Biển Bạc - Lâm Tử Luật

Chương 56



Phần B: Hổ Phách Mùa Xuân

CHƯƠNG 56: BỌT BIỂN NỔI LÊN TỪ ĐẠI DƯƠNG

Edit + Beta: V

Đông Hà vào đầu xuân mưa nhiều, mãi đến Tết Thanh Minh mới yên tĩnh được phút chốc, sau mấy ngày trời quang mây tạnh thì lại bắt đầu rơi xuống những cơn mưa đêm, nó kéo dài như vậy đến giữa hè, và nước mưa vẫn cứ lơ lửng ở trên mây thế đấy.

Khâu Thanh cầm dù nhưng toàn thân bị xối ướt đẫm.

Cậu cố gắng phân biệt số nhà trước cửa khu dân cư phức hợp qua màn mưa, sau khi xác nhận không nhớ lầm thì đi lên lầu bốn. Đây là khu dân cư phức hợp một thang máy, hai hộ gia đình trên một tầng kiểu cũ, kết cấu và cách bố trí của nó giống hệt căn nhà mà bọn họ thuê, điểm khác biệt duy nhất là phòng ốc bên đây rộng hơn một chút, còn bên kia thì vừa đủ, chỉ chen chúc được hai người, không thể thêm được nữa.

Cửa chống trộm trước mặt hầu như không có tác dụng “chống trộm”, tấm kim loại rất mỏng manh, Khâu Thanh nhắm mình có thể đạp một cước là phá được ngay, bên trái treo “gia đình 5 tốt”, bên phải là hộp giao sữa.

Đã ba ngày cậu không gặp Văn Hựu Hạ, nếu không bất đắc dĩ thì cậu cũng không tìm đến nhà đối phương.

Ngày đầu tiên sau khi xảy ra xung đột, Khâu Thanh và Văn Hựu Hạ tức đến mức không về nhà của bọn họ, cậu ở chỗ Cố Kỷ một đêm. Nhưng sang ngày thứ hai, cậu kinh ngạc phát hiện mình không gọi cho Văn Hựu Hạ được, đợi đến ngày thứ ba thì Khâu Thanh không nhịn được nữa bèn tới cửa tìm người.

Đây là chuyện rất hiếm lạ sau khi bọn họ cãi nhau ba ngày một trận nặng, năm ngày một trận nhẹ. Bình thường, dù người khơi màu là ai thì cuối cùng, người hạ mình xuống dỗ dành luôn là Văn Hựu Hạ. Sự dung túng của anh khiến Khâu Thanh nghĩ rằng, dù có cãi nhau ầm trời thì chỉ cần im ắng một thời gian, Văn Hựu Hạ sẽ bình tĩnh lại, sau đó nghe cậu giải thích lý do, bọn họ rồi sẽ ổn thôi.

Lần đầu tiên cậu bị Văn Hựu Hạ bơ lâu như vậy.

Khi nhận ra điều này, Khâu Thanh gần như nghẹt thở, những suy nghĩ như “Văn Hựu Hạ muốn chia tay với mình” đang dâng trào và chiếm cứ toàn bộ ý thức của Khâu Thanh.

Cậu không muốn chia tay.

Có thể cãi nhau, có thể chiến tranh lạnh, thậm chí có thể không cần ban nhạc cũng được.

Nhưng cậu không muốn chia tay với Văn Hựu Hạ.

Suy đoán vô số lần, nhưng khi lời sắp thốt ra thì cả người Khâu Thanh run lên, cậu yếu ớt đặt tay lên chuông cửa nhấn xuống, sự yên tĩnh trong hành lang nháy mắt bị phá vỡ. Khâu Thanh lui về sau một bước, vô cùng xoắn xuýt giữa hai suy nghĩ “chạy mau” và “chờ” – cậu không muốn gặp người nhà của Văn Hựu Hạ, nhưng chẳng may người mở cửa là anh thì sao?

Cửa chống trộm mỏng manh mở ra, niềm hi vọng rơi vào hố sâu, người mở cửa là một thiếu niên nhỏ bé, gầy gò, sắc mặt tái nhợt.

“Anh tìm ai?” Đối phương vừa hỏi vừa quan sát vẻ bề ngoài của Khâu Thanh.

“Tôi…”

Khâu Thanh không sợ giao tiếp xã hội, nhưng lúc này cậu không biết nên nói gì.

Thiếu niên thấy cậu không nói thì tự động giải thích: “Hôm nay ông tôi không mở lớp, có phải anh nhớ nhầm ngày rồi không?”

