Học Sinh Nghèo Vượt Khó

Chương 17-2: Tạm biệt Công Viên - Hoàn



2

Mùa đông năm 2021.

Tháng 12. Sắp đến Giáng sinh và năm mới, không khí đón Tết đã rộn ràng khắp mọi nẻo đường. Trên đường đi làm về, Vương Tử Chu chợt nhận ra hôm nay là Đông chí.

Đông chí thì ăn gì bây giờ nhỉ? Vương Tử Chu suy nghĩ.

Giá mà có Trần Ổ ở đây lúc này, chắc chắn cậu ấy sẽ biết phải ăn gì.

Ngẫm nghĩ giây lát, cô lấy điện thoại, nhắn tin cho Trần Ổ: “Hôm nay cậu định ăn gì thế?”

Trần Ổ gửi một bức ảnh chụp bên trong túi đi chợ, một đống nguyên liệu nấu ăn, hẳn là sắm sửa cho một bữa tối thịnh soạn, thích thật đấy.

Vương Tử Chu vừa đi vừa trả lời bằng tin nhắn thoại: “Thích thế, tớ còn chưa biết ăn gì đây.”

Trần Ổ không trả lời.

Lạ ghê, nguyên ngày hôm nay cậu ấy cứ là lạ thế nào ấy. Thực ra cô không biết phải nói cụ thể như thế nào nhưng trực giác luôn đi trước logic và mách bảo cô rằng: chắn chắn có vấn đề gì đó.

Về đến nhà, như thường lệ Vương Tử Chu vào thang máy, bấm lên tầng mười lăm, khi cửa thang mở ra, cô sửng sốt, ai đang ngồi trước cửa nhà mình kia?!

Cậu mặc áo lông vũ dài màu đen, đeo khẩu trang kín mít, co chân ngồi trước cửa.

Cô bước tới.

Nghe thấy tiếng động, cậu ngẩng lên nhìn cô.

Vương Tử Chu hỏi: “Sao cậu lại ở đây?!”

Cậu trả lời: “Tớ đi họp”.

Vương Tử Chu ngạc nhiên: “Họp offline luôn á? Đừng lừa tớ.”

“Thật mà.” Cậu đáp, “Không thì sao tớ phải mặc thế này?”

Bên trong là một bộ vest màu đen, công nhận họa hoằn lắm mới thấy Trần Ổ mặc vest. Bấy giờ Vương Tử Chu mới chịu tin.

Cô hỏi: “Cậu đến từ sáng à, chỉ họp một ngày thôi hả?”

“Cả ngày mai nữa, có bố trí khách sạn nhưng tớ không ở.” Trần Ổ vẫn ngửa đầu nhìn cô, “Hôm nay là Đông chí, tớ muốn ăn cơm cùng cậu nên mua đồ ăn trên đường tới đây rồi.”

“Cậu…” Vương Tử Chu dở khóc dở cười, “Chẳng may đúng hôm tớ ăn ngoài thì sao? Lại phí công cậu tạo bất ngờ cho tớ?”

“Thì đấy là lỗi tại tớ.” Cậu cười nói, “Tại tớ ti toe cầm đèn chạy trước ô tô, tự làm tự chịu.”

“Rồi rồi, cậu đứng dậy nhanh lên.” Vương Tử Chu đưa tay về phía cậu, “Cậu chờ bên ngoài làm gì? Ngoài này lạnh chết đi được, tớ có đổi mật khẩu đâu.”

“Tớ chưa bảo cậu là tớ đến nên chờ bên ngoài là đúng rồi.”

“Phải tớ, nếu tớ về Kyoto, kể cả chưa bảo cậu thì tớ cũng không ngồi ngoài chờ đâu.”

“Chờ bên ngoài khác chứ.”

“Khác chỗ nào?”

“Chỗ nào cũng khác.”

“Đồ xảo biện.”

