Tôi ngồi bên mép
giường, đọc “Sử ký” phiên bản tiếng phổ thông Trung Quốc cho Rajiva nghe.
Những đứa trẻ khác ở vào tuổi này rất thích “Truyện cổ Grim” hay “Nghìn
lẻ một đêm”. Khi lên ba, Rajiva đã tự mình đọc hết mấy cuốn truyện cổ này. Không
biết có phải chịu ảnh hưởng từ tôi hay không mà bé đặc biệt yêu thích lịch sử.
Bé đã tự mày mò đọc “Tam quốc diễn nghĩa”, tất nhiên, bé phải tra từ điển và
phải nhờ tôi giải thích ý nghĩa của không ít các câu cổ văn khó hiểu. Nhưng
buổi tối, trước khi đi ngủ, cũng như bao đứa trẻ khác, bé thích được mẹ đọc
sách ru ngủ. Tôi vừa đọc vừa nghĩ ngợi, không biết đến lúc bé đủ tuổi đi học,
nhà trường có cho bé học vượt cấp không?
Có tiếng gõ cửa, là
Tuyết Tuyết. Gương mặt cô bé đỏ bừng bừng, hai mắt sáng lấp lánh, không biết có
chuyện gì mà cô bé phấn khích đến mức chụp lấy tay tôi, hăm hở nói với
nhóc Rajiva đang nằm trên giường:
– Cô có chuyện quan
trọng cần nói với mẹ cháu, Rajiva ngoan ngoãn ngủ đi nhé, cho cô mượn mẹ một
lúc.
Không cho tôi nấn ná
dù chỉ một giây, cô bé cuống quít vừa kéo tôi đi về phía tòa nhà phòng thí
nghiệm vừa liến thoắng trình bày với tốc độ nhanh sở trường của em:
– Cô ơi, Chinh Viễn
đang chờ chúng ta ở phòng thí nghiệm. Chúng ta phải đến đó thật nhanh,
tranh thủ buổi tối không có người, mọi việc sẽ dễ dàng hơn.
Tiếng bước chân lạo
xạo trên tuyết, tôi bật cười, trêu em:
– Đổi xưng hô từ khi
nào thế em?
Cô bé đột nhiên dừng
bước, gương mặt em đỏ ửng dưới ngọn đèn đường. Lần này thì xấu hổ thật sự rồi!
– Cô thật là! Cô trở
nên xấu tính từ khi nào vậy…
Phòng thí nghiệm quả
nhiên chỉ có mình Chinh Viễn, cậu vẫn khoác áo blouse trắng như khi đang làm
việc. Nhìn thấy Tuyết Tuyết, gương mặt điềm tĩnh của cậu bỗng nhiên ửng đỏ. Tôi
đang thích thú quan sát ánh mắt ngượng ngùng, trốn tránh của đôi trẻ, thì bị
Tuyết Tuyết xô đến trước một cỗ máy.
Cô bé khoát tay, giậm
chân:
– Chinh Viễn, mau kiểm
tra sức khỏe cho cô Ngải Tình đi.
Tôi lấy làm ngạc
nhiên. Chinh Viễn giấy đi vẻ bối rối, thiếu tự nhiên khi nãy, nghiêm trang nói
với tôi:
– Ngải Tình, Tuyết Tuyết
muốn nhường cơ hội vượt thời gian cho chị.
Tôi giật mình, tim đập
nhanh lạ thường, trợn tròn mắt nhìn Chinh Viễn và Tuyết Tuyết.
– Vì sao lại nhường
cho tôi?
Tuyết Tuyết nhìn tôi
cười đắc chí:
– Lúc mặc áo chống tia
phóng xạ và nằm vào cỗ máy thời gian, em sẽ giả vờ mắc tiểu. Khi ấy cô chờ em ở
nhà vệ sinh, em đổi quần áo cho cô. Chiều cao và vóc dáng của cô rất giống em,
nên sẽ không ai phát hiện ra đâu.
Tôi chưa hiểu ra điều
gì, cứ ngẩn tò te, mãi mới bật ra được một câu hỏi:
– Họ… họ sẽ phát hiện
ra thôi!
