Tôi hạn chế ra phố,
chỉ quanh quẩn trong nhà vui vầy với Cẩu Nhi. Ngay cả việc đi mua rau, tôi cũng
nhờ các đệ tử của Rajiva. Nhưng Rajiva và đệ tử của chàng phải đến từng nhà kêu
gọi quyên góp để xây chùa, bận rộn tối ngày, nên một quản gia kiêm thủ quỹ là
tôi không thể cứ giam chân trong nhà mãi được. Vậy là, sau khoảng mười ngày o
bế, tôi đã quyết định ra phố. Tôi đã chọn đường đi luồn lách qua những phố nhỏ,
nhưng không ngờ, sau một lối rẽ, tôi vẫn đụng phải gương mặt lạnh lùng của Mông
Tốn. Chắc chắn anh ta đã cho người theo dõi gia đình tôi cả ngày lẫn đêm, cho
người chầu chực, ôm cây đợi thỏ suốt mười mấy ngày.
Tôi chùn bước khi chạm
mặt anh ta, định bụng quay lưng bỏ chạy, nhưng ngay sau đó tôi ý thức được
rằng, làm vậy là vô ích. Tôi đành thở dài, từ bỏ ý định chạy trốn, quay lại đối
diện với anh ta.
– Thông minh lắm, ta
rất thích những phụ nữ hiểu chuyện như nàng.
Anh ta ngửa cổ cười
lớn, chậm rãi bước đến bên tôi, ánh mắt toát lên vẻ cảnh giác cao độ mà trước
đây tôi chưa từng thấy.
– Nàng biết ta muốn
hỏi điều gì: Nàng đã làm gì mà khiến ta hôn mê suốt một ngày trời?
Khi anh ta đến gần,
ruột gan tôi lại bắt đầu nhộn nhạo, cơn buồn nôn chực ập đến. Lẽ nào tôi ghê sợ
anh ta đến mức ấy ư? Hơn mười ngày qua, cứ mỗi lần nghĩ đến anh ta là tôi lại
có cảm giác nôn nao như vậy. Tôi hít thở sâu vài lần, cố gắng kiềm chế.
– Tướng quân
cưỡng ép người đã có chồng làm chuyện trái với luân thường đạo lý, nên
mới bị Phật tổ trừng phạt. – Ha ha, ý nàng là, nàng có phép thuật? Anh ta bật
cười mỉa mai, đảo qua đảo lại quanh tôi, ánh mắt dò xét đầy vẻ nham hiểm.
– Ngải Tình, nàng
tưởng rằng nói vậy sẽ khiến ta sợ ư? Ngược lại thì có, như vậy càng hay. Nàng
được Phật tổ che chở, tin này nếu truyền ra ngoài, sẽ càng giúp ta giành được
lòng tin của dân chúng, không phải vậy sao?
– Mông Tốn, ngài vốn
không có tình cảm gì với tôi và tôi đối với ngài cũng vậy. Lẽ nào chỉ vì một
cuốn sách mà ngài ép tôi làm vợ ngài? Ngài không thấy như thế thật nực cười hay
sao?
Phiền toái quá đi mất,
nếu là ở thế kỷ XXI thì cuốn sách ấy sẽ được bày bán ở khắp mọi nơi
Tôi chán ngấy việc
phải lời qua tiếng lại với anh ta, và càng bực mình hơn nữa là cơn buồn nôn dữ
dội lại ào đến, giọng nói của tôi bất giác được đẩy lên rất cao:
– Tôi đã hứa sẽ không
nói cho ai khác biết về cuốn sách này, dù chỉ một chữ, ngài còn muốn thế nào
nữa?
– Ngải Tình, ta muốn
có nàng, không phải chỉ vì cuốn sách đó.
