Thái Hậu Vô Tình

Chương 1



Hôm nay là sinh thần lần thứ 64 của ta. Hoàng đế tổ chức yến tiệc linh đình suốt bảy ngày trong cung, khắp chốn mừng vui chúc tụng, chúc thái hậu sống lâu trăm tuổi.

Trong thoáng chốc, ta trở thành nữ nhân tôn quý nhất thiên hạ, dù ấy đã là điều hiển nhiên.

Nói thật thì ta không thích phô trương lãng phí, nhưng dẫu sao cũng là nhân vật chính của buổi tiệc, người được chúc thọ không xuất hiện thì lại không hay, nên ta cũng tham dự tiệc chiêu đãi vương công quý tộc và văn võ bá quan ở điện Khánh An.

Đây là một buổi tiệc long trọng, đã tham dự thì phải ăn vận lộng lẫy. Từ sáng sớm ta đã ngồi lì trước gương, tự coi bản thân là một chiếc bình hoa mặc cho Diệu Lam cài bảy cây trâm phượng nặng trĩu lên đầu. Qua chiếc gương đồng, ta thấy cả thảy sáu cung nữ đứng sau lưng cài lên váy những viên ngọc trân quý.

“Quay đầu lại, thẳng người lên nào, đừng có cười như bà vợ ngốc của đám địa chủ mới phất nữa.” Diệu Lam đã theo ta mấy chục năm, lúc không có ai nó hiểu rõ ta là dạng người gì, nên trước nay vẫn không chừa cho ta không gian để thở.

Tiếng “Thái hậu giá đáo” vang lên, ta dựa vào tay Diệu Lam đi đến cạnh liễn phượng. Đỉnh đầu nặng trĩu những chiếc trâm cài tóc, ta cứng ngắc xoay cổ, rồi phát hiện trừ Diệu Lam ra, những người còn lại sợ giẫm phải váy của ta nên đều đứng cách xa phải chừng tám mét.

Ta không khỏi lo lắng: “Mọi người đứng xa ai gia như thế, chốc nữa chẳng may có thích khách muốn uy hiếp ai gia, sợ là họ không cứu giá kịp mất.”

“Yên tâm đi, thái hậu.” Diệu Lam nói: “Chẳng ai ăn no rửng mỡ đi uy hiếp một bà già đâu.”

“Nói thế không sai, nhưng ai gia cũng đâu phải bà già bình thường.”

Diệu Lam nhìn ta.

“Ai gia là một bà già giàu sang phú quý.” Ta nói.

Diệu Lam giơ tay đẩy ta lên liễn phượng.

1.

Khi khúc nhạc trong Điện Khánh An đến đoạn cao trào, ta – nữ nhân tôn quý nhất Đại Tề (tôn chỉ là phụ, quý mới là chính) – từ tốn ra sân.

Chủ yếu là do cả người nặng quá, muốn đi nhanh cũng không đi nổi.

Hoàng đế bước xuống bậc thềm đỏ, dẫn đầu cung nghênh ý giá.

Ta nói một tiếng “Bình thân”, ánh mắt lơ đãng lướt qua dòng người nhìn về phía Văn Chiếu – kẻ đứng đầu trăm quan.

Tất nhiên y cũng nhìn thấy ta. Cách lớp không khí, cách đám hoàng đế hoàng hậu, hoàng tử công chúa và mấy vị phi tần, ta và y bốn mắt nhìn nhau.

Y mặc bộ quan phục màu xanh nhạt, thân hình thẳng tắp, nom vẫn rất khỏe mạnh, giữa hàng mày còn loáng thoáng nét khôi ngô thời còn trẻ.

Có điều y cũng như ta, bên khóe mắt đã không che được vết chân chim, là năm tháng đã lặng lẽ mài mòn cả ta và y.

Trong phút chốc ta giật mình thảng thốt, chợt nhận ra rằng nay y cũng đã qua hơn nửa đời người rồi.

Thì ra chúng ta đã sống như vậy qua một đời.

Lần đầu gặp nhau, ta mười sáu tuổi.

Hôm ấy mưa như thác đổ, mẫu thân của ta bệnh rất nặng. Ta đi mời đại phu, thế nhưng chẳng một ai chịu ra tay cứu giúp, vậy nên ta đành vùng khỏi tay mẫu thân. Người canh cửa không buồn bố thí cho ta lấy một cây dù, nói rằng không khéo hôm nay công chúa muốn ăn cá ngoài hàng nên sai người đi mua rồi, những cây dù đã đưa cho họ dùng hết.

