– Ngải Tình!
Cửa văn phòng nghiên
cứu sinh bật mở, tiếng cười hào sảng cuốn theo một dáng người mảnh khảnh ùa vào
phòng.
– Không, phải gọi là
giáo sư Ngải Tình mới đúng.
– Cháu chỉ là phó giáo
sư thôi ạ.
Tôi niềm nở nghênh đón
khách quý. Hôm qua, tôi nhận được điện thoại của Giám đốc Lý, thông báo rằng
chú và cậu Chinh Viễn về dự họp ở Bắc Kinh, nhân tiện muốn ghé qua thăm tôi,
nhóc Rajiva và cả thầy Quý vừa về nghỉ hưu nữa.
– Như thế cũng đáng nể
lắm rồi. Thông thường, người ta phải sau năm năm giảng dạy mới được đề bạt phó
giáo sư, cháu chỉ mất có hai năm rưỡi, lại đã hoàn tất bảo vệ học vị tiến sỹ
nữa, đáng chúc mừng lắm.
Tôi lắc đầu không dám
nhận, tươi cười mời hai người ngồi và rót trà tiếp khách.
Giám đốc Lý vừa ghé
môi thổi lá trà, vừa chăm chú quan sát tôi:
– Mấy năm không gặp mà
cháu chẳng thay đổi chút nào. Nhớ ngày nào thầy Quý dẫn cháu đến trung tâm
nghiên cứu, khi ấy cháu vẫn còn là một cô bé nhút nhát. Bây giờ cháu đã là một
mĩ nữ rồi. Ha ha, có sinh viên nào gọi cháu là nữ giáo sư xinh đẹp của khoa
Lịch sử không thế?
Giám đốc Lý lại bật
cười ha hả. Chinh Viễn lôi trong ba lô ra chú chó đồ chơi “siêu khuyển thần
thông”[1] đưa cho tôi:
[1] Tên một bộ phim
khoa học viễn tưởng hài hước của Châu Tinh Trì, năm 2008, còn gọi là phim
“Trường Giang số 7”.
– Chị Ngải Tình, đây
là quà cho nhóc Rajiva. Hai năm không gặp, mọi người trong trung tâm nhớ cậu bé
lắm. Giờ nhóc đã năm tuổi rồi, chắc là đáng yêu lắm.
Tôi vui vẻ đón lấy:
– Cảm ơn chú lúc nào
cũng chiều Rajiva. Cháu chú bây giờ tinh nghịch lắm, cả bố mẹ cháu và vợ chồng
thầy Quý đều rất mực cưng Rajiva. Cháu nghe nói ông Lý và chú Chinh Viễn đến
chơi thì mừng lắm, bảo rất muốn gặp hai người.
– Hả, cậu nhóc vẫn còn
nhớ chúng tôi ư? Chú Lý thích thú bật cười: – Mà cũng phải thôi, nhóc Rajiva là
thần đồng, chỉ số IQ 200 kia mà, trí nhớ của cậu bé vượt xa người bình thường.
Chinh Viễn hồi nhỏ cũng là thần đồng nổi tiếng đấy. Hai thần đồng tề tựu tại
trung tâm nghiên cứu và trở thành bạn tốt của nhau.
Chinh Viễn mỉm cười
hiền hoa khi nghe chú Lý khen mình, cậu ấy vẫn dễ chịu như ngày nào. Khi chúng
tôi còn ở trung tâm nghiên cứu, cậu ấy rất quý Rajiva, thường dẫn bé đi chơi và
dạy bé những kiến thức về sinh học. Có rất nhiều điều kì lạ, thú vị mà ngay cả
tôi cũng không biết hết, thế là nhóc Rajiva lại được dịp “trổ tài” trước mặt
mẹ.
Chú Lý đưa mắt nhìn
“đệ tử”, vẻ hài lòng, tiếp tục cười nói:
– Tôi đang đào tạo
Chinh Viễn trở thành người kế nhiệm vị trí của tôi. Bây giờ cậu ấy là cánh tay
phải, cánh tay trái đắc lực của tôi đấy. Vài năm nữa, đến tuổi nghỉ hưu, tôi
cũng học theo anh Quý, về nhà vui vầy với cháu con, vườn tược thôi.