Anh ta sáp lại gần
tôi, những vằn sáng trong đáy mắt nhấp nháy:
– Những điều mà cuốn
sách đề cập đến hoàn toàn trái với luân thường đạo lý, nhưng nó đã phơi
bày ra sự thật rằng, có những việc các bậc đế vương đã làm mà không bao giờ để
lộ, cũng như những gì họ nói mà họ không chịu làm. Nó vốn dĩ không phải luận
thuyết kì diệu do bậc vĩ nhân sáng tạo ra gì cả, mà đó là bản chất thực sự của
vua chúa. Tôi giật mình ngẩng đầu lên nhìn anh ta, phân tích của anh ta rất sâu
sắc và nhạy bén. Có thể lấy ví dụ như các hoàng đế nhà Hán, đối ngoại mềm mỏng, đối nội cứng rắn, tuyệt đối không để lộ những sách lược trong việc thực
thi vương pháp mà các vị đã tiến hành. Người ta chỉ trích Machiavelli là kẻ
nham hiểm, xảo quyệt, nhưng thực chất, học thuyết chính trị học phi đạo
đức của ông không nhằm mục đích xúi giục các bậc đế vương làm điều ác, mà chỉ
tiết lộ, hé mở những việc các bậc đế vương đã và cần phải làm mà thôi. Nếu
Machiavelli gặp được một vị quân chủ như Mông Tốn, hẳn ông đã không phải kết
thúc mạng sống của mình trong nghèo khổ và bi kịch.
Trong lúc đang mải suy
nghĩ, Mông Tốn đã ép sát thân hình to lớn của anh ta vào người tôi, theo phản
xạ tự nhiên, tôi lùi lại phía sau.
– Vả lại, Ngải Tình à,
ta tin rằng kho báu tri thức của nàng không chỉ vẻn vẹn có mỗi cuốn sách này.
Tôi đã hết đường thoái
lui, lưng chạm vào bờ tường. Anh ta cúi xuống, ghé vào tai tôi, thẽ thọt:
– Ngải Tình, tiếp xúc
với nàng càng lâu, càng thấy nhiều điều thú vị, nhưng cũng càng cảm thấy sợ
hãi. ta chưa từng gặp người con gái nào hiểu biết sâu rộng như nàng. Nếu như
đấng mày râu khác phát hiện ra năng lực đặc biệt đó ở nàng, bọn họ sẽ gây bất
lợi cho ta. Nàng biết quá nhiều chuyện về ta, việc ta ngậm đắng nuốt cay, nhẫn
nhục chờ thời, việc ta đóng kịch lừa phỉnh thiên hạ. Lẽ nào những nỗ lực đó của
ta sẽ bị hủy hoại bởi tay nàng? Anh ta ngẩng đầu lên, giọng điệu ngày càng sắc
lạnh, từng chữ một nhả ra nặng nề:
– Chỉ khi chúng ta là
vợ chồng, chúng ta mới trở thành đồng minh tốt nhất của nhau. Không làm vợ ta, nàng sẽ
là kẻ thù của ta.
Cơn
gió xuân đầu tháng tư mà khiến tôi nổi cả da gà. Anh ta bóp mạnh cằm tôi, khiến
tôi đau đớn. Đôi đồng tử thẳm sâu của loài chim ưng chiếu ra thứ mà tôi biết có
thể gọi tên nó là sát khí đằng đằng…
Giọng
nói của anh ta trôi bên tai tôi, lạnh tựa băng tuyết:
–
Theo nàng, ta sẽ để cho một kẻ bất cứ lúc nào cũng có thể hủy hoại tiền đồ của
ta sống sót trên cõi đời này ư?
–
Ngươi…
Tôi
đã nắm chặt súng gây mê trong tay áo, nhưng không đủ sức lôi nó ra. Tôi đã dự
đoán rất nhiều khả năng, nhưng không thể ngờ rằng anh ta lại có ý định giết
tôi. Lưng tựa vào tường, mồ hôi đầm đìa, tôi vẫn cố giãy giụa.
–
Ngươi muốn giết ta?
–
Tuy rất đau lòng, nhưng vì nàng không chịu trở thành đồng minh của ta, nên ta
không còn cách nào khác.
Mông
Tốn mân mê gương mặt tôi, những ngón tay thô ráp cọ xát vào da tôi. Một luồng
khí lạnh lan khắp cơ thể, khiến toàn thân tôi run rẩy và kích thích cơn buồn
nôn trỗi dậy. Không chịu nổi nữa, tôi không rõ mình lấy đâu ra sức mạnh để đẩy
anh ta ra xa, sau đó cúi gập người, nôn thốc nôn tháo.
Mấy
ngày qua, vì nghĩ ngợi nhiều, tôi ăn rất ít nên lúc này cũng không có gì để nôn
cả. Nhưng cơn buồn nôn ấy khiến tôi vô cùng mỏi mệt, sau khi nôn xong, tôi ngồi
phịch xuống cạnh tường, thở dốc, rút khăn tay lau miệng. Anh ta chau mày, tức
giận:
–
Nàng nhát gan hay là quá ư ghê tởm ta?
