Đầu
tháng hai âm lịch, tức khoảng trung tuần tháng ba dương lịch, sau hơn một
tháng phong tỏa, cổng thành Guzang, cuối cùng cũng được mở. Cư dân trong thành,
ai nấy mặt mũi xanh xao, héo hắt, bị dồn đứng ở hai bên đường để nghênh đón
đoàn quân chống phản loạn của Lữ Quang trở về. Sau gần ba tháng trời không
ngừng rơi, băng tuyết đã tan chảy hoàn toàn trong tiết xuân ấm áp, để lộ ra vô
số rác rưởi la liệt khắp phố phường. Hôm qua, Lữ Thiệu đã đốc thúc quân
lính thu dọn, nhưng không bằng cách nào xóa sạch được dấu vết của nạn đói trầm
trọng vừa qua.
Đoàn
quân của Lữ Quang được đón rước trong tiếng kèn trống inh ỏi, nhưng phía sau âm
thanh náo nhiệt ấy là những gương mặt thẫn thờ, buồn thảm. Cờ bay phấp phới,
dọn đường cho Lữ Quang chầm chậm tiến vào. Bên cạnh ông ta là đám con cháu Lữ
Soạn, Lữ Hoằng, Lữ Long và Lữ Siêu, tên nào tên ấy vẻ mặt vênh vang, đắc ý. Sau
đoàn tướng lĩnh là đến đội binh sĩ, ai nấy mặt mày lem luốc, mỏi mệt rã rời, áo
quần rách nát, để lộ những sợi bông két bẩn, trên người họ, chỉ có chữ “lính”
in sau lưng áo là vẫn nhìn thấy rõ dù đứng từ rất xa. Lữ Quang xuất chinh dẫn
theo năm vạn quân, viện binh của Lữ Hoằng khoảng hơn ba vạn. Nhưng giờ đây,
theo tính toán sơ bộ của tôi, chỉ còn khỏang hơn ba vạn người. Tim
tôi đập mạnh, vậy là chỉ còn hơn một nửa số người sống sót trở về.
Sau
đội binh lính là đội xe bò chở hàng, trên những cỗ xe cỡ lớn chất ngất thứ gì
đó rất giống lương thực. Đám cư dân Guzang, sau nhiều ngày đói khát, khi nhìn
thấy hàng dài xe chở lương thực như vậy, bỗng nhiên náo động, ầm ĩ. Dân chúng
vỗ tay rầm trời, ùn ùn kéo về giữa phố, nhưng đã bị đám lính dẹp đường cản lại.
Từng cánh tay gầy guộc giơ ra, chới với trong không trung, kiếm tìm trong vô
vọng.
Số
lương thực lớn như vậy, chắc chắn không thể là lương thực còn dư sau trận đánh.
Trong cảnh đói kém này, đào đâu ra ngần ấy lương thực? Tôi đứng ở đầu phố, nhìn
đám người nhà họ Lữ đầy ngạo mạn mà cười buồn.
Thời
kỳ Thập lục quốc kéo dài hơn một trăm ba mươi năm, lật mở sách sử, sẽ thấy sự
xuất hiện thường xuyên của những dòng chữ ngắn ngủi thế này: “Mất mùa lớn, nạn
đói nghiêm trọng”. “Quan Trung xảy ra nạn đói, dịch bệnh hoành hành”. “Hạn hán,
bệnh dịch, giá lương thực tăng đột ngột”.
“Nước
lũ ngập năm châu: Kinh Châu, Dự Châu, Từ Châu, Dương Châu, Ký Châu”.
Chúng
ta vẫn thường tự mãn rằng: Trung Quốc đất đai rộng lớn, sản vật phong phú,
nhưng thực tế là đất tuy rộng mà sản vật không lấy gì làm phong phú. Do sự khác
biệt sâu sắc về địa lý giữa các vùng Đông – Tây – Nam – Bắc, nên hàng năm thiên
tai đều xảy ra cục bộ tại nhiều khu vực. Khi đất nước thống nhất, chúng ta có
thể thực hiện chính sách phân phối nguồn tài nguyên. Nhưng trong giai đoạn cát
cứ phân tranh, hoặc dưới sự thống trị của nhà cầm quyền quan liêu, hủ bại,
người dân tại những khu vực xảy ra thiên tai mà không được cứu trợ sẽ ra sao?