Vương Tử Chu lườm cậu một cái rồi mới bấm mật khẩu mở cửa, tay vẫn nắm chặt tay cậu không chịu buông.

Mở cửa, Vương Tử Chu chen vào trước, Trần Ổ theo sau.

Bình thường đóng cửa xong Vương Tử Chu sẽ lần lượt buông đồ, tháo khẩu trang, cởi áo khoác rồi rửa tay. Nhưng hôm nay thì khác. Cô quay phắt lại, luồn tay vào áo khoác của cậu.

Ấm quá đi mất, cô thở một hơi thật dài rồi vùi luôn đầu vào trong đó.

Nghe được cả tiếng trái tim cậu “rung rinh”.

Lẳng lặng đứng như vậy chừng một phút, Vương Tử Chu mới ngẩng đầu, đòi hỏi: “Cậu tháo khẩu trang cho tớ đi.”

Trần Ổ tháo khẩu trang của cô lẫn cậu. 

Cậu cúi xuống, cô ngẩng lên, hôn nhau bên bậc thềm.

Đèn cảm biến trên đầu nhấp nha nhấp nháy, ung dung phá đám cảnh tượng quen thuộc này.

“Bực mình.” Vương Tử Chu ngửa lên, hậm hực, “Tớ phải thay cái khác mới được.” Đoạn, bảo Trần Ổ, “Cậu phải cởi áo khoác cho tớ nữa.” Tay vẫn đang ủ trong áo khoác cậu, cô cười khúc khích, “Theo tinh thần có qua có lại thì tớ có thể cởi áo khoác cho cậu.”

Đèn cảm biến sáng lên.

Vương Tử Chu cởi cà vạt cho cậu, Trần Ổ cởi khăn quàng cho cô.

“Khăn có ấm không?” Cậu hỏi.

“Ấm lắm!” Vương Tử Chu khen tới tấp, “Không gì ấm bằng!”

“Tớ đan cho cậu cái mới rồi đấy.”

“Đâu đâu?” Vương Tử Chu tung tăng hỏi.

“Để ở nhà, Kyoto, bao giờ về đưa cho cậu.” Cậu bảo.

“Ò!”

Để áo ngoài hành lang, bước vào nhà, hai người xúm lại rửa tay. Dịch COVID làm Vương Tử Chu bị ám ảnh sạch sẽ, vô tình đồng bộ thói quen của cả hai với nhau. 

Rửa tay xong, cô chạy vào phòng ngủ thay đồ, xong xuôi thì ôm một chiếc áo hoodie màu trắng và một chiếc quần thể thao màu xám ra ngoài: “Cô Tấm ơi, thay quần áo thôi nào!”

Lần nào đến Tokyo, Trần Ổ cũng phải nấu ăn nên cái danh cô Tấm bây giờ đã thành thương hiệu. 

Cô Tấm thay quần áo xong là bắt đầu bận rộn trong bếp.

Vương Tử Chu ngó nghiêng vào trong, đánh tiếng: “Thực ra em muốn giúp cô Tấm lắm, cơ mà em vẫn còn một văn bản chưa xử lý xong, phải làm sao bây giờ ta?”

Cô Tấm hết sức hào phóng: “Cậu cứ làm đi.”

Vương Tử Chu yên tâm ngồi xuống máy tính.

Tuy vẫn là căn hộ một phòng ngủ nhưng diện tích ở đây lớn gấp đôi căn hộ cũ ở Kyoto. Phòng ngủ cũng được ngăn cách hoàn toàn với không gian phòng LDK chung*, thậm chí còn có thể đặt một chiếc bàn làm việc lớn bên ngoài. Hồi mới tốt nghiệp đến Tokyo, cô muốn tiết kiệm tiền nên đã ở phòng ký túc xá đơn của công ty với chi phí chưa đến 2 triệu** mỗi tháng, có nhà ăn, nhà vệ sinh và phòng ngủ riêng, nhìn chung cũng tàm tạm. Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh, không phải vụ việc nào cũng cần đi làm, thời gian tự làm việc ở nhà ngày càng dài. Vì vậy, sau khi ổn định về mọi mặt, cuối cùng cô cũng quyết định dọn ra khỏi ký túc xá chật chội để chuyển sang một môi trường làm việc thoải mái hơn. 