– Từ lâu, cháu đã biết
Chinh Viễn là một người tài giỏi. Mà cậu ấy mới ba mươi, đúng là tuổi trẻ tài
cao.
Tôi nhìn thần đồng về
lĩnh vực sinh hóa ấy đầy ngưỡng mộ. Ngày mà tôi vừa chân ướt chân ráo đến trung
tâm nghiên cứu, Chinh Viễn (khi ấy kém tôi ba tuổi) đã bảo vệ xong luận án tiến
sỹ.
– Cậu Chinh Viễn kết
hôn chưa thế? Chú Lý lắc đầu ái ngại: – Tôi cũng đang sốt ruột lắm đây. Năm đó,
chính tôi là người đưa anh chàng tài giỏi này đến trung tâm nghiên cứu. Mải mê
nghiên cứu khoa học quá, đến bây giờ cậu ấy vẫn chưa có bạn gái. Trung tâm của
chúng ta tọa lạc ở vùng đất xa xôi hẻo lánh, những người bằng lòng tới đó làm việc
toàn các chị, các cô, chẳng có cô gái trẻ trung nào chịu đến đó cả. Ngải Tình
à, khoa Lịch sử của cháu nhiều nữ sinh lắm phải không, hay là cháu giới thiệu
bạn gái cho Chinh Viễn đi.
– Giám đốc!…
Chinh Viễn lại đỏ mặt
rồi! Cậu ấy có chiều cao trung bình, dáng người mảnh khảnh, ứng xử nho nhã,
tính cách hướng nội, nên mỗi khi nói chuyện với con gái thường hay đỏ
mặt. Năm đó, trong trung tâm nghiên cứu phần lớn là những người lớn tuổi, cậu
ta là người trẻ nhất. Chúng tôi xấp xỉ tuổi nhau, tính tôi lại hướng ngoại, nên
hai chúng tôi rất hợp nhau. Giám đốc Lý nhiều lần muốn gắn kết, nhưng chúng tôi
đều thẳng thắn bày tỏ quan điểm, rằng chúng tôi chỉ có thể là bạn tốt của nhau.
Nhớ lại chuyện năm
xưa, thấy thật thú vị, bất giác tôi muốn trêu chọc Chinh Viễn:
– Được chứ, này Chinh
Viễn, đàn ông hiền lành, tốt tính, lại thông minh, sâu sắc, thật thà và không
phong lưu như cậu, cô gái nào lấy được cậu là phúc đức của cô gái đó.
– Chị Ngải Tình, đừng
trêu tôi. Còn chị thì sao? Vẫn một mình ư?
Chinh Viễn nhìn tôi đầy
vẻ quan tâm.
– Tình cảnh của tôi
thế nào, cậu biết rồi đấy, cả đời này, tôi không thể tiếp nhận bất cứ người đàn
ông nào khác… Tôi cười buồn, lắc đầu.
– Ngải Tình, cháu còn
trẻ, nhóc Rajiva cần có một gia đình trọn vẹn, hãy vì cháu nó mà thử tìm…
Tôi ngắt lời chú Lý,
nghiêm nghị:
– Cháu đã kết hôn, và
đó là cuộc hôn nhất duy nhất trong đời cháu.
Mấy năm qua, bố mẹ và
thầy Quý đã khuyên nhủ tôi không biết bao nhiêu lần, họ còn sắp xếp để tôi đi
xem mặt nữa, nhưng tôi đều từ chối. Thầy Quý thường thở vắn than dài với tôi,
rằng làm gì có ai trông đợi một tương lai mờ mịt như vậy? Anh bạn học trên tôi
một khóa, ngày xưa thề non hẹn biển là thế, ngày tôi trở về, cũng đã sinh con
đẻ cái rồi. Tôi chỉ mỉm cười đáp rằng, chồng tôi có thể chờ được, thì tôi cũng có
thể chờ được…
Nhác thấy vẻ mặt bực
bội của chú Lý, tôi vội vàng hắng giọng, chuyển đề tài:
– Không nói chuyện này
nữa, dự án vượt thời gian của trung tâm tiến hành đến đâu rồi?
