Sau khi Tam Vương gia bị giết và Đông Xưởng giải tán, ba phái Cái Bang, Nga Mi, Côn Luân hết lời cảm tạ Tử Siêu, rồi lập tức quay về cố quận giương cờ, dựng lại tông môn. Tử Siêu tặng mỗi phái năm vạn lượng để xây cất tổng đàn. Thông Triệt hòa Thượng hài lòng bảo:
– Siêu nhi giỏi thật! Chỉ cất tay một cái là phá tan Đông Xưởng, khôi phục truyền thống cho ba phái. Sư bá sẽ theo ngươi xuống Hồ Nam đánh cho bọn Kim Tiền Hội một trận.
Chàng cười bảo:
– Nếu sư bá chỉ giáo cho tiểu tế cách chống lại Âm Dương thần chưởng thì hay biết mấy.
Hhòa thượng gãi đầu bối rối:
– Cách đã có nhưng chưa dùng được. Trừ phi ngươi luyện Bạch Ngọc chân khí đến lớp thứ sáu mới mong địch lại họ!
Đêm ấy Tử Siêu đã tận mắt chứng kiến uy lực của Âm Dương thần chưởng. Chính vì vậy chàng hủy bỏ kế hoạch tập kích Kim Tiền Hội khi họ rút quân. Chàng không muốn hy sinh những thuộc hạ trung thành của mình một cách vô ích. Chàng tự nhận trách nhiệm về mình, chẳng thà ẩn nhẫn một hai năm còn hơn thí mạng anh em.
Lạc Dương là nơi thích hợp để dưỡng quân. Kim Giáp Môn có cơ sở ở đây và các thủ lĩnh Cái Bang cũng đang tạm ở trong Hồ gia trang để chờ xây tổng đà. Hồng Phát Cái mừng rỡ khi gặp lại Tử Siêu và anh em Kim Giáp Môn. Lão hân hoan kể rằng đã dùng phương tiện thông tin bổn bang truyền đi cả nước việc Cái Bang tái xuất. Rằm tháng năm sẽ tổ chức đại lễ khai bang.
Tử Siêu nóng ruột lo lắng cho Mục Quỳnh Hương nên quyết định đi xuống Hồ Nam xem sao. Trong đêm gặp nhau ở Thiên Đàn, Quỳnh Hương nói rằng Vân Chi đã mua chuộc được lòng tin của Phí Vô Uý và Mã Khuyến Thường. Nếu không có Phí Vân Dương hết lòng bênh vực chắc họ đã hạ thủ nàng rồi. Nhưng nàng nhất quyết phải giết cho được Kim Tiền Hội chủ nên không chịu bỏ đi. Chính vì vậy, Tử Siêu mới lo sợ cho nàng!
U Linh Chân Nhân Lục Đảo Y và Khuất Nham Tuyền đi theo Tử Siêu để hỗ trợ. Mục đích của họ là âm thầm giải cứu Mục Quỳnh Hương nên không cần nhiều người. Giữa tháng tư, ba người đến huyện thành Nam Dương, Hồ Nam. Nơi đây chỉ cách Mai Hoa Cốc chừng vài dặm.
Vào lữ điếm tắm gội, ăn uống xong, họ đi dạo trong thành. Định bụng đêm nay sẽ đến Ngọa Long Cương do thám. Tử Siêu nhận ra đám kiếm thủ Kim Tiền Hội đi lại tấp nập. Tuy chúng không còn mang ngân diện nhưng dung mạo người Khiết Đan rất dễ nhận ra. Trên tay chúng là những rương hòm gấm vóc, tơ lụa, đèn lồng… dường như để chẩn bị cho một cuộc lễ nào đó.
Chàng bảo Khuất Nham Tuyền vào cửa hàng tơ lụa dò hỏi. Lát sau gã trở lại nhăn nhó nói:
– Ngày mốt là ngày đại hỷ của Mục cô nương với Phí Vân Dương!
Tử Siêu biến sắc, thờ thẫn bước đi. Bỗng chàng thấy một người trong đám nữ tỳ của Mục Quỳnh Hương. Trên tay nàng là những bó hoa tươi. Mắt nàng láo liên như muốn tìm ai đó. Bọn Tử Siêu bám theo, đến chỗ vắng vẻ, Tử Siêu rảo bước đi ngang hàng với nữ tỳ, hạ giọng nói nhanh:
– Ta là Tử Siêu đây! Nàng có phải là thị tỳ của Mục cô nương hay không?
Tiểu tỳ mừng đến phát run, nàng liếc quanh rồi nói:
– Công tử mau theo tiểu tì vào ngõ hẻm này.
Nói xong, nàng chạy vụt vào một con hẻm vắng vẻ. Ba người đuổi theo sát nút. Đến một khúc quanh nàng dừng lại sa lệ:
– Không ngờ trời cao có mắt nên công tử lại đến đây! Bọn tiểu tì thay nhau quanh quẩn trong thành đã mấy ngày nay rồi.
Tử Siêu dịu giọng an ủi:
– Nàng cứ bình tâm kể cho ta nghe xem sự việc thế nào. À! Mà nàng tên gì?
Nữ tỳ gạt lệ nói:
– Tiểu tì là Xuân Hồng! Sáu ngày trước, tiểu thơ nửa đêm đến phòng hội chủ định ám sát lão. Không ngờ bị lão phát hiện được và phong tỏa võ công. Lão không giết tiểu thư vì sợ công tử đau lòng. Lão bèn chọn ngày rằm để hai người thành hôn. Tiểu thư trong lúc tuyệt vọng bảo bọn nữ tỳ giả vờ đi mua sắm, cố tìm xem công tử có đến không. Xin công tử mau tìm cách giải thoát cho tiểu thư!
Tử Siêu suy nghĩ môt lúc rồi hỏi lại:
– Trong thành này có nơi nào chuyên nghề trang điểm cho cô dâu hay không?
Xuân Hồng ngạc nhiên nhưng cũng đáp:
– Thưa có! Không chỉ một mà đến bốn năm chỗ!
Tử Siêu hỏi han rồi dặn dò kế hoạch một cách tỉ mỉ. Xuân Hồng mừng rỡ cáo từ.
Trưa hôm sau, Xuân Hồng lại đến chỗ cũ gặp Tử Siêu. Nàng báo cho chàng biết địa chỉ của người sẽ trang điểm cho Mục Quỳnh Hương.
Mụ tuy tuổi đã tứ tuần nhưng thân hình thon thả. Nhưng nhìn chung thì rất giống Quỳnh Hương trừ khuôn mặt! Mụ tên gọi là Vương thị, nổi tiếng đất Nam Dương về tài son phấn. Dưới bàn tay điêu luyện của mụ, một nữ nhân xấu xí cũng trở thành một tân nương hoa nhường nguyệt thẹn.
Đêm mười bốn, Vương thị đã ngủ sớm vì sáng mai còn phải vào Mai Hoa Cốc làm nhiệm vụ! Mụ vui vì đòi được giá cao! Vương thị đang thiêm thiếp giấc nồng bỗng nghe huyệt Dương Quang nơi đầu gối bên tả đau nhói. Mụ giật mình tỉnh giấc than thở:
– Không hiểu sao chưa đến mùa đông mà chứng tê thấp lại hoành hành. Chân tê nhức thế này, ngày mai sao có thể đi vào cốc được?
Mụ xuống giường, đi thử vài bước, nhăn mặt vì cảm giác đau đớn. Vương thị lấy chén rượu thuốc xoa bóp một hồi rồi mới đi ngủ lại. Sáng ngày rằm, mụ nghe có tiếng gõ cửa và réo gọi của Xuân Hồng liền cố lết chiếc chân đau ra mở cửa. Vương thị buồn rầu nói:
– Cô nương thông cảm! Chân ta tự nhiên trở chứng đau nhức vô cùng, không thể đến Mai Hoa Cốc trang điểm cho tân nương được. Mong cô nương tìm nơi khác vậy!
Xuân Hồng trợn tròn đôi mắt:
– Mụ đã nhận lời đâu thể bỏ ngang như thế! Cùng lắm thì ta thuê kiệu khiêng mụ vào cốc, nghề trang điểm đâu cần đến đôi chân!
Vương thị cười giả lả:
– Nếu vậy thì được!
Xuân Hồng liền quay ra, lát sau nàng trở lại với một cỗ kiệu trần, người khiêng kiệu chính là hai anh em nhà họ Lỗ. Họ đã lục tuần và làm nghề này tử thuở thanh niên, cả thành Nam Dương đều biết mặt. Vương thị vui vẻ vào thay áo, cầm theo hộp đồ nghề, rồi lên kiệu. Anh em họ Lỗ mau mắn đưa kiệu đi về hướng Mai Hoa Cốc.
Đương nhiên, bọn kiếm thủ gác cửa kiểm tra chặt chẽ. Vương thị giả đò thẹn thùng, vén ống quần lên cho chúng xem đầu gối trái bị xưng tấy! Một tên nói đùa:
– Ta tưởng chỉ có bọn nam nhân mới sưng đầu gối vì giường quá cứng, không ngờ mụ đã già mà mà lại bị chứng này!
Vương thị ngoe nguẩy trèo lên kiệu bắt hai gã họ Lỗ phải khiêng tít vào tận phòng tân nương.
