Báu Vật Của Đời

Chương 43



Kim Đồng trông thấy thằng con trai Lại Đệ và Hàn Chim đang ở trong chiếc nôi treo dưới cây ngô đồng. Phía trên cái nôi là mái che mưa nắng lợp bằng giấy dầu và những mảnh ni-lông.

Thằng bé đứng khom khom, hai tay bám mép nôi. Nó tuy gầy và đen, nhưng vào cái thời ấy, nó là một đứa trẻ khỏe mạnh.

– Cháu là ai vậy? – Kim Đồng bỏ cái bọc quần áo xuống, hỏi – Cháu không nhận ra à? Ta là cậu của cháu

– Ngoại ơi, ngoại… thằng nhỏ ngọng nghịu kêu lên, rớt dãi chảy đầy cằm.

Cậu ngồi trên ngưỡng cửa đợi mẹ về. Từ khi bị điều đi nông trường, đây là lần đầu tiên cậu về nhà và không trở lại nông trường nữa. Nghĩ đến hàng vạn mẫu tiểu mạch xuân sắp sửa thu hoạch mà trong lòng sôi sục! Gặt hái xong, cán bộ nhân viên nông trường được ăn cơm. Vậy mà đúng lúc này, cậu và mười mấy thanh niên bị giảm biên một cách tàn nhẫn. Nhưng hơn chục ngày sau, nỗi uất hận của cậu trở nên vô nghĩa, vì giữa lúc hai chiếc máy kéo ĐT màu đỏ được điều ra ruộng chuẩn bị gặt hái, thì một trận mưa đá dữ dội vùi tất cả tiểu mạch xuống bùn.

Thằng nhỏ không còn chú ý đến cậu ngồi trên ngưỡng cửa. Mấy con vẹt xanh đỏ từ trên cây ngô đồng sà xuống bay quanh chiếc nôi. Thằng nhỏ đưa mắt nhìn theo những con vẹt bay lượn. Những con vẹt tỏ ra không hề sợ nó, con thì đậu trên vành nôi, con đậu trên vai thằng nhỏ còn há cái mỏ khoằm cọ xát vào vành tai nó. Lũ vẹt kêu lên những tiếng khàn khàn, thằng nhỏ bắt chước kêu như vẹt.

Kim Đồng ngồi ngẩn ngơ, mắt mở mà chẳng nhìn vào đâu Chân cậu phơi nắng, cảm giác rân rân như kiến bò. Cậu nhớ lại ánh mắt lạ lùng của ông lái đò họ Hoàng khi cậu ngồi đò sang sông. Cầu Thuồng Luồng bị phá hủy hoàn toàn trong mùa lũ năm ngoái, công xã nhân dân cho đặt bến đò này để tiện việc đi lại. Cùng chuyến đò có một anh lính trẻ rất hay chuyện, nói giọng miền Nam. Anh ta chìa bức điện trước mặt lão Hoàng, giục:

– Bác cho sang ngay đi! Bác xem này, điện nói trước mười hai giờ phải có mặt ở đơn vị, tình hình đặc biệt, quân lệnh như sơn, báe ơi!

Trước thái độ nôn nóng của anh lính trẻ, ông già lái đò vẫn trơ ra như một hòn đá. Ông ngồi so vai ở mũi thuyền như một con chim bói cá, mắt nhìn dòng nước xiết. Sau đó có thêm hai cán bộ công xã lên huyện làm việc trở về. Họ nhảy lên thuyền, giục:

– Lão Hoàng, bọn tôi phải về ngay để truyền đạt tinh thần của hội nghị?

Lão Hoàng lầu bầu:

– Đợi một lát, đợi một lát nữa?

Một chị ôm cây đàn tì bà bước lên thuyền, ngồi đối diện với Kim Đồng. Mặt thoa phấn hồng, nhưng phấn không che khuất được nước da khô héo trên mặt chị. Hai cán bộ công xã lẳng lơ nhìn chị, một trong hai người lên giọng đàn anh hỏi:

– Cô người thôn nào?