*Phòng chung LDK là phòng có chức năng phòng khách (Living room), phòng ăn (Dining room) và bếp (Kitchen).

**10 000 yên Nhật. 

Vào những kỳ nghỉ dài, Trần Ổ cũng sẽ đến Tokyo “tạm trú” nên khi mua bàn làm việc, cô đã chọn một chiếc thật rộng cho cả hai người cùng sử dụng.

Nhờ cùng nhau làm việc ở nhà thay vì đi làm, Vương Tử Chu phát hiện ra một số khác biệt nho nhỏ trong thói quen của cả hai. Ví dụ, cô thường dùng ứng dụng quản lý thời gian để ghi lại thời gian biểu của mình, trong khi Trần Ổ lại tính giờ bằng nến – bấy giờ cô mới hiểu vì sao trong “Công Viên” lại có buổi họp đốt nến kia. Hoặc ví dụ như cô gần như không sử dụng giấy tờ, còn Trần Ổ vẫn thích ghi chép, viết lách bằng giấy bút để giải quyết rất nhiều vấn đề, kể cả viết đề cương hay đọc tài liệu.

Vậy nên, đôi khi, cô cảm thấy mình như con yêu quái đã bắt kịp thời đại trong “Công Viên” còn Trần Ổ thì là tay thuật sĩ lơ ngơ, lỗi thời nọ.

Thể theo yêu cầu của cô, Trần Ổ đã đưa cô vào “Công Viên”.

Trong truyện, cô là một con yêu quái hư cấu, rất chi thèm thuồng tay thuật sĩ. Con yêu quái này thoạt nhìn nhỏ bé, vô hại như một chú hamster nhưng hễ gặp chàng thuật sĩ là nhe răng hù dọa: “Tôi muốn ăn thịt cậu.” Lạ ở chỗ, tay thuật sĩ lại rất thản nhiên chấp nhận yêu sách này: “Thì cậu cứ ăn đi.”

Những con yêu quái khác nghe vậy đều bụng bảo dạ rằng gã thuật sĩ phải điên rồi mới dám nói thế. 

Nhưng tay thuật sĩ mặc kệ, muốn sao làm vậy, thỉnh thoảng chàng ta sẽ đi thăm con yêu quái, đôi khi đến lượt con yêu quái kia đi tìm chàng. 

Cứ thế đến tận “Công Viên 5”. 

Sau khi “Công Viên 1” bản tiếng Nhật được phát hành, Vương Tử Chu tiếp tục đảm nhận công tác dịch thuật cho phần tiếp theo của “Công Viên”. Khi Trần Ổ viết “Công Viên 5”, cô sẽ ngồi ngay bên cạnh dịch “Công Viên 3”, tuy nhiên hai người họ chưa bao giờ kiểm tra tiến độ của nhau.

Các mối quan hệ trong cuộc sống mà dính dáng đến phạm vi công việc thì dễ nảy sinh mâu thuẫn lắm, tất nhiên ngoại trừ việc thảo luận và hỗ trợ lẫn nhau.

Khi Vương Tử Chu gửi văn kiện cho PM hợp tác thì mùi đồ ăn thơm lừng đã lan tỏa khắp phòng. Cô nhìn ra cửa sổ trước bàn làm việc, trời đã tối hẳn, hàng ô ánh sáng xếp hàng đều tăm tắm trên mặt tường, mỗi ô là một nhà. Vương Tử Chu chợt nghĩ, người khác nhìn vào cửa sổ nhà mình chắc cũng thấy cảnh tương tự.

