Nghìn Dặm Sơn Hà Đối Giai Nhân

Chương 14



– Đang làm gì á? May áo cho tình nhân hả?

Tịnh Dung chợt đỏ mặt, trừng mắt, giơ tay lên muốn đánh Tịnh Nhu:

– Ngươi lại nói bậy! Ta ở đâu lại có tình nhân? Hừ! Ngươi…nghe nói là ngươi sắp vào cung phải không?

Tịnh Nhu gật đầu:

– Ừ, ta vào cung. Có nhắn gửi gì với công chúa của ngươi không ta nhắn giúp cho.

Tịnh Dung lắc đầu, hời hợt nói:

– Ngươi vào đó, đừng có gây chuyện với Thanh Huyền là được rồi. Nàng ấy là bằng hữu duy nhất của ta. Ngươi…đừng có nói xấu ta. Đừng để nàng tuyệt giao với ta là tốt rồi.

Tịnh Nhu bĩu môi, đi một vòng đến nhìn nhìn cái áo trong tay Tịnh Dung nói:

– Ngươi may cái gì mà lén lén lút lút vậy? À mà nếu sợ người ta phát hiện, tại sao không đóng cửa rồi hãy may?

Tịnh Dung chu môi lên, thật muốn nói nhưng nghĩ lại, chợt nuốt xuống. Nàng gượng gạo đáp:

– Ngươi nhiều chuyện quá! Mặc kệ ta. Ngươi đi vào cung của ngươi đi!

Tịnh Nhu cười cười không nói nữa. Nàng quay bước đi ra. Nhưng vừa đi ra đến cửa, nàng chợt quay lại gọi:

– Dung nhi!

Tịnh Dung kinh ngạc ngẩng lên:

– Hả?

Tịnh Nhu không nói gì, lại chỉ cười cười lắc đầu rồi bỏ đi. Tịnh Dung nhìn theo bóng lưng nàng đi khuất rồi, oán giận bóp chặt cái áo trong tay, nhưng vẻ mặt thì không hề có chút tức giận:

– Đáng ghét! Ngươi hôm nay lại dám trêu chọc ta! Được lắm Tịnh Nhu, đợi bổn tiểu thư hết hạn bị phạt, ta lại cho ngươi nếm mùi! Hứ!

Trong cung Bảo Hoa, Tịnh Nhu vừa bước vào, đã thấy Thanh Huyền ngồi ngay tiền sãnh. Trước mặt nàng còn một bàn điểm tâm bảy món bày trí long trọng. Tịnh Nhu đi đến trước Thanh Huyền, khom người cúi đầu nói:

– Phạm Tịnh Nhu tham kiến Huyền Bảo công chúa!

Thanh Huyền ngước lên nhìn nàng mỉm cười nhỏ nhẹ nói:

– Không cần đa lễ. Ngươi ngồi đi!

Tịnh Nhu gật đầu:

– Đa tạ công chúa!

Thanh Huyền chỉ vào bàn điểm tâm trước mặt nói:

– Ngươi ăn đi. Bữa sáng này bổn cung chuẩn bị cho ngươi đấy!

Tịnh Nhu tròn xoe mắt nhìn Thanh Huyền, sau đó cười gượng đáp:

– Thật ra trước khi vào cung, nghĩa mẫu đã chuẩn bị điểm tâm cho Tịnh Nhu rồi…

Nàng còn chưa nói xong, chợt nhìn thấy trong ánh mắt của Thanh Huyền dường như có một chút thất vọng. Tự nhiên, Tịnh Nhu lại buột miệng nói thêm:

– Nhưng mà…nếu công chúa không chê ta háu ăn quá, ta có thể còn ăn thêm được nữa!

Thanh Huyền liền che miệng cười, chỉ tay vào đĩa điểm tâm nói:

– Được, vậy ngươi ăn đi. Ăn xong rồi cùng ta đến chỗ của Đặng thái phó luyện đàn.