Hơn trăm bàn tiệc đã xắp xong chén đũa, chỉ chờ đến giờ bưng thức ăn lên. Phí Vô Úy và Mã Khuyến Thường xênh xang trong áo mới, chỉ huy bọn thuộc hạ bày biện. Phí Vân Dương đã chỉnh tề trong bộ hồng bào của tân lang, đứng ngay cửa cốc chào đón quan khách. Văn Võ thần cung đã mời tất cả những nhân vật có máu mặt trong thành Nam Dương đến dự lễ cưới.
Mục Quỳnh Hương đang ngồi trong khuê phòng. Vương thị bảo Xuân Hồng đặt ghế trước mặt tân nương. Mụ mở rương đồ nghề, bắt tay vào việc trang điểm. Nhưng Lỗ lão đại đã thò tay điểm thụy huyệt của mụ. Vương thị gục xuống thiếp đi. Mười hai nữ tỳ thân tín của Mục Quỳnh Hương đều có mặt đông đủ. Lỗ lão đại bảo nàng:
– Hương muội mau cởi áo cô dâu để Khuất Nham Tuyền hóa trang nàng thành Vương thị.
Mục Quỳnh Hương bối rối nói:
– Nhưng còn Thập Nhị Kim Thoa thì sao? Tiểu muội không đành lòng bỏ họ lại đây!
Tử Siêu suy nghĩ một lúc bảo:
– Nếu đường ngầm chưa bị phát hiện thì Hương muội cứ đưa đám tỳ nữ đi theo lối ấy. Hẹn gặp nhau ở cánh rừng phía Nam.
Mục Quỳnh Hương mừng rỡ dẫn Thập Nhị Kim Thoa thoát ra bằng đường bí mật. Lúc dầu, kế hoạch của Tử Siêu là hóa trang biến Mục Quỳnh Hương thành Vương thị và ngược lại. Nhưng nay, mật đạo vẫn còn nên kế hoạch có thay đổi chút ít. Chàng phải tìm cách trì hoãn sự truy đuổi của Kim Tiền Hội, nêu không bọn Mục Quỳnh Hương sẽ khó mà thoát được.
Tử Siêu đang điên đầu suy nghĩ thì Vân Chi xuất hiện. Một kế sách mới thoáng hiện trong tâm trí chàng. Vân Chi đến xem việc trang điểm cô dâu là do bản chất tự nhiên của nữ giới. Phàm là đàn bà ai cũng vậy. Nàng chưa kịp mở miệng hỏi thì đã bị lão phu khiêng kiệu điểm liền mấy huyệt đạo trên người. Lão còn nhìn vào mắt nàng nói bằng giọng căm hận và bi phẫn:
– Vân Chi! Hạng mỗ đối với nàng không bạc, sao nàng nỡ trút lòng đố kị mà giết Lan Tần Nga?
Vân Chi nhận ra Tử Siêu, nàng run bắn người, định mở miệng biện bạch thì huyệt đã bị phong tỏa. Tử Siêu đau đớn nói:
– Quả thực ta không đủ nhẫn tâm để giết nàng. Dẫu sao cũng là vợ chồng ân ái mặn nồng. Thôi thì coi như ta tha cho nàng một lần vậy!
Tử Siêu bèn điểm nhanh lên tám đại huyệt trên gáy và sau lưng Vân Chi. Nàng rùng mình, trở thành một người si ngốc, nở nụ cười ngây dại. Khuất Nham Tuyền nhanh tay cải sửa dung mạo Vân Chi thành Quỳnh Hương. Tử Siêu mặc y phục tân nương cho nàng rồi đặt lên giường. Nàng sẽ bất động trong khoảng hai khắc mới cử động được.
Chàng giải huyệt cho Vương thị. Mụ giật bắn mình lẩm bẩm:
– Quái lạ thật, sao ta lại thiếp đi thế này nhỉ?
Lỗ lão cười bảo:
– Mụ đã làm xong phận sự thì có ngủ chốc lát cũng chẳng sao.
Vương thị phân vân:
– Chẳng lẽ ta đã làm xong rồi ư?
Lỗ lão đại cười xòa:
– Mụ làm xong thì tân nương mới yên lòng chợp mắt một lát. Chúng ta đi thôi!
Hai lão xốc mụ lên kiệu rồi đi thẳng ra cửa cốc. Lần này thì chẳng ai hỏi han gì. Giữa giờ Thìn, quan khách đến khá đông. Phí Vân Dương vội chạy vào cung xem Quỳnh Hương đã chuẩn bị đến đâu. Gã thấy nàng đang nằm thiêm thiếp trên giường liền lay gọi:
– Hương sư tỷ!
Lát sau, Vân Chi hồi tỉnh. Nàng ngồi dậy, giật phăng khăn che mặt, nhìn Phí Vân Dương với cặp mắt tình tứ. Từ ngày Vân Chi uống hải cẩu tinh đến nay, lòng nàng lúc nào cũng khao khát ái ân. Xuyên Tâm thần kiếm tuổi đã cao nên không thể thỏa mãn được nàng. Chính vì vậy, nàng vẫn thường tìm cách quyến rũ Phí Vân Dương! Nhưng gã này chung tình với Quỳnh Hương mà không lý đến.
Giờ đây, trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh vì thủ pháp của Tử Siêu, Vân Chi háo hức ôm lấy Phí Vân Dương. Họ Phí khoan khoái nhưng nghĩ đến hôn lễ liền nói:
– Còn vài khắc nữa là đến giờ hành lễ, không thể chần chờ được!
Vân Chi cười khúc khích, thò tay cởi thắt lưng Phí Vân Dương. Mùi u hương từ thân thể nàng xộc vào mũi, khiến gã động tình. Hơn nữa, gã mong đợi giây phút này đã mấy năm nay nên không kiềm chế được. Gã lại sợ Quỳnh Hương hổ thẹn khi bị từ chối, đành phải chiều ý!
Văn Võ thần cung nằm trong lòng núi nên thiếu ánh sáng, lúc nào cũng phải đốt nến. Vân Dương vung chưởng quạt tắt sáu ngọn hồng lạc rồi ôm lấy mỹ nhân. Vân Chi lẹ làng trút bỏ xiêm y. Nàng say đắm vuốt ve cơ thể Vân Dương, mời gọi cuộc ái ân. Bàn tay nồng nhiệt của nàng đã khơi dậy lửa dục trong người họ Phí. Gã bồng nàng đặt lên giường, quyết định hợp cẩn trước lễ thành hôn!
Gã không có kinh nghiệm về nữ nhân nên chẳng phát hiện người đàn bà trong tay mình nẩy nở, tròn trịa hơn Quỳnh Hương. Nhưng khi khai động, gã ngỡ ngàng nhận ra cửa vào đào nguyên đã rộng mở thênh thang. Vân Dương chết điếng trong người. Cảm giác tủi hổ, căm giận gậm nhấm tâm hồn kiêu ngạo của gã. Lửa dục tắt ngấm, nhường cho sự khinh bỉ tận cùng!
Vân Chi nào biết điều ấy, nàng như con thú động tình lồng lộn, chủ động tìm lấy những cảm giác hoan lạc từ thân thể của chàng trai trẻ. Kỷ niệm xưa hiện về, nàng mơ màng rên rỉ, gọi tên Tử Siêu. Vân Dương không còn nhịn được nữa, gã nghiến răng xô ra và giáng một quyền vào ngực nàng. Máu miệng Vân Chi phun ra thành vòi, nàng chết đi mà không hiểu tại sao. Vân Dương mặc lại y phục, điên cuồng chạy ra ngoài, vung chưởng đánh bay các bàn tiệc, miệng gào lên:
– Dâm nữ khốn khiếp!
Phí Vô Úy thấy mặt gã tái xanh, mắt đỏ ngầu và hành động như một gã loạn trí, lão kinh hoàng lướt đến, điểm huyệt ái tử. Quan khách sợ hãi rút ra cả cửa cốc. Mã Khuyến Thường vội chạy vào cung xem thử. Lão nghe phòng tân nương có mùi máu tanh xông lên, liền xô của, thấy tân nương lõa lồ, nằm bất động trên giường, lão vội thụt ra, thét gọi tỳ nữ.
Thần cung có năm mươi tỳ nữ, đa số đều ở ngoài bày tiệc, trong cung chỉ có Thập Nhị Kim Thoa. Nhưng họ cũng biến đâu mất. Thần kiếm không nghe người ứng riếng, lão linh cảm đã xảy ra chuyện lạ, quay lại phòng tân nương. Vừa lúc Phí Vô Uý vào đến, họ Mã vội nói:
– Lạ thực! Sao không thấy Vân Chi và tỳ nữ đâu cả! Quỳnh Hương thì bị chết trên giường.
Hai lão nhìn nhau rồi vào phòng đốt nến lên xem xét. Xuyên Tâm thần kiếm đã quá quen thuộc với cơ thể của Vân Chi nên phác giác ra ngay. Đôi nhũ phong nảy nở với hai đầu vú lớn kia không thể là của một xử nữ như Quỳnh Hương. Hơn nữa, bớt son dưới rốn là đặc điểm của Vân Chi.
Phí Vô Úy chạy sang phòng mình lấy bầu rượu. Lão trở lại đổ ướt khăn và lau mặt tử thi. Quả nhiên, dung mạo Vân Chi hiện ra! Mã Khuyến Thường đau đớn lẩm bẩm:
– Té ra hai lão khiêng kiệu lúc nãy là bọn Tử Siêu!