Họ chỉ có thể đi cướp bóc. Bởi vậy, “thiên tai” thường đi liền với “nhân họa”.
Trong giai đoạn chiến tranh xảy ra liên miên, hoặc khi một nhà nước đang đứng
bên bờ vực diệt vong, thì trong sách sử thường xuất hiện rất nhiều những ghi
chép về thiên tai. Những người mê tín cho rằng đó là do ý trời. Nhưng nguyên nhân chính là do nhà nước đã không biết cách phân phối nguồn tài
nguyên, thế nên, nạn đói và chiến tranh thường không bao giờ tách rời
nhau.
Như
vậy có thể thấy, Lữ Quang xuất chinh nhằm hai mục đích, chống phản loạn
và cướp lương thực. Hãy nhìn lại một cách tổng quát lịch sử của Dương Châu
trong giai đoạn này. Nhà Tiền Lương của họ Trương bị diệt vong từ lâu nên
tạm thời không xét đến, còn lại bốn nhà Lương cát cứ bốn vùng, cộng thêm nước
Tây Tần chiếm vùng Thanh Hải và Cam Nam, năm tiểu quốc này tuy thế nước yếu ớt
nhưng thường xuyên xảy ra xung đột. Từ góc độ kinh tế có thể thấy, diện tích lãnh
thổ nhỏ bé như vậy, lại không thể khôi phục sản xuất, người dân không sống nổi,
họ sẽ phải làm sao? Họ sẽ dựng cờ khởi nghĩa, vậy cách khôn ngoan nhất của nhà
cầm quyền trong bối cảnh này là chuyển dịch mâu thuẫn nội tại ra bên
ngoài. Tiến hành chiến tranh với ngoại bang, nếu thắng lợi, có thể tha hồ cướp
bóc. Nhưng những nước lớn như nhà Hậu Tần của họ Diêu thì không thể đánh bại
được. Bởi vậy, phải chọn đánh các nước nhỏ vừa tầm. Chiến tranh xung đột, kéo
dài suốt mấy mươi năm, chờ đến khi người anh hùng có khả năng thống nhất lãnh
thổ xuất hiện, thì những tiểu quốc này cũng từng bước tan rã.
Và
trong số những vị quân chủ này, có mấy người biết chăm lo cho dân chúng khi nạn
đói ập tới. Vị anh hùng tài ba Thốc Phát Khuê, người lập nên vương triều Bắc Ngụy,
trong thời gian chiến tranh với nhà Hậu Yên, khi ông đích thân đi kiểm tra tình
hình ôn dịch đang hoành hành và nghe tướng lĩnh báo cáo rằng cứ mười người thì
có bốn đến năm người chết vì bệnh dịch, ông đã thản nhiên đáp: “Đó là ý trời,
chẳng thể cứu vãn. Cũng may vẫn còn rất nhiều người sống sót để xung quân”. Khi
binh lính thiệt mạng quá nửa, thì dân thường sẽ thế nào? Sử sách không ghi
chép, nhưng chắc chắn nhiều hơn rất nhiều.
Bài
thơ “Bảy nỗi buồn đau” của Vương Xán có đoạn: “Ra cửa nào trông thấy? Xương
trắng ngập đồng sâu. Bên đường có một chị Đói, quẳng con đống lau Đi xa còn
tiếng khóc Gạt lệ không ngoái đầu. Một thân còn chưa chắc Cả hai sống được
sao?[1]” [1] Bài thơ “Bảy nỗi buồn đau” của Vương Xán, Nhượng Tống dịch.