– Không ổn.
Chú Lý lắc đầu, thở
dài thườn thượt, nhấp một ngụm trà, tiếp tục:
– Dự án này tính đến
nay đã trải qua mười năm, nhưng mới chỉ có mình cháu là vượt thời gian thành
công, trở về thời cổ đại. Tất cả các tình nguyện viên khác đều thất bại. Không
biết vấn đề nằm ở chỗ nào nữa.
Chinh Viễn suy nghĩ
một lát, tiếp lời:
– Cháu cứ có cảm giác,
kết quả này liên quan đến thể chất của các tình nguyện viên. Nếu chúng ta tìm
được một người có đặc điểm thể chất giống chị Ngải Tình, biết đâu lại thành
công.
Tôi thận trọng dò hỏi:
– Vậy, sao không để
cháu thử một lần nữa?
– Ngải Tình à, cháu
nên từ bỏ ý định đó đi là hơn. Sau năm lần vượt thời gian, cộng với cuộc phẫu
thuật cấy ghép tủy cho nhóc Rajiva, làm sao chúng tôi dám để cháu tiếp tục cuộc
thí nghiệm lần thứ sáu?
Chú Lý khoát tay như
xua tay, một mực từ chối.
– Hiện giờ cháu vẫn
đang phải uống thuốc mỗi ngày để duy trì số lượng tế bào bạch cầu trong máu ở
mức cân bằng. Rủi mà cháu gặp bất trắc, ai sẽ chăm sóc nhóc Rajiva?
Tôi cười buồn, câu trả
lời quả nhiên vẫn là như vậy.
– Cháu đã điều trị
từng ấy thời gian, chưa biết chừng có thể thử một lần nữa.
– Không được.
Chú Lý đứng lên, bước
đến bên tôi, vẻ mặt nghiêm nghị: – Cháu chỉ muốn trở về thời đại của Kumarajiva
thôi, nếu thay đổi không gian và thời gian, liệu cháu có bằng lòng đi không?
Chúng tôi thực hiện dự án này, mong muốn lớn nhất là có thể đưa con người trở
về với thời đại của các nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt to lớn đến tiến
trình phát triển của lịch sử kia.
Dường như kịp nhận ra
vẻ thất vọng trên gương mặt tôi, chú Lý vội vàng chữa cháy:
– Chú không có ý nói
rằng Kumarajiva không phải nhân vật quan trọng. Nhưng chúng tôi hy vọng có thể
kiểm chứng thời đại của các vĩ nhân quan trọng như Tần Hoàng, Hán Vũ, Đường
Tông, Tống Tổ[2].
[2] Tần Hoàng: Tần
Thủy Hoàng (Ung Chính), hoàng đế nhà Tần. Hán Vũ: Hán Vũ Đế (Lưu Thiết), hoàng
đế nhà Tây Hán. Đường Tông: Đường Thái Tông (Lý Thế Dân), hoàng đế nhà Đường.
Tống Tổ: Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn), hoàng đế nhà Bắc Tống.
– Cháu…
– Em làm được!
Cô gái đẩy cửa bước
vào, nhưng vì vội quá, em bị vấp, chồng tài liệu trên tay loạt soạt rơi xuống
nền nhà. Nhưng em không mảy may để tâm đến chuyện đó, mà lao tới, túm lấy tay
Chinh Viễn, vẻ mặt van nài, cầu khẩn:
– Xin hãy cho em tham
gia.
Tôi giật mình. Đó là
cô sinh viên chuyên khoa mà tôi từng giảng dạy trong năm đầu về làm giảng viên
tại trường. Năm nay em đã là sinh viên năm thứ hai.