Phí Vô Úy nghiến răng kèn kẹt:
– Chắc chắn trong phòng này phải có đường hầm thông ra ngoài!
Hai người lục soát kỹ lưỡng, lát sau phát hiện ra cánh cửa thông đạo. Thần kiếm nói nhanh:
– Phí lão đệ ra ngoài huy động thuộc hạ, dùng ngựa chạy đến hậu sơn xem chúng chạy hướng nào. Ta sẽ đi bằng đường này.
Kim Tiền Hội chủ lướt ra, rầu rĩ nói với quan khách:
– Mong chư vị lượng thứ, tân nương đã bị gian tặc sát hại, hôn lễ không thể cử hành được!
Đám khách bán tín bán nghi, quay gót bỏ đi. Phí Vô Uý quát thủ hạ lấy ngựa xuất cốc. Khi lão và năm mươi thủ hạ ra đến hậu sơn thì Mã Khuyến Thường đang xem xét dấu vết. Lão ngẩng lên nói:
– Chỉ có dấu chân của bốn con ngựa. Như vậy, có lẽ lúc đầu Tử Siêu không tính đến việc đưa Thập Nhị Kim Thoa đi theo. Trong vòng trăm dặm quanh đây, không có nơi nào bán ngựa cả. Nếu chúng ta đuổi theo ngay sẽ bắt kịp.
Phí Vô Uý tán thành, bảo một tên kiếm thủ ở lại, nhường ngựa cho họ Mã. Cả bọn ra roi phi nước đại. Thần kiếm đoán không sai, Thập Nhị Kim Thoa nội lực non kém nên chỉ chạy được hai mươi dặm đã mệt nhoài. Một con ngựa dành riêng cho Quỳnh Hương, ba con còn lại không đủ để họ thay nhau đỡ chân!
Tử Siêu đâu ngỡ rằng cơ mưu của chàng bại lộ sớm như vậy, nên cho dừng chân nghỉ ngơi. May có U Linh Chân Nhân là bậc lão thành, ông bàn với chàng:
– Siêu đệ! Vạn nhất chúng phát hiện sớm, dùng ngựa đuổi theo thì chúng ta nguy mất! Có lẽ phải dùng kế nghi binh để đề phòng bất trắc mới được. Ta sẽ đưa bốn con ngựa chạy theo đường quan đạo, Siêu đệ dẫn các nàng cắt rừng đi về Hành Dương. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đấy. Tử Siêu gật đầu cười bảo:
– Lục khâm huynh bàn rất phải, nhưng hãy để tiểu đệ đánh lạc hướng bọn chúng! Dẫu sao tiểu đệ đào tẩu vẫn nhanh hơn.
Quả thực từ ngày uống được kỳ trân, công lực Tử Siêu thâm hậu hơn cả chân nhân. Nhờ vậy khinh công cũng khá hơn. Lục Đảo Y dặn dò:
– Siêu đệ nên cẩn thận. Âm Dương thần chưởng rất lợi hại!
Quỳnh Hương lo lắng nói:
– Siêu ca bảo trọng! Nếu chàng có mệnh hệ gì thì thiếp hối hận suốt đời.
Tử Siêu mỉm cười, hối thúc mọi người lên đường. Còn chàng lên ngựa, dắt theo ba con, theo đường quan đạo phi mau. Hơn khắc sau, Kim Tiền Hội đến chỗ bọn Tử Siêu ngừng chân. Họ bám theo dấu vó ngựa mà truy đuổi. Bốn con ngựa của Tử Siêu chỉ là ngựa thường, trong khi tuấn mã của đối phương thuộc nòi ngựa quý Liêu Đông. Cuối cùng, khi còn cách Hành Dương vài chục dặm, chàng bị chúng bắt kịp.
Tử Siêu muốn cầm chân bọn Phí Vô Uý để phe Quỳnh Hương có thời gian đào thoát nên dừng ngựa lại chờ đợi. Phí Vô Uý thấy chàng chỉ có một mình biết rằng đã trúng kế nhưng lão căm hận chàng đến thấu xương nên không coi trọng việc bắt Quỳnh Hương lại bằng việc giết được chàng.
Họ Phí quát thuộc hạ vây chặt, vung chưởng tấn công. Mã Khuyến Thường cũng bật cười ghê rợn, hợp lực cùng Kim Tiền Hội chủ. Tử Siêu cười vang, nhún mình khỏi yên ngựa. Chàng không tiếp chiêu của hai lão mà xông vào đám kiếm thủ. Bọn chúng là dũng sĩ đất Liêu Đông, kiếm pháp rất lợi hại, nhưng so với Tử Siêu thì chẳng thấm vào đâu.
Chàng phối hợp hai pho Ma Ảnh Tồi Tâm Chưởng và Vô Lượng Quang Minh, đánh bạt lưỡi kiếm, giáng chưởng vào thân thể chúng. Tiếng chưởng kình nổ bùng bùng hòa với tiếng rên la vì đau đớn. Chỉ hơn nửa khắc chàng đã giết được mười mấy tên.
Hai lão ma điên cuồng đuổi theo nhưng Tử Siêu như bóng ma chập chờn len lỏi giữa đám kiếm thủ tránh đòn. Bọn chúng là người cùng bộ tộc với Phí Vô Úy nên song ma không thể nhẫn tâm dánh bừa được! Xuyên Tâm thần kiếm sục sôi quát:
– Ám khí!
Bọn kiếm thủ liền vung tay tả, phóng ra những miếng thép tròn có răng sắc bén, tẩm độc xanh lè. Tử Siêu múa chưởng đánh văng tất cả. Đột nhiên, chàng lộn người về phía Kim Tiền Hội chủ, giáng chưởng xuống đầu lão. Chiêu Ma Ảnh Quyền Phong như cơn bão cuồn cuộn ập đến. Họ Phí cười nhạt, sử song chưởng đỡ chiêu. Hai đạo chưởng kình xanh biếc, lạnh lẽo xạ thẳng vào lưới chưởng của đối phương.
Nhưng Ma Ảnh Tồi Tâm Chưởng pháp lừng danh thiên hạ về tính quái dị, biến ảo. Thân hình Tử Siêu lật nghiêng tránh chiêu và tiếp tục lao đến. Phí Vô Uý kinh hãi, vội đảo bộ sang hữu. Vai bị chưởng kình giáng vào, đau đớn thấu xương. Xuyên Tâm thần kiếm đã kịp tiếp ứng. Luồng chỉ phong chí dương xô vào lưng Tử Siêu. Chàng phiêu thân tránh thoát nhưng lại sa vào thế gọng kìm của hai lão tặc. Họ liên tục đẩy ra những đạo chưởng kình xanh đỏ, đan lưới quanh thân chàng.
Tử Siêu cắn răng chống đỡ. Chàng không đào tẩu mà tận dụng sở học để xem mình có thể chịu được bao nhiêu chiêu. Âm Dương thần chưởng lợi hại ở chỗ chưởng kình mang theo hỏa độc và hàn độc xâm nhập dần vào cơ thể đối phương, khiến da thịt đau rát, huyết mạch căng phồng, chân khí giảm sút.
Đến chiêu thứ hai trăm, Tử Siêu rú lên thánh thót, xuất chiêu Thiên Thủ Như Lai. Thân hình chàng bốc lên cao rồi hóa thành trái cầu sáng bạc, lao xuống.
Hai lão ma lập tức hợp chưởng đánh chiêu Âm Dương Giao Thái. Chưởng kình hòa với nhau nên có màu tím lịm, xạ thẳng vào trái cầu sáng rực kia. Tiếng nổ kinh hồn vang lên, thân hình Tử Siêu bị đẩy văng ra phía sau ba trượng như cánh diều đứt dây rơi vào ruộng ngô.
Phí Vô Uý và Mã Khuyến Thường xông đến truy sát nhưng Tử Siêu đã mất dạng. Chiêu Thiên Thủ Như Lai đã tạo quanh người chàng một luồng chân khí âm nhu, chưởng kình của đối phương chạm phải, đẩy chàng bay đi rất xa. Tử Siêu thoát khỏi vòng vây nhưng thọ thương không nhẹ.
Chàng mau chóng vượt qua ruộng ngô chạy thẳng vào rừng rậm. Được chừng hai chục dặm, Tử Siêu nghe cơ thể mình dường như chia là hai mảnh, một bên nóng như lửa, một bên lạnh như băng. Chàng không dám dừng chân, vẫn cắn răng chịu đựng, phóng đi như bay. Lát sau, thần trí chàng mê muội dần, mắt mờ đi mà chân vẫn bước. Lúc này, chàng đã ra khỏi rừng và đến một bãi cỏ phẳng phiu. Nhưng cuối khoảng trống này là một vực thẳm sâu hun hút.
Thân hình chàng gieo thẳng xuống đáy vực như một tảng đá rơi. Tử Siêu không phải là kẻ thiếu thận trọng, vì chàng không biết đặc tính của Âm Dương thần chưởng nên mới lâm vào hiểm cảnh. Những bước đi cuối cũng của chàng rất nặng nề nên dẫm nát lớp cỏ dưới chân. Do đó, khi bọn Kim Tiền Hội đuổi đến bên bờ vực đã phát hiện ra.
Phí Vô Úy ôm một tảng đá quăng xuống vực. Mãi lúc lâu mới nghe tiếng động vọng lên. Lão cao hứng nói:
– Vực này sâu không dưới hai trăm trượng, xem ra gã tiểu quỷ kia chẳng thoát chết đươc. Chúng ta có thể yên tâm mà rút về.