Chị ngửng đầu nhìn thẳng vào mặt người hỏi, cặp mắt đen trầm uất, cụp xuống từ lúc bước lên thuyền, đột nhiên lóe lên những tia lửa hận thù. Kim Đồng chợt sởn tóc gáy, cậu cảm thấy trong đôi mắt có vẻ già nua của người phụ nữ này toát lên sức mạnh chinh phục tất cả cánh đàn ông mà không một người đàn ông nào chinh phục nổi chị. Những thớ thịt trên mặt chảy xệ, cổ đầy nếp nhăn, nhưng những ngón tay thon dài rất đẹp, móng tay nhẵn bóng chứng tỏ tuổi của chị không đúng với cái vẻ già nua trên mặt, trên cổ chị. Chị liếc xéo ông cán bộ công xã, hai tay ôm chặt cây đàn tì bà như ôm con nhỏ. Lão Hoàng đứng trên đuôi thuyền, dùng sào trúc đẩy thuyền rời bến, quay mũi thuyền hướng ra sông, rồi chống sào đẩy thuyền đi, mũi thuyền rẽ nước trắng xóa. Chiếc thuyền như một con cá khổng lồ trôi xuôi theo một đường xiên. Chim én chao trên mặt nước, mùi tanh tanh của cỏ nước bốc lên. Mọi người ngồi yên không nói gì, ông cán bộ lắm điều không chịu được cảnh im lặng, hỏi Kim Đồng:

– Cậu có phải cái anh… nhà Thượng Quan đấy không?

Kim Đồng nhìn ông ta bằng ánh mắt lạnh như băng, thừa hiểu những lời ông ta chưa nói ra miệng. Thế là cậu vận dụng phương thúc quen dùng, nói:

– Đúng, tôi là Thượng Quan Kim Đồng, con lai?

Ông cán bộ công xã tỏ vẻ lúng túng trước sự thẳng thắn và thái độ tự khinh miệt của Kim Đồng. Sự ngạo mạn đặc hữu của con người lĩnh lương nhà nước ăn cơm thiên hạ bị một đòn đả kích, khiến ông ta mất cân bằng, ông quay sang thao thao bất tuyệt về đấu tranh giai cấp để chửi bóng chửi gió:

– Chú nghe tin này chưa? – Ông ta quay sang hỏi anh lính trẻ đang sốt ruột – Quân và dân Hoàng Đảo vừa tóm được bọn đặc vụ Mỹ-Tưởng lén lút xâm nhập đất liền. Chúng đem theo điện đài, thuốc độc, bom nổ chậm, định bỏ thuốc độc vào giếng, thuốc này cục độc, chỉ bằng con nhộng đủ giết chết hai con ngựa? Chúng còn định phá cầu, làm nổ tung đường sắt, lật nhào các đoàn tàu! Bom nổ chậm là do Mỹ chế tạo, sức nổ mạnh, chỉ bằng hạt quả đào đã tương đương với một tấn TNT! Bọn này vừa cập bờ đã rơi vào thiên la địa võng?

Anh lính trẻ xúc động xoa xoa tay, chỉ hận nỗi không có cánh bay ngay về đơn vị. Ông cán bộ công xã cố ý không nhìn Kim Đồng, chỉ chú ý những giọt nước rớt tong tỏng trên cây sào của lão Hoàng, nói:

– Nghe nói quá nửa số đặc vụ này là người vùng đông bắc Cao Mật, đều là tay chân của Tư Mã Khố. Những thằng cha có nợ máu với dân này được cố vấn Mỹ huấn luyện. Lão Hoàng, lão có biết tên cố vấn Mỹ ấy là ai không? Không đoán ra đâu! Đúng ra là lão đã trông thấy tên Mỹ đó. Nó chính là Bác-bít, cái tên đã từng cùng với Tư Mã Khố làm mưa làm gió ở vùng Cao Mật, cái tên đã chiếu phim ấy. Con vợ thối thây của nó còn mở tiệc tiễn chân bọn đặc vụ, tặng mỗi tên một đôi giày thêu…

Người phụ nữ ôm cây đàn tì bà nhìn trộm Kim Đồng. Cậu cảm nhận đặc ánh mắt như dò hỏi của chị ta, và còn thấy rõ những mụn nhỏ đầy mặt, son phấn không thể che lấp được. Bàn tay chị ta run run trên hộp đàn. Ông cán bộ công xã vẫn thao thao bất tuyệt:

– Chú là bộ đội thì đây là lúc lập công, chỉ cần tóm được một tên đặc vụ là coi như cả đời được bảo hiểm.