Tôi
nhắm mắt lại không buồn đáp. Tôi thầm than thở, vượt thời gian ngần ấy lần, đây
là lần đầu tiên tôi bị người ta dọa giết. Mà theo như sự hiểu biết của tôi về
con người này, thì chắc chắn anh ta không nói chơi. Đều tại tôi cả, tôi không
nên gây sự với ông sói này…
Anh
ta đột nhiên trừng mắt nhìn tôi, đưa tay quệt qua mũi tôi:
–
Ngải Tình, sao lại chảy máu mũi thế này?
Tôi
thảng thốt, đầu óc trống rỗng, tôi bàng hoàng nhìn vệt máu đỏ tươi trên ngón
tay Mông Tốn. Đúng lúc ấy, tôi thấy đầu mình bị kéo ngã về phía sau, tôi gắng
gượng vùng vẫy, cặp mắt vô hồn nhìn thẳng vào đôi mắt với biểu cảm hết sức phức
tạp của anh ta. Tôi rút khăn thấm mũi, cảm giác máu vẫn đang tiếp tục tuôn
trào. Một lát sau, kéo khăn xuống nhìn, thì thấy những vệt máu lan thành hình
những bông hoa nho nhỏ, đỏ chót, sắc đỏ ấy khiến tôi rùng mình kinh hãi vì nó
nhắc nhở tôi về một sự thật mà tôi không thể tiếp tục thờ ơ.
–
Mông Tốn, ngài không cần đích thân ra tay đâu.
Tôi
nhếch môi cười chua xót, nỗi tuyệt vọng, đau đớn dâng ngập lòng, sức lực dường
như sắp cạn kiệt:
–
Tôi chỉ còn vài tháng nữa thôi… đến lúc ấy, tất cả sẽ kết thúc. Ngài yên tâm,
trên đời này, sẽ không ai biết được kế hoạch của ngài đâu.
–
Ngải Tình…
Anh
ta thốt lên kinh ngạc, hai tay ôm lấy vai tôi, vẻ lạnh lùng, bí hiểm trong ánh
mắt dần tan biến, thay vào đó là vẻ ngỡ ngàng, bàng hoàng, anh ta hé môi định
nói gì đó nhưng không thốt được nên lời.
–
Xin ngài đừng để pháp sư biết…
Nỗi
buồn tủi trào dâng, sống mũi cay xè. Tôi gạt tay anh ta ra, lắc đầu, thều thào:
–
Tôi mệt lắm, tôi muốn về nhà.
Không
buồn để tâm đến anh ta, tôi tự lê lết đi. Anh ta đi theo tôi vài bước, nhưng
ánh mắt khinh ghét của tôi đã khiến anh ta ngừng lại, chấp thuận để tôi về một
mình. Tôi không đi, mà là trôi, tôi chưa bao giờ thấy cơ thể mình nhẹ bẫng như
vậy. Cuối cùng cũng trôi được về căn phòng của mình, nhưng tôi đã quên sạch hôm
nay ra phố để làm gì. Tôi cứ đờ đẫn ngồi đó, cho đến khi Rajiva đẩy cửa bước
vào, mới sực tỉnh, vội vàng lau nước mắt. Lúc này mới nhận ra, trời đã sẩm tối,
và tôi quên nấu cơm.
Sau
nạn đói, Rajiva quyết định cùng đệ tử bỏ qua giới luật không ăn uống sau giờ
ngọ, bắt đầu ăn bữa tối, để các nhà sư có thể phục hồi sức khỏe sau nạn đói
nhanh chóng. Một lí do khác nữa, vì hàng ngày thầy trò họ đều quá ư vất vả
trong việc vận động quyên góp xây chùa, nên ngày nào tôi cũng nấu ăn cho họ.
Tôi
xin lỗi rồi vội vã lao xuống bếp. Nhưng vừa bước qua bậc cửa, Rajiva đã giữ tôi
lại:
–
Ngải Tình, sắc mặt nàng dạo này rất kém, có phải vì quá lao lực không?
Chàng
kéo tôi lại và ép tôi nằm xuống giường:
–
Nàng nghỉ ngơi đi, việc nấu nướng cứ để Badyetara và cô Trương lo.
