Em bảo: “Tôi ước gì anh chưa từng xuất hiện trong cuộc đời tôi.”
Em bảo: “Đừng khiến tôi cảm thấy anh ghê tởm nữa được không?”
Em bảo: “Tôi không có người anh hai như anh.”
Em bảo: “Đừng xuất hiện nữa, anh hai à.”
…
Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của em khi ấy – một cái liếc chóng vánh như thể em nhìn tôi thêm giây nào thì giây đó bị phí đi.
Chóng vánh, tựa cái cách bố mẹ vẫn thường nhìn tôi.
Ngay trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm giác mình đang bị cả thế giới gạt ra vậy. Tôi cứ nghĩ tôi sẽ suy sụp lắm, nhưng không, tôi chỉ thấy hơi hụt hẫng thôi. Chắc do tôi đã quen quá rồi, quen đến mức biết thừa mình bị vứt bỏ.
Lẽ ra tôi phải phát rồ lên chứ, giống nửa tiếng trước ấy – khi mà tôi chen vào nơi tổ chức đám cưới của em, tôi vứt hết đống ảnh chung vào người em, mong đổi được chút chú ý từ em.
Giờ thì tôi hiểu rồi.
Chẳng ai chú ý đến cảm nhận của tôi đâu, dù tôi có phát rồ cỡ nào thì chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Cơ bản là không một ai chú ý hết.
*
Trên đường về, tôi nhớ Tiểu Khoa hồi xưa. Nếu em ấy thấy tôi thất thểu như này, em ấy sẽ hỏi han quan tâm tôi. Chúng tôi nương nhau bao lâu nay, tôi còn hình dung được cái vẻ lo lắng của em ấy. Em sẽ giơ nắm đấm lên và nói: “Đứa nào dám làm anh buồn vậy anh hai? Để em đánh nó.”
Rồi tôi bảo: “Em đấy.”
Em ấy sẽ bất ngờ, em cứng nhắc hạ nắm đấm xuống, xòe bàn tay rồi nắm tay tôi: “Em đùa thôi.”
Đùa…
Tôi biết em ấy không có cố ý làm thế mà.
Nếu tôi mất trí nhớ, bỗng một người đàn ông xuất hiện và bảo tôi là người ấy và tôi đang yêu nhau, người ấy cố gắng chứng minh điều đó… mà người ấy còn có quan hệ huyết thống với tôi nữa…
Có khi tôi còn phủi bỏ quan hệ lẹ hơn Tiểu Khoa.
Biết thế đã không nói hết cho em.
Để rồi tôi cũng giữ được hình tượng người anh hai tốt tính, mọi chuyện không căng thẳng như này.
Để rồi tôi cũng gửi lời chúc phúc chân thành cho Diệc Khoa nhân ngày em cưới vợ.
Hối hận? Muộn rồi.
Đã phát rồ.
Tiểu Khoa đã cắt đứt quan hệ với tôi luôn rồi. Chính tôi cũng thấy, nếu phải tìm một cụm từ để mô tả chính xác thì nó sẽ là – mình không còn tương lai nào nữa.
*
Sau hôm nay, em sẽ có một gia đình mới. Hôm đó, tôi có thấy cô dâu – một cô bé dịu dàng xinh xắn mà “họ” thích, rất xứng với Tiểu Khoa.
Lúc em nhìn cô bé và nói “con nguyện ý”, mọi thứ trong tôi tan biến đi. Thì ra, từ tận đáy lòng mình, tôi mong Tiểu Khoa hạnh phúc.
Chỉ là… Chỉ là…
Chiếc dây chuyền mang nhẫn trước ngực lại nhắc tôi rằng, chỉ có tôi bị kẹt lại thôi.
Cả đời này, không cách nào thoát được.
*
Tôi nằm trên sofa chờ ánh nắng từ từ rọi vào nhà. Hồi xưa ấy, lúc bố mẹ đuổi cả hai chúng tôi ra khỏi nhà, chúng tôi chen chúc trong căn trọ chật hẹp chờ nắng đến mỗi ngày. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc nắng vàng phủ lên Tiểu Khoa – hình ảnh ấy đẹp vô cùng. Tôi bèn vẽ lại. Em cũng thường làm mẫu cho tôi vẽ, lần làm mẫu nào em cũng vui vẻ.