“Tôi…” Nỗi lo lắng nghẹn trong cổ họng chiến thắng sự căng thẳng, Khâu Thanh ép mình nhìn thiếu niên: “Tôi không tìm thầy Văn mà tìm, ừm, Văn Hựu Hạ… anh ấy có nhà không?”

Thiếu niên không trả lời thẳng: “Anh tìm anh ấy làm gì?”

Khâu Thanh nghe vậy thì cho là Văn Hựu Hạ có ở nhà, cậu vội vàng nói: “Tôi là… chúng tôi ở cùng ban nhạc, tôi tên Khâu Thanh, nhờ cậu chuyển lời giúp là tôi có chuyện muốn nói với anh ấy, chuyện rất quan trọng.”

“Khâu Thanh?” Thiếu niên lặp lại lần nữa: “Anh là cái người hát chính kia à.”

Giọng điệu của đối phương vô cùng bình tĩnh, Khâu Thanh ngẩn người, nghe không ra thiếu niên kia đang chán ghét hay vui mừng nữa, cậu do dự dò hỏi: “À, cậu là Đông Đông đúng không? Văn Hạ có nhắc đến cậu với tôi.”

Đông Đông không nói gì với cậu: “Anh đi đi.”

“Văn Hạ không có nhà hả?”

“Anh ấy nói không muốn gặp anh.”

Dứt lời, cậu ta không để ý vẻ mặt Khâu Thanh sượng lại mà đóng sầm cửa.

Lưng Đông Đông đặt lên cửa chống trộm, cậu ta thở dốc, không nghe thấy tiếng bước chân rời đi như dự đoán thì cậu ta sốt ruột không thôi, rón rén xoay người nhìn vào mắt mèo, cẩn thận quan sát bên ngoài…

Người kia vẫn còn đứng tại chỗ, ảo não cúi thấp đầu.

Gương mặt cậu tuấn tú và xinh đẹp, song giữa mi tâm lại phủ đầy sầu não, chóp mũi Khâu Thanh khẽ động, cậu giơ tay lên định nhấn chuông cửa, cuối cùng lại sợ sệt rụt tay về, rồi cúi đầu lấy một tờ giấy trong túi đeo ra viết gì đó.

Lúc Đông Đông buồn bực, nghĩ rằng người này có đi hay không đây thì Khâu Thanh đột nhiên kề sát vào cửa chống trộm, nhét tờ giấy ngay ổ khóa tay nắm, sau đó cầm cây dù đặt bên chân đi về phía cầu thang.

“Chắc là đi rồi ha.” Văn Hạo Khiêm thờ ơ nói.

Cậu ta chậm rãi tắt đèn phòng khách, đi về phòng của mình, như chợt nhớ ra gì đó, cậu ta chạy thẳng ra ngoài mà không làm kinh động ai.

Bởi vì ngoài cậu ta ra thì bây giờ trong nhà không có ai hết.

Tại cảng Bắc Thành, nước mưa hòa vào nước biển, cái ẩm ướt che ngợp bầu trời tưởng chừng như muốn lật đổ cả nơi đây.

Hầu hết các cửa hàng nhỏ ven đường đều đóng chặt cửa, thỉnh thoảng có một, hai người đi ngang qua, thấy đường sá không một bóng người thì bèn cảm khái: “Sao tháng hai mà mưa lớn thế không biết…”

Một chiếc mô tô chạy xẹt qua, tựa như lưỡi dao sắc bén cắt ngang màn mưa rồi rẽ về hướng bãi biển.

Trước 1 giây bị sóng biển nuốt chửng, chiếc mô tô đột nhiên rẽ phải thắng gấp, lốp xe lún sâu xuống cát, gần như mất phanh nên cả xe lật nghiêng, người ngồi trên xe bị văng ra xa mấy mét.

Sóng biển rít gào vỗ vào đầu xe, nước mưa rơi lên các bộ phận kim loại, gió lớn cuồn cuộn, chỉ còn lại sự tuyệt vọng và oán hận.

Văn Hựu Hạ nằm bất động, mặt úp xuống, sau khi ăn đầy cát thì hồi lâu anh mới bò dậy. Quần áo của anh dán sát vào người, giày Martin thấm nước trở nên nặng nề hơn, hai chân anh như bị đổ chì, mỗi lần cử động thì đầu gối đều bị níu lại, cơn đau buốt tràn lên thắt lưng.