Một cảnh tượng hết sức đời thường.

Nhưng cũng không tệ. 

Cô đứng dậy khỏi bàn máy tính, vào bếp giúp cô Tấm hoàn thiện những công đoạn cuối cùng và dọn thức ăn lên bàn.

Trong bữa ăn, Trần Ổ bảo: “Họp xong là tớ có thể ở lại Tokyo đến khi cậu nghỉ Tết.”

“Lâu thế cơ á? Hôm nay mới 21 mà!” Vương Tử Chu ra chiều kinh ngạc vậy thôi chứ trong lòng mừng khấp khởi, “Vậy sáng 31 chúng mình về Kyoto nhé.”

Tại sao phải về Kyoto đón Tết? Rõ ràng Tokyo náo nhiệt hơn hẳn. Vương Tử Chu cũng không biết phải giải thích thế nào, do mình ở Kyoto lâu hơn nên cảm thấy gắn bó hơn chăng?

Thực ra, còn miền đất khác gắn bó hơn, khiến cô muốn về hơn nữa, như một thị trấn nhỏ dưới Ôn Châu chẳng hạn. Đó mới thực sự là chú thích nổi bật nhất, chi tiết nhất trong hơn hai chục năm cuộc đời cô. Những năm mười mấy, hai mấy tuổi chỉ vùng vẫy muốn trốn thật xa khỏi đó nhưng bây giờ có lẽ đã rất khó để trở về.

Không chỉ vì đại dịch.

Ôi lòng người. 

Đêm ấy đi ngủ, lâu lắm rồi Vương Tử Chu mới mơ về thị trấn nhỏ bé ấy, về những mảnh ký ức tuổi niên thiếu đang ngày một phai mờ. Thấy đôi giày vải canvas ướt sũng vì phải lội từ ký túc xá đến lớp vào những ngày mưa dầm; thấy căng tin với những món ăn nhàm chán, hời hợt, nhạt nhẽo; thấy những buổi sáng tự học khi trời còn chưa tỏ; thấy những buổi tối luyện hàng tập đề, ngoáy bút mãi chẳng xong; thấy những lúc bụng đau quặn vì ăn lung tung, phải nằm gục xuống bàn chờ dạ dày dịu lại.  

Sau đó cô tỉnh, tỉnh vì khóc.

Trần Ổ vỗ về cô, cô vùi đầu vào cổ anh khóc nghẹn. 

Cô không phải kìm nén những cảm xúc có vẻ hơi tiêu cực thế này trước mặt Trần Ổ. Như thể những giọt nước mắt khi xưa cha mẹ buộc cô phải nuốt ngược vào trong, nay đã có thể thoải mái tuôn rơi. Không phải lúc nào Trần Ổ cũng hỏi lý do cô khóc, điều này phần nào giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho cô. Chúng ta có nhất thiết phải giải thích lý do vì sao mình khóc không? Có lẽ không.

Khóc xong thì yên lặng đi ngủ tiếp, sáng hôm sau thức dậy, mọi thứ vẫn như thường lệ, bắt tay vào một ngày mới tinh mà thấy sao y chang như cũ.

31 tháng 12, cả hai trở lại Kyoto như dự định.

Đó là ngày cuối cùng của năm 2021 nhưng hình như chẳng có gì đặc biệt cả, thậm chí họ còn không cần tổng vệ sinh trước thềm năm mới vì Trần Ổ lúc nào cũng dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp.

Vào đầu năm ngoái, khi căn hộ của Vương Tử Chu hết hạn hợp đồng, bọn họ chuyển đến một ngôi nhà đơn lập kiểu 3LDK* cũ, rất gần trường, cách ga Demachiyanagi trên đường sắt Keihan khoảng mười phút đi bộ. Mạn Vân nhận căn phòng kiểu Nhật được tân trang lại dưới tầng một, còn hai người họ ở phòng có ban công hướng Nam trên lầu.