Tấm tranh em tỏa nắng hôm ấy, giờ không còn.
Nói đúng hơn thì tôi đã cất công gom tất cả những món nào có liên quan đến em để gửi em. Em vứt sạch, không sót gì.
Tôi tìm giấy, muốn vẽ em nhưng tôi chẳng còn nhớ dáng vẻ ôn hòa của em nữa. Trong đầu tôi lúc này chỉ toàn hình ảnh em mỉa mai, chế giễu tôi.
Tôi vò giấy lại, vứt xuống.
Dưới sàn nhà chi chít cục giấy vo tròn… Nhiều ngày rồi mà tôi vẫn chẳng thiết ăn uống gì, tôi mở tủ lạnh xem có gì bỏ bụng cho qua bữa này hay không.
Chỉ là vẽ lại Tiểu Khoa của ngày xưa một tấm thôi, nhưng tôi không làm nổi.
Chợt hình ảnh em lên đó tuyên thệ kết hôn với cô dâu hiện ra trong đầu tôi.
Dưới góc nhìn của người ngoài cuộc đọc lời tuyên thệ ấy, tôi vẽ em, tôi lại cầm bút lên và vẽ hình ảnh em mặc đồ chú rể trắng tinh khôi.
Quá trình vẫn đau khổ, nhưng thứ tôi dùng để vẽ không còn là quá khứ xưa cũ mà tôi vẫn thường ăn mày bấy lâu nay, là…
Hình ảnh em hạnh phúc, không phiền muộn gì nữa.
Hồi lâu sau, hình như tôi nghe thấy giọng em.
Em bảo: “Anh ơi, ăn cơm thôi.”
*
Tiểu Khoa? Em đến bao lâu rồi? Em đang quan tâm anh sao?
Bất ngờ quá, tôi sợ, rồi tôi bất an. Tôi đã vẽ em mặc đồ chú rể nhiều bức đến thế, liệu em có biết không? Có mắng tôi khiến em thấy tởm như trước? Tôi không muốn bị em mắng.
Tôi giấu tranh sau lưng, trơ mắt nhìn Hạ Diệc Khoa mặc đồ thể dục cấp ba đi vào phòng. Em nhìn tôi hoang mang, em mỉm cười.
Rồi em nghiêm túc nhắc tôi: “Ăn thôi anh, lâu rồi anh chẳng ăn uống đàng hoàng gì cả.”
Hình như em không thấy tấm tranh sau lưng tôi, mà phản ứng của em khiến tôi không biết mình nên làm gì nữa. Sao Tiểu Khoa lại sang đây? Có chuyện gì à? Đây là trò đùa cuộc sống hay là tôi chưa tỉnh mộng?
Tôi thẫn thờ “ừm” một tiếng…
Ghét ghê ấy. Lâu rồi tôi không nói chuyện nên giọng tôi khàn lắm. Tôi mặc đồ ngủ bình thường, nhưng cái thân gầy gò này khiến bộ đồ bị rộng thùng thình, trông như người anh ốm yếu – hoặc người yêu ốm yếu.
Mà Tiểu Khoa không thấy gì hay sao, em cầm bàn tay đang giấu tranh sau lưng tôi rồi kéo tôi vào bếp: “Ăn đi anh. Em có làm món bò kho và cá hầm cải chua anh thích này.”
Tiểu Khoa thật đấy: bò kho, cá hầm cải chua – em ấy nhớ món tôi thích.
Nói đúng hơn thì em ấy là người duy nhất trên đời này nhớ tôi thích gì.
Tôi cảm thấy mình được chữa lành. Tôi hỏi xác nhận: “Em nhớ ra rồi à?”
Em đáp một cách tự nhiên: “Sao em quên anh được? Anh là anh hai em yêu nhất.”
Em vẫn quên anh được đấy thôi…
Tôi lại không nói điều có thể khiến cả hai chúng tôi sượng nữa… Cái giọng khàn đặc khó chịu này không nên phát ra bất cứ âm thanh nào.