Anh lính trẻ lôi bức điện ra khoe:

– Cháu cũng đoán là thời cơ hành động đã tới, vậy mới hoãn cưới, đi suốt đêm trở về đơn vị.

Tối qua có ba phát pháo hiệu trên núi Trâu Nằm – Ông cán bộ công xã nói – có người bảo đó là sao đổi ngôi. Nhận thức về kẻ địch như vậy thì lơ mơ quá?

Ông quay sang hỏi anh cán bộ công xã ngồi bên:

– Chú Hứa này, chú có nghe nói về chuyện mụ giáo viên thể dục trường trung học số 2 chưa?

Anh cán bộ tên là Hứa lắc đầu. Ông cán bộ nói:

– Mụ khoét rỗng quyển Từ Hải, giấu khẩu súng lục trong đó. Còn chiếc điện đài bé tí của mụ thì chắc là các vị không đoán ra mụ giấu ở đâu. Mụ giấu trong vú, đầu v* chính là điện cực, tóc trên đầu là ăng ten, do vậy mà công an lục soát rất lâu vẫn không tìm ra. Bọn đặc vụ này có hàng trăm cách, vì vậy nói chúng tham sống sợ chết là không đúng, rạch vú ra, nhét điện đài vào kinh khủng thật!

Thuyền cập bến, anh lính trẻ nhảy lên bờ đi luôn. Người phụ nữ ôm đàn tì bà rụt rè nhìn Kim Đồng, hình như muốn nói với cậu điều gì đó. Ông cán bộ công xã nghiêm giọng bảo:

– Chị đi cùng chúng tôi đến công xã! Chị luống cuống:

– Sao thế? Vì sao tôi phải đến công xã?

Ông cán bộ công xã giật cây đàn tì bà trong tay chị lắc lắc bên trong có tiếng lạo xạo. Chị xúc động đến nỗi mặt đỏ bừng, sống mũi ngoằn ngoèo như con giun giật giật.

– Điện đài? – Ông cán bộ công xã mừng rỡ kêu lên – không là điện dài thì là súng lục? – Chị phụ nữ chồm tới định chớp lại cây đàn, nhưng ông cán bộ đã né sang một bên, khiến chị giằng hụt.

Chị tức tối nói:

– Trả tôi đây!

– Trả hả? – Ông cán bộ cười ranh mãnh – trong này giấu cái gì?

Chị ấp úng:

– Đồ dùng của phụ nữ!

– Đồ dùng của phụ nữ! Đồ dùng của phụ nữ mà phải giấu trong hộp đàn? – Ông ta kêu lên – Nữ công dân, hãy theo chúng tôi về công xã!

Nét mặt buồn rầu của chị thoắt cái trở nên đanh đá, chị chửi:

– Biết điều thì trả lại cho bà, bà còn lạ gì cái trò cướp cạn của bọn mày

– Chị này làm gì mà dữ thế? – Ông cán bộ chột dạ hỏi. – Làm gì thì ông không cần biết, trả lại cây đàn cho tôi!

Ông cán bộ nói:

– Tôi không có quyền trả lại chị, phiền chị về công xã!

Người phụ nữ chửi:

– Giữa ban ngày ban mặt mà dám cướp của người ta, ngay giặc Nhật cũng không dám như các ông! Ông cán bộ công xã chạy như bay về phía trụ sở công xã thiết lập tại khu nhà Tư Mã Khố. Người phụ nữ không còn cách nào khác, vừa đuổi theo vừa chửi:

– Đồ ăn cướp, quân lưu manh, đồ giòi bọ!