– Vậy cũng chẳng sao!
Tuyết Tuyết làm bộ
không biết sợ hãi là gì, kéo tay tôi, lúc lắc cái đầu ương bướng:
– Chờ khi họ phát hiện
ra thì cô đã đi xa rồi, họ chẳng thể nào bắt cô quay lại được. Em không phải
cán bộ của trung tâm, họ làm gì được em? Chinh Viễn là kỳ tài ngành sinh hóa,
rời khỏi đây, chẳng nhẽ anh ấy không tìm được việc gì khác ư?
– Nhưng mà… nhưng mà…
Tôi vẫn chưa thể thông suốt, nhìn gương mặt hoạt bát, lạnh lợi của Tuyết Tuyết,
ngập ngừng hỏi:
– Nhưng mà em sẽ
trở về thời nhà Đường, lúc diễn ra sự biến Huyền Vũ Môn kia mà…
Thay đổi số liệu là
một việc hết sức phức tạp, chỉ cần chỉ số thời gian và không gian sai khác đi,
họ sẽ phát hiện ra ngay lập tức.
– Chuyện đó cô cứ yên
tâm.
Cô bé bật cười ha hả,
chụm môi, đẩy đưa về phía Chinh Viễn:
– Một phút trước khi
cỗ máy thời gian khởi động, Chinh Viễn sẽ điều chỉnh số liệu. Cô vẫn luôn mong
muốn được trở về Trường An gặp lại đại sư Kumarajiva kia mà! Địa điểm
giống nhau, chỉ cần thay đổi niên đại, chỉ mất một phút, sẽ không ai chú ý đâu.
Một phút sau, khi họ phát hiện ra thì cô đã đi xa rồi.
– Tuyết Tuyết, Chinh
Viễn…
Tuyết Tuyết nháy mắt
đầy tinh nghịch với tôi:
– Nhưng cô ơi, vì sao
cô không chọn thời điểm pháp sư trẻ hơn chút xíu ạ? Lúc ở Trường An, pháp sư đã
năm mươi ba tuổi rồi, chẳng thể lãng mạn được nữa.
Tôi lắc đầu, cười:
– Các cô các cậu thì
chỉ suốt ngày lãng mạn, bay bổng. Nếu đây là cơ hội cuối cùng, thì cô mong được
trở về bên cạnh pháp sư khi ngài đã già nua, để được chăm sóc ngài. Vả lại, nếu
đi Trường An, Chinh Viễn sẽ chỉ cần điều chỉnh số liệu về thời gian, như vậy sẽ
dễ dàng che giấu hơn việc đồng thời điều chỉnh cả thời gian và địa điểm. Khi đã
quyết định vượt thời gian, cô muốn nó phải thành công, vì nếu thất bại, cô
không biết còn cơ hội nào cho mình nữa không…
Tuyết Tuyết đỡ tôi nằm
vào cỗ máy thời gian, dịu giọng:
– Cô đừng tính chuyện
thành công hay thất bại vội, trước tiên phải để Chinh Viễn kiểm tra sức khỏe
của cô, để xem cô có thể chịu nổi lần vượt thời gian này không đã.
Tôi nằm xuống mà lòng
không khỏi thấp thỏm lo âu, tim đập thình thịch. Đây là cơ hội cuối cùng của
tôi ư?
Sau khi hoàn tất cuộc
kiểm tra tổng thể, cả tôi và Tuyết Tuyết đều hồi hộp ngước nhìn Chinh Viễn,
nhưng cậu ta vẫn đang chăm chú xem xét các số liệu trên máy vi tính.
– Rốt cuộc thế nào?
Tuyết Tuyết sốt ruột,
không thể ngồi yên, lại bắt đầu lúc lắc cánh tay của Chinh Viễn.
Cuối cùng cậu ấy cũng
chịu ngẩng đầu lên nhìn tôi, vẻ mặt nghiêm nghị hơn cả khi nãy, giọng nói nằng
nặng:
– Ngải Tình, chị có
thể đi, nhưng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, chị hãy suy nghĩ thấu đáo.
Tôi gật đầu, nóng ruột
ra hiệu, giục cậu ấy nói tiếp.