*Nhà 3LDK nghĩa là có 3 phòng ngủ (phòng riêng) và một phòng chung LDK. 3 phòng ngủ thường là 2 phòng kiểu tây (youshiki heya) và 1 phòng kiểu nhật (washiki no heya).

Phòng ngủ còn lại bên phải cầu thang thì cải tạo thành một phòng làm việc, từ cửa sổ nhìn ra ngoài có thể thấy hàng trúc trồng trong khoảng sân nhỏ dưới tầng.

Gọi phòng làm việc chung nhưng phòng của Mạn Vân là phòng lớn nhất nên hi hữu lắm anh mới lên lầu, vì vậy tầng trên hầu như chỉ có Trần Ổ và Vương Tử Chu hoạt động.

Hôm nay, Mạn Vân không ở nhà.

Sau khi tốt nghiệp, anh ấy giải quyết xong vấn đề visa là gần như chỉ làm việc tại nhà. Trần Ổ chưa tốt nghiệp nhưng cũng na ná vậy. Tuy biết hai người họ thường nhận dự án trên các nền tảng như Upwork nhưng Vương Tử Chu chưa từng tìm hiểu cụ thể và cũng không quan tâm họ kiếm được bao nhiêu – miễn sao không chết đói là được. 

Không cần dọn dẹp nhà cửa nên Vương Tử Chu và Trần Ổ dắt nhau đi chợ. Ăn vặt, mua nguyên liệu nấu bữa tối, đến cửa hàng bách hóa mua bánh kem, khi về đến nhà thì trời đã xẩm tối.

Mùa đông trời tối sớm, vào nhà là phải bật đèn, Vương Tử Chu ngồi trên chiếc bàn lớn trong phòng chung dưới tầng một, mở iPad đọc email, sau đó nhấp vào blog nhật ký vắng hoe không khách ghé của Đàm Duệ Minh. 

Cuối năm rồi, tự nhiên cô thấy tò mò về cuộc sống nông thôn của Đàm Duệ Minh. 

Kể cũng lạ, đầu năm nay Đàm Duệ Minh chuyển về quê Trần Ổ, sống cùng ông bà Trần Ổ. Ban đầu đó chỉ là một ý tưởng vu vơ, ngẫu hứng của Mạn Vân, không hiểu sao về sau lại thành sự thật.

Một khi cuộc sống bắt đầu dịu lại thì cũng êm dịu ra trò.

Anh ấy muốn đi chậm lại, nghĩ nhiều hơn, và thế là anh ấy bắt đầu chầm chậm cất bước. 

Những gì anh viết trong nhật ký rất rời rạc, câu cú lủng củng, đa số là túc tắc nghĩ gì viết nấy, không đầu không đuôi nhưng một số chi tiết thì khá thú vị. Qua đó Vương Tử Chu có thể lần ra dấu vết tuổi thơ của Trần Ổ khi còn ở với ông bà. 

“Mới năm giờ hơn mà trời đã tối mịt, chỉ còn tiếng chó sủa, bên ngoài không có điện, chỉ có một ngọn đèn trong sân, ăn tối xong, mình tranh thủ rửa mặt rồi lên lầu đọc sách. Ông bà già rồi không leo cầu thang nổi nữa nên ở dưới tầng một thôi.”

“Trong xóm có một quán bán canh thịt dê, ở ngay đầu cầu, lên dốc là đến. Rắc ít hành lá, rưới thìa giấm Trấn Giang, nóng hổi, ngon lắm.”

“Dạo này lạnh quá, lạnh tê cả tay, không đi câu được.”

“Cây thuỷ sam cổng Tây mọc cao lắm rồi, đều tăm tắp một hàng như lính canh. Thử vẽ rồi mà xấu quá. Gì chứ vẽ thì chịu.”