Chàng
ra ngoài sắp xếp công việc, chỉ lát sau đã thấy quay lại, thắp đèn dầu, đặt
cạnh giường ngủ.
–
Nào, để ta bắt mạch cho nàng.
–
Không!
Tôi
gần như hét lên, vội vàng giấu tay trong chăn. Rồi chợt nhận ra biểu hiện thái
quá của mình, tôi vội chữa ngượng:
–
Không cần đâu, em không sao cả, chỉ tại em mệt quá, ngủ một lát là khỏe ngay
thôi. – Nàng thật là… đến bây giờ vẫn sợ khám bệnh.
Chàng
ngồi bên mép giường, nắm tay tôi, ân cần:
–
Ta sẽ ở đây với nàng, khi nào bữa tối xong xuôi sẽ gọi nàng dậy.
–
Vâng.
Bàn
tay ấm áp của chàng khiến tôi vững lòng hơn một chút. Những ngày qua tôi đã quá
mỏi mệt vì Mông Tốn…
Lúc
tỉnh lại vẫn thấy Rajiva ngồi bên cạnh, nhưng hai hàng lông mày của chàng đang
nhíu lại. Rồi khi phát hiện ra ngón tay chàng đang đặt trên cổ tay mình, tôi
vội gạt tay chàng ra, gần như hét lên:
–
Rajiva, chàng làm gì vậy!
–
Ngải Tình, nàng thấy trong người dạo này có điều gì khác lạ không?
Chàng
ngẩng đầu nhìn tôi, vẻ đăm chiêu:
–
Sao không nói cho ta biết?
Tôi
sững sờ, toàn thân lạnh như băng. Tôi đã tìm đủ mọi cách để che giấu, nhưng rốt
cuộc vẫn để chàng phát hiện ra.
–
Ta thật đáng trách, lẽ ra phải nhận ra từ lâu rồi mới phải. Nạn đói, rồi sau đó
là việc xây dựng chùa chiền đã khiến ta quên bẵng đi.
Chàng
nhìn tôi chăm chú, mặt hơi ửng đỏ, khẽ hỏi:
–
Ngải Tình… đến tháng chưa?
Tôi
ngơ ngẩn. Không phải chàng đã nhận ra rồi sao? Vì sao lại hỏi chuyện này? Mà
tôi cũng quên khuấy đi mất, chàng nhắc mới nhớ, đã lâu không thấy có dấu hiệu
của kỳ kinh nguyệt. Tôi thường không nhớ chính xác thời gian, vả lại cũng
chẳng còn tâm trí đâu mà bận tâm chuyện đó nữa. Tôi ấp úng đáp:
–
Em không thấy… Chậm gần một tháng rồi.
Chàng
suy nghĩ một lát, hỏi tiếp:
–
Gần đây nàng có thèm ngủ và thấy buồn nôn không?
Giọng
nói của chàng cho thấy chàng không quá lo lắng, phải chăng tôi đã suy nghĩ quá
nhiều? Chậm kinh, thèm ngủ, buồn nôn… Tôi ngẩng phắt đầu lên nhìn chàng, ấp a
ấp úng:
–
Chàng… chàng… ý chàng là…
Chàng
kéo tay tôi lại, bắt mạch thêm một lần nữa. Lần nay, tôi không phản kháng, mà
hồi hộp theo dõi biểu cảm của chàng. Gương mặt chàng dần tươi tỉnh hẳn lên,
khóe môi uốn cong hơn, ánh mắt ngập tràn niềm hân hoan. Chàng ngẩng lên nhìn
tôi tha thiết, nụ cười tươi tắn làm bừng sáng gương mặt điển trai.
–
Nếu nàng tin tưởng vào y thuật của ta… Chàng ngừng lại, hít một hơi thật sâu,
len trong giọng nói trầm ấm là nỗi xúc động nghẹn ngào:
–
Thì… đúng là như vậy…
Tôi
nhảy cẫng lên, miệng môi run run mấp máy, nhưng mãi không thốt được ra
câu nào hoàn chỉnh. Nước mắt tràn mi, tôi nắm chặt cánh tay chàng. Tôi
nhìn nàng trân trân qua làn nước mắt, nghẹn ngào bật ra từng tiếng khó khăn:
–
Là… thật ư? Chàng không nói dối em chứ? – Nàng biết mà, ta chưa bao giờ nói
dối. Chàng lau nước mắt cho tôi, rồi kéo tôi vào lòng, giọng chàng hân hoan,
vấn vít bên tai tôi:
–
Ngải Tình, đó là sự thật, là sự thật. Nàng sắp được làm mẹ rồi, và ta, ta sắp
được làm cha…
–
Em…
Tôi
òa khóc trong vòng tay chàng, cảm giác thanh thản như vừa trút được một gánh
nặng. Thì ra những biểu hiện bất thường lúc trước đều là dấu hiệu của việc mang
thai, vậy mà tôi cứ nghĩ, tai họa sắp ập đến…
–
Em cứ nghĩ mình sẽ không mang thai được nữa…
Tôi
nức nở, hòn đá đè nặng trong lòng tôi hơn một năm qua, cuối cùng cũng được hất
xuống.