– Tuyết Tuyết[3], em…
[3] Âm Hán-Việt: Ngai
Ngai, nghĩa là trắng như tuyết. Chúng tôi đổi tên nhân vật này thành Tuyết
Tuyết để phù hợp với cách gọi tên của người Việt.
Cô bé chớp chớp đôi
mắt sáng, lanh lợi, mặt đỏ như gấc chín.
– Em xin lỗi cô, em
không cố ý mà chỉ là vô tình nghe thấy thôi ạ.
Tôi biết rất rõ hiệu
quả cách âm của tòa nhà đã xuống cấp của khoa lịch sử. Nhưng điều khiến tôi lo
lắng chính là cô sinh viên này không hề đỏ mặt vì xấu hổ mà vì quá ư phấn
khích.
Cô bé liến thoắng, ríu
rít hệt như một chú chim sẻ, hào hứng lắc mạnh cánh tay của Chinh Viễn. Có lẽ
vì đoán rằng anh chàng hiền lành, cù lần này sẽ không lớn tiếng quát nạt con
gái:
– Vượt thời gian về
thời cổ đại, đúng không ạ? Có thể như thế được ư? Em cứ nghĩ chuyện này chỉ có
trong tiểu thuyết. Xin hãy cho em một cơ hội, em làm được mà! Ước mơ lớn nhất
trong cuộc đời em là được vượt thời gian, ngay cả tiểu thuyết, em cũng chỉ đọc
các bộ về vượt thời gian. Tần Hoàng, Hán Vũ, Đường Tông, Tống Tổ, các vị muốn
em đi đâu, em sẽ đi đó. Em chỉ muốn được thoát khỏi cái thế kỷ XXI vô vị, chán
ngắt, tẻ nhạt vô cùng vô tận này thôi!
Cô bé tuôn ra cả một
tràng dài như bắn súng liên thanh, khiến tôi ung cả đầu, tôi ngó sang Chính
Viễn, thấy gương mặt cậu ta đỏ như gấc chín, cánh tay bị Tuyết Tuyết lắc liên
hồi, vẻ mặt đầy bối rối.
– Cậu Chinh Viễn thấy
thế nào…
Chinh Viễn từ tốn rút
tay ra, đằng hắng, quan sát Tuyết Tuyết từ đầu đến chân, cố gắng lấy lại vẻ
nghiêm nghị và nắn cho giọng mình thật công tâm:
– Tôi thấy vóc dáng
của cô ấy rất giống chị Ngải Tình, chi bằng cứ để cô ấy thử xem sao. Nhưng dù
sao, phải chờ đến khi tới trung tâm nghiên cứu tiến hành kiểm tra chi tiết mới
có thể kết luận.
Rồi cậu ta quay sang
Tuyết Tuyết, ánh mắt lấp lánh sau cặp kính cận dày cộp, cất giọng nhẹ nhàng:
– Em tên gì?
– Bạch Tuyết Tuyết…
Cô bé lí nhí đáp. Sau
khi chạm phải ánh mắt của Chinh Viễn, cô nàng đã lấy lại vẻ nữ tính, đã biết
ngượng ngùng, e lệ cúi đầu xuống.
Chinh Viễn lúc đầu hơi
ngỡ ngàng, sau đó thì bật cười ha hả. Một người kiệm lời như cậu ấy mà cũng có
lúc vui vẻ đến vậy. Tôi tủm tỉm nhìn hai bạn trẻ, rồi quay sang nháy mắt với
chú Lý.
Tôi báo cáo việc này
lên khoa. Vì tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp, nên khoa cử tôi tháp tùng Tuyết
Tuyết đến trung tâm nghiên cứu. Lúc này đã là cuối tháng mười, sau tiệc sinh
nhật thứ năm của nhóc Rajiva, tôi bắt đầu bàn giao công việc ở khoa. Đầu tháng
mười một, tôi, chú Lý, cậu Chinh Viễn và cô sinh viên năm hai Tuyết Tuyết cùng
đáp chuyến tàu đi về miền Tây.