Ta chỉ có thể đội mưa chạy ra ngoài.

Ấy là một ngày đông giá rét, ta mặc bộ quần áo mùa thu mỏng tang, rất mau đã bị mưa dầm ướt đẫm, toàn thân buốt lạnh.

Màn mưa che phủ đôi mắt của ta.

Đến khi ta nghe thấy tiếng xe ngựa đến gần thì đã muộn. Trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, có người mạnh mẽ kéo ta ra khỏi bánh xe ngựa, nhờ vậy ta mới thoát chết trong gang tấc.

Đó là một thằng nhóc đô con, mặt dài như Trương Trương Phi, ngay đến giọng nói cũng giống nốt. Nó xách ta như xách một chú gà con, dùng chất giọng lanh lảnh nói với vào trong xe ngựa: “Công tử, nó không sao!”

Ta ngẩng đầu, thấy trên xe ngựa treo một thẻ bài họ “Văn”.

Mành xe được vén lên, lộ ra một khuôn mặt đẹp như tạc ngọc, mũi cao môi mỏng, đôi mắt như sóng nước mênh mông.

Y đích thân cầm một cây dù bước xuống xe ngựa che trên đỉnh đầu ta, cất tiếng nói hòa nhã nhẹ nhàng: “Cô nương, thật xin lỗi, đầy tớ không để ý đụng phải cô nương, cô nương không sao chứ? Có cần ta đưa cô nương đến chỗ đại phu thăm khám không?”

Ta đáp: “Có sao đó.”

“Nhưng đến chỗ đại phu thì thôi.” Ta đang muộn phiền vì tiền thuốc thang của mẫu thân, thịt mỡ dâng tận miệng hay gì chăng nữa thì giờ ta cũng chẳng cần: “Huynh có thể bồi thường trực tiếp bằng ngân lượng không?”

Ta nói xong, dường như nghe thấy tiếng “hừ” rõ mồn một của “Tiểu Trương” kia ngay tắp lự.

Nhưng tiểu công tử ấy vẫn hòa nhã nhìn ta, nụ cười mang theo sự dịu dàng: “Cô nương muốn bao nhiêu ngân lượng?”

Ta đáp: “Một trăm hai, hiện ngân.” (note: hiện ngân hiểu nôm na như tiền mặt)

Ta nói xong, lại nghe thấy gã “Tiểu Trương” hừ mạnh thêm hai tiếng nữa.

“Được rồi.” Tiểu công tử nói: “Nhưng ta có chuyện ra ngoài đột xuất nên không mang theo nhiều thế. Cô nương cứ cầm trước ba mươi hai đi, số còn lại… sau này nếu có thời gian thì cầm tấm ngọc bội này tới nhà ta lấy, được không?”

Ta nhận lấy túi bạc và tấm ngọc bội trong tay y: “Được.”

Y nói: “Nhà ta ở…”

“Ta biết, nhà đại học sĩ Văn Các ở Văn Uyên Các.” Ta vội vàng cắt ngang lời y: “Khắp kinh đô này ai mà không biết Văn gia.”

Ta hơi ngừng lại, cuối cùng vẫn quyết định hỏi: “Có phải huynh tên Văn Chiếu không?”

Y nghe vậy mỉm cười, đuôi mắt hẹp dài cong cong như vầng trăng khuyết, thật sự đẹp động lòng người: “Thì ra cô nương biết ta.”

Cháu trai của Văn đại học sĩ, mới mười tuổi đã được ca tụng là thần đồng nổi tiếng khắp kinh thành, người người nhà nhà ai mà không biết.

Quan trọng nhất chính là, hậu bối của Văn gia chỉ có một người tầm tuổi này thôi, thật lòng rất dễ đoán.

Văn Chiếu bước gần về phía ra, gần đến mức ta có có thể thấy rõ đôi mắt trong veo đen láy của y. Y nói: “Vậy mạn phép hỏi quý danh của cô nương…”

“Tạm biệt.” Ta cướp lấy cây dù của y rồi co giò chạy thẳng.

2.