Xuyên Tâm thần kiếm ngửa cổ cười vang:
– Tử Siêu đã chết thì trong võ lâm còn ai chống nổi chúng ta? Chờ Dương nhi bình phục là Văn Võ thần cung sẽ tiến hành cuộc chinh phạt.
Phí Vô Úy gật đầu:
– Theo ý tiểu đệ, ta nên lấy danh hiệu là Âm Dương Bang cho phù hợp với thần công tuyệt thế của huynh đệ chúng mình.
Bọn Quỳnh Hương về đến huyện Hành Dương mướn phòng nghỉ ngơi chờ Tử Siêu đến. Nhưng đợi mãi cũng không thấy bóng chàng đâu, đêm ấy chẳng ai ngủ được! Sáng ra U Linh Chân Nhân bảo:
– Các ngươi ở lại đây để ta và Khuất Nham Tuyền quay lại xem sao?
Hai người theo đường quan đạo đi ngược về phía Nam Dương. Đến đoạn ruộng ngô, thấy vệt máu đen thẫm, họ dừng lại xem xét. Khuất Nham Tuyền là cao thủ trong nghề truy tung nên mau chóng xác định được hướng đào tẩu của Tử Siêu.
Cuối cùng họ đi hết cánh rừng, tìm đến vực thẳm nọ. Nhìn những dấu chân để lại, họ biết rằng Tử Siêu đã rơi xuống đáy. Lục Đảo Y cất tiếng gọi tuyệt vọng:
– Siêu đệ!
Chỉ có tiếng hồi âm của đáy vực. Khuất Nham Tuyền quỵ xuống khóc ròng. U Linh Chân Nhân đứng ngẩn người bên bờ vực, hai hàng lệ hiếm hoi của tuổi già tuôn rơi lã chã. Trên đời này lão chỉ kính phục có mình Tử Siêu! Chàng đã đánh bại lão, phá hủy mưu đồ bá chủ của lão. Và cũng chính chàng đã mở rộng vòng tay đón vợ chồng lão bằng cả tấm lòng thành. Khuất Nham Tuyền gạt lệ nói:
– Thuộc hạ sẽ tìm dây, xuống vực đem xác môn chủ lên!
Lục Đảo Y lắc đầu:
– Không thể được! Đáy vực không có dưỡng khí, chưa xuống đến nơi ngươi đã chết rồi! Muốn thu lượm thi thể phải có kế hoạch chu đáo và nhân thủ đông đảo. Trước sau gì bọn Kim Tiền Hội cũng tiến sâu vào vùng lưỡng đại giang để tranh bá. Lúc ấy chúng ta sẽ triển khai việc nhặt xác.
Hai người nhìn xuống đáy vực lần cuối rồi trở lại Hành Dương, đưa bọn Quỳnh Hương về Lạc Thành.
Nửa tháng sau, Kim Tiền Hội đổi tên thành Âm Dương Bang, chính họ đã rêu rao tin Tử Siêu chết ra khắp giang hồ. Cả võ lâm chấn động, các phái tìm đến Kim Giáp Môn chia buồn thì họ đã biến mất.
Âm Dương Bang bắt đầu sự nghiệp bằng việc chinh phục Hồng Bang ở Tứ Xuyên, Hoàng Kỳ Bang ở Hồ Nam, sau đó là Tam Tài Bang ở Hồ Bắc. Chỉ trong vòng hai tháng họ đã chiếm được phân nửa võ lâm. Nhưng khi tiến quân vào địa phận hai phủ Thiểm Tây và Hà Nam thì bị chặn đứng. Các phái bạch đạo đã liên kết thành một mặt trận thống nhất, lấy rặng Tung Sơn làm đại bản doanh. Trong lúc hai phe đang cầm cự thì Kim Giáp Môn âm thầm tiến hành việc tìm xác Tử Siêu.
Một chiếc thang dây dài hai trăm trượng đưa Khuất Nham Tuyền và Dã Nhi xuống đáy vực. Trong khi, hơn trăm người treo mình lưng chưng vực, khua động những chiếc quạt to bằng những manh chiếu. Với cách này họ tạo được sự luân chuyển của khí trời bên trên xuống đáy vực.
Dã Nhi cùng Khuất Nham Tuyền thoăn thoắt lần thang đi xuống. May thay, vực thẳm này không sâu đến trăm trượng. Họ đốt loại đuốc đặc biệt của Kim Giáp Môn và lục soát từng tấc đất. Trên mặt lớp lá mục có vài bộ xương gẫy nát, chứng tỏ họ đã chết mấy chục năm, thi thể Tử Siêu không thấy đâu.
Hai người vui mừng trèo lên báo tin. Bốn mỹ nhân và ba trăm đao thủ thở phào nhẹ nhõm, bàn tán xem chàng làm cách nào để thoát chết? Và hiện giờ chàng đang ở đâu? U Linh Chân Nhân cau mày nói:
– Thật là không thể tin được! Có lẽ Siêu đệ chỉ rơi xuống một đoạn và bám vào được dây leo nên đã trở lên?
Vạn Xảo Cuồng Sinh lặc đầu:
– Nếu vậy, thì hơn hai tháng nay hắn ở đâu?
Kỳ Lan bảo bọn Khuất Nham Tuyền:
– Hai vị xuống lần nữa, tìm xem trên vách vực có hang động nào không?
Hai gã tuân mệnh bám thang trở xuống. Họ dõi đôi mắt quan sát bức vách thẳng đứng. Quả thật, khi đi được ba chục trượng thì phát hiện một động khẩu bị dây leo che khuất. Khuất Nham Tuyền nói vọng lên, yêu cầu người ở trên dời thang dây sang phải một trượng.
Bọn đao thủ ở trên lập tức thi hành, hai gã chặt đứt dây leo, dọn sạch miệng hang rồi bò vào. Mùi ẩm thấp, hôi thối xông ra nhức mũi! Một xác mãng xà dài hơn trượng nằm trong đoạn nở rộng của vách hang. Khuất Nham Tuyền vội lấy đao vạch họng xác rắn xem nó có nuốt Tử Siêu hay không? Nhưng may thay chẳng có gì cả! Hắn và Dã Nhi đi tiếp, phát hiện đường hầm đâm xuyên lên trên, vừa một người chui qua.
Vách đường hầm có dấu đào bới. Dường như đây là đường xuất nhập của mãng xà và Tử Siêu đã dùng Hắc Vân Đao mở rộng ra để thoát lên trên!
Dã Nhi to hơn cả Tử Siêu nên đành trở ra, lên bằng đường thang dây. Khuất Nham Tuyền tiếp tục bò theo đường hầm ấy, cuối cùng gã lên đến mặt đất. Cửa ra nằm dưới một bụi gai rậm trong rừng. Gã hú lên báo hiệu cho mọi người đến xem. Thu Uyên cười ra nước mắt:
– Như vậy là tướng công còn sống, nhưng sao chàng không về với chúng ta?
U Linh Chân Nhân hỏi Khuất Nham Tuyền:
– Hình dáng và tử trạng của con mãng xà ấy thế nào?
– Bẩm phó môn chủ! Con rắn ấy có lớp da đen tuyền, óng ánh sắc xanh, trên đầu có mào lớn bằng bàn tay, đuôi chẻ làm hai, nó chết vì một vết thương nơi cổ, dường như bị cắn.
Lục Đảo Y giật mình nói:
– Con vật ấy có tên là Kê Quan Lưỡng Vĩ Xà Vương, một loại độc xà hiếm có trên đời. Với chiều dài hơn hai trượng thì tuổi nó phải đến vài trăm, còn nó có đặc tính gì thì phải về hỏi Thiên Lượng Thần Y mới biết được.
Đoàn người lập tức trở lại Tinh Châu, cuối tháng bảy họ mới về đến nơi. Thiên Lượng Thần Y Mộ Dung Chúc nghe kể xong, biến sắc bẳo:
– Máu của Kê Quan Lưỡng Vĩ Xà Vương rất trân quý, có thể làm tăng cường công lực. Nhưng nếu uống quá nhiều, khí âm hàn sẽ là tê liệt não bộ, đưa đến trạng thái loạn trí, mất ký ức hoàn toàn hay một phần! Có lẽ đó là lập luận duy nhất để giải thích tại sao Tử Siêu thoát chết mà không trở lại nhà.
Mọi người xanh mặt, chết đứng trong lòng. U Linh Chân Nhân bàn rằng:
– Chuyện trị bệnh sẽ tính sau. Trước mắt là phải tìm cho được Siêu đệ. Kinh đàn chủ mau đi Lạc Dương nhờ Cái Bang phát lệnh truy tìm môn chủ. Đệ tử của họ có mặt khắp thiên hạ, tất sẽ tìm ra thôi. Nhưng phải dăn họ giữ kín chuyện này, không để lộ ra ngoài.
Kinh Phi Độ mau mắn lên đường ngay. Mục Quỳnh Hương bật khóc thảm thiết:
– Cũng vì tiểu muội mà tướng công lâm vào cảnh ngộ này.
Phó Quân Ngọc dịu dàng an ủi:
– Hương muội đừng tự dằn vặt làm gì, chẳng qua là số mệnh mà thôi. Nay tướng công còn sống là tốt lắm rồi. Mấy tháng nay, chị em ta đều như người sắp chết, giờ phải vui lên mới đúng.