Ngày mưa mà đua xe ở ven biển rất nguy hiểm, nhưng ngoại trừ làm vậy thì anh không biết còn cách nào để phát tiết nữa cả, lần đầu tiên anh cảm thấy kinh sợ, rằng hóa ra mình lại có khuynh hướng tự hại thế này.

Hai ngày nay anh đã suy nghĩ rất nhiều lần về chuyện hồi bé.

Giáo viên dạy anh chơi dương cầm đã từng nói: “Em rất có năng khiếu âm nhạc”, giáo viên dạy violin nói: “Khả năng ghi nhớ bản nhạc và cảm giác khi chơi của em giống như ký ức từ kiếp trước vậy.”. Ngoài đó ra, Văn Hựu Hạ không có ưu điểm nào khác, khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên đều ở mức trung bình, sau khi ngừng học violin, anh thấy mình thật vô dụng, không có gì hơn người, lúc này Văn Đức Xương mua cho anh một cây bass.

Khi Văn Hựu Hạ nhận được cây bass Yamaha màu táo đỏ thì Văn Đức Xương an ủi anh, một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra, nếu học tập không phải chuyện anh làm tốt nhất thì hãy trở thành người chơi nhạc cụ giỏi nhất, đến mức có thể thành danh đi.

Đúng vậy, đây là kỳ vọng ban đầu của ông ta đối với Văn Hựu Hạ, được cả danh và lợi, sau đó báo đáp ân tình của bọn họ.

Văn Hựu Hạ không phụ lòng ông ta.

Chắc vì đã có nền tảng violin và dương cầm trước đó nên anh chỉ mất ba ngày để học, trong khi người khác phải học cả tháng, dường như anh nắm được những kỹ thuật ấy khi chạm vào dây đàn và phím đàn, đây chính là “thiên phú”.

Nhưng khi Văn Hựu Hạ phát hiện thiên phú của mình đến từ một người cha vô trách nhiệm thì trong khoảnh khắc ấy, anh gần như muốn buông bỏ, muốn phân rõ giới hạn, anh chán ghét bàn tay đầy hưng phấn và kích động khi đầu ngón tay chạm vào dây đàn.

Vì vậy anh thử làm chuyện khác, vứt bỏ thiên phú, sau đó anh đạt được một vài kết quả dưới tầng tầng áp lực nặng nề, ngày càng chán nản không thôi.

Mười tám tuổi gặp được Bạch Diên Huy, đối phương ân cần mời anh làm tay bass trong ban nhạc. Văn Hựu Hạ chợt nhận ra rằng, thiên phú này có thể giúp anh tích lũy tài phú một cách nhanh chóng, vì vậy anh đồng ý ngay lập tức. Nhưng suy cho cùng, đây chỉ là một cái miệng lớn đỏ au ăn thịt người khác mà thôi, nó nghiền ép, bóp chết anh, khiến anh không còn vui vẻ nữa, anh thử viết nhạc để biểu đạt những lời không dám nói với người khác, anh sợ bị những kẻ như hổ rình mồi phát hiện thân thế đáng thương của mình – mặc dù sau đó bọn họ cũng nghe ngóng được một chút về chuyện này, nhưng anh vẫn luôn giả câm vờ điếc.

Anh chưa từng có được sự tin tưởng, chứ đừng nói là yêu.

Khâu Thanh, Văn Hựu Hạ từng cho rằng Khâu Thanh có thể cứu anh thoát khỏi đầm lầy, giúp anh thở lại lần nữa.

Lúc ở bên Khâu Thanh, dĩ nhiên cũng có chuyện không vui, nhưng niềm hạnh phúc lại chiếm phần lớn. Lần đầu tiên tiếp xúc với cậu, anh có thể tìm lại cảm giác hưng phấn khi chơi đàn, những giai điệu mới mẻ như bọt biển nổi lên từ xương cốt rồi hướng ra ngoài, phút chốc tan vỡ, rồi phút chốc lại cuồn cuộn không ngừng nổi lên.

Bởi vì yêu Khâu Thanh nên anh thích chơi bass, viết nhạc, để lại dấu vết gì đó trên thế giới này. Anh bắt đầu cảm thấy đây là con đường mình có thể đi cả đời, từ lúc này đây, anh sẽ chào đón điều đầu tiên mình có thể làm tốt, khiến tất cả mọi người đều hài lòng.

Đây là sự cứu rỗi đến trễ của anh.

Nhưng đầu xuân, lúc vạn vật thức tỉnh, Văn Hựu Hạ lại bị đánh dội về chỗ cũ.