Tấn
bi kịch thảm khốc ấy đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên mảnh đất Trung Nguyên
rộng lớn này. Nhìn vẻ dương dương tự đắc của bọn người nhà họ Lữ, nỗi căm phẫn
trào dâng trong tôi. Vì sao chính quyền lại rơi vào tay những kẻ ác bá này? Vì
sao thứ rẻ rúng nhất trong thời đại này lại là mạng sống của con người?
Lữ
Quang lớn tiếng tuyên bố trước đám đông đang tập trung phía trước lầu trống,
rằng: Cuộc chiến chống quân phản loạn đã giành thắng lợi, tạ ơn ông trời phù hộ
Lương Châu. Cư dân thành Guzang được phép mang theo hộ tịch đến nhận lương
thực. Dân tị nạn chỉ được phát hạt giống phải lập tức trở về quê hương, tiếp tục trồng cấy. Mọi người sẽ được chia lại ruộng đất bị bỏ hoang vì
thiên tai. Dĩ nhiên rồi, Lữ Quang không thể chấp nhận tình trạng thiếu lương
thực cho quân đội vào mùa thu tới.
Đây
vốn là một tin tốt lành, nhưng Lữ Quang có vẻ rất thất vọng, vì sau tuyên bố
ấy, ông ta không hề nhận được những tiếng hoan hô vạn tuế dậy sóng mà ông ta
hằng trông đợi. Lữ Thiệu vội giải thích rằng, nạn dân đều tập trung bên ngoài
thành, hắn sẽ đến đó thông báo tin tốt lành của vua Lương.
Cổng
thành cuối cùng cũng được mở rộng cho thường dân. Hơn hai trăm người trong nhà
chúng tôi, cùng cư dân Guzang ùn ùn kéo nhau qua cầu treo, tiến về phía ngọn
núi bên ngoài thành, nơi tập trung đông dân vùng thiên tai nhất.
Ngọn
núi ở phía Nam thành Guzang ấy không cao, nhưng diện tích đất rất rộng. Mặt núi
hướng về cổng thành, phía Nam có rất nhiều hang động, những người nghèo, không
nơi nương tựa thường trú ngụ ở đó. Đây là nơi mà cư dân Guzang thường xuyên
đến kiếm củi, cũng là nơi tập trung nhiều mộ địa nhất. Thời kì đầu xảy ra nạn
đói, ngày nào chúng tôi cũng có mặt ở đây, nên rất rành rẽ địa hình địa thế.
Nhưng lần này, vừa đặt chân tới nơi, chúng tôi đã vô cùng kinh ngạc: ngọn núi
lúc trước cây cối um tùm tươi tốt là thế, giờ đây không còn sót một gốc cây
ngọn cỏ nào, chỉ còn là một ngọn núi trọc.
Bước
lên mấy bậc đá để vào khu vực hang động đầu tiên. Dọc lối đi là những đống đất
nhỏ, những đống đất ấy thấp có cao có, trồi lên la liệt khắp ngọn núi.
Mấy
chục hang động như đang há những cái miệng rộng đen sì, lạnh lẽo, thâm u, chợt
nhớ tới những ghi chép trong sách “Tấn thư” mà vừa lại gần tôi vừa run sợ. Tôi
dừng lại phía sau Rajiva, túm lấy tay áo chàng, khổ sở van nài: – Rajiva, đừng
đến gần nữa.
–
Sao vậy? Nàng không khỏe ư?
Chàng
dìu tôi, gọi Đoàn Sính Đình đến và giao tôi cho cô ấy chăm sóc.
–
Nàng ở đây nghỉ ngơi, lát nữa ta quay lại.
Sính
Đình đỡ tôi ngồi xuống tảng đá bên lối đi, Rajiva tiếp tục lên cao, hơn hai
trăm nạn dân mà chúng tôi cưu mang cũng vội vã lên theo. Trong số họ, có rất
nhiều người bị lạc mất người thân từ khi có lệnh cấm và đến nay đã hơn một
tháng không được gặp mặt. Tôi dõi theo bóng đám người già trẻ lớn bé ấy, đột
nhiên cảm thấy vô cùng sợ hãi, ngậm ngùi quay mặt đi.