Kim Đồng có linh cảm rằng, người đàn bà ôm cây đàn tì bà có mối liên hệ nào đó với gia đình Thượng Quan. Cậu điểm rất nhanh trong đầu những phụ nữ trong nhà cậu Thượng Quan Lai Đệ chết rồi. Thượng Quan Chiêu Đệ chết rồi. Thông Quan Lãnh Đệ chết rồi. Thượng Quan Cầu Đệ chết rồi. Thượng Quan Phán Đệ đã biến thành Mã Thụy Liên, còn sống nhưng coi như đã chết. Còn lại chỉ có Thượng Quan Trọng Đệ, Thượng Quan Niệm Đệ và Thượng Quan Ngọc Nữ. Người phụ nữ này không phải Niệm Đệ. Niệm Đệ người thanh mảnh, cổ cao, khuôn mặt gọn mà xinh, hàm răng như ngọc. Mà người phụ nữ này thì răng vàng khè, đầu thô, miệng rộng, hai mép trễ xuống một cách đáng sợ khi chùi, mắt lóe lên những tia xanh biếc như mắt mèo. Người phụ nữ này càng không phải Ngọc Nữ. Ngọc Nữ bị thong manh, mắt nguyên vẹn mà không nhìn thấy gì. Đây chỉ có thể là chị Tưởng Đệ, người đã tự bán mình, đã hy sinh to lớn cho nhà Thượng Quan. Nhưng còn cây đàn tì bà?

Giữa lúc cậu đang rối như mớ bòng bong về cây đàn tì bà, thì bà Lỗ gầy như một bộ xương đồ sộ biết đi, bước vào cổng. Cậu vừa nghe thấy tiếng cài then thì đã thấy mẹ đi tắt qua gian chái chạy tới, người cứng đơ. Cậu cất tiếng gọi mẹ, những giọt nước mắt buồn tủi đầm đìa trên mặt. Mẹ hình như ngạc nhiên nhưng không nói gì, tay bịt miệng, mẹ chạy tới chỗ chiếc bồn gỗ đầy nước dưới gốc cây hạnh thì quì xuống, hai tay bám mép bồn, cổ vươn dài, miệng há to, những hạt đậu nối đuôi nhau rơi xuống nước lõm bõm. Nghỉ xả hơi mấy phút, bà nhìn con trai bằng đôi mắt ướt nhèm, nói câu gì đó không rõ, rồi lại cúi xuống ọe tiếp. Những hạt đầu nôn ra lần sau trộn lẫn với dịch dạ dày, dính nhơm nhớp, từng cục rơi xuống. Cuối cùng, sau khi đã nôn hết, bà khỏa tay vào bồn bốc những hạt đậu lên xem, nét mặt tỏ ra bằng lòng.

Khi đó bà mới bước tới chỗ con trai, ôm chặt lấy thân hình cao to nhưng yếu đuối của con.

– Con trai của mẹ, sao con đi biền biệt thế, có năm dặm đường mà không về thăm nhà lấy một lần?

Mẹ hỏi băng giọng trách móc, nói luôn:

– Con đi được ít hôm thì mẹ có việc làm. Công xã thành lập tổ xay xát, chính là cái nhà xay của nhà Tư Mã Khố, gỡ hết các cánh quạt gió, dùng sức người đẩy cối. Mẹ nhờ Đỗ Văn Đẩu xin cho vào làm, một ngày công được nửa cân khoai khô. Không có công việc này thì bây giờ không còn trông thấy mẹ nữa, ngay thằng Vẹt cũng không còn?

Kim Đồng bây giờ mới biết thằng nhỏ con Hàn Chim tên là Vẹt. Nó đang khóc ề à trong nôi.

– Con bế nó xuống đi, mẹ làm cơm à ăn!

Mẹ rửa đậu trong bồn mấy lần bằng nước sạch, đựng trong một cái bát, đầy có ngọn. Nhận ra sự khác lạ ở cậu mẹ bảo:

– Con ơi, mẹ cực chẳng đã đấy thôi, con đừng dè bỉu mẹ Cả đời mẹ phạm rất nhiều sai lầm, nhưng ăn cắp thì lần này là lần đầu!…

Cậu dựa cái đầu to tướng, tóc tai bờm xờm vào vai mẹ, đau xót nói:

– Mẹ đừng nói nữa… Đây không phải là ăn cắp! Có nhiều chuyện còn xấu hổ gấp trăm lần ăn cắp ấy chứ?

