Nhớ ngày ấy nói với mẹ đồng ý đến Mặc gia, tuy giọng điệu nghe rất dõng dạc, lưu loát song thực ra trong lòng Hứa Tri Mẫn hoang mang vô cùng, bởi thế nên cô vẫn kéo dài thời gian, chần chừ chưa muốn đi. Nhưng mai đã là lễ khai giảng, và điều này có nghĩa rằng, ngày đi Mặc gia không thể chậm trễ được nữa.
Sáng sớm thức dậy, Hứa Tri Mẫn mở tủ cẩn thận lựa chọn quần áo. Từ trước đến nay vốn quen giản tiện trong chuyện ăn mặc nên cô không có nhiều trang phục để lựa chọn. Cuối cùng cô lục tìm được dưới đáy tủ một cái váy màu xám bạc dài ngang gối kiểu dáng thục nữ, và áo sơ mi màu trắng không tay có đường viền hoa văn xinh xắn ở cổ áo. Áo và váy mặc dù đều là loại hàng giá rẻ, may nhái theo hàng hiệu, nhưng gỡ gạc ở chỗ chất liệu vải không đến nỗi tệ, mặc vào trông cũng khá lịch sự trang nhã.
Rồi cô lại nghĩ, đạp xe đến Mặc gia trong tình trạng mồ hôi nhễ nhại có vẻ không ổn. Vậy là quyết định ngồi xe buýt.
Xuống xe, nhìn đồng hồ thấy chỉ mới chín giờ hai mươi phút, cô bèn thả bước chầm chậm trong nắng hè.
Không gian xanh của tiểu khu được tạo nên bởi hai hàng cây phượng hoàng đẹp rực rỡ trồng trên hai con đường bao bọc xung quanh. Cây phượng hoàng – loài cây biểu tượng của thành phố – còn được mệnh danh là ‘cây lửa’. Vào mùa xuân, giữa lúc trăm hoa tranh nhau khoe hương sắc và muôn cây đua nhau đâm chồi nảy lộc thì phượng hoàng say sưa trong giấc ngủ trường kỳ. Để rồi đến mùa hè, mùa của ‘Cây xanh thẫm nắng hạ dài’*, những chùm hoa như ngọn lửa đỏ rực lại bừng nở vẻ đẹp lộng lẫy không loài cây nào sánh bằng.
(*) Một câu thơ trong bài thơ Sơn Đình Hạ Nhật – Tác giả: Cao Biền – Người dịch: Quỳnh Chi.
Khoảnh khắc ngẩng đầu ngắm nhìn sắc đỏ đẹp đến choáng ngợp ấy, cô bỗng cảm nhận được có một ngọn gió từ những ngày bé bỏng – khi bà dì dắt cô đi bằng đôi tay gầy gò mà vững chãi – ùa về lòng, se sẽ yên lành.
Thật ra chẳng có gì đáng e sợ cả. Họ và cô đều là người, cho dù họ ở nhà cao cửa rộng, còn cô ở nhà trệt cũ kỹ dột nước mưa, thì chẳng qua cũng chỉ là những con người cư ngụ trong một căn nhà mà thôi. Cho nên, tự mình chuốc lấy phiền não là chuyện quá sức nực cười.
Cô hơi nâng cằm, bước qua cổng lớn của tiểu khu Nguyệt Hoa. Hiển nhiên cô không biết rằng, từ phía sau cửa sổ sát đất phòng khách của căn hộ 402 dãy nhà số 5, Mặc Thâm đang chăm chú nhìn theo bóng dáng cô.
Suối tóc đen huyền của Hứa Tri Mẫn tựa như cánh bướm lấp lóa sắc màu tung bay theo làn gió mùa hạ êm đềm. Khi dáng hình khoan thai và tao nhã ấy lướt qua bóng cây trong tiểu khu, Mặc Thâm đã liên tưởng đến yêu tinh, một yêu tinh tóc đen xinh đẹp.