–
Chị Ngải Tình làm sao vậy?
Sính
Đình hốt hoảng kêu lên, rút khăn tay, đặt lên môi tôi.
–
Sao chị lại chảy máu cam?
Tôi
giật mình, kéo chiếc khăn tay xuống nhìn, rặt một màu sẫm đỏ, tay chân tôi bỗng
dưng lạnh toát. Điều tôi lo sợ nhất, đã xảy ra rồi ư?
–
Chị Ngải Tình…
Toàn
thân run rẩy, tôi lấy tay bịt chặt mũi lại, ngẩng lên nhìn Sính Đình:
–
Tôi không sao, đừng nói với ai cả, nhất là pháp sư… Nhác thấy Mộ Dung Siêu và
Hô Diên Tĩnh đang đứng bên cạnh, tôi vội vàng lấy lại vẻ an nhiên, giữ giọng
thật bình tĩnh:
–
Sính Đình, hãy đưa mấy đứa trẻ về nhà, đừng để chúng nhìn thấy…
–
Nhìn thấy gì?
Tôi
trừng mắt nhìn cô ấy, nắm chặt tay, lồng ngực nôn nao cuộn trào, hít một hơi
thật sâu, cố nén cơn buồn nôn dâng lên đến cổ họng, ngước nhìn đôi mắt thanh tú
của cô ấy, thốt ra từng chữ một đầy khó khăn:
-Người…
ăn… thịt… người…
Cô
ấy suýt hét lên, nhưng đã kịp đưa khăn tay lên bịt miệng, rồi trông ra bốn
phía, bỗng cô ấy gào lên kinh hãi. Theo hướng ánh mắt của cô ấy, tôi thấy Sính
Đình đang giẫm lên một mô đất nhỏ, lớp đất phủ tạm bợ đã bị mũi chân cô ấy vô
tình hất tung ra, để lộ một đoạn xương người, hình như là một đoạn chân người.
Mặt
mũi trắng bệch, cô ấy kéo mạnh tay tôi:
–
Chị Ngải Tình, chúng… chúng ta cùng về thôi.
Tôi
lắc đầu:
–
Pháp sư vẫn còn ở đây, tôi phải chờ chàng.
Tôi
gắng nở một nụ cười an ủi:
–
Cô đưa bọn trẻ về đi, chúng tôi sẽ về ngay thôi.
Cô
ấy nhìn tôi lưỡng lự, rồi gật đầu, gọi hai đứa trẻ, căn dặn tôi đôi câu và ra
về. Tôi hít một hơi thật sâu, dặn lòng không được sợ hãi, đứng lên, đi tìm
Rajiva.
Chưa
đến hang động đầu tiên, đã nghe thấy tiếng kêu thất thanh, sau đó, có người lao
ra khỏi động đá. Quan sát kỹ, tôi nhận ra người phụ nữ đó chính là chị Lưu,
từng trú ngụ tại nhà tôi. Theo sau chị là một người đàn ông mà khắp người chỉ
còn da bọc xương, đang chìa tay, chới với kéo chị lại.
–
Sao anh có thể đối xử với Tiểu Tam như vậy…
Một
tay chị túm áo người đàn ông, tay kia ra sức đập lên thân thể người đàn ông ấy,
miệng không thôi gào thét thảm thương:
–
Anh là đồ súc vật, anh đem con mình… anh đổi con mình…
–
Vì tôi không còn cách nào khác!
Người
đàn ông để mặc chị Lưu trút giận dữ lên thân thể mình, tấm thân gầy gò, ốm o ấy
dường như không đủ sức để đứng vững nữa.
Anh
ta ngẩn ngơ nhìn miếng thịt sống trên tay, môi hé mở, răng cửa rụng sạch, để lộ
phần lợi đen sì.
