ nhiều, giật phắt cánh cửa ra.
“Tôi không muốn nghe những lời sám hối! Tôi nghe đủ rồi! Cô biết tình hình lúc đó như thế nào không? Cô chẳng biết cái gì cả! Là lỗi của tôi, là của tôi! Nguyên nhân chủ yếu là do mắt tôi đui tai tôi điếc đầu bị ngu! Là tôi để tên giết người lọt vào trường!”

Bình luận Tấn Giang:
ID Mơ ước của tui là nuôi thỏ á — 30/05/2022:
Một con tim muốn tiến, một con muốn lùi bước, và cái chết của Ninh Ninh đang vắt ngang giữa hai bên.
ID 2 (Sẽ bổ sung thông tin thêm sau)
Tôi chưa biết toàn bộ sự việc thế nào.
Trước mắt chúng ta cứ đặt giả thiết rằng hung thủ vào trường để giết người đi.
Có thể cô giáo Nai Con của chúng ta quá dễ tin người, hoặc cũng có thể là nguyên nhân khác nữa, cô ấy để tên đó lọt vào nên tạo thành bi kịch.

Nhưng mà cho dù chặn được tên đó, thì tên điên đó cũng có thể chặn đầu cô bé trên đường về thôi.

Mà cô bé Ninh Ninh thì không có mẹ ở bên, bà nội cũng không thường xuyên đưa đón, cũng là đối tượng dễ gặp nguy hiểm.
— Được rồi, có vẻ tôi hơi kiếm cớ nhiều quá, nói cho cùng thì mấy cái này vẫn không thành hiện thực được, sự thật vẫn là cô giáo Nai Con đã để hắn lọt vào, nhưng lại không thể cứu người.

Là lương tâm vẫn luôn nói cô ấy ở lại chốn này, thúc giục cô ấy mỗi năm đều đi thăm người đã khuất và còn sống, và rồi thuyết phục cô ấy năm lần bảy lượt nhượng bộ Cam Linh.
Tác giả hồi phục — 29/05/2022
Cô giáo Nai Con là ai vậy bác hè =))
Bác gọi cổ là cô giáo Thỏ Con mới là bình thường à nha
Còn chị gái Nai Con mới là người dẫn chương trình Animation DreamWorks đó bác:D.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.