Ngày hôm ấy lúc ta dẫn đại phu vội vã chạy về nhà thì tất cả đã muộn. Trước khi mẫu thân chết đã để lại cho ta lời trăng trối cuối cùng, đó là sự nuối tiếc về quyết định gả chồng năm ấy.

Bà nói: “A Dung, sau này khi con lớn khôn rồi, hãy tìm một người bình thường, xấu chút cũng được, nghèo cũng chẳng sao, quan trọng nhất là con một lòng yêu người ấy, người ấy cũng một lòng yêu con. Hai con sống dưới mái nhà tranh, cơm no áo ấm là đủ, cứ bình bình đạm đạm sống qua một đời.”

“Tuyệt đối đừng giẫm lên vết xe đổ của ta, đi đến cùng đường vô vọng.”

Nhưng hình như bà quên rồi thì phải. Lúc bà gặp cha, ông cũng chỉ là một Bách phu trưởng vô danh tiểu tốt, một gã tiểu quan diệt trừ thổ phỉ vô tích sự nói chẳng ai nghe.

Mẫu thân ta chính là tên cầm đầu đám thổ phỉ ông cần phải tiêu diệt.

Vì mẫu thân mạnh quá, hai mươi gã lính quèn đi theo cha về sau bị dọa chạy mất tăm mất dạng, bỏ lại mình cha ở lại chiến đấu đến cùng.

Lúc ông bị bắt lên núi đã khóc ngay trước mặt mẫu thân, than rằng mình sống trên đời mười mấy hai mươi năm nay, chưa rước được nàng dâu nào về thì đầu đã lìa khỏi cổ, phải vùi thây trong tay thổ phỉ, nghĩ thế nào cũng thấy cái số mình sao mà hẩm hiu quá.

Mẫu thân tay trái bưng bát thịt kho, tay phải dịu dàng lau nước mắt cho ông, vừa cười vừa nói: “Hay ta làm vợ chàng được không?”

Bà tự nguyện bị ông hàng phục.

Sau khi bà hoàn lương đã trải qua những tháng ngày cơ cực cùng cha.

Cha nói như vậy không được, đã là đại trượng phu thì phải gây dựng giang sơn, tu chí lập nghiệp, để vợ con được hưởng cuộc sống ấm no sung túc. Mẫu thân nói: “Vậy chàng hãy cứ xông pha đi, thiếp ủng hộ chàng.”

Vừa hay lúc ấy triều đình chiêu binh, ông lập tức ghi danh.

Những người lính già trạc tuổi cha đều biết, bên cạnh ông mãi mãi có một nữ nhân mặc hồng y như xa như gần, đi theo từ trung nguyên tới rừng sâu, hay đến tận nơi biên cương sa mạc.

Ông từ một tên tiểu quan vô danh leo lên làm thủ bị, đô ti, tham tướng, tổng binh, rồi đến chức cao vọng trọng là tướng quân, nguyên soái.

Nữ nhân kia hào sảng, giỏi giang, quả cảm. Nàng ta phi liệt mã, uống đao bỏng. Nàng ta thích cười, đặc biệt rất thích cười to sảng khoái.

Những điều này sau này ta được nghe phó tướng của cha kể lại.

Trong ấn tượng của ta, đến tận bây giờ mẫu thân vẫn luôn là một phụ nhân sống an ổn trong đại viện, ăn mặc giản dị, không nói nhiều, cũng rất ít khi cười. Bà chỉ vui vẻ khi ở trong phòng bếp, mỗi khi cha chiến thắng trở về thì tự tay nấu cho ông một chén thịt kho.

Chỉ có duy nhất một lần, một hôm nửa đêm ta dậy đi vệ sinh thì thấy bà một mình ở hành lang uống rượu. Cái hũ gốm sần sùi, mùi rượu bên trong rất nồng.

Bà rót rượu ra một cái chén nhỏ rồi uống hết chén này đến chén khác. Khi quay lại nhìn thấy ta, ngón tay bà đặt lên môi nói “suỵt”: “Đừng nói với cha con.”

Ta rất muốn nói với bà, rằng đã rất lâu rồi cha không bước chân vào viện chúng ta. Nhưng khi nói câu ấy với nụ cười trên môi, đôi mắt bà sáng lấp lánh, hai gò má ửng hồng.

Cuối cùng ta cũng biết, thì ra mẫu thân cũng có sức sống như vậy, thế nên ta nuốt những lời ấy vào trong.