–
Nếu không vì đói đến phát điên, ai nỡ, ai có thể ăn thứ này… Cơn buồn nôn xông
lên mũi, lên cổ, tôi ra sức kìm nén, không dám nhìn thứ trên tay anh ta thêm
phút giây nào nữa, tôi vội vàng bước tiếp. Tôi ngó vào một cửa động khác trên
đường đi để tìm Rajiva, chỉ có vài bóng người đang ngồi vật vờ
ngoài cửa động sưởi nắng. Vào khoảng thời gian chúng tôi tiến hành việc cứu
trợ, mỗi động đá như thế này phải có đến hàng hai, ba chục người chen chúc nhau
náu thân. Giờ đây, trừ những người đã xung quân, ra trận, những người đã chết
đói, mỗi động đá chỉ còn lại chừng bốn, năm mạng người.
Thấy
tôi, mấy người đó đồng loạt ngẩng đầu nhìn, khóe môi họ vẫn còn vệt máu đỏ
tươi. Ông lão ở cách tôi gần nhất, mắt đờ đẫn, chỉ ngước nhìn tôi một cái rồi
lại tiếp tục cúi đầu gặm thứ gì đó cầm trong tay. Khi tôi nhìn rõ ông ấy đang
gặm thứ gì, không chịu nổi nữa, tôi nôn ra cả mật xanh mật vàng. Đó là một cánh
tay, ông ấy đang gặm một cánh tay.
–
Cháu gái, đói không?
Ông
lão vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, chìa cánh tay về phía tôi, lúc lắc bàn tay xám
ngoét của người chết trước mắt tôi.
–
Quanh đây không còn gì để đốt cả, đừng sợ bẩn, ăn thịt sống cũng có thể giữ
mạng…
Tôi
quay đầu, chạy thục mạng, thoát khỏi động đá ấy, ngửa mặt nhìn vầng dương đang
thờ ơ chiếu rọi. Vì sao trời nắng mà tôi không hề cảm thấy ấm áp. Tôi nhắm mắt
lại, nắm chặt tay, hét lên với vầng dương vô cảm ấy. Vì sao tôi phải chứng kiến
thảm cảnh này? Nước mắt xóa nhòa khung cảnh trước mắt, tôi chao đảo, bỗng cánh
tay ai đó đỡ lấy vai tôi. Tôi mệt mỏi quay đầu lại, bắt gặp gương mặt đầm đìa
nước mắt của Rajiva.
–
Ngải Tình, nàng về trước đi.
Chàng
nức nở, toàn thân run rẩy, giọng nói nghẹn ngào:
–
Đừng nhìn nữa…
Tôi
nhìn thấy trên gương mặt từ tâm của chàng chút hơi ấm. Rốt cuộc đã lấy
lại được bình tĩnh, tôi nắm chặt cánh tay chàng, khóc lóc van nài:
–
Em thật đáng trách, em phải biết sự thể sẽ diễn ra như thế này từ lâu rồi mới
phải! Chàng hãy theo em đi về, đừng ở đây thêm nữa…
–
Ngải Tình, nàng đã sớm biết kết cục này, phải không?
Tôi
khóc nấc lên, lẩm nhẩm đọc cho chàng nghe những ghi chép đã giày vò tôi suốt
hơn ba tháng qua:
–
“Khi ấy, giá lương thực tăng cao, năm trăm quan tiền một đấu gạo, người ăn thịt
người, quá nửa số dân đã chết sau nạn đói”.
Tôi
gắng gượng lấy hơi, tay nắm chặt, móng tay cắm thẳng vào da thịt, cơn đau thể
xác ấy sẽ giúp tôi tỉnh táo hơn và có đủ dũng khí để tiếp tục:
–
Rajiva, đối với chúng ta nạn đói này tựa như một cơn ác mộng khủng khiếp và
phải trải qua bao cực nhọc, khổ ải chúng ta mới có thể tồn tại, nhưng nó chỉ được
ghi lại bằng vài con chữ ít ỏi trong sử sách. Nguyên nhân của nạn đói là gì, nó
bắt đầu và kết thúc khi nào, nơi nào hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, tình hình
thiên tai ra sao, bao nhiêu người thiệt mạng, tất cả những thông tin này đều
không được nhắc đến. Bởi vì sao chàng biết không? Bởi vì những trận thiên tai
như thế này diễn ra ở khắp mọi nơi trên mảnh đất Trung Nguyên rộng lớn.