“Dạo này mới học được cách thắng mỡ lợn, hóa ra đơn giản như vậy. Rút hết nước là tóp mỡ bắt đầu teo lại. Chất lỏng đùng đục ban đầu trở nên trong veo, chờ khi se lại là được bát mỡ đông trắng muốt.”

“Trường tiểu học trong xóm đã bị bỏ đi gần hết, giờ thành văn phòng của xóm.”

“Hôm nay ông đi viết câu đối tang lễ cho một cụ trong thôn mới qua đời, mình cũng đi theo viết một ít, chữ mình trông cứ rúm ró thế nào. Đám tang trong xóm ồn ào thật, đêm khuya vẫn còn nghe thấy tiếng kèn trống rùm beng.” 

“Chó chết rồi. Mùa đông là như thế đấy.”

“Nửa đêm Mạn Vân gọi điện thoại, la ó đòi về nước, nó làm cái gì không biết.”

“Hôm nay Đông chí, tự nhiên nghĩ tới một câu thơ của Tô Thức: Sống bao ngày Đông chí, tuổi trẻ như hôm qua.”

“Nay mua bánh vừng táo tàu ở một tiệm nhỏ trong xóm, còn nhớ mang máng hồi nhỏ mình từng ăn vào dịp vào tháng Chạp hay tháng Giêng gì đó. Còn một thời gian nữa mới đến Tết, bà bảo mua sớm quá, phải để dành tới 24 tháng Chạp mới ăn, để tiễn ông Táo về trời, nghe bảo hôm ấy sẽ làm cả bánh bột gạo nữa. Mình đã ăn bánh bột gạo bao giờ chưa? Chắc rồi chứ.”

Vương Tử Chu đang đọc thì nghe tiếng bước xuống cầu thang.

Trần Ổ cầm một cái gì đó xuống lầu. 

“Cái gì thế? Khăn quàng hả?!”

“Tớ vừa chiết mũi xong.” Cậu đưa cho Vương Tử Chu, bảo: “Cậu đeo thử đi.”

Vương Tử Chu vươn qua bàn đón lấy, vừa quàng lên cổ thì thấy bên dưới có đính một vật gì đó.

“Cái này là cái gì đây?”

Cô lẩm bẩm lật lại, thì ra mặt trước là một con nhím đan bằng len.

“Cậu còn biết móc những món cầu kỳ thế này luôn hả? Tớ tưởng cậu chỉ đan hai mũi lên xuống cơ bản thôi! Trời ơi đáng yêu té xỉu luôn á! Tớ đeo đi làm được không ta?”

“Tớ đan tận bên dưới, cậu trùm áo khoác lên trên là được mà.” Cậu gợi ý. 

“Được đấy, vậy là chỉ mình tớ biết có một con nhím bí mật trốn bên trong.” Vương Tử Chu hí hửng vơ điện thoại chụp ảnh, gửi ngay vào nhóm chat “Anh em heo trên một chiếc xe tăng”. 

Không ai quan tâm. 

Vài phút sau, Mạn Vân gọi video nhóm.

Vương Tử Chu nhận ngay tắp lự. 

Mạn Vân bình phẩm, “Con nhím gì mà xấu quá.”

Vương Tử Chu trả lời rất độ lượng: “Ghen ăn tức ở muôn đời nát.” Cô nhìn màn hình: “Anh không gội đầu luôn hả, cách ly ở khách sạn là muốn làm gì thì làm ha?”

Cuối tháng vừa rồi, Mạn Vân về nước, bắt đầu chuỗi ngày đằng đẵng cách ly trong khách sạn. 

Anh đáp tỉnh queo: “Không gặp ai thì sao phải gội?”

Vương Tử Chu nói với iPad: “Cách ly chán lắm hả anh? Trông anh ngán ngẩm quá.”

Mạn Vân chuyển camera về một hướng khác: “Chị gái ơi, chị nhìn hộ em cái bàn làm việc của em với, nhìn em giống như có rảnh để chán không?” 