Cậu nhắm mắt rồi lại từ từ mở ra. Mười bảy tuổi, là con trai trưởng Mặc gia được ba mẹ dạy dỗ nghiêm khắc, sự sắc sảo và trưởng thành thể hiện qua đôi đồng tử trầm tĩnh của cậu tuyệt nhiên không giống với một cậu con trai ở lứa tuổi mười bảy.
Lương Tuyết bảo cậu kênh kiệu, thật ra cô nàng nên nói cậu có đôi mắt rất biết chọn lọc thì chính xác hơn. Điểm này cậu giống mẹ, bà Dương Minh Tuệ. Khi nhìn người khác, thoạt tiên mắt cậu sẽ nhìn vào cốt cách của họ. Sau đó tùy theo tình trạng thực tế mà phân chia thành ba loại để kết giao: Loại vô dụng, loại có giá trị sử dụng và loại để đó chờ định đoạt. Ví dụ như Lương Tuyết, lúc xem trận so tài đầu tiên của cô nàng ở võ quán Taekwondo, cậu tức thì nhận ra cô gái này có cá tính mạnh mẽ kiên cường hơn cả con trai, trong con người cô tồn tại một khát khao thay đổi số mệnh không dễ gì lay chuyển và nếu có cơ hội, cô nàng nhất định có nhiều đất dụng võ. Vì vậy, cậu xếp cô nàng vào loại bạn bè thứ hai.
Không phải cậu không muốn có một người bạn thân thiết. Chỉ là đến bây giờ cậu vẫn chưa gặp được người bạn cùng lứa nào có thể đứng ngang hàng với cậu.
Vậy nên trong thế giới của cậu, Hứa Tri Mẫn ngay từ đầu chính là một biến số.
Cậu và em trai Mặc Hàm từ bé cũng chỉ biết vú và cô có mối quan hệ thân thích. Vú thích bé gái nhưng vú không có cháu ngoại mà chỉ có một cô cháu gái duy nhất là Hứa Tri Mẫn.
Mỗi lần nghe vú vui vẻ kể đi kể lại về một cô bé xa lạ, cậu lẫn Mặc Hàm đều mơ hồ như nhau.
“Ba mẹ con bé đặt tên nó là Hứa Tri Mẫn vì mong muốn sau này lớn lên con bé sẽ trở thành một đứa bé gái vừa thông minh vừa ngoan ngoãn lễ phép.” Rốt cuộc vú cũng kể về cô và ý nghĩa cái tên của cô vào một ngày nọ.
Trong ánh mắt hai anh em hiện lên dấu chấm hỏi to tướng: Tri Mẫn = vừa thông minh vừa ngoan ngoãn lễ phép?
Không. Cậu không đồng ý. Thông minh đi đôi với ngoan ngoãn lễ phép là tư tưởng của thế hệ người già. Nếu đổi lại là một đứa trẻ trưởng thành cùng thời với các cậu thì hẳn sẽ biết hai chữ Tri Mẫn có cách giải thích hoàn toàn trái ngược.
Sau đó là lần đầu tiên gặp gỡ tình cờ trên xe buýt. Vì vú thường lấy hình chụp của cô – trong đó có cả tấm hình cô sắp đi học – ra khoe với anh em cậu, nên cậu nhanh chóng nhận ra cô chính là cô bé bà thường hay nhắc tới. Bởi thế cậu liền đeo vào tấm thẻ học sinh, cốt để cô biết tên của cậu.
Lần thứ hai gặp nhau vào ngày đến bộ giáo dục xem bảng niêm yết thành tích lại là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Lúc đó cậu đã trông thấy cô ở nhà lều giữ xe và cố ý chờ cô. Đúng như cậu dự tính, hai người đã nói chuyện với nhau.
Có lẽ từ khi biết trong thế giới của vú có một cô nhóc gọi là ‘con bé’, cậu và Mặc Hàm đã gieo vào lòng một hạt giống mang tên ‘để tâm’. Rồi sau khi họ gặp lại, hạt giống đó đã lẳng lặng nảy mầm.