Tôi
ra sức hít một hơi thật sâu, toàn thân như lên cơn sốt rét, khí lạnh lan khắp
cơ thể, giọng tôi run rẩy:
–
Nhưng em không dám nói với chàng vì em không muốn chàng phải chịu đựng kết cục
tàn nhẫn này. “Người ăn thịt người, quá nửa số dân thiệt mạng”, đây không phải
là nạn đói duy nhất. Thảm kịch tương tự sẽ còn tiếp diễn trên đất Lương Châu
này và thậm chí nó còn bi thương hơn thế. Dù là con người của tương lai, nhưng
ngoài việc biết trước những kết cục này ra, em chẳng thể làm gì để thay đổi
lịch sử. Em đã gắng hết sức, thực sự đã gắng hết sức rồi…
–
Ngải Tình…
Chàng
xiết chặt tôi trong lòng, vùi đầu vào gáy tôi, nước mắt chàng chảy xuôi
xuống cổ tôi.
–
Nàng đã khổ tâm biết chừng nào… Từ nay đừng giữ trong lòng, đừng ép mình chịu
đựng tất cả. Chúng ta là vợ chồng, nàng nên chia sẻ cùng ta, bất luận khó khăn,
gian khổ lớn đến đâu, hai ta sẽ cùng gánh đỡ. Nước mắt tôi lã chã rơi trên vai
chàng, thấm đẫm lớp áo nâu sòng đã bạc màu của chàng. Chưa kịp nói gì, bỗng tôi
trông thấy một cánh tay gầy rộc như cành cây khô với lên, nắm chặt lấy vạt áo
Rajiva. Rajiva thất kinh, vội kéo tôi ra phía sau. Đó là một người đàn ông toàn
thân chỉ còn da bọc xương, không sao đoán biết được tuổi tác, đang trong cơn
hấp hối, từng bước lê lết đến chân chúng tôi, gắng gượng ngẩng đầu, giọng nói
yếu ớt:
–
Pháp sư, con sắp chết rồi… ngài có thể tụng kinh siêu độ cho con được không?
Ngài tụng kinh cho con, tích đức giúp con, để kiếp sau con được đầu thai đến
nơi có thể ăn no mặc ấm, ngày nào cũng có màn thầu để ăn, cầu xin ngài…
Cánh
tay túm chặt vạt áo Rajiva từ từ buông xuống, Rajiva vội vàng lật người đó lại,
đưa ngón tay vào sát mũi, nhưng người đó đã tắt thở. Rajiva quay mặt đi, hai
hàng lông mày chau lại, đầy thương tâm. Chàng nhắm mắt lại, hít một hơi thật
sâu, ngồi xuống xếp bằng trông tư thế thiền, lầm rầm tụng niệm, thành tâm cầu
phúc cho con người vô danh ấy. Âm thanh tụng niệm vang trong gió xuân lành
lạnh, trong nắng xuân bàng bạc, trôi đến từng hang đá trên khắp ngọn núi này.
Từ
hang đá sâu nhất đã có người bước ra, họ dìu nhau lại gần Rajiva. Nạn dân
trong các động đá trên cao cũng ùn ùn kéo xuống. Dưới ánh nắng mùa xuân chiếu
rọi, thân thể gầy guộc, thanh thoát của Rajiva tựa như hình hài của một vị Bồ
Tát. Chàng như một vị thánh đang chuyên tâm tụng kinh, từ con người
chàng, toát ra vầng hào quang thánh khiết, và như có sức mạnh của lực hướng
tâm, thu hút những con người vừa thoát khỏi kiếp nạn, lay động tâm can họ,
khiến họ thành tâm quy y.
–
Pháp sư! Xin hãy tụng kinh rửa tội cho con.
