Đức Phật Và Nàng

Chương 39



Tôi đến
văn phòng chủ nhiệm khoa lịch sử của trường để nộp đơn xin học tiếp tiến sĩ.
Thực ra mọi việc đã được sắp xếp ổn thỏa, nộp đơn chỉ là vấn đề thủ tục mà
thôi.

Từ cửa
sổ văn phòng vẳng ra tiếng trò chuyện. Thầy đang tiếp khách. Tôi do dự, không
biết có nên vào hay không.

Khoa
lịch sử là khoa nghèo nhất trường, tòa nhà văn phòng khoa đã cũ nát, được xây
dựng từ những năm bảy mươi, nên chất lượng cách âm của các bức tường rất kém.
Dù không để tâm lắng nghe, tiếng trò chuyện trong phòng vẫn rót vào tai tôi.

– Anh
Quý, các tình nguyện viên khác đều đã thất bại, không còn cách nào khác chúng
tôi mới phải nhờ đến anh. Tính đến nay, mới chỉ có em ấy “vượt” thành công, mà
lại thành công những hai lần.

Giọng
nói này nghe rất quen.

– Anh
đừng cố thuyết phục nữa, tôi không đồng ý đâu. Em ấy còn trẻ, lỡ phải bỏ mạng
vì cuộc thí nghiệm này thì sao?

Đây là
giọng của sếp, nghe sao mà nặng nề đến vậy!

– Không
nghiêm trọng đến mức ấy đâu. Chúng tôi đã cải tiến thiết bị…

– Dù có
cách tân đến mấy, anh có dám bảo đảm em ấy sẽ không phải chịu bất cứ tổn thương
nào không? Hậu quả của lần vượt thời gian vừa rồi anh thấy cả rồi đấy. May mà
các anh còn chút lương tâm, đã huy động lực lượng y bác sĩ giỏi nhất cả nước
mới cứu được cánh tay của em ấy.

Tôi
giật mình, thì ra sếp đang nói về tôi, vội vàng ghé tai lắng nghe.

– Quả
thật chúng tôi đã rất tắc trách vì không xét đến vấn đề nhiễm phóng xạ. Nếu em
ấy không bị thương, có thể chúng tôi vẫn còn chủ quan cho rằng mọi thứ đều an
toàn. Nhưng nếu em ấy thận trọng hơn, không để xảy ra thương tích, thì có lẽ
vấn đề sẽ không nghiêm trọng…

Tôi đã
nhận ra, đó là giọng nói của giáo sư Lý, người phụ trách nhóm nghiên cứu.

– Sao
lại không nghiêm trọng?

Sếp cao
giọng ngắt lời giáo sư Lý.

– Mỗi
lần tiếp xúc với cỗ máy đó là một lần nhiễm phóng xạ. Cả cái đồng hồ vượt thời
gian và bộ áo chống phóng xạ ấy nữa, đều là những nguồn gây nhiễm, có thể gây
tổn hại cho sức khỏe của em ấy bất cứ lúc nào.

– Nếu
em ấy không ở lại đó quá lâu, thì sẽ không việc gì.

Giáo sư
Lý vội vàng thanh minh:

– Lần
này, chúng tôi không yêu cầu em ấy ở lại quá lâu, chỉ cần đủ để kiểm chứng chức
năng định vị thời gian và địa điểm mà chúng tôi mới phát minh có thành công hay
không thôi. Chúng tôi hứa sẽ sử dụng thiết bị điều trị tốt nhất, có thể giúp cơ
thể phục hồi nhanh chóng sau khi em ấy trở về.

– Các
anh đã thử nghiệm nhiều lần các chức năng mới rồi đấy thôi và lần nào thiết bị
cũng gặp trục trặc trước khi vượt.

– Chúng
tôi đã rút kinh nghiệm của những lần trước, chúng tôi tin lần này nhất định sẽ
thành công. Anh Quý à, anh cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử. Lẽ nào anh không
cảm thấy, việc chúng ta có thể quay trở về bất cứ thời điểm và không gian lịch
sử nào, ví như được tận mắt chứng kiến thời kỳ oai hùng khi Tần Thủy Hoàng
thống nhất Trung Quốc, nghiệm chứng tính xác thực của sự biến Huyền Vũ Môn,
thậm chí có thể tham dự ngày Quốc khánh và được nhìn thấy chủ tịch Mao Trạch
Đông, thủ tướng Chu Ân Lai, là rất tuyệt vời hay sao?

Giọng
nói thầy Lý tràn đầy niềm tin về một viễn cảnh tươi đẹp.

– Anh
Quý, chúng tôi chỉ cần một tình nguyện viên là đủ.

– Không
được, việc đó quá mạo hiểm, tôi không thể…

– Em
đồng ý.