Kỳ Lan và Thu Uyên cũng hết lời an ủi nên Quỳnh Hương vơi bớt cơn thống khổ.
Quả là Thiên Lượng Thần Y đoán không sai. Hôm ấy, Tử Siêu vô tình chạy ngay xuống vực, thân hình chàng rơi vào đám dây leo, bụi rậm trên vách, gai góc cào rách da thịt khiến chàng tỉnh táo lại đôi chút. Theo bản năng, chàng vươn tay chụp lấy những gì trong tầm với để hãm đà rơi.
Những sợi dây leo đứt đoạn vì sức nặng của chàng, nhưng tốc độ cũng chậm lại, cuối cùng chàng thoát chết là nhờ đám dây leo trước cửa hang mãng xà. Nhưng khi Tử Siêu bò vào động khẩu liền bị xà vương quấn lấy, tấm thân dài ngoằng của nó xiết quanh người chàng. May mà hai tay còn tự do, chàng liền chụp lấy cổ mãng xà, không để nó nuốt mình.
Nhờ thần lực bẩm sinh, chàng cầm cự được một lúc lâu. Lát sau, hai luồn khí nóng lạnh lại tác quái. Tay chàng mất dần khí lực, trong lúc tuyệt vọng, Tử Siêu nhe răng cắn vào cổ xà vương. Dòng máu cuồn cuộn chảy vào miệng, trong trạng thái mê muội, chàng đã uống rất nhiều và cố cắn đứt cuống họng con rắn. Lát sau, nó chết vì mất máu còn Tử Siêu lăn ra ngất xỉu.
Sáng hôm sau chàng mới tỉnh dậy, ngỡ ngàng nhìn xác mãng xà, tự hỏi điều gì đã xảy ra? Chàng đã quên hết những gì trong ba năm vừa qua, chàng chỉ nhớ đến mối thù với võ lâm tứ thần mà thôi. Tử Siêu không thấy Thiên Ma Côn đâu, chàng nhìn thanh Hắc Vân Đao với vẻ xa lạ. Chiếc áo lông chó sói cũng chẳng còn.
Trong lưng chàng lại có một xấp ngân phiếu trị giá đến ba vạn lượng vàng. Tử Siêu ôm đầu suy nghĩ nhưng không nhớ được gì, Chàng tắc lưỡi bỏ qua, cố tìm đường thoát thân trước đã. Tử Siêu ra miệng hang quan sát trên dưới rồi thở dài thất vọng quay vào trong.
Cuối hang có một đường thông đạo nhỏ hẹp tối tăm. Tử Siêu đoán đây là lối xuất nhập của mãng xà nên dùng bảo đao khoét rộng ra. Thanh đao sắc bén cộng với thần lực của chàng đã hoàn thành một công việc tưởng chừng như vô vọng. Cuối cùng, chàng lên đến mặt đất vào lúc nửa đêm. Tử Siêu tìm dòng suối tắm gội, giặt sơ bộ y phục đẫm máu mãng xà, trèo lên cây ngủ một giấc. Sáng ra, chàng nhắm hướng Đông mà đi vì lúc rời Kỳ Liên Sơn chàng cũng theo hướng ấy. Hai khắc sau, chàng ra đến đường quan đạo. Không biết mình phải đi lên Bắc hay xuống Nam, chàng dừng chờ khách lữ hành đi qua để hỏi thăm. Lát sau có một chiếc xe tứ mã chở dược thảo đi đến. Tử Siêu chặn gã lại, gã xà ích nhìn bộ y phục rách rưới với vẻ sợ hãi nhưng lại bật cười khi nghe hỏi:
– Xin huynh đài chỉ giáo cho, đây là địa phương nào vậy?
Gã xà ích tủm tỉm cười đáp:
– Nơi đây thuộc địa phận Hành Dương, đi về hướng Bắc sẽ đến huyện thành.
Tử Siêu ngơ ngác:
– Dám hỏi Hành Dương là thuộc phủ nào?
Gã xà ích ôm bụng cười ngất:
– Thiếu hiệp tướng mạo sáng láng thế kia sao lại ngơ ngáo như người ở trên trời mới xuống vậy? Đây là phủ Hồ Nam! À, mà thiếu hiệp muốn đi đâu?
Tử Siêu gãi đầu đáp:
– Tiểu đệ muốn đến Trường An.
– Thôi được! Thiếu hiệp cứ lên xe ta sẽ cho quá giang đến Trường Sa. Từ chỗ ấy, thiếu hiệp có thể đến Hán Khẩu rồi đáp thuyền đi Trường An.
Tử Siêu vòng tay cảm tạ, trèo lên ngồi cạnh gã. Trưa ngày hai mươi tháng tư, xe dược thảo đến Trường Sa. Tử Siêu cáo biệt gã xà ích tốt bụng rồi vào thành. Thấy mình chỉ có một bộ y phục duy nhất đã rách nát, chàng vào tiệm mua mấy bộ để thay đổi. Quen tính mộc mạc, đơn giản, chàng chỉ mua áo vải rẻ tiền. Sau đó chàng vào một lữ điếm hạng trung nghỉ trọ.
Tắm gội, ăn uống xong, chàng lang thang trong thành, suy nghĩ về hoàn cảnh của mình. Ám ảnh bởi tuyệt chứng Tam Âm Tuyệt Mạch, Tử Siêu tự nhủ rằng phải tìm ngay một người vợ. Nhưng chợ Trường Sa không đâu có bán người. Chàng thất vọng quay về quán trọ.
Theo thói quen, đầu canh hai chàng ra vườn sau lữ điếm luyện võ. Không có ma côn, chàng đành dùng đỡ thanh đao. Tử Siêu không nhớ gì về khẩu quyết hay chiêu thức nhưng tay chàng lại điều khiển thanh đao rất linh hoạt. Đường đao tự nhiên bay lượn dù ý chàng không hề nghĩ đến.
Chàng khổ luyện đao pháp đã ba năm nên trở thành phản xạ của bản thân. Ví người biết bơi, dẫu điên loạn cũng không chìm khi rơi xuống nước. Tử Siêu bỏ đao luyện qua phần chưởng pháp, chàng đánh xong hai cthức đầu trong pho Ma Ảnh Tồi Tâm Chưởng thì song thủ lại tiếp nối những chiêu thức lạ lùng khác.
Chính trong trạng thái vô thức ấy, võ công của chàng đã tiến đến cảnh giới của võ đạo. Không còn chiêu thức, không còn tên gọi cũng như ranh giới giữa các chiêu. Tất cả hòa vào làm một thể thống nhất, không giới hạn bởi tâm và ý.
Còn về công lực, máu xà vương đã đem lại cho chàng hơn bốn mươi năm tu vi. Chàng là người hiếm hoi trong võ lâm có luồng nội lực trăm năm. Nghịch Chuyển Ma Công đã đến mức chót, nhưng Tử Siêu không biết điều ấy, chàng vẫn lo lắng mối đại cừu chưa báo phục, ưu tư vì mạng mình quá ngắn ngủi và không có người nối dõi tông đường họ Hạng.
Hôm sau, Tử Siêu lên đường đến Hán Khẩu để đáp thuyền đi Trường An. Chàng muốn trở lại núi Tử Các, nơi chàng được sinh ra và có thể mộ của phụ thân và đại mẫu cũng nằm ở đấy. Gần tháng sau Tử Siêu mới đến nơi. Chàng lên bờ, đi thẳng về phía ngọn núi. Toà sơn trang đã xụp đổ, hoang phế và hai ngôi mộ phủ đầy cỏ dại.
Tử Siêu bùi ngùi dùng đao phạt sạch gai góc, quỳ trước mộ Kim Giáp Thần tưởng niệm người cha mà chàng không hề biết mặt. Đêm ấy chàng ngủ lại trong tòa trang viện đổ nát và quyết định sẽ xây dựng lại nơi này. Hôm sau. Tử Siêu vào thành tìm thợ bàn việc xây dựng lại Hạng gia trang và hai ngôi mộ. Trong suốt hai tháng trời, chàng chăm chú đôn đốc thợ thổ mộc thi công trang viện. Chàng yêu cầu họ xây dựng lại đúng như kiểu dáng ban đầu.
Cuối tháng bảy, công trình đã hoàn tất, Tử Siêu tính đến chuyện tầm thù. Chàng mướn vài người coi sóc nhà cửa rồi khăn gói lên đường. Chàng rất ngạc nhiên khi thấy mình tăng trọng rất nhanh. Chàng mập hơn tước đến bốn mươi cân, dung mạo dường như khác hẳn đi. Chàng cho rằng các tử quán trong thành đông đảo hào khách giang hồ có thể dò hỏi tin tức kẻ thù nên dạo một vòng Trường An, xem nơi nào thuận tiện thì vào.
Khi đi ngang Lưu Linh đại tử lâu, chàng thấy có nhiều hào kiệt võ lâm ghé vào, mừng rỡ đi theo. Tửu bảo theo thói quen đem thức ăn có kèm bình rượu nhỏ. Tử Siêu uống thử một chung, cảm thấy rất dễ chịu. Chàng cạn hết bình rượu mà có cảm giác như chưa hề uống, liền cao giọng gọi thêm bình nữa.