Tịnh Nhu chớp đôi mắt tròn xoe, vẻ mặt cười tươi cầm đũa gắp thức ăn cho vào chén mình rồi đưa lên miệng nhai liên tục. Chỉ một loáng, cả bàn thức ăn chỉ còn lại ít rau củ trang trí. Tịnh Nhu đứng dậy, đưa tay vỗ cái bụng căng cứng của mình, quay mặt sang phía sau, ợ lên một tiếng. Thanh Huyền và Ngọc Thúy phải nhíu mày. Thật không thể tin nỗi trên đời lại có một nữ nhân…không có phép tắc một chút xíu nào thế kia!

Thanh Huyền đứng dậy trước, bước ra cửa. Ngọc Thúy cũng ôm đàn đi theo sau. Tịnh Nhu là nặng nhọc nhất, nàng ôm cả cái bụng căng phồng, khệ nệ từng bước đi theo sau. Ôi, thật là tham quá thì thâm! Nàng chưa bao giờ nghĩ đời mình lại có lúc được ăn nhiều đến như thế. Bữa ăn sáng của ngày hôm nay có khi còn nhiều bằng bữa ăn một tuần của nàng ở kiếp trước. Nghĩ đến được ông trời hậu đãi, Tịnh Nhu không thể không nhìn lên trời mà cảm kích tán thán. Chỉ nhưng mà…ăn no quá, thật sự cũng khó chịu lắm. Nàng nghĩ nghĩ, lại nhớ đến nội công tâm pháp mà sư phụ Trần Định Thế đã dạy. Nàng liền vận dụng, dùng chân khí di chuyển phân tán khắp cơ thể. Chỉ trong khoảnh khắc, nàng liền thấy nhẹ nhỏm cả người. Thật phải nói người cổ xưa có võ công nội gia thật sự hay quá nhỉ! Ngay cả ăn không tiêu, bội thực cũng có thể áp dụng để trị liệu!

Thanh Huyền thấy Tịnh Nhu đi càng lúc càng chậm, nàng chợt quay lại hỏi:

– Tịnh Nhu, ngươi làm sao lại đi chậm thế?

Tịnh Nhu nghe gọi, mới hoàn hồn vội nhảy phốc một cái đã thình lình xuất hiện trước mặt Thanh Huyền. Chỉ một chút xíu nữa, là nàng chạm dính luôn vào người Thanh Huyền rồi. Thanh Huyền bị nàng tiếp cận quá gần, theo bản năng, tự nhiên lùi lại, nói:

– Ngươi không cần phải lo. Ta biết ngươi không biết chữ. Cầm kì thi họa cái gì cũng không biết. Ta tự sẽ nói với thái phó, ngươi chỉ là đến để giúp ta đỡ buồn chán mà thôi. Thái phó cũng không ép ngươi đâu.

Mắt của Tịnh Nhu mở to hết cỡ. Miệng của nàng cũng hả ra đến mức nuốt được cả quả trứng to. “Ông bà tổ tiên linh thiêng của tôi ơi! Huyền Bảo công chúa, ngài thật rãnh đến mức như vậy luôn? Nhờ đến cả hoàng thượng hạ thánh chỉ gọi ta vào cung, chỉ là để ngồi đó nhìn nàng học, cho nàng đỡ buồn chán thôi ư? Vậy mà ông vua cũng chiều? Eo ơi, đúng là công chúa, muốn gì được nấy!”

Đặng thái phó bày bàn trong hậu viên của cung Bảo Hoa. Thanh Huyền chính là học sinh duy nhất của Đặng thái phó. Trước mặt nàng và ông đều có cây tam thập lục huyền cầm. Tịnh Nhu mang tiếng là đồng học của công chúa. Nhưng thật ra, nàng chỉ là kẻ đến xem chơi thôi. Trong khi Thanh Huyền luyện đàn, nàng nhảy lên ngồi gọn trên một chiếc ghế phía sau Đặng thái phó, co chân rúc người tựa vào thành ghế ngủ ngon lành. Đặng thái phó đàn trước một nhạc khúc. Thanh Huyền cũng luyện theo ông nhạc khúc ấy. Bài nhạc khúc cổ xưa, giai điệu trầm trầm, chậm rãi. Nghe buồn buồn mà lại quá êm tai đến mức gần như không cảm xúc. Nhờ như vậy, Tịnh Nhu nghe đến ngủ ngây ngất, một chút cũng không cảm nổi đến khung cảnh xung quanh. Thanh Huyền cũng càng đàn càng chán. Cuối cùng thì nàng đẩy mạnh tay làm đứt phăng dây đàn. Ngón tay nàng cũng chảy máu. Đặng thái phó liền giật mình, dừng đàn đứng dậy xem vết thương của Thanh Huyền:

– Công chúa! Người có sao không? Người đâu, truyền ngự y!