Tôi đẩy
cửa bước vào, tự tin lên tiếng trước sự sững sờ của hai vị học giả.

– Nhưng
em sẽ chọn địa điểm và thời gian.

– Được
chứ, không vấn đề gì.

Thầy Lý
vui mừng gật đầu.

– Chỉ
cần em nhận lời tham gia, đến thời đại nào là do em quyết định.

– Thưa
thầy, sức khỏe của em có thể chịu đựng trong bao lâu?

Thầy Lý
tỏ ra hơi lúng túng:

– Điều
đó chưa thể xác định ngay lúc này vì không có số liệu. Nhưng nếu em nhanh chóng
quay về…

Tôi
ngắt lời thầy, mạnh dạn đề nghị:

– Em
muốn đến Khâu Từ năm 384.

Thầy
Quý giật mình ngẩng lên, nhìn tôi đăm đăm.

Tôi trở
lại khu vực thực nghiệm quen thuộc, bận rộn với các hạng mục kiểm tra, rèn
luyện sức khỏe, uống thuốc tăng cường sức đề kháng. Các cán bộ nghiên cứu mỗi
ngày đều đến ghi chép số liệu về sức khỏe của tôi, tính toán thận trọng từng
con số. Đầu tháng Tám sẽ bắt đầu chuyến vượt thời gian thứ năm của tôi.

Tận
dụng thời gian rảnh rỗi, tôi tìm đọc tất cả các tài liệu về Rajiva và thời kỳ
Thập lục quốc. Cố gắng ghi nhớ mọi thứ, biết đâu sẽ có ích về sau.

Nhưng
có nhiều tài liệu, càng đọc càng thấy khó hiểu. Bởi vì những ghi chép về Rajiva
đều quá ư ngắn ngủi, hàm súc, thậm chí tồn tại nhiều mâu thuẫn. Ví như năm
sinh, năm mất của Kumarajiva.

Có hai
quan điểm khác nhau về thời gian Kumarajiva qua đời: Trong “Truyện cao tăng”
của nhà sư Tuệ Giảo, nhà Lương, thời Nam triều viết: “Kumarajiva mất ở Trường
An ngày hai mươi tháng Tám năm thứ mười một đời Hoằng Thủy nhà Hậu Tần, cũng
chính là năm thứ năm đời Nghĩa Hy nhà Đông Tấn”. Như vậy tức là năm 409 sau
Công nguyên. Nhưng trong “Văn tế Pháp sư Kumarajiva”, Tăng Triệu lại viết:
Kumarajiva mất tại một ngôi chùa lớn vào ngày mười ba tháng Tư năm Quý Sửu,
hưởng thọ bảy mươi tuổi”. Năm Quý Sửu tức là năm thứ mười lăm đời Hoằng Thủy,
chính là năm 413 sau Công nguyên.

Nếu căn
cứ theo quan điểm của Tăng Triệu, thì năm sinh năm mất của Kumarajiva sẽ là 344
– 413 sau Công nguyên (hưởng thọ bảy mươi tuổi). Nhưng nếu căn cứ theo quan
điểm của Tuệ Giảo thì niên đại đó là 350 – 409 sau Công nguyên (hưởng thọ sáu
mươi tuổi). Hầu hết các học giả trong giới học thuật đều đồng tình với quan
điểm của Tăng Triệu, vì Tăng Triệu nhận mình từng theo học Kumarajiva hơn mười
năm và ông qua đời sau Kumarajiva một năm, do đó tính thiếu chính xác trong
quan điểm của Tăng Triệu là rất thấp. Và bởi vậy, trong đại hội Phật giáo Trung
Quốc – Nhật Bản lần thứ năm, học giả hai nước đã thống nhất tiến hành các cuộc
nghiên cứu, thảo luận về Kumarajiva dựa trên năm sinh và năm mất của nhà sư là
344 – 413 sau Công nguyên.

Nhưng
tôi lại cho rằng Tuệ Giảo đã đúng. Lữ Quang ép buộc Rajiva phá giới, chính vào
năm 384 sau Công nguyên, mà tôi đã yêu cầu được đến, khi ấy Rajiva vừa tròn ba
mươi lăm tuổi. Lời cảnh báo của vị hòa thượng lúc Rajiva còn nhỏ khiến người ta
không khỏi bàng hoàng về sự trớ trêu của số phận.