Mấy ngày trước, Văn Đức Xương bày tỏ sự phản đối Khâu Thanh với anh, Văn Hựu Hạ nổi nóng, gào lên một câu “tôi đi là được chứ gì”. Dứt lời, anh định lấy một tấm hình mà Văn Đức Xương đưa cho anh, nghe nói là hình anh hồi nhỏ, nhưng trước khi tìm được thì cửa phòng lại bị người ta khóa từ bên ngoài – bọn họ không muốn Văn Hựu Hạ đi.

Văn Đức Xương có thủ đoạn của mình, giáo dục, chèn ép, dùng “anh muốn nhìn cái nhà này chết à” để đe dọa, dùng “trong nhà chỉ còn lại anh và già trẻ chúng tôi thôi” để dụ dỗ, nhưng ông ta chưa bao giờ đả động đến việc bảo anh cút ra ngoài.

Từ nhỏ anh đã bị khóa trên một cái cọc gỗ, không thoát được.

Về ước mơ, vốn Văn Hựu Hạ sắp có đấy, nhưng bây giờ thì không.

Nếu ngay từ đầu anh từng bước đi tìm chỗ làm, chẳng màng gì cả mà sống hết đời thì có lẽ đời anh sẽ không lên voi xuống chó, bi ai đến vậy. Giờ Văn Hựu Hạ đã nhìn thấy một tia sáng, hi vọng vừa mới xây nên hệt như mô hình giấy, bị gió mưa thổi một hơi đã lập tức mềm oặt trên đất.

Không bao lâu nữa, nó sẽ ướt đẫm, mục nát, phân hủy, và cuối cùng biến mất.

Tựa như chưa từng tồn tại vậy.

Nhưng bây giờ, dù mọi chuyện đã thành ra thế rồi, Khâu Thanh vẫn có thể phân tích đúng sai, tìm ra cách giải quyết không quá thỏa đáng nhưng lại khả thi. Còn anh, ngoại trừ bất lực rồi nổi giận ra thì không làm được gì cả – anh không bằng Khâu Thanh.

Khâu Thanh mạnh mẽ hơn anh nhiều lắm.

Sớm muộn gì, anh cũng sẽ không bắt kịp nhịp điệu của Khâu Thanh và bị bỏ rơi, hoặc Khâu Thanh sẽ vì anh mà hi sinh kế hoạch của mình.

“Mày đúng là một thằng rác rưởi.” Văn Hựu Hạ ngồi trên bãi cát lầy lội, tay chân lạnh lẽo mà nghĩ: “Mày là đồ vô dụng, có tư cách gì để cầu xin người khác hi sinh vì mày.”

Nước mưa thuận theo quai hàm sắc sảo chảy xuống, lẫn vào chất lỏng khác, thấm ướt cổ áo của anh.

Văn Hựu Hạ che mặt lại, đây là khoảnh khắc anh tuyệt vọng hơn bao giờ hết.

Anh thừa nhận mình chẳng dũng cảm chút nào.

Anh trở về “nhà” của mình phía sau Trung học Trường Đông – mấy ngày nay, Văn Hựu Hạ không muốn về nhà mình thuê và đối mặt với Khâu Thanh, anh sợ hai người sẽ ầm ĩ, nên không thể làm gì khác hơn là trở về nghỉ ngơi.

Vừa mới mở cửa, Văn Hạo Khiêm lập tức xông ra từ phòng ngủ: “Anh! Anh đi đâu vậy, sao người ngợm lại dơ thế này?”

“Không sao.” Văn Hựu Hạ không muốn nói chuyện với cậu ta, anh cởi áo khoác đi về phía nhà vệ sinh, nhưng chợt nhớ đến một loạt dấu chân nhìn thấy khi vào nhà, hình như mấy tiếng trước có ai đó lảng vảng trước cửa, anh bèn xoay người gọi Văn Hạo Khiêm.

“Sao thế anh?” Đối phương chớp mắt nhìn.

“Có người lạ tới nhà à, mới vừa rồi ấy.”

Văn Hạo Khiêm tự nhiên nói: “Không có ạ.”

Đối phương chỉ là một đứa trẻ tiểu học chưa tốt nghiệp, Văn Hựu Hạ không hề hoài nghi Văn Hạo Khiêm sẽ lừa gạt mình, anh “ừ” một tiếng, không thể nói là thất vọng hay vui mừng, rồi đi tắm.