Mẹ lôi trong hốc lò cái cối giã bằng tay, giã nát những hạt đậu ra, rồi cho nước lạnh vào quấy thành hồ, đưa cho Kim Đồng một bát:

– Ăn đi con, không dám đốt bếp, hễ thấy khói là cán bộ xộc đến kiểm tra. Họ phát hiện ra là lôi thôi to?

Kim Đồng bê bát lên, cổ họng đau buốt. Mẹ dùng chiếc muỗng gỗ đã bị sứt mẻ, đút cho thằng Vẹt ngồi ngay ngắn trên ghế băng, ăn từng muỗng ngon lành.

– Sợ bẩn hả? – Mẹ nhìn con trai, vẻ áy náy.

Nước mắt Kim Đồng rơi thánh thót trong bát hồ, cậu nói:

– Không, con có sợ đâu?

Cậu húp sùm sụp, chỉ trong mấy phút, bát hồ đã hết nhẵn.

– Mẹ, làm sao mẹ lại nghĩ ra được cách này? – Kim Đồng nhìn mái đầu bạc trắng và không ngừng run rẩy của mẹ, đau xót hỏi.

Lúc đầu giấu trong bít tất, ra cổng họ khám người phát hiện ra, sỉ nhục mình như con chó. Về sau, mọi người đều ăn tại chỗ. Một bận mẹ về nhà thì bị nôn, đêm ấy trời mưa, sáng ra trông thấy những hạt đậu, thằng Vẹt nhặt lên ăn. Vậy mới nẩy ra sáng kiến. Lần đầu tiên muốn nôn thì phải lấy đũa ngoáy cổ họng, cảnh đó thì…, bây giờ quen rồi, cúi xuống là nôn ra. Bụng mẹ bây giờ chăng khác cái bao đựng lương thực…

Rồi mẹ hỏi thăm về những chuyện ở nông trường và những gì cậu đã trải qua trong hơn một năm nay. Cậu nói hết với mẹ, không chút giấu giếm, cả chuyện ngủ với Long Thanh Bình, cái chết của Cầu Đệ, cái chết của Lỗ Lập Nhân và sự thay tên đổi họ của Phán Đệ. Mẹ ngồi im rất lâu, mãi khi trăng lên, ánh trăng rọi qua cửa sổ, mẹ mới nói:

– Con không làm gì sai, hồn phách cái cô họ Long ấy đã được an ủi. Coi như cô ấy đã là người của nhà ta. Đợi khi tình hình khá lên, ta sẽ đưa hài cốt của cô ấy cùng với hài cốt của chị Bảy về đây!

Mẹ bế thằng Vẹt ngủ vạ ngủ vật lên giường, nói:

– Xưa nhà mình đông đúc như một chuồng dê, vậy mà bây giờ chỉ còn mấy mống này!

Kim Đồng thấp thỏm hỏi:

– Mẹ, chị Tám đâu? Mẹ thở dài nhìn cậu tỏ vẻ xấu hổ, hình như muốn được cậu thông cảm.

Khi Ngọc Nữ đã ngoài hai mươi tuổi, tính nết vẫn như một thiếu nữ nhút nhát, luôn co lại như con nhộng trong kén, chỉ sợ làm phiền người khác. Vào một buổi chiều mùa hạ mưa rả rích, trời chạng vạng tối, chị xót xa lắng nghe những tiếng nôn ọe của mẹ. Sấm ầm ì phía chân trời, gió tuốt lá tơi tả, sét đánh khét lẹt, nhưng những tiếng động đó vẫn không át được tiếng nôn ọe của mẹ, nhưng mùi vị đó không át được mùi vị mà mẹ nôn ra. Tiếng lõm bõm của lương thực rơi xuống nước khiến chị run bắn người, mong cho cái tiếng ấy sớm chấm dứt, lại mong nó cứ tiếp tục ra. Chị ớn cái mùi của dịch vị có lẫn mùi máu khi mẹ nôn, đồng thời lại biết ơn cái mùi khó chịu ấy. Tiếng chày giã côm cốp xáo trộn tâm can chị. Khi mẹ đưa cho chị bát hồ nồng nặc mùi đậu sống, nước mắt chị rơi lã chã, cái miệng xinh xinh giật giật, một thìa đưa vào miệng là một hàng nước mắt trào ra. Ngàn vạn lời cảm ơn mẹ chứa chất trong lòng nhưng chị không nói ra miệng.