Đám hào khách ngà ngà say, bắt đầu khoe khoang kiến văn và bàn bạc chuyện võ lâm. Họ xoay quanh cái chết của môn chủ Kim Giáp Môn và sự bành trướng của Âm Dương Bang.
Tử Siêu ngồi cạnh đấy, nghe mọi người hết lời tán tụng bản lãnh và công đức của gã họ Hạng nào đó, chàng bất giác sinh lòng ngưỡng mộ. Chàng đang định đứng dậy hỏi thăm tin tức võ lâm tứ thần thì một hán tử bước lên lầu. Gã sững người một lúc, bước nhanh đến trước bàn run rẩy gọi:
– Môn chủ!
Ánh mắt gã biểu lộ sự vui mừng tột độ. Tử Siêu ngỡ ngàng nói:
– Xin lỗi! Đại huynh nói gì?
Hán tử sửng sốt đứng ngây người, lát sau gã trấn tĩnh lại cười bảo:
– Không có gì! Tại hạ thấy công tử tướng mạo phi phàm nên muốn kết giao. Tại hạ cũng là khách giang hồ, tên gọi Khuất Nham Tuyền.
Tử Siêu thấy gã độ tuổi bốn mươi, mặt chữ điền vuông vức, mày rộng mũi thẳng, mắt sáng như sao, bất giác sinh lòng yêu mến, vòng tay đáp:
– Tại hạ là Hạng Tử Siêu, mới xuất đạo giang hồ nên còn bỡ ngỡ. Nếu đại huynh không chê, tiểu đệ xin mạo muội với cao.
Khuất Nham Tuyền nhìn chàng với ánh mắt chua xót. Gã gượng cười:
– Công tử quá lời. Chúng ta nên xem nhau như bằng hữu thì hơn.
Gã ngồi xuống bàn, bảo tiểu nhị đem thêm thức ăn và chén đũa. Hai người chén tạc, chén thù rất vui vẻ. Tử Siêu không hiểu sao mình lại rất yêu mến gã hán tử lạ mặt này. Chàng thành thực thổ lộ lai lịch và mối thù với võ lâm tứ thần, cả việc chàng mắc phải tuyệt chứng. Khuất Nham Tuyền cố nén thương tâm, an ủi chàng:
– Công tử đừng lo ngại, tại hạ quen với một thần y có thể trị chứng bệnh này. Hay là công tử theo tại hạ về Sơn Tây trị bệnh trước đã, sau đó hãy tính đến chuyện báo cừu?
Tử Siêu mừng rỡ:
– Nếu được thế thì tiểu đệ đội ơn Khuất đại huynh suốt đời.
Khuất Nham Tuyền gọi tiểu nhị tính tiền rồi đưa Tử Siêu đi. Gã mua cho chàng một con tuấn mã, Tử Siêu nhất quyết hoàn tiền cho gã rồi mới chịu lên ngựa. Hai người đi ngược lên Bắc, định đến Du Lâm mới rẽ sang hướng Tinh Châu.
Dọc đường Tử Siêu rất thắc mắc khi thấy họ Khuất đối với chàng một lòng kính cẩn, chăm sóc chu đáo. Gã tặng chàng ba chiếc mặt nạ da người. Tử Siêu mang vào, thích thú khi thấy mình trở thành một gã trung niên râu mép xanh rì. Hơn nữa trong ba tháng vừa qua, không hiểu sao chàng lên cân rất nhanh. Vì vậy, thân hình chàng trở nên to béo, gấp rưỡi lúc trước. Chàng than phiền về điều này thì Khuất Nham Tuyền vui vẻ bảo:
– Công tử mập lên thì tốt chứ sao?
Chàng không hiểu ý gã nhưng không tiện hỏi lại. Mười ngày sau họ đến Du Lâm. Trời đã chiều nên họ Khuất đưa chàng vào lữ điếm qua đêm. Hai người ở chung một phòng vì Khuất Nham Tuyền không muốn rời Tử Siêu một bước nào cả.
Đầu canh ba, thính giác tinh nhạy của chàng nhận ra có tiếng vạt áo dạ hành lất phất trong vườn và tiếng chân người chạm đất khi họ nhảy từ lan can xuống. Tử Siêu lay gọi Khuất Nham Tuyền, cả hai ra cửa sổ nhìn xuống. Quả nhiên có mấy chục bóng người đang vượt qua tường lữ điếm ra ngoài.
Trăng mười hai đủ sáng để cho thấy hướng đi của họ. Khuất Nham Tuyền suy nghĩ rồi bảo:
– Công tử! Bọn này chắc là cao thủ Âm Dương Bang! Chúng đi về phía ấy có lẽ là để tập kích tổng đàn Hắc Hổ Bang. Thiết Kiếm Nhạc Khê Nguyệt là chỗ thâm giao với tại hạ. Mong công tử giúp một tay!
Tử Siêu hỏi lại:
– Thiết Kiếm với Hắc Hổ Bang có phải là người tốt hay không?
– Thưa phải! Dù chiêu bài của bang nghe có vẻ đáng sợ nhưng họ đều là những bậc anh hùng trượng nghĩa. Khuất mỗ xin lấy đầu bảo chứng cho họ!
Tử Siêu vui vẻ nói:
– Nếu vậy thì chúng ta sẽ giúp họ tiêu giệt cường địch.
Hai người thay áo, sửa soạn vũ khí. Khuất Nham Tuyền nghiêm giọng:
– Tại hạ rất ghét những lời cảm tạ! Tốt nhất là chúng ta nên cải trang. Nếu không lão họ Nhạc sẽ lôi kéo ở lại.
Tử Siêu đồng ý, mang mặt nạ vào. Họ nhảy qua cửa sổ, đi về phía tổng đàn Hắc Hổ Bang cách đầy chừng vài dặm. Gần đến nơi, tiếng hò hét và tiếng vũ khí va chạm vang động đêm dài. Dưới ánh trăng sáng của hàng trăm ngọn đuốc, cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra trước của tổng đàn.
Bọn kiếm thủ Âm Dương Bang tuy chỉ có sáu chục người nhưng bản lãnh cực kỳ lợi hại nên chiếm thượng phong. Chúng tung hoành giữa đám bang chúng Hắc Hổ, thẳng tay tàn sát. Thiết Kiếm Nhạc Khê Nguyệt cùng ba vị đường chủ toàn thân đẫm máu, chống cự với tám tên kiếm thủ.
Tử Siêu quát vang như sấm, tung mình về phía trận địa của họ Nhạc. Với công lực trăm năm, thân pháp chàng càng bội phần linh diệu. Chỉ một cái nhún chân đã vượt qua khoảng cách ba trượng, bủa lưới đao xuống đầu bọn kiếm thủ. Chàng thuận tay đánh chiêu Thanh Long Tạo Vũ. Đao quang rải muôn ngàn đốm hàn tinh lạnh lẽo, chặt gãy kiếm và tiện phăng thủ cấp của ba tên.. Năm gã còn lại vội bỏ Thiết Kiếm, xông vào kẻ mới đến. Chúng liên thủ với nhau vây chặt Tử Siêu. Chàng lại bôc lên cao để tránh những đường kiếm hiểm độc rồi lao xuống. Lần này, chàng xuất chiêu Vân Giáng Sơn Đầu trong Hắc Vân Đao pháp. Đám mây đen mờ chết chóc chụp xuống đầu năm kiếm thủ. Năm thanh trường kiếm dệt lưới đón chiêu nhưng không cản nổi đường đao mãnh liệt. Hắc Vân Đao chém gãy cả năm lưỡi kiếm và liếm vào người bọn chúng. Tiếng gào thê thảm trước khi chết làm chấn động bọn kiếm thủ còn lại.
Thiết Kiếm chứng kiến võ công siêu phàm của người lạ mặt to béo này, ông phấn khởi thúc thuộc hạ phản công. Tử Siêu thấy Khuất Nham Tuyền bị vây bởi bốn gã bịt mặt, chàng lướt đến trợ chiến. Cũng chỉ với một chiêu đao đã đưa cả bốn tên du âm cảnh.
Chàng lại phi thân sang chỗ khác, tìm kiếm mục tiêu mới. Chỉ hơn khắc thời gian đã có gần bốn mươi tên táng mạng dưới tay chàng, Bọn còn lại định đào tẩu thì vòng vây đã khép kín. Cuối cùng sáu mươi cao thủ Liêu Đông đã không bao giờ trở lại cố hương được nữa.
Thiết Kiếm dường như đã nhận ra lai lịch của ân nhân. Mắt lão lóng lánh những giọt lệ vui mừng, đến bên Khuất Nham Tuyền hỏi nhỏ. Họ Khuất thì thầm với lão vài câu, rồi gọi Tử Siêu rút lui. Hai người về khách điếm nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, trong lúc Tử Siêu đang rửa mặt, Khuất Nham Tuyền ra của trao một bức thư cho gã khất cái đang lởn vởn gần đấy. Dùng điểm tâm xong họ lên đường đi Tinh Châu. Trưa ngày thứ năm, Khuất Nham Tuyền dẫn Tử Siêu vào một trang viện đồ sộ ở của Tây thành. Tử Siêu ngạc nhiên khi thấy đám gia đinh trong trang rất cung kính và nhìn chàng với ánh mắt kỳ quái. Dường như ở đây mắt ai cũng ướt cả.