Nhưng chỉ duy nhất lần ấy thôi, ngày hôm sau tỉnh dậy, bà lại quay về là một phụ nhân trầm mặc trang nghiêm như cũ.

Thậm chí ta còn hoài nghi hình ảnh bà ngồi trên hành lang uống rượu ngắm trăng đêm ấy chỉ là một giấc mộng.

3.

Năm ta hai tuổi, cha được phong làm Anh Vũ hầu, cũng trong năm ấy thái hậu gả công chúa Viễn Ninh cho ông, trong khi bà ta biết rõ ông đã có gia đình.

Nghe nói có một hôm công chúa Viễn Ninh nhìn thấy dáng vẻ oai hùng của cha trên lưng ngựa hồi kinh, từ ấy đã đem lòng yêu ông.

Ta nấp trước cửa phòng nghe mẫu thân và cha cãi nhau, phần lớn cuộc trò chuyện ta nghe không hiểu, chỉ nhớ rằng cha đã thấp giọng nói một câu: “Hàm Anh có thai rồi”. Trong phòng bỗng chốc im phăng phắc.

Hàm Anh chính là tên tự của công chúa Viễn Ninh.

Mẫu thân cũng không nói thêm câu nào với cha nữa.

Vì Viễn Ninh là độc nữ (độc nữ: con gái duy nhất) của thái hậu, là lá ngọc cành vàng, nên không thể không màng vị thế làm thiếp người ta, thậm chí bà ta còn không chịu làm bình thê. (bình thê: cả hai người vợ đều là chính thất)

Vậy nên mẫu thân từ chính thê bị giáng xuống làm thiếp, phải chuyển từ phòng chính đến ở biệt viện, ta cũng từ đại tiểu thư Hầu phủ biến thành kẻ ai ai cũng có thể ức hiếp bắt nạt.

Năm sau đó muội muội Tô Chỉ Vận của ta chào đời, cha lại ra chiến trường.

Chuyến đi ấy ròng rã ba năm, từ lần đó trở đi cha đi ngày càng nhiều, rất ít khi ông trở về nhà.

Lúc ông ở nhà thì cuộc sống của ta và mẫu thân còn tạm ổn, nhưng chỉ cần ông không ở đây thì những người hầu trong nhà ai nấy đều trông ánh mắt của công chúa mà làm việc.

Công chúa luôn muốn ép cha bỏ mẫu thân, mẫu thân cũng từng định hòa ly với ông, nhưng ông không đồng ý.

Ông không hề hay biết, rằng sự ích kỷ của mình đã vô tình tạo nên bi kịch của hai người phụ nữ, à không, là ba người, ta và Tô Vận Chỉ cũng được tính là một nửa.

Ta và mẫu thân thường ăn không đủ no, chứ đừng nói đến mùa đông có củi, mùa hè có quạt.

Sức khỏe của mẫu thân vì vậy mà ngày một suy yếu, do bà đã nhường hết những thứ vụt vặt có thể ăn được và tấm chăn mỏng cho ta. Ta biết tính của bà, bà hoàn toàn có thể không màng gì hết rời khỏi Hầu phủ, đi tìm một vùng đất sống thong dong tự tại. Chưa chắc đã có cuộc sống sung sướng, nhưng cũng không phải không thể sống thiếu nam nhân.

Bà vì ta, nên mới nhẫn nhịn ôm lấy biết bao tủi hờn sống trong cái nhà này, cho đến hơi thở cuối cùng.

Ta dùng số tiền có được nhờ việc giả vờ đụng phải xe ngựa của Văn Chiếu mua cho bà một chiếc quan tài. Sáng ngày hạ táng, khi đang thu dọn di vật của bà, ta phát hiện dưới đáy hòm cất một bộ hồng y được bảo quản vô cùng cẩn thận.

Công chúa không cho phép đặt bài vị của bà trong từ đường của Tô gia, lấy lý do là thiếp thì không có tư cách ngồi chung chỗ với cha hàng trăm năm sau.

Ta không tranh cãi với bà ta, vì ta cũng đâu định đặt bài vị của mẫu thân ở từ đường. Không phải do mẫu thân không có tư cách, mà là cha ta và cả cái Tô gia này không xứng với bà.