Ngọc Thúy vừa định xoay người đi truyền ngự y, Thanh Huyền đã nói:

– Không sao. Không cần đâu. Ta chỉ bị thương nhẹ.

Nàng nói xong, vô tình mắt lại nhìn đến cái kẻ đang ngủ say sưa kia. Tự nhiên trong lòng nàng có một chút nheo nhéo khó chịu. Đáng ghét cái kẻ ham ăn ham ngủ vô tình vô nghĩa kia! Nàng ở ngay trước kẻ ấy mà bị thương thế nhưng ả một chút cũng không hay biết? Vậy nhưng lại còn ngủ đến ngon lành?

Ánh mắt của Thanh Huyền không qua được mắt của Đặng thái phó. Ông nương theo mắt nàng, cũng quay đầu lại nhìn thấy Tịnh Nhu đang ngủ. Ông liền hắng giọng một tiếng gọi to:

– Phạm Tịnh Nhu! Ngươi đến đây là để ngủ hay sao?

Tịnh Nhu vừa nghe gọi đến tên liền giật mình bật dậy. Nàng bước đến trước mặt Đặng thái phó và Thanh Huyền. Vừa lúc nhìn thấy Thanh Huyền đang cầm ngón tay bị chảy máu. Tịnh Nhu không cần suy nghĩ liền cầm lấy ngón tay nàng ấy đưa vào miệng mình mút lấy. Máu kia cũng nuốt luôn vào bụng. Thanh Huyền trợn mắt nhìn hành động của Tịnh Nhu. Đặng thái phó thì kinh hoảng đến mặt cũng biến đen, ông quát lên:

– Ngươi…nữ nhân to gan! Ngươi sao có thể mạo phạm ngọc thể của công chúa? Còn không mau bỏ tay công chúa ra?

Tịnh Nhu bỏ tay Thanh Huyền ra, nhìn sang Đặng thái phó rồi lại nhìn sang Thanh Huyền thản nhiên nói:

– Ông làm gì la dữ vậy? Khi bị đứt tay, nên ngậm vào miệng để cầm máu. Vừa tránh nhiễm trùng, lại vừa giảm đau. Kinh nghiệm xương máu của tôi đó.

Mặt của Đặng thái phó biến thành màu tím. Thật sự không thể tin nổi đời ông lại gặp được một nữ nhân vô lễ, vô lại, vô pháp vô thiên, đến mức vô tưởng thế này! Ông chỉ tay vào mặt nàng, muốn lập tức cho người tống nàng biến khỏi cung Bảo Hoa này ngay. Thế nhưng, ông còn chưa mở miệng, Tịnh Nhu đã nói:

– Mà thái phó ơi, bài nhạc này của ông quả thật nghe chán chết được. Thật tình, ông bắt công chúa đàn đi đàn lại mấy bài này, công chúa không chán phát điên là hay lắm rồi. Không lẽ ông không có bài nào giai điệu du dương nhiều cảm xúc tình tứ lãng mạn hơn hay sao?

Đặng thái phó tức đến đập bàn:

– Ngươi nói cái quái gì đây? Phạm Tịnh Nhu, ngươi…ngươi muốn làm loạn hay sao? Trơi ơi, công chúa, ả nữ nhân này thật sự không biết một chút nào về cầm nghệ. Công chúa không nên để ả đến đây. Ả thật sự chính là gây rối!