–
Em rất lo sợ, bởi vì không có cuốn sử nào viết rằng chàng có con trong giai đoạn
này, nên em đã nghĩ rằng chúng ta sẽ không…
–
Vài dòng ngắn ngủi, ơ hờ ấy chưa hẳn đã chuẩn xác.
Chàng
ngắt lời tôi, làn môi ấm áp chạm vào gò má tôi:
–
Ngải Tình, đừng nên làm khổ mình bằng những ghi chép vô thưởng vô
phạt của người đời sau. Chúng ta hãy sống vì chúng ta, cho chúng ta, mặc họ
muốn viết gì cũng được. Sau này, chúng ta sẽ sinh thật nhiều con.
Chàng
ôm lấy vai tôi, rút khăn tay lau nước mắt cho tôi, mỉm cười hôn lên trán tôi:
–
Đừng khóc nữa, bây giờ nàng đã mang thai, không được quá xúc động.
Chàng
kê gối cho tôi, dịu dàng đặt tôi nằm xuống:
–
Ta đi dọn cơm, cứ nằm yên đó, nàng sẽ ăn trên giường.
Chưa
kịp bước đi, vạt áo chàng đã bị níu lại. Chàng ngạc nhiên nhìn gương mặt đỏ ửng
của tôi, tôi ấp úng: – Đó là vào ngày sinh nhật của em… Chàng lúc đầu còn ngơ
ngác, nhưng ngay lập tức đã hiểu ra, liền gật đầu, hồi tưởng lại và nở nụ cười
rạng ngời hạnh phúc.
–
Rajiva, đây là món quà sinh nhật chàng tặng em.
Tôi
đắm chìm trong ánh mắt dịu dàng, yêu chiều của chàng, bày tỏ lòng biết ơn từ tận
đáy lòng:
–
Xin tạ ơn Phật tổ! Đây là món quà sinh nhật quý giá nhất của cuộc đời em!
Một
nụ hôn ấm nồng thả nhẹ trên môi tôi:
–
Của chúng ta chứ…
Hôm
đó chàng phục vụ bữa tối cho tôi, liên tục gắp đồ ăn cho tôi và ép tôi ăn thật
nhiều, còn chàng thì ăn rất ít. Xong bữa, chàng không cho tôi rời khỏi giường,
giao toàn bộ việc nhà cho các đệ tử. Sau đó chàng tiếp tục bắt mạch cho tôi,
bảo rằng ngày mai sẽ đi cắt thuốc bổ cho tôi uống, vì sức khỏe của tôi đã giảm
sút nhiều trong thời gian xảy ra nạn đói. Ngắm nhìn điệu bộ căng thẳng, sốt
sắng của chàng, tôi cảm thấy niềm hạnh phúc trào dâng vô bờ, nên cứ mặc chàng
bưng trà rót nước phục vụ mình, mặc dù động tác của chàng còn rất lóng ngóng.
–
Thưa thầy!
Một
đệ tử trẻ tuổi của chàng gõ cửa: – Thư Cừ Mông Tốn xin được gặp thầy. Mông Tốn
ư? Tôi giật mình, niềm vui tột độ bỗng chốc nguội lạnh. Giờ đã là nửa đêm, anh
ta còn đến đây làm gì? Anh ta còn muốn đeo bám tôi đến khi nào mới chịu buông
tha?
Thấy
tôi sa sầm mặt mày, Rajiva an ủi bảo rằng đừng lo lắng. Rồi chàng ra ngoài, một
lát sau trở lại, nói rằng Mông Tốn mời thầy lang giỏi nhất thành Guzang này là ngài Phan Trưng, trước kia từng là ngự y của nhà Tiền Lương, bây
giờ là ngự y trong cung họ Lữ đến khám bệnh cho tôi.