Thứ tình cảm được đặt cho cái tên ‘để tâm’ này suy cho cùng là thích hay ghét, chính cậu cũng không rõ. Chỉ biết rằng, ngay bây giờ khi nhìn thấy cô đi vòng vèo trong mấy lối rẽ của tiểu khu, cậu không nhịn được cong môi cười: Cô em này rất dễ lạc đường thì phải. Mà với cá tính của cô, chắc chắn cô không đời nào chịu hỏi đường người khác.
Bên tai vọng đến tiếng mở cửa, cậu thấy vú vội vội vàng vàng chạy xuống cầu thang đón cô. Vẻ thoải mái trên gương mặt cậu vụt tắt chóng vánh và được thay thế bởi một suy nghĩ thâm trầm: Có lẽ, nên như Mặc Hàm nói, anh em họ nên đối tốt với cô một chút để cô nảy sinh cảm giác dựa dẫm vào Mặc gia.
Qua một lát sau, cậu thấy Hứa Tri Mẫn thân thiết nắm tay vú rồi hai người đứng lặng mãi hồi lâu trước cửa nhà Mặc gia.
Hứa Tri Mẫn cởi nón che nắng xuống, vừa rồi gặp lại bà dì cô vui mừng quá đỗi. Đã nhiều năm trôi qua nhưng nom bà vẫn hệt như trong ký ức ngày thơ bé, vẫn nhân hậu và hiền từ như thế.
Cô nhè nhẹ vén mấy sợi tóc lòa xòa sang hai bên, hé mở một gương mặt mịn màng thanh khiết. Đôi gò má trắng nõn ửng lên như hai áng mây hồng và cặp mắt hai mí tròn xoe xinh đẹp tương phản với nét trầm tĩnh vốn có như đẩy lòng người lạc vào bể đắm say.
Mặc Thâm đứng nhìn bên cạnh, bất giác trái tim và linh hồn rúng động. Đẹp. Một chữ này lóe lên trong đầu cậu. Ngay sau đó, cậu phải áp chế cảm giác khô nóng bất ngờ trào dâng trong cổ họng. Lúc trước cậu thừa biết cô sử dụng vẻ ngoài lạnh nhạt, điềm đạm, ít nói như một chiếc mặt nạ giả tạo đế che giấu dung nhan xinh đẹp; nhưng không ngờ khi cô gỡ nó ra, vẻ đẹp ẩn giấu bên dưới lớp vỏ ngụy trang lại có thể khơi gợi phản ứng nơi cậu mạnh mẽ đến vậy. Cậu hiểu rõ đây là loại phản ứng gì, bởi vì trong thư phòng của ba chất đầy sách viết về phản ứng sinh lý của cơ thể con người, bao gồm cả đặc điểm riêng biệt giữa hai cơ thể khác giới.
Cậu và em trai Mặc Hàm đang trong độ tuổi dậy thì. Cậu biết mình cần gì, và nhờ sự chỉ dẫn của ba mẹ nên cũng biết làm cách nào để tự kiểm soát nhu cầu sinh lý của bản thân. Thế nhưng chẳng phải đứa trẻ nào cũng may mắn được nói chuyện nghiêm túc với ba mẹ về vấn đề này như hai cậu con trai của vợ chồng ông bà Mặc. Hứa Tri Mẫn chính là một trong số những đứa trẻ kém may mắn đó. Lần cô có kinh nguyệt đầu tiên trong đời, mẹ không hề giải thích một câu mà chỉ đưa cô miếng băng vệ sinh để xử lý qua loa cho xong chuyện. Thậm chí, ngay cả cái từ ‘kinh nguyệt’, Hứa Tri Mẫn cũng chỉ biết được sau khi học xong tiết sinh học của lớp sơ tam.