Tịnh Nhu nhún vai:

– Ôi, nói thật luôn mất lòng! Nhưng mà thái phó, ông nói ta không biết gì về cầm nghệ ta nhận. Nhưng ta lại biết nhiều bài nhạc hay hơn của ông nhiều lần. Ta không biết đàn, nhưng ta có thể hát. Nếu ta hát ra, mà ông đàn được. Ta sẽ quì xuống xin lỗi ông. Còn nếu ông đàn không được, sau này trước khi đến dạy công chúa, hãy tìm thêm vài nhạc khúc nào nhịp nhàng hơn, hoặc tệ lắm cũng phải phù hợp với lứa tuổi của công chúa một chút. Bài vừa rồi ta thấy không được rồi đấy. Nhạc khúc ấy, thật sự chỉ thích hợp để nghe ngủ mà thôi!

Đặng thái phó cố hết sức kìm nén. Chỉ còn một chút nữa thôi, ông xì khói lỗ mũi mất. Thật là gần sáu mươi tuổi đời, lần đầu tiên ông lại bị một đứa nhỏ chọc tức đến như vậy. Đứa nhỏ này còn dám chê nhạc khúc của ông chỉ dành để nghe ngủ sao? Thật là không thể tha thứ! Đặng thái phó gằn giọng nói:

– Được, vậy ngươi hát đi! Nếu nhạc khúc của ngươi không ra gì, ta lập tức đuổi ngươi ra khỏi cung Bảo Hoa,đồng thời cũng báo lại với quan gia hành vi quá quắt của ngươi. Ngươi liệu cho tốt đi!

Tịnh Nhu bĩu môi, ngồi xuống ghế cạnh Thanh Huyền, lật chén trà úp xuống bàn, lại dùng hai que gỗ gõ lên đế chén, vừa nghêu ngao hát:

– Phận là con gái, chưa một lần yêu ai

Nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài

Cảnh nhà neo đơn, bầy em chưa lớn trĩu đôi vai gánh nhọc nhằn

Thầy mẹ thương em nhờ tìm người se duyên

Lòng cầu mong em đậu bến cho yên một bóng thuyền

Lứa đôi tình duyên còn chưa lưu luyến

Sợ người ta đến em khóc sau bao lời khuyên.

Chưa yêu lần nào biết ra làm sao

Biết trong tình yêu như thế nào

Sông sâu là bao nào đo được đâu

Lòng người ta ai biết có dài lâu

Qua bao thời gian sống trong bình an

Lỡ yêu người ta gieo trái ngang

Nông sâu tùy sông làm sao mà trông

Chưa đỗ bến biết nơi nào đục trong

Rồi người ta đến theo họ hàng đôi bên

Một ngày nên duyên một bước em nên người vợ hiền

Bỏ lại sau lưng bầy em ngơ ngác đứng trông theo mắt đượm buồn

Thầy mẹ vui hơn mà lệ tràn rưng rưng

Dặn dò con yêu phải sống theo gia đạo bên chồng

Bước qua dòng sông hỏi từng con sóng

Đời người con gái không muốn yêu ai được không?”

Tiếng hát vừa dứt, Đặng thái phó trơ mắt ngơ ngác nhìn nàng. Trong khi Thanh Huyền và Ngọc Thúy đang rưng rưng ửng lệ. Đặng thái phó chớp mắt, nhìn Tịnh Nhu, một lúc sau, ông quay mặt đi, thở dài nói:

– Ai! Nhạc khúc của ngươi kì quái, lời hát lại khó nghe. Ta không đàn được!

Thanh Huyền chợt nhiên đứng dậy, nhìn Đặng thái phó nói:

– Bổn cung có thể đàn được. Đặng thái phó, nhạc khúc này bổn cung rất thích! Ta sẽ đàn cho ngài nghe thử. Ngài bình phẩm giúp ta!

Đặng thái phó kinh ngạc đến há hốc miệng. Thanh Huyền ngồi xuống bên đàn, vừa định hạ tay xuống cung đàn, Ngọc Thúy đã kêu lên:

– Công chúa, tay người đã bị thương, sợ là đàn nữa sẽ lại chảy máu.