– Chị đang phải nhờ
vào các loại thuốc để duy trì số lượng tế bào bạch cầu trong máu ở mức tiêu
chuẩn, nhưng nếu chị trở về đó, sẽ không thể mang thuốc theo. Vì tác dụng phụ
gây ra bởi thuốc nhiễm phóng xạ còn nghiêm trọng hơn cả việc không uống thuốc.
Và một khi dừng uống thuốc, tủy sống sẽ sản sinh ra rất nhiều tế bào bạch cầu
mới. Nếu vượt mức so với tiêu chuẩn mười lần, thì kể cả khi quay lại đây và
uống thuốc, cũng không thể hạ số lượng bạch cầu xuống. Chỉ có thể tiến hành
điều trị bằng hóa chất, sau đó phải chờ ai đó hiến tặng tủy sống phù hợp.
Tuyết Tuyết mặt mày
biến sắc. Tôi vỗ nhẹ vào tay động viên em, rồi quay lại nói với Chinh Viễn:
– Tôi không hiểu nhiều
về y học, tôi chỉ muốn biết, sau khi dừng uống thuốc, tôi có thể cầm cự được
bao lâu nữa?
– Nếu cộng them việc
nhiễm xạ cả hai lần đi và về, thì hết nửa năm chị phải quay lại ngay.
Hòn đá đè nặng trên
ngực khi nãy đã bị ủn xuống, tôi vui mừng gật đầu:
– Được nửa năm ư? Tốt
quá, tôi sẽ đi.
Vẻ mặt Chinh Viễn hiển
hiện nỗi thương cảm, cậu thở dài: – Ngải Tình, chị nên biết rằng, ngay cả khi
chị trở về đúng hẹn, sức khỏe của chị cũng sẽ bị tổn thương trầm trọng, rất khó
bù đắp. Cũng có nghĩa là chị sẽ phải giảm đi mười năm tuổi thọ hoặc dài hơn để
đổi lấy nửa năm ngắn ngủi này.
Tuyết Tuyết thốt lên
kinh hãi, nước mắt tuôn trào, cầm tay tôi nghẹn ngào:
– Cô ơi, chả trách họ
không cho cô đi. Em cứ nghĩ mình đang làm một việc tốt, đâu ngờ…
– Tuyết Tuyết, đừng lo lắng, cô không sao.
Tôi mỉm cười ngắt lời
cô bé, nắm tay cả hai người, kéo lại gần nhau:
– Tuyết Tuyết, Chinh
Viễn, cảm ơn hai bạn. Dù có thế nào tôi cũng không thể bỏ lỡ cơ hội này. Tôi về
trước đây, cần chuẩn bị rất nhiều thứ mà chỉ còn một ngày nữa thôi, tôi phải tranh
thủ thời gian.
– Cô ơi, cô thật sự
muốn…
– Tuyết Tuyết, chồng
cô đang chờ cô ở Trường An, cô phải giữ lời hứa…
– Chị chờ một lát.
Chinh Viễn chợt nhớ ra
điều gì, vội vàng chạy đến bên máy vi tính, tìm kiếm và in ra một trang tài
liệu.
– Đây là bài thuốc
điều trị bệnh máu trắng theo phương pháp của Đông y tốt nhất hiện nay. Theo
phương pháp truyền thống này, chỉ có thể làm chậm lại tiến trình phát triển của
bệnh mà không thể chữa trị dứt điểm. Chị hãy mang theo, dù sao cũng hơn là
không thuốc thang gì cả.
Tôi cảm ơn, đón lấy
trang giấy, gấp gọn bỏ vào túi. Lúc mở cửa bước ra, vẫn còn nghe tiếng nói
nghẹn ngào phía sau lưng:
– Ngải Tình, chị nhất
định phải quay về. Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, chị quay về sẽ có cơ
hội được chữa trị…
Tôi dừng bước, quay
đầu lại. Chinh Viễn ôm Tuyết Tuyết vào lòng, cả hai người đều nước mắt lưng
tròng nhìn theo tôi. Tôi mỉm cười, gật đầu cả quyết:
– Đừng lo, hoàn thành
xong tâm nguyện tôi sẽ trở về. Tôi còn phải nuôi dạy bé Rajiva kia mà…
…
– Mẹ xin lỗi đã khiến con
thức giấc.