Trong khách sảnh rất đông người, một lão hòa thượng, ba lão nhân và năm nữ nhân, có bốn nàng còn trẻ và rất xinh đẹp. Còn ba tiểu hài đang chạy nhảy đùa giỡn. Tử Siêu vội vòng tay thi lễ:
– Tại hạ là Hạng Tử Siêu, xin bái kiến chư vị!
Mục Quỳnh Hương không nén nỗi thương tâm, ôm mặt khóc nức nở. Tử Siêu ngẩn người nhìn Khuất Nham Tuyền, gã gượng cười giải thích:
– Vì dung mạo của công tử rất giống cố trượng phu của bốn vị thiếu phu nhân đây nên họ không dằn được lòng. Xin công tử lượng thứ!
Lão hòa thượng cười ha hả:
– Mời công tử an tọa, cùng bọn ta uống vài chén rồi đàm đạo. Lão nạp không kiêng rượu thịt!
Dường như họ đã chuẩn bị trước nên rượu thịt sắp ra tức khắc. Đứa bé gái chăm chú nhìn vào mặt Tử Siêu, thánh thót nói với mẹ:
– Má à! Sao ông béo này có gương mặt giống phụ thân của Hoa nhi vậy?
Nữ lang gạt lệ nói:
– Hoa nhi lại gần xem cho kỹ đi.
Thúy Hoa lót tót chạy đến bên Tử Siêu, giương đôi mắt tròn xoe, đen láy ngắm nghía rồi ôm lấy chàng khóc gọi:
– Cha!
Kính nhi thấy vậy cũng rời lòng mẹ, làm theo Hoa nhi. Nó trèo lên đùi chàng hỏi với vẻ giận dỗi:
– Sao phụ thân không hôn hài nhi?
Tử Siêu bất giác cúi xuống hôn vào gò má mịn màng, bầu bĩnh. Một cảm giác kỳ lạ khiến lòng chàng xao động. Vạn Xảo Cuồng Sinh cười khanh khách:
– Nghe Khuất Nham Tuyền nói công tử mắc chứng Tam Âm Tuyệt Mạch, không sống được bao lâu nữa. Hay là lão phu gả luôn bốn đứa cháu gái góa chồng này cho công tử để mau có người nối dõi tông đường? Hơn nữa, hai đứa bé tội nghiệp này cũng cần có người dạy dỗ.
Tử Siêu buồn rầu đáp:
– Cảm ơn tiền bối đã có lòng thương. Nhưng nếu tuyệt chứng không chữa khỏi được, họ sẽ góa bụa thêm một lần nữa.
Lão thấp nhỏ cười bảo:
– Lão phu cam đoan sẽ chửa khỏi tuyệt chứng ấy cho công tử.
Chàng nghiêm nghị nói:
– Nếu vậy vãn bối đâu cần phải lấy vợ sớm, Đợi báo xong phụ thù sẽ tính đến chuyện ấy.
U Linh Chân Nhân hỏi:
– Chẳng lẽ công tử lại chê bọn họ xấu xí hay sao?
Tử Siêu ngượng ngùng đáp:
– Vãn bối chỉ là kẻ thô lậu quê mùa nên không dám với cao.
Bốn mỹ nhân nhìn nhau, vừa đau lòng vừa tức cười. Thần Châm Tiên Cơ đỡ lời:
– Chuyện ấy tính sau, trước mắt, hãy lo chữa trị cho công tử cái đã.
Tan tiệc, Khuất Nham Tuyền đưa Tử Siêu vào một gian phòng trong hậu viện. Thiên Lượng Thần Y Mộ Dung Chúc chẩn mạch cho chàng. Lão trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu rồi bảo:
– Bệnh của công tử nặng hơn là lão phu dự đoán. Việc điều trị phải kéo dài đến một hai tháng. Lão phu nói trước để công tử yên lòng.
Tử Siêu vội nói:
– Vãn bối biết bệnh nặng chẳng thể khỏi ngay. Dẫu vài tháng cũng không sao.
Chàng mở bọc hành lý lấy hết ngân phiếu đưa cho lão. Thần y cười bảo:
– Công tử là bằng hữu của Khuất Nham Tuyền nên lão phu mới chữa giùm. Xin đừng đặt vấn đề thù lao.
Tử Siêu cảm kích, cất trở vào bọc, chàng ngồi suy nghĩ mông lung. Lát sau, Tử Siêu ra khỏi phòng, dạo một vòng quanh khu hậu viện. Tiểu Hoa và tiểu Kính chạy đến níu kéo:
– Phụ thân! Chúng ta ra hoa viên chơi đi!
Chàng bế chúng trên đôi tay mạnh mẽ, đi ra vườn. Trong nửa tháng trời, chàng được sống trong hạnh phúc êm đềm. Bốn nàng góa phụ và hai đứa tiểu hài dễ thương luôn quấn quýt bên chàng. Ánh mắt của các mỹ nhân nồng nàn, đằm thắm khiến chàng rung động. Đặc biệt là họ không bao giờ nhắc đến người chồng quá cố của mình.
Một đêm cuối tháng tám. Chàng giật mình thức dậy vì một cơn ác mộng. Sau đó chàng không ngủ được, liền ra ngoài dạo một vòng. Tử Siêu tình cờ thấy đại sảnh còn đèn sáng đêm dù đã cuối canh ba. Chàng nhẹ nhàng bước vào. Chàng không cố ý nhưng vì khinh công quá cao diệu nên chân bước êm ái như mèo.
Thông Triệt hòa Thượng và ba lão nhân kia đang thảo luận việc gì đó. Câu nói của Mộ Dung Thần y khiến chàng dừng bước:
– Căn bệnh của Tử Siêu thật kỳ quái. Lão phu sợ rằng mình phải bó tay thôi.
Cuồng Sinh thở dài:
– Nếu vậy chúng ta cứ nói thực cho y biết, may ra cứu vãn được chút nào chăng?
Tử Siêu đau lòng, quay trở về phòng thu xếp hàng lý. Chàng viết một lá thư cảm tạ và để lại ba ngàn lượng bạc rồi âm thầm vượt tường bỏ đi. Trong lúc bối rối, chàng quên cả Hắc Vân Đao.
Sáng hôm sau, Thúy Hoa dậy sớm, chạy đến thăm phụ thân. Không thấy chàng đâu, nó oà lên khóc. Bọn Kỳ Lan tỉnh giấc chạy đến, Họ đọc bức thư và cùng lăn ra khóc vùi. Toàn gia trang nhốn nháo, lấy ngựa túa ra đuổi theo.
Nhưng Tử Siêu đã đi rất xa. Chàng nhắm hướng Đông chạy một mạch hơn trăm dặm. Đến một trấn nhỏ bên bờ sông Dịch Thủy chàng mới dừng lại để ăn uống và mua ngựa.
Trời đã sáng hẳn, Tử Siêu ghé và phạn điếm dùng điểm tâm. Tình cờ chàng cạnh bàn chàng có một lão nhân tướng mạo phương phi vai mang trường kiếm. Chàng cung kính nói:
– Bẩm tiền bối! Xin người chỉ giáo cho vãn bối một vài điều nghi vấn!
Lão thấy chàng to béo, gương mặt anh tuấn, hiên ngang bèn tươi cười đáp:
– Mời công tử sang đây cùng lão phu đàm đạo!
Còn sớm tinh mơ mà lão đã uống rượu, chẳng trách da mặt lão lúc nào cũng hồng hào. Tử Siêu mang chén đũa của mình sang ngồi đối diện. Chàng đã ăn no nên không gọi thêm thức nhắm, Lão già mời chàng cạn chén rồi khề khà nói:
– Lão phu là Thiên Long Kiếm Khách Quan Điểu Hào, quê ở Phúc Châu, tháng trước ra quan ngoại thăm bằng hữu nay mới trở lại Trung Nguyên. Định bụng sẽ đến Sơn Tây thăm bằng hữu nên mới đi đường này. Công tử có gì thắc mắc xin cứ hỏi!
Tử Siêu hạ gịong:
– Dám hỏi tiền bối hiện nay võ lâm tứ thần đang ở đâu?
Lão tròn mắt kinh ngạc:
– Họ đã bị Kim Giáp Môn chủ giết từ hai năm trước, lẽ nào công tử lại không biết?
Tử Siêu giật mình hỏi lại:
– Họ có thù oán gì với Kim Giáp Môn?
– Lão phu nghe nói tứ thần đã ám hại Kim Giáp Thần Hạng Linh Văn để đoạt bảo tàng nên Hạng môn chủ đã ra tay báo phục.
Chàng sửng sốt tự nhủ:
– Chẳng kẽ ta lại còn có anh em hay sao?
Tử Siêu hỏi thêm:
– Dám hỏi tiền bối, vị môn chủ ấy tên gì?
– Tên là Hạng Tử Siêu, một bậc kỳ tài đệ nhất võ lâm. Nhưng chẳng may mấy tháng trước bị bọn Âm Dương Bang hại chết rồi. À! Mà công tử danh tính là gì?
Tử Siêu lờ mờ nhận ra có điều bí ẩn trong con người mình, chàng đáp tránh đi:
– Vãn bối là Sài Vô Hận, mới hạ sơn nên cứ tưởng tứ thần còn sống, định đến thụ giáo võ công. Nay họ đã tạ thế vãn bối đành đi tìm người khác vậy.