Ban đầu cha được ban hôn, mẫu thân không đồng ý, chính cái đám được gọi là trưởng bối của Tô gia kia ngày ngày đứng xếp hàng giảng đạo lý với bà. Họ sợ công chúa và thái hậu giận chó đánh mèo trút giận sang Tô gia, sợ không giữ được vinh hoa phú quý. Ta khắc ghi từng khuôn mặt một.

4.

Chiều hôm hạ táng mẫu thân, ta ra ngoài thành tìm một nơi thờ Phật trên núi định đặt bài vị của bà ở đó, không ngờ lại đụng phải Văn Chiếu dưới chân núi.

Sau màn tuyết vạn vật trắng xóa, y mặc chiếc áo lông vũ màu xanh chầm chậm bước tới. Y dừng trước mặt ta, hỏi ta định đi đâu. Rồi ánh mắt chạm vào chiếc bài vị đắp lụa trắng trên tay ta, thấp giọng nói: “Nén bi thương.”

Y không hiểu hỏi: “Tiễn biệt người thân, sao cô nương lại mặc… mặc thế này…”

“Hồng y đúng không?” Ta cúi xuống nhìn mình: “Người mất là mẫu thân của ta, đây là bộ váy bà thích nhất khi còn sống, vì một vài nguyên nhân mà không có cơ hội mặc nữa. Ta muốn mặc nó tiễn bà đoạn đường cuối cùng, bà ấy hẳn sẽ vui lắm.”

Y gật đầu, tay giơ lên rồi lại buông xuống, cuối cùng đưa cho ta một chiếc khăn tay nhuộm hương, lại nói câu ấy: “Nén bi thương.”

Ta thắp một nén hương cho vị thần ở miếu, nhờ vị thần ấy chăm sóc mẫu thân, nói rằng ta sẽ thường xuyên tới.

Đến khi xuống núi Văn Chiếu vẫn chưa đi.

Y đưa lưng về phía ta, tay áo giấu sau lưng như ông lão đang sưởi nắng, đứng trong màn tuyết không ngừng giậm chân.

Ta hơi cảm động: “Văn công tử đang đợi ta đấy ư?”

Y giật mình quay người lại, vừa gật đầu vừa cởi áo choàng ra.

Y khoác áo lên người ta: “Ta thấy cô nương đi một mình đến đây. Mùa đông trời tối nhanh, cô nương về một mình không an toàn. Xe ngựa của ta dừng cách đây không xa, ta đã bảo họ đuổi theo rồi. Cô nương để ta tiễn một đoạn đường được không?”

Đón ánh mắt của ta, không hiểu sao y hơi ngại ngùng, liền vội vàng giải thích: “Ta… ta tuyệt đối không có ý xúc phạm cô nương. Ta có thể ngồi ở sau xe, không ngồi cùng xe với cô nương.”

Y đúng là chính nhân quân tử.

Ta hưởng thụ hơi ấm còn sót lại trên áo choàng của y, đau thương và mỏi mệt vì một chút ấm áp này mà như có thêm sức sống.

Ta đưa tay về phía y: “Tô Chỉ Dung, gọi ta là Tiểu Tô, Chỉ Dung, hay tiên nữ đều được.”

Trong kinh đô người họ Tô không nhiều, y khẽ “à” một tiếng, rồi khuôn mặt lộ vẻ thảng thốt: “Cô nương là…”

“Không sai, Tô Mộng Hàn là cha ta.”

“Nhưng…” Y ngập ngừng nói: “Phu nhân của Hầu gia chẳng phải… chẳng phải là công…”

“Mẫu thân ta là thiếp của cha, chính là thủ lĩnh cầm đầu đám thổ phỉ xui xẻo trong truyền thuyết của kinh đô này, nói vậy công tử đã rõ chưa?”

Y không ngờ ta lại nói đường hoàng tự nhiên như thế, sau biểu cảm khiếp sợ thì áy náy nhìn ta: “Xin lỗi, vậy…”

Ta không nhịn được cong môi: “Hôm trước gặp công tử không phải kiểu người có tính hướng nội, sao hôm nay lại ăn nói ấp a ấp úng thế này, không giống thiếu niên thiên tài chút nào.”