Cảm xúc ùa về khi tôi
trở lại trung tâm nghiên cứu. Đã mười năm kể từ ngày “sếp” đưa tôi đến nơi này
(năm đó tôi mới hai mươi hai tuổi). Mười năm qua, cuộc đời tôi đã trải qua bao
biến động. Nếu không có nhóc Rajiva, tôi quả thật không biết, rốt
cuộc là mình đang tỉnh hay đang mơ. Tôi thẫn thờ ngắm nhìn cỗ máy vượt thời
gian ở cách mình một lớp kính thủy tinh, nước mắt cứ thế tuôn trào. Ước gì tôi
lại được bước lên cỗ máy ấy, để vượt qua cách trở thời gian và không gian, trở
về gặp lại người chồng mà tôi ngày đêm thương nhớ. Chinh Viễn đứng bên tôi, thở
dài, kéo tay tôi rời khỏi căn phòng ấy.
Khi biết tin mình đã
vượt qua kì kiểm tra sức khỏe, Tuyết Tuyết ôm chầm lấy Chinh Viễn, nhảy cẫng
lên vì sung sướng, khiến cậu ta đỏ mặt vì ngượng. Cuộc thí nghiệm sẽ được tiến
hành sau ba tháng nữa, vì vậy, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu Tuyết Tuyết thực hiện
công tác chuẩn bị: học sử dụng thành thạo các dụng cụ thủ công, học vẽ tranh,
phác họa hình ảnh, luyện tập sức khỏe và học võ. Tôi phụ trách bổ túc một cách
chi tiết và toàn diện kiến thức lịch sử cho em, mỗi ngày lên lớp hai giờ đồng
hồ.
Tôi không lạ lẫm với
cuộc sống ở trung tâm nghiên cứu, có điều, tôi quá nhớ nhóc Rajiva. Mỗi ngày
gọi điện về nhà, cứ nghe thấy giọng nói lảnh lót của con là lại không cầm được
nước mắt. Tôi bàn bạc với chú Lý và chú đã đồng ý để bố mẹ tôi đưa nhóc Rajiva
đến đây sống cùng tôi. Trở lại nơi đã sinh ra mình, nhóc Rajiva được đón tiếp
nhiệt liệt, hầu hết mọi người trong trung tâm nghiên cứu đều đến đón bé để được
ôm bé một cái. Điều đặc biệt là, bé nhớ tên của từng chú, từng bác, từng cô,
từng chị, không sai một ai, giọng ngọt lịm như mía lùi. Ai nấy đều tươi cười
hoan hỉ, đều đòi thơm bé, đồ chơi và đồ ăn vặt của bé chất đầy căn phòng nhỏ.
Bé vẫn nhớ nơi này, nên chỉ sau vài ngày, đã có thể làm hướng dẫn viên, đưa ông
bà đi tham quan khắp nơi trong trung tâm nghiên cứu.
Nhóc Rajiva năm tuổi
hiếu học giống hệt cha. Các cô các chú chuyên gia ở đây thường giảng giải
cho bé nghe vô số điều thú vị mà những đứa trẻ cùng tuổi bình thường khác không
thể tưởng tượng nổi. Nhưng bé vẫn thích chơi với chú Chinh Viễn hơn cả,
suốt ngày quấn lấy chú đòi xem kính hiển vi, và tự mình làm các tiêu bản sinh
vật.
Bé nói với tôi, chú
Chinh Viễn và cô Tuyết Tuyết rất lạ lùng. Cô Tuyết Tuyết thường xuyên tìm gặp
chú Chinh Viễn để hỏi những câu hỏi rất ngớ ngẩn, nhưng chú Chinh Viễn chẳng
bao giờ bực mình vì điều đó. Bé còn nói thường hay bắt gặp hai người đỏ
mặt một cách vô cớ. Tôi mỉm cười dặn dò, sau này nếu thấy chú Chinh Viễn và cô
Tuyết Tuyết gặp nhau thì phải tránh đi chỗ khác chơi.