Sách
“Tấn thư” viết: “Lữ Quang biết Kumarajiva là bậc tài trí hơn người, nhưng tuổi
còn quá trẻ, nên đã bày trò ép nhà sư lấy công chúa Khâu Từ”. Tức là vì thấy
Rajiva tuổi còn trẻ, nên Lữ Quang mới ép cậu thành thân. Nếu khi ấy, Rajiva đã
bốn mươi mốt tuổi, thì vào thời đại đó, không thể nói là cậu còn trẻ. Nếu là ba
mươi lăm tuổi thì còn có lý. Nhưng lẽ nào chỉ vì thấy Rajiva tuổi còn quá trẻ
mà Lữ Quang đã ép cậu ấy phá giới? Đằng sau câu chữ ngắn ngủi, ít ỏi kia ẩn
giấu bao nhiêu điều bí mật? Tôi nhất định phải tới đó để chứng thực chuyện gì
đã xảy ra?

Bao suy
nghĩ chất chứa khiến tôi không khỏi lo lắng. Kể từ khi quay lại khu vực thực
nghiệm, không đêm nào tôi được ngon giấc. Vừa mong ngóng thời khắc tiến hành
thí nghiệm để có thể nhanh chóng trở về bên cạnh cậu ấy, nhưng lại vừa lo sợ,
trở về đó tôi sẽ phải chứng kiến cảnh tượng mà tôi không mong muốn. Chuyện gì
đã xảy ra trong suốt mười một năm đó? Ai có thể lưu giữ tình cảm của mười một
năm trước? Nếu đây không phải là cơ hội duy nhất, chắc chắn tôi sẽ lựa chọn
được trở về thời điểm Rajiva vội vàng quay lại thành Khâu Từ để gặp tôi lần
cuối. Theo lý thuyết xác suất, nếu hai người yêu nhau có thể chờ đợi đối phương
với tỉ lệ cùng đạt tám mươi phần trăm, thì sác xuất họ có thể sống bên nhau là
tám mươi nhân tám mươi bằng sáu mươi tư phần trăm. Con số này khiến tôi không
khỏi ảo nảo. Nhưng, cho dù chỉ là một phần trăm, tôi cũng vẫn muốn đi. Vì nếu ở
lại thế giới hiện đại này, tôi sẽ như kẻ mất hồn, trái tim tôi, từ lâu, đã
không thuộc về nơi này nữa.

Tôi gọi
điện cho bố mẹ. Họ không hề hay biết tôi tham gia dự án này. Tôi chỉ muốn thông
báo với họ tôi vẫn khỏe, nhưng tôi phải đến một nơi bí mật để tham gia một dự
án nghiên cứu đặc biệt, có thể mất vài năm hoặc lâu hơn nữa. Và vì là bí mật
nên tôi sẽ không thể gọi điện cho họ được. Tôi động viên bố mẹ, nói rằng xin cứ
yên tâm vì tôi rất khỏe mạnh và an toàn.

Nhưng
dù là vậy, bố mẹ vẫn rất lo lắng, tôi cố gắng giữ giọng nói thoải mái, vui
tươi, nhưng vừa cúp máy, nước mắt đã đầm đìa. Tôi là con một, nhưng tôi đã
không thể trọn đạo, tôi không phải người con có hiếu…

Buổi
tối trước ngày tiến hành thí nghiệm, “sếp” đã đến tìm tôi. Thầy trò tôi ngồi
trò chuyện trên thảm cỏ bên ngoài khu vực thực nghiệm.

– Vì
Kumarajima phải không?

Tôi bối
rối.

– Em
nghĩ thầy không đoán ra được ư?

Thầy
thở dài:

– Cả
hai lần vượt thành công em đều gặp Kumarajiva, lại là vào lúc cậu ấy ở độ tuổi
thiếu niên và thanh niên. Thầy đọc tài liệu lịch sử cũng hết sức ngưỡng mộ
Kuramajiva tài trí trác tuyệt thời trẻ. Huống hồ một cô gái trẻ như em, hơn nữa
em lại được gặp con người tài hoa đó ngoài đời thực.

Tôi chỉ
biết cúi đầu, lặng yên.

– Xưa
nay em vẫn là cô gái thông minh và lý trí, lẽ nào vì tình yêu mà trở nên mê
muội như vậy?

– Thưa
thầy, thầy đã trải qua tuổi trẻ và cũng đã từng yêu, đúng không ạ?

Tôi
ngẩng lên, mọi thứ trước mắt bỗng trở nên nhạt nhòa.

– Chính
vì em mạnh mẽ, lý trí và tôn trọng lịch sử, nên em đã chọn cách từ bỏ. Nhưng
giờ đây em đã hối hận, sau khi trở về, ngày nào em cũng hối hận, hối hận vì đã
không ích kỷ hơn. Nên em quyết định đi tìm cậu ấy, em không muốn nghĩ đến lịch
sử hay bất cứ điều gì khác…

– Nhưng
em nghĩ chuyến đi này có thể thay đổi điều gì?

Giọng
thầy đượm vẻ bất lực.

– Em đã
biết chuyện gì xảy ra rồi đó, vị hôn thê của Kumarajiva là công chúa Khâu Từ.