“Công tử phải nghe nói qua về ta rồi mới phải. Ai cũng nói mẫu thân là thổ phỉ còn ta là tiểu thổ phỉ, hoàn toàn không có cung cách và dáng vẻ của tiểu thư nhà quyền quý, rằng ta đã không đơn thuần còn thích ra vẻ. Công tử nói chuyện với ta thì cứ thoải mái thôi.”

Y cười theo ta, rồi quay về dáng vẻ ung dung của một công tử con nhà danh giá: “Phải, kể ra ta cũng lạ, bình thường là ta đi chọc cười người ta, ngờ đâu hôm nay lại bị cô nương chọc cười.” Lại nói: “A Dung, đây là con người thật, đừng tự xem thường mình.”

Y gọi ta là A Dung, trừ mẫu thân ra, chưa một ai gọi ta như vậy.

Ta lại giơ đôi bàn tay đã sắp lạnh cóng lên lắc lư tấm ngọc bội của y: “Vậy cái này huynh có cần nữa không thế?”

Y cúi đầu nhìn ngọc bội, rồi lại ngước lên nhìn ta: “Nếu A Dung thích thì cứ coi như đây là quà gặp mặt, không cần trả lại đâu.”

“Ý của huynh là, huynh định quỵt món nợ bảy mươi hai ngân lượng kia?” Ta đáp.

Y ngây người.

Có lẽ y sống đến bây giờ chưa thấy cô nương nào trong ngày hậu táng mẫu thân mà vẫn còn nhớ đến chuyện đòi nợ cả.

Nhưng ta đâu còn cách nào khác nữa. Ta vẫn phải sống tiếp, mẫu thân mất rồi, ngày tháng sau này ở Tô gia sẽ càng khó khăn hơn.

Văn Chiếu bất đắc dĩ nói: “A Dung, muội phải biết, nếu muội cầm miếng ngọc bội này đi bán, bảy trăm hai còn bán được nữa là.”

Y đúng là ngây thơ, hẳn là uống sữa bò lớn lên nhỉ?

Ta đáp: “Trong cái thành này chủ quán nào mà không lanh mắt nhận ra chủ nhân của món hàng? Hơn nữa trên tấm ngọc bội này còn có huy hiệu Văn gia nhà huynh, phận nữ nhi như ta một mình mang đi bán, không bị gô cổ lại mới là lạ.”

“Đến lúc đó cứ coi như họ biết ta là con gái của Anh Vũ hầu đi, nhưng chắc chắn vẫn muốn hỏi tấm ngọc bội này từ đâu ra.”

“Dù ta có nói gì thì hai chúng ta cũng sẽ bị chụp lên đầu cái tội danh lén lút tặng cho nhau, để cả cái kinh thành này ngồi ‘ăn dưa’. Ta mặt dày quen rồi không sao, nhưng liên lụy tới Văn công tử thì không hay.”

Y hơi suy nghĩ: “Trách ta suy nghĩ không thấy đáo, nhưng hôm nay ra ngoài thật sự không mang theo ngân lượng, hay là trước mắt vẫn thiếu nợ nhé?”

Ta gật đầu: “Hay là mỗi ngày ta tăng lãi thêm năm đồng nhé.”

Y cười đáp: “Được.”

“Nhưng mà…” Y nói: “Đang mùa đông giá rét, kinh đô chúng ta lấy đâu ra dưa ăn? Chưa đến vụ mùa mà.”

Ta: “…”

Ta trả lời: “Cái gọi là ‘dưa’ ý chỉ tin đồn ấy.”

Y bày ra vẻ đã tiếp thu được. (kiến thức kỳ quái này =)))))

Lúc chúng ta đang trò chuyện thì người đánh xe ngựa đã tới nơi. Y rất biết ý, không đưa thẳng đến cổng phủ mà chọn một khúc quanh cách Hầu phủ không xa thả ta xuống đó.

Trước khi xuống xe ta cởi áo choàng ra trả lại cho y. Ngẫm nghĩ một chút, ta vẫn quyết định nói ra suy nghĩ của mình.

Ta nói: “Văn công tử, con người huynh ngoài tiền ra thì nhân cách cũng không tệ, ta có thể bí mật kết nghĩa với huynh không?”

Y: “Hả?”

Biểu cảm ấy như thể ta muốn bái thiên địa với y vậy.

Cuối cùng ta không trả lại miếng ngọc bội, cũng không mang đi bán mà giấu kĩ nó đi cùng với bộ hồng y của mẫu thân. 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.