Ba tháng sau, chúng
tôi đã đón một cái Tết linh đình ở trung tâm nghiên cứu. Ngày mùng mười tháng
một, nhóc Rajiva sáu tuổi cùng tôi đón sinh nhật lần thứ ba mươi ba và hát chúc
mừng sinh nhật mẹ. Giọng hát non nớt của bé khiến tôi nhớ lại kỉ niệm về một
ngày sinh nhật mà tôi được hai anh em Rajiva hát chúc mừng. Mới đấy, đã mười
năm.
Sau rằm tháng giêng,
chỉ còn một tuần nữa là đến cuộc thí nghiệm của Tuyết Tuyết. Ngoài trời,
tuyết rơi trắng xóa, nhưng nhờ có tấm tỏa nhiệt, căn phòng vẫn rất ấm áp. Chỉ
có điều, cô gái Tuyết Tuyết thường ngày cười nói ríu rít như sơn ca và khát
khao cháy bỏng được vượt thời gian, thì nay, bỗng nhiên càng ngày càng trầm
lặng, lúc học bài em thiếu tập trung, thường nghĩ ngợi vẩn vơ, hình như có tâm
sự gì đó.
– Tuyết Tuyết, đang
mải nghĩ chuyện gì vậy?
Tôi ngừng giảng bài,
kéo cô học trò đang mộng du trở về với hiện thực.
Tuyết Tuyết bừng tỉnh,
hai má đỏ ửng:
– Thưa cô, em đang
nghĩ, vì sao mình lại thích vượt thời gian.
Tôi đặt sách xuống,
cười hỏi: – Ừ, vì sao em lại thích vượt thời gian? Cô bé trầm tư giây lát, nét
mặt gợn chút ảm đạm:
– Em yêu thích môn
lịch sử, nên năm xưa mặc dù bị cả nhà phản đối, em vẫn quyết tâm đăng ký học
khoa Lịch sử. Nhưng khi chỉ còn vài năm nữa là tốt nghiệp, thì đột nhiên em
nhận ra sự khắc nghiệt của thực tế đời sống. Lịch sử không phải là một
chuyên ngành được ưa chuộng hiện nay. Người nào muốn theo đuổi chuyên ngành này
phải chấp nhận định mệnh cô đơn và cuộc sống thanh bần. Hãy xem các anh chị
khóa trên, những người có công việc liên quan đến chuyên ngành lịch sử
chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gia đình muốn em học tiếng Anh, học kinh doanh. Bạn
bè em ai cũng có những toan tính riêng vì sợ ra trường sẽ thất nghiệp.
Giữa hiện thực và lí tưởng là khoảng cách xa vời vợi.
Tôi gật đầu đồng tình,
buồn bã thở dài theo Tuyết Tuyết. Cô bé nói đúng. Rất nhiều các bạn cùng lớp
với tôi ngày xưa, ngay năm đầu tiên đại học đã đăng ký học them một chuyên
ngành khác liên quan đến kinh tế. Họ học New Oriental, thi TOEFL. GRE, GMAT,
với mong muốn sau khi tốt nghiệp, không phải làm các công việc liên quan đến
chuyên môn lịch sử. Nên tôi hiểu tâm lý của các em sinh viên. Nhưng với tư cách
một giáo viên chủ nhiệm, tôi vẫn cảm thấy rất buồn lòng khi bắt gặp sinh viên
của mình giấu những cuốn từ điển tiếng Anh dưới các giáo trình lịch sử chuyên
ngành.
– Chuyện tình cảm của
em cũng vẫn chỉ là một trang giấy trắng. Trong hai năm đầu đại học, không phải
không có người theo đuổi em, nhưng chỉ sau một thời gian hẹn hò, tìm hiểu, họ
khiến em thất vọng. Con trai thời hiện đại, chẳng mấy người ham học, năng
nổ, cầu tiến và chịu khó tu dưỡng bản thân, họ ưa bạo lực, thích chém giết,
thích cảm giác mạnh và thích trò chơi tình ái. Đầu óc họ chỉ rựt là “tinh
trùng”, mới hẹn hò được vài lần, họ đã muốn mau chóng đưa cô gái kia lên giường
rồi. Những lời nguyện ước thề bồi luôn tuôn ra nhanh và sẵn như nước suối,
nhưng có mấy ai thật lòng muốn thực hiện đâu. Yêu nhanh, tán tỉnh gấp, còn ai
nặng lòng với tình yêu đích thực nữa?