Sáng sớm ngày mồng Bảy tháng Bảy năm ngoái, khi mẹ đi làm, Ngọc Nữ bỗng hỏi:

– Mẹ, khuôn mặt mẹ như thế nào? – vừa hỏi chị vừa giơ hai cánh tay mảnh mai ra:

– Cho con sờ mặt mẹ một tí!

Mẹ thở dài

– Con gái ngốc nghếch của mẹ? Tình cảnh này mà con vẫn thích đùa?…

Mẹ đầu mặt lại gần tay chị để những ngón tay mềm như không xương sờ mó trên mặt. Mẹ ngủi thấy mùi ẩm ướt lạnh tanh trên tay chị, bèn bảo:

– Ngọc Nữ, con đi rửa tay đi, trong ang còn nước đấy!

Mẹ đi làm rồi, chị Tám mò mẫm bước xuống giường. Chị nghe thấy thằng Vẹt trong chiếc nôi treo dưới tán cây đang líu lô hát, đàn chim ríu rít trên ngọn cây, chim én làm tổ dưới mái hiên. Chị lần theo mùi thơm tinh khiết của nước sạch, đến bên chiếc ang, khuôn mặt xinh đẹp in trong nước, giống như Kim Đồng tìm hình bóng Natasa, chỉ có khác là chị không nhìn được khuôn mặt chị. Rất ít người nhìn thấy khuôn mặt người con gái này của nhà Thượng Quan. Mũi dọc dừa, da trắng như trứng gà bóc, tóc vàng mềm mại, cổ thon dài như thiên nga giỡn nước! Chị cảm thấy nước lạnh thấm ướt mũi, tiếp đến là môi rồi đến toàn bộ đầu tóc dìm trong nước. Khi mùi tanh tanh mằn mặn xộc vào mũi, chị chợt tỉnh, ngẩng đầu lên. Tai ù, mũi vừa cay vừa xót. Trong tai có hai tiếng bục bục, đó là màng nước trong tai vỡ ra khiến chị nghe thấy tiếng kêu khàn khàn của những con vẹt và tiếng gọi dì Tám của thằng Vẹt. Chị đến dưới gốc cây, giơ tay sờ khuôn mặt nhem nhuốc đây mũi dãi của nó, rồi lẳng lặng lần bước ra cổng.

Mẹ dùng mu bàn tay quệt nước mắt, nói nhỏ:

– Chị Tám con bỏ đi vì sợ là gánh nặng ẹ!… Mù lòa như thế đi đâu được? Dưới giếng, ngoài vực đều không có… Bọn con gái nhà Thượng Quan số phận đều hẩm hiu, thì làm sao chị Tám con có cuộc đời sung sướng?

Kim Đồng định an ủi mẹ, nhưng không tìm được câu chữ thích hợp. Cậu hiểu sâu sắc rằng, mắt mở thao láo mà còn chẳng ra gì huống hồ mù cả hai mắt? Cậu vờ ho rất to để che giấu nỗi đau trong lòng.

Giữa lúc đó, bên ngoài có tiếng đập cổng, mẹ giật mình đánh thót, vội giấu biến chiếc cối giã đậu, bảo:

– Kim Đồng, con ra mở cửa xem ai!

Kim Đồng mở cổng, người phụ nữ ôm đàn tì bà trên thuyền hồi nãy đang đứng trước cổng, dáng ngại ngùng. Chị hỏi nhỏ:

– Kim Đồng phải không?

Tưởng Đệ đã trở về.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.