Tử Siêu cáo biệt họ Quan, thẫn thờ rời quán. Bao nhiêu năm nay chàng ôm ấp mối đại thù mà sống. Nay mục tiêu không còn, chàng chẳng biết mình phải làm gì nữa, nên mua một con ngựa đi xuống phía Nam. Chàng định bụng sẽ dạo chơi vài tháng rồi quay lại Trường An.
Hình bóng của bốn người góa phụ ở Tinh Châu hiện lên. Chàng biết mình rất yêu thương họ, và cũng chính vì thế mà không muốn họ phải đau khổ thêm một lần nữa. Khi một con người nặng thêm bốn mươi cân thì hình dáng và dung mạo sẽ thay đổi đi rất nhiều. Nếu không phải là người thân thiết sẽ khó mà nhận ra. Hơn nữa cả võ lâm đều tin rằng Tử Siêu đã chết. Vì vậy, dẫu ai có ngờ ngợ cũng chẳng dám nghĩ chàng trai to béo này là môn chủ Kim Giáp Môn.
Những con mưa thu bắt đầu trút xuống đồng ruộng. Chiếc nón rộng vành trên đầu Tử Siêu càng khiến chàng khác lạ. Thủ hạ Kim Giáp Môn tưởng chàng quay về Trường An. Nên đuổi theo hướng Tây. Do đó họ lạc mất dấu vết của chàng. Trí óc chàng như bị che phủ bởi một lớp mây mù, không thể suy nghĩ chuyện gì rốt ráo được.
Sự có mặt của một Hạng Tử Siêu thứ hai làm chàng đâm ra nghi ngờ cả bản thân mình. Thân hình to béo với đôi bàn tay năm ngón này đâu phải của chàng? Thanh bảo đao mà chàng bỏ lại Tinh Châu cũng vậy. Tử Siêu như người sống trong ác mộng, chàng cứ đi mãi quên cả ý nghĩ trở về Trường An.
Hơn mười ngày sau chàng đến rặng Tung Sơn. Tiếng reo hò và tiếng thép chạm nhau khiến chàng kinh ngạc. Hàng trăm tên võ sĩ mặt áo đen lưng thêu vòng thái cực nửa xanh nửa đỏ đang tiến như vũ bão lên sườn núi. Đối thủ của họ là những tăng nhân, đạo sĩ và hào kiệt giang hồ.
Xác người nằm rải rác từ chân núi lên đến phía trên, chứng tỏ cuộc chiến cực kỳ khốc liệt. Tử Siêu nghĩ đến việc Âm Dương Bang đã hạ sát người anh em của mình là môn chủ Kim Giáp Môn, chàng giận giữ tung mình lên núi. Trong tâm khảm chàng, gã Tử Siêu kia dường như cũng là hậu duệ của họ Hạng.
Cao thủ phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Hoa Sơn đang chống đỡ một cách tuyệt vọng bỗng vui mừng nhận ra vòng vây đối phương bị đánh thủng bởi một người to béo như con trâu nước. Gã đi đến đâu, nơi đấy vang lên tiếng rên la thảm thiết, xác người bắn tung lên.
Hai đông bang chủ của Âm Dương Bang là Phí Vô Úy và Mã Khuyến Thường cũng thầm kinh sợ trước thần công tuyệt thế của người lạ. Chỉ nửa khắc sau người ấy đã lên đến nơi. Hai lão ác ma bỏ các chưởng môn, quay sang tấn công hán tử. Họ hợp chưởng đẩy ra đạo kình phong tím rực, bao phủ thân hình đối thủ.
Nào ngờ hán tử này tuy nặng đến gần hai trăm cân mà khinh công cao cường. Gã bốc lên cao tránh chiêu rồi lao xuống. Màn lưới chân khí xám mờ đan quanh người như trái cầu, hoàn toàn không có dấu chưởng ảnh nào. Song ma kinh hãi nhảy lùi gần trượng. Chưởng kình quét xuống khoét sâu nền sơn đạo cứng rắn, đất đá bay lên mù mịt.
Hán tử đánh hụt, sa xuống đất và lập tức tấn công ngay. Lần này, một luồng hào quang sáng bạc xuât hiện cuốn đến đối phương. Song ma nghiến răng xuất chiêu Âm Dương Giao Thái. Đạo kình phong màu tím riực rỡ chạm vào trái cầu sáng bạc nổ vang rền như sấm. Họ cản được bước tiến của hán tử nhưng cũng thọ thương, chân khí nhệu nhạo, máu rỉ ra khoé miệng.
Song phương dội ra đứng nhìn nhau. Lúc này mọi người thấy rõ dung mạo của hán tử. Gương mặt tròn vành vạnh của gã có vài nét giống Tử Siêu với ánh mắt buồn rầu. Xét về mặt võ công thì hào quang ánh sáng rực kia chính là Vô Lượng Quang Minh Thần Chưởng nhưng lại cao thâm hơn nhiều.
Quần hào linh cảm đây chính là môn chủ Kim Giáp Môn nên reo hò vang dội, phấn khởi tinh thần lao vào phe đối phương.
Từ lúc Tử Siêu tham chiến, ba vị chưởng môn và tám cao thủ bậc nhất của ba phái được rảnh tay hỗ trợ đệ tử. Nhờ vậy cục diện đã xoay chiều. Hai lão ma kia không tin rằng gã béo mập kia có thể địch lại Âm Dương thần chưởng nên chia hai phía giáp công. Phép đánh liên thủ này rất lợi hại, kẻ trước người sau khiến đối phương không kịp trở tay.
Nhưng nào ngờ bản lãnh của hán tử đã bước vào cảnh giới của võ đạo. Gã biến chiêu dễ dàng như trở bàn tay. Dường như giữa các chiêu không còn ranh giới nữa. Thân hình thô kệch ấy đảo lộn giữa lưới chưởng xanh đỏ nhẹ nhàng như cánh bướm. Mỗi lần gã phản kích là song ma phải khốn đốn. Sau vài lần đối chưởng riêng rẽ, hai lão tự biết công lực mình kém xa đối phương. Họ đành trở lại đấu pháp hợp bích.
Nhưng càng đánh càng rơi vào thế hạ phong, họ nhìn nhau rồi dùng đến chiêu cuối cùng trong pho Âm Dương thần chưởng – Điên Đảo Càn Khôn. Đây là chiêu sát thủ mà họ chưa hề dám sử dụng lần nào vì đánh xong chân khí sẽ hao tổn trầm trọng. Hai người nắm chặt tay nhau lướt đến. Song thủ còn lại nhịp nhàng đẩy ra những đạo chưởng kình như gió xoáy, khiến đất đá cát bụi bị cuốn lên. Chiếc kén xanh đỏ bay về phía hán tử với tốc độ kinh hồn.
Gã béo quát vang như sấm, hóa thành trái cầu bạc ập đến. Tiếng nổ vang rền cả vùng núi Thiếu Thất, song ma bắn tung về phía sau, ôm ngực quát thuộc hạ lui quân. Đối thủ của họ cũng văng ra sau hơn trượng, máu miệng trào ra như suối. Nhưng gã dũng mãnh như thiên tướng, lập tức đuổi theo.
Đến chân núi, song ma chia làm hai hướng thoát đi khiến hán tử phân vân chẳng biết bỏ ai theo ai nên dừng bước. Gã nhình thấy tuấn mã của mình liền nhảy lên bỏ đi mất..
Bang chúng Âm Dương Bang bị quần hào ba phái truy sát liền tung ám khí đặc dị và yêu đạn để thoát thân. Hạc Kiếm Hạ Hầu Phương đau đớn thét lên:
– Siêu nhi!
Nhưng chỉ có tiếng vang vọng của núi rừng.
Nửa tháng sau, tin Tử Siêu tái xuất giang hồ đả thương hai bang chủ Âm Dương Bang cứu ba phái đã loan ra khắp võ lâm. Các phái bạch đạo thừa cơ phản công, đuổi đối phương ra khỏi lưu vực lưỡng đại giang. Song ma bị thương đành rút về Mai Hoa Cốc cố thủ.
Kim Giáp Môn sau khi hợp lưc với quần hùng đánh đuổi Âm Dương Bang liền trở lại Trường An, công khai giương cờ. Họ nhờ Cái Bang ráo riết truy tìm tung tích Tử Siêu và hứa sẽ thưởng một ngàn lượng vàng cho bất cứ ai đưa được Tử Siêu về Trường An. Thân hình to béo của chàng là đặc điểm nhận dạng.
Phần Tử Siêu, hôm ấy chàng lên ngựa ra roi đi về hướng Đông Nam. Chàng chạy một mạch hai chục dặm đến một cánh rừng già bên đường quan đạo, liền ghé vào vận khí điều thương. Trong lần chạm chưởng cuối cùng chàng đã bị thương nhẹ.
Tuấn mã theo đường mòn vào sâu ba dặm. Đến một dòng suối chảy cắt ngang. Tử Siêu dừng cương, nhảy lên tảng đá lớn cạnh đấy hành công. Hai khắc sau chàng đã hoàn tất, cởi y phục xuống suối tắm rửa. Tử Siêu nhìn đôi bàn tay năm ngón múp míp và thân hình béo tròn của mình thở dài chua xót.
Chàng có cảm giác như mình mượn xác của người khác vậy. Tâm trạng của một kẻ đánh mất bản thân thật là khủng khiếp. Chàng là Hạng Tử Siêu hay gã đã chết kia? Nếu vậy, thì chàng có cần phải lấy vợ để nối mạch tông môn của Hạng gia hay không?