Rồi em thấy những tấm tranh ấy, em bất ngờ, em chớp mắt, em hỏi tôi: “Anh hai đang tưởng tượng cảnh anh kết hôn với em ạ?”
Tôi gian nan đáp lại: “Ừ.”
Em đặt tranh qua một bên rồi kéo tôi đến bàn ăn. Các món đã lên, toàn là món tôi thích.
– Ăn trước đã nhé? Ăn xong mình hẹn hò nè. – Em vào bàn, tâm trạng tốt – Lâu rồi không đi hẹn hò với anh.
Tôi nằm mơ chưa tỉnh à? Tôi đang nhìn các món đã lên thì cơn đau dạ dày ập đến. Tôi không muốn uổng công em vào bếp nên vội cầm đũa dùng bữa.
Chắc do lâu ngày không ăn uống đàng hoàng, tôi thấy đồ ăn hôm nay nhạt.
Hơi khó chịu một chút, vậy mà khi thấy em nhìn thì bao khó chịu hóa thành niềm hạnh phúc:
– Ngon quá, ngon thật đấy. Hẹn hò nữa, lâu rồi mình không đi hẹn hò.
*
Chúng tôi chọn núi Cảnh Đức làm địa điểm hẹn hò.
Hôm nay trời đẹp. Tiết trời cuối tháng 5 thoáng đãng, thời tiết hợp hoạt động leo núi lắm. Hồi xưa Tiểu Khoa cũng thường kéo tôi đến đây, ngọn núi này chứa quá nhiều kỷ niệm của chúng tôi.
Chúng tôi mua bánh đậu xanh dưới chân núi.
Trong quá trình leo núi, chúng tôi có dừng chân tại chùa Thanh Đức. Lúc cầu Phật xong, Tiểu Khoa vẫn nhìn tôi với vẻ tò mò như cũ. Em ấy hiếu kỳ về lời cầu nguyện của tôi, như cũ thôi, tôi không tiết lộ cho em.
Lộ ra thì lời cầu nguyện đó không còn linh nữa.
Chúng tôi lên đến đỉnh vào lúc trời sắp tối.
Cùng nhau ngắm mặt trời lặn.
Du khách về dần.
Khi không còn ai, Tiểu Khoa nhẹ nhàng tháo dây chuyền trước cổ tôi ra.
– Thanh Nhiên à, em…
Tôi nín thở.
– Em… em đeo nhẫn vào tay anh nhé? Thế là chúng ta đã kết hôn với nhau rồi đấy.
Hơi sớm, nhưng tôi vẫn cảm động. Em ấy chú ý đến tranh tôi vẽ, dù em không biết cảnh đám cưới ấy do tôi chứng kiến rồi vẽ hay nằm mơ mà họa, nhưng em có chú ý đến cảm nhận của tôi.
Vậy là đủ rồi.
Tôi đưa tay ra, em dịu dàng đeo nhẫn vào ngón áp út của tôi.
Mọi cảm giác đã được ghi nhận lại.
Tôi hơi xìu xuống:
– Tiếc quá, chỉ có một cái nhẫn… Làm sao bây giờ?
Em chán nản:
– Ôi, em quên mang theo cái của em.
Trong đầu tôi tua lại hình ảnh chiếc nhẫn bị Diệc Khoa vứt vào thùng rác chung với đống ảnh chụp. Tôi lắc đầu nguầy nguậy.
– Không sao đâu. – Tôi tháo chiếc nhẫn ở ngón áp út mình ra và nói với em – Để anh đeo cho em.
Cái nhẫn này sẽ lưu hơi ấm từ ngón áp út của hai chúng tôi.
Khoảnh khắc ánh nắng tắt lịm, tôi đã đeo nhẫn cho em xong.
Lời cầu nguyện của tôi hồi trước vẫn luôn là “mãi bên em”.
*
Màn đêm buông xuống, thân ảnh em biến mất khỏi tầm nhìn của tôi, mất chung với nắng chiều hôm ấy.
*
Còn năm nay, chỉ là “mong em hạnh phúc”.
Kể cả khi tôi không còn ở đây nữa.
Hết.