Mặc Thâm luôn để mắt quan sát mỗi cử chỉ hành động của cô. Hình như cô thấy nóng bức khó chịu, cho nên bàn tay không kìm được tìm đến nút đầu tiên trên áo rồi tùy tiện mở bung ra. Cậu lập tức nhớ lại lần đầu gặp cô trên xe buýt, cô cũng thản nhiên mở nút cổ áo như vậy. Nhưng khi đó thứ phơi bày ra bên ngoài chỉ là áo len cao cổ, còn bây giờ là cả một khoảng da thịt trắng muốt không gì che đậy.
Mặc Hàm đi ra từ căn phòng phía sau Mặc Thâm, vừa trông thấy cảnh này đã vội vã tránh mắt sang hướng khác.
Mặc Thâm khẽ cười hứng thú, thật ra cũng không thể trách cô. Nói một cách thẳng thắn, nguyên nhân là do sự giáo dục ngay trong gia đình. Để một đứa trẻ có được nền tảng giáo dục ưu tú và toàn diện, giáo dục của nhà trường chỉ đáp ứng một phần nào đó, giáo dục của chính gia đình mới giữ vai trò quan trọng nhất. Mà giáo dục gia đình thì lại liên hệ mật thiết với điều kiện gia đình. Điều kiện – cậu và Mặc Hàm có, cô không có. Đây chính là sự khác biệt giữa nhà cô và nhà họ Mặc. Còn nếu suy rộng ra theo cách nghĩ của Hứa Tri Mẫn, đây chính là sự khác biệt giữa nhà cao cửa rộng và nhà trệt cũ kỹ dột nước mưa.
Bất kể cô có giỏi ngụy trang đến đâu chăng nữa, vào thời khắc này, dưới cái nhìn của những người nhà họ Mặc cô cũng chẳng hơn gì một người nông dân bán rau ngoài chợ.
Hứa Tri Mẫn vốn là người nhạy bén, ngay khi ý thức được sự thất thố của mình qua biến chuyển trong ánh mắt anh em nhà họ Mặc, cô tức thì hổ thẹn cắn môi dưới.
Bà cụ chất phác chẳng mảy may nhận ra những gợn sóng cảm xúc đang dao động giữa ba người trẻ. Ba cô cậu đều là những đứa bé do chính tay bà nuôi lớn, bà yêu thương nói: “Nghe nói ba cháu đã gặp nhau trước rồi cho nên bà không giới thiệu nhiều nữa, nhưng mà mấy đứa nhớ sống hòa thuận với nhau nghe chưa.”
“Vú đừng lo lắng mù quáng như thế. Mặc Thâm và Mặc Hàm đều do vú nuôi dạy, chẳng lẽ vú vẫn không yên lòng à?”
Tiếng nói rõ ràng và êm tai vọng đến, Hứa Tri Mẫn thoáng ngước mắt lên nhìn. Một người phụ nữ xinh đẹp, trí thức đang tiến bước về phía cô.
Bà dì nhanh tay kéo góc áo Hứa Tri Mẫn.
Cô hiểu ý, khẽ cất tiếng chào: “Chào cô Tuệ.”
Dương Minh Tuệ – vợ của chú Mặc, nữ chủ nhân của Mặc gia – là một người phụ nữ không hề bình thường như bao người phụ nữ khác. Phong thái mạnh mẽ, giao tiếp khéo léo cùng sự nghiệp thành đạt hơn người đã khiến địa vị của Dương Minh Tuệ ở Mặc gia còn có phần cao hơn chồng bà.