Tôi
hết sức ngạc nhiên, anh ta muốn tôi chết kia mà? Vì sao lương tâm đột nhiên
thức tỉnh như vậy? Hay là vì còn nghi ngờ, nên mới tìm thầy thuốc tốt nhất để
kiểm chứng bệnh tình của tôi?
–
Ngải Tình, khó khăn lắm mới mời được một thầy thuốc tài giỏi như vậy, dù cho
Mông Tốn có ý đồ gì đi nữa, hãy cứ để ngự y khám cho nàng xem sao.
Chàng
trầm tư giây lát, nói tiếp:
–
Ta cũng muốn ông ấy xác nhận việc nàng mang thai.
Tôi
không dám nói với Rajiva về việc Mông Tốn đã uy hiếp mình, nên đành ngoan
ngoãn khoác áo, để Rajiva dìu ra ngoài phòng khách. Trong lúc trò chuyện, tôi
đã cố gắng quan sát Mông Tốn, dưới ánh đèn mờ ảo, tôi không thấy rõ biểu cảm
của anh ta.
Phan
Trưng bắt mạch cho tôi, hỏi thêm vài câu về biểu hiện khác lạ của tôi những
ngày gần đây, sau đó đứng lên, vái Rajiva một vái: – Xin chúc mừng pháp sư, phu
nhân đã có tin vui, thai nhi đã được hai tháng, mùa thu này sẽ hạ sinh quý tử.
Mông
Tốn hình như khá bất ngờ, hết nhìn Phan Trưng trân trân lại quay sang nhìn tôi.
Tôi quay mặt đi, vì cứ thấy anh ta là tôi lại khó chịu. Anh ta nghĩ rằng tôi đã
lừa anh ta ư?
Rajiva
tươi cười:
–
Cảm ơn ngài. Ta cũng đã bắt được mạch hỷ, nhưng sau nạn đói, sức khỏe của phu
nhân ta rất yếu, phiền ngài bắt mạch cho phu nhân ta thêm lần nữa và xem có
cách nào để bồi bổ sức khỏe hay không?
Phan
Trưng tiếp tục bắt mạch bên tay phải của tôi, ông ấy khẽ khép mắt, trầm tư một
lát, hỏi vài câu, rồi đề nghị tôi thè đầu lưỡi ra.
–
Phu nhân đúng là đã bị suy nhược cơ thể, tôi sẽ kê một đơn thuốc cho phu nhân
an thai và bồi bổ sức khỏe.
Rajiva
gật đầu, mang bút, nghiên và giấy tới. Phan Trưng đang viết, bỗng ngừng lại:
– Nhưng mà…
Ông ta hơi do dự:
– Tôi nhận thấy một
luồng khí yếu ớt rất lạ lùng trong cơ thể phu nhân, tuy không rõ ràng, nhưng rất giống với biểu hiện của bệnh huyết hư.
Rajiva đang mài mực,
bỗng run bắn, mực vương đầy tay, nhưng chàng chẳng bận tâm
chuyện đó:
– Huyết hư ư?
– Bởi vì tâm và tỳ đều
suy nhược, nên tỳ không sinh ra được máu.
Phan Trưng gật đầu
khẳng định, sau đó tiếp tục quan sát sắc mặt tôi:
– Sắc mặt của phu nhân
rất kém, lại có triệu chứng chóng mặt, chảy máu cam, vậy nên…
– Chảy máu cam?
Rajiva lập tức quay
sang tôi, hai mắt mở to kinh ngạc, toàn thân run rẩy, hẳn là chàng đang nghĩ
tới chuyện xảy ra vào cái ngày tôi trở về thế kỷ XXI năm xưa. Tôi đã ra sức
giấu giếm, nhưng rốt cuộc vẫn bị phát hiện ra. Tôi trừng mắt nhìn Mông Tốn,
chắc chắn anh ta đã đem chuyện tôi bị chảy máu cam nói với Phan Trưng.
Nhưng biểu cảm trên khuôn mặt Mông Tốn khiến tôi vô cùng kinh ngạc, dưới ánh
sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu, tôi thấy một gương mặt đăm chiêu, lo lắng và hình
như… rất buồn…
Mông Tốn không thèm
bận tâm đến nỗi tức giận của tôi, quay sang hỏi Phan Trưng:
– Bệnh này có nghiêm
trọng không?