Nhóc Rajiva dụi mắt,
gương mặt ngái ngủ nhìn tôi băn khoăn. Tôi mỉm cười đặt bé tựa lưng vào thành
giường, mặc áo khoác cho bé.
– Mẹ có chuyện quan
trọng muốn nói với con. Sau khi nghe xong, ngoài ông bà ngoại ra, con không
được kể cho ai khác, biết chưa?
Bé chớp chớp đôi mắt
to màu xám nhạt, đồng tử long lanh, trong veo tựa nước suối giữa rừng đại ngàn,
tinh khiết, ngọt ngào. Tôi cúi xuống, thì thầm vào tai con: – Mẹ phải vắng mặt
nửa năm để đi gặp bố.
– Rajiva cũng muốn đi!
Bé bật dậy, nhảy tưng
tưng trên giường, hào hứng hoa chân múa tay.
Tôi thở dài, kéo con
vào lòng, dịu dàng nói:
– Rajiva ngoan, mẹ
không thể đưa con đi cùng. Con biết đấy, bố ở một nơi xa xôi, hiểm trở. Mẹ đến
đó cũng không thể gọi điện cho con được. Vậy nên, con phải nghe lời ông bà. Nửa
năm sau mẹ về, nếu con ngoan ngoãn, mẹ sẽ mang quà của bố về cho con.
Gương mặt bé thoáng
chốc trở nên buồn thiu, bé tiu nghỉu, phụng phịu. Bình thường chỉ cần nhìn con
ỉu xìu như thế, tôi sẽ mềm lòng chiều theo ý bé. Giá mà có thể, tôi sẽ đưa bé
đi cùng, vì tôi hằng mong ước Rajiva được gặp con trai mình. Tôi vòng tay ôm
bé, sống mũi cay cay:
– Rajiva, ngày
mai con hãy chụp thật nhiều ảnh để mẹ mang cho bố xem.
– Vâng ạ.
Rajiva gật đầu ngoan
ngoãn, rồi đột nhiên nghĩ ra điều gì, bé khẽ vỗ vào má mẹ:
– Mẹ ơi, Rajiva sẽ
viết thư cho bố.
Ôi thằng bé này! Cảm
giác ấm áp lạ kì, tôi ôm chặt con vào lòng: – Ừ, con muốn nói điều gì với bố,
con hãy viết hết ra. Ngày kia mẹ lên đường rồi, nên ngày mai con phải hoàn
thành nhé.
Bé khẽ rời mẹ ra, nhìn
chăm chú vào mắt mẹ:
– Mẹ ơi, sao mẹ lại
khóc?
– Vì mẹ vui đó con. Vì
mẹ chờ đợi sáu năm, cuối cùng cũng được gặp bố, nhưng con biết không, bố đã
phải chờ đợi mẹ suốt mười sáu năm…
Lưỡi con ấm mềm lau
khô nước mắt của tôi, bàn tay ấm áp của bé nâng đỡ gương mặt mẹ:
– Rajiva sẽ ngoan
ngoãn ở nhà chờ mẹ về.
Tôi mắc áo chống tia
phóng xạ, đội mũ bảo hiểm bước vào buồng máy với bốn bức tường được ốp chì tấm
cực dày, đeo chiếc ba lô mà Tuyết Tuyết đặt sẵn ở đó lên vai, ngồi vào cỗ máy
thời gian. Tiếng chú Lý vang vang trong loa phóng thanh gắn chìm trên tường:
– Tuyết Tuyết, chúng tôi bắt đầu đếm ngược, đừng phát sinh thêm nhu cầu gì nữa nhé!
Tôi không đáp lại, chỉ
gật đầu ra hiệu. Cảm giác quen thuộc lại ùa đến, vào khoảnh khắc bay vút lên
không gian, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng chú Lý trong loa phóng thanh:
– Lạ nhỉ, sao Ngải Tình đi
vệ sinh lâu vậy