Tất thảy những điều này Hứa Tri Mẫn đều đã nghe mẹ dặn dò nên bây giờ cô nhìn vị phu nhân của Mặc gia bằng thái độ vô cùng, vô cùng cung kính. Dương Minh Tuệ tựa vào khung cửa, tay trái ôm quyển sách. Đã hơn bốn mươi tuổi nhưng thoạt trông bà chỉ mới hơn ba mươi. Mái tóc dài được bà vấn cao và cố định bằng một cái kẹp tóc lục sắc. Bà có vóc dáng cao gầy, ngũ quan mang vẻ đẹp sắc nước hương trời cùng ánh nhìn lạnh nhạt hờ hững đằng sau cặp kính gọng vàng. Bà mặc quần jeans màu trắng và áo sơ mi trắng dài ngang đùi, trang phục dù đơn giản phóng khoáng nhưng vẫn thể hiện đầy đủ đường nét nữ tính duyên dáng.
Hứa Tri Mẫn tức khắc đặt hình ảnh bà cạnh ‘Khổng tước’ màu mè lòe loẹt của hoa viên Nguyệt Hoa. Hai người đều là phu nhân của gia đình giàu có, nhưng rõ ràng phu nhân Mặc gia và phu nhân Kiều gia không cùng một đẳng cấp.
Ánh mắt ‘kiêu kỳ’ của Dương Minh Tuệ không phải là ánh mắt trịch thượng, tự cao tự đại, mà đích xác là ánh mắt của con người nắm uy quyền trong tay. Những sợi cảm xúc sợ hãi và phấn khích đan vào nhau, len lỏi trong tâm hồn cô. Hứa Tri Mẫn thầm tâm niệm, nếu cô đứng trên vị trí cao thì Dương Minh Tuệ nhất định phải là một trong số những người cô cúi mắt nhìn xuống.
Dương Minh Tuệ đảo mắt qua cổ áo Hứa Tri Mẫn rồi nói với bà cụ: “Vú này, bữa nay trời nóng quá, con đã soạn sẵn một bộ đồ mặc ở nhà cho Tri Mẫn rồi, vú dắt con bé vào phòng ngủ thay đi.”
“Thế này có kỳ lắm không con?” Bà cụ vội nói.
“Mặc Chấn đã nói trước với con rồi, người trong nhà cả thôi, có gì đâu mà phải khách sáo.” Dương Minh Tuệ đẩy ngón tay vào gọng kính vàng, nở nụ cười lạt lẽo.
Hứa Tri Mẫn nghe ra mâu thuẫn vợ chồng trong lời nói của bà, có nghĩa đây là chuyện ông Mặc căn dặn, không phải chủ ý của bà, bà chỉ đơn giản làm theo ý ông mà thôi. Hệ quả của mâu thuẫn đó là cô, nhưng mọi chuyện lại bắt nguồn từ bà dì. Tình cảm của bà dì với ông Mặc rất tốt đẹp, trong khi với Dương Minh Tuệ lại không mấy suông sẻ. Đại khái giống như “Con trai quá hiếu thuận với mẹ, tất sẽ khiến con dâu sinh lòng đố kỵ.” Thế nhưng bà dì tính tình hiền hậu, còn Dương Minh Tuệ lại là nàng dâu tài giỏi, hiểu lễ nghĩa của Mặc gia, vì thế giữa hai người vẫn không xảy ra bất cứ tranh chấp gì.
Quả nhiên bà cụ không tiếp tục từ chối, dắt cháu gái vào phòng của mình. Hứa Tri Mẫn thay vào bộ đồ mặc ở nhà Dương Minh Tuệ đã chuẩn bị sẵn.
Đó là một chiếc đầm màu hồng cổ cánh sen với dải lụa tơ tằm vòng quanh thắt thành nơ bươm bướm ngay giữa góc xẻ cổ áo. Bộ đầm mặc ở nhà này rất xinh, rất hợp với cô, nhất là rất có hương vị gia đình.
Hứa Tri Mẫn soi gương, ngẫm nghĩ cả buổi vẫn không thể định nghĩa được cụm từ ‘Người trong nhà’ Dương Minh Tuệ gán cho cô. Sau khi cầm chiếc lược sừng dê sang quý trên bàn trang điểm của bà dì chải tóc ngay ngắn chỉnh tề, cô trấn tĩnh tinh thần và đi ra khỏi phòng.