Nhìn cô bé đầy vẻ thất
vọng, tôi lắc đầu, ảo não. Sinh viên của tôi, năm đầu đại học đã tìm đôi tìm
cặp. Đến năm thứ hai thì hầu như không còn em nào chưa từng yêu đương hò hẹn.
Gương mặt các em hiển hiện những nét già dặn không tương xứng với tuổi tác.
Nhưng đó vốn không phải lỗi của các em, các em chỉ đang thích nghi với xã hội
“fast food” này thôi.
Tuyết Tuyết cầm cuốn
“Tân Đường thư” lên, hờ hững cuộn mép sách lại. Trời tối dần, tôi bật đèn lên,
dưới ánh sáng của bóng đèn tiết kiệm điện năng, gương mặt Tuyết Tuyết trở nên u
trầm.
– Em cảm thấy chán nản
trước thực tại, vì cả tình yêu và lí tưởng em đều chưa có được. Nhưng dù thế
nào em cũng chỉ là một cô gái yếu đuối, chẳng thể thay đổi vận mệnh. Bời vậy,
em say mê đọc tiểu thuyết vượt thời gian, mơ ước bản thân được giống như nhân
vật nữ chính, trở về thời kì cổ đại lạc hậu, những kiến thức em có được ở
thế kỉ XXI sẽ giúp em trở thành người có khả năng siêu phàm. Khi ấy, một cô gái
với nhan sắc bình thường như em cũng có thể được các chàng trai ưu tú nhất
trong xã hội ấy ngưỡng mộ và yêu mến.
Tuyết Tuyết đứng lên,
đi rót nước và không quên thêm nước nóng cho tôi, rồi tiếp tục cuộc chuyện:
– Khi nghe nói có thể
vượt được thời gian, em đã vô cùng kinh ngạc và sung sướng, cô không hình dùng
nổi đâu ạ. Khác với cô, em vượt thời gian không phải vì mục đích nghiên cứu khoa học, mà chỉ mong tìm kiếm một tình yêu lớn lao, mãnh liệt. Tức
là ngay từ đầu, em đã đến với cuộc thí nghiệm này bằng những toan tính cá nhân
đáng lên án. Nếu yêu được một nhân vật lịch sử vừa đẹp trai vừa vĩ đại, em sẽ
không quay về, vì em không hề bận tâm đến việc em làm có thay đổi lịch sử hay
không. Nhưng, Chinh Viễn đã kể cho em nghe chuyện của cô.
Cô bé nắm lấy tay tôi,
giọng nói bỗng trở nên nghẹn ngào:
– Cô ơi, em đã khóc.
Em không tưởng tượng nổi rằng cô đã trải qua mối tình sinh ly tử biệt, đẫm nước
mắt như thế.
Tôi mỉm cười, đưa khăn
tay cho cô bé. Tuyết Tuyết lấy lại bình tĩnh, nhìn tôi bằng cặp mắt đỏ hoe:
– Em đã suy nghĩ suốt
mấy ngày qua. Là một cô gái, em vô cùng ngưỡng mộ cô vì cô có được một tình yêu
sắt son trời biển nhường ấy, một người chồng hoàn mĩ nhường ấy và một cậu con
trai thông minh đáng yêu nhường ấy. Nhưng, để có được tất cả những điều này,
không hề đơn giản chút nào… Nếu đổi lại là em, khi biết rằng, ở một không gian
khác có một người vẫn đang kiên tâm chờ đợi mình không biết mệt mỏi, liệu em có
sẵn lòng đón nhận một tình yêu như thế, khi mà để có được những giây phút ngắn
ngủi bên nhau, em phải chấp nhận những tháng ngày đợi chờ dằng dặc, vô định và
thậm chí đánh đổi bằng cả mạng sống của mình?… Cô ơi, bỗng dưng em thấy
sợ hãi. Bởi vì em biết rằng, em không dám làm điều đó. Cô bé bỗng chốc trở nên
buồn ảo não, ánh mắt mơ hồ, hờ hững lướt trên cuốn sách “Tân Đường thư” đang
cầm trên tay.