– Phải căn cứ vào lục
phủ ngũ tạng của người bệnh để tiến hành điều trị, nhưng bệnh này không thể chữa
khỏi dứt điểm. Thời gian… Ông ta ngừng lại một lát, vẻ thận trọng:
– Không nhiều…
Sắc mặt Rajiva bỗng
nhiên trở nên trắng bệch, chàng lảo đảo lùi lại phía sau. Mông Tốn lao đến, kéo
tay áo Phan Trưng, chưa kịp nói câu nào, ông ấy đã vội vàng chắp tay lại, thưa:
– Xin pháp sư và tướng
quân bình tĩnh nghe tôi trình bày hết. Năng lực của tôi có hạn nên chưa thể
đoán định chuẩn xác, xin hãy chờ thêm vài ngày nữa. Cũng có thể chỉ vì phải
chịu đói quá lâu, nên phu nhân mới có những biểu hiện như vậy, chưa chắc
phu nhân đã mắc căn bệnh đó.
Mông Tốn thở phào,
buông Phan Trưng ra. Rajiva trầm tư giây lát, lúc chàng ngẩng lên, tôi đọc được
trong ánh mắt chàng một quyết tâm lớn lao:
– Thưa ngài, nếu ta
không cần đứa bé này thì bệnh của phu nhân ta có thể chữa khỏi không?
– Không được! Tôi bật
dậy: – Rajiva, khó khăn lắm chúng ta mới có được đứa con này, em nhất định sẽ
sinh con ra.
– Ngải Tình, tính mạng
của nàng quan trọng hơn.
Chàng kéo tay tôi, vẻ
mặt khổ sở nhưng kiên định: – Chờ khi nàng phục hồi sức khỏe, chúng ta sinh con
cũng không muộn mà. – Chàng đừng lo, em không sao đâu. Nhiều lần vượt thời
gian, nhiễm phóng xạ mà vẫn có thể mang thai, đối với tôi, điều đó không hề dễ
dàng. Đây có thể là cơ hội mang thai duy nhất của tôi, làm sao tôi có thể từ
bỏ.
– Thưa ngài, chỉ cần
tôi chịu khó thuốc thang đều đặn, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ là tôi có thể sinh
con, đúng không?
Phan Trưng nhìn tôi,
rồi quay sang nhìn Rajiva, ngập ngừng:
– Sức khỏe của phu
nhân vốn rất yếu, nếu quyết tâm sinh nở, chỉ e sẽ để lại di chứng, rất có thể
phu nhân sẽ vĩnh viễn không mang thai được nữa. Huống hồ, hiện giờ vẫn chưa thể
xác định phu nhân có mắc bệnh huyết hư hay không. Tuy vậy, theo tôi, nếu phu
nhân mong muốn sinh hạ đứa bé này đến thế, chi bằng cứ thử xem sao.
Tôi vui mừng khôn
xiết, kéo tay áo Rajiva, khẩn khoản:
– Rajiva, chàng muốn
em ăn gì em sẽ ăn nấy, em sẽ ăn thật nhiều, cho cơ thể béo tốt, đẫy đà và sinh
cho chàng một em bé mập mạp, khỏe mạnh.
Rajiva yên lặng hồi
lâu, trầm tư suy nghĩ, dù vẫn còn lần chần, do dự, nhưng rốt cuộc chàng đã chịu
gật đầu: – Thôi được, nhưng nàng nhất định phải nghe lời ta đó!
Tôi những muốn lao
tới ôm chầm lấy chàng ngay lúc đó, nhưng vì trong nhà có khách, nên tôi chỉ
nhìn chàng cười hoan hỉ. Từ nãy đến giờ Mông Tốn vẫn chăm chú quan sát tôi bằng
ánh mắt lạnh lùng khó hiểu. Nhưng tôi cũng chẳng buồn đoán định, bởi vì mọi tâm
tư của tôi bây giờ đã dành trọn cho mầm sống nhỏ bé đang nhú lên trong bụng
mình. Con yêu, Phật tổ thương xót mẹ, đã lắng nghe lời khẩn cầu tha thiết của
mẹ, nên Ngài đã ban con cho mẹ, phải không? Cha mẹ sẽ gắng hết sức mình để chào
đón con ra đời. Con là món quà sinh nhật tuyệt vời nhất trong đời mẹ…