– Em
biết.

Hai
hàng nước mắt đuổi theo nhau trên gò má rồi lặng lẽ rơi xuống đám cỏ.

– Đây
là thời điểm cam go nhất trong cuộc đời cậu ấy, em muốn ở bên để chia sẻ với
cậu ấy. Em luôn có linh cảm rằng, cậu ấy đang chờ em, đang mong ngóng em trở
về. Nhưng cũng có thể em sẽ chẳng giúp được gì. Nếu đúng theo ghi chép của sử
sách, thì cậu ấy đã có người ở bên cạnh. Nếu vậy, em sẽ lặng lẽ chúc phúc cho
cậu ấy, sau đó sẽ quay lại tiếp tục cuộc sống của mình ở nơi này.

Sếp tôi
lại buông một tiếng thở dài nặng nề.

– Bây
giờ thầy có yêu cầu em đừng thay đổi lịch sử, em cũng không nghe, đúng không?

Tôi cắn
môi, khổ sở đáp lời:

– Thầy
luôn cảnh báo em không được thay đổi lịch sử, nhưng biết đâu, em lại chính là
người thúc đẩy sự phát triển của lịch sử.

Thầy
yên lặng hồi lâu:


Chương Hy đã gọi cho thầy.

Tôi
ngạc nhiên. Từ lúc biết mình có cơ hội trở về bên cạnh Rajiva, tôi đã nói lời
chia tay với anh bạn cùng trường. Thực ra, kể từ khi nhận lời anh ấy, chúng tôi
hầu như không ngồi trò chuyện riêng với nhau bao giờ. Anh ấy hẹn tôi đi ăn cơm
hay đi xem phim, tôi đều kiếm cớ thoái thác. Bởi vậy, chia tay chỉ là thủ tục.
Chúng tôi không giống một đôi đang yêu nhau chút nào. Nên tôi khá bất ngờ khi
anh ấy gọi điện cho sếp.

– Cậu
ấy nhờ thầy nói với em, rằng cậu ấy sẽ chờ cho đến khi em tỉnh mộng.

Tôi
cười buồn. Chắc chắn thầy đã nói cho anh ấy biết lí do thực sự của lần vượt
thời gian này của tôi. Chờ tôi ư? Chờ đợi một người không thật lòng yêu mình
trong viễn cảnh vô vọng như vậy ư? Con người thời hiện đại mấy ai có thể làm
được như thế?

– Thầy
ơi, nếu em không muốn tỉnh lại thì sao?

– Cô
nhóc này, em đừng quên, dù em và cậu ấy có tâm đầu ý hợp đến đâu, đó cũng chỉ
là một giấc mộng phù vân mà thôi. Nơi đây mới là ngôi nhà thực sự của em, mới
là cuộc sống hiện thực của một người bình thường.

Thầy
trở nên nghiêm khắc:

– Mỗi
lần vượt thời gian, tia phóng xạ tích tụ trong cơ thể sẽ dần dần phá hủy hệ
thống miễn dịch của em, em phải nhanh chóng quay về điều trị. Đừng vội đắc ý,
thầy biết con gái khi yêu thường mất hết lí trí, nhưng vì tình yêu mà đánh đổi
cả tính mạng thì chẳng có gì là vĩ đại cả.

Thầy
ngừng lại giây lát.

– Vì
tình yêu, người ta phải tiếp tục sống, như thế mới vĩ đại. Thầy đã yêu cầu họ
chế tạo loại pin có tuổi thọ dài nhất từ trước đến nay, em có thể quay về trong
vòng hai năm. Mang theo đồng hồ vượt thời gian và áo chống phóng xạ ít nhiều sẽ
gây tổn tại cho sức khỏe, nhưng em vẫn phải giữ gìn cẩn thận. Vì trong thời đại
loạn lạc ấy, biết đâu những thứ đó có thể cứu em.

Tôi gật
đầu, lặng lẽ ngước nhìn bầu trời đêm. Đêm mùa hạ mà không thấy bóng dáng một
ngôi sao nào, ở thời đại này, mức độ ô nhiễm sao mà đáng sợ đến vậy!

Tôi nằm
trên bàn thí nghiệm, mọi người đã lục tục kéo ra khỏi căn phòng kín bưng. Sếp
đột ngột lại gần tôi, ghé vào tai tôi, nói khẽ:

– Nhớ
đừng làm chuyện dại dột. Khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, chỉ cần em
chịu quay về, sẽ có thêm cơ hội gặp lại.

Thầy
nắm chặt tay tôi:

– Hãy
cẩn trọng, đừng để bị thương.

Nhìn
tôi thêm một lần nữa, rồi mới quay lưng bước ra ngoài. Mắt tôi nhòe ướt khi ngó
theo bóng dáng già nua ấy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.