Cửa nhà vệ sinh đóng lại, Văn Hạo Khiêm đứng tại chỗ không động đậy. Hai tay cậu ta đặt sau lưng, đang nắm chặt một tờ giấy, chờ đến khi nghe tiếng nước trong buồng tắm thì cậu ta mới chạy vào nhà bếp, cầm bật lửa đứng cạnh bồn rửa, động tác không thành thạo, hơi do dự nhưng lại kiên quyết đốt tờ giấy kia.

Khâu Thanh, cái tên này cậu ta đã nhìn thấy trên điện thoại của Văn Hựu Hạ vô số lần, anh ta là ác ma đã cướp đi anh trai.

Tiếng mưa rơi dần nhỏ lại, ngọn lửa cuốn lên những nếp nhăn trên giấy trắng, nuốt chửng hết chữ viết trên đó.

[Em yêu anh, anh đừng lơ em nữa mà, được không anh.]

Vẻ lạnh lùng không phù hợp với độ tuổi xuất hiện trên gương mặt Văn Hạo Khiêm, cậu ta nhìn chằm chằm giấy trắng mực đen hóa thành than tro, sau khi mở vòi nước xóa tan vết tích thì bèn nhổ nước miếng vào trong.

“Mắc ói!” Thiếu niên hung tợn nói, trong mắt tràn ngập hận thù.

Văn Hựu Hạ không biết chuyện này, anh tắm xong thì sạc pin điện thoại. Tắt điện thoại một lúc rồi mở lại, nháy mắt tin nhắn hiện lên ào ào, Cố Kỷ tìm anh, bảo anh về phòng tập đi, có gì mọi người cùng thương lượng, Tiểu Lư cũng tìm anh, hỏi anh đang ở nhà hay ở ngoài, còn có mấy dãy số lạ nữa, Văn Hựu Hạ đoán có lẽ là người của công ty.

Không có cuộc gọi hay tin nhắn của Khâu Thanh, anh nghĩ cậu vẫn còn tức giận, lần này gây ra huyên náo rất lớn, nhưng anh không định chủ động đi dỗ dành.

Chuyện này đã hoàn toàn đả kích Văn Hựu Hạ, một suy nghĩ nào đó đã lâu không xuất hiện bất chợt chiếm cứ tinh thần anh.

“Hay là mình rời đi nhỉ?”

Tiếng chuông điện thoại ở đầu giường vang lên như tiếng đòi mạng, cảm giác sợ sệt muốn lùi bước bỗng đánh úp vào sâu trong lòng anh. Văn Hựu Hạ chạy tới, không để ý tới cơn đau trong đầu, vội vàng bắt máy: “Khâu Thanh!”

“… Là tôi.” Đầu dây bên kia là phụ nữ.

Cột sống Văn Hựu Hạ thoáng chốc chùng xuống: “À, chị Vọng.”

Liễu Vọng Dư cười hơi miễn cưỡng, giọng nghe có vẻ chán nản không thôi: “Rốt cuộc cũng liên lạc với cậu được rồi, ổn không vậy?”

Văn Hựu Hạ không lên tiếng.

Liễu Vọng Dư không để ý anh im lặng, kiên trì nói: “Là thế này, công ty… vẫn sắp xếp cho Ngân Sơn đợt lưu diễn thứ hai, thời gian dự kiến là một tháng, đã lên kế hoạch ở thành phố rồi, địa điểm xa nhất là Bình Châu. Chúng tôi hi vọng Ngân Sơn sẽ phát hành album mới trước rồi sau đó lại thảo luận tiếp, có được không?”

Bình Châu, quê của Khâu Thanh.

Liễu Vọng Dư khuyên anh: “Văn Hạ, có một số chuyện trước hết đừng vội như vậy, cứ từ từ, tìm một ít bằng chứng, có cơ hội sẽ lấy lại được…”

Không hề đề cập tới Khâu Thanh, bọn họ đều không nhắc tới cậu.

Hoặc Khâu Thanh vẫn đang tức giận, hoặc Khâu Thanh cảm thấy chuyện đã đến nước này, cậu không cần ý kiến của anh nữa.

“Được.” Văn Hựu Hạ nói, cổ họng đau rát, anh khàn giọng: “Làm vậy đi, lo buổi lưu diễn trước.”

Tác giả có lời muốn nói:

Bọt biển nổi lên từ xương tủy, xuất xứ của nó là cuộc đối thoại về “yêu” giữa hai cha con Thổ ty trong “Bụi Trần Lắng Xuống”, “bọt biển rồi sẽ tan”, “nhưng chúng nó không ngừng nổi lên”… Tôi rất thích cách ví von này này nên đây là lời tri ân nho nhỏ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.