Thanh Huyền còn chưa đáp lời lại, Tịnh Nhu ở bên đã xé vạt trong áo của mình lấy vải băng lên ngón tay Thanh Huyền, khẽ cười nói:

– Quấn dày một chút, công chúa đàn sẽ không bị đau ngón tay!

Thanh Huyền khẽ mỉm cười, vẫn để ngón tay cho Tịnh Dung băng bó. Xong, nàng bắt đầu lướt tay chạm đến cung đàn. Giai điệu du dương êm dịu của bài hát Duyên Phận nổi danh lừng lẫy ở thế kỉ 21 lại được chính tay vị công chúa Huyền Bảo lừng danh lịch sử dùng đàn tranh thể hiện. Thật sự là một trải nghiệm khó quên trong đời Tịnh Nhu. Tiếng đàn của Thanh Huyền thật sự xuất thần nhập hóa. Chỉ là nghe đàn thôi, đã khiến Tịnh Nhu lâng lâng mê mẩn. Thật tình, nếu vị nhạc sĩ sáng tác bài hát này mà nghe được, chắc là sẽ xúc động dữ dội lắm!

Tiếng đàn kết thúc, Đặng thái phó cũng rưng rưng lệ. Ông đưa tay lau mắt, quay lại chắp tay hướng Thanh Huyền nói:

– Bẩm công chúa! Cầm nghệ của công chúa đã đến mức thượng thừa thế này… Thần vô năng bất tài. Thật sự không còn gì để chỉ dạy công chúa nữa! Thần xin được cáo lui!

Đặng thái phó nói xong, cũng nhìn Tịnh Nhu một cái rồi lui xuống, đi thẳng một đường rời khỏi Bảo Hoa cung.

Tịnh Nhu nhìn theo bóng ông ta khuất đi, đang định mở miệng thì Thanh Huyền đã mỉm cười nói:

– Ngươi khá thật đấy! Ngày đầu tiên đến lớp với ta đã khiến thái phó của ta từ nhiệm. Ngươi nói xem, ta nên làm sao với ngươi đây?

Tịnh Nhu tròn mắt:

– Ta không có làm gì hết. Là tại ông ta tự mình không đàn được mà. Bài nhạc đó đâu có khó lắm đâu. Ông ta chỉ là không muốn thừa nhận bài nhạc khúc ta biết hay hơn của ông ta mà thôi!

Thanh Huyền mỉm cười:

– Nhạc khúc ấy hay thật. Nhưng ngươi hát cũng rất hay!

Tịnh Nhu cười hì hì:

– Quá khen! Bài này dân chúng ở chỗ của ta trước đây ai ai cũng biết. Nổi tiếng lắm cho nên ta mới thuộc thôi.

Thanh Huyền sinh hiếu kì, lại hỏi:

– Chỗ của ngươi trước đây cũng rất hay nhỉ? Có xa lắm không? Liệu có thể đưa ta và Tịnh Dung đến đó không?

Tịnh Nhu căng to mắt, lắc đầu:

– Chắc là không đi được đâu.

Mà nàng cũng không muốn về đó đâu. Nàng ở nơi đó chính là thành phần bần cùng. Ở lại đây, tốt đẹp đến thế, tội tình gì lại trở về làm chi?

Nghe Thanh Huyền nhắc đến Tịnh Dung, Tịnh Nhu mới sực nhớ lại, nàng nói:

– À, còn có chuyện này. Dung nhi bị đại nương phạt phải ở trong phòng sám hối ba tháng. Cho nên nếu công chúa có muốn nhắn gửi gì đến nàng ta, thì nhắn với ta. Ta sẽ chuyển lời!

Thanh Huyền nhướn mi, khẽ cười hỏi:

– Dung nhi? Ngươi và Tịnh Dung lại thân thiết đến như thế rồi ư?

Tịnh Nhu trề môi, lắc đầu nói:

– Không có. Chẳng qua lúc sớm ta đi ngang phòng nàng ta, gọi Dung nhi, nàng ta không mắng nên quen miệng thôi.

Thanh Huyền mỉm cười, chợt nói:

– Như vậy, ta sẽ thay đổi, gọi ngươi là Nhu nhi!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.