“Sao cách ly mà anh vẫn lắm việc để làm thế?”

“Biết digital nomad* không?” Mạn Vân nói đoạn đổi đề tài, “À mà kể nghe, hôm qua anh mơ thấy em với Con Nhím đứa ở thành phố, đứa về quê. Em đi bán mình cho tư bản đô thị, Con Nhím thì làm digital nomad ở quê, thứ Sáu tuần nào cũng lái xe mang rau tươi nhà trồng lên Tokyo cho em. Một ngày nọ, hai đứa đến Đại sứ quán đăng ký kết hôn, rồi sang cơ quan cư trú đăng ký. Ai ngờ em có công ăn việc làm ổn định nên được làm chủ gia đình (chủ hộ), đến đoạn này anh tỉnh cmn ngủ luôn. Má ơi thời nay phải có công việc ổn định mới được làm chủ hộ. Không ngờ cũng có ngày Vương Tử Chu được làm chủ gia đình cơ đấy!”

*Digital nomad (dân du mục công nghệ số): chỉ những người thường xuyên “xê dịch”, không phụ thuộc vào địa điểm làm việc truyền thống nhờ vào làm việc hoàn toàn hoặc phần lớn qua các thiết bị công nghệ. Nguồn: Vietcetera.

“Gì vậy trời…”

Vương Tử Chu ngước lên nhìn Trần Ổ ở bên kia bàn.

“Anh đang nói nghiêm túc đấy, nếu em muốn làm chủ hộ, nắm quyền làm chủ gia đình thì phải tranh thủ triển luôn lúc nó còn chưa tốt nghiệp.” Mạn Vân không biết Trần Ổ đang ở đây, vắt chéo chân, hất tóc, say sưa nói nhăng nói cuội: “Trước khi đăng ký kết hôn, em nhớ phải kiểm tra tài khoản ngân hàng của nó nhé, đừng có ngại! Anh bày cho em một cách khác, thế này nhá, em vào trang cá nhân Upwork của nó, tìm phần thông tin cá nhân, trong đấy có level kinh nghiệm, số job đã nhận, số tiền kiếm được, đọc xong là áng chừng ra ngay ngân khố của nó ấy mà.”

Đoạn anh hỏi: “Em chưa kiểm tra bao giờ đúng không?”

Vương Tử Chu ngang nhiên cầm điện thoại lên ngay trước mặt Trần Ổ.

Cô nhìn Trần Ổ, cố tình hỏi: “Tìm thế nào hả anh?”

Mạn Vân phê bình: “Đồ ngáo ngơ, có thế cũng không biết? Cứ search tên nó chứ sao, Upwork bắt buộc phải để ảnh đại diện, thấy trùng tên thì em check ảnh thôi!”

Vương Tử Chu ráng nhịn cười.

Trần Ổ bỗng đứng dậy, đưa điện thoại cho cô.

Thế là Vương Tử Chu được đi “cửa sau”, xem thông tin tài khoản chính chủ.

Mạn Vân nhận ra bàn tay và chiếc điện thoại mới xuất hiện trong màn hình, anh bật ngửa, chửi um lên: “Trần Ổ! Mày khùm không? Ai cho mày nghe lén chuyện nội bộ gia đình tao?”

“Người ngoài” phớt lờ anh: “Tớ đi nấu ăn đây.”

Mạn Vân mắng xối xả nhưng vẫn hóng hớt: “Nó cho em xem thông tin tài khoản Upwork à?”

Vương Tử Chu đọc lướt qua thông tin tài khoản, đặt điện thoại xuống: “Tàm tạm, tự nuôi sống bản thân được là chủ hộ đây yên tâm rồi.” Không quên nghiến răng nghiến lợi: “Biết thế em cũng học toán!”