– Vậy thì em trở về
thời cổ đại làm gì chứ? Nếu em giống như cô, cũng gặp gỡ và yêu một ai đó, thì
với em, điều đó sẽ là hạnh phúc hay bất hạnh?
Tôi khẽ thở dài, vỗ
nhẹ vào cánh tay em, an ủi:
– Tuyết à, mỗi người
đều có số phận của mình. Khi cô đến đây vào mười năm trước, ông trời đã an bài
mọi chuyện. Bởi vậy, cô đã yêu người đó, đã trải qua mọi sóng gió, tất cả đều
là chuyện tất yếu.
Tôi mỉm cười, nghiêng
đầu nhìn cô bé:
– Số phận đã đưa đẩy
em đến nơi này, biết đâu, một chuyện tình lãng mạn đang chờ em phía trước.
Cô bé ngẩng đầu, ngạc
nhiên hỏi:
– Tình yêu của em ư?
– Ừ.
Tôi nhướn mày, mỉm
cười:
– Cô quen Chinh Viễn
đã nhiều năm, cậu ấy là một người đàn ông rất tốt, ba mươi tuổi mà chưa yêu ai.
Biết đâu ông trời đã sắp bày, để cậu ấy một lòng chờ đợi sự xuất hiện của một
cô gái có thể khiến cậu ấy rung động cũng nên.
Gương mặt trắng trẻo
của Tuyết Tuyết bỗng nhiên ửng đỏ, em ấp úng:
– Chàng ngốc ấy…
– Tuyết à, cô chưa bao
giờ hối hận. Khi tình yêu đến, cô không sợ hãi, mà dũng cảm đối diện, còn em
thì sao?
Tôi đứng lên, đến bên
cửa sổ. Nhóc Rajiva và Chinh Viễn đang chơi trò đắp người tuyết trong bóng
hoàng hôn của buổi chiều muộn. Màu đỏ và màu vàng của hai chiếc áo bông nổi bật
trên nền tuyết trắng xóa.
Tôi mỉm cười nhìn chú
bé vừa cười giòn giã vừa ra sức chạy vượt lên phía trước, Chinh Viễn giả bộ
đuổi theo ở phía sau.
– Dù bình dị, đơn sơ
hay sôi nổi, nồng nhiệt; dù yên ả, dịu êm như mùa thu hoa cúc, hay dữ dội, ồn
ào như biển động ngày hè; dù là bên nhau trọn đời hay sinh ly tử biệt, tình yêu
mang hình hài gì không hề quan trọng, điều quan trọng là, ai sẽ là người cùng
em đi trọn con đường đời. Đừng để đến khi tuột khỏi tay mới hối hận khôn
nguôi…
– Cô ơi!
Tuyết Tuyết bật dậy,
dường như rất xúc động, gật đầu quả quyết:
– Em đã hiểu…
Tuyết Tuyết biến mất
trong chớp mắt, tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng em vụt qua, tôi lắc đầu cười. Cô bé
này, còn trẻ con quá… Cô gái băng qua tuyết trắng, tới nơi, em nắm chặt tay
Chinh Viễn, hổn hển nói điều gì đó. Chàng trai ngỡ ngàng, sau đó thì vội vã cởi
áo, khoác lên người cô bé lúc này chỉ mặc độc một chiếc áo len. Tôi mỉm cười,
nhấc áo khoác của Tuyết Tuyết, ra khỏi phòng. Phải đem áo khoác cho cô bé “vô
tư” kia và đưa bóng điện “Rajiva” đi chỗ khác cho “người lớn” nói chuyện thôi.