Một
người trong số họ bỗng gào lên thảm thiết, quỳ rạp xuống, vừa khấu đầu vừa lê
thân về phía Rajiva, đến trước mặt chúng tôi, người đó cứ dập đầu mãi không
thôi.
–
Con đã ăn thịt ba người, con đã đem con trai con, vợ con và mẹ con để trao đổi.
Phật tổ có thể xá tội cho con không? Con sẽ phải xuống địa ngục, đúng không?
Người
đó vừa dứt lời, những người khác đồng loạt quỳ xuống, tiếng khóc dậy trời, hết
lớp này đến lớp khác, như sóng dội cuộn trào.
–
Pháp sư con cũng đem con trai đi đổi. Con đáng tội chết, con sẽ xuống địa ngục.
Chỉ cầu xin ngài tụng kinh siêu độ cho đứa con tội nghiệp của con…
–
Pháp sư, cả con nữa! Xin hãy tụng kinh cho mẹ con. Lúc sống bà đã phải chịu bao
nhọc nhằn, đến lúc chết còn bị ăn thịt. Cầu mong kiếp sau bà sẽ không gặp phải
đứa con bất hiếu, bất nhân như con nữa…
–
Pháp sư, những người sống sót ở đây, ai mà không từng ăn thịt người, ai mà
không từng mặc quần áo của người chết, ai mà không mất cả gia đình người thân,
chỉ còn lại một mình trên cõi đời này. Những người bỏ mạng trên ngọn núi này
nhiều hơn rất nhiều so với những người còn sống sót… Rajiva lảo đảo đứng lên,
bước đến bên cạnh những người đang quỳ trước chàng, muốn đỡ họ dậy, nhưng không
ai chịu.
–
Xin lỗi, xin lỗi! Ta đã hứa sẽ không để ai chết đói, nhưng đã không thể bảo vệ
chúng sinh, đó là bởi vì ta bất tài vô dụng!
Nước
mắt chàng tuôn trào, chàng cúi gập người xuống, tự đấm vào ngực
mình. Tôi gạt lệ, vội chạy đến kéo chàng lại.
–
Pháp sư, xin ngài đừng tự trách mình, ngài đã gắng hết sức rồi!
Hô
Diên Bình cũng đến đây, anh ta kêu lớn, nước mắt lưng tròng. Theo sau anh ta là
hai trăm con người được chúng tôi cứu giúp. Hô Diên Bình quỳ xuống, những người
phía sau nhất loạt đổ rạp người xuống theo, họ trịnh trọng vái lạy chúng tôi.
Nước
mắt chảy tràn trên mặt, Hô Diên Bình chống hai tay, ngẩng lên nhìn Rajiva:
–
Nếu không có ngài, hơn hai trăm con người sẽ không thoát khỏi số kiếp ăn thịt
người hoặc bị người khác ăn thịt. Chính ngài đã cứu sống chúng tôi, pháp sư,
ngài là cha mẹ đã tái sinh ra chúng tôi. Ân đức này, chúng tôi không bao giờ
quên.
Rajiva
kéo Hô Diên Bình đứng lên, nhưng không ăn thua, chàng tiếp tục kéo những người
phía sau, nhưng không ai chịu nhúc nhích. Chúng tôi đã khóc thương đến tan nát
cả cõi lòng, đứt từng khúc ruột. Ngọn núi trơ trụi không một bóng cây ngọn cỏ
ấy, bỗng chốc như bị rung chuyển bởi những tiếng ai oán dữ dội ấy. Một nhóm
người đi lên từ phía lối mòn. Dẫn đầu là Lữ Thiệu và Lữ Hoằng. Phía sau bọn họ
là Mông Tốn, Đỗ Tấn và Đoàn Nghiệp. Họ đứng đó giữa những thanh âm vang động
núi đồi của tiếng kêu thương chất ngất, ai nấy đều kinh khiếp khi đưa mắt quan
sát số nạn dân còn sống sót và cả người đứng giữa đám đông nạn dân ấy: Rajiva.