Mạn Vân can ngăn: “Ấy ấy đừng, học toán thì sao làm chủ gia đình được.”

“Cũng phải.” Trêu nhau chán chê, Vương Tử Chu hỏi: “Anh ăn gì chưa?”

Anh ấy vừa trả lời dứt câu “người ta chưa giao cơm cách ly tới” thì Tưởng Kiếm Chiếu tham gia cuộc gọi: “Em có bỏ lỡ gì không?”

Mạn Vân nói: “Lo mà viết luận văn đi, cũng rảnh gọi video cơ đấy?” 

Tưởng Kiếm Chiếu làu bàu: “Ai mượn anh gọi nhóm? Buồn cười ghê.”

Đang tám nhảm thì Đàm Duệ Minh cũng tham gia. 

Buổi họp trực tuyến của đám yêu quái đã vô tình bắt đầu vào một ngày cuối năm như thế. Mọi người hoặc ăn uống, hoặc làm việc riêng, câu được câu chăng trò chuyện vu vơ suốt cả tiếng đồng hồ, kể nhau nghe về những vấn đề, những suy tư trong cuộc sống, về hoàn cảnh, quá trình cho đến một từ lóng đang làm mưa làm gió trên mạng.  

Mạn Vân cười khẩy, mỉa: “Học sinh nghèo vượt khó cơ à, chúng nó cũng chịu khó chế ra lắm từ ghê, sao mọi người cứ thích tự dán nhãn lên đầu mình thế nhỉ?” 

Tưởng Kiếm Chiếu thì nói: “Loài người là thế mà, bẩm sinh đã thích làm mấy chuyện như vậy rồi, anh lạ lắm hả?” 

Rồi như thường lệ, họ sẽ kết thúc bằng câu nói ngang tàng quen thuộc “Đằng nào cũng toi đời cả thôi” để xua tan mọi suy nghĩ nảy sinh từ cụm từ trên. 

Bất kể dán nhãn gì lên mình đi chăng nữa thì sống vẫn chỉ là sống. 

Khi kết thúc cuộc gọi cũng là lúc sắp sửa đến phút Giao thừa.

Vương Tử Chu đứng dậy lên tầng hai, khi xuống mang theo một món quà to cỡ cuốn sách, được gói ghém giản dị bằng giấy thường.

Trần Ổ vừa dọn bàn phòng khách vừa mở hộp bánh.

Năm nào hai đứa cũng ăn bánh kem. Bánh kem là một món đặc biệt dành riêng cho năm mới, kể cả sinh nhật cũng không có phần. Vương Tử Chu giải thích rằng, nếu ước vào sinh nhật thì phải ước riêng còn ước với bánh kem năm mới thì hai đứa có thể ước chung.  

Thực ra ước nguyện chỉ là một dạng ám thị tâm lý theo hướng tích cực.

Nhưng đôi khi nó cũng quan trọng lắm.

Trần Ổ thắp nến, Vương Tử Chu đặt món quà xuống bàn.

“Trước khi ước, cậu nhớ bóc quà ra xem nhé.”

“Công Viên 3 bản tiếng Nhật à?”

Vương Tử Chu làm bộ tiu nghỉu: “Trời ơi thế mà cũng đoán được, mất công tớ gói quà!”

Trần Ổ cười, bóc quà. 

“Công Viên”.

Bút danh của hai đứa cùng xuất hiện trên trang bìa.

Đặt cạnh nhau.

Họ nhìn nhau.

Bỗng Vương Tử Chu lên tiếng: “Tên thật của chúng mình cũng có thể đặt cạnh nhau ở một chỗ khác nữa, cậu thấy thế nào?”

“Thế chúng mình ước cái đó nhé!” Trần Ổ đáp.

“Thế chúng mình ước cái đó nhé!” Vương Tử Chu lặp lại.

Thế chúng mình ước cái đó nhé!

Và thổi nến. 

—— Hết ——


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.